loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1797 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 20-03-2018

Câu hỏi:

Kinh bạch thầy,
Trong quyển sách Sống trong thực tại và bài pháp thoại 10 ba la mật, thầy có dạy "Bao lâu tính ích kỷ chưa được phát hiện và chấm dứt, thì dù chúng ta làm gì cũng chỉ phát triển cái bản ngã mà thôi." Điều này rất ghi ấn tượng trong con. Mỗi ngày ngoài việc thận trọng chú tâm quan sát, con cũng hay tùy duyên san sẻ theo khả năng của mình. Có lẽ vì vậy mà Pháp mang đến cho con một cô bạn đang bệnh ung thư trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Bạn đang Chemotherapy và rất yếu. Để giúp bạn vượt qua khó khăn này, có lẽ con phải dùng hết số tiền mà con để dành mua xe (xe con đã cũ rồi), nhưng không sao con sẽ bắt đầu để dành lại. Nếu không có những lời khai thị của thầy, có lẽ con đã không tùy duyên giúp bạn tự nhiên như vậy.
Con tri ân và cuối đầu đảnh lễ thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 20-03-2018

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy,
Sau thời gian học hỏi với Thầy, con hiểu rằng những suy nghĩ hay cảm xúc của mình cũng chỉ là những đối tượng bên ngoài, đến rồi đi, chỉ vì mình cứ tin rằng những suy nghĩ, cảm xúc chính là mình nên mình phản ứng theo chúng. Còn nếu mình biết rằng những suy nghĩ, cảm xúc đó cũng thay đổi liên tục thì khi chúng tới, mình chỉ cần bình tâm quan sát, cảm nhận nó một cách trọn vẹn, không phản ứng gì hại mình hại người là được... Con hiểu vậy đúng không ạ?

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 18-03-2018

Câu hỏi:

Kính thưa thầy!
Con xin trình pháp hành: Đạo là sống tùy duyên thuận pháp. Lúc hữu sự thì sống tùy thuận theo pháp thế gian, ví như phải lo chuyện cơm áo gạo tiền để mưu sinh chân chính, nếu duyên có gia đình thì lập gia đình và chăm lo chuyện gia đình, sống tùy thuận theo pháp tục đế, không hại mình hại người, nên làm những việc mình biết là lợi mình lợi người thì cứ sẵn lòng làm hết mình. Làm trong chánh niệm để trải nghiệm sẽ thấy ra những dính mắc trong tà kiến cho là phải là. Khi tâm thấy ra tới đâu thì bản ngã ảo tưởng tự biến mất đến đó. Lúc vô sự thì trả thân và tâm lại cho nó được thư thái nghĩ ngơi, đi đứng nằm ngồi gì cũng được, không cần phải dụng công cố gắng định tâm hay chế ngự tâm gì cả, cứ để tự nhiên như nó là. Tâm trôi đi đâu thì thấy ra tâm trôi ở đó, tâm trụ ở đâu thì thấy ra tâm trụ ở đó, tâm không trôi, không trụ thì thấy ra tâm không trôi không trụ. Cứ như vậy tâm sẽ tự lắng mà không cần ý thức can thiệp vào. Ví như ly nước để trên bàn 1 lúc sau sẽ tự khắc yên lắng.
Giờ con đã hiểu ra thế nào là lòng từ bi đích thực. Con Xin tạ ơn pháp, Con xin tạ ơn thầy, con xin tạ ơn những bậc giác ngộ đã nhiều lần khai thị cho con. Trước đây con hành theo lý trí kiến thức, kinh nghiệm là chính. Con bị vướng kẹt trong rất nhiều tà kiến chấp trước do chính ảo tưởng chấp thủ trong con tạo ra, Chính vì vậy con cứ mải lo tìm kiếm trong mê mờ, nào là nghi ngờ, do dự, tính toán, phân vân, lưỡng lự, cầu toàn, rồi lo lắng, sợ hãi... Đã rất nhiều lần con may mắn được bậc thiện trí giác ngộ khai thị nhưng con lại nghi ngờ, con cứ mãi tìm cầu theo ý mình, con cứ mãi mê mờ trong ảo tưởng do mình tự vẽ ra. Con cứ mãi loay hoay chống pháp, cứ mãi lo rèn luyện để trở thành và con cũng đã được nếm mùi khổ. Trong khi nếm khổ thì may mắn lại đến với con là được gặp bậc thiện trí giác ngộ khai thị dẫn lối cho con, và năm ngoái con may mắn nghe được pháp thoại của thầy. Đến hôm nay con đã trải nghiệm và thấy ra được lời thầy dạy hoàn toàn chân thật, không hư dối.
Con hiểu ra rằng bậc giác ngộ từ bi vô lượng, các Ngài thấy rõ chỗ vướng kẹt của chúng sanh. Và các Ngài từ bi khai thị, nhưng còn chúng sanh thì mê mờ không thấy, nên nghi ngờ, lắm lúc còn chống pháp. Nhưng các Ngài vẫn âm thầm thọ khổ, các Ngài nhẫn nại chờ đợi để tạo duyên khai thị cho chúng sanh vô minh giống như con. Khi con hiểu ra được điều này con như chết lặng, chua xót khôn cùng, không cầm được dòng nước mắt đang cuồn cuộn tuôn trào. Con xin thành tâm được sám hối pháp, sám hối thầy, sám hối những bậc giác ngộ.
Con xin cầu chúc Thầy sức khỏe! Xin cầu chúc mọi người sớm thấy ra được đạo sống tùy duyên thuận pháp.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 17-03-2018

Câu hỏi:

Con xin chào Thầy,
Lâu rồi con không trình pháp với Thầy vì con thấy đã hiểu và việc của con là quay lại thân thọ tâm pháp nơi chính mình và sự tương giao với mọi người, với các sự việc trong đời sống cũng như vạn vật diễn ra xung quanh để hiểu cách các pháp vận hành. Con đã học được rất nhiều từ phiền não của chính mình và của những người xung quanh. Nếu không có Vipassana, nếu không xem cuộc đời như là trường học, nếu không chấp nhận mọi thứ xảy ra dù thế nào thì đều đúng với lý nhân quả của nó, có lẽ con đã không trụ nổi với những cơn bão trong tâm mình.

Hôm nay con có một câu hỏi mà một người bạn đạo đã hỏi con, con xin nhờ Thầy làm rõ ạ.
Một người bạn đạo một hôm hỏi con Thiền là gì, sau một hồi suy nghĩ, thì con nói ngắn gọn là: “Thiền là thấy mọi thứ ở hiện tại đúng như nó đang là”. Bạn hỏi thêm, có phải là “An trú trong giây phút hiện tại không?”. Sau một hồi suy nghĩ về 2 cách dùng từ thì con thấy đây là 2 cách thiền khác nhau.
Con nghĩ “an trú” có mục đích rất rõ ràng là để “an”, có thể là bình an hoặc an lạc, bằng cách trụ trên một đề mục ở giây phút hiện tại, đó có thể là hơi thở, bước chân hoặc một đề mục nào đó. Cách thiền này rất phù hợp với những người trải qua nhiều bất an trong cuộc sống luôn có thói quen suy nghĩ thì đây là cách thiền rất phù hợp, có thể thực hành để cắt dòng suy nghĩ miên man, khiến tâm dần quen với việc không suy nghĩ, và có thể thực hành mọi lúc mọi nơi. Rất tốt cho người mới bắt đầu hành thiền hoặc ngay cả đối với người hành thiền lâu năm thì cách đối trị này cũng tốt đối với những lúc tâm quá vọng động và không thể quan sát một cách bình thường được.
Tuy nhiên, theo con thì khi “an trú” có ít nhiều tác ý mong muốn và khi định trên một đề mục như vậy thì sẽ khó mà thấy thực tại đúng như nó đang là, không thể học bài học từ chính lcác trạng thái tâm/pháp đó và vì vậy, như đá đè cỏ tạm thời. Dù có tác dụng được “an” được trong một thời gian, nhưng nếu để hiểu và thoát ra khỏi nó thì con nghĩ, chỉ có Vipassana (Thấy đúng như nó đang là) là cách tốt nhất giúp cho việc dần dần “giải thoát” khỏi nó 1 cách vĩnh viễn.

Con xin chia sẻ vài suy nghĩ con. Con nhờ Thầy khai thị và chỉ điểm giùm ạ.
Con cảm ơn Thầy. Con chúc Thầy luôn khỏe mạnh ạ.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 16-03-2018

Câu hỏi:

Bạch thầy,
Thầy từ bi giải thích cho con rõ ảnh hưởng qua lại của tâm đối với hệ thống thần kinh não bộ thế nào? Con chiêm nghiệm thấy rằng khi tâm tự tại, rỗng rang không dính mắc thì hệ thống thần kinh được nghỉ ngơi vô sự, thư giãn hoàn toàn.
Con hiểu vậy có đúng không, thưa thầy?

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 15-03-2018

Câu hỏi:

Thưa thầy! Mấy tháng qua con quán thân thọ tâm pháp và thấy rằng mọi pháp đến với mình vô thường và vô ngã. Con thấy mọi thứ đến với con nó tự vận hành theo quy luật của nó. Nói bằng lời con rất khó để nói rõ. Con lấy ví dụ thế này: trong cuộc sống con muốn mình không nổi sân với ai, và con tự nhủ rằng mình sẽ không sân. Và rồi con quan sát xem tâm mình khi tiếp xúc với mọi việc sẽ thế nào. Cuối cùng con thấy cái tâm sân nó khởi lên giống như một phản ứng tự nhiên, mình không thể muốn tâm của mình phải như thế này hay thế kia được. Đối với thân thọ hay mọi việc đến với con cũng vậy. Nói chung là con thấy rằng: vạn pháp đến với mình thì mình thấy nó đến như vậy, dù muốn hay không pháp cũng tự vận hành theo quy luật của nó và không thể theo ý muốn chủ quan. Qua việc thấy ra như vậy con bắt đầu cẩn thận với lời nói và hành động của con hơn. Khi tham hay sân khởi lên con thấy nó như "nó" đang là chứ không phải như "ta" đang là. Con ngẫu hứng làm một đoạn:
Không muốn pháp đến, pháp vẫn đến
Chẳng muốn pháp đi, pháp cứ đi
Âm thầm lặng lẽ con soi chiếu
Pháp đến pháp đi bận tâm gì!
Dạo này con thấy con ít tham và sân ít khởi lên hơn trươc đây. Nhưng có những lúc cơn sân nổi lên mãnh liệt và chỉ cần con dính mắc một tý trên đối tượng là sức mạnh của nó lôi cuốn và nó như thôi thúc con phải làm gì ngay, phải cho đối tượng kia một bài học ngay và luôn. Thật nguy hiểm thầy ạ. Hôm nay câu hỏi của con cũng ở ngay chỗ này. Đó là con thấy có lúc nhìn thẳng vào cơn sân thì cơn sân dịu ngay, có lúc nhìn nó vẫn mạnh mẽ. Hình như ở đó có 2 cách nhìn. Một cái là của tánh biết và một cái là tướng biết phải không thầy? Mà cái tướng biết này có là do tánh biết soi chiếu trước đó mà có? Con cần điều chỉnh như thế nào để hạn chế được tình trạng đó ạ. Con xin tri ân thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 12-03-2018

Câu hỏi:

Kính Thầy,
Lần này con chỉ muốn trải lòng cùng Thầy. Thầy ơi, con nghe pháp thoại của Thầy cũng hơn 1 năm rồi. Và con tự nhận thấy cách nhìn nhận hay xử lý một vấn đề của con ngày càng tiến bộ.
Trước đây con hay nhăn nhó, dễ bị cảm xúc tiêu cực kéo xuống, và luôn muốn mọi thứ theo ý mình. Rồi ngày ngày nghe pháp của Thầy, con nhận thấy mình có thay đổi. Con thấy tâm con "thả lỏng" hơn, dễ chịu với mọi tình huống và hay tự biết mình hơn. Bí kíp chỉ có ở chỗ "không thêm không bớt và quay về thực tại như nó đang là".
Tự tâm con thấy thật may mắn khi được biết Thầy và thầm cảm ơn Thầy rất nhiều. Dù chưa được gặp Thầy, nhưng đã hành và thấy ra được sự thật Thầy chỉ bày, con tự nhủ rằng mình đã là một đệ tử của Thầy, xin Thầy cho phép con nha Thầy.
Còn nữa, khi con tiếp xúc ngoại cảnh, thấy nhiều người giàu có, nhà cao cửa rộng, cha mẹ quyền thế, con cái thành đạt, sao tâm con không hề có cảm giác thèm muốn được như họ. Nhưng có một lần, đọc được tâm sự của một bạn trên Hỏi Đáp, nói rằng đã xuất gia và tìm được chốn tu tập phù hợp, lòng con lại ngưỡng mộ vô cùng, và thầm mong muốn được như bạn ấy. Tâm con luôn có suy nghĩ hướng về sự xuất gia, nhưng con biết hiện tại con còn trách nhiệm và bổn phận chưa thể lìa dứt được. Nên con tự nhủ sẽ tùy duyên thuận pháp, tiếp tục học bài học ở đời dưới tâm nguyện là 1 người đệ tử của Thầy và thực hành theo lời Thầy chỉ bảo.
Con, Thục Đoan.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 04-03-2018

Câu hỏi:

Con chào thầy ạ!
Thưa thầy vậy tu là cứ trở về với giây phút hiện tại dù đang thế nào, tham, sân, si gì cũng chỉ biết vậy mà không thêm cảm xúc (buồn, thương, giận, ghét,... cái tham, sân, si đó) gì cả. Từ chỗ hiện tại muốn lập kế hoạch tương lai, hay xét lại quá khứ gì đều được. Còn khi thực hiện kế hoạch tương lai thì cứ hiện tại thế nào thì xử lí như thế, kết quả tương lai từ chỗ hiện tại mà ra và phụ thuộc vào duyên, nghiệp.
Còn để trở về với thực tại thì làm cách nào đó là tùy mỗi người tự chọn cách của riêng mình.
Thưa thầy con thấy vậy thế nào ạ?
Con cảm ơn thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 03-03-2018

Câu hỏi:

Kính thưa thầy, từ ngày sống chánh niệm tỉnh giác, con ít tham sân hơn nhưng dường lại trở nên quá nhạy cảm mỗi khi chúng khởi lên. Dù có lúc cơn sân chỉ khởi lên chút xíu thôi nhưng con cảm nhận rõ cả cơ thể căng cứng, hơi nóng dồn lên đầu, thậm chí hơi đau đầu nữa. Thậm chí cả khi ngồi nói chuyện về đạo với người bạn, nói chuyện một cách thoải mái, không có tranh cãi gì con cũng cảm nhận được rõ ràng có tham sân trong lúc nói chuyện, biểu hiện bằng việc cảm nhận cơ thể có cảm giác khó chịu, căng thẳng, không yên, nhộn nhạo. Con bắt đầu thấy sợ những cảm giác như vậy và không biết sự tu tập của mình có vấn đề gì không? Không biết là do mình sân hơn hay là do nhạy cảm hơn với cơn sân? Con thấy con hành chánh niệm tỉnh giác một cách tự nhiên chứ không gò ép bởi hữu ngã gì cả. Kính mong thầy chỉ dạy cho con.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 02-03-2018

Câu hỏi:

Thầy ơi, gần đây con hiểu tinh thần Trung Đạo Đức Phật dạy, thể hiện với sự tinh tấn - chánh niệm - tỉnh giác trong thực tại đời sống của chính mình, cũng chính là sống theo lẽ Đạo tự nhiên.
Mình sống với tâm Đạo như thế thì sẽ thấy ra chân lý trong ngổn ngang nhị nguyên tốt xấu ở đời. Mình sống tùy duyên tiêu cựu nghiệp, con thấy gặp việc chẳng như ý thì cũng nên bình tĩnh ôn hòa, như lấy đức báo oán mới hợp Đạo, oan oan tương báo thì đời nào mới hết.
Chuyện phiền não trong tâm mình cũng thế, chỉ cần bình tĩnh thấy ra sự thật, không cần khởi tâm đối kháng chỉ thêm bất an. Tự nhiên sự việc sẽ trở về cân bằng hợp với lẽ tự nhiên, như con lắc tự về cân bằng phải không thầy.
Thưa thầy, con chưa biết cái hiểu của con có chỗ nào chưa đúng không thầy?
Kính mong thầy chỉ dạy cho con.

Xem Câu Trả Lời »