loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1797 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 03-11-2021

Câu hỏi:

Sư Ông ơi!
Con là người gửi lá thư trình bày con bị thần kinh và hiểu được tánh biết. Hôm nay con nhận ra tất cả nghiệp con lãnh là có lí do của nó. Con có buồn hay gì thì ba mẹ con cũng không giải quyết giúp con, chỉ khi con vui vẻ nói những lời ái ngữ thì ba mẹ con mới nghe và con cũng vậy. Con là người rất nóng tính và con cũng không chấp nhận được bản tính đó. Con thấy khi mình nóng la lối xong rồi tội người ta nhưng con cứ loay hoay không biết làm sao để thay đổi mình. Cơ duyên đợt giãn cách vừa rồi, con không ra ngoài được đã giúp con nhận ra đó giờ con nắm bắt đều bên ngoài. Con dần hiểu được tâm mình hoạt động như thế nào. Cũng vì hiểu ra, con thấy người thân mình cũng như con. Ban đầu, con có chống đối lại vì con cho đó là không tốt. Nhưng con nghĩ mình phải là "sen trong bùn" và con cố gắng nói những lời ái ngữ cũng như cho đi không cần báo đáp. Có những lúc con cảm thấy mệt mỏi và cô đơn cũng không ai nghe con tâm sự. Con tìm niềm vui bằng đọc sách và nghe nhạc, con lại nhận ra tâm mình yếu vì đó giờ con chỉ muốn sung sướng. Con vội mua sách đọc và không để bản thân mình rảnh rỗi. Rồi con chuyển qua ăn chay, giấc ngủ trở nên nhẹ nhàng. Con không biết tâm sự với ai để hiểu mình, nên con gửi thư cho Sư Ông.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 03-11-2021

Câu hỏi:

Kính thưa thầy, gần đây có một lần con rất đau khổ vì chồng lâu rồi mới uống rượu với người nhà anh, buổi tối bỏ con một mình chăm con, con rất thất vọng và chán nản vì con đã dặn anh rồi, về nhà chồng một mình con không chăm nổi, bé khóc um sùm làm mọi người không ngủ được nên con căng thẳng lắm. Con muốn anh bỏ rượu luôn. Sau việc này anh cũng đồng ý nhưng con thấy anh không phải vì thấy sự nguy hại gì cả mà chỉ vì thấy có lỗi với con thôi, thấy như bắt ép anh vậy. Con cũng vì chuyện này mà đau đầu, không biết giải quyết ra sao.
Có một vị thiền sư bảo nên có tình yêu vị kỷ cho chính mình, con hiểu ý vị ấy là làm cho mình thanh tịnh trước mới có thể yêu người khác yêu chúng sinh được.
Nhưng đối với hạng phàm phu như con đọc ngay chỗ đó là hiểu hãy vì mình có hạnh phúc trước tiên rồi hãy làm người khác hạnh phúc. Như vậy chỉ tăng trưởng bản ngã, điều gì cũng mình là số một hết.
Còn một tư tưởng thứ hai mà con dính vào một thời gian dài đó là vì người khác quên thân mình. Đây là minh chứng cho câu "Người không vì mình trời tru đất diệt". Xả thân bất chấp, đây cũng là câu nói của thầy thường nói "Hại mình lợi người", mà trong một nhóm người của xã hội cực đoan vì tôn giáo "Tử vì đạo". Giúp người, xả thân mà không có trí tuệ mà cứ ảo tưởng rằng mình là "Vô ngã vị tha".
Nay sau khi chiêm nghiệm lại thực tế và những lời dạy của thầy con thấy sai ở mình đó là lại muốn sự hoàn hảo, muốn mọi thứ đúng tốt ngay khi chưa đúng thời điểm, bị lôi kéo theo cảm xúc tiêu cực và quan trọng là không quan sát kịp thời để bản ngã chi phối hành động. Nhưng trong lúc đó, con luôn trọn vẹn thấy cơn đau của mình và rồi con thấy nó hết như thế nào. Bởi vậy theo con nghĩ, khi căn cơ trí tuệ còn yếu để đau khổ lôi đi thì chỉ có trọn vẹn với cơn đau là giải pháp hữu hiệu nhất.
Rồi sau đó, con lại loay hoay học bài học cân bằng giữa vị kỷ và xả thân. Ngày xưa, khi mệt mỏi thân hoặc tâm không muốn ai làm phiền chỉ muốn nằm ngủ nghỉ cho khỏe hay mặc kệ bản thân đang muốn gục tại chỗ, cần nghỉ ngơi thì cố gắng xông pha đi làm. Cả hai trường hợp đẩy con vô ngục tù của chính mình vì bản ngã còn y nguyên.
Tự nhiên con nhớ ra lời thầy dạy rất đơn giản mà rất uyên thâm, đừng muốn theo ý mình nữa, để Pháp lo đi, lo phát hiện bản ngã đi, lo trở về thực tại đi, lo biết thân thọ tâm pháp mình đi, lo thận trọng chú tâm quan sát đi. Vì khi khởi lên suy nghĩ tính toán đây là vị kỷ hay đây là vị tha là lại là tác phẩm của bản ngã rồi, càng mệt mỏi thêm thôi!
Tự nhiên con bừng tỉnh!
Con xin trình thầy, con cám ơn thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 03-11-2021

Câu hỏi:

Thưa Thầy,
Trước những sự kiện của cuộc sống xảy đến và trước cái tâm vọng động, Thầy đã chỉ dạy chỉ cần quan sát và thấy được tâm lý của mình.
Con ứng dụng lời chỉ dạy đơn giản này của Thầy thường xuyên, bởi cuộc sống có nhiều va chạm, và dần dần cách đón nhận những điều không như mong muốn cùng những cảm xúc tiêu cực, tích cực cũng được đặt dưới cái nhìn sáng rõ hơn. Vui không vui quá mà buồn cũng không buồn quá, chỉ ngồi bên cạnh cảm xúc và quan sát, nhìn nhận từ từ. Con vì vậy cũng bớt sự vội vàng, hấp tấp.

Trước kia thời gian con thấy trôi qua rất nhanh, bây giờ con thấy chậm lại và có những lúc, thời gian hình như không còn nữa. Nhưng những điều đó có lẽ cũng không quá quan trọng ở trình độ của con lúc này.

Con nghe pháp thoại Thầy giảng từ ngày chưa biết tới Phật pháp là gì tới nay đã hơn 5 năm, nhưng cứ nghe đi nghe lại và mỗi lần lại thấy ra thêm một chút mới mẻ, mà mỗi lần thấy ra, là một niềm vui nhẹ nhàng khởi lên, reo vui một câu rằng 'à chân lý Thầy vẫn nói là đây, hóa ra chỉ có một'; và khi ấy con thấy lòng mình hướng đến Thầy với niềm biết ơn.

Con cảm ơn Thầy đã chỉ dạy và soi sáng, con đường học đạo của con vẫn còn dài nhưng con hoan hỉ vì biết mình nhìn thấy nó rõ ràng, không sai lệch. Kính chúc Thầy thật nhiều sức khỏe và an lạc.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 31-10-2021

Câu hỏi:

Kính bạch sư ông.
Con xin kính tặng sư ông bài thơ và cũng là sự trình pháp của bản thân con.

Tánh biết không tham cũng không sân
Quá khứ tương lai cũng chẳng cần
Ngay nơi thực tại thường cần mẫn
Pháp sẽ dẫn ta thấy dần dần

Tánh biết không sân cũng không tham
Thận trọng chú tâm thường phải làm
Quan sát tự thân không u ám
Bản ngã diệt ngay xuất cõi phàm

Con xin chân thành biết ơn sư ông.
Nguyện cho tất cả chúng sanh đều giác ngộ chân lý tứ thánh đế, giải thoát khỏi phiền não khổ đau.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 30-10-2021

Câu hỏi:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Con xin thành tâm kính đảnh lễ Thầy!
Con xin trình Pháp với những gì con đã trải nghiệm qua.
Con và em là hai người xa lạ, nhân duyên cho chúng con được biết đến nhau và cùng biết đến Đạo Phật, chúng con lại ở trọ gần nhau. Chúng con sống thật lòng với nhau và luôn chia sẽ và cùng nhau tu học, nên tình cảm chị em ngày càng gần gũi hơn. Ban đầu chúng con thực hành chung một thời khoá, cùng một phương pháp, một pháp môn. Thời gian gần đây khi con nghe pháp thoại của Thầy, con lại sự biến chuyển về nhận thức của con rất nhiều, con nhận ra chính mình nhiều hơn, con buông thời khoá của mình, không còn dậy sớm thức khuya để thực hành đúng thời khoá, con không còn tinh tấn nỗ lực để đạt thành một phiên bản tốt hơn. Con biết quan trọng là con phải quan sát rõ biết bản thân mình trong mỗi giây phút. Cái tốt đã có sẵn, chỉ cần buông bỏ những nhận thức và hành vi sai trái thôi. Con có chia sẽ điều này với em, nhưng con cảm nhận em và con như đang lỗi nhịp đập Thầy ạ.
Và rồi con cảm nhận sự thờ ơ, và lạnh lùng của em dành cho con, dù gần nhau nhưng em như đang muốn trốn tránh gặp con. Cho dù con có kết nối nhưng con không hiểu sao em như đang tránh mặt con. Khi cảm xúc đó hiện lên trong con, con đã biết mình đang dính mắc vào em, vào mối quan hệ với người thương. Tâm của con như bị bóp nghẹt và cảm thấy cô đơn vô cùng, con không nói gì và chỉ lẵng lặng quan sát tâm mình diễn biến như thế nào, cảm xúc làm cơ thể con mệt mỏi, con biết đó nhưng con không buông ra được nên chỉ biết quan sát nó diễn biến. Con đã nghĩ mình mạnh mẽ và bao dung cho đến khi chuyện này xảy ra, con ko nói ra nhưng trong tâm con có chút trách em, có chút hờn, có chút giận. Khi tâm này nổi lên con lại thấy trong mình như có hai tâm, một tâm nãy ra những tâm bất thiện với những điều không thiện lành về em, nhưng có một tâm lặng lẽ quan sát những điều đó xảy ra, cho đến lúc, con muốn khóc. Và con đã khóc, nước mắt con tuôn ra. Con khóc vì mình đã thấy ra chính mình rất nhiều sau mỗi câu chuyện. Thấy ra thật ra tình cảm mà mình nghĩ tình thương, con tự hỏi mình thương em hay là thương mình? Tình thương cứ ngỡ trong sáng ấy té ra là cũng không phải tình thương trong sáng hoàn toàn. Thầy nói khi có đau khổ là còn sai. Dạ! con ngẫm lại thấy đúng quá Thầy ạ.
Con đến trước tượng Phật, nhắm mắt ngồi yên lặng một lúc, và hình ảnh Thầy hiện ra trong con, và những lời Thầy giảng, trong lòng con biết ơn đến nhường nào, con đang trải qua những trải nghiệm chân thật ngay trên chính con, con đã thấy bài học về tình yêu thương, về dính mắc, con thấy mình đang nương tựa vào bên ngoài, và tất cả bị cái tôi che đậy, giờ thì con thấy rõ mình hơn rất rất nhiều. Rồi tự dưng con buông được ra, con thấy lòng nhẹ nhàng.
Khi nhìn lại, con thấy như mình vừa được thực hành một bài học rất đáng trân quý.
Dù bao lần trồi sụt nhưng con đã thấy mình sáng tỏ hơn rất nhiều. Con xin tri ân đến Thầy đã cho chúng con những lời dạy thật, những bài Pháp thật quý giá!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 30-10-2021

Câu hỏi:

Kính thưa thầy, qua việc nấu chè thôi khi không bị bàn tay của họ dạy Pháp xen vô, theo vận hành tự nhiên của Pháp mà con học ra nhiều điều.
Món chè thứ nhất tuy bình thường con không thích, nhưng có một chỗ nấu quá ngon, con luôn nung nấu ý định muốn nấu y như vậy để mình và mọi người cùng ăn, nghĩ chắc sẽ rất vui rất hạnh phúc. Con về tham khảo thêm cách nấu và nấu sao cho đúng vị y như vậy. Không ngờ kết quả ăn được mẹ con khen ngon, thấy mẹ con vui lắm. Trong quá trình nấu con thấy mình được dạy thận trọng chú tâm quan sát từng chút theo Tánh biết, từ sai mà sửa cho đúng. Sau đó phải bỏ cấp đông trong tủ lạnh vì bận công chuyện nên không xôm tụ như con tính.
Qua hôm sau nồi chè trên mạng con thấy rất ngon đẹp và cuốn hút, con chưa ăn bao giờ. Con làm thử, cũng thận trọng chú tâm quan sát, làm y chang như vậy và kết quả về hình thức và thành phần chính con đã làm gần như giống trên mạng. Nhưng khi ăn vào con đã... đổ nguyên nồi.
Dù được khen hay thất bại con thấy tâm mình vẫn như bình thường mà ngược lại có chút hoan hỷ khi thấy ra rằng:
- Con dễ sa đà vào tưởng tượng mơ mộng vào một cái gì đó hào nhoáng bên ngoài nhưng khi nếm trải thực sự thì ôi thôi, bỏ đi còn hơn;
- Tuy mình đã chán ngán một cái gì đó không có nghĩa nó vĩnh viễn là như vậy, biết đổi thành phần, xử lý đúng thì nó vẫn rất tốt;
- Ngon hay không ngon không quan trọng nữa, chủ yếu là mình được thực sự trải nghiệm và học ra bài học trong đó;
- Con đã hiểu tứ như ý túc là thế nào rồi, dù cả hai trường hợp nấu chè thành công như ý mình muốn thì vẫn là bất toàn thôi, vì sau đó ăn chè hay không ăn chè để thỏa sở thích của mình không còn quan trọng nữa, và không có cảm giác hãnh diện vui vẻ hay buồn rầu mặc cảm tự ti gì hết mà trong tâm thấy thật nhẹ nhàng.
- Con đã hiểu ra trong cuộc sống lúc nào cũng có hai mặt đi kèm, không bỏ mặt này lấy mặt kia được, có cái lợi thì cũng sẽ có cái hại. Biết chấp nhận hết là tâm sẽ bình an.
Con xin trình thầy, con cám ơn thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 29-10-2021

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy,
Ngày xưa mỗi khi con buồn hay chán nản, con thường nghe nhạc, xem phim, đọc sách hay ăn uống... để cho "vơi đi nỗi buồn" hay cố làm mình tích cực lên theo một cách nào đó. Nhưng con dần nhận ra những cách trên, dù với ý nghĩa hay như thế nào, vẫn chỉ là con đang trốn tránh thực tại. Rồi con tự đặt ra câu hỏi rằng:
"Tại sao mình lại lẩn tránh cảm giác buồn kia vậy?"
"Tại vì nó là một cảm xúc tiêu cực, nó chẳng đem tới lợi ích gì cả" - con tự trả lời.
"Tại sao nó lại là một cảm xúc tiêu cực, chẳng lẽ nó không có mặt tích cực nào sao?"
...
Con dần nhận ra cách mình "gán mác" cho nỗi buồn là một cảm xúc "tiêu cực", và cái kết luận ấy đã ngăn chặn hoàn toàn khả năng thấu hiểu thực tại. Tựa như khi con gán mác cho một ai đó là "xấu" thì khi gặp con sẽ cố tránh người đó ra, và ngay đó con đã đánh mất khả năng nhận ra những điều tốt đẹp nơi người kia rồi. Thật đúng như Thầy đã từng nói: "Khi ta ghét một cái gì đó, thì ta đã ghét luôn cả mặt tốt của nó rồi, còn khi ta thích một cái gì đó, thì ta thích luôn cả mặt xấu của nó vậy."
Hiện tại khi nỗi buồn đến, con đã dần học được cách ở lại với nó, quan sát và thấu hiểu nó. Tuy rằng cái thấy của con còn chưa rõ ràng, mây mờ trong con vẫn còn dày đặc nhưng con vẫn thấy vui vì đã bước những bước chân đầu tiên để thực sự sống trọn vẹn.
Con cảm ơn Thầy,
Con kính chúc Thầy thường mạnh khỏe ạ.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 28-10-2021

Câu hỏi:

Kính thưa thầy, con thấy hơi mơ hồ về việc này, con có hai giấc mơ, một là con cứu được hai đứa con cùng chồng, một là có kẻ bắt đứa con đi mất. Trong cả hai giấc mơ, bản thân con chỉ thấy mà không làm được gì, chỉ có phiên bản trong giấc mơ làm hết. Con dù có muốn làm gì cũng không được, chỉ thấy thôi.
Khi ra thực tế, con thấy cũng tương tự, mọi bất lực khi không giải quyết được vấn đề hay tự nhiên có giải quyết thông minh, bị cản trở rồi lại hanh thông, nên làm gì hay không làm gì trong cuộc sống, không có một quy luật chung nào để làm tiếp theo cả, vì tất cả là vô thường. Cái thân này chỉ hoạt động một là theo bản ngã, hai là theo vận hành của Pháp. Nhìn lại chẳng gì là mình. Mình nói chẳng phải mình nói. Mình hành động chẳng phải mình hành động.
Người giác ngộ như đức Phật khi dùng cả đời sau để thuyết Pháp cuối cùng cũng nói "Ta chẳng thuyết một chữ".
Nhưng nguy hiểm nếu kẻ phàm phu bắt chước như vậy để chối bỏ tội lỗi do nói không phải "mình" làm.
Khác ở chỗ, người giác ngộ đem lợi ích cho nhân loại, còn bên kia bản ngã gieo rắc khổ đau.
Thật ra việc con nên hỏi thầy hay không hay không nên hỏi, nên làm gì hay không làm gì,... không có một câu trả lời nào để làm kim chỉ nam để áp dụng vĩnh viễn cả. Chỉ có bây giờ tiếp tục thấy để thấy ra, và thấy là việc cần làm vĩnh viễn mà thôi.
Con xin trình thầy. Con cám ơn thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 27-10-2021

Câu hỏi:

Con kính chào Thầy!
Con muốn ăn gì đó kêu chồng con ra ngoài mua nhưng về nhà không đúng ý con, con khó chịu, con thấy, con ăn thử để cảm nhận xem khổ như thế nào. Con ăn thấy bình thuờng không khổ lạc gì hềt (nhưng trước đây con sẽ đùng đùng lên không ăn vì không phải món con thích).
Rồi con đi ăn cơm, hôm nay chồng con không có nấu đồ ăn, con lấy nước mắm với chà bông ăn đỡ. Con cũng ăn thử xem khổ thế nào, nhưng cũng ăn bình thuờng không ngon không khổ gì hết (trước đây con cũng từng ăn như vậy nhưng con rất đau khổ vì không có đồ ăn ngon, không ai quan tâm con, không cho con ăn uống đầy đủ).
Tối đến con thấy vợ chồng nhà bên cạnh (bình thuờng con ghét họ, nghe nói chuyện, thấy làm việc gì con đều khó chịu). Con thử yên lặng nghe họ nói chuyện, rồi nhìn họ làm gì đó xem con khổ thế nào. Sau một hồi lắng nghe, quan sát con nhìn lại con, thấy mình đang bình thuờng mà có bị làm sao đâu, sao hồi nào thấy là tim đập mạnh khổ sở dữ vậy.
Con là người đã đặt câu hỏi cho Thầy làm thế nào mà nhận thức của người này lại khác xa người kia dữ vậy.
Rồi từ đó con quyết tâm vào trang web trungtamhotong.org để tìm kiếm học hỏi. Bây giờ con vẫn đang học từng ngày.
Con thật lòng biết ơn Thầy nhiều dữ lắm!
Con xin quỳ xuống lạy tạ ơn Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 26-10-2021

Câu hỏi:

Thay oi, Tuong sinh diet co phai la Tham, sân, si khong a? Vi du neu con san voi ai do thi ho san lai, tu te voi ho thi ho cung de chiu lai (duyen khoi). Nhu vay, noi chung sinh xau ac la noi Tuong cua Phap. Con hieu vay co sai xin Thay sua.
Con kinh chuc Thay manh khoe, bình an.

Xem Câu Trả Lời »