Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 10-04-2022
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, từ nhỏ tới trước khi học Phật, con rất vô tư và dễ bỏ qua mọi chuyện. Nhưng đến lúc phát bệnh như ma nhập con mới bắt đầu học. Đến nay con biết con phải tiếp tục học nếu không con sẽ bị nhấn chìm bởi ma chướng, và con biết sự học này sẽ không có ngày dừng lại. Con không muốn trình bày kiểu suy luận vì suy luận phát sinh từ trí óc, mà ma chướng cũng từ trí óc. Con phải mượn từ để ma chướng không đánh gục được con nên có thể giống như con copy lại, nhưng không sao. Thức này, thế gian này như trò ảo thuật, chỉ cần con đứng ngoài dòng chảy này, thì không ai có thể nhấn chìm được con!
Nếu cứ bám chấp vào ta được gì ở thế gian, thì cái không được gì sẽ nhấn chìm ta. Nhưng cái cuộc sống phản ảnh rất rõ hiệu quả mà ta tu tập, nếu ta sai, cuộc sống sẽ cảnh tỉnh ta bằng chính hậu quả mà ta gây ra. Và cuộc sống rất nhân từ, lúc nào ta cũng có thể bắt đầu lại, cửa luôn mở cho những ai biết quay đầu!
Con trình thầy, con xin cám ơn thầy.
Ngày gửi: 10-04-2022
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,
Hôm trước được vào thất của Thầy để được nghe những lời pháp Thầy ban, lòng con thật hoan hỷ biết bao!
Con kính tri ân công đức Thầy!
Hôm đó Thầy đã khai thị cho chúng con về nỗi khổ khi mất người thân. Con nhớ mãi câu mở đầu Thầy dặn: “Nhớ nha, khi nào thấy khổ là biết sai rồi đó”.
Còn con trai con thì tâm đắc với câu khác.
Con nói với cháu rằng Thầy giống như một khu vườn đầy hoa trái, sẵn sàng trao tặng cho bất cứ ai ghé thăm và có nhu cầu hái mang về.
Cũng trong khu vườn ấy, người thì thích hoa này, kẻ thích loại quả kia, mọi người cứ thoải mái lựa chọn cái nào phù hợp với mình, Thầy cho hết.
Chính vì nhớ kỹ lời Thầy dạy hôm đó nên con thường quan sát thân, thọ, tâm, pháp mình xem lúc nào mình “bị” khổ để coi mình sai chỗ nào.
Và tối hôm qua con đã ngụp lặn trong cái khổ ấy mà ngoi đầu lên không nổi Thầy ạ!
Lời Thầy dạy thì vẫn vang vang bên tai mà chìm đắm thì vẫn... chìm đắm.
Số là, con trai của con đêm qua có chương trình quay hình của một Game show. Cháu chỉ là sinh viên, là nghiệp dư, nên cũng chưa rành rẽ về giờ giấc của chương trình quay cho lắm. Chỉ biết người ta gọi có mặt lúc 8g tối thì nghĩ cao lắm là 12g sẽ xong. Đến gần 12h cháu mới biết là khoảng 1-2 g sáng mới bắt đầu quay nên gọi điện về báo mẹ biết.
Và nỗi khổ của con bắt đầu từ chỗ này. Con thấy rõ tiến trình của nó diễn ra như thế nào luôn Thầy ạ!
Đầu tiên là nỗi lo lắng, sợ hãi trào lên trong con. Con lo sợ đường vắng cùng những rủi ro khi đi giữa đêm khuya, con nghĩ đến những tai nạn giao thông khi đêm khuya chạy nhanh, phóng ẩu.
Những vọng tưởng cứ liên tiếp nối đuôi nhau hiện lên trong đầu con. Tâm con bắt đầu tán loạn.
Khi thấy tâm không có điểm dừng, liên tục phóng ra những ảo tưởng, con đã thốt lên: “Thầy ơi, con đã sai rồi.”
Sau đó con nhớ đến các Pháp bổ túc mà Thầy đã giới thiệu nên con bắt đầu sử dụng.
Đầu tiên, con dùng Pháp môn hít thở. Lúc đầu thấy tâm dịu lại và đi vào giấc ngủ. Tuy nhiên, Pháp này chỉ duy trì trong chốc lát nên sau đó con lại thức giấc và các suy nghĩ khởi lên liên tục.
Lúc đó không hiểu tại sao con lại quên mất Pháp môn Niệm Phật mà Thầy thường dặn (ban đầu niệm thật nhanh cho tâm bớt tán loạn).
Con nhìn đồng hồ, đã 3g sáng rồi mà chưa thấy cháu về. Con gọi điện thoại thì không thấy nghe máy (con cũng hiểu là đang ghi hình thì làm sao nghe máy nhưng do vô minh dẫn lối nên cứ làm).
Lý trí thì cứ nhắc nhở: “ngủ đi, ngủ đi, không sao đâu, thức chờ thì cũng có được gì đâu, chỉ tổn hại sức khoẻ thêm mà thôi, khi nào xong việc thì nó về.”
Vậy đó mà con cứ loay hoay, vật lộn với một mớ hỗn độn trong đầu.
Sau đó, con lại dùng Pháp môn quán niệm sự chết. Nhưng con lại không “chết” được Thầy ạ! Những vọng tưởng nó cứ lôi con về thực tại đau khổ này. Pháp môn này con thực hành không thành công.
Lòng con cứ bồn chồn, nghĩ quanh quẩn và vớ vẩn. Rồi bụng lại cồn cào vì đói. Thế là phải đi ăn một chút xíu gì sẵn bụng chờ luôn một thể. Nhưng chờ hoài vẫn không được nên con đành lên phòng nằm.
Lần này con nghĩ ra một Pháp môn mới. Pháp môn “Lắng nghe lời Thầy” (cái này tự con đặt tên).
Thế là con mở pháp thoại Thầy ra. Trong đêm khuya yên ắng, giọng Thầy trầm ấm vang lên, tự nhiên con nghe lòng mình ấm lại, nỗi sợ từ từ lui dần, nghe tới đâu con tỉnh ra tới đó. Một hồi sau, con lại thấy mình có cái gì sai sai. Thì ra là con quá chăm chú nghe, quá tập trung nghe và dùng lý trí để nghe rồi bắt đầu phân tích thành ra tỉnh như sáo; mà lúc này là lúc cần ngủ chứ không cần tỉnh.
Vậy là con lại thả lỏng, tự nhiên, vô tâm để TRONG NGHE CHỈ NGHE mà không có lý trí xen vào.
Thưa Thầy, với Pháp môn này con đã được trở về với chính con. Con bình an đi vào giấc ngủ mà bên tai vẫn văng vẳng lời Thầy. Một lát sau, con lại tỉnh giấc nhưng lần này con “thong dong” cầm máy bấm nút TẮT và êm đềm đi vào giấc ngủ tiếp liền sau đó dù giờ đó con trai của con vẫn chưa về.
Kính thưa Thầy!
Sáng nay khi ngồi nghĩ lại, thấy những vọng tưởng đua nhau cười cợt chế nhạo mình, con chợt biết ơn trong kiếp sống này con đã được gặp Thầy để khai thị cho con một Đạo Phật vô cùng dung dị mà uyên thâm. Chỉ cần biết trở về, còn mọi thứ chỉ là ảo ảnh.
Đúng như lời Thầy nói “Thầy chỉ chỉ ra nguyên lý thôi, còn mọi người phải tự tìm ra cách nào phù hợp với chính mình.”
Đêm qua con vừa tìm ra một Pháp môn cho riêng con khi giải bài tập này, con kính trình Thầy!
Nếu có chỗ nào sai xin Thầy từ bi chỉ dạy thêm cho con.
Con biết ơn Thầy đã chịu khó đọc những lời lẽ dông dài của con.
Kính nguyện Thầy và quý sư được mạnh khoẻ, bình an.
Con kính
Ngày gửi: 10-04-2022
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con vẫn nhớ lời dạy của thầy là thấy như camera quan sát, con đã làm hoài không được. Nhưng sau đó học hỏi, va chạm, chiêm nghiệm, con đã biết hành như thế nào rồi. Dù là cách diễn đạt khác nhưng ý nghĩa vẫn tương tự, con xin chia sẻ những điều con thẩm thấu và hành như sau:
Cố tu để có sự trang nghiêm đoan chính, thu mình vô công thức để được như Phật là tu sai hướng. Tất cả bên trong và bên ngoài mình đều là tướng. Con phần lớn là muốn đoạn diệt tướng bên trong lẫn bên ngoài mình. Càng diệt thì nó càng diệt lại mình. Nhưng "Vô đoạn, vô diệt" là vậy, không có pháp đoạn diệt, có pháp biến đổi, tướng đã không thật có, nó chỉ chớp nhoáng như điện và thay đổi không ngừng. Chỉ có tánh là ở đó. Đừng đoạn tướng để trở về với tánh, mà tánh để thấy tướng sinh diệt.
Còn một vấn đề nữa, từ không tin gì cả, đến tin và thấy có thần thông và cảm ứng, rồi đến mượn để hoàn hảo cuộc sống này, con đã rơi vào lưới ma. Con thấy tin vừa đủ để niệm Phật bằng tâm thể không tham cầu là được. Đi xa hơn là đọa.
Nay có thể như vậy cũng gọi là buông được phần nào bên trong và bên ngoài mình.
Con xin trình thầy, con cám ơn thầy.
Ngày gửi: 07-04-2022
Câu hỏi:
Thầy kính mến!
Thưa Thầy, con xin trình pháp:
"Đạo Phật giúp con người nhận ra và thoát khỏi trói buộc của ảo tưởng (tham, sân, si), có người không biết lại lấy Đạo Phật trói buộc mình và người khác".
Con xin tri ân Thầy!
Ngày gửi: 07-04-2022
Câu hỏi:
Con kính đảnh lễ sư Ông,
Con chiêm nghiệm thấy rằng, khi để bản Ngã lắng dịu lại mọi ảo tường đến đi, thì lựa chọn nào không nằm trong vòng thế tục thì không còn hơn thua được mất gì nữa cả, dù có là bên nào thì cũng sẽ Ung Dung, chỉ còn cái tâm vọng động thế gian thì chọn này bỏ kia cũng chỉ là đổi từ khổ này sang khổ khác mà thôi, ở đâu làm gì không còn quan trọng nữa, tùy duyên và thuận với Pháp đến đi, thì thái độ rỗng lặng chấp nhận sẽ luôn luôn mang mình đến đúng nơi cần đến.
Chữ ung dung thật khó để thấu hiểu hết phải không sư Ông? Giờ là cơ hội để con học lấy một chữ này.
Con biết ơn sư Ông đã luôn vất vả chỉ dạy cho chúng con.
Ngày gửi: 06-04-2022
Câu hỏi:
Con xin kính chào thầy,
Con xin trình sự thấy của mình để thầy cho con lời khuyên ạ.
Con có 1 người chị bạn, con và chị ấy thường hay nói chuyện về đạo. Hôm bữa trong lúc chị em đang bàn về vi tế của tham, sân và trí tuệ, đột nhiên chị ấy chỉ cho con thấy chỗ đó là trí tuệ thì tâm con rỗng lặng 1 cách lạ thường. Con cảm nhận toàn thân con tràn đầy ánh sáng, một sự an lạc hạnh phúc đúng nghĩa, rồi tự nhiên trong đầu con nó nói đó là tâm tịch tĩnh, là tâm bất sinh, là bản lai diện mục trong thiền tông, là viên ngọc quý trong kinh Pháp Hoa, là của báu mà vua Trần Nhân Tông nói, đó là Thượng Đế ngự trong ta mà đạo Thiên Chúa nói... những lời này nó tự hiện trong đầu con chứ không có sự tác ý của con ạ. Ánh sáng đó soi chiếu rực rỡ như mặt trời, mát mẻ như mặt trăng. Sự cảm nhận ánh sáng này nó tồn tại được 3 ngày là hết.
Con nhớ tới lời thầy là sống như nó đang là nên mấy nay con rất nhẹ nhàng, công việc vẫn bình thường nhưng không có tư tác của mình mà sống với nó như vậy thôi. Con không ngồi thiền, không đọc kinh, không trì chú... con chỉ đọc sách nghiên cứu kinh và các pháp thoại của thầy. Như câu kệ của Phật, câu kinh hay hoặc bài thơ của thầy hay thì con nghiền ngẫm và thường xuyên chiêm nghiệm vào trong cuộc sống để đem lại giá trị tốt cho mình và mọi người chứ con không thực hành theo pháp môn nào cả.
Mong sư cho con ý kiến về trường hợp của con, con thực hành như vậy có đúng không!
Con xin chân thành cám ơn sư.
Zen Minh
Ngày gửi: 06-04-2022
Câu hỏi:
Dạ Con kính bạch thầy ạ!
Dạ con thực tập những gì sư ông dạy thì con thấy như thế này ạ:
Mọi chuyện đến với con như thế nào con cũng dễ đón nhận ạ. Con vẫn có lúc buồn lúc vui nhưng tâm con không còn những cảm xúc mạnh nữa ạ. Những lúc như vậy tâm con tự nhiên quay về cảm nhận lại cái vui buồn hoặc sợ hãi ấy. Khi như vậy con cảm nhận được là người con nổi da gà, da mặt căng lên, tim đập nhanh, người nóng...
Cái gì đến thì đến cái gì đi thì đi con ít vướng mắc vào nó nữa ạ.
Nhưng mà con hay bị cảnh nó cuốn mình theo, không đủ chú tâm quan sát nên nên tâm nó chạy đi 1 lúc sau mới cảm nhận được nó ạ.
Dạ con cảm ơn thầy.
Ngày gửi: 05-04-2022
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con xin trình bày những trải nghiệm của bản thân trong việc quan sát thân tâm của mình ạ
Con vừa mới kết hôn, khi ở nhà chồng, sau mỗi bữa ăn con đều rửa chén, dù là ít thôi nhưng khi một mình cặm cụi rửa chén, mỗi lần lại khác nhau: buổi sáng con rửa với sự thoải mái cùng suy nghĩ: rửa ít vầy vừa dễ rửa vừa gọn gàng; đến trưa con rửa chén lại có suy nghĩ: sao chồng mình không phụ mình ta; đến buổi tối con lại không còn thoải mái trọn vẹn trong việc rửa chén nữa, mà có suy nghĩ muốn chồng mình cùng rửa, có sự so đo tính toán thiệt hơn trong đó.
Lúc đầu con thấy công việc rửa chén cứ lặp đi lặp lại như nhau, thật là nhàm chán, nhưng khi nhìn lại con lại thấy mỗi lúc lại có những suy nghĩ khác nhau như vậy, con lại thấy thật thú vị, đâu có nhàm chán đâu, nhàm chán là do mình không nhận ra được những suy nghĩ đó đang diễn ra, cũng như không trọn vẹn tỉnh thức ngay chính hành động đó thôi. Mới vừa rồi con còn thấy việc rửa chén thật nặng nề, nhưng tự nhiên nhận ra điều đó, con lại như được buông xả ra vậy, thoải mái nhẹ nhàng.
Đó là trải nghiệm trong đời sống thường nhật của mình thôi, con xin trình thầy ạ, nếu không đúng chủ đề xin thầy bỏ qua cho con ạ
Thưa thầy, con chỉ nghe những pháp thoại của thầy online thôi nhưng những lời dạy của thầy như sợi dây thừng kéo con ra khỏi bãi cát lún, con thật sự biết ơn rất nhiều! Cầu nguyện cho thầy nhiều sức khoẻ và bình an.
Ngày gửi: 05-04-2022
Câu hỏi:
Con chào thầy,
Gần đây con có 1 trải nghiệm rất thú vị khi nằm thứ giãn lúc trời đang mưa. Bình thường thì những dòng suy nghĩ cứ ào ạt như những gợn sóng. Nhưng tiếng mưa và sấm cứ ồ ạt đè nén những suy nghĩ khiến chúng bị đứt đoạn. Cảm giác như chỉ có tiếng mưa rơi và những làn gió mát còn hiện hữu, con chợt thoáng quên mình là ai. Con chợt thấy tiếng mưa thật dễ chịu, mát rượi cả thân tâm. Khi có suy nghĩ cố giữ cảm giác này thì tiếng sấm và từng hạt mưa rơi trên mái lại đưa con về với thực tại. Quả là một trải nghiệm thú vị.
Ngày gửi: 04-04-2022
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, cuối cùng hôm nay con cũng nhìn ra được chữ "buông" thực tế nó ra làm sao. Nó giống như "Thôi kệ" đi kèm với "Thận trọng" vậy.
Nặng nề bám sát theo việc cần phải làm thì hỏng càng thêm hỏng, mà thực sự buông thì lại thấy nhẹ tênh trong lòng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chểnh mảng, không quan tâm nên cần phải thận trọng. Cũng không có nghĩa là kim chỉ nam hay bí quyết để hoàn thành tốt mọi việc trên đời này. Vì cuộc đời này không phải do ta hay của ta và luôn luôn biến đổi.
Phật môn vạn pháp không ngoài cái tâm thể không dính mắc này. Con hay lầm cái thấy và tánh biết. Tánh biết là bao gồm cả tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh xúc và tánh biết pháp (cái tên này con chưa chắc, mong thầy chỉ dạy) hay chính là cái tâm thể, cái tâm không.
Con xin trích hai câu thơ mà hôm nay con thấy thấm:
"Đời trôi, ta nhọc vì ôm giữ,
Vui, buồn, sướng, khổ tại nơi tâm"
Chính vì ôm giữ, cả cái sao cho tốt, làm cho vẩn đục cái tâm thể này, ôm giữ này chính là dính mắc.
Bất cứ phép tu nào, chấp vào cảnh giới đạt tới cũng độc hại như thuốc phiện, nó khiến người ta quên mất thực tại, và lại ôm giữ. Cho nên nói câu "Tâm bình thường là đạo" là vậy.
Hay như thầy dạy, phép tu nào mà buông được càng nhiều, buông được 100% là tâm hoàn toàn bình thường, là tu đúng. Nhưng phần lớn ai cũng nghĩ mình đang bình thường rồi nên không cần buông nữa, mà tu để tìm thêm thật nhiều sở đắc thì thật là tai hại.
Con xin trình thầy, con cám ơn thầy.