Kết quả Tìm Kiếm: Có 1097 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'nguyên lý tu tập'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 01-03-2011
Câu hỏi:
Xin thầy cho biết cách hành thiền sao cho có hiệu quả nhất? Cách ngồi, cách điều phục tâm để tâm định được sâu và thế nào là ngồi đúng cách và không đúng cách?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cứ ngồi tự nhiên thoải mái, đừng quá gò ép thân trong một tư thế nhất định nào. Đừng cố gắng điều phục tâm, đừng bắt tâm phải định. Nếu biết buông cái ta lăng xăng tạo tác, nỗ lực muốn trở thành, muốn bỏ trạng thái này lấy trạng thái kia, trong ý đồ tham sân mê muội thì tâm sẽ tự định một cách dễ dàng. Chính ý chí của cái ta muốn đạt được trạng thái định lý tưởng đã làm cho cái tâm bất an mê muội. Giống như nước, cứ để yên nó đó đừng động đậy gì cả thì nó sẽ tự không chao động. Tại sao con muốn cái tâm định sâu mà lại cứ bắt nó phải như thế này thế kia theo ý mình? Có phải như vậy là định hay đang khuấy động nó lên?
Muốn định sâu hãy bắt đầu thận trọng chú tâm quan sát mọi việc hàng ngày một cách bình thường tự nhiên, chẳng bao lâu con thấy tâm con trầm tĩnh hơn trong mọi sự, rồi bỗng một hôm con thấy mọi xáo trộn bên ngoài không làm ảnh hưởng tới con nữa, đó là con đã định rất sâu, sâu hơn rất xa so với tứ thiền bát định mà ngoại đạo cố gắng luyện tập để đạt thành.
Ngày gửi: 01-03-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy, mấy ngày nay con được đọc các câu trả lời của thầy về vấn đề hôn nhân. Con thấy chung quanh con không có ai hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi mà sao ai hầu như cũng có khuynh hướng chọn lựa con đường đó. Con thường nói với con của con nên xuất gia hơn là lập gia đình nhưng cô bé vẫn muốn lập gia đình và sanh con. Con rất sợ cho cháu bị khổ và nếu sanh con tật nguyền lại càng khổ nữa. Con nghĩ như vậy có đúng không thưa Thầy? Con xin cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Với con thì đúng vì con đã thực sự thấy đó là khổ. Nhưng với con của con thì sai, vì cháu chưa thấy ra khổ nên cháu cần phải trải nghiệm để thấy ra sự thật đó. Khi cháu chưa thấy như con thì việc chọn lựa đời sống gia đình là tốt, vì qua đó không những cháu học ra chân lý về sự khổ mà còn vô tình rèn luyện được nhiều phẩm tính khác như nhẫn nại, thương yêu, chia sẻ, cảm thông v.v... để loại dần sự trói buộc của cái ta ích kỷ, si mê và lầm lạc. Ái dục chỉ được loại trừ khi thấy ra sự khổ, vì vậy khổ là một sự thật rất mầu nhiệm có khả năng đánh thức cơn mê của cái ta ảo tưởng. Hãy để cháu tự do lựa chọn, chỉ nên giúp cháu can đảm, bình tĩnh và sáng suốt để học ra bài học của mình. Một người xuất gia nếu chưa thực sự thấy ra chân lý về sự khổ, thì còn tệ hại hơn là sống trải nghiệm sự đời để thấy ra chân lý ấy.
Ngày gửi: 22-02-2011
Câu hỏi:
Kính bạch thầy, ngày xưa, nhiều vị Cao Tăng Thiền Đức khuyên nên thiền tịnh song tu, vậy Phật tử ngày nay có nên y theo lời khuyên đó mà tu hay tông phái nào tu theo tông phái đó? Kính xin thầy từ bi chỉ dẫn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Phật Giáo Phát Triển chia ra Thiền Tông và Tịnh Độ Tông riêng nên mới có tình trạng đã theo tông phái nào thì phải tuân thủ theo yếu chỉ của tông phái đó. Thực ra trong Phật Giáo Nguyên Thủy, hành thiền hay niệm Phật đều là những pháp thể hiện Giới Định Tuệ, Bát Chánh Đạo v.v... nên Phật tử có quyền chọn lựa pháp nào thích hợp với căn cơ trình độ của mình, cũng có thể kết hợp nhiều pháp vào việc tu hành. Ví dụ, người hành thiền tuệ có thể bổ sung thêm niệm Phật, niệm tâm từ, niệm bất tịnh, niệm sự chết v.v...
Tinh chuyên một tông môn cũng tốt nhưng cũng dễ bị dính mắc vào một phương tiện, nên đôi khi còn đả phá phương tiện khác, sinh ra tình trạng chia rẻ tông môn hệ phái. Ngày nay nếu Phật tử thấy thích hợp với pháp môn phương tiện nào thì cứ hành theo, sau đó nếu thấy không khai mở được gì mà còn bị trói buộc thêm thì thay đổi pháp môn phương tiện khác. Nếu thấy 2 pháp môn đều hay thì cứ hành cả hai.
Tốt hơn hết là nên học hỏi để nắm vững cốt lõi của Giáo Pháp trước rồi mới thực hành thì mới khám phá được chân lý một cách toàn diện, nếu không chỉ như người mù rờ voi, dù có rờ được gì bằng cả hai tay thì cũng chỉ là kinh nghiệm cục bộ. Cũng vậy, nếu không thấy được cốt lõi của Phật Pháp thì dù có thiền tịnh song tu cũng chỉ bắt cá hai tay mà thôi.
Ngày gửi: 21-02-2011
Câu hỏi:
Thưa thầy! Khi thực hành rồi nghe đi nghe lại thầy giảng trong khoá thiền lần thứ 4 và 5 tại website này, con vẫn thấy có những lớp nghĩa mới cần tham cứu. Con hàng ngày đều theo dõi website này để học hỏi từ thầy và bạn đạo. Con chúc thầy sức khoẻ ạ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đúng vậy, thực hành không phải là cứ áp dụng một công thức rồi lặp đi lặp lại mãi mà là luôn luôn khám phá, phát hiện những điều mới mẻ với một tâm thái tự do sáng tạo. Thực hành được đức Phật gọi là tu học (sikkhati). Học để điều chỉnh nhận thức cho đúng, tu là để điều chỉnh hành vi cho đúng, hai điều này có quan hệ mật thiết với nhau. Học từ Giáo Pháp gọi là pháp học, học từ thực tại gọi là pháp hành. Không y cứ trên thực tại để thể nghiệm thì thực hành chỉ là rập khuôn theo tư tưởng của người khác. Con đã đi rất đúng.
Ngày gửi: 19-01-2011
Câu hỏi:
Thưa thầy, con đọc Kinh, nghiên cứu Phật Pháp, muốn thực hành để chứng nghiệm ý Kinh, nhưng trong quá trình thực hiện cũng không phải dễ dàng. Thưa thầy, khi sự lo âu sợ hãi diễn ra, mình phải làm thế nào? Xin thầy cho con biết quá trình tu tập các sư có gặp như vậy không? Con xin cảm ơn
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Thực hành để chứng nghiệm ý Kinh là cả một vấn đề. Nếu con đọc Kinh sách, nghiên cứu Phật Pháp nhưng hiểu sai thì lấy cái sai mà hành làm sao chứng nghiệm được ý Kinh? Nếu con hiểu đúng thì sẽ hành đúng, và lúc đó hiểu, hành và chứng nghiệm hầu như là một, sao lại không dễ dàng? Hễ thấy khó thì coi chừng con hiểu còn sai đó. Vậy đừng vội hành khi chưa thật sự hiểu.
2) Ngừa bệnh hơn chữa bệnh. Cũng vậy đừng để lo âu sợ hãi diễn ra rồi mới lính quýnh không biết "phải làm thế nào". Khi con nói "phải làm thế nào" không phải cũng là lo âu sợ hãi đó sao? Người xưa nói: "Đừng để mất bò mới lo làm chuồng". Nếu hàng ngày con thường biết mình (chánh niệm tỉnh giác) khi hành động, nói năng, suy nghĩ thì lo âu sợ hãi sẽ khó mà phát sinh. Cho dù có thì con cũng sẽ biết lắng nghe nó một cách khách quan, trọn vẹn và thấy rằng nó là pháp duyên khởi, có sinh có diệt, chỉ cần không mê muội với nó là được, có gì phải lo ngại?
3) Mỗi người tu có mỗi tình huống khác nhau nhưng bản chất của pháp thì giống nhau. Con cứ ngay nơi tình huống của mình mà thấy để tự điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng bản chất thật của pháp, chứ không cần bắt chước hay so sánh với ai để sinh ra phân tâm và ngã mạn.
Ngày gửi: 25-12-2010
Câu hỏi:
Thưa thầy! Vậy có thể nào, một người không cần trải nghiệm thực tế nơi chính mình mà vẫn học được bài học pháp qua kiến thức, qua quan sát những trường hợp xảy ra trong cuộc sống xung quanh, để thấy được nhân quả, sinh diệt, vị ngọt và sự nguy hại của pháp không ạ? Con cảm ơn thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có thể "qua kiến thức, qua quan sát những trường hợp xảy ra trong cuộc sống xung quanh, để thấy được nhân quả sinh điệt, vị ngọt và sự nguy hại của pháp" nhưng với điều kiện trong những kiếp trước đã từng trải nghiệm và học ra bài học đó rồi. Do đó trong kiếp này, dù chỉ nghe thấy bên ngoài cũng có thể xuất ly. Nhưng nếu bây giờ vẫn không xuất ly được chứng tỏ là bài học đó chưa học được một cách hoàn toàn.
Ngày gửi: 21-12-2010
Câu hỏi:
Thưa thầy cho con hỏi.
1. Thực tánh pháp là cái có sẵn, quay lại nhìn là thấy. Vậy sao chúng sanh phải huân tu 10 ba-la-mật trong nhiều đại kiếp mới có thể giải thoát?
2. Bố thí cúng dường nhiều có gây trở ngại cho việc tu tập đời sau không, vì con nghĩ phước nhiều sẽ sanh trong gia đình giàu sang sung sướng, không thấy sự khổ nên khó giác ngộ chân lý?
Con cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Thực tánh pháp luôn có sẵn nơi mỗi người, nơi vạn vật, chúng sanh... nhưng bị che lấp bởi hoạt động của cái ta ảo tưởng quá lâu đời nên người mê không thấy được. Tu ba-la-mật chính là để loại bỏ cái ta ảo tưởng ấy đi thì thực tánh pháp liền hiển lộ. Nhưng vì tập khí của bản ngã quá sâu dày, nên dù quay lại là thấy vẫn phải mất thời gian rất lâu mới phá trừ được hết tập khí sinh tử ấy. Cho nên mới nói "Lý đốn ngộ, sự tiệm tu" là vậy. Tuy nhiên, người "ít bụi trong mắt", nghĩa là tập khí sinh tử đã cạn, chỉ nghe một câu kệ có thể ngay lập tức loại hết bản ngã, thấy rõ chân đế Niết-bàn, hoàn toàn giác ngộ giải thoát. Lưu ý: Ba-la-mật là xả ly chứ không phải huân tu theo nghĩa tích lũy. Xem Chương 9: Buông xuống là bờ (Sống Trong Thực Tại, mục Thư Viện).
2) Bố thí cúng dường là ba-la-mật thứ nhất trong Thập Độ. Mục đích của pháp này là thí xả (càga) để loài trừ ngã và ngã sở nên dù có phước sinh ra giàu có thì tâm vẫn xả ly, không ích kỷ, nên không bị dính mắc trói buộc. Ngược lại, trong điều kiện đó càng dễ thực hiện đời sống vô ngã vị tha, như ông Cấp Cô Độc, bà Visakhà v.v... Tất nhiên nếu bố thí để tích lũy phước đức thì chỉ làm giàu cho bản ngã làm sao giải thoát được! Còn nói về giác ngộ khổ thì giàu sang sung sướng không phải là khổ sao?
Ngày gửi: 15-12-2010
Câu hỏi:
Thưa thầy! Con đã trải qua tuổi trẻ vất vả, cơ cực vì hoàn cảnh gia đình bao nỗi éo le. Con cũng chứng kiến những vất vả cuộc sống của bao gia đình khác. Có những khi, trong nước mắt con đã thề với cuộc đời này rằng, con đã thấm thía nỗi khổ của cuộc đời, của gia đinh - nơi mà người ta vẫn cho là tổ ấm hạnh phúc nhất. Đó là bài học đắt giá mà tuổi thơ con, tuổi trẻ của con được trải nghiệm. Nhưng thưa thầy, vậy tại sao khi con đã học được như vậy, mà Pháp dường như vẫn muốn con lấy vợ để học tiếp về cuộc sống gia đình ạ? Con cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Một bài học pháp được gọi là đã học xong khi thấy rõ nguyên nhân sinh, nguyên nhân diệt, thấy rõ vị ngọt, sự nguy hại của pháp đó mới có thể xuất ly. Nhưng hãy nhớ rằng xuất ly là không có vấn đề gì với pháp đó nữa chứ không phải là xa lìa pháp đó. Con chưa xuất ly được pháp nào đó, đơn giản chỉ vì tự thân chưa thực sự thấy hết gốc rễ ngọn ngành của nhân quả, duyên báo, chưa thấy hết vị chua cay mặn ngọt, chưa thật sự nhàm chán thì làm sao mà xuất ly được? Trải nghiệm là một việc mà học ra được bài học giác ngộ là một việc khác. Nếu con đã học ra được bài học giác ngộ trong việc lấy vợ thì dù lấy vợ hay không chẳng có vấn đề gì với con cả. Có những vị Thánh Tu-đà-hoàn vẫn có chồng có vợ, có con cháu đầy đàn mà có ai than thở gì đâu. Hãy xem lại có phải pháp muốn con lấy vợ hay tiềm ẩn trong vô thức con vẫn còn vương vấn gì đây?
Ngày gửi: 13-12-2010
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. 1) Ngày đầu nghe Thầy mở khóa giảng thiền, lòng con hớn hở tham dự với ước vọng kỳ nầy sẽ được ngồi thiền, nhập định rồi tương lai sẽ về cõi tốt đẹp, nhưng ngày đầu con đã hụt hẫng, tại sao mình muốn ngồi thiền mà Thầy lại giảng bài? Rồi 1 bài, 2 bài... đến nay đã 4 bài rồi. Nay con mới ngộ ra rằng Thầy đang chỉ đường cho chúng con bằng cách nhìn lại mình xem đã sáng suốt, định tĩnh, trong lành hay chưa? Đã tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác chưa? Có từ bi hỷ xả cứu giúp mọi người chưa? Khi làm được những điều như thế rồi, thân tâm an lạc lúc đó hãy đi tiếp. Con có tải về bài giảng của Thầy, đó là những bài rất quý giá theo ý con, nghe tới nghe lui để tìm cho mình một sự an lạc trong thấy biết đúng. Hành theo đúng lời Thầy dạy thì lúc đó sẽ không bị ngơ ngơ phải không Thầy. 2) Con từ đạo Cao Đài chuyển qua Tịnh Độ tông, ăn chay trường niệm PHẬT cầu vãng sanh, vài ngày đi chùa tụng kinh, bố thí (ít thôi), kinh sách nào cũng mua về tụng nhưng sau nầy con mới biết rằng tất cả cũng do người đời viết ra mà thôi. Đúng có, sai có. Vỡ mộng, vì sao? Vì khi buông ra con vẫn bị cái tham sân si đeo đuổi, cái bản ngã vẫn còn. Nay con có nhân duyên gặp Thầy, con chỉ niệm PHẬT và sám hối mà thôi, không cầu gì cả, đồng thời tích cực làm lành, cúng dường bố thí thật nhiều hơn nữa. Những lời con nói như trên không biết đúng hay sai kính xin Thầy chỉ dạy thêm. Chúc Thầy nhiều sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chỉ mới qua bốn buổi giảng mà anh đã khai mở như vậy thì thầy rất hoan hỷ. Nếu nhiều người được như vậy thì đó là phần thưởng quý giá nhất cho thầy. Anh đã tiếp thu rất chính xác. Và việc đầu tiên anh làm được là biết trở về nhìn lại chính mình (Ehipassiko), thay vì ước mong hành thiền để đạt được một cảnh giới tốt lành ở tương lai (Hướng ngoại cầu huyền). Đó là một bước đầu rất vững vàng chính xác.
Tuy nhiên, khi trở về với chính mình anh cần lưu ý mấy điểm sau đây thì mới thật là đúng: 1) Khám phá để thấy rõ thực tại thân tâm quan trọng hơn là để được an lạc. 2) Thấy thực tại thân tâm (thân, thọ, tâm, pháp) một cách sáng suốt, định tĩnh, trong lành, và khi động dụng làm việc gì thì thận trọng, chú tâm, quan sát, thì đó chính là đang tinh tấn chánh niệm tỉnh giác trong thiền tuệ Vipassanà, hay liễu liễu thường tri trong thiền Kiến Tánh. Nếu anh làm được như vậy thì đó chính là thiền, chứ không phải chỉ là chuẩn bị cho thiền ở tương lai. Niệm Phật, sám hối, bố thí, nhẫn nhục, phục vụ tha nhân... là những pháp hỗ trợ cho pháp thiền tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha mà thầy đang hướng dẫn. Vì pháp thiền này lấy chính mình làm chỗ tu tập nên không cần lệ thuộc vào một phương pháp có điều kiện nào cả, nên những người quen thực hành thiền có phương pháp lại tưởng đó chỉ là lý thuyết chứ không phải thiền!
Ngày gửi: 12-12-2010
Câu hỏi:
Kính thưa sư, trong thời gian con hành pháp buông xả con hiểu Tập đế là bị bản ngã thao túng, Đạo đế là pháp hành xả bản ngã, Diệt đế là thấy các pháp như nó đang là. Con xin sư chỉ dạy thêm cho con. Con xin cám ơn sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đúng vậy, khởi đầu như thế là rất tốt, nhưng về sự thì tốt nhất đừng gọi pháp là gì cả, chỉ rỗng lặng trong sáng mà thấy biết pháp, không xen vào ý niệm nào thì mới thấy thực tại như nó đang là. Khi xen ý niệm, dù là ý niệm Tập đế, Đạo đế hoặc Diệt đế, vào thì đã bị tưởng che lấp rồi. Về lý, con nói về Tập đế và Đạo đế thì đúng, nhưng về Diệt đế thì có hai cấp độ thấy pháp như nó đang là: Khi pháp đang là là tham. sân, si... thì thực tánh của pháp đang là đó được gọi là thực tánh pháp (sabhàva dhamma), thực tánh pháp này chưa gọi là Niết-bàn. Khi pháp đang là là tịch tịnh trong sáng, không có tham sân si được gọi là chân nghĩa pháp (paramattha dhamma), pháp chân đế này mới gọi là Niết-bàn. Bản ngã cũng có hai mức độ: Khi nói buông bản ngã là nói bản ngã bị loại ra khỏi khu vực ý thức bởi chánh niệm tỉnh giác, nhưng bản ngã ngủ ngầm trong vô thức thì vẫn còn. Vì vậy khi đó nếu là Diệt đế hay Niết-bàn thì gọi là thời Niêt-bàn (Tadanga Nibbàna). Khi cả trong ý thức lẫn vô thức đều không còn bản ngã thì mới là Niêt-bàn trọn vẹn (Parinibbàna).