Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 25-08-2018
Câu hỏi:
Thầy ơi! Học giáo lý và nghe thuyết pháp con tưởng chừng như mình rất thấu hiểu. Nhưng thật sự khi có vấn đề xảy ra thì để thấu suốt tâm mình rất cần sự nhẫn nại. Hôm nay con lại được học bài học với sự cô đơn. Cô đơn vì cảm giác thiếu sự đồng điệu. Lúc như vậy con chỉ muốn co mình lại, không muốn gặp ai, không muốn nghe ai nói. Và muốn bỏ đi đến một nơi xa nào đó. Vì con nghĩ rằng có tiếp xúc có nói chuyện thì cũng không đồng suy nghĩ. Lúc đó bản ngã của mình ghê gớm thật. Người khác càng quan tâm mình lại càng tỏ ra bất cần và càng tỏ ra mệt mỏi, dù lúc đó mình không nghĩ, nhưng đó là sự vi tế của bản ngã, nó muốn làm như thế để gây thêm sự chú ý của người xung quanh. Một mặt khác sự cô đơn xảy ra khi trong tâm có ngầm một sự so sánh mình với người khác, càng so sánh càng bất mãn và cô đơn. Nhưng phải ngồi chơi với sự cô đơn ấy cũng mất hết 1 ngày con mới vượt qua được. Qua rồi con mới thấy, để có sự vô ngã vị tha là 1 quá trình chú tâm từng giờ, từng phút, từng giây. Chỉ cần lơ đãng 1 chút là những đòi hỏi của bản ngã sẽ đưa mình đi đến những điều bất thiện.
Những người từng gặp con, tiếp xúc với con ai cũng nghĩ con là người tử tế, người tốt. Nhưng thật sự chỉ có con mới biết nội tâm của mình còn những điều xấu xa thầm kín, bởi bản ngã trong con còn quá lớn. Mà con phải chiêm nghiệm và vượt qua hằng ngày!
Hôm nay, dù sao con cũng rất vui mừng vì con đã hiểu được sự cô đơn xuất hiện trong mình. Nhờ những lời dạy của Thầy giúp con rất nhiều. Con thành kính tri ân Thầy. Có gì mong Thầy chỉ dạy thêm cho con!
Ngày gửi: 25-08-2018
Câu hỏi:
Dạ thưa Thầy!
Sáng nay con được nghe bài giảng ngày 4A của khóa 17, một bài pháp làm mát rượi tâm hồn con, rửa trôi đi lớp vỏ bọc vô hình nào đó cứng ngắc mà lâu nay con vẫn cảm thấy bức bối. Thầy giảng về hạnh của nước, như vị thuốc quý chữa trúng căn bệnh ngã mạn sâu xa khó nhận biết của con, giúp con tự do tự tại khỏi nó. Trừ những lúc chánh niệm tỉnh giác hoàn toàn, con mới thoát ra được nó một lúc, hoặc khổ và nhục của thế giới tục đế đến đánh thức con hết lần này đến lần khác... Nhưng phần lớn cuộc sống hanh thông khiến con không thể nhận biết rõ, dù con đã thấy ra sự thật nhiều hơn, ít vô minh hơn nhưng vẫn bị trói buộc một cách vô cùng vi tế... Những tham dục, sân hận, si mê sinh rồi diệt, liên tục có mặt cho con nếm đủ cả vị ngọt và vị đắng của nó, mà con vẫn chưa nhận ra đằng sau những tham, sân, si ấy cũng chính là ngã mạn. Nay nghe pháp xong con ngộ ra "căn bệnh vi tế" của mình!
Con xúc động viết một bài thơ, cho chính mình, cho cái tâm ngã mạn của mình ạ. Viết lên nó, chính con cũng hạnh phúc và nhẹ nhõm vô cùng:
Mẹ sinh con là nước
Chỗ thấp nhất dừng chân
Miếng dở nhất chọn ăn
Việc khó nhất con làm
Cao sang con chẳng màng
Bẩn, dơ con đón nhận
Cho đi, không vướng bận
Một hạt bụi thế gian.
Con xin tri ân Phật, tri ân Pháp, tri ân Thầy ạ!
Ngày gửi: 23-08-2018
Câu hỏi:
Con chỉ viết thư cho Thầy như 1 sự tri ân. Hôm Thầy ra Đà Nẵng thì đúng ngày con đi Mongolia, con không gặp được Thầy, nhưng con có cảm tưởng rằng hình như nó chuẩn bị cho con một điều gì đó. Và quả đúng như vậy Thầy ạ. Vì từ MC về vài ngày con đi Kailash, con đi Tây Tạng lần này là thứ 3, và chỉ đến lần này con mới đủ duyên để đi Kailash. Con thực sự lo lắng trước chuyến đi, vì tuổi con cũng đã cao, lại mới có chuyến đi dài ngày ở MC, lại con không phải là người thiền định tốt. Chuyện tâm linh thì nó nhiều lắm, con không thể kể hết được. Nhưng đêm trước ngày đi Kora Kailash 3 vòng con vẫn bật nghe các bài giảng mới nhất của Thầy. Ngày thứ nhất đi bộ 16km, tương đối nhẹ nhàng, con đã thử các kiểu thở theo Yoga, rồi tập trung vào hơi thở... theo các sự hướng dẫn trên mạng... Nhưng mỗi lần như vậy con đều bị ngáp ngáp như cá bị vứt lên bờ. Tóm lại con cứ trụ vào đâu, kể cả hơi thở của con, con đều bị ngộp thở. Cuối cùng nhớ lại các bài Thầy vẫn giảng, con cứ kệ để cho cơ thể tự điều chỉnh và con lại thấy ổn.
Ngày thứ 2 là ngày kinh khủng, phải đi 22km, lên dốc liên tục khoảng 5km ở độ cao khoảng 5000m-5600m, con áp dụng lời Thầy dạy: trong cái đi hãy trọn vẹn với cái đi, và con đã thực hành đúng như vậy, không suy nghĩ lung tung, đi là đi, thấy là thấy và con đã hoàn thành tốt đẹp. Con thưa Thầy với một chút bản ngã (tất nhiên là khi đã hoàn thành rồi), rằng con đã tự tìm lại được chính mình qua chuyến đi này. Nên câu nói của Thầy con tâm đắc nhất là: sự vận hành tự nhiên của các Pháp. Tự nhiên con được gặp Thầy, chả ai giới thiệu, đủ duyên thì tức khắc các phương tiện, kể cả các phương tiện thông tin hiện đại sẽ đưa người Thầy đến dạy cho mình. Chuyện con chỉ có vậy. Thành kính tri ân các bài giảng của Thầy rất nhiều.
Ngày gửi: 19-08-2018
Câu hỏi:
Thưa Thầy.
Khi con quan sát tham sân (có chánh niệm tỉnh giác) thì có các diễn biến như sau ạ
1 không làm được phải làm lại
2 còn nhiều tư tưởng xen vào (nhiều)
3 còn ít tư tưởng xen vào (ít)
4 trọn vẹn thì vắng lặng (rất ít)
Như vậy con sử dụng giới định tuệ có đúng không a
Kính mong Thầy giảng cho con
Con xin tri ân Thầy!
Ngày gửi: 19-08-2018
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con xin trình Pháp ạ.
Một người hành thiền Vipassana đúng hướng là theo hạnh đoạn giảm. Đó là khi trở về ngay đây mà thấy thì các bộ mặt của cái ta ảo tưởng dần được phát hiện ra từ thô rồi ngày một vi tế hơn, trước là thấy ra các trạng thái như: tham, sân, bất an... rồi thấy ra phía sau các trạng thái chính là các thái độ phản ứng của cái ta ảo tưởng, sau dần phát hiện ra phía sau thái độ phản ứng này chính là những ý niệm, quan điểm, nhận thức sai lầm (thực chất nó cũng là một loại thái độ). Khi căn tiếp xúc với trần những ý niệm, quan điểm, nhận thức sai lầm diễn ra cực nhanh, chỉ với một ý niệm cho là thôi đã dẫn đến một chuỗi dài diễn biến diễn ra bị vô minh ái dục chi phối. Ví như khổ chỉ đơn thuần là khổ, không có ai thọ khổ thì ngay đó vừa thấy khổ vừa diệt khổ (khổ mà không khổ) nhưng trên sự khổ đó có ý niệm khởi lên (ý niệm này diễn ra rất nhanh) cho là khổ là tự tạo mối quan hệ lúc này đã có ta thọ khổ (khổ ảo). Diệt khổ hay diệt tham, sân, si không phải là dùng nỗ lực của ý chí bản ngã ngăn chặn lại mà "diệt bằng trí tuệ" tức thấy ra rõ tiến trình chúng sinh lên diệt đi như thế nào, nguyên nhân do đâu chúng sinh lên và nguyên nhân do đâu chúng diệt đi. Tất cả đều là vận hành của Pháp. Người tu học đúng hướng chính là:
Tu mà không tu
Hành mà không hành
Thấy mà không thấy
Để yên như nó là
Mọi sự sẽ minh bạch.
Thưa Thầy, trong hành thiền Vipassana ba yếu tố Giới - Định - Tuệ cần cân bằng nhau. Khi tiếp xúc với thực tại chánh niệm bên trong tự động phát lực (khác hoàn toàn với chánh niệm do lý trí điều khiển) khiến cho trạng thái bất an sợ hãi không sinh lên, lúc đầu con hoan hỉ và con an trú trong đó nhưng khi trải nghiệm sâu hơn con thấy mặc dù nội tâm có khi cả ngày rất ổn không khởi sinh sân hay vọng tưởng nhưng khi tương tác với bên ngoài con cảm nhận cái thấy nó không sáng như bình thường có phần trì trệ và nơi con trực nhận ra con đã thiên lệch về yếu tố Định, khi yếu tố Định mạnh hơn thì Tuệ sẽ bị che lấp nên những trạng thái sân bất an tuy không khởi lên nhưng không phải được thấy ra và tự đoạn diệt. Thay vì an trú như trước thì giờ khi rơi vào trạng thái này con thư giãn buông xả từ từ tâm sẽ trở về trạng thái bình thường. Khi điều này không được phát hiện ra nó dễ trở thành sở đắc và dễ trở thành thói quen, là một trong những chướng ngại trong tu học. Bởi cứ thường an trú vào nó thì khi tiếp xúc với cảnh bên ngoài nhất là những điều bất như ý thì rất "vụng về" bản ngã vẫn còn nguyên vẹn thậm chí tham, sân, ngã mạn bộc lộ ngày một mạnh hơn. Đó cũng là một trong những lý do tu hoài mà vẫn vậy.
Gần đây con có trải nghiệm rõ nét hơn về nghiệp. Nghiệp hình thành là do hai yếu tố Nhân bên trong và Duyên bên ngoài. Cảnh duyên bên ngoài Pháp đem đến chính là giúp nhân bên trong tái sinh ngay đó sẽ có hai hướng:
1. Đối với người thường biết mình thì nhận diện được Nhân bên trong và ngay đó chỉ có Thấy thì chỉ sinh lên rồi diệt đi tuỳ theo mức độ tuệ tri mà đoạn diệt một phần hay toàn phần nhân bên trong này. Và lúc này tiếp xử với duyên bên ngoài nương theo pháp mà ứng ra.
2. Đối với người sống trôi lăn hoặc tu học nhưng chưa đủ duyên thì khi cảnh duyên bên ngoài đến kết hợp với Nhân bên trong tạo ra lực kéo sẽ đưa đến những hành vi tạo tác nhằm thoã mãn nhu cầu của cái ta ảo tưởng, nghiệp chồng thêm nghiệp. Nhờ nghiệp giúp mỗi người học ra bài học chính mình mà Thầy dạy Nghiệp chính là con đường giác ngộ.
Kính tri ân Thầy. Nguyện Thầy luôn mạnh khỏe và bình an.
Ngày gửi: 19-08-2018
Câu hỏi:
Dạ thưa Thầy!
Thời gian qua, nghe Thầy giảng và thực hiện theo lời Thầy, con tự thấy về lý thì con tư duy và hầu như hiểu hết, đến mức con có thể nói ra một cách chi tiết và rành mạch cho ai đó hiểu. Tuy nhiên, việc này chỉ giống như con mới xem kỹ tấm bản đồ, tuy có thuộc lòng các ngã rẽ, biết rõ những gì sẽ xuất hiện trên đường đi, rất hữu ích nhưng nếu chưa bước chân đi thì con cũng chưa thực thấy con đường được, đi rồi mới thấy dù đã xem bản đồ thì vẫn sa ổ gà hay rẽ nhầm hướng như thường.
Về pháp hành, con chiêm nghiệm thấy mình đang đi một đạo lộ ngắn gọn và rõ ràng như sau: Vipasanna -> Thấy Khổ và nguyên nhân của Khổ (Giác ngộ Sự Thật) -> Buông (Diệt Khổ - Giải thoát).
Lộ trình này lặp đi lặp lại nhiều lần, vì tuy buông lúc này nhưng sau lại dính mắc tiếp do thói quen. Buông bằng lý trí hầu như không thực hiện được, phải thông qua thấy rõ Khổ, và khi Thấy khổ thì việc Buông xảy ra đồng thời. Muốn thấy Khổ và Nguyên nhân của khổ thì phải thực hiện Vipassana đúng - đó cũng chính là Bát Chánh Đạo (Đạo Đế), đồng thời chính là những gì Thầy dạy chúng con (Tinh tấn - chánh niệm - tỉnh giác).
Thường thì con cũng không thấy khổ thường xuyên, con cứ sống cuộc sống bình thường nhưng khi nhân duyên hội tụ chín muồi pháp đưa con đến khổ, nhờ tuệ minh sát con thấy rõ Khổ và nguyên nhân của nó (nếu không có tuệ minh sát con sẽ ngụp lặn không biết mình ra sao), thấy rồi thì buông ra, rồi lại lặp lại dính mắc do thói quen... Khi dính mắc lại thì vô minh không biết, đến khi đủ nhân duyên và tuệ đủ sáng để thấy khổ do dính mắc thì lại tiếp tục buông ra (khổ này thể hiện qua nhiều hình thức như tham, sân, si, kiêu mạn, đố kỵ,)... Cứ như vậy lặp lại thưa Thầy.
Trong pháp hành, những khái niệm về ngũ uẩn, bản ngã, chân đế, tục đế, Niết Bàn, danh sắc... trong pháp học con hầu như quên hết, không chủ động ghi nhớ nữa, con chiêm nghiệm chân thực chỉ còn duy mỗi pháp Vipassana hay chính là Tinh tấn - chánh niệm - tỉnh giác. Tuy nhiên, lúc con làm được, lúc thì không, nhưng khi không làm được thì nhân duyên lại kết thành cho con thấy hậu quả liền.
Con may mắn vì Thầy là vị ân sư đầu tiên con theo học kể từ khi có tín tâm nơi Phật Pháp, trước đó con không biết thêm phương pháp thực hành nào khác.
Dạ thưa Thầy, con xin được trình pháp như vậy, con đường con đang đi vậy có đúng hướng không ạ? Con mong được Thầy chỉ dạy ạ!
Ngày gửi: 18-08-2018
Câu hỏi:
Thưa Thầy, qua một vài trải nghiệm, và được Thầy khai sáng, con chợt hiểu ra rằng, nếu không có ngũ uẩn làm ranh giới, thì tâm bên trong bên ngoài sẽ tiếp xúc giao thoa hoà tan lẫn trong nhau, do vậy mà người xưa mới nói rằng: tâm là trùm khắp như hư không.
Nếu như con biết sống trọn vẹn tỉnh thức, sẽ có một lúc nào đó, khi nhân duyên đầy đủ, cái gọi là ngũ uẩn giả hợp này sẽ tự rơi xuống, chính đó là lúc con trở về hoà nhập trọn vẹn với tự tánh thanh tịnh.
Ngày gửi: 16-08-2018
Câu hỏi:
Con kính chào thầy
Thời gian qua con đã thực hành như lời thầy dậy qua video, lúc đầu con còn hoài nghi lời thầy dậy thiền là dễ nhất không phải làm gì chỉ thấy thôi, sau đó con cứ thấy biết như thầy đã dạy và con đã thấy kết quả rõ rệt. Con vẫn còn tham sân si sợ hãi nhưng càng nhìn trọn vẹn thì tham sân si sợ hãi càng ít đi, con đã tự tin và binh thản hơn. Nhưng khi trọn vẹn với thân tâm thì con thấy thân con nhẹ và tê nhè nhẹ toàn thân vậy có đúng không thưa thầy và con cứ nhìn như nó đang là thôi phải không thầy? Mong thầy chỉ dạy cho con.
Con xin cám ơn thầy, mong thầy luôn luôn khỏe mạnh.
Ngày gửi: 16-08-2018
Câu hỏi:
Thưa thầy, mọi vật xung quanh con như bừng sáng, hoạt động cơ thể chậm lại, không còn hấp tấp như mọi ngày, điểm chạm nào cũng biết trọn vẹn.
Con nghĩ đây là cảm giác tạm thời nên nằm nhắm mắt một chút và mở mắt ra vẫn còn biết như vậy, con vẫn bình thản mà không dám vui thưa thầy.
Bệnh cảm và vọng tưởng thỉnh thoảng vẫn còn nhưng giờ con rất hoan hỷ đón nhận.
Con cám ơn thầy đã lắng nghe con.
Ngày gửi: 16-08-2018
Câu hỏi:
Kính thưa thầy,
Trước con xin kính chúc Thầy luôn có sức khoẻ để dẫn dắt chúng con thấy và thấy ra chân lý cuả cuộc đời, sau con xin trình bày sự biết cuả con về Lý và Sự.
Theo con, trong tục đế đời thường Lý là việc học, Sự là thực hành; Lý sự là việc học hành. Trong đời sống tinh thần, Lý là chỉ ra sự thật đang là, Thấy và Thấy ra bài học mà pháp đang dạy; Sự là luôn quay về để Thấy, Thấy ra và điều chỉnh nhận thức hành vi cho phù hợp tốt mình tốt người không hại mình hại người một cách tự nhiên không có cái ngã của ta chen vào.
Con hiểu như vậy có đúng không, Kính xin Thầy chỉ dạy.
Kính Thầy.