Kết quả Tìm Kiếm: Có 292 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'tánh biết & tướng biết'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 09-09-2013
Câu hỏi:
Kính thưa thầy,<p>
Con rất biết ơn thầy vì những gì thầy đã chia sẻ và đã giúp con giải tỏa được những khúc mắt trong lòng con từ mấy năm nay. Con rất vui vì đã được biết đến thầy và trang web này. Xin thầy chỉ bảo hướng dẫn cho con điều đã làm con cảm thấy buồn và tự ti, thất vọng với chính bản than mình, mỗi lần con hiểu được điều gì con luôn thực hành ngay và ghi nhớ nhưng con chỉ duy trì được điều đó trong vài ngày thì tâm con lại lăng xăng với những vọng tưởng và suy nghĩ với những ảo tưởng của tương lai và quá khứ để rồi quên mất hiện tại. Vậy làm sao để duy trì chánh niệm trên thực tại?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bản ngã vốn lăng xăng, nhưng tánh biết luôn lặng lẽ chiếu soi nên khi vọng tưởng con chỉ cần biết đang vọng tưởng là được. Giống như chăn trâu, con chỉ cần biết trâu đang làm gì là được. Người chăn trâu không nên bắt trâu phải quy phục một cách chủ quan theo ý mình mà phải thương yêu và hiểu biết rõ ràng mọi hoạt động cũng như bản tánh của trâu thì mới giúp nó thuần thục và hữu ích được. Tánh biết soi chiếu thân tâm cũng chính là để biết rõ tánh tướng thể dụng của thân tâm hầu vừa trả nó về với thực tánh của nó vừa phát huy khả năng lợi ích cho mình và người một cách tự nhiên.
Nếu con không biết rõ thân tâm mình thì chính là con tự hại chứ không phải ai khác hại mình. Nhưng biết thân tâm trong hiện tại không có nghĩa là phải cố gắng duy trì tâm trên hiện tại với một chủ ý hay một mục đích gì ngoài thấy chỉ là thấy. Cái tâm thấy chỉ là thấy thì không bị buộc phải duy trì vào điều gì, nghĩa là không cho là, phải là, sẽ là gì cả. Ý thức thì cần duy trì trên đối tượng vì có mục đích còn tánh biết thì chỉ thấy mọi sự mọi vật một cách khách quan trung thực như nó đang là thôi chứ không thêm bớt gì cả. Trọn vẹn với thực tại khác với duy trì trên thực tại, con có thấy ra điều đó không?
Ngày gửi: 20-08-2013
Câu hỏi:
Xin Thầy hoan hỷ vạch rõ những vướng mắc sau để chúng con khỏi lầm đường tu: <p>
Do nhân duyên sinh khởi, Thân người được hình thành từ tứ đại, chết lại trả về với tứ đại. Còn Tâm từ đâu sinh ra? Nó sẽ đi về đâu? <p>
Tánh biết là tự tánh của tứ đại hay tự tánh của tâm?<p>
Khi tánh biết đã trọn vẹn (rỗng lặng trong sáng) thì tâm đang ở đâu? Nó vẫn núp ở đâu đó hay hoàn toàn không còn cái gọi là tâm? Xin cho ví dụ cụ thể ạ. <p>
Vạn vật trên thế gian đều do duyên mà sinh có tướng, con người có cái gọi là "Tâm" để quan sát nên tìm lại được tự tánh vốn có của mình mà tu, mà chứng ngộ, viên mãn thì đoạn duyên trần nên không còn sinh Tướng. Lúc này là đã đoạn tất cả các duyên hay vẫn còn duyên gì khác. Ví dụ như đức Phật, sau khi đã chứng ngộ viên mãn thành Phật thì cái gọi là duyên còn hay mất (dù ở dạng phàm phu hay thánh hay 1 cõi khác)? <p>
Cây cối hoa lá: có tâm? có tánh biết không ạ? <p>
Con xin thành kính tri ân Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tướng của tứ đại do duyên sinh mà thành vạn vật, nên vạn vật có sinh có điệt. Nhưng tánh của tứ đại tự có nên không sinh không diệt, do đó thân tứ đại tuy sinh diệt nhưng vẫn trở về với tứ đại.
Tướng của Tâm do duyên tiếp xúc căn trần mà sinh, nên cũng do hết xúc căn trần mà diệt, thí dụ như tâm tham, sân, si, ngã kiến, ngã mạn... có sinh nên phải có diệt. Tánh của tâm chính là tánh biết, không do tứ đại sinh mà thậm chí còn sinh ra tướng của tứ đại. Tánh biết này không do duyên sinh vì nó tự có, không do duyên diệt vì nếu diệt thì không thể biết lại ngay. Khi tánh biết bị một trong những tướng ngăn ngại liền trở thành cái biết thì cái biết rơi vào duyên sinh nên cũng có sinh có diệt. Như vậy tâm có hai phần: Phần tướng ứng ra bên ngoài thì có sinh có diệt, phần tự tánh bên trong thì không sinh không diệt. Ví như sóng và nước, tướng sóng do duyên mà sinh nên có sinh diệt, nhưng tánh nước của sóng thì vẫn là nước.
Khi tánh biết trọn vẹn trong sáng thì tâm trở về trạng thái thanh tịnh nên gọi là tâm bất sinh. Thí dụ như khi tâm không còn các tướng tham sân si thì liền trở về bản chất rỗng lặng trong sáng, tức tất cả tướng đều trở về tự tánh.
Đối với tâm đã giác ngộ tức tất cả duyên tạo tác đã trở về tánh giác nên hoàn toàn không còn duyên sinh tạo tác, còn duyên tự nhiên trong sự vận hành của pháp thì những khái niệm còn, mất, vừa còn vừa mất, không còn không mất... đều không thể áp dụng được. Ví như mọi khái niệm của con nòng nọc ở trong nước không thể áp dụng cho bản chất thật của hư không.
Cây cối lá hoa đều có tánh biết tự nhiên dưới dạng bản năng như biết mọc rễ, đâm chồi, ra hoa, ra lá... Tuy có tánh biết nhưng chưa phát triển tình cảm và lý trí theo kiểu tâm người nên còn rất đơn sơ mộc mạc, vì vậy vẫn còn xem là chúng sinh vô tình. Tâm cây cỏ hoạt động thế nào thì chỉ có cỏ cây mới tự biết. Do đó, muốn biết tâm cây cỏ thì trước hết mình phải tự biết tâm mình.
Ngày gửi: 16-08-2013
Câu hỏi:
Thưa thầy, con có 1 vấn đề xin được hỏi thầy. Đó là về việc quan sát. Sau những lần thực tập và trải nghiệm, con thấy thật lạ.<p>
Khi con không có chủ định tìm hiểu rõ tâm mình, những ham muốn hay cảm xúc hay suy nghĩ của mình, con chỉ đơn thuần tôn trọng, để nguyên nó như vậy và quan sát, thì con thấy được rất nhiều cái đột ngột xuất hiện. Những phát hiện rất mới. Ví dụ, tại sao khi đắm chìm vào cảm xúc thì cảm xúc tăng, khi cố kiềm nén thì cảm xúc cũng tăng, nhưng khi quan sát được thì cảm xúc lại biến mất... <p>
Con cảm thấy rất hứng khởi với những phát hiện đó, nên con muốn tìm hiểu nó rõ hơn, sâu hơn... Nhưng ngay sau đó, con giống như bị bịt tắt, không quan sát được, không thấy được gì hết... <p>
Đến khi con buông xuống, không có ý định gì trong đầu... thì một vài điều lại dần dần hiện ra trở lại... Con thấy điều này thật lạ và cũng thật hay.<p>
Con mong được thầy giải thích cặn kẽ hơn cho con hiểu. Và con cũng thắc mắc, liệu ta có thể ứng dụng điều này như thế nào vào những vấn đề khác trong cuộc sống. Khi mà có quá nhiều rắc rối: giáo dục, kinh doanh, tình cảm,... Khi mà ai ai cũng muốn hiểu rõ hơn vấn đề nhưng đa số vẫn lâm vào bế tắc, và phải chấp nhận một giải pháp hạn chế. <p>
Con thấy giống như là, khi mình không còn cố gắng giải quyết cái gì hết thì tự nhiên giải pháp hiện ra. <p>
Con rất mong được thầy chỉ dẫn. <p>
Con cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chúc mừng con đã phát hiện ra hoạt động của tánh biết tự nhiên. Điều này thầy có trình bày trong chương 1, Sống Trong Thực Tại. Khi quan sát một cách tự nhiên vô tâm và giản dị thì tánh biết sẽ phát huy sự sáng tạo của nó, vì vậy nó phát hiện được những sự thật rất mới mẻ. Nhưng khi con cố ý xem xét thì những khái niệm cũ kỹ của "cái ta lý trí" xen vào và làm cho thấy biết bị che mờ và lâm vào tình trạng bế tắc. Tánh biết tự nó vốn tịch nhiên và trong sáng khi không bị khống chế bởi bất kỳ áp lực nào, nhất là áp lực muốn biết và muốn được.
Có hai thái độ thấy biết: Một là thấy biết vô vi, vô ngã, nên không cần dụng công, đó là tri kiến thanh tịnh của tuệ tri, thắng tri và liễu tri. Hai là thấy biết hữu vi, hữu ngã, xuất phát từ sự dụng công của cái ta lý trí, đó là thấy biết qua khái niệm, tư tưởng, kiến thức vay mượn của tưởng tri và thức tri. Cho nên "học đạo quý vô tâm" là vậy. Vô tâm ở đây có nghĩa là tâm rỗng lặng trong sáng tự nhiên, không bị ý đồ của cái ta lý trí quấy rầy. Cố ý thì tạo nghiệp, còn vô tâm là duy tác. Đó là lý do vì sao toàn bộ giáo pháp của đức Phật đặt trên nền tảng không, vô tướng, vô tác, vô cầu.
Khi cố ý thì đã tự phân ra năng sở, mà đức Phật gọi là tự chẻ đầu làm hai trong bài kệ Pháp Cú 72: "Quả thật điều nguy hại, người ngu sinh sở tri, hủy phần sáng của mình, tự chẻ đầu chính nó". Và cũng thấy ra điều này, một vị thiền sư đã nói: "Cố ý ươm hoa hoa chẳng nở, vô tình tiếp liễu liễu xanh um". Con nhận ra điều này là một bước ngoặc quan trọng trong hành trình khám phá sự thật, để thoát khỏi ý đồ của cái ta ảo tưởng, nghĩ rằng có thể đạt được sở tri và sở đắc lý tưởng bằng nỗ lực của mình.
Ngày gửi: 09-05-2013
Câu hỏi:
Thưa thầy, xưa nay cảnh vật, con người luôn thay đổi liên tục, nhưng ta lai đem cái bản ngã nhìn mọi vật nên không theo kịp sự thay đổi, dần dần tạo thành thói quen và thành kiến. Để theo kịp sự thay đổi chỉ có chánh niệm, tỉnh thức, khi đó sẽ thấy sự vật đúng mà không cần bản ngã xen vào, những lúc như thế con thấy không dính mắc gì, mà không dính mắc thì không tạo nghiệp, tâm sẽ không bị ràng buộc, không tạo mầm mống phiền não trong tiềm thức. Con muốn hỏi thầy xem con thấy đúng không a, con tu tập mà chưa tìm được một vị thầy, với con còn trẻ nữa, con rất thích nghe thầy thuyết pháp, tiếc là thầy ở xa, con chưa có duyên để gặp thầy mong thầy nhiều sức khoẻ ạ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con tuy xa thầy mà lại gần, vì con đã thấy đúng và sống đúng như những gì thầy nói. Chỉ vì nhiều người không thấy ra điều này mà cứ mãi đem cái ngã để tu, để hành, để biết, để đắc... để rồi cứ loay hoay trong sinh tử mà tưởng đã "nắm" được lý tưởng của mình, ngờ đâu còn "nắm" là còn phiền muộn khổ đau. Chúc mừng con.
Ngày gửi: 22-03-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy! Xin Thầy cho con hiểu thêm. Khi tâm rỗng lặng, trong sáng thì mình thấy rõ, thấy đúng sự thật, thì trí tuệ tự nó phát sáng, tự nó sẽ cho ta biết phải làm gì với thực tại hiện tiền, phải không Thầy? Nếu vậy thì con nghĩ với tâm rỗng lặng vô tham, vô sân, vô si của mọi người như tờ giấy trắng như nhau, như vậy trí tuệ của mọi người đều bằng nhau cả, không ai thông minh, trí tuệ hơn ai sao! Nhưng thực tế con thấy không phải vậy. Con không hiểu vì sao cùng với tâm rỗng lặng, mà mỗi người lại trí tuệ khác nhau, trí tuệ do đâu mà có? Hiểu được bản chất của trí tuệ thì dễ dàng phát huy trí tuệ hơn phải không Thầy? Con xin tri ân Thầy đã giúp con thêm hiểu biết!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bản chất của tánh biết rỗng lặng trong sáng thì giống nhau, trí tuệ này được gọi là vô sư trí. Còn trí tuệ do trải nghiệm, chiêm nghiệm và học hỏi từ pháp thì tuỳ căn cơ trình độ khác nhau, trí tuệ này gọi là hậu đắc trí.
Ngày gửi: 08-01-2013
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy!<p>
Con là một Phật tử. Từ trước đến nay con chưa bao giờ thử hành thiền lần nào. Con may mắn được nghe Pháp Thầy giảng trên mạng, và con thấy phương pháp thiền Thầy hướng dẫn thật tiện ích vì nó mọi lúc, mọi nơi.<p>
Thầy ơi, khi con ngồi đọc sách, tâm con tự nhiên thất niệm, khoảng một vài giây thì con sực tỉnh rồi ngắm (vẫn nhận biết là nhìn nhưng hơi mơ hồ, nhanh quá không thấy được sự sinh diệt của nó) cái suy nghĩ phóng dật đó. Rồi ngắm không biết đã trọn vẹn chưa thì nghe tiếng xe ở đâu đi qua, tâm con lại hướng qua tiếng xe đó. Nó cứ liên tục như thế bằng những đối tượng khác xung quanh, nhiều khi đọc cuốn sách có một đoạn mà mấy cũng không xong. Không biết cái tâm chụp bắt loạn xạ thế có đúng phương pháp không ạ? Đôi khi con nghĩ "cái nhìn ngắm đối tượng một cách tự nhiên" không phải dễ chút nào. Xin cho con một lời khuyên khi "sự nhìn ngắm đối tượng một cách tự nhiên" còn mập mờ ạ.<p>
Con cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu con khởi tâm nhìn ngắm một pháp thì pháp đó trôi qua mất rồi, huống chi ngắm kỹ nữa thì khó mà thấy pháp như nó đang là được. Tánh biết thấy pháp là việc tự nhiên nên nó không cần dụng ý dụng công, chỉ có "người muốn biết" mới có dụng ý và phải dụng công. "Người muốn biết" chính là cái ta ảo tưởng, khi nó xen vào tánh biết thì cái biết trở nên chủ quan và trì trệ, khó thấy được pháp như nó đang là.
Cứ để tâm tự nhiên mà thấy thì tánh biết tự biết điều chỉnh cái thấy cho thích nghi với mọi đối tượng của nó. Đừng cố gắng nhìn, nghe... để nắm bắt điều gì vì lúc đó khái niệm đã xen vào, mà khái niệm đi trước thì cái thấy bị trì trệ và không còn trung thực được nữa nên cái thấy không thể đồng nhất với pháp trên tính chất chỉ có duy nhất tại đây và bây giờ (thời, vị và tính) của nó. Tự nhiên, vô tâm (không trước ý) và giản dị là bí quyết mà cũng là phẩm chất của tánh biết đối với vạn pháp.
Ngày gửi: 14-11-2012
Câu hỏi:
Bạch thầy, tánh biết luôn có sẵn trong mỗi con người chúng ta, khi ta tham, sân, si, nếu chánh niệm ta biết ta tham, ta sân, ta si. Ngược lại, nếu ta chánh niệm ta vẫn biết ta không tham, không sân, không si. Vậy tánh biết về bản chất là gì? nó thuộc về tâm nào trong các loại tâm, muốn cho nó khỏe mạnh mình nên cho nó ăn thức ăn gì? Sao con rối quá. Mong thầy từ bi giảng cho con. Đội ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tánh biết chính là bản chất của tâm, vì tâm có nghĩa là biết pháp, hay nói cách khác cụ thể hơn là danh biết sắc. Tánh biết không những có mặt trong tất cả tâm hữu thức mà còn bao gồm cả phần hoạt động của bhavanga - tiềm thức và vô thức. Vậy tất cả các loại tâm biểu hiện ra ngoài thuộc về tánh biết chứ không phải tánh biết thuộc về loại tâm nào. Cũng như tất cả các loại sóng đều thuộc tánh nước chứ không phải tánh nước thuộc về loại sóng nào.
Nhưng sao con lại muốn định nghĩa tánh biết là gì, trong khi mỗi ngày con vẫn dùng nó? Đừng quan tâm nó là gì, có hay không, mà đơn giản là chỉ cần trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thì lập tức ngay đó tánh biết liền biết pháp hoàn toàn trung thực. Nhưng nếu con khởi lên ý muốn định danh tánh biết thì liền bị cái ta lý trí che lấp chẳng khác nào mây đen che vầng nhật nguyệt!
Ngày gửi: 29-09-2012
Câu hỏi:
Con xin thành kính đảnh lễ Thầy! Dạ thưa Thầy cho con hỏi, con đang trải qua một trạng thái nhờ Thầy chỉ dạy cho con được rõ. <p>
Nó như thế này: thỉnh thoảng ai đó nói chuyện với con nhưng con không theo kịp, tức là nghe rõ từng từ một như bình thường để nối thành một câu và từ câu đó mình hiểu ý nghĩa và mình sẽ trả lời lại. Nhưng một lúc sau rất nhanh có thể nói là trong khoảnh khắc con hiểu được họ nói gì. Không biết đây có thể gọi là tánh biết không thưa Thầy hay là một cái gì khác? Xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con được rõ. Con xin thành kính tri ân Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có đôi lúc phải lắng nghe với ý thức thật cao mới hiểu người ta nói gì, nhưng cũng có đôi lúc không cần ý thức mà tánh biết vẫn hiểu bằng "vô thức" của nó. Bởi vậy mà tánh biết mới ứng được ra sáu thức, đồng thời khi sáu thức không làm việc nó vẫn âm thầm làm cái việc "biết pháp" của nó.
Ngày gửi: 22-06-2012
Câu hỏi:
Thưa thầy, khi hành thiền có cần phải phân biệt rõ hai phần, đâu là tánh biết và đâu là pháp được thấy bởi tánh biết hay không? Trong 2 phần thì chỉ nên chú trọng phần tánh biết còn pháp thì không quan trọng phải vậy không thưa thầy? Con cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi tâm hoàn toàn Chánh niệm Tỉnh giác thì tuệ thấy rõ chỉ có danh sắc hay nói cách khác là thấy không có bản ngã, chỉ có tánh biết đang thấy pháp mà thôi. Và khi đó con đâu cần phân biệt gì, cứ để tánh biết thấy pháp thì mọi tuệ tiếp theo sẽ cho con biết tất cả.
Ngày gửi: 18-06-2012
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy!
Cái nhìn, cái thấy, cái nghe, cái xúc v.v... mà không có ai trong đó là cái nhìn, thấy, nghe, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, ăn uống, làm việc... đều tĩnh lặng trong sáng phải không ạ? <p>
Xin Thầy chỉ dạy!
Con kính lễ và tri ân Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi sự thấy nghe và mọi hoạt động thân tâm đều rõ ràng vô ngã thì tánh biết rỗng lặng trong sáng, hay nói cách khác là khi tánh biết rỗng lặng trong sáng thì mọi thấy nghe, hoạt động của thân tâm đều rõ ràng vô ngã.