loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1797 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 19-09-2021

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy,
Nay con xin phép trình Pháp với Thầy.
Gần đây bạn con vô tình biết về một chương trình đọc sách được tổ chức trên mạng, qua đó mọi người giao lưu và chia sẻ kiến thức với nhau, lúc đầu con có chút ngần ngại vì trước nay con vốn thích ở một mình, nhưng con nhớ một lần Thầy từng chia sẻ rằng: “không thể có sự giác ngộ nếu không có sự tương giao” (xin thầy thứ lỗi nếu con có ghi nhớ sai). Nên con tận dụng cơ hội tham gia chương trình này với mục đích thấy ra chính mình trong sự tương giao với mọi người.
Kết quả đúng là không làm con thất vọng Thầy ạ. Khi tương giao với mọi người, con thấy rõ tâm ngã mạn của mình khi người khác chia sẻ, nó thường khởi lên bắt bẻ người khác mỗi khi họ nói những ý không vừa lòng mình, thỉnh thoảng lại khởi lên lập luận để chứng tỏ mình đúng, mình hiểu biết, rồi có lúc nó lại tơ tưởng tới tương lai có thể chia sẻ những “kiến thức uyên bác” của nó hòng mong muốn người khác trầm trồ khen ngợi. Con thấy nó thì nó biến mất, rồi nó lại khởi lên và trò chơi cứ thế tiếp tục, lúc đầu con thấy hơi bực chút vì nó “cứ làm phiền mình hoài”, nhưng sau đó con nhận ra đó cũng là cơ hội để con phát huy tánh biết, hiểu vậy bực liền hết thầy ạ. Qua đó con càng hiểu hơn lời thầy dạy rằng cuộc đời sẽ đem đến cho ta các bài học qua đó giúp ta phát huy trí tuệ và đạo đức, từ đó mà điều chỉnh nhận thức và hành vi sao cho phù hợp với hoàn cảnh.
Có một điều con thấy nữa là khi con thấy tâm ngã mạn của mình, con cũng khởi sinh lên một tâm bất mãn khác ngay đó vì con “không muốn mình kiêu ngạo, mình phải khiêm tốn chứ...” Lúc này con thấy rằng nếu con tiếp tục đuổi theo dòng suy nghĩ đó mà khởi lên mong muốn rèn luyện để trở nên khiêm tốn thì chính là tâm sân rồi, ngay đó rơi vào Khổ Khổ rồi. Ngay lúc con thấy ra điều đó, tâm tự nhiên buông hết, chỉ để lại một nụ cười.
Đó là những gì con đã và đang trải nghiệm và thấy ra, nếu có gì sai sót mong thầy từ bi chỉ bảo.
Con thành kính tri ân Thầy.
Con, Tống Xuân Giang.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 11-09-2021

Câu hỏi:

Con kính đảnh lễ thầy ạ!
Con cũng giống như nhiều người, từng có lúc muốn sống tách biệt với đời sống xã hội ồn ào. Cuộc sống hàng ngày mọi người vui vẻ chuyện phiếm, vui vẻ ăn uống, có lúc sân hận, con chỉ thấy những hình ảnh, âm thanh, con không nhìn thấy “sự sống”. Con không chống đối hoàn cảnh, nhưng có lúc con cũng “quên sống”. Còn tìm kiếm gì nữa khi sự bình an, sự tĩnh lặng, “sự sống” luôn sẵn có và chỉ có thể thấy được bên trong mỗi người. Vì vậy con không còn mơ ước được xuất gia như trước nữa. Nhưng nếu kiếp sau làm người con vẫn muốn được xuất gia và thân cận bậc giác ngộ.
Thực ra một người Phật tử đúng nghĩa sống ở đời cũng rất lợi lạc cho xã hội, chỉ bằng sự tĩnh lặng của mình, sự bình an-tĩnh lặng đó có một năng lượng tích cực đối với những người xung quanh. Thực tế trải nghiệm con thấy không cần tạo tác cầu phước, chỉ cần “tự giác” thì “giác tha” là tự động.
Con vừa mới có trải nghiệm, khiến con nhận ra tình yêu. Hôm trước con mới biết rằng người yêu cũ của chồng con là một người con quen, do chồng con nói ra. Con không sân, nhưng con có suy nghĩ. Con nghĩ về tình yêu đôi lứa. Con người ca tụng nhưng con thấy đó không thực sự là tình yêu. Đó chỉ là sự tham đắm, dính mắc, mang nhiều ảo tưởng. Nó giống như sự trao đổi, cho và muốn nhận. Có những người làm hết lòng cho người mình yêu hạnh phúc và không đòi hỏi đáp trả, chấp nhận “nỗi buồn cho riêng mình”, không “cần” đáp trả nhưng vẫn “muốn” nên mới có “nỗi buồn”, thậm chí có những trường hợp không chỉ buồn mà còn hận thù. Xung quanh bao nhiêu là tham vọng về tình yêu, tình dục, ăn uống, tiền tài, thú vui giải trí,...
Con thấy không buồn, không vui với ngoại cảnh. Con viết trình thầy những cảm nhận của con, nhờ thầy điều chỉnh nhận thức của con nếu có sai lầm ạ.
Con thật may mắn khi có cơ duyên gặp được thầy, thầy như ngọn đuốc soi sáng cho con. Con biết ơn thầy rất nhiều ạ!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 10-09-2021

Câu hỏi:

"Ở giữa đời cái Ác thắng cái Thiện chính là để thức tỉnh con người, giúp họ sớm giác ngộ giải thoát" .
Dạ có lẽ con cũng đã trải qua trải nghiệm này, khoảng thời gian trước khá lâu con luôn bức xúc trước những mặt tối tiêu cực của cuộc đời, xã hội. Những cảm xúc đó ban đầu con nghĩ là tự nhiên nhưng mỗi ngày khi tiếp xúc với những tin tức tiêu cực, những bức xúc này cứ liên tục liên tục trồi lên đến một ngày con nhận ra con đã quá mệt mỏi với những cảm xúc này.

Gần đây tâm con cảm thấy bất lực và một phần nào trong con cũng dần chấp nhận rằng cái Ác thắng cái Thiện ở đời là quy luật của sự vận hành tất yếu. Sinh mạng, tài sản, người thân,... có thể biến mất bất kì lúc nào với muôn vàn lý do mà mình không lường được.
Sự bất lực trong tâm con dần sinh ra sự chán nản, giảm đi những ham muốn đạt được những thứ mà người đời xem là hạnh phúc. Con dần dần cũng bình tĩnh một chút để tập đối diện với những bức xúc trồi lên. Con cũng hiểu rõ được những gì mà tâm mình thì thầm muốn nói nhưng con nghĩ sự chán nản trong tâm con có lẽ cũng là một phần của “giác ngộ giải thoát” mà các vị tu sỹ cảm nhận được khi thấy ra được vô thường, khổ, vô ngã của mọi thứ.
Con chân thành cảm ơn thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 10-09-2021

Câu hỏi:

Con kính bạch Sư Ông,
Đây là sinh nhật đầu tiên của con trong màu y sa-di, và con muốn viết những dòng này để bày tỏ lòng tri ân đến với Tam Bảo, đến với sự màu nhiệm của Pháp, đến với Sư Ông và những lời dạy bảo đầy từ bi và tâm huyết của Sư Ông dành cho hàng hậu bối chúng con.
Con thưa Sư Ông, con đã sống gần ba mươi năm ngoài đời với sự bấp bênh, vô định và đầy hoang mang. Khi còn ở đời, mỗi ngày trôi qua với con là thêm một ngày trống rỗng, không mục đích sống và luôn thường trực ý nghĩ tự tử trong đầu. Những ngày đó, con thấy mình như một kẻ bị trôi lạc lõng giữa dòng đời, khóc cười với một bộ mặt giả tạo không phải là chính mình, cốt để hài lòng mọi người xung quanh. Mặc dù cuộc sống của con luôn thoải mái về mặt vật chất, nhưng con luôn chới với về mặt tinh thần; cho đến khi con gặp được Nam Tông, và con nhận ra đây là cuộc sống mà hình như con thuộc về.
Ước nguyện xuất gia của con được cầu nguyện dưới cội Bồ Đề ở Bửu Long, và mầu nhiệm thay, sáu tháng sau điều đó đã thành hiện thực khi con đủ quyết tâm dứt bỏ tất cả để chọn đường tu. Một ngày trước khi con xuất gia, con may mắn được đảnh lễ Sư Ông và xin Sư Ông lời giáo giới. Sư Ông đã dạy con rằng: “Trong thời nay, để gặp được Chánh Pháp rất khó, con cần phải tinh tấn để bước đi trên con đường con đã chọn”.
Tới nay, con đã gần ba năm ở trong chùa, nhưng thật sự thời gian đầu con vẫn loay hoay trong việc tìm “đúng Pháp” giữa một biển tài liệu diễn giải đủ kiểu về thiền, về Giáo Pháp. Suốt hai năm đầu, con vẫn chỉ hiểu lời Sư Ông dạy trên mặt lý trí, và đôi khi sinh ra nhiều đối kháng trong tâm. Cho đến khoảng hơn nữa năm gần đây, chắc có lẽ đủ duyên, bỗng một ngày con thật sự thẩm thấu được từng lời Sư Ông dạy và con thật sự cảm nhận được mình dần thay đổi từ ngày đó, khi con buông dần cái bản ngã ảo tưởng và luôn đối kháng với mọi việc của con.
Con kính thưa Sư Ông, khi thực hành theo lời Sư Ông dạy, dần dần con nhận ra thật dễ chịu khi mình chấp nhận mình không hoàn hảo, mình chấp nhận những mặt tối đang còn hiện diện trong mình. Con đã sống quá lâu trong sự trông đợi từ nhiều phía, và từ khả năng sẵn có, con luôn cố ép mình để mình đạt được điều mọi người trông mong nơi con; ai nhìn vào cũng khen con giỏi, cũng nghĩ con rất tự tin, cũng nghĩ con thành đạt… và vì những lời đó, con càng ép bản thân mình nhiều hơn, nhưng từ tận sâu bên trong của con là những nỗi bất an và bất lực đến vô cùng. Nhưng từng lời dạy của Sư Ông, con nhận ra mình được quyền làm sai, mình được quyền sai để học ra trên cái sai đó. Con thưa Sư Ông, thật nhẹ nhàng khi buông xuống, để chấp nhận mình vẫn còn bất toàn, vẫn còn nhiều mặt chưa hoàn hảo và dần chịu được việc “mình không là ai cả”. Con thấy như bức tường giam giữ nội tâm con suốt bao nhiêu năm đang dần mỏng đi và con sống thật hơn với chính mình, cũng như “thuận Pháp” nhiều hơn.
Sinh nhật năm nay của con, thay vì sửa soạn nhiều thứ như nhiều năm trước, thì hiện tại con chỉ muốn làm một điều duy nhất là viết thư để bày tỏ lòng tri ân của con đến Sư Ông. Có những ngày con đứng ngắm bóng núi phía sau chánh điện của Ni Viện và con nghĩ về Sư Ông, Sư Ông như bóng núi vững chãi luôn là điểm tựa cho hàng hậu bối của chúng con. Con niệm ân Tam Bảo đã gia hộ cho Sư Ông sức khỏe để trụ thế lâu dài để làm ngọn hải đăng soi đường cho chúng con đi.
Dù bao nhiêu lời cũng không đủ để truyền tải được lòng biết ơn sâu sắc của con đến với Sư Ông. Và con hiểu rằng, chỉ có khi thực hành đúng Pháp, mới là sự tri ân đúng đắn nhất đến với Tam Bảo và Sư Ông.
Từ xa, con kính xin đảnh lễ Sư Ông và con mong Sư Ông luôn được sức khỏe để tiếp tục dạy dỗ chúng con trong nhiều năm sắp đến.
Con kính tri ân Sư Ông.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 09-09-2021

Câu hỏi:

Con xin kính đảnh lễ thầy:
"Tâm ta thời trống rỗng
Chỉ vận động nhất thời
Khi va chạm việc đời
Tâm như thời trống rỗng"
An Hòa HCM 9.9.21

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 06-09-2021

Câu hỏi:

Kính Bạch Thầy,
Con thành kính chúc sức khỏe Thầy.
Con vẫn đang tu tập với công án Thầy ban cho con gần đây. Con cảm nhận được cái thấy đang mở rộng Thầy ạ. Con thành kính cảm ơn Thầy. Con kính chia sẻ một cái thấy đến với con trưa hôm nay:

Hoa đang đâm sức sống
Ong hút nhụy say sưa
Kìa! Tay đang cầm kéo?
Cướp sự sống ong hoa?

Trong nắng ấm đầu Xuân sau hai ngày mưa & lạnh, con ra thăm vườn và luôn tiện cắt tỉa. Con đã từng cắt tỉa hàng dậu nầy hơn 30 năm. Hôm nay, con mới thấy ra những chụm hoa đầu Xuân chưa tàn héo. Tại sao ta tỉa? Đây là loại hoa có hàng trăm hoa nhỏ trên một nhánh, tàn & héo nhanh, khi đó xác sẽ rơi xuống hồ bên cạnh rất khó vớt bỏ đi. À, thật ra cắt tỉa vì sợ sẽ bị dơ hồ, sẽ bị phí công sức - tức là ích kỷ. Mà tâm sợ là bị cái ta ảo tưởng đang cuốn về tương lai, trong khi thực tại trước mắt là hoa đang tặng ta vẽ đẹp, ngắm để thư giãn, màu sắc rực rỡ để thu hút ong đến hút nhụy mang về cho tổ ong. 
Con kính chúc Thầy ngủ ngon.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 05-09-2021

Câu hỏi:

Kính trình thầy,

Qua sông rồi phải bỏ đò
Sống trong tỉnh thức tự do thanh bình
Thấy ra thực tại nơi mình
Chẳng thêm, chẳng bớt tâm kinh nhiệm mầu.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 04-09-2021

Câu hỏi:

Con đảnh lễ thầy!
Con vừa nghe lại bài pháp của thầy giảng, trong đó thầy có nói "Pháp luôn hoàn hảo và ở khắp mọi nơi" con chợt ngộ ra sự hoàn hảo của pháp, con xin trình pháp cái thấy/biết của con mong thầy chỉ dạy thêm:
Trong cuộc sống một người luôn phát ra năng lượng tích cực, tâm luôn định tĩnh trong lành thì pháp đến với họ cũng nhẹ nhàng tương ưng với năng lượng họ phát ra, một người luôn tiêu cực sân hận thì pháp đến với họ cũng tương ưng với năng lượng tiêu cực mà họ phát ra (VD: Khi nghe 1 lời nói khó nghe từ người khác, nếu nghe với tâm rỗng lặng trong sáng xem lời nói chỉ là âm thanh qua lời đó xem lại nhận thức và hành vi của mình có đúng chưa, sai thì lắng nghe sửa, đúng thì bỏ qua thì chắc chắn người đó sẽ ko có phiền não khổ đau. Còn nếu nghe với tâm sân hận thì chắc chắn sẽ phiền não khổ đau. Vậy pháp vận hành hoàn hảo trong VD trên là:
1/ Nếu nghe với tâm rỗng lặng trong sáng thì pháp vận hành là ko phát sinh phiền não khổ đau
2/ Nếu nghe với bản ngã chen vào thì pháp vận hành đưa đến phiền khổ.
Tóm lại: Thái độ tâm như thế nào thì pháp vận hành tương ưng với thái độ tâm đó (đó là sự hoàn hảo của pháp)
Con xin cám ơn thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 03-09-2021

Câu hỏi:

Kính thưa Sư Ông,
Việc thường tỉnh giác với suy nghĩ, hành động của mình giúp thấy phần nhiều mình suy nghĩ, hành động theo thói quen, và không ít trong số đó là thói quen xấu. Nhờ vậy con đã bớt dần việc hành xử theo phản ứng, thói quen; mỗi lời nói, hành động được cân nhắc hơn. Quan hệ với mọi người được cải thiện.

Việc thường thấy mọi sự, mọi việc như nó là giúp bớt khởi tâm đánh giá, phán xét; dần dần những quan điểm, những thành kiến của mình, những phán xét bên ngoài bớt dần ảnh hưởng tới con. Con cảm thấy được tự do hơn.

Việc cảm nhận những cảm giác thực tại giúp con cảm thấy sự nhẹ nhàng, thư thái khi nghe tiếng chim hót, khi có một cơn gió mát, một làn nước chạm vào người. Thấy sự khó chịu khi tâm sân, tâm tham nổi lên; thấy hạnh phúc khi chơi đùa cùng con cái...

Những Pháp đơn giản Sư Ông dạy, khi thường xuyên thực hành, con thấy hiệu quả thật tuyệt vời.
Con xin cảm ơn Sư Ông.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 02-09-2021

Câu hỏi:

Con kính đảnh lễ thầy ạ!
Hôm trước con sân, nhưng con đã mỉm cười khi nhận ra cái sân đó, nhận ra bản ngã thật thú vị thầy ạ.
Mấy hôm nay con lại trải nghiệm những lời thầy dạy về Khổ đế. Khi có tâm xả bản ngã có xu hướng tìm lạc, ấy là khi tâm muốn nghe nhạc, xem phim, múa, hát, tán gẫu, ăn dù không đói,... Nếu hành theo những mong muốn ấy thực chất cũng là bị bản ngã sai sử. Chính vì vậy mà khi không có việc gì để làm, khi không giao tiếp, khi ở một mình,... hay khi phải cách ly vì Covid-19 nhiều người cảm thấy không chịu được, sinh chán nản, bất mãn,...
Con thường xuyên thấy cái tâm tìm kiếm lạc (thấy một bài hát trong đầu, tác ý muốn ăn, muốn chơi game,...), khi chánh niệm yếu con vẫn bị sai sử, có lúc con chỉ thấy và mỉm cười với những tác ý tìm lạc của bản ngã.
Hôm nay con kính trình pháp thầy, con kính chúc thầy khỏe mạnh, mong mọi người được an lạc, bình an trong đợt dịch bệnh này ạ!

Xem Câu Trả Lời »