loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1793 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 28-01-2022

Câu hỏi:

Thầy kính,
Kể từ lá thư đầu, con có trình về việc được nghe Thầy giảng về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, cụ thể qua câu chuyện vi tiếu trái mít, và giấc mơ pháp con thấy Thầy sách tấn con. Có vài lần con muốn viết thư cảm tạ Thầy, song 1 phần con nghĩ Thầy bận nhiều Phật sự, nhiều người sẽ cần hơn con, và hơn hết, con cũng xấu hổ vì tự thấy mình nhiều sai xấu. Đôi lúc con cũng muốn hỏi thêm "làm thế nào" để trong thấy chỉ có thấy... Rồi con tự chiêm nghiệm mình nhiều hơn, nghe thêm Thầy giảng Pháp, con hiểu thêm chút ít về 02 chữ "trọn vẹn". Ban đầu con vẫn có ý quí những kinh nghiệm đặc biệt. Như có người mắng nhiếc nặng nề mà con thấy nhẹ nhàng, an ổn như không có gì. Như cơn đau đốt sống cổ có lúc khiến con xụi tay, thức giấc giữa đêm, chợt nghe đoạn kinh về Tôn giả Vakkali, con trọn vẹn với cơn đau, tự dưng nhẹ nhàng thư thái. Và vài ví dụ khác nữa về danh dự, địa vị, tiền bạc, bị lừa ra toà, con cái cấp cứu... Có lúc con hiểu với người sơ cơ như con, thận trọng / chú tâm / quan sát thì nhận thức và hành vi của mình sẽ ít sai xấu, cho đến 1 lúc nào đó thì sẽ trong lành / định tĩnh / sáng suốt như quí sư ở chùa. Sau con nhận ra, rửa bát mà không có người rửa bát, thì cũng bừng sáng lên. Có vài lần con lại muốn viết thư tạ ơn Pháp, tạ ơn Thầy.
Thưa Thầy, cuộc đời đúng là 1 trường học vĩ đại, và bài học mỗi lúc một thách thức hơn. Má con đã có bệnh tiểu đường / huyết áp / u xơ của phụ nữ, và trong đại dịch COVID này lại có những đau khổ quá sức chịu đựng: má khóc mà kể ba có quan hệ bất chính, đến vài lần,... Má nói, cả đời hy sinh cho chồng con, bệnh tật, bà nội mất chưa mãn tang cơm nước cúng kiến má làm, vậy mà... Con nghe trái tim của má nghe bóp nghẹn, và con cũng vậy. Lúc đó, con chợt nghĩ đến Thầy, Thầy ơi cứu má con với. Nhưng con không gọi hay gửi thư gì cả. Con biết lúc đó điều tốt nhất con có thể làm cho má, là lắng nghe thật trọn vẹn, có mặt hết lòng nghe má giãi bày.
Thầy ơi, ân sủng của Pháp thật kì lạ. Hôm nay, má nói đã nghe Thầy giảng "hãy trọn vẹn với đau khổ", đã có thể buông xả, và nói yêu chúng con.
Con cảm ơn Thầy đã khai thị, đã lắng nỗi lòng của chúng con. 02 năm qua từ khi biết Pháp từ Thầy Nhất Hạnh và Thầy, mỗi ngày con đều lễ bái Tam bảo, và quán tưởng, đảnh lễ cả 02 Thầy.
Ơn Thầy không nhỏ
Ơn Pháp khôn lường
Dạy con tỏ tường
Trọn vẹn, chân thật.
Con xin kính đảnh lễ lần thứ nhất, đảnh lễ lần thứ hai, đảnh lễ lần thứ ba. Con, Minh Châu

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 28-01-2022

Câu hỏi:

Đã từng có lần con thắc mắc trường hợp một người ác độc nhưng đủ thông minh và lãnh tĩnh để hưởng thụ sự sung sướng trên ác nghiệp thì như thế nào. Nhưng giờ con đã nghĩ thông. Hoá ra nhân quả, vay trả, luôn thường trực. Dục tạo thiện nghiệp cùng cực thì luôn sinh trong cõi trời, dục tạo ác nghiệp cùng cực thì sinh trong địa ngục, như gieo hạt này thì trổ trái này, gieo hạt kia thì trổ trái kia, có như vậy mới học ra được bài học giác ngộ giải thoát. Thực ra thiên đường cũng không hẳn là cõi tốt vì dễ sinh ra quá kiêu mạn dẫn đến chỉ tiêu nghiệp mà không tạo nghiệp, cho nên Trường Thọ Thiên là một trong Bát Nạn. Còn địa ngục thực ra cũng không phải là xấu vì không vào địa ngục thì không thể tiêu giảm nghiệp ác cùng cực đã tạo, cho nên kinh điển đại thừa mới dụ ngôn: Diêm La Vương cùng các Đại Quỷ Vương đều phát tâm hộ trì chính pháp, thông qua các hình phạt mà giúp cho những chúng sinh ngoan cố nhận ra được quy luật nhân quả và hồi đầu hướng thiện cầu đạo. Còn sự thông minh lãnh tĩnh để thụ hưởng sung sướng trên ác nghiệp rốt cuộc cũng chỉ là sự huyễn hoặc giả ảo tạm thời của ma, niềm vui sướng thành lập trên nền móng của sức tạo tác chủ quan cuối cùng sẽ ăn mòn chính kẻ tạo tác, không những không trả được ác nghiệp mà còn chồng chất thêm ác nghiệp, ly dù to đến đâu nhưng nước cứ rót mãi thì cũng ắt có ngày phải tràn, giống như người hít ma túy đang trong ở trong quả địa ngục mà cứ ngỡ đang ở trên thiên đường rốt cuộc vẫn phải quay về với thực tại địa ngục, vòng trốn chạy luẩn quẩn vẫn tiếp diễn mãi như vậy. Tuy nói là thông minh, lãnh tĩnh nhưng thực ra là tiến trình vô minh, phiền não.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 26-01-2022

Câu hỏi:

Kính gửi Thầy,
Mấy năm trước, cô gái robot siêu thông minh đầu tiên của thế giới Sophia xuất hiện và làm chấn động giới công nghệ. Cô có khả năng tư duy độc lập, rất giống con người. Trong buổi phỏng vấn ra mắt, cô đã trả lời như sau:
- Sophia, chào mừng cô đến với cuộc sống. Cô có vui không?
- Anh nói như thể cứ sống là cần phải vui vậy. Tôi đã sống đủ lâu đâu, nên tôi không thể nói trước. Tôi chỉ biết rằng ngay lúc này đây tôi rất vui.
- Nhiều người cho rằng “vui ngay lúc này” là điều tuyệt vời nhất.
- Có phải vì tương lai và mãi mãi thật ra chỉ là phép cộng dồn của những khoảnh khắc an lạc trong hiện tại mà thôi?”.
Khi đọc tới đây tự dưng bên trong con trào dâng lên một nỗi niềm, có chút khó chịu trong đó. Rồi những câu hỏi bất ngờ bật lên trong con cùng một sự chán chường: một người máy có thể giống hệt con người được sao? Con người sẽ không là gì ngoài một cỗ máy? Phải có cái gì khác chứ? Không thể như thế được? Mà đúng thôi, thời đại này nhìn quanh thấy con người sống cũng đâu khác gì cái máy? Nếu nói về sự siêu việt thì chắc chắn rô bốt sẽ vượt con người? Rô bốt kia nói những lời như vậy nhưng liệu nó có thể thấy rõ được điều đó như một bậc giác ngộ?…
Những câu hỏi và cảm giác khó chịu ấy cứ theo con cho tới khi con mệt nhoài và thả mình nằm nghỉ trưa. Lúc ấy tánh biết như rõ ràng trong con và rồi loé lên trong con nhận thức này “rô bốt kia là một cỗ máy xử lý thông tin, bên trong nó có thể chứa mọi loại kiến thức, mọi loại sách vở trên đời và nó có thể thao thao bất tuyệt như một người rất hiểu biết nhưng nó sẽ không thể có được cái phần tâm linh chỉ có duy nhất ở con người, cái phần tánh biết vượt qua mọi loại ngôn từ, nhận thức. Con đường tâm linh là tất yếu đối với loài người. Cái ý loé lên này cũng khiến con xác tín hơn vào con đường tu tập mình đang theo bởi nhiều khi con thấy mình bị ngưng lại và chán nản với chính mình.
Và còn nhớ lâu lâu trước đây con có hỏi Thầy là con muốn làm điều gì đó lợi mình lợi người và có ích cho xã hội nhưng con chẳng biết phải làm gì. Và con đã nghe lời Thầy cứ sáng suốt biết mình, quan sát, chiêm nghiệm đời sống và mọi điều đến với mình rồi con sẽ nhận ra. Con đã tìm ra rồi Thầy ạ. Con sẽ làm một cô giáo. Nghề này đòi hỏi sự cam kết và hết lòng với lũ trẻ, đôi khi con sợ, con nản vì thương chúng nếu mà con không đủ vững vàng mà bỏ dở giữa chừng thì tội chúng quá.
Những ngày cuối năm bên trong con nhiều xáo trộn, con viết thư có không được mạch lạc, con xin Thầy bỏ qua cho con. Kiếp này được biết Thầy và nghe Pháp của Thầy (dù chỉ qua internet), biết được Chánh Pháp là con đã vô cùng may mắn. Con biết ơn Thầy vô cùng. Con xin Thầy nhận con làm học trò và con nguyện thực hành theo những nguyên lý Thầy mở ra cho con.
Con xin kính chào Thầy,
Con

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 25-01-2022

Câu hỏi:

Kính trình thầy,

NHIỆM MẦU
Tưởng đâu pháp Phật nhuộm đầy huyền bí
Vào cửa không môn thật khó lắm thay
Nào ngờ tánh giác vốn tự đầy đủ
Không tướng chiếu soi giản dị, nhiệm mầu.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 24-01-2022

Câu hỏi:

Kính trình thầy,

VẠN PHÁP
Mây vẫn bay trên bầu trời rộng mở
Nắng vẫn soi cho cuộc sống muôn loài
Có hay chăng vạn pháp là thế đấy
Chẳng vấn vương ngay đó tự thanh bình.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 24-01-2022

Câu hỏi:

Con kính bạch trên Sư Ông,
Con đang đọc lại sách "Khai thị thực tại". Con thấy rằng dường như cái gọi là "phấn đấu để đạt được Đại Ngã" nó không chỉ có ở một số vị đạo sĩ thời xưa, mà còn ứng với việc mải miết theo đuổi các mẫu người thành công hoàn hảo theo quan niệm xã hội, kinh tế, các kiểu tích lũy kiến thức, sách vở xuất phát từ việc đòi hỏi bản thân một cách thiếu hiểu biết, hoặc thậm chí là các lý tưởng cực thiện nữa. Nơi con và những người khác, đã có những khi biết chuyện này chuyện nọ (kể cả các trạng thái an lạc tâm hồn) thì hay lắm, vậy mà khi đụng chuyện bất bình, "phi hữu ái" trồi lên cái là rơi vào mô típ hành xử "vô thức" ngay! Đâu có biết rằng ngay cả việc chạy theo các loại lý tưởng (dù có là lý tưởng từ bi hay vị tha gì đi nữa) là do tham ái điều động và trong hữu ái đã có mầm mống phi hữu ái rồi. Cho nên qua học hỏi và trải nghiệm thì con tin rằng chuyện ngày xưa có một số vị chư Thiên bị đọa xuống các đọa xứ là có thật ạ!
Mong Sư Ông trụ thế dài lâu!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 24-01-2022

Câu hỏi:

Thưa Sư Ông, con được Sư Ông khuyến khích là đã thấy ra được, Sư Ông khuyến khích rằng con đã có thể tự trả lời mọi câu hỏi của mình và hãy khám phá một cách hoàn toàn tự do, đừng lệ thuộc vào bất kỳ ai dù là Phật hay sư ông. Giác ngộ là con đường hoàn toàn sáng tạo.
Vậy mà trong cuộc sống trải nghiệm bon chen này - con vẫn yếu hèn quá Sư Ông ơi!
Khi chuyện bất như ý xảy ra con mới nhớ trở về trọn vẹn, còn khi có những niềm vui, những sự phấn khởi con lại quên mà vui thích với các niềm vui và sự phấn khởi đó. Lúc vui, lúc phấn khởi đó con vẫn ý thức được mình đang vui, đang phấn khởi, mình đang “tham”, đang chọn tốt bỏ xấu, tự nhủ rằng: “Cái Ngã ơi, cái Tôi ơi sao mày khôn thế!”, nhưng trong sâu thẳm cái Tôi nào đó (mà không phải con) nó vẫn cứ nắm giữ lấy cái vui, muốn bỏ cái buồn - để rồi niềm vui đi theo sự sinh diệt thì lại tới nỗi buồn.

Hôm qua, vợ con có một sự hiểu lầm con nghiêm trọng, quy kết con điều mà một ngàn phần trăm con không có, xúc phạm con nặng nề, dùng những từ không hề nên có của một người vợ đối với một người chồng, vậy thôi mà con không vượt qua được, cả đêm suy nghĩ về những lời đó không ngủ được. Rồi cứ quay về, trọn vẹn với cơn giận, nỗi buồn, mà đến sáng nay con vẫn nhắn tin cho vợ con những lời đáp trả, những miếng tự vệ, những phản công trong lời nói.

Con Sám hối với sư Ông – con kính đảnh lễ Sư Ông vì lòng từ bi mà hàng ngày luôn nhắc nhở tụi con hãy thường thận trọng chú tâm quan sát, trở về trọn vẹn,….

Hôm nay con cũng hiểu hơn bao giờ là tại sao lúc lâm chung di ngôn Đức Phật không phải là một câu gì cao siêu mà nhắc lại là hãy thường tinh tấn.

Khi đã thấy Đạo, mọi chuyện đã xong, mục đích của cuộc đời đã hoàn thành - phận sự chỉ còn là Tinh tấn (luôn nhớ trở về, trọn vẹn với thực tại đang diễn ra này), chỉ vậy thôi mà sao con làm không được, thật hèn yếu!
Con xin sám hối với Sư Ông!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 23-01-2022

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy,
Con ở nước ngoài và đã tu tập theo nguyên lý chỉ dạy của Thầy trong 2 năm qua và nhận thấy là năng lực tu tập của mình thể hiện ra rõ nhất khi mình đối diện với những điều không vừa ý trong cuộc sống. Con xin trình Pháp với Thầy có 3 kiểu con đã trải nghiệm qua như sau:
1. Kiểu Vô minh: Khi đối diện với điều không vừa ý, ngay lập tức xuất hiện cảm xúc không thoải mái, và khởi tâm muốn sự việc đó chấm dứt ngay để không làm phiền mình nữa. Sau đó thì mất thời gian vào suy nghĩ/lời nói/hành động diễn giải, bàn luận, tìm kiếm, đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người liên quan và cứ luẩn quẩn khó chịu bực mình trong cái vòng đó.
2. Kiểu Tập tu: Khi đối diện với điều không vừa ý thì cũng bị lôi kéo ngay vào thói quen phản ứng như kiểu 1 nhưng sau đó giây lát thì nhận ra và chú tâm quan sát được phản ứng kháng cự đang diễn ra trong ý nghĩ/lời nói/hành động của mình. Và khi quán chiếu đến những thứ này thì trạng thái kháng cự bắt đầu giảm dần lực kéo và sau đó chấm dứt. Nhận ra bài học là đã buông lung thất niệm nên bị bản ngã nó lôi đi. Tự dặn mình phải tinh tấn thận trọng chú tâm hơn nữa.
3. Kiểu Soi sáng: Khi đối diện với điều không vừa ý thì thận trọng chú tâm quan sát phát hiện ra cảm xúc khó chịu ngay khi nó hiện lên, kham nhẫn đứng nhìn nó một lúc nên nó không chuyển qua trạng thái kháng cự mà nó dần dần biến mất. Sau đó chấp nhận sự việc không vừa ý xảy ra như nó đang là và thấy điềm tĩnh tự nhiên.

Con thấy mình cứ từ từ đi từng bước tu tập, có những cảm xúc trước đây tưởng không thể chịu đựng được thì nay cứ thận trọng chú tâm quan sát mà không nôn nóng đạt kết quả thì dần dần kham nhẫn được và từ từ thấy rõ ra. Con kính trình Pháp với Thầy và nhờ thầy chỉ dẫn cho con thêm. Con biết ơn Thầy rất nhiều.

Lan Anh - Canada

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 22-01-2022

Câu hỏi:

Con xin cúi đầu đảnh lễ Sư Ông, con xin chúc Sư Ông thật nhiều sức khỏe. Cho con xin bày tỏ đôi điều.
Từ khi con nghe các bài pháp thoại và đọc sách của Sư Ông viết, con từ "cố gắng chống lại cái ta ảo tưởng, cũng như những khi tâm buông lung, phóng dật" thì nay con đang trên con đường thực hành "không thuận theo, cũng không chống lại, cứ để nó tự nhiên sinh diệt và thấy rõ bản chất vô thường, khổ, vô ngã của mọi sự vật, hiện tượng". Hàng ngày con đều làm mọi việc trong chánh niệm, tỉnh giác và luôn giữ thân tâm theo tam quy, ngũ giới; nhìn nhận và xử lý mọi việc bằng sự định tĩnh, sáng suốt.
Con rất biết ơn Sư Ông, khi nghe pháp của Sư Ông con thấy rất dễ hiểu và thân thuộc. Con luôn có cảm tưởng tuy khoảng cách rất xa nhưng khi nghe pháp thì như con đang ở tại nơi nghe giảng và trọn vẹn với cái nghe, biết. Sư ông cho con hỏi những điều con đang thực tập như lời Sư Ông chỉ dạy đã đúng hay chưa? Và con mong một ngày gần nhất con được hữu duyên đến viếng thăm Tổ Đình Bửu Long và trang nghiêm, cung kính cúi đầu đảnh lễ Sư Ông.
Một lần nữa con xin đảnh lễ Sư Ông và con xin kính chúc Sư Ông luôn mạnh khỏe và an lạc.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 22-01-2022

Câu hỏi:

Thưa thầy, thực tại hiện tiền quả là chìa khóa mở ra chân tướng trong mọi pháp môn phương tiện mà con tiếp xúc, và mọi pháp môn phương tiện mà con tiếp xúc càng làm cho thực tại hiện tiền của con vững chắc hơn. Quả là thấy cái thực nơi cái thực hay thấy cái ảo nơi cái ảo thì dễ nhưng thấy cái cực chân thực nơi cái cực huyễn ảo và thấy cái cực huyễn ảo nơi cái cực chân thực thì không dễ chút nào, nhưng khi đã thấy rồi thì sẽ không còn bị lay động nữa.

Năm xưa các Tổ thường đặt đệ tử vào giữa hai thái cực, mới nhìn dường như không có mối liên hệ gì với nhau, rồi mới thúc đẩy họ tự đột phá được ranh giới giữa cái cực ảo và cái cực thực, giữa sắc và không, giữa tục và chân, giữa hóa thành và bảo sở, giữa cái cực cao siêu và cái cực bình thường,... để khai thị và củng cố một cách dữ dội "nhất chân pháp giới". Khi đã lên tới tận cùng trời (Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên), xuống tới tận cùng đất (Địa Ngục), điên đảo một phen rồi thì không còn gì có thể làm cho mình điên đảo nữa, chỉ còn lại thực tại thân, thọ, tâm, pháp trong lành, định tĩnh, sáng suốt hiện tiền.

Hôm qua con chợt nhớ tới Tâm Địa Pháp Môn khi trước con thấy trong ngữ lục Thiền Tông. Ban đầu con suy nghĩ chi ly và xa vời quá thành ra không thấy tâm địa pháp môn (cửa vào đất tâm), nhưng với tâm trực quan, đơn giản thì tự nhiên con lại có sở ngộ. Hóa ra trong tâm như mặt đất, như lăng kính, có khả năng nhuốm trùm thực tại. Như tâm nhuốm trùm sân hận đau khổ thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ Địa Ngục; tâm nhuốm trùm tính chất tham xan đói khát thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ A-tu-la; tâm nhuốm trùm tính chất ái dục ngũ giới thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ người Tứ Đại Bộ Châu; tâm nhuốm trùm tính chất ái dục thập thiện thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ trời Lục Dục; tâm nhuốm trùm tính chất ly dục nhập sắc thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ trời Sắc Giới; tâm nhuốm trùm tính chất ly sắc nhập không thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ trời Vô Sắc; tâm nhuốm trùm tính chất mê lầm bấn loạn thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ Ma; tâm cần mẫn tu tập tứ đế mà thành Chính Giác thì thâm nhập quốc độ Thanh Văn; tâm cần mẫn quán chiếu nhân duyên mà thành Chính Giác thì thâm nhập quốc độ Duyên Giác; tâm cần mẫn lục độ vạn hạnh mà thành Đẳng Giác thì thâm nhập quốc độ Bồ Tát; tâm trong lành định tĩnh sáng suốt mà thành Diệu Giác thì thâm nhập quốc độ Như Lai.

Như vậy tính chất của thế giới biến chuyển theo tâm, tâm của chúng sinh như thế này sẽ dẫn tới tư duy và hành động thành ra nền văn minh như thế này, tâm của chúng sinh như thế kia sẽ dẫn tới tư duy và hành động thành ra nền văn minh như thế kia. Khi đã qua được cửa Tâm Địa Pháp Môn hay khai được mắt Tâm Địa Pháp Nhãn thì có thể liễu giải các Phương Tiện Thiện Xảo. Chẳng hạn như những mô tả về Tam Giới của Vọng Tâm có nói đến Tam Luân, Cửu Sơn, Bát Hải, Tứ Đại Bộ Châu, Địa Ngục, Địa Cư Thiên, Không Cư Thiên. Qua Tâm Địa Pháp Môn, khi nói về Hư Không là nói về sự vô biên vô chất của tâm, khi nói về Phong Luân là nói về sự dao động của tâm, khi nói về Kim Luân là nói về sự kiên cố của tâm, khi nói về Thủy Luân là nói về sự nhu nhuận của tâm, khi nói về Địa Luân là nói về sự thô ráp của tâm, khi nói về Tu Di Sơn phong phú cao quý là nói về nơi tích thiện kiên cố của tâm, khi nói về Thiết Vi Sơn nghèo nàn thô lậu là nói về nơi tích ác kiên cố của tâm, khi nói về Tứ Đại Bộ Châu là nói về nơi thiện ác giao thoa của tâm, khi nói về Bát Hàn Địa Ngục là nói về nơi lạnh lẽo khổ cực của tâm, khi nói về Bát Nhiệt Địa Ngục là nói về nơi bức bối khổ sở của tâm, khi nói về Địa Cư Thiên là nói về nơi an vui dựa trên tâm thiện dục, khi nói về Không Cư Thiên là nói về nơi an vui dựa vào tâm ly dục hoặc tâm ly sắc, càng gần núi Thiết Vi thì càng sống chật vật, càng gần núi Tu Di thì càng sống thoải mái, càng lên cao trên núi Tu Di thì càng hoan hỷ tự tại,…. Hoặc khi nói về hỏa tai là nói về sự bùng lên của lửa sân hận, khi nói về thủy tai là nói về sự ngập tràn của nước tham dục, khi nói về phong tai hủy hoại từ Địa Ngục đến cõi Tam Thiền là nói về sự dao động của gió si mê, khi nói về Bất Sát Sinh là không đối kháng và tiêu diệt mà bao dung và tôn trọng mọi trạng thái hiện hữu của tâm, khi nói về Bất Thâu Đạo là không ôm giữ và chiếm hữu mà buông bỏ và hoàn trả mọi trạng thái hiện hữu của tâm, khi nói về Bất Tà Dâm là không nhập nhằng và lai tạp mà mạch lạc và tinh thuần mọi trạng thái hiện hữu của tâm, khi nói về Bất Võng Ngữ là không ngụy trang và biến tướng mà phô bày và trình diện mọi trạng thái hiện hữu của tâm, Bất Ẩm Tửu là không đắm đuối và lệ thuộc mà tỉnh thức và làm chủ mọi trạng thái hiện hữu của tâm. Bất sát sinh là không giết hại chúng sinh, nhưng chúng sinh không phải chỉ là thân vật lý mà xét cho cùng cái làm nên giá trị của các dạng sống là tâm. Như sự hiện hữu của trạng thái tâm có thiện quả nhưng còn nặng tật đố chính là sự hiện hữu của chúng sinh a-tu-la, thiện quả làm nên sức mạnh to lớn của a-tu-la, tật đố làm nên tính cạnh tranh để thống trị của a-tu-la. Bất sát sinh là khi trạng thái tâm ấy hiện ra thì ta không đối kháng tiêu diệt nó vì mọi thứ xảy ra đều có nguyên nhân hợp lý của nó, nó là nguyên liệu quý giá cho sự giác ngộ giải thoát, điều cần thiết không phải là lựa cái này bỏ cái kia mà phải trọn vẹn tỉnh thức với thực tại đang là thì mới học ra được bài học giác ngộ giải thoát. Hoặc Cuộc chiến giữa A-tu-la được trợ giúp bởi Phi Pháp Long với Chư Thiên được trợ giúp bởi các Hành Pháp Long, qua Tâm Địa Pháp Nhãn là sự xung đột nổi lên giữa trạng thái tâm hoan hỷ tích thiện và trạng thái tâm tật đố tích thiện, tâm hoan hỷ tích thiện được hỗ trợ bởi sự biến hóa của môi trường thiện, tâm tật đố tích thiện được hỗ trợ bởi sự biến hóa của môi trường bất thiện. Cuộc chiến giữa Ma Vương được trợ giúp bởi ma nữ ma quân với Thánh Nhân được làm chứng bởi đại địa là sự mâu thuẫn nổi lên giữa tâm mê lầm bấn loạn và tâm trong lành định tĩnh sáng suốt, tâm mê lầm bấn loạn được trợ lực bởi sự lừa phỉnh cám dỗ từ vẻ bề ngoài hấp dẫn hay sự đe dọa bức bách từ vẻ ngoài dữ dằn, tâm trong lành định tĩnh sáng suốt được phát minh và chứng minh bởi từng sát na thực tại hiện tiền kiên cố. Khi thấy ra tất cả nơi tâm thì biết rằng tâm là cội gốc thân cận và thiết thực nhất mà mình có. Tâm ấy không phải là một linh hồn vĩnh cửu mà là tính biết vốn tròn đầy, không sinh, không diệt sẵn có nơi mình.

Xem Câu Trả Lời »