Kết quả Tìm Kiếm: Có 423 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'Thiền'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Xin thầy giảng cho con. Có người nói thiền có 2 loại: chặt vọng tâm (khi vọng niệm khởi lên thì chặt đứt hết) và cột vọng tâm (khi vọng niệm khởi lên thì cột tâm lại). <p>
Xin thầy chỉ cho phương pháp nào tốt nhất và dễ làm để tu thiền. Con cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Hai loại thiền chặt vọng tâm, và cột vọng tâm đều là thiền hữu ngã hữu vi, vì còn thái độ tạo tác "chặt" và "cột". Trong Phật giáo có thiền tuệ nhưng không "chặt" vọng niệm mà chỉ soi thấy thực tánh thì vọng niệm tự tiêu vì vọng tự nó là ảo, ví như thấy sợi dây mà tưởng là con rắn thì không cần chặt con rắn ảo mà chỉ cần thấy rõ sợi dây thì con rắn ảo tự tiêu. Có thiền định nhưng cũng không "cột" vọng niệm mà chỉ cần để yên thì vọng niệm tự lắng, ví như ly nước đục được để yên thì tự nó lắng trong. Do đó thiền nào có bản chất vô ngã vô vi, tức không có cái ta tạo tác xen vào "chặt", "cột" thì vọng không sinh đâu cần phải diệt? Khởi niệm "chặt", "cột" vọng là đã lấy vọng chọi vọng rồi, biết bao giờ mới dứt cái ta ảo tưởng tạo tác lăng xăng?
Câu hỏi:
Con xin đảnh lễ sư. <p>
Thưa sư cho con hỏi, đề mục hơi thở vô, hơi thở ra và phồng xẹp khác nhau như thế nào? <p>
Con xin tri ân sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Người hành đề mục thở vô thở ra thường nhầm lẫn với luyện khí công Trung Hoa hoặc yoga Ấn Độ và họ tập chú ý ghi nhận cảm giác ở cửa mũi vùng huyệt nhân trung giữa môi trên, hoặc để ý đến huyệt khí hải dưới rốn ở vùng bụng. Hai trường phái này đều thuộc về thiền định vì chủ yếu là họ mượn những vùng nhân trung hoặc khí hải (huyệt trọng yếu trong cơ thể) để điều thân, điều khí và điều ý.
Khi hành giả tập trung sự chú ý vào khái niệm hơi thở và biến khái niệm này thành đối tượng thiền tướng (nimitta) để định tâm thì người đó đang thực tập thiền định (Jhàna, samàdhi). Trong thiền định sự tập trung chú ý này được gọi là tầm (vitakka) và tứ (vicàra). Sau đó nếu sự tập trung tư tưởng thành công thì hỷ (pìti), lạc (sukha) và nhất tâm (ekaggatà) sẽ phát sinh và đạt được định an chỉ (appanà). Nếu định này đạt được do ly dục ly bất thiện pháp một cách tự nhiên vô ngã thì đó là chánh định. Nhưng nếu đạt được do tham muốn sở đắc và ý chí dụng công của bản ngã thì vẫn là ngoại định (nói ngoại định tức không phải chánh định nhưng vẫn có thể tốt nên không nói là tà định).
Khi hành giả trở về trọn vẹn soi sáng một cách trực tiếp, khách quan và trung thực toàn bộ động thái thở vô thở ra đang diễn tiến trên thân tự nhiên như nó là, không sắp đặt, không qua khái niệm chế định về hơi thở (như định dạng ở mũi hay ở bụng v.v...) thì người đó đang thực hành minh sát tuệ (vipassanà). Trong tuệ minh sát, sự trở về trọn vẹn soi sáng động thái thở tự nhiên này được gọi là tinh tấn (àtàpì), chánh niệm (satimà), tỉnh giác (sampajàna), trong đó không có tham ưu (abhijjhà domanassa), không nương tựa (anissito), không bám víu bất kỳ điều gì (na kiñci upadiyati) do đó không có sở đắc mà chỉ có thấy ra bản chất sinh diệt tự nhiên của toàn bộ động thái thở vô thở ra đang diễn tiến trên thân như nó là.
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy,<p>
Con muốn nghe những bài giảng về thiền của Thầy bắt đầu từ đâu ạ? Con chưa hiểu gì về thiền. Con kính mong Thầy chỉ dạy.<p>
Con kính tri ân Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thiền là soi sáng lại chính mình để khám phá ra sự thật tiềm ẩn trong đó mà xưa nay cứ mải mê tìm kiếm bên ngoài.
Con vào mục Pháp Thoại để nghe từ khóa thiền thứ 4 trở đi theo thứ tự trước sau.
Câu hỏi:
Kính bạch thầy. Con muốn tìm hiểu về thiền và thực hành ngồi thiền, vậy con kính mong thầy chỉ dẫn cho con phương pháp học và những sách viết về thiền cho con được tìm hiểu ạ, vì không có điều kiện tham gia vào những khóa tu thiền nên con không được sự chỉ dạy, vậy con kính mong thầy hoan hỷ giúp đỡ con ạ. Kính chúc thầy mạnh khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con nên vào Pháp Thoại nghe giảng thiền và đọc sách thiền trong Thư Viện trang web này. Tốt nhất là con nên đến gặp một vị thầy hay một vị thiền sư mà con ngưỡng mộ để tham vấn, không nên hành thiền vội, vì như thế chẳng khác nào tìm một ngôi nhà mà không biết địa chỉ vậy.
Câu hỏi:
Kính bạch thầy, con đọc trên mục hỏi đáp, có một Phật tử hỏi, khi để tâm hoàn toàn thư giãn, rỗng lặng thì bị buồn ngủ. Thầy trả lời có 3 trường hợp, một là giấc ngủ của các bậc Thánh, hai là vì thiếu ngủ, ba là hôn trầm. Con thấy mình rơi vào tình trạng thứ hai là mất ngủ. Có lần con trình bày với thầy, khi thiền con thích đề mục Arahan. Nhưng theo cách hướng dẫn của thầy, khi để tâm hoàn toàn rỗng lặng, con tự thấy hơi thở ra vào rất rõ rệt. Kính bạch thầy, có phải đề mục thiền không quan trọng mà tâm như thế nào mới thực sự quan trọng phải không thầy? Thú thật, thầy đừng cười con, con chỉ thấy hơi thở ra vào 4,6 hoặc 8 lần là ngủ mất rồi. Nhưng lạ một điều sau khi thức dậy tinh thần rất tỉnh táo, không uể oải, mệt mỏi. Nhớ lời thầy dạy, con làm việc gì chỉ cần với tâm vô tham, vô sân, vô si là được. Con cảm thấy rất phù hợp với việc buôn bán hàng ngày của con. Con thành kính tri ân thầy và kính chúc thầy sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vậy là tốt rồi. Chỉ cần 7-8 hơi thở với tâm rỗng lặng trong sáng rồi ngủ là tốt lắm (vì thầy biết công việc con phải thức khuya dậy sớm). Quan trọng là hàng ngày con làm việc trong tỉnh thức không để tham sân si chi phối thì mới thực sự tu tập. Nhiều người tưởng ngồi thiền nhiều mới gọi là tu, thực ra họ đang chìm đắm trong tham sân si mà có ảo tưởng là mình đang tinh tấn, họ bị tư thế ngồi được dán cái nhãn thiền của bản ngã đánh lừa! Những người này không đắc định cũng khổ mà đắc định lại càng khổ hơn vì bị chìm đắm trong sự thỏa mãn của cái ta đầy ngã mạn với sở đắc.
Câu hỏi:
Kính bạch Hoà Thượng, xin ngài hoan hỷ trả lời giúp con câu hỏi sau ạ. Dạ thưa Hoà Thượng hễ mỗi khi con ngồi tập thiền một mình vào các buổi đêm từ 23h đến 1h con thấy rất hay bị giật mình và có cảm giác sợ sợ, do đó tâm không yên nên không ngồi đựoc, nay xin Hoà thượng chỉ dẫn giúp con cách khắc phục để tâm yên tĩnh và tập thời gian đó cho tốt ạ?
Con xin cảm ơn Hoà thượng.
A-di-đà Phật
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thiền là sống trọn vẹn tỉnh thức trong mọi lúc mọi nơi, dù là đi, đứng, ngồi hay nằm, nghĩa là thường sáng suốt biết mình khi hành động, nói năng, suy nghĩ không để cho tâm thất niệm vọng động rơi vào tà kiến và tham ái. Nếu con làm được như vậy thì không cần ngồi thiền làm gì, nhất là ngồi thiền mà thường bị giật mình lo sợ thì không nên tiếp tục, nếu không sẽ bị lạc thiền.
Câu hỏi:
Kính bạch hoà thượng con xin hoà thượng hoan hỷ giải đáp giúp con một vấn đề khúc mắc nho nhỏ sau đây: Trong phương pháp thiền của con đang tu tập con lấy đề mục niệm Phật. Như vậy, khi đắc định thì quang tướng của đề mục sẽ phát quang ở đâu, như thế nào ạ?
Con xin cảm ơn hòa thượng.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Theo nguyên tắc của pháp môn niệm Phật thì hành giả chỉ có thể đắc cận định chứ không đắc được định (sắc giới thiền và vô sắc giới thiền). Bởi vì muốn vào sơ thiền sắc giới thì ngôn ngữ phải diệt (vào nhị thiền thì tầm tứ diệt, vào tam thiền thì hỷ diệt, vào tứ thiền thì lạc diệt). Vì vậy niệm Phật cho đến khi đạt được nhất niệm thì phải buông câu niệm Phật (ngôn ngữ diệt) thì tâm mới vào định được. Quang tướng chỉ phát ra đối với các đề mục kasina mà thôi. Còn trong pháp môn niệm Phật thì ngôn ngữ của câu niệm vẫn còn nên không có quang tướng. Người niệm Phật cũng có thể thấy ánh sáng nhưng đó không phải là quang tướng (patibhàga) mà là một trong năm tướng của hỷ (pìti) gọi là tướng ánh sáng (obhàsa).
Câu hỏi:
Mô Phật! Kính thưa Thầy, <p>
Hiện nay con đang phấn đấu tọa thiền ở mức thời gian 1 giờ 15 phút. Khoảng 10 - 15 phút trước khi xả thiền, dù không cố ý nhưng các nhóm cơ chân, cơ mông, cơ bụng dưới, cơ lưng dưới của con tự nhiên co lại do phản xạ đau, tê. Trong 10 - 15 phút đó nó co rút khoảng 3 đến 4 lần. Mỗi lần co rút xong thì hơi dễ chịu 1 chút.
Thưa Thầy, con có cần chống lại phản xạ tự co, rút đó không? Kính mong Thầy từ bi giải nghi cho con.
Con chân thành cảm tạ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tại sao phải phấn đấu ngồi lâu? Chủ yếu là có ngồi với tâm rỗng lặng trong sáng hay không chứ không cần biết ngồi bao lâu. Nếu tâm con rỗng lặng trong sáng và ngồi được 2 giờ một cách tự nhiên thoải mái thì tốt, nhưng nếu con phấn đấu để kéo dài thêm 15 phút thì không ích gì. Cố gắng quá có thể đưa đến đau cơ và thần kinh tọa đồng thời dễ làm cho tâm căng thẳng. Nên thư giãn buông xả và làm một vài động tác nhẹ để lấy lại bình thường.
Câu hỏi:
Thưa thầy, con là người rất tin tưởng vào giáo lí nhà Phật, con rất thích đi chùa bởi vì ở đó con thấy được bình yên và sự an lành. Nhưng thưa thầy, đột nhiên con lại gặp phải một sự việc đó là: mới đầu năm nay, khi con đi chùa, ngồi khoanh chân vào thì ngay lập tức con có cảm giác người con rung lên và lắc lư ngay lập tức, con sợ lắm, bố mẹ con từ đó cũng ít cho con đi chùa hơn, thầy có thể giải thích cho con được không ạ?<p>
Con không biết bây giờ phải làm như thế nào bởi vì từ đầu năm cho đến giờ ngay khi ở nhà, chỉ cần con ngồi yên một chỗ, không cần nhắm mắt là hiện tượng đó xảy ra, cơ mặt con đôi khi giật giật, rồi khi con nắm tay vào có một cảm giác cơ tay cũng rung lên, rồi khi con niệm Phật đôi lúc bụng con cứ nóng lên, lòng mình cứ nóng như lửa đốt, và đôi khi cảm nhận của con rất nhạy bén về những điều không hay xảy ra nữa, đôi lúc người con cứ quay quay không thể học nổi nữa, con thực sự là rất rối rắm không biết làm thế nào, mong thầy giúp con với?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đừng cố ngồi thiền để an tâm gì cả. Hãy sống thật bình thường thoải mái. Con đang bất an và cố tìm cách để an nên mới bất an thêm. Con nên đi bác sĩ để ổn định thể chất trước chứ không nên cố ổn định tinh thần trong lúc này. Chỉ cần thoải mái là tinh thần ổn định ngay.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy! Con ngồi thiền đã hơn một năm qua, mọi việc đều ổn, tuy thời gian đầu có đau chân nhưng con vượt qua rất tốt, giờ con có thể ngồi 1 giờ vẫn thoải mái, cảm thấy nhẹ nhàng và "ghiền" ngồi thiền. Nhưng không hiểu sao khoảng 2 tuần nay, hễ con bắc chân lên ngồi thiền là cơn buồn ngủ ập đến (con là người luôn khó ngủ, xưa nay hầu như chẳng bao giờ ngủ gật dù ngay cả lúc đi tàu xe đường dài). Con đã thử khắc phục bằng nhiều cách theo những hướng dẫn trong các trang web Phật học trên mạng nhưng vẫn chưa kết quả. (ví dụ như dời điểm chú ý lên giữa hai mắt - trước đây con theo dõi hơi thở và tập trung chú ý vào bụng, hoặc mũi).<p>
Xin thầy từ bi chỉ dạy cho con hiểu nguyên do nào con lại bị như thế và con phải khắc phục thế nào ạ? Con xin đảnh lễ tri ân thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Không dời điểm chú ý đi đâu hết mà bỏ hoàn toàn cơn "ghiền" ngồi thiền đi, vì triệu chứng bất bình thường báo động đang tiến tới gần. Không cần điểm chú ý, chỉ cần tâm buông xuống cái ý đồ lăng xăng muốn thiền để được một trạng thái gì đó thì tâm liền an nhiên tự tại, không vướng bận vào đâu. Khi không vướng bận vào cái gọi là thiền thì tâm thiền liền trọn vẹn với thực tại và con sẽ thấy một sự định tĩnh trong sáng dàn trải khắp mọi nơi, trong mọi tình huống, trong mọi công việc... chứ không cần tâm bám trụ vào "điểm chú ý" nào.