loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1824 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 03-04-2022

Câu hỏi:

Con cung kính cúi đầu chắp tay đảnh lễ Sư Ông.
Kính bạch Sư Ông,
Con chỉ là một tấm thân tứ đại bất tịnh nhỏ bé vừa tròn tuổi đôi mươi đang phải lao lực học tập vì tương lai để làm tròn ý nghĩa sự tồn tại của mình trong đời. Con vì có thiện duyên to lớn mà trong thế gian đầy phiền não trầm luân này lại có cơ hội được thấy biết Chánh Pháp của Đức Thế Tôn. Từ lúc con từ trong nghịch cảnh phiền não mà vô tình tìm thấy Cội Bồ Đề của Như Lai, con đã chặt được phần nào cái đầu đầy ngã mạn và bất thiện vô minh của mình xuống. Chính xác là vào khoảng đầu tháng 12 năm 2019 đến nay, con đã tự mình bắt đầu tìm hiểu, tư duy, suy ngẫm và áp dụng Chánh Pháp. Con biết con sơ cơ đi từ bước đầu nên luôn tinh tấn tìm hiểu rõ ngọn nguồn mọi thứ để không đi lầm lạc và đánh mất cái chủng tử Phật tánh đã vun trồng từ nhiều kiếp trôi lăn trong karma và samsara liên miên khổ đau này.
Vấn đề đầu tiên: Tính đến thời điểm hiện tại, con có một vài nhận thức tự rút ra sau chừng ấy thời gian tìm hiểu Phật giáo, con kính mong Sư Ông từ bi thương xót khai thị cho con để con hiểu rõ liệu mình có đang đi sai đường hay không ạ. Con nghĩ rằng từ khởi nguồn của những lần kết tập kinh điển và phân chia tông phái cho đến nay, dù là Mahayana phát triển và phân chia ra bao nhiêu tông phái tư tưởng thế nào đi nữa, thì cũng có rất nhiều điểm giống nhau và tiếp nối mở rộng từ giáo pháp nguyên thuỷ của Đức Phật mà sinh ra. Chỉ cần là chân chính lý trí, dù có diễn giải cao siêu hay bát đại tinh thâm đến mức độ nào cũng đều không thể tách biệt khỏi giáo pháp nguyên thuỷ mà còn hướng về cội nguồn ấy, tận sâu trong tinh yếu của tất cả pháp môn Đại Thừa, dù tụng kinh niệm Phật đến nhất tâm bất loạn rồi vô niệm, dù trì chú liên miên đến vẹn toàn thân khẩu ý, dù tham kệ công án đốn ngộ cao siêu ảo diệu đến đâu cũng đều chứa đựng ý nghĩa cao vợi tột cùng của Tứ Diệu Đế cùng Bát Chánh Đạo, cùng những khái niệm vô cùng rõ rệt mà Nguyên Thủy đã hàm chứa bảo tồn gìn giữ hàng nghìn năm nay. Các tổ sư thiền dùng nghịch lý phá chấp, đánh thẳng vào cái tâm tán loạn, mong cầu sở đắc, tìm cái cao siêu nơi kinh điển văn tự của những người chưa có CHÁNH KIẾN. Khi Tổ Đạt Ma an cái tâm bất an cho tổ Huệ Khả, Ngài đã chỉ cho Tổ Huệ Khả cách quán tâm trong Tứ Niệm Xứ phải không ạ? Khi các tổ sư có những hành động đi ngược lẽ đời như quát, đánh, hét,… đó có phải là nhắc nhở hành giả quay về quán thọ, quán thân trong Tứ Niệm Xứ không ạ? Có một số hành giả vô tình nhìn thấy diễn biến ngoại cảnh mà kiến ngộ trong sát-na, đó phải chăng cũng chính là quán pháp trong Tứ Niệm Xứ? Vậy không gieo nhân tiệm, quả đốn nào đâu mà có?
Con nghĩ rằng đối với người chưa thấy biết và hiểu rốt ráo về Chánh Pháp, khi họ đảnh lễ tôn tượng chư Phật và Bồ Tát, tác ý đầu tiên mà họ đưa ra sẽ có thiên hướng phó thác bản thân cho các Ngài, tâm thức họ hướng duy nhất đến việc quá nương tựa thành ra ỷ lại vào các Ngài, chỉ cầu mong các ngài gia hộ cứu vớt. Đóng tiền bảo hiểm công đức xong, ra khỏi cửa chùa quay về TỤC ĐẾ chứng nào tật nấy, nghĩa là họ chưa hề tu đúng cách, chưa hiểu tu thật sự là gì, chưa hề tiến bộ, không phải chỉ khi thấy thân tâm bất an thần hồn điên đảo mới tranh nhau đến chùa, đi làm việc thiện, ăn chay đọc kinh cúng dường mà không hiểu được ý nghĩa của tụng niệm. Cũng không phải tu là trốn chạy nghịch cảnh khổ đau để rồi vào chùa xuống tóc xuất gia, cũng như không phân biệt được hết sự khác giống giữa Phật Giáo và ngoại đạo, thành ra vừa không thắng được mình, vừa đem công đức cúng dường chỉ mong cầu cho cá nhân mình mà đổ sông biển, lại còn dung hòa với ngoại đạo và đi sai lạc tư tưởng. Còn đối với người có trí tuệ và hiểu đúng, khi đảnh lễ tôn tượng các bậc vô thượng, họ không cần khởi lên bất kì sự cầu xin xa vời nào, mà họ quán xét công hạnh của tất cả các Ngài, nhìn lại bản thân, thấy mình thiếu chỗ nào thì phát đại hạnh nguyện tu cho bằng được hết những đức hạnh y như thế mới thôi. Nghĩa là trong cái bể tha giác lại nhìn ra được sự quan trọng của tự giác. Công hạnh ưu việt của từng vị như móng nhà và 4 vách tường, phải tự đắp dần dần từng chỗ, đến khi vẹn toàn thì mới đội được cái mái nhà, bảo vệ cho cái trí tuệ vô lậu vô nhiễm bên trong; Như 5 ngón tay trên 1 bàn tay, ngón nào cũng quan trọng. Như vậy vừa không chỉ thắng được mình mà còn tự cứu được mình, vừa tự tạo ra màn công đức gia hộ chân chính cho mình toàn vẹn, không cầu cũng có thừa thuận lợi suôn sẻ mọi thứ, vừa chỉ có đi lên chứ không thể đi xuống. Con nghĩ cái thâm sâu của mọi tông phái Đại Thừa dù tu theo bất kỳ phương tiện nào cũng không nằm ngoài việc quay về cội nguồn Nguyên Thủy, là đánh vào việc nghĩ thấy xa vời nhưng gần ngay trước mặt, chỉ là vì bị che lấp và chưa thật sự phát tâm tìm hiểu đến nơi đến chốn nên mới dễ lầm đường lạc lối trong những cái quá cao siêu đi…

Vấn đề thứ hai: Có một vị thầy tu học ở chùa Bắc Tông ở tỉnh quê hương con, con chưa gặp thầy bao giờ, vì nhân duyên thiện lành mà thầy biết con qua mạng xã hội, thầy ấy sau khi biết tâm nguyện cầu học thiền chỉ - thiền quán của con thì đã chỉ điểm cho con đi đến tổ đình Bửu Long nơi Sư Ông trụ trì, mong con có được cơ hội tìm ra minh sư chỉ dạy pháp thiền để không đi sai đường, vốn là điều mà con chỉ mới biết sơ và quá ít qua khái niệm và tự hành thiền mà không biết nên thực hành ra sao cho phải. Con chưa đọc qua kinh điển bài bản nào dù là của Đại Thừa hay Nguyên Thủy. Con chỉ mới đọc qua cuốn Pháp Bảo Đàn Kinh do thiền sư Duy Lực dịch, cuốn Silence – Tĩnh Lặng của sư ông Làng Mai, nghe bài hát về Tinh Túy Bát Nhã Ba La Mật Đa, đọc sơ qua kinh Bát Nhã. Còn lại trước giờ hầu như con chỉ tự tìm hiểu mọi khái niệm khắp trên mạng Internet, tự dính vào tư kiến, đặt vấn đề và suy nghĩ rồi rút ra rồi thử thực hành trải nghiệm. Trước giờ ít khi đi chùa, con còn rất nhiều điều chưa thông suốt, về pháp học chỉ mới đến đó nhưng còn chưa biết đã đúng rốt ráo chưa, pháp hành thì chưa ra sao, nay con chí tâm tha thiết cầu học thêm pháp hành và vun đắp thêm pháp học, thật tinh tấn, trang nghiêm đi từ cơ bản nhất, để con có thể dù trong giây phút nào, dù trong mọi hoạt động vật lí nào cũng đều có thể thấm nhuần Chánh Pháp. Con đã không sắp xếp được thời gian tốt nên vào ngày hôm qua (5h – 6h30 chiều ngày 03/04/2022) là lần đầu tiên con đến Tổ Đình Bửu Long nơi Sư Ông trụ trì, sau khi xin hỏi các tăng ni thì cuối cùng con biết con đã lỡ mất cơ hội để đảnh lễ và trình bày tâm tư với Sư Ông. Dù là đến hơi muộn nhưng đó là lần đầu tiên con có cơ may đặt bàn chân dính đầy tập khí luân hồi thế tục đến 1 ngôi chùa Nguyên Thủy trong đời mình, tính 5, 6 lần đi chùa từ bé đến giờ con chưa 1 lần nào được chiêm bái khung cảnh tĩnh lặng thiêng liêng của một ngôi chùa Nguyên Thủy, lòng con đầy sự kính ngưỡng tột cùng không thôi. Con ước mong được gặp Sư Ông, được Người khai thị chỉ điểm thêm, được nhìn thấy dung nghi của Người, được đảnh lễ người, dù chỉ một lần thôi lòng con cũng hoan hỷ vô cùng tận.
Con còn bé nhỏ ngu muội và còn lắm lậu hoặc phiền não, là 1 cậu sinh viên năm hai đang phải nỗ lực vì tương lai, cố tìm đáp án cho ý nghĩa sự tồn tại của mình trong kiếp này. Con chỉ mong làm tròn trách nhiệm với gia đình thân quyến, đối diện với phiền não để tìm ra tâm Bồ Đề, học được tất thảy thiện pháp, có được sự thành đạt chân chính ngay trong chánh niệm, từ đó dùng hết công sức và khả năng để hoằng dương Chánh Pháp, noi hạnh Như Lai và hàng Thánh tăng - bậc mô phạm dẫn đầu chúng sanh, quyết chí song hành cùng bậc đại thiện hiền trí gìn giữ Chánh Pháp, nhân rộng chủng tử Phật tánh sáng soi muôn nơi. Trong thời đại bây giờ, chúng sanh có càng nhiều thì lại mất càng nhiều, chúng sanh nói chung hay dân tộc Việt Nam nói riêng, người thấy hiểu đúng ít, người si mê tìm lầm cầu lạc nhiều, cứ thời gian dài như vậy, người trẻ tìm cầu hiểu rõ Chánh Pháp ít, người cố “chấp” rằng mình vô duyên hay cho rằng Chánh Pháp k thiết thực và k thể ứng dụng do chưa hiểu đúng cũng sẽ nhiều hơn. Mưa dầm thấm lâu như vậy rồi Giáo Pháp chân chính Như Lai để lại cũng sẽ bị mờ nhạt che lấp dần, lòng con chua xót, trái tim con như bị bóp chặt lại khi nghĩ đến…
Con hi vọng thiện duyên con đủ lớn để những khuất mắc trong con có thể lọt vào ánh nhìn của Sư Ông.
Con xin cung kính tri ân công đức của Người.
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 03-04-2022

Câu hỏi:

Kính bạch Sư Ông,
Con hành thiền được 1 năm. Lúc trước nghe pháp trên Youtube con đi kinh hành là cố đi chậm. Con đi mỗi buổi tối trước sân, con thấy mình chìm trong cảm giác hỷ lạc lúc đi, quên mọi thứ xung quanh. Tình cờ một hôm có một anh say rượu ngang qua, anh đó hát hò, chân đi xiên quẹo, cảm giác rất hưng phấn. Con sực tỉnh, vậy con đi kinh hành với anh say rượu kia có gì khác nhau đâu!
Một bên con cố đi chậm để đạt trạng thái định hỷ lạc. Còn anh kia cố uống rượu để tìm cảm giác bay bổng trong rượu. Hai cái này đều là do cố ý xen cái tham lam của bản ngã đem vào, là có điều kiện, mà cái gì có điều kiện thì sẽ biến mất nên con bỏ và đi tự nhiên. Con thấy bước chân nhẹ nhàng, bước đi trong nắng ấm hay dưới trời hoàng hôn, con thấy rất an lạc và mát mẻ.
Con theo pháp thầy giảng "thận trọng chú tâm quan sát".
Trong lúc tập thể dục mệt quá, tình cờ con nằm buông tất cả. Con thấy khoảng 5 phút đó người con an lạc một cách lạ thường, vẫn rõ ràng thường biết. Chiếc xe tải bóp còi inh ỏi trong lúc con nằm, con nghe rõ mà vẫn sáng suốt an lành, không sân hận. Cảm giác lúc buông ra được 5 phút đó, con như chìm vào trong 1 con người khác.
Cũng như lúc con nằm buông ra trước khi ngủ, con cũng có cảm giác an lạc như trên.
Lúc con nghe tiếng trống đám tang người chết, con thấy rõ tư tưởng sợ hãi, hình ảnh tưởng tượng trong con. Con chú tâm quan sát, sau đó biến mất. Con tỉnh ra một điều, hóa ra "phiền não tức bồ đề" là như thế. Vì nhờ lúc con sợ hãi, con mới nhận ra, là do tâm do tưởng sinh. Con thấy nó giả tạm nên không bám víu nữa.
Kính bạch sư ông chỉ điểm giùm cho con. Những điều con "thấy ra" có đúng với chánh pháp không, xin sư ông giảng cho con hiểu thêm ạ. Từ khi con nghe pháp sư Ông "trở về trọn vẹn tỉnh thức ở tại đây và ngay bây giờ" con mới thấy các hiện tượng trên. Con chỉ mới hành được 1 năm, nhưng theo lời sư ông thì mới có 3 tháng.
Con xin cám ơn sư ông.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 01-04-2022

Câu hỏi:

Con xin chào thầy.
Trước tiên con muốn cảm ơn thầy vì thầy đã giúp con nhận ra nhiều điều. Trước đây con rất tham vọng, tu để muốn đạt thế này thế kia... Những điều đó thúc dục bản ngã trong con luôn đi tìm kiếm... và phiền não đau khổ cũng liên tiếp theo đó mà nhiều hơn. Sau khi nghe pháp thầy giảng con nhận ra và buông bỏ tất cả những điều đó. Con thấy thân tâm mình nhẹ hơn và sống thuận duyên hơn,... Con cũng không đặt nặng kiếp này con giác ngộ hay không, con chỉ biết điều gì khiến con đau khổ ở hiện tại con sẽ buông bỏ nó.
Do con kiến thức nông cạn nên nói năng lủng củng, mong thầy hoan hỷ.
Con thành tâm tri ân công đức thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 31-03-2022

Câu hỏi:

Kính bạch thầy! Con xin thành tâm đảnh lễ thầy.
Thưa thầy, ngày 26/7/2021 và 11/3/2022 con đã trình pháp và được thầy ghi nhận, từ đó đến nay con được sống trong sự tự do giải thoát của tâm trí, thỉnh thoảng cũng có những phiền não nhưng tâm con đã biết cách quân bình. Gần đây con tu tập tốt, tâm luôn ở trạng thái quân bình. Một hôm vào buổi sáng khi con chạm tay vào nước để rửa mặt thì đột nhiên con thấy mọi thứ tách bạch một cách rõ ràng, con nhận thức sự vô ngã mạnh mẽ hơn trước rất nhiều, con rất mừng vì điều đó.
Thưa thầy, kể từ khi con có trong danh sách thọ giới sadi, con vui lắm nhưng con lại vô tình tước mất sự tự do của chính con. Con tự ép bản thân học kinh Pali nhiều (vì đó là điều kiện để thọ giới). Đến gần đây, cứ mỗi lần cầm sách lên là tâm con lại khó chịu, con tự vấn rằng tu Phật là để được sống tự do giải thoát chứ không phải để thành một vị sư hay một vị nào đó, vậy ta cứ để cho pháp vận hành (tất nhiên con vẫn học kinh nhưng học với tâm trí nhẹ nhàng) và hiện tại con lại có được sự tự do giải thoát như trước.
Thưa thầy! Con chưa được học giáo lý nhiều nên không biết như vậy có phạm vào điều gì không và con có suy nghĩ ích kỷ không thưa thầy?

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 29-03-2022

Câu hỏi:

Thưa thầy, con xin cảm ơn thầy đã giúp con phản tỉnh. Hoàn cảnh khiến con bắt đầu khai ngộ và trưởng thành từ những pháp môn phương tiện; từ kiếm pháp, từ thiền na, từ kinh điển và từ những ứng dụng mà con có thêm niềm tin ngày càng vững chắc vào giáo pháp; nhưng cũng vì thế mà dấu ấn phương tiện ở nơi con vẫn còn lớn quá, như đi thuyền đến bến nhưng thay vì lên bờ thì con lại muốn quay lại giữa dòng để trải nghiệm thêm những con thuyền khác, những cách đi khác. Qua những lần trình pháp, con thường mô tả dài dòng và lan man vì con cố gắng đưa ra càng nhiều dữ kiện thì càng tốt để được thầy thẩm định. Nhưng sau khi được thầy khai thị, và tự đọc lại, ngẫm lại, thì con thấy rằng con vẫn còn dành nhiều quan tâm đến những phương tiện, vẫn còn đang có xu hướng rong chơi và phiêu lưu trong bể phương tiện, cho dù có thể thông suốt được nhiều phương tiện đi nữa nhưng rốt cuộc vẫn là đang dừng chân tại chỗ, vẫn chỉ đang nhìn thấy "sự thật hiển nhiên" bằng nhiều cách, cùng lắm vẫn chỉ là chánh tri kiến, chứ chưa phải giải thoát. Đã đến lúc con phải trở về mà thấy, thấy trên thực tại đang là ấy, thấy ngay lập tức, không qua thời gian. Con vô cùng cảm ơn thầy đã nhẫn nại với những câu hỏi của con và tận tâm chỉ bảo cho con. Con xin thành kính tri ân thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 29-03-2022

Câu hỏi:

Con kính đảnh lễ sư Ông,
Con có 1 trải nghiệm thực sự sống động mà không biết miêu tả thế nào, con chỉ mong sư Ông cho con chia sẻ nó, đây là 1 lần nữa con cảm nhận được giây phút thực sự buông ra.
Hôm nay con phải sử dụng xe ôm, để người khác chở mình, leo lên xe con vẫn cảm nhận rõ tâm mình hướng người ta lái thế này thế kia đường này đường kia... Được 1 lúc con tự nhiên muốn buông ra, nhắm mắt và buông xả hoàn toàn, giây phút đó nó nhẹ nhàng và an lạc lạ thường, mặc dù mọi âm thanh chuyển động bên ngoài con vẫn cảm nhận rất rõ, thân con nhẹ nhàng ngồi trên xe không cần một cố gắng nào cả, không có một tâm nào khởi lên cả. Giây phút đó làm con chỉ muốn giữ nguyên như vậy mãi, tâm còn tự nghĩ hay từ ngày mai chỉ đi xe ôm hay có người khác chở để có thể hoàn toàn được buông bỏ. Ý chí đó mạnh mẽ, nhưng con cũng thấy đó là bản ngã lại nổi lên nắm bắt cái giây phút đó, rồi con trở lại với thực tại, ngay đó một sự xúc động mãnh liệt nổi lên, khi 1 ý nghĩ về mẹ con lại đến, con chỉ khóc và rơi nước mắt một cách vô thức.
Con không biết làm cách nào để mẹ con có thể thoát ra khỏi những điều đau khổ mà nhẹ nhàng an lạc giữa mọi sự. Con chỉ muốn nói với bà rằng có 1 thực tại an lạc khác ở ngay đây, ngay nơi này, có thể trực tiếp nhận được. Nhìn bà ngày nào cũng vẫn đau khổ tiêu cực và cảm nhận nỗi khổ của bà, làm con thực sự rất đau lòng.
Con mong rằng mọi ý nghĩ và tâm con hướng đến bà sẽ mang bà ra khỏi những trầm uất này. Như con đã tự đưa con ra khỏi thế giới đó.
Con kính mong mọi sự an lành đến với sư Ông.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 27-03-2022

Câu hỏi:

Thưa thầy, con xin được trình pháp. Hiện nay con dù tiếp xúc với phương tiện nào, dù là thoại đầu, công án, tam mật, niệm phật, hay một số kinh điển đại thừa cũng đều đưa về tâm trong lành, định tĩnh, sáng suốt, phản ánh khách quan thực tại thập như thị. Qua thực tại như thị con thấy chân không diệu hữu mọi lúc mọi nơi, đến lượt cái thấy chân không diệu hữu ấy cũng là một pháp chân không diệu hữu, việc xử lý vấn đề trong cuộc sống thường ngày cũng như trong công việc mặc dù không phải thập toàn thập mỹ nhưng ngày càng tối ưu hơn, có thành công hay thất bại gì thì cũng đều giúp con điều chỉnh nhận thức và hành vi cho phù hợp với quy luật khách quan. Con cũng không còn phân biệt ra khổ tập diệt đạo nữa, chỉ còn chánh kiến, con nghĩ có chánh kiến rồi, thì tự khắc sẽ có chánh tư duy cho đến chánh định như một mồi lửa tự khắc lan khắp cánh rừng mà không phải can thiệp; trong một chánh đạo có bát chánh đạo, chỉ tùy duyên hợp với đạo nào thì lấy đạo đạo đó làm nền thâu nhiếp các đạo khác, bát chánh đạo không tách rời nhau mà luôn có trong nhau, phật thuyết tám vạn bốn ngàn pháp môn không phải để môn nào cũng tập mà để trong trường hợp nào thì giác ngộ trong trường hợp đó, như một ngôi nhà đâu cũng là cửa vào (vô môn quan), vào được cửa nào thì cứ vào cửa đó, từ cửa đó mà vào được trong nhà rồi và từ trong nhà nhìn ra thì thấy hết thực tướng các cửa, các cửa đều bình đẳng, mà các cửa thế nào cũng đâu quan trọng nữa vì đã ở trong nhà rồi, chẳng qua vẫn có thể ra vào các cửa khác nhau để hướng dẫn những người ở các cửa đó (tự tại trong các phương tiện), còn như đang ở bên ngoài nhà mà nhìn thì chỉ thấy cửa bắc mà không thấy cửa nam và chỉ trích người đi vào cửa nam, thấy cửa đông mà không thấy cửa tây và chỉ trích người đi vào cửa tây. Riêng con vì có duyên với Thiền Tông từ Kiếm Đạo và được nghe pháp thoại Thực Tại Hiện Tiền của thầy nên con lấy Chánh tri kiến làm tảng, lấy đòn chém đòn đâm làm bài tập thí nghiệm, lấy Thập pháp giới làm bản đồ tu tập, lấy trong lành định tĩnh sáng suốt làm gốc, lấy tư duy, nói năng, hành động làm ngọn. Tuy nhiên do tâm định tĩnh trong lành sáng suốt chưa kiên cố và tập khí vẫn còn mạnh nên đôi khi con vẫn tùy duyên lấy các pháp môn làm phương tiện đối trị, nhất là pháp môn thiền na trọn vẹn quán chiếu tâm đang là, nhận ra tâm đang là thuộc pháp giới nào. Trong một số lúc gặp vấn đề nan giải, kích động mạnh, mà tập khí tham sân si còn nổi lên thì con lại trở về trọn vẹn với tập khí đang là đó, với tâm bất sát sinh con không không đối kháng hay làm thương hại các tập khí, với tâm bất thâu đạo con không chiếm hữu các tập khí, với tâm bất tà dâm con không luyến ái các tập khí, với tâm bất võng ngữ con không bóp méo các tập khí, với tâm bất ẩm tửu con không đắm say các tập khí, tham thì rõ biết tham, sân thì rõ biết sân, si thì rõ biết si, dục thì rõ biết dục, tầm tứ tự tầm tứ, hỷ tự hỷ, lạc tự lạc, nhất tâm tự nhất tâm, tín tự tín, tấn tự tấn, niệm tự niệm, định tự định, tuệ tự tuệ, không vô biên tự không vô biên, thức vô biên tự thức vô biên, vô sở hữu tự vô sở hữu, phi tưởng phi phi tưởng cũng tự phi tưởng phi phi tưởng, hoặc đi hoặc đứng hoặc nằm hoặc ngồi hoặc nhắm mắt cũng đều có thể tứ thiền bát định, khi tứ thiền bát định thì mọi sự vật sự việc vẫn diễn ra bình thường, không phải cố nhắm mắt không nhìn, hay cố lắng tai không nghe, nhìn vẫn nhìn, nghe vẫn nghe, chỉ có thái độ tâm thay đổi, nhưng không phải thay đổi theo hệ thống tuần tự từ địa ngục đến phi tưởng phi phi tưởng thiên mà đang thế nào thì biết thế đấy, đang địa ngục thì biết địa ngục khiến xung quanh bị bóp méo và nhuốm màu đau đớn, đang tha hoá tự tại thiên thì biết tha hoá tự tại thiên khiến xung quanh bị bóp méo và nhuốm màu kiêu mạn, thoả mãn, và cái thấy nghe ngửi nếm xúc chạm nghĩ biết lúc này không phải là cái thấy nghe ngửi nếm xúc chạm nghĩ biết chân thật, là ngã, là tạo tác chứ chưa phải vô ngã, vô tác, chỉ đến khi bên trong trở nên bình lặng, thân tâm không còn sức căng cứng vi tế, thân tâm không còn bất kỳ bóng dáng nào, thì lúc ấy những dữ kiện mới được con sử dụng để giải quyết vấn đề, quả thực con thấy ngũ thiền chi là một phương tiện rất hay, trước đây khi hôn trần thùy miên nổi lên thì con cũng hết cách đành phải chuyển sang giải trí rồi mới quay lại tư duy được, nhưng từ khi tâm đắc ngũ thiền chi, con có thể mượn tầm thiền chi đặt chân lên đề mục hiện tiền để đối trị hôn trầm, hoặc mượn tứ thiền chi thăng bằng trên đề mục hiện tiền để đối trị sự trạo cử,... Nhưng tầm, tứ ở đây không phải có được bằng cách đề nén, cố gắng, mà bằng cách quay trở về đối tượng thực tế hiện tiền, muốn tầm là tầm, muốn tứ là tứ, không phải đắn đo hay nỗ lực mà tầm, tứ, dần dần khi gặp lại vấn đề đó thì không cần tầm tứ nữa mà cũng không bị hôn trầm trạo cử,... Con thấy các phương tiện đều có giá trị của nó, thậm chí pháp môn tam mật nhất trí trong mật tông nếu biết cách sử dụng cũng là một phương tiện hữu ích khai thị thực tại thân thọ tâm pháp, pháp hộ ma cũng vậy cũng có thẻ dùng làm một phương tiện tiếp dẫn dần dần những chúng sinh ưa thích huyền bí trở về với thực tại thân thọ tâm pháp đang và khơi nguồn sức mạnh nơi chân tâm,.. Thậm chí con thấy phép tập trung tín lực trong đạo thiên chúa trong ki tô giáo cũng là một dạng thiền định, vấn đề chỉ là ở đối tượng thiền định mà thôi. Nhưng nói chung các phương pháp chế định cũng chỉ là phương tiện, nếu kẹt trong phương tiện mà không thấy cứu cánh nơi thực tại thì phương tiện lại trở thành chướng ngại. Phật thuyết nhất thiết pháp vi trừ nhất thiết tâm, ngã vô nhất thiết tâm hà dụng nhất thiết pháp, mục đích cuối cùng không phải là tu pháp này hay tu pháp kia, đắc pháp này hay đắc pháp kia, mà là để đoạn giảm từng lớp từng lớp tâm chủ quan, từ lớp màn địa ngục cho đến lớp màn thiên đường cũng phải đoạn giảm hết để thực tại chân như hiển bày. Như vậy con hiểu tu hành là trở về với tâm tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác ngay tại đây và ngay bây giờ, dù ngay tại đây hay ngay bây giờ là tích cực hay tiêu cực, là dục giới, sắc giới hay vô sắc giới, là tham sân si hay vô tham vô sân vô si,... chánh kiến sẽ tự dẫn tới chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh kiến sẽ dẫn tới chánh giác, chánh giác sẽ dẫn tới khổ tập diệt. Tâm tinh tấn chánh niệm tỉnh giác sẽ dần dần dẫn tới tâm trong lành định tĩnh sáng suốt, tâm trong lành định tĩnh sáng suốt theo trùng trùng duyên khởi sẽ dần dần chuyển hoá tất cả từ nhỏ đến lớn, từ ta đến người, từ người đến vũ trụ vạn vật,... Giác ngộ giải thoát chính là giác ngộ giải thoát ngay trên quá trình chứ không phải là một điểm đến. tới chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh kiến sẽ dẫn tới chánh giác, chánh giác sẽ dẫn tới khổ tập diệt. Tâm tinh tấn chánh niệm tỉnh giác sẽ dần dần dẫn tới tâm trong lành định tĩnh sáng suốt, tâm trong lành định tĩnh sáng suốt theo trùng trùng duyên khởi sẽ dần dần chuyển hoá tất cả từ nhỏ đến lớn, từ ta đến người, từ người đến vũ trụ vạn vật,... Giác ngộ giải thoát chính là giác ngộ giải thoát ngay trên quá trình chứ không phải là một điểm đến. Thưa thầy, vì ngôn bất tận ý nên xin trình pháp đại khái và hơi lủng củng như vậy, mong thầy từ bi hoan hỷ ạ. Con xin thầy chỉ thêm cho con, con còn có lỗi lầm ở chỗ mấu chốt nào không và cần bổ khuyết chỗ nào để tiếp tục trôi về biển cả ạ. Con xin cám ơn thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 27-03-2022

Câu hỏi:

Dạ, thưa Sư, con có trải nghiệm về cơn đau ạ. Buổi tối, đi ngủ và con bị muỗi chích. Thường thì bị đốt ở vị trí đầu ngón tay, ngón chân thì nó rất đau, và con bị đốt ở đầu ngón chân, con biết cái đau này rất đau và không nên gãi nó vì chỉ làm cho nó đau thêm. Nhưng khi cơn đau đến, trong đêm tối tĩnh mịch, con thấy rất đau, toàn thân con đều khó chịu, đau đến nỗi chân con tự giật dù con không chủ động, đau đến khi con có cảm giác tim con thắt lại, con chịu không nổi nên đưa tay gãi, và nó càng đau tăng lên và khổ sở hơn. Lúc này, hết cách và con thấy rằng con không thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận nó, hãy cứ đau như nó muốn, và khi con nghĩ như vậy cơn đau bắt đầu giảm dần và thực sự hết luôn, con cảm nhận được không còn dấu vết gì của cơn đau ở chân nữa, toàn thân con thoải mái. Thưa Sư, con có bài học về sự chấp nhận và một chút thấy của việc thấy như nó đang là.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 27-03-2022

Câu hỏi:

Kính Bạch Sư Ông,
Con ngủ mơ thấy, con tái sanh thành một chú điệu hầu Sư Ông thì 3 ngày sau, con lên cơn đau và bị sốc thuốc vào ban đêm. Mẹ con cũng đang đau, con sợ mẹ lo nên không dám gọi cấp cứu, con vật vã với cơn đau một hồi, trong gần như mê man thì hình ảnh Sư Ông hiện ra và nhắc: con hãy trọn vẹn với cái đau đó, đừng chống cự, đừng tưởng tượng vì nó sẽ làm con thêm lo lắng và sợ hãi, hãy thả lỏng mọi thứ còn lại Pháp tự vận hành. Qua trải nghiệm này, con thấy thái độ tiếp nhận của tâm rất quan trọng, tất nhiên là cơn đau không hết hẳn nhưng thân này nặng hơn hay nhẹ là do tâm. Con nghĩ cái chết vốn không đáng sợ mà cái tưởng về cái chết mới đáng sợ đúng không ạ?
Con Kính Tri Ân Sư Ông

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 27-03-2022

Câu hỏi:

Con kính chào Thầy! Con xin phép chia sẻ một số nội dung mà con đã cảm nhận khi nghe pháp Thầy giảng:
1. Cuộc đời là trường học. Nghịch cảnh là bài học giúp con học ra Vô thường, khổ, vô ngã. Giúp con cởi bỏ bớt ràng buộc, không dính mắc.
2. Lựa chọn là sinh nghiệp của mỗi người. Giúp con không còn xem nặng các lựa chọn hoặc cố tìm cách lựa chọn điều mình cho là tốt nữa. Muốn làm gì cứ làm miễn sao mình không có ý hại nguời hại mình.
3. Sự tương giao: trong cuộc sống, công việc không để dính mắc vào mối quan hệ mà chỉ dừng ở sự tương giao. Không bị phụ thuộc vào suy nghĩ việc làm của nguời khác kể cả người thân.
Trình độ căn cơ của con còn thấp nên con chỉ biết nghĩ sao nói vậy. Con biết ơn Thầy vì đã kiên nhẫn nói đi nói lại để chúng con hiểu ra và sống đúng tốt mỗi ngày.
Con xin tri ân Thầy và kính chúc Thầy luôn khỏe mạnh để giúp chúng con trên con đường giác ngộ.

Xem Câu Trả Lời »