Kết quả Tìm Kiếm: Có 423 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'Thiền'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Xin thầy cho biết cách hành thiền sao cho có hiệu quả nhất? Cách ngồi, cách điều phục tâm để tâm định được sâu và thế nào là ngồi đúng cách và không đúng cách?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cứ ngồi tự nhiên thoải mái, đừng quá gò ép thân trong một tư thế nhất định nào. Đừng cố gắng điều phục tâm, đừng bắt tâm phải định. Nếu biết buông cái ta lăng xăng tạo tác, nỗ lực muốn trở thành, muốn bỏ trạng thái này lấy trạng thái kia, trong ý đồ tham sân mê muội thì tâm sẽ tự định một cách dễ dàng. Chính ý chí của cái ta muốn đạt được trạng thái định lý tưởng đã làm cho cái tâm bất an mê muội. Giống như nước, cứ để yên nó đó đừng động đậy gì cả thì nó sẽ tự không chao động. Tại sao con muốn cái tâm định sâu mà lại cứ bắt nó phải như thế này thế kia theo ý mình? Có phải như vậy là định hay đang khuấy động nó lên?
Muốn định sâu hãy bắt đầu thận trọng chú tâm quan sát mọi việc hàng ngày một cách bình thường tự nhiên, chẳng bao lâu con thấy tâm con trầm tĩnh hơn trong mọi sự, rồi bỗng một hôm con thấy mọi xáo trộn bên ngoài không làm ảnh hưởng tới con nữa, đó là con đã định rất sâu, sâu hơn rất xa so với tứ thiền bát định mà ngoại đạo cố gắng luyện tập để đạt thành.
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy! Hàng ngày con làm việc nhiều, về nhà lại lo toan chuyện gia đình, thời gian hành thiền của con rất ít. Nhưng mỗi ngày trong lúc làm việc hoặc mọi lúc mọi nơi con thường quan sát sự việc và thấy được tính chất vô thường của nó, tâm con bình lặng trở lại, không lăng xăng hay nóng giận khi có ngoại cảnh tác động. Do vậy tâm con có những lúc được an bình, trong sáng. Thưa thầy, đó có phải là thiền không? Xin thầy chỉ dạy. Kính chúc Thầy nhiều sức khỏe và vô lượng an lạc.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thiền không nhất thiết phải ngồi. Thiền là thấy ra sự vận hành đúng như bản chất của pháp nơi thực tại thân tâm, nghĩa là ngay nơi mọi hoạt động hàng ngày của con. Thận trọng chú tâm quan sát trạng thái hoạt động của thân, của cảm giác, của tâm hành, của sự tương giao thân tâm và ngoại cảnh một cách tự nhiên được đức Phật gọi là thiền Tứ Niệm Xứ. Mỗi người vốn tự nhiên đã sẵn có sự thận trọng, sự chú tâm, sự quan sát. Nếu tâm không buông lung theo sự thúc dục của cái ta ảo tưởng thì ngay đó tâm liền có tinh tấn, chánh niệm và tỉnh giác, và lúc đó thận trọng chính là giới, chú tâm chính là định, quan sát chính là tuệ. Vì vậy, thiền là thái độ sống sáng suốt, định tĩnh, trong lành một cách tự nhiên. Con đang thiền rất đúng rồi đó. Chúc mừng con.
Câu hỏi:
Con rất thích thiền, xin thầy hướng dẫn cho con học thiền nên bắt đầu từ đâu? Đọc sách gì ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thiền không phải là một pháp môn tách rời Phật Pháp nên muốn biết rõ về thiền thì nên học hỏi Phật Pháp cho thông suốt. Nhiều người muốn đi tắt nên chỉ học theo phương pháp thiền của một trường phái nào đó mà không biết gì về Phật Pháp, như vậy thì lợi bất cập hại. Ví như một người thích ăn phở chỉ tìm phở mà ăn không biết gì về phép dưỡng sinh trong ăn uống (thực dưỡng). Thiền chỉ hữu ích khi biết sử dụng đúng nguyên lý, đúng mục đích và đúng mức độ, nếu không chỉ phí công vô ích mà còn đi xa chân lý hoặc tẩu hỏa nhập ma nữa là khác.
Trong trang web này có khá nhiều sách giới thiệu về thiền, con vào Thư Viện đọc Kinh, Sách, Văn, Thơ... để nâng cao trình độ Phật Pháp. Vừa rồi thầy mới giới thiệu một bạn đọc sách thầy viết để có gì muốn hỏi thì thầy dễ trả lời hơn. Nên đọc theo thứ tự những cuốn sách sau đây: 1) Con đường hạnh phúc, 2) Tuyển tập thư thầy, 3) Thực tại hiện tiền, 4) Sống trong thực tại, 5) Thiên Phật Giáo: Nguyên Thủy và Phát Triền, 6) Vi Tiếu. Con nhớ là khi chưa thông suốt, tuyệt đối không hành theo một phương pháp nào cả. Phương pháp chỉ đưa đến kinh nghiệm cục bộ chứ không mở toang cánh cửa tâm hồn để đón ánh sáng mặt trời chân lý.
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy, đầu tiên con kính chúc Thầy sức khoẻ. Con xin phép được hỏi Thầy một câu hỏi. Con có nghe nhiều người nói về Thiền và Yoga. Có người nói rằng Yoga bao quát hơn Thiền, thiền có trong Yoga. Vậy nói rằng Yoga bao quát hơn thiền có đúng không ạ? Xin Thầy chỉ cho con để con có thể hiểu rõ thêm về sự khác nhau giữa thiền và yoga cũng như mục đích của nó.
Con xin cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cái này thì khó nói lắm, bởi khi so sánh là đã rơi vào khái niệm rồi, mà khái niệm thuộc tục đế, do quy ước của cá nhân hay xã hội thế gian. Khái niệm quy ước là gán cho cái gì đó một ý nghĩa mà người ta "nghĩ" là thế, chứ chưa hẳn là thế! Cho nên có "tôi nghĩ thế" hay "tôi cho là thế". Ở đời ai mà chả quy ước cho cái của mình là đúng là hay hơn của người khác. Nhưng luật tục đế muôn đời vẫn là: "Lý của kẻ mạnh luôn luôn thắng", vì vậy trong thế gian này, nếu kẻ mạnh nói họ đúng hơn thì tốt nhất là đừng cãi lại, còn nếu kẻ yếu nói thì mỉm cười là đủ rồi, hơi đâu mà tranh chấp hơn thua, bởi giữa đời này hơn thua không nói lên được sự thật như nó đang là. Khổ một nỗi bản chất thật của pháp thì vượt ngoài khái niệm sai - đúng, hơn - thua, làm sao mà so sánh được đây?
Do vậy, đức Phật mới dạy trong kinh Kalama là hãy cứ thực nghiệm đi rồi biết thực sự nó ra sao chứ không nên "tin là...", "cho là...", "nghĩ là..." Vậy thực nghiệm để biết gì? Để biết rằng: Điều này là tạo tác của bản ngã tham sân si (Tập đế) đưa đến sầu-bi-khổ-ưu-não (Khổ đế), điều này là chánh trí không do bản ngã tham sân si tạo tác (Đạo đế) nên không còn sầu-bi-khổ-ưu-não (Diệt đế: Tịch tịnh Niết-bàn, Không, Vô tướng, vô tác, vô nguyện). Do đó pháp này thuộc chân đế, được các bậc Thánh goi là pháp VÔ TỶ, không thể nào so sánh được. Vậy con nói làm thế nào mà thầy so sánh với cái gì được đây?
Câu hỏi:
Đầu tiên con xin cám ơn Thầy về thư trả lời của Thầy.
Con xin có hai câu hỏi liên quan đến pháp hành kính mong Thầy rộng lòng từ bi giảng giải.
- Câu hỏi 1: Liên quan đến khái niệm về một vị thầy.
Trong hầu hết các tài liệu mà con đã đọc nói về thiền trong Phật giáo, kể cả Thiền tông, Mật tông, và thiền Nguyên thủy đều nhấn mạnh đến vai trò của một vị thầy, xem đó như là một điều kiện tiên quyết cho một người muốn dấn thân vào con đường tu thiền. Điều này đã gây không ít bối rối cho các hành giả cư sĩ tại gia, mặc dù họ có thể tiếp cận được các nguồn kinh sách thông qua mạng lưới thông tin hiện đại như ngày nay, hoặc được nghe các bài pháp thoại từ các giảng sư giàu kinh nghiệm (ví dụ như mạng Trung Tâm Hộ Tông chẳng hạn). Thật ra, trong giới cư sĩ cũng có người được trang bị một trình độ học vấn nhất định, giúp họ có được phương pháp luận khoa học khi tiếp cận vấn đề. Bản thân con mặc dù không trực tiếp được Thầy hướng dẫn nhưng thông qua mạng Internet con cũng tiếp thu được cơ bản nội dung pháp hành mà Thầy muốn truyền đạt. Các thắc mắc cũng đã được Thầy tận tình giúp đỡ tháo gỡ. Như vậy bản thân con xem như đã có một vị thầy chưa? Kính mong Thầy rộng lòng từ bi giảng giải. Việc kề cận một vị thầy còn mang một ý nghĩa tâm linh nào khác nữa không?
- Câu hỏi 2: Liên quan đến cái đau trong hành thiền.
Các thiền sư thường có lối giải thích và cách thức xử lý cơn đau trong lúc tọa thiền rất khác nhau. Bản thân con thì thích vận dụng theo lối tư duy “minh” và “vô minh" của Thầy để giải quyết vấn đề này. Cụ thể như vầy:
- Minh:
(1) Ngồi lâu thì phải đau (qui luật nguyên nhân – kết quả). Không có một tư thế hay oai nghi nào của con người mà không dẫn tới đau khổ, cho dù đó là một tư thế nằm thoải mái nhưng trước sau gì rồi cũng phải thay đổi huống hồ chi là ngồi lâu.
(2) Nhờ tư duy như trên nên tâm ít phản ứng hơn với cơn đau, điều này giúp cho thân tâm dễ kham nhẫn hơn.
(3) Cơn đau là một sự thật (chân đế) nó nằm trong bốn xứ (Thọ) để cho hành giả quán niệm nên không cần thiết phải dùng bất kỳ một phương pháp “Tự kỷ áp thị” nào để quên nó đi.
(4) Khi cơn đau tới hạn chịu đựng thì cứ tại đây, bây giờ thay đổi tư thế (trong thận trọng chú tâm quan sát) mà không một chút lo lắng vì sợ mất “định” .
(5) Thời gian từ lúc ngồi cho tới lúc đau là bao lâu không trọng, vì cơ địa mỗi ngưới khác nhau, ngay cả trong một con người do bị chi phối bởi luật vô thường nên thời gian dẫn tới cơn đau mỗi lúc mỗi nơi cũng khác nhau. Việc ngồi rất lâu mới thấy đau chẳng nói lên một thành tựu nào về giải thoát, mà đó chẳng qua là sự thích nghi của cơ thể theo cơ chế phản xạ có điều kiện.
(6) Con rất thấm thía câu nói của Thầy “Đừng biến hành thiền thành hành khổ”
(7) Đau đớn và an lạc đều là pháp nên tâm quan sát phải bình đẳng. Điều này giúp cho hành giả tiến gần hơn với tâm buông bỏ, xả ly.
- Vô minh:
(1) Đẩy cao cái ngưỡng chịu đựng cơn đau rồi xem đó như một thành tựu thì đó chẳng qua là biểu hiện của tự ngã.
(2) Ở trình độ thấp kém này mà muốn thấy được sự sanh diệt trong từng sát-na của cơn đau như có thiền sư từng giải thích thì vô minh.
(3) Khi tâm quan sát không còn rỗng lặng trong sáng mà cứ muốn tiếp tục quan sát cơn đau trước sau gì cũng dẫn tới tham sân.
Con hiểu như vậy thưa thầy có đúng không? Kính mong Thầy rộng lòng từ bi giảng giải. Con xin cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Ngày xưa chưa có phương tiện truyền thông nào khác ngoài phải đi, nhiều khi rất xa, để tìm thầy học Đạo, hoặc ít nhất cũng đi hành cước để tham vấn xem sở tu sở chứng của mình đã thuận Pháp chưa. Ngày nay vai trò vị thầy chính là những nguồn thông tin giúp mình học Đạo, như kinh điển, pháp thoại audio, video v.v... Và để kiểm tra sở tu sở chứng của mình thì có thể gặp thầy qua điện thoại, internet có gắn camera là thầy trò có thể đối diện trình thiền hỏi Pháp thoải mái. Vậy không tiện hơn sao? Tin, học và hành theo một vị thầy có thể sai, lại phải đi tìm vị khác xa xôi, chi bằng cứ nghiên cứu học hỏi cho sâu rộng rồi khi đã có đủ trình độ nhận thức mới thấy vị thầy nào hay cứ đến tham vấn. Quan trọng là khai mở, giác ngộ, chứ không phải là hành theo vị thầy nào. Các vị Phật Độc Giác không học ai cũng vẫn tự mình giác ngộ thì có sao đâu. Tất nhiên vai trò vị thầy theo nghĩa rộng, hoặc thiện bằng hữu, thiện trí thức là những sự hỗ trợ rất cần thiết trên đường học Đạo. Nhưng cuối cùng vô sư trí vẫn là vị thầy tối hậu của mỗi người. Đức Phật đã xác định là sau khi Như Lai viên tịch Tứ Chúng nên nương tựa vào Pháp chứ không nên nương tựa vào vị thầy nào. Pháp (thực tánh) sẵn có nơi mỗi người, hãy quay lại mà thấy (Ehipassiko), không phải tìm đâu xa, không do vị thầy nào ban tặng. Cho nên Đức Phật mới dạy "Tự mình là nơi nương nhờ của chính mình, không ai khác là nơi nương nhờ được" (Attàhi attano nàtho, ko hi nàtho parosiyà).
2) Những điều anh nhận thức trong câu hỏi 2 đều đúng, nếu như đó không phải phát xuất lý luận thuần lý trí mà từ thấy biết qua trải nghiệm thật sự trên thực kiện. Chúc mừng anh.
Câu hỏi:
Thưa thầy, thầy dạy thiền trong mọi sinh hoạt đời sống, khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, chứ không giới hạn ỏ hình thức ngồi thiền. Nếu vậy tại chùa Bửu Long có thời khóa ngồi thiền không? Cách thực tập thế nào? Con chưa được biết, xin thầy chỉ dạy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Hiện nay chùa đang xây tháp nên chỉ có ngồi thiền sau thời kinh sáng và tối thôi. Vào 3 tháng An Cư Kiết Hạ thường chư Tăng, Tu nữ và Phật tử tùng hạ có thời khóa ngồi thiền nhiều hơn. Thực ra, ngồi hay không ngồi không quan trọng, vì trong đời sống hàng ngày thì lục căn tiếp xúc với lục trần, khi ngồi thiền thì cũng vẫn lục căn tiếp xúc với lục trần không khác, chỉ có khác là trong điều kiện động hay tĩnh mà thôi. Trọng điểm của thiền là chánh niệm tỉnh giác đối với thân thọ tâm pháp, nghĩa là tâm thường sáng suốt, định tĩnh, trong lành trong quan hệ căn - trần - thức. Do đó trong thiền Tứ Niệm Xứ, riêng niệm thân thì đối tượng là đi, đứng, ngồi, nằm hay tất cả sự đều được chứ không giới hạn trong hình thức ngồi mới gọi là thiền như nhiều người hiểu lầm. Nếu ai hợp với ngồi thì cứ ngồi, nhưng quan trọng là có thật sự chánh niệm tỉnh giác hay không, hay ngồi chỉ để mong cầu sở đắc (tham), chống lại tình trạng không vừa ý (sân), khiến tâm phân vân bất định (nghi), rồi lại cố kìm chế tâm làm cho nó bị dồn nén và rơi vào vọng mống lung tung (trạo hối) cho đến khi mệt mỏi sinh ra lười chán (hôn trầm thụy miên). Ngồi thiền như vậy chỉ tạo thêm chướng ngại, chi bằng đi làm việc gì đó với tâm vị tha rồi ngay đó mà chánh niệm tỉnh giác thì tốt hơn nhiều.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy!
Nghe theo lời Thầy dạy: Khi ngồi Thiền nên buông ra, không cần lập trình thời gian ngồi, tùy duyên thuận pháp. Hiện nay con hành thiền thường xuyên vào buổi sáng trước khi đi làm: khi thì lúc 5 giờ, khi thì 5:30 hay 6 giờ... Còn buổi tối thì không cố định, lúc có lúc không, có lúc 6 giờ, có lúc 10 giờ, có khi ngủ một giấc rồi dậy ngồi thiền lúc 1, 2 giờ khuya. Khi ngổi thì có lúc buông ra, thả lỏng, có lúc niệm hơi thở, có lúc tâm biết sự xúc chạm, cảm thọ trong thân, có lúc thấy mình đang ngồi, hay nghe âm thanh, có lúc cảm thấy dễ chịu vì biết tâm đang định và an lạc, có lúc phóng tâm một hồi sau mới biết. Việc thay đổi đối tượng này tự động xảy ra, con không cố ý, cứ để tâm buông xả và tự động thay đổi đối tượng. Có lúc tâm xao động con cũng biết và để nó tự động một lúc thì hết. Có bữa tự nhiên con thích niệm hơi thở, con cứ làm thế một hồi lâu đến khi tự động nó thấy không thích nữa thì con buông ra. Thời gian ngồi con cũng không quan tâm, khi thì 45 phút, 1 tiếng hay có bữa đến 1 tiếng rưỡi. Hiện nay con cũng đang tập chánh niệm cái "tâm thấy". Khi thấy và nhìn sự vật chung quanh con tập chánh niệm sự thấy và nhìn này. Nói chung, con cảm thấy việc tu tập theo hướng như Thầy dạy là thận trọng chú tâm quan sát khi hành động hàng ngày và khi ngồi Thiền thì buông ra, tùy duyên, không gò ép tâm, không cố gắng tâm phải thế này thế kia thì con thấy việc Tu và Thiền rất dễ dàng, dễ chịu. Trong công việc và cuộc sống con cũng đang áp dụng theo như vậy: cứ để pháp vận hành, không lo lắng thái quá. Có lẽ tu hành theo cách này hợp với căn cơ trình độ của con. Còn việc tiến bộ đến đâu, nhanh hay chậm là việc của Pháp.
Con kính trình Thầy và xin Thầy chỉ dạy. Nam mô Bổn Sư Thích ca Mâu ni Phật
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cứ hành tự nhiên như vậy là tốt. Chủ yếu là thấy pháp đúng với bản chất tự nhiên của nó chứ không phải là làm theo ý đồ muốn trở thành, muốn đạt được của bản ngã. Trong thiền tùy duyên thuận pháp, đối tượng không quan trọng mà thái độ thấy biết mới là chủ yếu. Khi thái độ thấy biết rỗng lặng trong sáng - không bị cái ta ảo tưởng xen vào, thì mọi đối tượng được trả về thực tánh nên gọi là thấy thực tánh. Đừng cố gắng đạt được hay duy trì trạng thái nào mà quan trọng là thái độ buông mọi ý đồ lăng xăng của bản ngã để cho tâm trở về với tự tánh sáng suốt, định tĩnh, trong lành của nó, để nó tự soi chiếu một cách vô tâm, vô ngã. Nên để đối tượng tự đến tự đi hơn là chọn lựa đối tượng nhất định. Giống như người canh gác chỉ lo phát hiện đối tượng chứ không đặc biệt canh giữ một đối tượng nào, trừ phi đối tượng ấy buộc anh ta phải theo dõi. Thiền không tính bằng thời gian bao lâu, mà tính bằng từng phút giây trọn vẹn với hiện tại. Và cũng không ràng buộc vào thế ngồi mà là sáng suốt, định tĩnh, trong lành trong mọi tư thế ở mọi lúc mọi nơi.
Câu hỏi:
Kính thưa Sư, con là một Phật tử. Con thường xuyên đi chùa, học hỏi với quý thầy. Con cũng có ngồi thiền nhưng sao niệm vẫn khởi lung tung, nhiều khi con nói chuyện một mình trong đầu, con mất ngủ. Con kính xin sư bày cho con cách để trị bệnh tán loạn đó. Điều này có thường xảy ra cho chúng sanh không và con đã làm gì kiếp trước để bị như vậy? Con kính tri ân Sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có thể là do con cố gắng ổn định tâm quá nên tâm bị ức chế và nó tìm cách thoát khỏi sự khống chế của con bằng con đường phóng tâm trạo cử. Việc này đưa đến căng thẳng, bất an và sinh ra hôn trầm hoặc mất ngủ. Biểu hiện không tốt đó đang báo cho con biết là đã niệm sai, không nên tiếp tục như vậy nữa. Hãy thư giãn buông xả cho thân tâm nghĩ ngơi thoải mái. Hãy làm việc tự nhiên và biết mình đang làm việc là đủ rồi. Niệm có mục đích đưa tâm chạy rong về lại với tình trạng hiện tại. Khi làm việc gì hay đang trong tình trạng nào con chỉ cần để tâm vào công việc hay tình trạnh đó là tâm con đã chánh niệm rồi đâu cần niệm gì nữa cho căng thẳng thêm? Đừng mong muốn đạt được điều gì đó để rồi tự làm khổ thân tâm. Hãy luôn trân trọng thân tâm và ý thức chính mình trong từng giây phút, vì đó là sự sống vốn đầy đủ mọi sự thật rồi.
Câu hỏi:
Bạch thầy, xin thầy giới thiệu vài trường phái thiền hiện nay mà thầy tâm đắc nhất để chúng con có thể nương theo tham cứu học hỏi. Xin thầy hoan hỷ chia sẻ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Câu hỏi của con vô tình làm khó thầy rồi đó, bởi vì thầy không tâm đắc một phái thiền nào cả! Đã là một trường phái với một phương pháp nhất định là đã bị rơi vào cuc bộ rồi. Thiền là trực nhận thực tại đang biến hóa vô cùng nên không thể rập khuôn theo một mẫu mực nào để thấy được. Thực tánh pháp phải được trực nhận với tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng và tự nhiên, không qua bất cứ hệ quy chiếu nào, nhưng các trường phái thiền đều có hệ quy chiếu riêng để đo lường pháp thì không bao giờ thấy thực tánh pháp được. Thiền không phải là rèn luyện để thấy mà buông mọi ý đồ ra mới thấy. Thiền không có đạt được điều gì vì không có tham ưu, không nương tựa, không bám víu điều gì ở đời. Cái mà thiền đạt được chính là không cần đạt được gì cả. Hãy tham cứu thực tại ngay nơi thân tâm con, ở đó có đủ tất cả, đừng tìm cầu bên ngoài, đừng trông cậy vào trường phái thiền nào cả.
Câu hỏi:
Dạ thưa thầy! Lúc trước con có ngồi thiền, nhưng bây giờ thì con không ngồi được vì không có thời gian. Nhưng khi con làm bất cứ một việc gì thì con lại chú tâm, quan sát. Vậy nó có ảnh hưởng đến trình độ thiền của con không nếu con chỉ thận trọng, chú tâm, quan sát trong khi làm và không ngồi thiền thường xuyên? Con kính thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Ngồi thiền thì phải có điều kiện thời gian nơi chốn và không ai ngồi suốt đời được, trong khi suốt ngày nếu con thường tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác hay thận trọng, chú tâm, quan sát trong mọi hoạt động của thân thọ tâm pháp thì con thể hiện giới định tuệ trọn vẹn và tối đa cho việc tu tập mà lại còn làm tròn trách nhiệm bổn phận của con đối với bản thân, gia đình, xã hội... Như vậy con có thể thực hiện được đức vô ngã vị tha, được có dịp thấy rõ mình và cuộc sống. Thiền là minh mà minh chính là thấy rõ bản chất sự thật. Chẳng lẽ sự thật chỉ có trong thế ngồi thôi sao? Đừng nhầm lẫn thiền để thấy sự thật và phá trừ bản ngã với ngồi để tìm sở đắc làm giàu cho bản ngã.