Hỏi Đáp Phật Pháp
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 08-06-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, <p>
Đầu tiên con kính đảnh lễ Thầy. Thầy tuy xa tít nửa vòng trái đất nhưng vẫn thật gần gũi với chúng con trên trang web này.<p>
Hôm nay nhân tiện có đạo hữu trình với Thầy về Chánh niệm tỉnh giác. Con kính xin Thầy hoan hỷ giảng giải giùm con có phải Chánh niệm tỉnh giác là hai trạng thái nên luôn đi kề với nhau thì tốt hơn khi tách rời nhau? Có người có chánh niệm nhưng không có tỉnh giác hoặc có tỉnh giác nhưng lại không có chánh niệm không thưa Thầy? Tại sao có những người đang lái xe, biết mình đang lái xe nên vẫn lái xe an toàn nhưng lại đi lạc đường hoặc có khí có người vừa chạy xe vừa rơi vào trạng thái "định" đến khi "lọt đất" vì chiếc xe va vào ổ gà làm té nhưng vẫn không thấy đau dù bị thương?
Kính mong Thầy khi thuận tiện cho con lời chỉ dạy. <p>
Con kính tri ân Thầy.
Kính chúc Thầy luôn khỏe và an vui.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chánh niệm và tỉnh giác là hai yếu tố khác nhau về tính chất và tác dụng nhưng lại bổ túc cho nhau và hầu như luôn đi đôi với nhau như hai mặt của bàn tay. Chánh niệm thuộc về định, tỉnh giác thuộc về tuệ. Chánh niệm giữ tâm trọn vẹn trên đối tượng, tỉnh giác soi sáng đối tượng. Có thể 2 yếu tố không cân bằng khi niệm hoặc tuệ yếu hay mạnh hơn. Ví như cây đèn pin, giữ yên hướng chiếu đúng trên đối tượng là chánh niệm, chiếu sáng để soi thấy đối tượng là tỉnh giác. Nếu không giữ đủ vững cũng không thấy, nếu đèn không đủ sáng cũng không thấy. Giữ không yên thì tâm chưa đủ định nhưng giữ quá yên không di động được tức định quá sâu thì bỏ mất đối tượng chuyển động, như vậy là chánh niệm không đúng mức. Chiếu không đủ sáng hoặc quá sáng thì không thấy được đối tượng, như vậy là tỉnh giác chưa đúng mức. Hai yếu tố này phải cân bằng và đúng mức thì tuệ giác thấy thực tánh pháp mới phát huy được. Trong những tình huống con trình bày thì đó chính là một trong hai yếu tố mạnh quá hoặc chưa đủ nên thiếu cân bằng mà sinh ra sự cố.
Ngày gửi: 07-06-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con thì chỉ biết về Phật pháp một thời gian khoảng vài tháng nay thôi, nhưng con thấy đi trên con đường chánh pháp thật là tốt vì có mấy tháng mà con đã thay đổi nhiều, nhưng sao tâm con chưa kiên định được. Xin thầy chỉ dạy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tại sao con lại muốn tâm phải kiên định? Kiên định ắt phải có một mục đích, mục đích đó là gì? Phải chăng đó cũng là ý đồ của bản ngã? Có mục đích để kiên định thì làm sao sống không nương tựa (anissito viharati), không chấp trước bất cứ điều gì ở đời (na kinci loke upadiyati) như Phật dạy? Hay "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" như kinh Kim Cang dạy? Chỉ thấy tâm thôi đừng bắt tâm phải kiên định, bắt tâm kiên định có khác nào bắt dòng nước ngừng trôi, như vậy làm sao thấy được vô thường, vô ngã? "Lặng nhìn không nói năng" mới thật là bản chất không lay động của tâm đó con. Tâm chỉ cần trọn vẹn trong sáng trong từng sát-na mong manh tại đây và bây giờ đó mới thật sự là tâm kiên định nhất. Nếu con muốn kéo dài tâm dù chỉ trong vài sát-na thôi thì muôn đời chỉ có trở thành chứ không thể nào kiên định được, con có biết không?
Ngày gửi: 07-06-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy: nghe thầy dạy con đã thực hành chánh niệm tỉnh giác trong mọi lúc có thể, thì có 2 lần con rơi vào trạng thái không cần cố gắng mà vẫn thấy rõ được mọi cử động và hơi thở ra vào, tâm thì thanh thản, hành động nhẹ nhàng chậm rãi mặc dù công việc cần khẩn trương, con mới hiểu câu Thầy nói thanh thản trong bận rộn, ung dung trong ràng buộc... Lần đầu kéo dài hơn 1 giờ, lần 2 hơn nửa giờ. Nay trình Thầy xin thỉnh ý chỉ dạy. Con xin đảnh lễ Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tốt lắm con. Khi đó thực tánh pháp tự xuất hiện chứ không cần tìm kiếm, không cần dụng tâm muốn biết hay muốn được (sở tri, sở đắc). Chính lúc đó mới thật sự chánh niệm một cách vô vi vô ngã. Con nhớ là đừng bao giờ muốn lặp lại trạng thái đó. Đơn giản là vì nó luôn ở đó, chỉ tại cái Ta khởi niệm muốn tìm cầu nó nên không thấy nó mà thôi. Đó là lý do vì sao thầy nói: Thiền là tự nhiên, vô tâm và giản dị. Tự nhiên nên nó như nó là, vô tâm nên không khởi niệm tìm cầu, giản dị nên không cần thêm bớt. Đó là nguyên lý của thiền. Chúc mừng con!
Ngày gửi: 07-06-2013
Câu hỏi:
Thưa Thầy, Thiền Tông có nói kiến tánh thành Phật, nếu không thấy tánh mà tu hành thì cũng như lấy sỏi đá mà nấu thành cơm là không thể được. Vậy làm như thế nào để thấy tánh mà tu hành, làm các việc trong đời thường mà không rời tánh? Xin Thầy chỉ dạy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tâm và pháp đều đang ở trong tự tánh chân thực của nó. Chưa bao giờ có một pháp rời khỏi thực tánh của mình, chỉ có ảo tưởng mới vẽ ra ảo tướng mà thôi. Nhưng nếu thấy được ảo là ảo tức cũng thấy thực tánh của nó. Khi cái thấy không bị ảo tưởng che lấp thì ngay đó liền kiến tánh. Vậy có việc làm nào mà không thấy tánh được? Cứ ngay đó mà thấy. Thực thì thấy thực, vọng thì thấy vọng tức thấy tánh. Cho nên một vị thiền sư đã nói: "Vô minh thực tánh tức Phật tánh, huyễn hoá không thân tức Pháp thân" là vậy đó. Ví như người chiêm bao tưởng là thật tức mê, chiêm bao mà biết là chiêm bao tức là tỉnh, đúng không? Vậy ngay đó mà mê hay ngộ là tuỳ con.
Ngày gửi: 07-06-2013
Câu hỏi:
Thưa thầy để đi trọn vẹn, rốt ráo trên đường tu thì phải đoạn tận với sắc dục?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đoạn tận sắc dục bằng giới định tuệ chứ không bằng sự hủy diệt. Giới là điều học để thấy ra điều đó nên làm hay không nên làm, định là tâm không ước mơ vọng tưởng về nó, tuệ là thấy rõ sự sinh, diệt, vị ngọt, sự nguy hại của nó mà không bị nó trói buộc sai sử nữa. Nếu con hiểu từ đoạn diệt đúng thì được, còn nếu hiểu sai thì càng muốn diệt nó càng bị nó trói buộc thêm.
Ngày gửi: 07-06-2013
Câu hỏi:
Thưa Thầy, con nhận thấy có những khi tâm con buồn muốn khóc, vậy thì mình cứ khóc, phải không Thầy? Nhưng con vẫn chưa biết cách quan sát tâm mình. Khi quan sát là mình tách mình ra với nỗi buồn, với sự khóc đó rồi nhìn vào nó phải không thầy? Nhưng nhìn vào nó như thế nào ạ?<p>
Rồi thế nào là chiêm nghiệm để học ra bài học của pháp? Có phải lúc đó mình phải tự hỏi mình tại sao mình buồn mình khổ,... Mà như vậy là rơi vào suy nghĩ rồi ạ, đôi lúc cứ nghĩ lung tung, con cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Con còn quá nhiều thắc mắc, xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con đừng lý luận, khi buồn thì biết đang buồn, khi khóc thì biết đang khóc là được rồi, chỉ biết thế thôi, đừng tách đừng nhập gì cả. Học là chấp nhận trải nghiệm, chiêm nghiệm để thấy ra sự thật, khi nào thấy thì thấy, chưa thấy thì tiếp tục nhìn. Chiêm là nhìn, là quan sát, nghiệm là trải nghiệm, tự thấy thân tâm khi đang trải nghiệm nó gọi là chiêm nghiệm thế thôi, chứ đâu cần suy nghĩ gì con.
Ngày gửi: 06-06-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, Con thấy trong chương trình của mùa an cư ở Bửu Long có những giờ dành riêng cho ngồi thiền và kinh hành (8h - 10h và 14h - 16h). Như con nghe thầy giảng thì mình không nhất thiết phải ngồi thiền hay kinh hành, mà chỉ cần tập làm trong chánh niệm, tỉnh giác là được. Có phải vậy không thưa Thầy? Con kính cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vì nhiều người lúc đầu vẫn có khuynh hướng thích ngồi thiền và đi kinh hành theo giờ giấc nhất định nên các chùa cũng tổ chức trong mùa An Cư như vậy, nhưng chủ yếu là thiền trong đời sống hàng ngày vẫn là tốt nhất. Ví như lúc tập lái xe thì phải lái những nơi quy định cho dễ nhưng khi đã biết lái thì phải lái trong mọi điều kiện giao thông mới giỏi được.
Ngày gửi: 06-06-2013
Câu hỏi:
Thưa thầy, thế nào gọi là làm phước? Làm phước và làm việc tốt có quan hệ như thế nào? Vì theo con nghĩ, làm việc tốt, chẳng hạn như giúp 1 ai đó, không nhất thiết họ có quan hệ gì với mình, là lẽ đương nhiên, mà cũng như tự nhiên vậy - Việc xảy ra như vậy, người nọ gặp hoạn nạn, cần sự giúp đỡ, mình giúp họ. Vậy lẽ đương nhiên này có liên quan đến việc làm phước như thầy nói không? <p>
Và người chết vì sao khi được mình hồi hướng phước thì họ hoan hỷ và thoát khỏi cõi Âm? Trong sự hồi hướng đó, điều gì xúc tác tới họ, để họ thoát ra, thưa thầy?<p>
Và nếu như mình không chỉ muốn hồi hướng tới người thân, mà những thần thức đang vướng ở đâu đó, vì lý do nào đó, họ còn đau khổ, thì sao hở thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Làm phước là làm điều thiện có lợi ích cho người hay chúng sinh khác. Khi làm với thiện tâm thì sinh ra năng lực của phước. Tâm lực và phước lực này có thể hỗ trợ cho người đang ở trong cõi Âm hoan hỷ và nhờ đó được thoát khỏi cảnh giới này. Trong phạm vi hỏi đáp thầy chỉ trả lời vắn tắt thôi, còn con muốn biết cách làm phước thế nào có thể giúp người Âm siêu thoát thì con phải tìm hiểu cụ thể hơn mới được.
Ngày gửi: 06-06-2013
Câu hỏi:
Thưa thầy, xin thầy cho con biết về nội dung khoá thiền thứ 13 vào ngày Chủ nhật, 28 tháng 7 năm 2013, con có cần đăng ký hay không? Nếu có thì hình thức đăng ký như thế nào? Thời gian sinh hoạt ra sao? Khóa thiền diễn ra trong bao lâu? và những điều cần tuân thủ khi tham gia.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vì khoá thiền diễn ra trong mùa An Cư nên mỗi ngày đều có hành thiền, riêng chiều chủ Nhật có giảng thiền từ 2h đến 4h. Chương trình hành thiền như sau:
4h - 5h lễ Bái Tam Bảo và ngồi thiền
5h - 6h trà đạo
8h - 10h ngồi thiền và kinh hành.
14h - 16h ngồi thiền và kinh hành
16h - tụng kinh, hồi hướng.
Nếu con có thời gian thì có thể đến hành thiền mỗi ngày trong 3 tháng An Cư của Chư Tăng, nếu không con đến ngày nào cũng được, riêng chiều chủ Nhật thì con nên đến nghe giảng thiền như đã nói trên. Không cần đăng ký gì cả.
Ngày gửi: 06-06-2013
Câu hỏi:
Bajch Thầy, con là TT trường Bach Việt đây, từ lâu con đã rất hạnh phúc với phước báu là kiếp này con gặp được chánh pháp, và nhất là học được giáo pháp từ Thầy. Con vẫn còn rất bận chưa thể trọn vẹn với việc tu học nhưng con luôn cố gắng ứng dụng tu trong lam việc để học ra các bài học từ sự phát triển của thân tâm mình, con mang ơn Thầy rất nhiều. Ngày Thầy đến Mỹ đúng là lúc con phải về lại VN, nên không có duyên lành đến đảnh lễ và nghe pháp dầu con đang ở rất gần Thầy. Sau nayF khi về VN con sẽ liên hệ để xin Thầy các bài pháp này. Con kính mong Thày luôn mạnh khỏe cho Phật tử chúng con được học tập từ Thầy. Con xin kính lễ Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu có thì giờ con nên nghe pháp thoại thầy đã giảng trong nhiều khoá, nó sẽ giúp con thấy rõ hơn những bài học trong đời sống hàng ngày. Thấy tức là hành, do đó con chỉ cần luôn biết mình trong mọi hoạt động thì con sẽ thấy ra bản chất của chính mình và đời sống. Chân lý không nằm ngoài cuộc sống, và nó luôn hiện hữu trong con, vì vậy thường trở về trọn vẹn trong sáng với thân tâm thì con sẽ thấy pháp. Chúc con luôn trong sáng để thấy ra chính mình.