loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1797 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 01-10-2021

Câu hỏi:

Dạ chúng con kính đảnh lễ Thầy,
Kính xin Thầy hoan hỉ cho con được trình pháp ạ. Trước tiên, con cảm niệm công Đức của Thầy qua các bài pháp online.
- Hằng ngày con đang sống trong thực tại “đang là” của các pháp đến đi: nấu cơm, chăm con,… Đôi lúc cái “tạp khí” vẫn nổi lên thì con chỉ thấy nó. Dần dần, khi con thấy 1 bông hoa như chính nó, thì đồng thời cái thấy nó thấy trước luôn cái niệm mà trước đây cái bản ngã hay xài, ví dụ: Oh! hoa này đẹp quá… và cứ như vậy, các niệm khác cũng ít còn khởi lên nữa, khi khởi lên thì cái thấy nó chỉ thấy vậy thôi.
- Khi con ngồi 1 mình hay đi bộ thư giãn, lúc này “cái thân” này đồng với tất cả các pháp xung quanh tạo nên 1 bức tranh sống động và hoàn hảo như chính nó… trong sự rỗng rang, tịch lặng bao trùm, không còn sự phân biệt và lệ thuộc vào mắt thấy, tai nghe… không còn “trong” hay “ngoài thân”… mà là 1 thể, đồng thời 1 tiếng chim hót hay 1 cái ngứa ngáy trong “cái thân” này đều thấy biết rất rõ ràng nhưng Tâm vẫn như vậy… lúc này, “con” hoàn toàn không là gì nữa…

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 30-09-2021

Câu hỏi:

Kính bạch trên Sư Ông,
Con thấy có một vị hỏi Sư Ông về tương quan giữa bản ngã của người có quyền lực với người không có quyền lực. Con tính góp ý với vị kia rằng câu trả lời có thể tìm ra ngay trong trải nghiệm cuộc sống, và vị ấy có thể quan sát xem những người không có quyền lực ấy khi cư xử đối với người tuổi tác, vai vế, địa vị... thấp hơn họ thì họ như thế nào, hoặc khi tranh luận về điều mà họ nghĩ là họ đúng thì họ sẽ như thế nào, thì vị ấy có thể hiểu rằng quyền lực thế gian có thật sự tương đương với bản ngã tâm lý con người hay không. Ngoài ra dường như không chỉ sự tự tôn mà mặc cảm tự ti cũng là một biểu hiện của bản ngã. Như vậy có hợp lý không ạ?

Con nguyện Sư Ông cùng chư vị đệ tử trọn thành Đạo & Quả Viên Mãn!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 29-09-2021

Câu hỏi:

Người đi còn lại nụ cười
Cho yêu thương nối tình người ngàn sau
Cho cây đơm lá xanh màu
Cho trăng sáng mãi nhịp cầu thủy chung.
(HT Viên Minh)

Kính thưa Thầy!
Khi thấy ra Sự thật và trở về sống với Sự thật đó. Mọi thứ như bắt đầu với một phép màu. Cuộc sống của con dần thư thái, an nhiên.
Mọi khúc mắc đều được tháo bỏ, chỉ việc sống và mỉm cười với nó. Mọi âm thanh, sắc màu của cuộc sống như Kính vạn hoa phản chiếu Tâm mình.
Tất cả hiện ra như từng trang sách trong một cuốn sách dài bất tận đầy thú vị, đầy mới lạ và chỉ cần "thưởng thức" nó.
Cuộc sống thật "uổng phí" nếu không "Ngộ" ra điều này!
Chúc thầy luôn mạnh khoẻ!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 29-09-2021

Câu hỏi:

Con Kính Xin Đảnh Lễ Sư Ông!
Sư Ông ơi,
Đến bây giờ con mới thấu suốt được tại sao con có mặt ở cuộc đời này. Cuộc đời này chính là trường học tuyệt vời để cho con thấy ra bài học của sự giác ngộ. Sinh ra đời để học bài học thẩm thấu bài học để trả lại hết những gì là ta, của ta, trả Pháp lại cho Pháp. Tận cùng của bài học chỉ còn lại sự tương giao giữa Danh và Sắc. Chỉ còn là sự vắng lặng tuyệt đối. Chỉ còn lại cái thấy bao trùm tất cả vũ trụ nhưng ở đó không còn người nào thấy cả.
Hôm nay con xin chia sẻ cùng huynh đệ đồng đạo hữu duyên con đường học đạo và hành đạo của con.
Thật ra các Pháp hữu vi là trống rỗng. Tất cả những gì hiện hữu ở cuộc đời này đều là trống rỗng đều không có gì cả. Nhưng cái sự trống rỗng này cần phải được trải nghiệm để thấy ra (chứng ngộ).
Cách đây vài năm con được nghe Sư Ông Hộ Pháp tụng bài kinh Chuyển Pháp Luân, lúc đó con thật sự là không hiểu gì. Nhưng con có niềm tin tuyệt đối và thật hoan hỷ khi hơn 2600 năm con được nghe lại bài kinh đầu tiên do chính Đức Phật thuyết.
Con thực hành trọn vẹn với thực tại đang là một thời gian dài thì con mới phát hiện ra là con đang hành theo đúng bài kinh Tứ Niêm Xứ mà Đức Phật nói rất rõ: Trọn vẹn với Thân như nó đang là, trọn vẹn với Thọ như nó đang là, trọn vẹn với Tâm như nó đang là, trọn vẹn với Pháp như nó đang là. Hàng ngày con đi, đứng, nằm, ngồi, đi cầu, đi tiểu, làm việc công ty, chăm sóc gia đình, phục vụ những ngày lễ dâng y, rằm tháng 4, rằm tháng 6… với Tâm trong sáng và luôn lặng lẽ biết mình. Rồi một ngày con nhận ra trong cuộc sống này, bất kỳ ai có hiện hữu trên cuộc đời này ít nhiều đều phải khổ. Con được thẩm thấu những lời khai thị từ Sư Ông về Tứ Diệu Đế lúc nào con cũng không hay biết. (Thật tuyệt vời khi để mọi thứ nó tự nhiên trôi chảy). Con thấy có rất nhiều Pháp môn nhưng con đường cuối cùng thì mình cũng phải chứng ngộ Tứ Diệu Đế. Thấu suốt được Vô Thường-Khổ-Vô Ngã.
Con thấy ra là có hiện hữu ở đời này là khổ.
Nguyên nhân dẫn đến khổ chính là con còn vui thích với cái hiện hữu đó. Khi con chấp vào ngũ uẩn. Chấp vào thân này là ta của ta. Ta đi, ta đứng, ta ngồi… Ta vui, Ta buồn (thực chất đó là ảo tưởng). Khi con thực hành trọn vẹn với thực tại đang là con thấy rất rõ tiến trình hình thành ngũ uẩn đó. Thấy rõ quá khứ, tương lai và cả hiện tại đều là ảo tưởng.
Diệt khổ chính là trí tuệ thấy nhàm chán với cái hiện hữu đó. Thấy được tiến trình hình thành ngũ uẩn. Thấy được ngũ uẩn chỉ sự tương giao giữa Danh và Sắc. Thấy được tất cả mọi hiện hữu ở đời này là do duyên không có gì là ta, của ta. Tất cả các hiện hữu chỉ là trống rỗng không có gì cả.
Trọn vẹn trong sáng với thực tại đang là chính là con đường Bát Chánh Đạo.
Con xin nói thêm trạng thái của thiền định cũng cần được thấy ra vì nó rất vi tế. (Có lần con bị rơi vào trạng thái của thiền định thấy ánh sáng bao trùm khắp, trạng thái hỷ lạc rất lớn. Lúc đó con cảm thấy mình biết ơn Tam Bảo, biết ơn Thầy tổ, mong mọi người đều được thấy như mình. Nhưng khi con bừng tỉnh lại thì đó là trạng thái con rơi vào định). Vì trí Tuệ thiền Minh Sát (Vipassanā) là Tâm luôn tỉnh giác với tất cả các hiện hữu và Tâm luôn biết cái hiện hữu này cũng “tuyệt đối không có gì cả”. Thiền minh sát không nằm ngoài mục đính thấy ra Vô Thường-Khổ-Vô Ngã. Và lúc nào cũng có đầy đủ Giới-Định-Tuệ rồi.
Con xin được cảm ơn và tri ân Sư Ông và Sư Ông Hộ Pháp
Cầu mong chư huynh đệ, đạo hữu tìm được cơ hội trong chánh pháp. Chứng ngộ được Tứ Diệu Đế và chấm dứt hoàn toàn khổ.
Cầu xin Chư Thiên hộ trì sức khỏe cho Sư Ông, Sư Ông Hộ Pháp, quý Sư cùng quý Cô Tu Nữ chùa mình.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 29-09-2021

Câu hỏi:

Dạ con xin đảnh lễ Thầy với lòng tôn kính!
Dạ con kính bạch Thầy, Con đã có được đọc 4 câu kệ của ngài Lục Tổ Huệ Năng đối lại 4 câu kệ của ngài Thần Tú. Và con xin dựa vào 4 câu đó để viết ra nhận thức của con và xin Thầy hoan hỷ dạy cho con thêm
"Bồ đề vốn không cây
Gương sáng cũng chẳng đài
Ngay đây không bị kẹt
Lấy gì để não phiền"
Dạ con xin đảnh lễ Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 28-09-2021

Câu hỏi:

Con kính đảnh lễ Thầy!

May mắn cuộc đời con
Được gặp Thầy khai thị
Thấy luôn ra chân lý
Sống hoà quyện lẽ thường.
Thầy ơi, nay con biết
Đi giữa cuộc đời này
“Thực tại” như “mặt đất”
“Thong dong tánh dạo chơi”
Và đời sống mỗi người
Sẽ giúp họ “chạm đất”
Kinh qua vài lần “khổ”
Quay về “tánh thong dong”.

Con kính chúc Thầy; Quý Tăng, Ni; và bạn đọc mạnh khỏe, an bình.
Con, Chân Liễu Khai.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 28-09-2021

Câu hỏi:

kính thưa thầy!
Con nặng về kiêu mạn, con cần tu pháp gì để giảm thiểu kiêu mạn ngủ ngầm.
Đôi khi con thấy mình rất khiêm tốn, nhưng khiêm tốn đó không phải là thực, sâu trong đó là một mục đích nào đó, một cái ngã mạn nào đó thích sự khiêm tốn, chứ không phải tự nhiên.
Con thấy được lợi ích lớn khi nghe pháp của thầy. Con cám ơn thầy, kính mong thầy sống lâu, khỏe mạnh.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 28-09-2021

Câu hỏi:

Kính bạch Sư Ông!
Con xin được trình bày cùng Sư Ông một vài cảm nhận.

1. Hai hôm nay con gặp chuyện ngoài ý muốn. Nếu như trước đây con sẽ bị cuốn theo cảm xúc dẫn đến hành động cảm tính, tự gây thêm nhiều áp lực cho mình. Thì bây nhờ nghe Pháp của Sư Ông con đã nhớ thận trọng chú tâm quan sát những cảm xúc trồi lên sụt xuống của mình. Con nhận ra sự việc này xảy ra không phải để “làm khổ” con mà là để nhắc nhở về những điều mà con vẫn đang còn bị bám chấp. Con thôi kháng cự lại hoàn cảnh nữa mà chấp nhận điều đã xảy ra. Hiện tại dù con chưa đưa ra quyết định ngay nhưng con cảm thấy bình thản vì dù quyết định thế nào giờ con thấy cũng không quan trọng nữa. Chưa phải quyết ngay thì thôi không nghĩ đến, đến khi cần quyết thì dù chọn điều gì thì con cũng sẽ nhận được bài học tương xứng với lựa chọn đó mà thôi. Nhờ đó con thấy mọi sự trở nên nhẹ nhàng và thấm thía hơn hai câu thơ của Sư Ông: “Tự do là ung dung trong ràng buộc, Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau.”

2. Trước đây con là một người không coi trọng tiền bạc, ghét sự bon chen để mưu cầu danh lợi, phải nói rằng con có tâm xem thường những người chỉ luôn biết đến tiền. Con luôn đề cao lý tưởng rằng phải được làm công việc yêu thích, không bị gò bó, bản thân phải vừa cảm thấy thoải mái mà vừa phải lợi ích cho mọi người thì mới có ý nghĩa (vì con thích cảm giác giúp đỡ người khác và cho rằng mình là người tốt bụng). Nhưng trên thực tế thì lại không tìm được công việc hoàn hảo như vậy: khi con làm công việc lương cao thì con thấy mệt mỏi vì nhàm chán, khi con đổi sang công việc thú vị hơn thì con cũng cảm thấy khổ sở vì thiếu tiền. Rồi một ngày con bỗng nhận thấy bản thân mình thực sự không hề hơn gì những người chỉ làm việc vì tiền. Nếu họ dính mắc vào tiền bạc và danh lợi thì bản thân con cũng bị dính mắc vào lý tưởng và sự cầu toàn thái quá, vào cảm giác thoải mái và vào “nhu cầu làm người tốt” của bản ngã. Con nhận ra tính chất 2 mặt của bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống, nếu quá nghiêng về thái cực nào cũng đều dẫn đến mất cân bằng. Chỉ có sự trung dung, khách quan mới có thể khiến con người ta nhìn nhận mọi sự việc một cách sáng suốt. Điều này con cảm thấy giống với con đường Trung đạo mà Phật giáo hướng đến.

3. Trước đây con cũng luôn cho rằng tất cả mọi sự đều phải nỗ lực mới tạo thành. Cho nên khi con bắt đầu tìm hiểu về Đạo, con thực sự không thể hiểu (và cũng ngầm không chấp nhận) rằng Tánh Biết là sẵn có ở mỗi người. Nhưng sau khi bản thân tự trải qua và ngẫm lại, thì những điều con nhận ra, đều xuất hiện rất tự nhiên, trong những khoảnh khắc tĩnh lặng không hề có sự chủ động suy nghĩ. Đồng thời việc này cũng khiến con nhớ lại những ngày còn là một đứa bé. Con đã luôn cảm thấy mọi sự con người trải qua như một vòng tròn, đi từ đầu đến cuối lại trở về cùng một điểm nhưng khi đó tuy hành động không thay đổi mà nhận thức đã khác. Cái này thật khó lý giải cụ thể vì con vẫn thấy mình kẹt trong ngôn từ. Nhưng với một đứa trẻ thì những suy nghĩ đó rõ ràng vượt ngoài tầm vóc, không thể do nỗ lực tư duy mà thành. Vậy liệu đó có phải là do khi còn nhỏ ta chưa vướng bụi trong mắt, nên Tánh Biết dễ dàng hiển lộ hơn không thưa Sư Ông?

Lần nào con viết cho Sư Ông cũng dài dòng quá. Nhưng thực sự là phước lành cho con khi hữu duyên biết đến Sư Ông từ những tuần đầu tiên khi thai nhi trong bụng vừa mới tượng hình. Đến nay con đã được hơn một nửa thai kỳ, ngày nào con cũng bật Pháp thoại lên nghe để thai giáo cho em bé, mà nhờ đó chính bản thân con cũng được vỡ ra rất nhiều điều.
Con xin kính chúc Sư Ông cùng toàn thể tăng ni chùa Bửu Long thật nhiều sức khoẻ!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 27-09-2021

Câu hỏi:

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!
Con xin chấp tay, cúi đầu đảnh lễ Thầy.
Dạ kính Thầy, hôm nay con xin phép chia sẻ 2 bài học quý giá mà con đã thực chứng, một là học từ Thầy, một là học ở trên mạng 4 quy tắc tâm linh của người Ấn Độ. Hai bài học con sắp kể ra đây có vẻ mâu thuẫn nhưng nó là như vậy.
Con xin kể câu chuyện của con, công việc của con là đi giao gas, phương tiện là 2 chiếc xe máy, một chiếc thì mới, một chiếc thì cũ kỹ, chủ có dặn dò nếu đi trong khu vực gần cửa tiệm thì đi chiếc nào cũng được, nhưng nếu đi xa thì lấy chiếc mới mà đi, sáng nay bà chủ có điện thoại cho con có khách hàng ở xa, như thường ngày, con hay đi chiếc xe cũ kỹ, với lại có vài lần con vẫn đi xa bình thường nên hôm nay con vẫn dùng chiếc xe cũ kỹ đó đi giao gas, nghĩ là không sao hết. Đi được 2/3 đường thì y như rằng, con đã gặp vấn đề không mong muốn, đó là xe bị xì lốp, ngay đó con thấy được giá trị lời dạy của Thầy, vì chủ quan, ỷ lại, không thận trọng, suy xét vấn đề đường xa, không lấy xe tốt mà chạy nên mới gặp vấn đề này. Tất nhiên cách giải quyết là gọi cho anh đồng nghiệp phải mất công chạy thay, gọi cho chủ, gọi cho khách, vấn đề đã được giải quyết nhưng trong sự miễn cưỡng, mất thời gian, con thấy phòng cháy hơn chữa cháy, nếu ngay lúc bà chủ gọi điện, con thận trọng, chú tâm, quan sát, suy xét vấn đề thì chắc chắn con sẽ không gặp phải vấn đề này. Đây là bài học thứ nhất.
Trước khi nói đến bài học thứ hai con xin chia sẻ 4 quy tắc tâm linh của người Ấn Độ mà con học được:
Quy tắc 1: Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp cả.
Quy tắc 2: Bất cứ điều gì xảy ra thì đó chính là điều nên xảy ra.
Quy tắc 3: Trong mỗi khoảnh khắc, mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm.
Quy tắc 4: Những gì đã qua, cho qua.
Cũng là câu chuyện con bị xì lốp xe, sau khi đã giải quyết ổn thỏa cho khách hàng, con đi vá xe, đến nơi người ta kiểm tra ruột xe rồi bảo xe không bị đinh găm gì hết, nhưng chỗ vá cũ bị rách một đường dài nên không vá được và phải thay ruột mới. Ngay đó con mới thấy giá trị quy tắc thứ 2, vậy là nếu như lúc này mình không gặp vấn đề này thì cũng gặp nó vào dịp khác, nếu lúc này tránh việc xe bị xì lốp thì lúc khác cũng phải gặp thôi, vấn đề sớm hay muộn cũng phải đối mặt với nó. Đây là bài học thứ 2.
Rút ra từ 2 bài học trên, con có thấy ra là: khi làm bất kỳ việc gì cũng thận trọng, chú tâm, quan sát, xem xét mọi việc kỹ càng để hạn chế thấp nhất rủi ro, chuyện không như ý xảy đến. Và sau khi đã làm tất cả, mà chuyện không như ý vẫn xảy đến với mình, thì hoan hỷ, chấp nhận nó như là việc cần thiết phải xảy ra, để tiếp tục thấy ra bài học, tiếp tục điều chỉnh thái độ và hành vi.
Con xin chia sẻ cùng quý đạo hữu ạ.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 24-09-2021

Câu hỏi:

Thưa thầy, trong lúc con dạy cho bé lớp 1 nhà con các ký tự abc. Khi bé đọc A, thêm dấu mũ là Â. Con phát hiện ra thực ra các ký tự không có ý nghĩa gì cả, nó chỉ là các nét vẽ đơn thuần. Còn nó có nghĩa chữ này, chữ nọ là do mình đặt cho nó.
Sau đó, con nhìn rộng ra thấy cái bàn, cái ghế, bông hoa, trái cây v.v... bản thân nó chỉ là nó, có tên này, tên kia, có nghĩa này nghĩa nọ là do mình đặt ra. Cứ thế, hằng ngày quan sát con thấy bản thân mình cũng chỉ là vậy. Dần dần con chẳng thấy mình là ai nữa, chỉ là một pháp biểu hiện và tương tác với các pháp khác. Đúng như thầy nói, mọi thứ xung quanh đều là chân đế, đều là thực tánh thầy ạ.
Con cũng thấy người này, người kia, cũng chỉ là một pháp biểu hiện xung quanh mình. Con hay nhìn họ một cách im lặng và cười nhẹ trong lòng. Nó có một cảm giác thân thương rất lạ, con muốn ôm từng người, yêu thương họ. Mọi cây cối, động vật, mọi thứ đều đáng yêu thầy ạ. Con tự hỏi, không biết mình có bị làm sao không? Thầy có nhiều kinh nghiệm, mong thầy chia sẻ.
Con cảm ơn thầy.

Xem Câu Trả Lời »