loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1797 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 26-03-2019

Câu hỏi:

Kính bạch Sư!
Con là Phật tử tại gia, 39 tuổi. Đã theo học Phật được 6 năm. Phương tiện của con là quay về sửa tâm làm gốc. Trong 6 năm cố gắng "tu luyện để trở thành" trải qua biết bao bài học khó khăn chiến đấu với chính mình tâm con đã vững vàng và bám trụ vào ly khổ đắc lạc. Con luôn cho rằng mình đã thấy được cứu cánh và âm thầm cố gắng tu sửa từng ngày mong đến cuối đời sẽ được giải thoát.

6 năm trước con rất ấn tượng khi nghe bài Thực tại hiện tiền của Thầy nhưng có lẽ lúc đó con còn nhiều bụi trong mắt nên chưa thấy ra "sự thật".

Tháng 12 AL vừa rồi khi con lên mạng và đủ phước duyên nghe Thầy khai thị ngay điểm con đang vướng mắc. Con hoát nhiên đại ngộ ra "Sự Thật" mà con chưa bao giờ chạm tới trong 6 năm tu học của mình. Thì ra sửa tâm vẫn chưa phải Gốc vì khi đó Tâm đã hình thành qua tiến trình ngũ uẩn. Con cứ loay hoay sửa ngọn thì chỉ là tạm thời. Con hoan hỷ vô cùng như thể đang ở thời còn đức Phật tại thế vì con biết rằng đây là cốt lõi ý Phật muốn nói và Thầy đã hiểu. Con hiểu ra chữ "Buông" mà đức Phật muốn nói chính là Buông cái Ta ảo tưởng mới là gốc, trong khi trước kia con cứ buông cái này cái kia cái nọ nhưng gốc không thấy nên cứ ráng tu buông hoài mà không hết. Và chữ "Không" trong Phật Pháp chính là "trống không", nghĩa là huyễn có, không rơi vào nhị nguyên. Tận cùng của bản ngã chính là cái ngũ uẩn "trống không". Ngay đó cái đại ngã cũng rơi rụng. Đến đây thì rốt cuộc chỉ có 12 xứ 18 giới hoạt động ngay chính trên mỗi người nên không còn chỗ bám víu. Vấn đề còn lại là từ nay sống với sự tỉnh thức này và trọn vẹn với các Pháp đến đi. Con chắc rằng đây mới là cứu cánh và con đường giải thoát của chư Phật. Con xin đảnh lễ và tạ ơn Thầy vì nhờ có Thầy âm thầm miệt mài quay bánh xe Pháp mà nay Pháp đã đến với con.

Tuy tự tánh con đã ngộ nhưng chông gai phía trước con biết không dễ dàng. Con kính mong Thầy hãy luôn quay bánh xe Pháp trên mọi phương tiện cho Phật Tử chúng con có thêm cơ hội tu học đúng hướng.

Con không biết có nên chia sẻ với huynh đệ về đạo Mẫu của con không vì mọi người vẫn đang thành tựu theo hướng trở thành. Biết rằng mọi người rất thương con và cũng nhờ có con đường cùng nhau 6 năm qua mà nay con mới thấy Đạo.
Kính mong Thầy cho con lời khuyên. Con xin cám ơn Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 25-03-2019

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy,

Con thấy có nhiều người khi tu thì muốn đắc, muốn đạt, ví như vào được sơ thiền hay tứ thiền. Và nhiều trường thiền dường như cũng có sự chứng nhận cho điều này, nếu phát thêm cái bằng nữa là giống như trường học hay trường dạy nghề ở ngoài đời vậy.

Lần đầu tiên con đến chùa là vào một buổi chiều để tham dự khóa học thiền Thầy chỉ dẫn, tự dưng bao nhiêu chuẩn bị này kia về cách ngồi thiền, hít thở... đều vỡ tan. Chẳng có gì cả. Chẳng có gì khác thường cả. Cũng như sau này con thấy ra sự vô thường là bình thường, và thiền cũng y vậy.

Thiền không thể bị nhốt vào cái khuôn hay nhằm đạt được bất kỳ mục đích nào. Bao nhiêu người cầm cây quậy tung hồ nước rồi cùng nhau bày cách này cách khác để làm trong mặt hồ, rồi lại muốn được công nhận đã đạt được cấp độ trong bao nhiêu.

Sau 1 tháng làm công quả ở chùa ra, tự dưng con có khả năng đánh cờ rất hay, con đánh thắng những người rất giỏi mà không cần phải suy nghĩ. Khi người chơi đi một nước thì con lại thấy rõ những nước ứng phó ra sao rồi đi chứ không cần tính xem nếu a thì b... thế nào. Sau này khi con không còn khả năng đó nữa, con đặt câu hỏi nếu lúc đánh hay vậy sao không đi thi hay thách đấu nhiều người để nổi tiếng? Thì con nhận ra là lúc đấy trong con không hề khởi lên ý niệm đó, vẫn biết thắng thua rõ ràng nhưng không hề thấy mình tài giỏi gì để chứng tỏ cả.

Là người học đạo, con hiểu ai cũng có bài học của riêng mình, minh hay vô minh, đạt hay không đạt, muốn hay không muốn cũng đều đúng như vậy. Trong phạm vi cùng là học trò Thầy, con xin phép thưa trình đến Thầy và chia sẻ với anh em huynh đệ về vẻ đẹp của sự bình thường, của nguyên sơ cái hoa ngọn cỏ ven đường giữa muôn trùng cuộc sống mà con may mắn nhìn thấy.

Dạ con xin cảm tạ Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 23-03-2019

Câu hỏi:

Dạ còn một điều nữa từ khi con quay về quan sát chính mình thấy ra tâm mình đang có vấn đề gì. Dường như con biết cảm thông hơn rất nhiều so với trước đây, không còn trách móc hoặc khó chịu khi thấy một việc gì đó trái ý nghịch lòng. Bởi con đã đặt bản thân mình vào họ ngay trong lúc đó, duyên như vậy hoàn cảnh như vậy thì con cũng sẽ như họ thôi. Những việc nhỏ nhặt thì con thấy rằng không còn khó chịu nữa, còn việc gì mà con cảm thấy tâm rất bất bình thì con liền suy nghĩ đặt mình vào trường hợp họ. Nó giúp con dễ dàng chấp nhận hơn mọi thứ. Như vậy có đúng không thầy, mong thầy chỉ dạy thêm giúp con! Một lần nữa con xin trân thành cám ơn Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 23-03-2019

Câu hỏi:

Dạ thầy ơi! Nay con sẽ không hỏi thầy đâu, con chỉ muốn chia sẻ tâm sự của con đến với thầy. Có lần gần đây thôi, con đã tâm sự với thầy rằng cứ mỗi lần con bi quan, chán nản thì pháp của thầy đã giúp con đứng lên lại nhưng mà không hiểu sao tâm con vẫn trơ trơ không cảm thấy biết ơn. Thầy đã nói con cứ sống đúng pháp là được. Rồi con vẫn tiếp tục tìm sự giúp đỡ của thầy mỗi ghi con gặp gúc mắc, thầy đã trả lời giúp con. Vài ngày gần đây, sự chán nản bi quan do trầm cảm đến với con nhưng lập tức con cảm nhận được sự chuyển đổi từ thái độ sợ hãi trốn tránh sang thái độ dám đối diện với khổ đau. Thầy biết con nhờ gì không? Đó là những lá thư trong Tuyển tập thư thầy, những lời dạy trong tấm postcard "Cứ để mây bay", và những lời giảng của thầy,... Khi con muốn buông xuôi lập tức con nghĩ đến những lời dạy này trong con liền vững vàng hơn. Lúc chiều nay, tâm con nhẹ nhàng và con cảm nhận được sự mang ơn sâu sắc đối với thầy, Thầy ạ. Ngay lúc đó trong con cũng có một tâm trạng mà con nghĩ giống như các vị đệ tử chưa thực chứng đạo quả đã khóc thương khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Đó là cảm giác mà con hiểu rằng con đang có một chỗ dựa tinh thần vững chãi mà chỗ dựa đó là Thầy có thể ra đi bất kì lúc nào. Có lẽ duyên của con với chánh pháp không đủ sâu để con gặp được pháp đích thực mà Đức Phật đã chỉ ra cho chúng sanh và giờ đây được thầy chỉ lại cho hàng Phật tử chúng con. Nếu như con không gặp được thầy có lẽ con vẫn tiếp tục chạy theo sự lăng xăng của bản ngã từ trường thiền này đến trường thiền kia để thoát khỏi khổ đau do trầm cảm mang lại đã hơn 8 năm. Nói đến đây chỉ là con biết mặc dù muộn nhưng con vẫn cảm thấy mình là người rất may mắn vì đã có duyên lành gặp được chánh pháp thực sự thầy ơi. Và giờ con cũng cảm nhận được rõ ràng hơn thì ra khi tham sân si đố kỵ ganh tỵ,...có mặt kẻ đầu tiên đau khổ chính là bản thân con chứ không ai khác. Con cũng đã giả dụ nếu như cuộc đời này bản chất không phải là vô ngã đi, mà là từ tiểu ngã thành đại ngã thì con nhận ra rằng cái bản ngã đối với nó không bao giờ là đủ thầy ạ. Như khi bản ngã nó muốn nó trở thành một người tài giỏi trong lĩnh vực nào đó thì cho dù khi nó đạt tới đó cũng có một đống cái bản ngã khác ngang hay cao hơn nó. Và rồi nó lại tìm cách vượt qua những cái ngã cao hơn, lại rơi vào vòng luẩn quẩn tự cao hoặc tự ti , chính cái bản ngã dẫn dắt để rồi tự nó chuốc khổ đau cho mình thầy ạ. Giờ đây con đã hiểu được mục đích cuộc đời mình được sinh ra chỉ để thấy ra được bản chất thực sự của pháp là vô ngã. Mặc dù chưa thực chứng thực sự mà chỉ là lúc thì thấy không có ngã, lúc thì bị bản ngã kéo đi quên mất chính mình. Thầy ơi! Khi nhận ra được con đã mày mắn biết chừng nào khi gặp được chánh pháp đã biến dạng sau mấy ngàn năm. Đối với con bây giờ khoảng thời gian tới là khoảng thời gian rất quan trọng đối với con vì con biết thầy vẫn đang còn ở lại với hàng Phật tử chúng con. Con xin thành kính tri ân thầy! Người đã giúp con thấy ra được con đường chánh pháp! Con chúc thầy luôn mạnh khoẻ để giúp đỡ soi đường cho chúng con trên con đường tu tập.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 23-03-2019

Câu hỏi:

Dạ thưa thầy!
Con lại sai nữa rồi, ngày xưa vật chất không đầy đủ như bây giờ mà các vị ngày ấy còn chăm lo được cho cha mẹ.
Con thấy là làm gì không quan trọng, quan trọng là con có "vô ngã" hay không? không phải cứ vô ngã thì nghĩ con làm mọi việc hợp lý, nhưng cái đúng chỉ có khi thấy ra cái sai. Vậy cái gì con đang cho là đúng con cứ làm, khi nào thấy sai con điều chỉnh, cứ vậy cứ vậy mà sống.
Thưa thầy! mấy hôm trước con ghé ngang một khu dân cư sầm uất, trong con khởi lên tâm chán chường vì thấy xã hội ngày càng phân hóa giàu nghèo, có chút mặc cảm, chút phân bua... qua đó con mới thấy nếu con cứ đòi đi về một chốn an bình (trong mơ tưởng của con, mà chắc rằng chẳng có) thì con không có cơ hội phát hiện các tâm ấy trong con còn tồn tại như thế nào.
Dạ thưa thầy, vậy mọi chuyện dù sai hay đúng đều không có ý nghĩa gì lớn? Điều có ý nghĩa duy nhất với bản thân con bây giờ là con có thấy tâm con sinh khởi không? có hiểu mình không?
Thưa thầy, những lời con viết ra đây đó cũng là những lời pháp con nghe thầy giảng, nhưng mà con lúc nhớ lúc quên, lúc hiểu khía cạnh này, lúc hiểu khía cạnh khác.
Con xin chúc thầy sức khỏe và có một chuyến hoằng pháp thuận lợi bình an!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 20-03-2019

Câu hỏi:

Con thành kính đảnh lễ thầy.
Thưa thầy con đã thấy ra nguyên lý đoạn tận khổ. Thực ra khổ là phần rất nhỏ trong toàn bộ hoạt động đời sống của một người. Tập đế và khổ đế không phải là hai sự kiện riêng lẻ mà là một trong một chuỗi của tiến trình tâm. Khổ chỉ cái ngọn của hoạt động tướng biết, là cái ngọn của cái khởi lên xuất phát từ tiến trình tâm tự hư cấu. Đoạn tận khổ thì phải làm cho tướng dụng của tâm (tướng biết) đúng như thực, cụ thể là tánh biết soi sáng giúp cho ý thức nhận biết pháp đúng như những gì mà mắt, tai, mũi, lưỡi, thân cung cấp. Tánh biết giúp tướng biết thanh tịnh thì thực ra chủ yếu là thấy ra cái khởi lên tự hư cấu của tiến trình tâm. Vì cái này là cái làm hỏng đi tướng biết trung thực. Khi tướng biết hoạt động trung thực thì khổ biến mất vì cơ chế đưa đến khổ không còn nữa.
Về lý là như vậy nhưng trên thực tế thì đơn giản hơn. Tánh biết rỗng lặng, trong sáng ngay trên thân, thọ, tâm, pháp. Cái hư cấu tự khởi lên hay phản ứng trên đối tượng bên ngoài hay nó tự phản ứng trên chính nó mà thấy nó như nó đang là thì hư cấu khởi lên từ tiến trình này sẽ tự diệt đi. Con nhận thấy trong sự điều chỉnh này thì tánh và tướng đều quan trọng. Tướng biết phải trải nghiệm thì mới không bị lừa, tánh phải phát huy thì mới giúp tướng đủ sáng suốt mà không nhầm lẫn. Con thấy điều này là chỗ vi tế hơn một chút đúng với câu nói của thầy: “Tu là điều chỉnh nhận thức và hành vi”.
Khi một người phải sống với những thuận cảnh, nghịch cảnh trong đời thì đó chính là cái duyên bên ngoài khi được đưa vào trong làm cho tiến trình tập đế, khổ đế khởi lên nhờ vậy mà tánh biết phát hiện ra được cái gì đang thực sự diễn ra nơi thân, thọ, tâm, pháp. Vì vậy mà thầy nói: “Cuộc đời là một trường thiền, sống trong cuộc đời ý nghĩa thực sự chỉ có một, đó là học ra bài học mà pháp đem đến cho mỗi người”.
Tóm lại khổ không phải ở bên ngoài mà nó ở ngay sân khấu tâm của chính mình. Con có nhiều bài muốn chia sẻ với mọi người nhưng vì thầy quá nhiều việc nên con hạn chế tối đa, mong thầy thông cảm.
Con xin cám ơn thầy đã đọc
Con xin chào thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 17-03-2019

Câu hỏi:

Con xin thành kính đảnh lễ Đức Phật,
Con xin thành kính đảnh lễ Thầy,
Kính bạch Thầy,
Con có một người bạn rất tốt bụng, hiền lành nhưng có một cái bệnh là thích chơi game. Đến nỗi là lúc ăn cơm với gia đình, đến đêm đi ngủ vẫn chơi. Cả nhà góp ý nhiều lần nhưng vẫn không thay đổi được.
Con thấy cái quan trọng là chỉ cho bạn con thấy ra được sự thật để anh ấy tự điều chỉnh hành vi, thay là vì bắt anh ấy thay đổi trước.
Con có làm bài thơ gửi tặng bạn con và chia sẻ với bạn bè đồng đạo. Con kính xin Thầy từ bi chỉ bảo thêm cho chúng con ạ.

Chơi game

Bởi mê mải chơi game
Nên lãng quên hiện tại
Cả nhà đang ăn cơm
Bố vẫn nghịch điện thoại.

Chơi gì cũng có ích
Nếu tỉnh thức thảnh thơi
Trọn vẹn từng giây phút
Mỗi lúc một việc thôi.

Nghiện game hay nghiện thuốc
Cũng là bị lệ thuộc
Cả bầu trời bao la
Cớ sao thích ràng buộc.

Thích chơi thì cứ chơi
Nhưng hãy nhìn cho rõ
Cuộc sống chỉ an lạc
Khi sáng suốt tự do.

Con xin thành kính đảnh lễ Thầy
Con

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 16-03-2019

Câu hỏi:

Con thành kính đảnh lễ Thầy.
Con nghe pháp và thấy ra cuộc đời này không khổ đau mà là do bản ngã tham sân si của ta làm ta khổ khi ta dính mắc vào... đó là cốt lõi của Phật pháp. Nên con sống đúng theo tinh thần:
Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động không sầu
Tự tại và vô nhiễm
Là phúc lành tối thượng.
Cứ sống đúng tốt trong mọi hoàn cảnh là tùy duyên thuận pháp. Tâm mình biết là được, chứ không phải mong cầu sự nhìn nhận quan tâm của người khác.
Con kính trình pháp với Thầy. Kính xin Thầy chỉ dạy cho con.
Con cảm ơn Thầy. Kính Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 16-03-2019

Câu hỏi:

Thưa Sư, Sư là một vị Thầy đáng kính và từ bi, và khéo dạy cho chúng cư sĩ chúng con, con xin cám ơn Sư. Sư đã rất khéo giảng từ hai quyển sách Thực Tại Hiện Tiền và Sống Trong Thực Tại, Sư đã khéo dạy Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo trong ấy.
Và thưa Sư, 5 uẩn chỉ làm việc đúng trách nhiệm và bổn phận của nó do cái này có thì cái kia có mà thực chất nó không hề có thực thể, và đau khổ là do ta không nhìn thấy được sự vận hành của 5 uẩn rồi bám chấp vào 5 uẩn, và rồi làm sai nên nó đưa đến cái âu lo, sợ hãi và khổ đau. Chỉ vì không nhìn thấy sự thật, nếu ta không làm sai nữa thì cái kết quả ta nhận được là sẽ không còn âu lo, sợ hãi và khổ đau. Con xin cám ơn Sư.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 15-03-2019

Câu hỏi:

Kính Thầy, cho con xin trình pháp ạ.

Con đã nghỉ công việc gắn bó lâu năm, và đang thất nghiệp. Con cũng đã ly hôn vài năm. Trừ khi về quê thăm gia đình thì còn lại con ở một mình, cũng ít khi gặp gỡ ai nói chuyện, chỉ thỉnh thoảng giao tiếp với mọi người xung quanh bằng cách nhắn tin qua thiết bị điện tử. Ở một mình được gần nửa năm rồi nhưng con chẳng hề thấy buồn phiền chút nào, thậm chí còn thấy hạnh phúc, thoải mái hơn. Nếu không vì phải kiếm tiền để sinh sống, con thấy ở vậy luôn càng khỏe Thầy ạ (dù mọi người xung quanh thì xót xa cho hoàn cảnh của con).

Tâm chánh niệm bữa nay cũng tự nhiên hơn và mạnh hơn. Nhiều khi tâm mãi chạy theo ngoại cảnh, sau đó sẽ bị những cú đấm cảm xúc bất ngờ làm cho tê tái, nên giờ tâm đã chịu khó luôn luôn quay về chánh niệm với hiện tại. Con cứ quan sát đủ thứ tư tưởng, cảm xúc... khởi lên trong đầu, nó khởi liên tục, miên man, chẳng khi nào dứt: từ vui vẻ hưng phấn, quyết tâm, cho đến chán chường, mệt mỏi, thất vọng... Con thấy mỗi khi bị những thứ đó, chỉ cần chánh niệm ngay lại thì tâm lại dễ chịu, vui tươi. Và cứ quan sát thôi, chẳng muốn trụ lại vào bất cứ gì, thế rồi giờ chánh niệm cứ như là đôi bạn thân thiết với tâm vậy Thầy ạ.

Có hôm đau đầu quá mà ráng đọc sách, tâm chạy ra ngoài, mắt thì dán vào câu chữ, và lại càng đau đầu hơn. Khi thả sách xuống để trọn vẹn với mình thì dễ chịu hơn Thầy ạ. Thỉnh thoảng con bực mình vì không thể duy trì sức khỏe tốt liên tục để làm nhiều việc... nhưng ý muốn duy trì đó cũng là khổ đúng không thưa Thầy, vì bản chất cơ thể là vô thường.

Những buổi chiều tà, vào thời gian chập choạng, thường là lúc con thấy tăm tối và cô đơn, nhưng giờ mỗi lần cảm thấy thế, chỉ cần chánh niệm lại là lại thấy không còn cảm giác đó nữa. Đêm khuya nếu không ngủ được, chỉ cần mở pháp thoại lên là con ngủ ngay rất ngon lành. Con cũng quan tâm tìm hiểu các cách để bảo vệ thêm sức khỏe của mình.

Con nhận ra thật ra khi tu hành thì mình cũng chẳng mất mát gì cả, ban đầu mới tu thì tưởng như mình phải dứt bỏ niềm vui khoái lạc, dứt bỏ thế gian... ghê gớm lắm. Nhưng giờ thì con nghĩ chẳng qua ban đầu phải xa lìa những thứ như thế để luyện tâm thôi, còn những gì mình có vẫn còn đây, chẳng mất đi đâu cả. Có khác chăng giờ đây là cảm giác yêu thương, tươi mới, trân trọng mọi thứ, không dính mắc trong tâm, thoát ra được những quỵ lụy sâu thẳm trong tư tưởng của mình... Còn lại mọi thứ vẫn còn đó, nguyên vẹn và tinh khôi.

Thưa Thầy, có gì cần chỉ bảo thêm xin nhờ Thầy chỉ bảo giúp con.
Con cảm ơn Thầy và xin đảnh lễ Thầy.

Xem Câu Trả Lời »