loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1797 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 11-01-2022

Câu hỏi:

Con kính chúc Sư Ông thật nhiều sức khoẻ!
Con từ khi sinh ra đã không có cha, mẹ con có thêm 2 lần chồng nữa.
Nhà con rất nghèo, phải đi ở nhờ đất người khác, làm chỉ vừa đủ cơm ăn. Buồn nhất là mẹ con không thích con, con sống nhờ bà ngoại từ nhỏ.
Con nói nghe thì có vài chi tiết vậy thôi, chứ đó là cả quãng đời tuổi thơ bất hạnh, thiếu thốn, mặc cảm, cô đơn, và còn rất nhiều khổ đau khác trong quá trình sinh sống.
Nó làm con luôn hận chính mình và người thân.
Rồi tình cờ con được nghe lời dạy của Thế Tôn từ mấy vị thầy, tự nhiên con thấy rất tôn kính Thế Tôn, nhưng quá khứ kia vẫn làm con khổ.
Cho đến khi con gặp được pháp thoại của Sư Ông thì quá khứ ấy mới dần tan biến, cộng thêm cuộc sống hiện tại mọi chuyện đến đi được nhẹ nhàng hơn, con cũng tập nhận ra lỗi lầm của mình nhiều hơn.
Trước giờ con luôn nghĩ mình là người bất hạnh lắm nhưng con không ngờ lại gặp được Sư Ông.
Cứ mỗi lần con nghĩ một ngày kia con vào mục hỏi đáp mà không còn đọc được câu trả lời của Sư Ông cho mọi người nữa là nước mắt con cứ rơi.
Con không biết nói gì để diễn tả lòng biết ơn đối với Sư Ông. Con biết ơn Sư Ông rất nhiều!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 11-01-2022

Câu hỏi:

Kính Bạch Thầy
Con Thấy như vầy, kính Thầy nhận xét chỉ dạy:

Trăm năm danh lợi làm chi
Bỏ quên Thực Tại sầu bi thêm dày
Dù cho sống chỉ một ngày
Trở về Thực Tại quý thay kiếp người.

Con thành Tâm đảnh lễ tạ ơn Thầy!
Con kính Chúc Thầy Sức khỏe, Trụ thế dài Lâu.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 09-01-2022

Câu hỏi:

Con kính chào Sư Ông!
Đã mấy tháng nay con không có gì hỏi Thầy vì trong con hiện tại không còn những thắc mắc gì về con đường tu hay phương pháp tu. Con vẫn nghe Pháp thoại Thầy giảng hằng ngày, con thấy điều gì mình đang kẹt thì con cứ buông dần ra, cứ vướng đâu gỡ đó Thầy à. Càng ngày con càng rõ về "định nghĩa" tu của Thầy, khi con có nhận thức đúng về việc gì đó thì tự khắc con biết cần phải hành vi như thế nào mà không còn sợ đúng sai, tốt xấu và con cũng cảm nhận được sự tự do ngay giây phút đó. Con nhìn lại con đường tu ở đời hay ở chùa thì cũng là thấy tâm mình giữa những hoàn cảnh, dù nó có như thế nào thì cũng chỉ nhận biết thôi vì vậy con đường tu tập của con ngày càng đơn giản. Đi đứng nằm ngồi hay làm bất cứ việc gì chỉ cần thận trọng, chú tâm và quan sát như vậy thì việc gì cũng sáng tỏ Thầy à. Viết đến đây trong con thấy biết ơn Thầy, biết ơn đến sự hoàn hảo của Pháp.
Con xin phép chia sẻ với Sư Ông nhận thức và hành vi của con hiện tại. Con rất mong được gặp Sư Ông trong ngày gần nhất.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 07-01-2022

Câu hỏi:

Thưa thầy đã mấy hôm nay con muốn được trải lòng tâm sự và nói lời tri ân thầy. Cũng vì công việc con dạo này bận quá nên con chỉ tranh thủ được một lúc, chợt nghĩ như thế nào thì con viết như thế ấy, câu cú, ý tứ, tản mạn, lủng củng, mong thầy hoan hỷ lượng thứ cho con.

Thưa thầy đã có lần con cảm thấy bế tắc trong cuộc sống gia đình vì bị ám ảnh bởi bạo lực gia đình, nhưng thầy đã chỉ cho con thấy cha con là món quà vô giá mà pháp đem lại cho con trong cuộc đời này. Thực sự đúng là như vậy, mọi sự vận động của Pháp dù là thuận hay nghịch cũng đều giúp ta học ra bài học giác ngộ, giải thoát. Thuở bé con rất nghịch ngợm, không sợ trời, không sợ đất, nhưng khi lên tiểu học cha bắt đầu rèn giũa con rất nghiêm khắc. Con dần dần trở thành một con người ngoan ngoãn biết nghe lời đến mức sợ sệt mọi sự sáng tạo, tâm hồn con trở nên khép kín với xung quanh, ít đi chơi, thường chỉ quanh quẩn trong nhà và tập trung toàn bộ sức lực vào việc học tập, sự tập trung đó ở một mức nào đó cũng đã giúp con đạt được nhiều thành tựu trong học đường.

Hoàn cảnh như vậy khiến con trở thành người sống nội tâm, con tìm thấy sự hứng thú trong văn hóa truyền thống. Năm con lên lớp 6 lần đầu tiên đọc được bài thơ Nam Quốc Sơn Hà, bài thơ đã gây ấn tượng rất lớn cho con về sự ngắn gọn, hàm súc, chính trực của cổ thi. Từ đó con thường xuyên học tập nghiên cứu, sưu tầm các danh ngôn bằng chữ Hán. Dần dần chữ Hán đã đưa con đến với thế giới Bách Gia Chư Tử với kinh điển của các trường phái Nho gia, Đạo gia, Mặc gia, Pháp gia, Âm dương gia, Tung hoành gia, Tạp gia. Nho gia khiến cho con ấn tượng với tinh thần nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ trên con đường "cách vật, chí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" để trở thành con người "nội vi thánh, ngoại vi vương"; Đạo gia khiến cho con ấn tượng với tinh tần "kiến tố bão phác" vô cùng giản dị và phong cách ung ung tiêu sái; Pháp gia thì khiến cho con ấn tượng bởi tư duy sắc bén và phong cách mạnh bạo thẳng thật; Mặc gia thì khiến cho con ấn tượng với tư duy chi tiết, tinh thần khổ hạnh, kiêm ái, thượng đồng và hành hiệp trượng nghĩa; Tung hoành gia thì khiến cho con ấn tượng bởi mưu lược của những cá nhân có thể làm xoay chuyển cục diện Chiến Quốc;… Những luồng tư tưởng ấy đã giúp con trở nên trưởng thành rất nhiều nhưng cũng làm phát sinh tâm lý duy lý, e ngại, cầu toàn.

Đến năm lớp 11, con nghĩ không thể chỉ mãi lao đầu vào việc học mà không quan tâm đến sức khỏe, con nghĩ mình cần phải rèn luyện thân thể bằng một một môn thể thao nào đó phù hợp. Cuối cùng con chọn võ thuật cổ truyền vì môn này có thể tập khi ở cùng nhiều người nhưng cũng có thể tập khi chỉ có một mình. Từ đó cứ ngoài giờ là con đi tập võ, gần một năm chủ yếu là tập múa một bài quyền, bài Phi Long Quá Hải. Con đã rất nỗ lực để tập luyện kỹ thuật và nghiền ngẫm các khẩu quyết, yếu lĩnh bằng tất cả tâm trí. Nhưng không hiểu vì sao, mặc dù đã cố gắng đi được bài quyền nhanh và phát được đàn kình mạnh, nhưng trong tâm không có được cảm giác thanh thoát, sảng khoái, và tâm lý thì vẫn ngại dấn thân, ngại va chạm như cũ.

Sau khi lên đại học, con tham gia câu lạc bộ Vovinam. Vovinam đã giúp con tiến bộ rất nhiều với hệ thống kỹ thuật khoa học, toàn diện, đi tuần tự từ đơn giản đến phức tạp, từ biểu diễn đến tự vệ, từ tự về đến đối kháng, đặc biệt là từ khi đeo găng lên sàn đối kháng đã giúp con trở nên tự tin, dũng cảm hơn. Tuy nhiên căn bệnh cố hữu của con vẫn còn, con vẫn còn quá lý trí, quá nỗ lực, còn e sợ phường côn đồ hung hãn vô chiêu vô thức, tự thấy chưa thể đạt tới cảnh giới chí giản chí diệu của võ đạo.

Cho đến một trưa hè mưa như trút nước, con tự nhiên cầm cán chổi theo lối kiếm đạo Nhật Bản chém liền mấy nhát trúng liền mấy con muỗi đang bay, con ngạc nhiên vô cùng, nhưng khi cố gắng làm lại thì trật lất. Con nghĩ rằng cái gì đã diễn ra thì phải có cái lý diễn ra của nó nên vào những ngày lẻ con đi học thêm Kiếm đạo để tìm ra nguyên lý của sự đơn giản, ngắn gọn, chính xác. Con bắt đầu tìm hiểu về những trước tác kinh điển về kiếm thuật Nhật Bản, may mắn là các trước tác ấy đều được viết bằng Văn Ngôn. Con vô cùng ngạc nghiên khi thấy những kiếm khách trứ danh trong lịch sử Nhật Bản như Cung Bản Võ Tàng, Liễu Sinh Tông Cự,… đều được chỉ dẫn bởi các thiền sư mà đặc biệt là các thiền sư tông Lâm Tế, và tư tưởng thiền luôn luôn tràn ngập, thấm nhuần trong các kiếm phổ. Con đặc biệt ấn tượng với các tác phẩm Bất Động Trí Thần Diệu Lục, Thái A Ký, Ngũ Luân Thư, Liễu Sinh Kiếm Pháp Gia Truyền Thư, Nguyệt Chi Sao. Con chưa từng thấy tác phẩm nào nói về kỹ thuật mà đặc biệt là tâm pháp vận động thấm nhuần tinh thần Trực Chỉ và Thực Tế của Thiền Tông như thế. Từ những tác phẩm ấy, con bắt đầu bén duyên với Thiền Tông, từ Thiền Tông con lại bén duyên với Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, cuốn kinh nhỏ gọn, tinh túy và giá trị nhất mà con từng gặp.

Nhưng để hiểu được cuốn kinh ấy không ngờ lại phải hiểu nhiều Kinh, Luận và khó đột phá đến thế. Chẳng hạn để hiểu ngũ uẩn giai không thì lại phải biết trên lý luận và trên thực tế ngũ uẩn là gì, không là gì, trong cử động này đã ngũ uẩn giai không hay chưa,… nếu không thì ngũ uẩn giai không cũng chỉ là câu khẩu hiệu không liên can gì đến mình và kiếm đạo. Dần dần con nghe đến pháp thoại của các hòa thượng, có pháp thoại của thầy Thích Nhật Từ, sau đó là pháp thoại của thầy Thích Nhất Hạnh và khi nghe được nội dung pháp thoại Thực Tại Hiện Tiền trên Youtube thì con thực sự vỡ òa, xúc động! Không ngờ cái cao siêu vi diệu lại giản dị gần gũi đến thế và không ngờ cái giản dị gần gũi lại cao siêu vi diệu đến thế, con xin đỉnh lễ tri ân thầy.

Khi đó con đã công tác trong ngành Tòa án. Trong một thời gian dài con phải đi biệt phái công tác đến một nơi rất xa xôi hẻo lánh, con thường xuyên phải đi xe máy hàng mấy chục cây số, có khi phải đi lại trong đêm qua những đoạn đường vắng toàn núi rừng sông suối. Trước đây khi lái xe, con thường rất tập trung về phía trước nhưng khi vào cua vẫn thường bị lực văng và không bắt kịp diễn biến trước mặt. Nhưng từ khi có pháp thoại thực tại hiện tiền làm bạn trên những chặng đường ấy con đã dám xả ly bản ngã mà hòa hợp, ăn khớp với quỹ đạo đường đi một cách ung dung tự tại. Nếu nghe các sách tâm lý học hay sách khoa học thì chắc là con sẽ bị mất tập trung, nhưng mỗi câu mỗi chữ của pháp thoại vang lên trong tai nghe đều làm con trở nên định tĩnh, trong lành, sáng suốt trong từng giây phút. Thực tại hiện tiền trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết, dù có ổ gà hay hòn sỏi cành cây hiện ra trước mắt cũng không còn làm con bất ngờ hay giật mình nữa, và những chặng đường dài trong đêm không còn trở thành nỗi sợ hãi hay gánh nặng mà trở thành những chuyến du lịch, trải nghiệm đầy mới mẻ. Thời gian lái xe và nghe pháp thoại đã làm hình thành ở con tinh thần "khẩu niệm tâm hành" mà Lục Tổ nói trong Đàn Kinh, khi mỗi câu mỗi chữ vang lên không phải từ bên ngoài mà vang lên tự sâu thẳm trong tâm với tất cả ý nghĩa đích thực của nó bao trùm lên khắp môi trường trong ngoài.

Thật may mắn là Kiếm đạo đã giúp con không bị lạc lối trong mộng ảo. Khi tiếp xúc và thực hành bất kỳ một pháp nào con cũng đều luôn gắn nó với động tác chém đơn giản nhất trong Kiếm Đạo là động tác Đường Trúc. Nếu như pháp ấy là chân thật thì nó phải giúp con nắm bắt đúng từng sát-na thực tại hiện tiền mà rút kiếm chém trúng hoặc đâm trúng hạt ngô, hạt đỗ hay bấc nến,... một cách tự tại. Đối với con thì khái niệm "Tập trung" trong tâm lý học hiện đại, khái niệm "Chí thành", "Nhân nhất năng chi, kỷ bách chi" trong Nho học, khái niệm "Thường hữu thường vô", "Đạo pháp tự nhiên" trong Đạo học,… cũng chưa đủ duyên để đánh thức tâm con thoát khỏi Vô Minh, nhưng đường lối giác ngộ, giải thoát của Phật giáo có thể giúp con giác ngộ, giải thoát trong nhát chém Đường Trúc.

Cũng nhờ luôn gắn Thiền với Kiếm mà con không bị rơi vào hai cực đoan là Không và Hữu mà thể ngộ Chân không diệu hữu, Diệu hữu chân trong trong mọi lúc mọi nơi. Dần dần con có thể hiểu rõ hơn bản thân mình trong mọi sinh hoạt, công việc. Tư duy pháp luật của con cũng trở nên sáng suốt, nhạy bén, linh hoạt hơn. Con cũng hiểu rõ hơn và xâu chuỗi được các công án, thoại đầu của các Tổ. Như khi thiền sinh hỏi đại ý của Phật pháp thì thiền sư liền đáp "trời xanh" vì trong mắt sư đang là "trời xanh", hoặc đáp "ba cân gai" vì trong tay thiền sư đang là "ba cân gai", hoặc hét một câu, hoặc đánh một cái, hoặc giơ ngón tay lên để đưa thiền sinh trở về với phút giây thực tại sống động đang là. Mọi sự xa vời, bí hiểm, phức tạp được các Tổ sử dụng cũng chỉ để phô bày dữ dội hơn sự gần gũi, minh bạch, đơn giản.

Từ Thiền Tông con hiểu hơn tâm pháp Kiếm Đạo, từ Kiếm Đạo con thực hành tốt hơn kỹ thuật Vovinam và giải quyết tốt hơn các vấn đề trong cuộc sống và công việc. Trước đây con đã từng rất thích cái xảo trong cách múa kiếm của người Trung Hoa, sau đó con nhận ra sự tuyệt vời của cái tinh trong kiếm đạo Nhật Bản; sau đó con không chỉ nhận ra cái "tinh" trong cái "tinh" mà còn nhận ra cái "tinh" trong cái "xảo" của kiếm thuật Trung Hoa, dù múa may quay cuồng như thế nào thì chung quy cũng chỉ là tổ hợp của những đòn bổ, chặt, chém, vót, vớt, đâm, hoa. Con đã có dũng khí đối đầu với cái vô thức vô chiêu và cách đánh liều mạng côn đồ vì sự vận động của cái tâm Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, Nhân, Thiên còn nhiều sơ suất, lậu hoặc lắm so với với tâm Tứ Thánh. Vì tâm mình như thế nào thì sẽ phản chiếu toàn bộ thế giới xung quanh, trong, ngoài như thế ấy, nên cũng là một đòn chém thôi nhưng có khi là Địa Ngục Kiếm, Ngạ Quỷ Kiếm, Súc Sinh Kiếm, A Tu La Kiếm, Nhân Kiếm, Lục Dục Thiên Kiếm, Tứ Thiền Thiên Kiếm, Tứ Không Thiên Kiếm, Ma Kiếm, Thanh Văn Kiếm, Duyên Giác Kiếm, Bồ Tát Kiếm, Như Lai Kiếm. Nhưng khi tâm mình đã sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì mình không còn ham mê đấu đá, tranh giành nữa, cái tinh thần đích thực của "Vô địch" là "Không đối địch với ai" và cũng không có "Ta" cũng không có "Người" để đối địch nhau nữa, mình chỉ muốn thông qua "Kiếm" để thể nghiệm cái thực của "Đạo", thông qua "Đạo" để thể nghiệm cái thực của "Kiếm".

Ban đầu con chỉ thấy Kiếm không thấy Đạo, sau đó con chỉ thấy Đạo không thấy Kiếm, còn bây giờ thì con thấy Kiếm với Đạo là một, và tinh thần Kiếm Đạo cũng thích dụng với mọi cử động đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, suy nghĩ, sinh hoạt, giải quyết công việc,…. Thực tại hiện tiền cũng giúp con hiểu rõ Tứ Tất Đàn, vượt qua ranh giới các tông phái. Từ Thiền tông cho đến Tịnh độ tông, Chân ngôn tông, Hoa nghiêm tông, Duy thức tông,… cũng đều chung một vị mặn của giáo pháp mà năm xưa đức Phật chỉ bày, tuy khác về phương tiện nhưng đều cùng cứu cánh, không nên làm những việc không thiết thực như chỉ trích phương tiện của người khác vì duyên khởi của mỗi người không giống nhau thì làm sao bắt báo ứng của mọi người giống nhau được, chỉ nên làm việc mình, miễn sao không rời xa thực tại thân, thọ, tâm, pháp đang là. Mà con cũng nhận ra giá trị thực tiễn trong những kiến thức toán học, vật lý, hóa học,.. thời phổ thông, như lý thuyết về điều kiện căn bằng của vật có chân đế và lý thuyết về cân bằng phiếm định giúp con lăn lộn mượt mà hơn, đi đứng vững chãi hơn,… Khi học thạc sỹ con cũng dễ tiếp thu triết học và các kiến thức khoa học hơn.

Nhưng nhiều khi đạo hạnh của con vẫn chưa đủ để đương đầu với những vấn đề của tư duy và thực tiễn, thực tại hiện tiền của con vẫn chưa đủ vững chãi và không dao động. Có lúc con đã hỏi thầy trạng thái chết não tương ứng với tâm nào trong thập pháp giới, trong Lục đại duyên khởi có phải Thức đại không bình đẳng mà phụ thuộc vào Ngũ đại kia hay không, hay vũ trụ đã từng có một thời kỳ chỉ gồm vật vô tri dần dần mới cấu tạo nên các dạng vật chất có đặc điểm của sự sống,… Đó là vì đạo hạnh của con chưa đủ nên muốn sự trợ duyên từ thầy để tháo gỡ những vấn đề đặt ra từ chủ nghĩa khoa học, chủ nghĩa duy vật. Con xin tri ân thầy vì luôn nhẫn nại, từ bi với những câu hỏi của con và đưa con trở về với thực tại đang là, con xin thành kính tri ân thầy.

Càng hiểu sâu sắc về không gian, thời gian và bản chất của sự tồn tại, đặc biệt là qua các cuốn sách Lược sử thời gian, Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ của Stephen Hawking con càng thấy không gian và thời gian chỉ là ảo ảnh tương đối, thời gian có thể co ngắn dãn dài, không gian có thể uốn cong, cái gọi là sự sống với các đặc tính sinh trưởng và sinh sản chỉ là khái niệm của chúng ta đặt ra,… mọi hiện tượng đều là vô ngã, vô thường, vô thủy, vô chung do trùng trùng duyên khởi huyễn hóa giả hợp thành, rốt cuộc tất cả chỉ thực sự có như nó đang là trong từng sát-na thực tại hiện tiền. Có thể với những tiến bộ vượt bậc của khoa học hiện đại, chúng ta đang từng bước tiếp cận những khía cạnh nhất định của sự thật và sự tiếp cận ấy thực tế đã mang lại cho chúng ta rất nhiều ứng dụng thiết thực, nhưng chưa bao giờ có một lý thuyết nào có thể mô tả được chính xác toàn bộ thực tại. Thậm chí các lý thuyết về nhiệt động lực học, thuyết lượng tử, thuyết tương đối và các lý thuyết khác trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học, toán học, văn học, thiên văn, địa lý, lịch sử cũng chưa đủ để chúng ta phản ánh và nắm bắt được toàn bộ thực tại của một bông hoa, một hạt bụi hiện lên trước mắt chúng ta. Và ở khía cạnh này thì Như Lai quả thực là đấng giác ngộ và bậc đạo sư Tối Tôn Tối Thượng. Các lý thuyết của Thế Gian có thể đúng ở nơi này, sai ở nơi khác, đúng vào lúc này, sai vào lúc khác nhưng con đường giác ngộ, giải thoát siêu việt không gian, thời gian của Như Lai thì không bao giờ sai cũng không bao giờ gây chướng ngại cho bất cứ thứ gì mà chỉ luôn đưa tất cả mọi thứ về với sự thật, không phân biệt thứ đó là trường phái khoa học, triết học, tôn giáo hay nghề nghiệp nào.

Giờ thì con không còn cảm thấy ngạc nhiên khi ở Nhật Bản các thiền sư trở thành thầy của các kiếm khách và tư tưởng Thiền Tông trở thành kim chỉ nam cho Kiếm Đạo. Con cũng hiểu vì sao Kiếm thánh Miyamoto Musashi viết trong bài tựa cuốn Ngũ Luân Thư: "Từ đó ta sống mà không bị trói buộc trong một khuôn khổ nào. Từ đạo của kiếm ta thực hành nhiều tài nghệ khác mà không cần thầy dạy. Để viết cuốn sách này ta không sử dụng đến sách vở của Phật gia, kinh điển của Nho gia cũng như binh pháp của các Binh gia đời trước. Ta cầm bút lên để giải thích chân ý của kiếm phái Nhị Thiên Nhất Lưu được phản ánh từ chính tự nhiên".

Tu đạo không phải là bỏ cái này lấy cái kia hay đắc cái này đắc cái kia, mà là ở ngay nơi "Đương xứ tức chân", "Lập địa thành Phật". Nhưng "Đương xứ tức chân" không phải là hiện tại lạc trú hay phóng túng trong hiện tại, đánh mất quá khứ, đánh mất tương lai như Chủ nghĩa hiện sinh. Chính nhờ định tĩnh, trong lành, sáng suốt, trọn vẹn với thực tại hiện tiền mà chúng ta không những có được hiện tại mà còn có được kết quả của quá khứ và nguyên nhân của tương lai, thực tại hiện tiền sẽ là những viên gạch ráp nên cuộc sống chân thực, tích cực, viên mãn như nó là. Có câu nói "Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn, Thiện duyên nan ngộ, Phật quốc nan sinh". Những điều khác thì con chưa biết, nhưng được biết đến thầy, được nghe pháp thoại của thầy, được thầy trực tiếp chỉ điểm qua website này, thực sự là duyên lành hy hữu mà con gặp được trong đời này. Con xin tri ân thầy, kính chúc thầy luôn mạnh khỏe để chỉ điểm cho chúng con không bị tấp vào bờ, không bị chìm đắm, không tự mục nát trên dòng sông pháp.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 07-01-2022

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy!
Con may mắn được nghe những bài giảng của Thầy trong 3 năm nay. Thật sự con vẫn chưa hiểu được hết những lời Thầy giảng, nhưng con bắt đầu tập chiêm nghiệm lời Thầy trong đời sống thực. Suốt quãng thời gian gần 2 năm qua con phải đối mặt với rất nhiều dằn vặt đau khổ trong nội tâm, nhưng có lẽ cũng nhờ đó mà con đã thấy ra được nhiều sự dính mắc và lòng tham của mình. Con bỗng thấy Pháp đúng là người thầy đầy tình thương và trí tuệ, ví dụ như con bị tính ăn uống không tiết độ thì Pháp cho ngay căn bệnh để con học hỏi về phép ăn uống, con hay lười biếng thì có ngay bài học bắt con phải tập chăm chỉ hơn… thật kì diệu Thầy ạ. Ngày xưa con từng chê cuộc đời này nhiều phiền muộn đau khổ, muốn sớm bỏ tất cả để lên núi ẩn tu. Nhưng nay con chợt thấy đời và đạo vốn không hai, chỉ có một hiện thực đời sống để con qua những thăng trầm sướng khổ mà thấy ra sự thật. Giờ trong lòng con tràn ngập lòng biết ơn đối với Pháp, con xin nguyện từ nay một lòng sống theo lời Thầy dạy “tuỳ duyên thuận pháp, vô ngã vị tha”.
Con kính đảnh lễ Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 02-01-2022

Câu hỏi:

Con kính đảnh lễ Thầy! Dạ kính bạch Thầy, có bao điều để trình đến Thầy, nhưng rồi khống biết bắt đầu từ đâu. Dạ thưa Thầy, từ một người không biết gì về Phật Pháp, con bị cú shock lớn khi mất con trai và tất cả trong một cơn lũ, lúc đó con chỉ ngập trong đau khổ, muốn chết thì chết không được, muốn sống sống không xong, điên đảo!

Nhưng một đêm khuya, sau khi nghe pháp của Thầy giảng, không biết vì nhân duyên gì mà con cố tìm cho được cách để hỏi về hoàn cảnh của con lúc đó, mặc dù trong trạng thái đau đớn, mơ hồ với thế giới này, thế giới thật là ảo ảnh mà con nghĩ chỉ có Phật là thật, người Thầy đang giảng trên youtube kia là thật. May sao con tìm ra địa chỉ của trang web, con gởi email liền nhưng không nghĩ là Thầy sẽ trả lời, vậy mà sáng sớm hôm sau con đã nhận được câu trả lời của thầy. Câu trả lời không làm con hết đau khổ nhưng đã giúp con không bị ray rứt, buồn nản và từ bỏ ý định tự vận, lúc đó là vào cuối năm 2018 ạ. Thời điểm đó con rất sợ người khác biết tình cảnh của con mà sinh thương hại. Và cũng như có nhân duyên đâu đó giúp con được đảnh lễ Thầy khi Thầy đến Nha Trang. Con lao vào học Phật, học Pháp, nghe lời Thầy dạy mỗi lúc, mỗi nơi, mỗi ngày, mỗi tháng, thực hành thiền tập, tu sửa từng chút một như lời Thầy giảng, đến hôm nay đã ba năm trôi qua. Ba năm đó nhìn lại con thấy thật ý nghĩa, vì con gặp giáo pháp của ĐỨC PHẬT rồi phước hơn nữa con được nghe những lời dạy của Thầy, được trình pháp với Thầy.

Dạ kính bạch Thầy, cách đây không lâu, một hôm con ngồi, thấy những suy nghĩ nó cứ tuôn chảy, cái tánh biết, biết hết cứ nhìn dòng chảy suy nghĩ như là nó vẫn vậy, không tham gia vô dòng chảy suy nghĩ đó, thật thanh lạc, an nhàn, thực tại lúc đó thật lặng lẽ mà rỗng rang, vì thấy biết hết những suy nghĩ lăng xăng mà không phải của mình. Trải nghiệm rồi mới thấy lời Thầy giảng thật giá trị cốt lõi. Con thấy đau khổ mà con nắm giữ trước đây thật là khờ dại, vì khi nhìn sâu vô nỗi đau là do mất con trai, là do con chỉ vì cảm giác hạnh phúc chính mình khi có con, đó là sản phẩm của mình, vậy con của con chỉ là để làm con hạnh phúc thôi sao? Tận sâu trong tâm là sự ích kỷ tột cùng chỉ do mình ảo tưởng, tự mình dựng ra đau khổ, mặc dù cõi này khổ thật, nhưng khổ trong tâm là do chính cái tôi (con) tạo ra. ÔI CHAO, KHI NHẬN RA NHƯ VẬY CON NHƯ BAY LÊN KHÔNG GIAN KIA. Thật sự con buông ra rồi, khỏe khoắn như sau cơn bạo bệnh, cái tánh biết nó quan sát giúp con nhận ra cái ngã ích kỷ, nắm giữ hành hạ con ba năm nay. THÌ RA DO TÂM CON TẠO RA BUỒN VUI THƯƠNG GHÉT Ạ!

Dạ con kính bạch THẦY, giờ đây trong tâm phát sinh lên buồn vui thương ghét con nhận ra dễ dàng, rồi cứ thấy chúng như thế nào để y vậy không nhận, không từ chồi, cứ thế mà quan sát, có lúc thấy tâm lao xao trồi lên chưa kịp làm gì, chỉ để tánh biết biết thôi là tâm đã cân bằng lại, không chạy theo phiền não nữa ạ. Dạ thưa Thầy, con lúc đó rỗng rang vì biết, là tánh biết biết chứ không có ai đó cả, con trải nghiệm và cảm nhận chứ không tả được.
Dạ kính bạch Thầy, còn nhiều điều con cảm nhận đã vỡ òa ra mà không tả bằng lời cụ thể được. Con chỉ biết từ lúc nhận ra tánh biết, con thấy những tập tính chất chứa quá nhiều xưa nay đang dần đoạn giảm. Dạ thưa Thầy, con đã có những trải nghiệm trên, xin trình Thầy để Thầy chỉ dạy.

Con KÍNH TRI ÂN THẦY. TRI ÂN những bài PHÁP mà THẦY đã từ tâm chỉ dạy cho chúng con, cứu con ra khỏi khổ đau, nhất là con đã có hạnh phúc, hạnh phúc không phải do tiền tài, danh vọng mà hạnh phúc không tả được, chỉ trực nhận qua trải nghiệm sự thật trong đời sống bình thường.
Thư con viết hơi dài, nhưng con không dám đọc lại vì sợ đứt dòng cảm nhận lúc này, có lẽ trong thư nhiều chữ 'dạ thưa' vì con người gốc Huế, con biết hơi thừa câu chữ, mong Thầy từ bi bỏ qua cho con.
Con THÀNH KÍNH TRI ÂN NHÂN DUYÊN ĐÃ GIÚP CON ĐƯỢC HỌC PHẬT PHÁP do THẦY CHỈ DẠY. Con KÍNH XIN ĐẢNH LỄ THẦY và KÍNH CHÚC THẦY MẠNH KHỎE.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 01-01-2022

Câu hỏi:

Con kính chào Sư Ông,
Đầu năm 2022 DL, con kính Chúc Sư Ông khoẻ mạnh! Con xin trình Pháp với Sư Ông ạ:
- Con được làm “sếp” từ những năm con 25-26 tuổi. Khi đó, con luôn xem thường 1 anh nhân viên hơn con cả chục tuổi - những việc gì anh ấy làm con đều không vừa ý và thường tỏ ra khó chịu. Về sau, con đổi việc, con gặp một người sếp luôn khó chịu với những gì con làm. Sau một thời gian thì con nhận ra, thấu hiều cảm giác của anh nhân viên của con khi xưa… con đã thấy “nhân quả” vận hành và con sám hối cho hành vi của mình… Dần dần, anh sếp cũng “tươi mới” với con hơn.
- Khi công việc trở nên quen thuộc và ổn định, con muốn làm mới và phát tâm đóng góp cho cộng đồng xã hội nhiều hơn, nên con mong muốn thay đổi sang môi trường giáo dục và nó đã dẫn đường cho con đến với việc mà con mong muốn. Nhưng được thời gian ngắn thì người sếp tuyển dụng con bị đuổi và con nhìn ra môi trường giáo dục mà con-đang-cho-là thực tế là gì. Lần nữa con học được bài học - sự “ảo tưởng” về việc làm thiện - đâu phải làm việc tên Thiện mới gọi là “Làm việc thiện” mà con vẫn có thể Làm Thiện trong bất cứ việc nào.
- Khi Cha/Mẹ/Chị gái con gặp khó khăn (bệnh tật, đau khổ…) con cũng đau như họ. Đương lúc như vậy con không thể bỏ mặc để vui chơi/hưởng thụ cho riêng mình (con sẽ từ chối mọi cuộc hẹn/vui để ở nhà cùng gia đình). Nhiều lúc con tự đối trị - mỗi người có sinh nghiệp, họ phải học lấy bài học của chính mình, nhưng nhìn thấy gia đình chịu cảnh khổ/buồn… con cũng bị đắm chìm trong nỗi khổ/buồn đó!
- Đối với người xung quanh, khi con gặp những hoàn cảnh bất hạnh, con dễ xúc động và cảm thương họ, sẵn sàng cho đi những gì mình đang có lúc đó để xoa dịu nỗi đau của họ. Như đợt dịch vừa qua ở Saigon, con kiếm được bao nhiêu tiền là con làm từ thiện hết (nên chắc “Trời” thương, vẫn cho con thu nhập đều đều).
- Đối với bản thân con, con không còn mong cầu gì cho bản thân cả (tham vọng trong công việc, lập gia đình, kiếm nhiều tiền… những thứ này không làm cho con vui như việc con cho đi thứ gì con đang có); lúc này con vẫn dành thời gian cho Gia đình, những gì con học được trong quá trình con tiếp cận với Đạo Phật, con tích góp được từ việc thiện nguyện của mình, con nguyện hồi hướng và lan toả đến Gia đình và những người xung quanh! Con cảm thấy con đang được tưới mát và hoan hỷ khi bước tiếp quá trình học lấy bài học ở đời của mình lắm!

Sadhu! Sadhu!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 01-01-2022

Câu hỏi:

Ý Niệm và Không Niệm:

Trước đây con từng trình bày với thầy rằng con thấy cái bản ngã thật nhỏ bé, nhưng lúc đó cái thấy nó vẫn chưa đc rõ ràng lắm. Hôm nay con thấy nó đã rõ ràng hơn.

Khi ta khởi lên 1 "Ý Niệm" (Tạp niệm, thất niệm, vọng niệm...) và rồi ta chạy theo, suy diễn, nắm bắt cái "Ý Niệm" đó, vạn pháp khởi sinh từ đây, và cũng từ đó, mọi phiền não, khổ đau phát sinh, sinh tử luân hồi cũng do đó mà ra.
Ví dụ: Khi ta khởi lên "Ý Niệm" muốn tu, vậy thì nên tu thiền định hay tuệ, có nên ngồi thiền hay ko? Ngồi tư thế như thế nào, nhắm hay mở mắt, theo pháp môn niệm hơi thở hay niệm Phật, để tâm ở mũi hay ở bụng v.v... và muôn vàn câu hỏi đc đặt ra, như thế này đúng chưa, sai chỗ nào, sao tạp niệm vẫn mãi còn, làm sao để hết tạp niệm, làm sao để tâm được định v.v... vô vàn "Ý Niệm" nó cứ theo đó mà trùng trùng sinh khởi. Nhưng cuối cùng và chắc chắn 1 điều, là ta vẫn ở trong vòng luẩn quẩn đó, vẫn chìm đắm trong đó. Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, trạo cử, hôn trầm... cứ vậy mà phát sinh theo.

Nhưng có 1 điều, khi mình vẫn loay hoay trong cái "Ý Niệm" đó thì còn có 1 cái "Không Niệm" nó bao la rộng lớn, nó bao trùm hết tất cả cái "Ý Niệm" đó. Nó giống như 1 đám người xâm lại đánh nhau túi bụi thì cái "Không Niệm" như cái không gian bao trùm đám người đó vậy. Đó chính là sự tĩnh lặng, tịch tịnh, là hư ko, rỗng rang, ko sinh ko diệt.

Vậy thì làm sao để thấy cái "Không Niệm"? Đơn giản chỉ là " Buông ra".

Con còn nhiều thiếu sót, xin ân sư chỉ dạy thêm. Con xin quỳ dưới chân ân sư, đảnh lễ ân sư.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 31-12-2021

Câu hỏi:

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Con kính đảnh lễ Thầy ạ. Chỉ còn vài giờ nữa là kết thúc năm 2021, cả thế giới đang chuẩn bị bước sang năm mới 2022. Nhìn lại cả quá trình tu tập bản thân trong năm qua con thấy mình hình như đạt được trạng thái được gọi là TĨNH hay sao Thầy ạ. Gặp chuyện gì giờ thấy mình không có bị xáo trộn về mặt tâm lý. Thỉnh thoảng cũng bực mình chút nhưng nhanh chóng lấy lại trạng thái bình thường. Cuộc sống diễn ra như nó vốn có, và mình cũng hoà hợp với mọi thứ, trong con người mình mọi thứ thật là bình yên. Con thật biết ơn những lời Thầy dạy, pháp nghịch cảnh để từ đó thấy ra chính mình, chỉnh sửa lại những gì mình còn chưa đúng, để đạt được chữ "Bình hoà" trong đối nhân xử thế. Con thật may mắn khi biết được Thầy, gặp được pháp tu ứng dụng ngay trong đời sống thực mà cũng không cần phải học trước về lý thuyết, kinh luận. Con không biết diễn đạt hết như thế nào lòng biết ơn đối với Thầy. Con xin tri ân Thầy thật nhiều. Con kính chúc Thầy sang năm mới mạnh khoẻ, an lạc, an nhiên tự tại, trụ thế dài lâu và Thầy mãi là ánh sáng soi sáng, chỉ lối cho hàng đề tử chúng con.
Kính lễ,
Con

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 31-12-2021

Câu hỏi:

Thầy kính!
Mấy hôm trước con có đọc được câu hỏi của chị đạo hữu chia sẻ về phản ứng của người chồng khi con trai 8 tuổi bị chậm, lòng con cảm thông vô cùng như thấy lại mình. Xin phép Thầy cho con được chia sẻ đôi chút.

Thưa Thầy, lúc nhỏ con rất chậm, 24 chữ cái con học hàng trên quên hàng dưới, ba con đánh, kí đầu, bạt tai, chửi rủa… nhưng bằng sự quyết tâm, nên lúc đó khu Cầu Ông Tán chiều nào cũng có cô bé đạp xe đạp bán vé số để kiếm tiền đóng tiền học phí, để cố gắng vươn lên cho đến ngày học ra cô giáo. Nhưng những dư chấn tổn thương tâm lý, sợ hãi, ám ảnh lúc nhỏ luôn theo con cho đến khi lớn lên lấy chồng đi xa nơi ấy rồi mà thỉnh thoảng con vẫn còn gặp ác mộng mỗi đêm…

Rồi khi con sinh em bé, con trai con bây giờ gần 4 tuổi nhưng thằng bé chưa thể tự múc ăn, chưa nói chuyện nhiều được, chưa bỏ tả, không thể vận động tay chân mạnh… vì ảnh hưởng của việc xạ trị ung thư quá lâu nên tất cả bộ phận đều bị hư hoại. Chăm sóc một đứa con như vậy cũng không dễ, nhưng nhờ vào việc nghe pháp Thầy nên đã giúp con càng ngày có thêm niềm tin, sức mạnh vào tự lực của bản thân. Những câu chìa khoá với con như: “pháp đã hoàn hảo với riêng mỗi người”, “trọn vẹn với cái đang là, đừng mong sẽ là, phải là, muốn là”, “hoàn cảnh có như bùn, nhưng tình thương và trí tuệ hãy nở như hoa sen”, “có chấp nhận mới có nhẫn nại, mới có cảm thông, mới có thương yêu, mới có cảm ơn”… Con đã thay đổi thay đổi suy nghĩ và cách sống theo hướng tích cực hơn, con đón nhận hoàn cảnh bằng sự nhẫn nại và điềm đạm nhẹ nhàng từ ái nhiều hơn. Mà lạ lắm, khi con chuyển hoá được mình trước rồi, con an vui tự do thật sự rồi, thì con thấy chồng và con trai con cũng an vui theo dù hoàn cảnh vẫn vậy nhưng thái độ đón nhận của chúng con khác hơn trước. Nhiều lúc chồng con ghẹo vui thằng bé là “lớp con 20 đứa, con đứng 19 ba thưởng” rồi cả nhà cùng cười, nụ cười của sự chấp nhận, chấp nhận tôn trọng bài học riêng đang là của thằng bé và luôn sẵn lòng giúp đỡ nó như một chúng sanh hữu duyên trong kiếp này của chúng con đang gặp khó khăn cần giúp đỡ mà thôi.

Thưa Thầy, con đã trải qua những điều đó, đã học những bài học đó, và đúng như Thầy dạy, sau tất cả chỉ còn lại lòng biết ơn dù thuận duyên hay nghịch duyên. Con kính chúc Thầy cùng tất cả muôn loài luôn thật nhiều bình an!

Xem Câu Trả Lời »