Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 27-03-2022
Câu hỏi:
Tối qua con ngủ chập chờn thầy ạ! Con dậy sớm rồi chờ tin thầy, con biết thầy sẽ trả lời con vì thầy biết con đang hoang mang! Quả nhiên sáng sớm thầy đã trả lời con. Con cảm ơn vì thầy đã luôn đồng hành cùng con ạ! Chuyện như thế, con cũng chẳng hề nói với ai được ngoài thầy! Trên con đường này khá đơn độc thầy nhỉ! May có thầy vẫn lắng nghe chúng sinh! Con cũng chiêm nghiệm và biết phần nào bài học đến với mình vì lí do gì thầy ạ! Trước con rất nhát gan và yếu đuối nên hay sợ hãi, thường tỏ ra can đảm! Sau khi gặp thầy, thấy lí, gặp pháp con đã dần hết nỗi sợ mơ hồ - thì lại rơi vào hung hăng, ngạo mạn! Cái ngạo mạn của con ít đời nhưng lại là tự cao vì mình biết pháp, thường cứng rắn và ít nhún nhường... Có lẽ sự kiện đó là muốn nhắc con nên như dòng nước, mềm dẻo như cỏ hoa trước giông bão. Nhận ra mình vẫn sợ chết như người khác chứ không như mình nghĩ... Là còn tiếc thân mình và tiếc những thứ trong đời như con cái, gia đình, đồ vật... Trong thoáng đó con có thấy có nhiều tiếc nuối như vậy! Đương nhiên sau mỗi lần như vậy con nhìn rõ bản ngã, nó tan ra và lại nhẹ tênh, không như lúc còn thuận lợi mình đắm chìm!
Con cảm ơn thầy ạ!
Ngày gửi: 26-03-2022
Câu hỏi:
Kính đảnh lễ Thầy ạ,
Con xin kính Thầy mấy dòng con mạn phép trình Pháp:
Tánh biết vốn tự mình soi sáng
Bị che mờ bởi tà kiến vô minh
Đắm chìm trong dục lạc ái tình
Khổ đau mãi luân hồi sinh tử
Kẻ u mê vẫn đắm chìm ngạo nghễ
Người tỉnh thức tìm nẻo đường về
Nương khổ đau làm bản lề dắt lối
Khi vinh quang cũng như lúc u tối
Vẫn trọn vẹn thấy biết rõ, thế thôi!
Luôn định tĩnh, sáng suốt, trong lành
Soi cho tỏ nơi thân - tâm - cảnh
Từng bước con tìm về với nẻo Chánh
Pháp vẫn luôn hiện hữu ở xung quanh
Vậy sao “cái ta” cứ mãi lanh chanh
Kiếm tìm chi nơi bên ngoài kia đó?!
Ngày gửi: 25-03-2022
Câu hỏi:
Kính lễ Ân Đức sư Ông Viên Minh. Con không là Phật tử, chỉ là người đi tìm trí tuệ của Đức Phật và lúc đầu con chìm đắm trong lý thuyết Phật giáo và xém bị tẩu hỏa nhập ma. Nhờ ơn trên, trong một đêm tư lự con đã tự đặt ra câu hỏi "nếu tôi còn sống được 1 ngày tôi tiếc gì nhất? và cần gì nhất?" và con đã tự trả lời cho chính mình. Vi diệu thay con đã chứng nghiệm và thấy ra sự thật vô minh của con người, rồi con lại tìm kiếm trên Google và YouTube, gõ vào câu lệnh "sự thật của Phật pháp" lạ lùng thay, con không tìm thấy ai nói về sự thật của Phật pháp, chỉ duy nhất hình ảnh và pháp thoại của sư Ông hiện ra và từ đó con càng nghe các pháp thoại của sư Ông, càng quán chiếu tất cả sự kiện của đời mình, con càng thấy ra nhiều sự thật. Con không biết nói gì hơn, Ân Đức to lớn của sư Ông mang lại cho con, mặc dù con chưa từng được gặp sư Ông. Nay con xin dâng lên sư Ông, sự chứng nghiệm của con trên con đường giác ngộ sự thật qua 2 bài thơ ạ.
1) Giác ngộ ra sự thật:
Tỉnh mộng ngay trong mộng
Tam độc của thế gian
Thấy ra muôn đời khổ
Việc xấu ác tránh xa
Việc thiện lành tăng trưởng
Tứ chánh cần thấy ra
Tam độc của vô thức
Quan sát nhìn xả bỏ
Tâm thức liền sáng soi
Rỗng lặng trong tịch tĩnh
Vô thức thành hữu thức
Thông suốt cuộc đời là...
Địa ngục và Niết-bàn
Ra vào trong tỉnh thức
Thấy biết rèn tâm ta
Thấy ra sự thật là...
Kiến tánh liền bất sinh
Trên con đường giác ngộ
Hiện tại như đang là
Đang là của quá khứ
Đang là của tương lai
Quá khứ, vị lai thấy
Hiện tại duy nhất thống
Tâm Phật tu chỉnh rèn.
2)Đã thấy ra sự thật:
Thiếu tinh tấn chánh niệm
Thiếu tỉnh giác quán chiếu
Sự thật thành vọng ảo
Thấy sự thật hiện tại
Luôn như nó đang là
Quá khứ và tương lai
Rõ thấy và rõ biết
Tùy duyên mà thuận pháp
Nơi sự thật đang là
Ta mới thật sự sống
Bốn sự thật: Tứ Đế
Bốn quán chiếu: Tứ Niệm
Vô thường khổ vô ngã
Tự chứng nghiệm đời ta.
Namo tassa Bhagavato Arahato Sammā Sambuddhassa.
Ngày gửi: 25-03-2022
Câu hỏi:
Thưa thầy, hôm nay con nhận thấy tu hành không phải là bỏ rơi cái đơn giản để tìm kiếm cái phức tạp, mà là nhìn thấy cái đơn giản ngay trong cái phức tạp; thực ra không có cái phức tạp mà chỉ có tổ hợp của những cái đơn giản, thật ra cũng không có a-tăng-kỳ kiếp mà chỉ có sát-na hiện tiền.
Vô minh phiền não đảo điên,
Mau mau trực chỉ lại miền như như.
Sát-na thị hiện vô tư,
Bao nhiêu phức tạp bây giờ giản đơn.
Ngày gửi: 25-03-2022
Câu hỏi:
Con nghe nói Hoa Nghiêm tối sơ tam nhất nhật, A-hàm thập nhị phương đẳng bát, Phật thuyết kinh Hoa Nghiêm trước, sau đó mới thuyết kinh A-hàm. Nhưng trong lịch sử Phật bắt đầu chuyển pháp luân từ bài giảng Tứ thánh đế cho 5 anh em Kiều Trần Như, nên có người phỉ báng cho kinh Đại thừa là ngụy.
Nhưng theo con nghĩ Kinh Hoa Nghiêm trong những ngày đầu chính là tiếng nói trong nội tâm Phật, không hẳn là nói ra bằng lời như khi Phật thuyết Tứ thánh đế cho 5 anh em Kiều Trần Như, mọi câu chữ trong kinh Hoa Nghiêm đều chỉ về tâm và dụ cho tâm, như hoa tạng trang nghiêm thế giới hải chính là vô vàn trạng thái và cảnh quan đặc sắc do bông hoa giác tính phát minh ra trên biển sâu tự tính của tâm, trong thế giới hải ấy cõi tịnh độ của Vô Lượng Quang Thọ Công Đức Phật cách cõi Ta Bà muôn ức Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, đó là bởi vì trạng thái tham sân si cách một trời một vực với trạng thái trong lành định tĩnh sáng suốt, song "không gian cõi phật mười muôn ức, nhưng là khoảnh khắc tại tâm ta", trong một khoảnh khắc trong lành định tĩnh sáng suốt thì tâm ta đã vượt qua mười muôn ức cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a tu la, nhân, dục giới thiên, sắc giới thiên, vô sắc giới thiên mà về ngay cõi tịnh độ, tuy nói là vượt qua và về đến nhưng thật ra vẫn là ở ngay đây và ngay lúc này. Có khi chỉ vô minh trong một phút thôi tâm ta đã trôi lăn khắp tam giới trong a tăng kỳ kiếp, khi đau khổ, khi đói khát, khi tật đố, khi giữ giới, khi tạo thiện, khi tạo thiền, khi tạo định,... tùy theo đó mà không thời gian xung quanh cũng bị biến dạng thành các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a tu la, nhân, dục giới thiên, sắc giới thiên, vô sắc giới thiên,... Chẳng hạn như một người luôn có tâm tham lam (bụng to như vạc) và keo kiệt (cổ nhỏ như kim) của ngạ quỷ thì dù ở đâu hay vào lúc nào cũng luôn bị hành hạ bởi cảm giác thèm thuồng đói khát chủ quan, dù thực tại hiện tiền có hoàn mỹ đến đâu thì khi qua lăng vọng tâm của họ cũng đều bị bóp méo thành ra khuyết tật, đó chính là thế giới ngạ quỷ. Con thấy việc quay về tâm và nhận ra các trạng thái tâm là rất thiết thực, hoa tạng trang nghiêm thế giới hải như là một phương tiện, một tấm bản đồ tâm giúp ta biết mình đang ở đâu trong muôn vàn trạng thái mê ngộ, điều đó giúp ta không bị nhầm lẫn hay lạc lối, chẳng hạn nếu như nhận ra trạng thái này là Tha Hoá Tự Tại Thiên trên đỉnh cao của thế giới dục vọng thì ta cũng không tưởng rằng đó đã là Niết Bàn mà đắm chìm trong đó, hoặc giả sử có rơi vào Sắc Cứu Cánh Thiên trên đỉnh cao của thế giới hình tướng thì ta cũng biết đó chưa phải cứu cánh,... Con thấy việc ẩn dụ tâm thành một hệ thống thế giới như vậy trong kinh đại thừa là rất thông minh, hữu ích và phù hợp với lượng lớn đại chúng, trước hết có thể đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận lớn đại chúng; tiếp nữa có thể giúp đại chúng có một cái nhìn bao quát, có hệ thống và sinh động về tâm;... Mỗi mỗi ẩn dụ trong kinh đại thừa đều rất thực tế, logic, uyên áo chứ không phải hoang đường, phi lý như những câu chuyện huyền huyễn chỉ để giải trí, mua vui. Con thấy vấn đề chân ngụy của câu chữ không quan trọng mà quan trọng là câu chữ ấy có giúp mình khám phá ra bản tâm trong lành, định tĩnh, sáng suốt hay không. Xin thầy chỉ thêm cho con, điều quan trọng nhất khi đọc kinh điển đại thừa là gì ạ.
Ngày gửi: 22-03-2022
Câu hỏi:
Thưa thầy, hôm nay có một người bạn hỏi con rằng cỏ cây đất đá có luân hồi trong lục đạo hay không? Con trả lời là tam giới duy tâm vạn pháp duy thức, cho nên vấn đề ở tâm thức chứ không phải ở tướng, ví như một cá heo tuy có tướng súc sinh nhưng nếu tâm thánh thiện tương ưng với một trong các cảnh trời thì lại không phải súc sinh mà là chư thiên, cũng là con cá ấy nhưng với tâm sân độc thì lại là địa ngục, với tâm tật đố phóng cuồng thì lại là a-tu-la,... cũng như vậy nếu như đất đá cỏ cây mà có tâm tương ưng với các trạng thái địa ngục, ngạ, quỷ, súc sinh, nhân, thiên thì tất nhiên đất đá cỏ cây cũng luân hồi theo tâm tương ứng. Nhưng tâm của đất đá cỏ cây như thế nào thì chỉ có đất đá cỏ cây mới biết, ta không biết được mà nếu biết được cũng không có ý nghĩa gì với sự giác ngộ giải thoát của ta, như tấm gương nếu muốn soi rõ vật khác đúng như chúng đang là thì trước nhất nó phải tự trở về lau chùi chính mình cho trong lành, định tĩnh, sáng suốt; khi nó trong lành, định tĩnh, sáng suốt rồi thì tất cả mọi thứ mới tự hiển bày. Cho nên trở về với tâm mình ngay trong giây phút đang là mới là việc thiết thực bao trùm các việc khác. Thưa thầy, con trả lời như vậy có được không ạ?
Ngày gửi: 22-03-2022
Câu hỏi:
Con xin đảnh lễ Thầy!
Con xin gửi lời tri ân đến thầy, nhờ những bài pháp thoại và mục hỏi đáp mà con mới kịp nhận ra mình, trước đây những khi con mắc lỗi là con hay trách móc và dầy dò bản thân nó khiến cho con không còn tin vào chính mình nữa, từ đó luôn có những suy nghĩ tiêu cực... Từ khi nghe pháp của thầy, con càng mắc lỗi nhiều hơn nhưng có một điều con không còn như trước nữa, sai ở đâu, chỗ nào con sẽ ghi nhận và điều chỉnh nhận thức ngay chỗ đó, và điều đặc biệt con không còn suy nghĩ tiêu cực nữa.
Xin tri ân thầy.
Ngày gửi: 22-03-2022
Câu hỏi:
Con kính xin đảnh lễ Sư Ông,
Dạ con xin được trình pháp với Sư Ông ạ.
Hôm nay, con quan sát được cái tâm ganh tỵ và cả cái tâm muốn được chú ý của mình (muốn mình trở nên đặc biệt trong mắt bất kỳ ai đó).
Cụ thể là, khi con nghe kể về chuyện một ai đó ấn tượng với người khác chứ không phải ấn tượng về con, con thấy được tâm muốn được chú ý và muốn được đặc biệt của mình. Ngay khi tâm đó vừa khởi thì ngay lập tức là tâm ganh tỵ với người được ấn tượng, và ngay sau đó là tâm phản ứng của mình về cái tâm muốn chú ý và tâm ganh tỵ - 3 cái tâm này nối đuôi nhau liên tục trong thời gian vô cùng ngắn ngủi. Và cái ở lại với con lâu nhất, chính là cái tâm phản ứng với hai tâm kia. Bất chợt con nghĩ, phải chăng cái tâm phản ứng đó là cái tâm của bản ngã muốn tu.
Nếu không tu tập, thì tâm muốn chú ý và tâm ganh tỵ sẽ thống trị, dẫn đến các hành động tương ứng. Nhưng khi có tu tập, thì tâm phản ứng với hai tâm ấy trỗi dậy, bảo rằng "Sao mình lại có cái tâm này nhỉ? Nó thật là khó chịu!"
Con chỉ mới quan sát được như thế, nên con liền viết thư này trình pháp với Sư Ông. Nếu con thực tập có gì chưa đúng, xin Sư Ông từ bi khai thị thêm cho con ạ.
Cuối thư, con kính chúc Sư Ông thật nhiều sức khỏe để chúng con được nương tựa ạ. Con cảm ơn Sư Ông rất nhiều.
Ngày gửi: 21-03-2022
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy.
Khi con bị đau viêm đường tiêu hoá một cách khủng khiếp, đã từng tìm nhiều cách chữa trị, uống thuốc nhưng một thời gian bệnh lại tái phát. Con quyết định khi đau khởi lên con không uống thuốc giảm đau nữa, chấp nhận chết cũng được thì cơn đau lên đến đỉnh điểm rồi giảm dần và khi cơ thể tự thải hết độc tố ra thì hết đau. Trong quá trình đối diện với cơn đau con biết để trọn vẹn với nó thì bản ngã ảo tưởng lo lắng sợ hãi phải được buông xuống, chỉ còn bản năng muốn khỏi bệnh, muốn sống như có lần Thầy nói có tính tự nhiên hơn là chủ quan. Nhưng trong lúc đau nhất con thấy đây là cũng là khởi nguồn của bản ngã lo sợ khởi sinh nên con buông luôn bản năng này, đầu hàng hoàn toàn để chỉ còn tánh biết thấy pháp đau. Con thấy rằng không có bản năng sống thì trong lúc đau nhẹ biết đau nhẹ, lúc đau mạnh biết đau mạnh, khát vẫn biết lấy nước uống, đói biết lấy cháo ăn... Vậy mà khi người khỏe tâm dễ duôi nên khi người khác làm rồi dồn trách nhiệm cho mình gánh thì cơn sân bùng lên ngay để rồi mất công chánh niệm để hết sân.
Từ đó con thấy bản ngã không bao giờ tự hết mà do mình không dùng trí tuệ thường trực sống với tâm rỗng lặng trong sáng một cách tự nhiên như lúc con đau hay còn khỏe thì phiền não không khởi sinh được dù ai đó nhục mạ mình vô cớ. Muốn vậy thì mình phải thu xếp đời sống tục đế của mình để tương thích với đời sống chân đế. Chứ không thể ham thích đời sống tương giao lại chủ động lao vào nhiều mối quan hệ thì dù muốn dù không vẫn bị các mối quan hệ chi phối làm cho mất chánh niệm tỉnh giác mà phải chịu phiền não, khổ đau.
Con xin Thầy cho lời khuyên. Con xin tri ân Thầy. Con cũng chúc các Đạo hữu khỏe, thân tâm thường lạc, thành tựu Đạo hạnh chứ không phải chịu đau bệnh như Đạo hữu đây. Xin cảm ơn mọi người đã đọc.
Ngày gửi: 21-03-2022
Câu hỏi:
Thưa thầy tại sao con thấy tâm con giờ như đứa trẻ. Đôi khi con thấy con hơi lạc lõng. Con không hiểu mọi người đang làm gì. Ý con là sao thấy hành vi của mọi người thường khá vô nghĩa, hành động giống như vừa nhắm mắt ngủ vừa lái xe (khi nhìn lại thì đôi khi con thấy mình cũng có, nhưng giống như mắt cận mà muốn lái nhanh đến đích hơn). Có lẽ con cần sống trải nghiệm chiêm nghiệm hơn để lựa chọn đời sống thích hợp cho mình. (Gần đây con thấy hoan hỷ khi nghĩ đến việc được phục vụ những người đang muốn tìm hiểu con đường thầy đang chỉ dạy).
Con.