Kết quả Tìm Kiếm: Có 391 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'bản ngã & đại ngã'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Thưa Thầy, gần đây tâm ganh tỵ của con càng ngày càng lớn, đặc biệt là trong học tập khi thấy bạn học giỏi hơn mình. Dù biết là nên vui với thành công của bạn mới đúng nhưng con không làm được. Xin thầy chỉ cho con cách vượt qua tính xấu này. Con đa tạ thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con thấy được tâm ganh tỵ của mình là tốt. Ganh tỵ đi kèm với tâm ngã mạn. Ngã mạn gồm có tự ti và tự tôn. Tất cả đều phát xuất từ ý muốn khẳng định cái tôi. Và khi con thấy tâm ganh tỵ là xấu, con muốn loại trừ nó đi để có một tâm rộng lượng hoan hỷ cho sự thành công của bạn bè cùng lớp. Liệu đó có phải là một cách khẳng định cái tôi ở một tầm vóc khác, cao cấp hơn? Không phải chỉ có ganh tỵ mà còn rất nhiều tánh xấu khác nữa, thay đổi được ganh tỵ thì sẽ có những tánh xấu khác xuất hiện. Nếu thế thì chỉ là thay đổi cách phản ứng của cái tôi, chứ không thay đổi tận gốc cái tôi ngã mạn, ganh tỵ...
Càng trọn vẹn với chính mình càng ít bị ảnh hưởng từ người khác, vì vậy, đơn giản là con chỉ nên chuyên chú vào việc học tập và thường sống biết lại chính mình hơn là so sánh mình với người khác. Nếu việc nhìn những người xung quanh để biết người biết mình thì tốt, vì đó là cách để phát hiện sai lầm và biết tự điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt, nhưng không nên so sánh để đưa đến mặc cảm tự ty, tự tôn và ganh tỵ. Không cần cố gắng loại bỏ tâm ganh tỵ, chỉ cần thấy nó để học ra bộ mặt thật của cái tôi ảo tưởng. Ảo tưởng cái tôi càng giảm thì những tánh xấu cũng sẽ giảm theo. Hãy thường biết mình thì mọi sự sẽ tự chuyển hóa.
Câu hỏi:
Kính bạch thầy, trong các bài giảng của thầy, thầy luôn nhắc tới cái ta ảo tưởng (bản ngã), nếu Phật tử chú ý thì sẽ mở được nút thắt, sẽ thấy được đạo ở ngay trong tâm mình. Con xin tri ân thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đúng vậy. Khi hoàn toàn giác ngộ đức Phật tuyên bố đã phát hiện được người thợ làm nhà (bản ngã) và đã phá hủy toàn bộ cấu trúc ngôi nhà mà bản ngã đã dựng lên (ngũ uẩn). Đó là mấu chốt của sự tu tập. Do không nhận ra điều này, nhiều người tu vẫn còn ảo tưởng cầu toàn cho bản ngã. Nhưng chính cái ta ảo tưởng không biết rằng pháp vốn đã hoàn toàn từ lúc bản ngã chưa sinh.
Câu hỏi:
Kính bạch thầy, trên con đường tu tập nếu mình còn thấy "ta làm cái này, ta làm cái kia, cái này thiện, cái này ác..." thì vẫn còn trong vô minh trói buộc. Nếu biết được đó là do pháp vận hành thì sẽ ra khỏi vô minh phiền não, phải vậy không? Kính mong thầy từ bi chỉ dẫn cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thấy "Ta làm cái này, ta làm cái kia, ta thiện, ta ác..." thì đúng là vẫn còn trong vô minh trói buộc, chủ yếu là vì trong đó còn có cái ta ảo tưởng. Nhưng thấy rõ ràng "cái này thiện, cái này bất thiện" trong tính chất của hành động, nói năng, suy nghĩ mà không cố chấp phân biệt thì đó là trí tuệ. Khi nào phân biệt thiện ác theo quan niệm hoặc tình cảm cá nhân v.v... rồi đánh giá, phê phán chủ quan mới là trói buộc của bản ngã vô minh ái dục. Cần thấy rõ giữa sự phân biệt thiện ác của cái ta lý trí, tình cảm với sự phân minh thiện ác của trí tuệ phát xuất từ tánh biết rỗng lặng trong sáng.
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy,
Con xin phép được hỏi Thầy, mong Thầy hoan hỉ chỉ dạy cho con ạ.
Thầy chỉ giúp con sự khác biệt giữa CHUYỂN HÓA HỮU NGÃ VÀ VÔ NGÃ.
Theo con hiểu khi vô ngã thì đâu có ai khởi tâm chuyển hóa và vô ngã thì thế nào cũng được, không chấp không trụ, tâm luôn bình thản, rỗng lặng, trong sáng thì chuyển hóa để làm gì. Còn khi hữu ngã thì chuyển hóa chỉ để trở thành bản ngã khác, vậy chuyển hóa cũng chỉ trong vòng luẩn quẩn mà thôi. Con mong Thầy chỉ dạy cho con thêm sáng tỏ.
Con kính chúc Thầy thân tâm an lạc.
Con xin cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có ba mức độ chuyển hóa:
- Khi chưa thấy vô ngã thì chuyền hóa có nghĩa là cố gắng tu luyện cho bản ngã tốt đẹp hơn và trong sạch hơn. Điều này cũng tốt trong vòng tục đế, để ổn định cuộc sống một cách tương đối.
- Khi bắt đầu thấy vô ngã thì chuyền hóa có nghĩa là chỉ cần lắng nghe quan sát pháp để học ra tính chuyển hóa tự nhiên trong vận hành của pháp hơn là can thiệp hay chuyển hóa theo ý mình. Như vậy, ở giai đoạn này, chuyển hóa là thấy pháp và sống tùy thuận pháp.
- Khi đã hoàn toàn vô ngã thì cố ý chuyển hóa hay chuyển hóa tự nhiên đều tùy duyên thuận pháp, không còn chỗ nương tựa chấp trước, đó là bậc đã giác ngộ giải thoát, thong dong vô ngại.
Vậy tùy theo mức độ, tùy theo tình huống mà ứng xử. Chuyển hóa thì tùy duyên, quan trọng là thấy ra đâu là ngã đâu là pháp để không còn chấp ngã chấp pháp thì mới thong dong tự tại.
Câu hỏi:
Kính bạch thầy, con đã từng bị điện giật cách đây nhiều năm, từ đó, não bộ của con thường bị căng thẳng và đôi khi không có khả năng tập trung cao. Những lúc như thế, con chỉ biết "đầu hàng" vô điều kiện, buông xuôi hoàn toàn. Khi tu tập pháp của Thầy, con chỉ thả lỏng để lục căn tiếp xúc với lục trần tự nhiên như nó là, từ đó con phát hiện ra lúc nào mình đang sáng suốt định tĩnh trong lành, lúc nào có bản ngã xen vào. Nhưng những lúc não bị căng thẳng do bệnh, con không thể thấy được, không thể quan sát được điều gì. Xin Thầy cho con được hỏi, vấn đề bệnh lý khiến não bộ mất sự minh mẫn có thể được xem là một pháp bình đẳng như các pháp và ta hoàn toàn có thể giác ngộ trên chính pháp đó hay không, hay nó là một trở ngại cho sự quan sát học hỏi các pháp thưa Thầy? Con thành kính tri ân Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con đã làm rất tốt khi con biết "thả lỏng để lục căn tiếp xúc với lục trần tự nhiên như nó là, từ đó con phát hiện ra lúc nào mình đang sáng suốt định tĩnh trong lành, lúc nào có bản ngã xen vào". Tuy nhiên vẫn còn có chỗ nhầm lẫn nhỏ. Bây giờ con hãy quan sát điều này: khi con buông mọi ý đồ xuống thì tánh biết sáng suốt định tĩnh trong lành tự thấy lục căn tiếp xúc với lục trần một cách tự nhiên và nếu lúc đó bản ngã hay ảo tưởng nào khởi lên con đều biết rõ thì mới đúng. Nghĩa là khi không bị cái ta ảo tưởng với những ý đồ của nó che lập thì tánh biết sẽ thấy tất cả một cách vô ngại. Con nhớ là tánh biết thấy chứ không ai thấy cả. Khi con nói: "Nhưng những lúc não bị căng thẳng do bệnh, con không thể thấy được, không thể quan sát được điều gì" Và con nghĩ rằng đó là do "vấn đề bệnh lý khiến não bộ mất sự minh mẫn". Như vậy là con cho rằng con thấy hay bộ não thấy sao? Hãy chiêm nghiệm lại xem. Khi tình trạng bệnh lý đến, con cứ buông xả tự nhiên. Buông là buông thái độ tâm, đừng cố biết hay cố quan sát gì cả mà hãy để cho tánh biết tự soi chiếu thì tất cả pháp dù ở trạng huống nào vẫn bình đẳng như nhau, không trở ngại tánh biết gì cả. Trở ngại chính là thái độ "ta thấy, ta quan sát, ta muốn biết" chứ không phải là đối tượng của thấy biết. Nhớ là bệnh trạng không làm trở ngại tánh biết đâu con.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con có vài thắc mắc, xin thầy vui lòng giải đáp cho con:
1. Con người lúc còn vô minh thì có bản ngã. Khi mạng chung, mất thân người, bản ngã vẫn còn hay không?
2. Các loại thực vật vẫn có cái biết theo bản năng mà không có tham sân si, vậy có phải cây cỏ luôn sống trong Niết-bàn không?
3. Những loài vật thông minh vẫn có tánh biết, vậy có thể nói loài vật cũng có Phật tánh hay không?
4. Con người theo lục đạo luân hồi mà tái sanh, phải chăng con người đánh mất Phật tánh của mình khi tái sanh vào các cõi thấp hơn?
Con xin cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong khóa giảng lần 5 tại Bửu Long, ở ngày đầu tiên (Ngày 1A - Cái thực) thầy đã có nói rất rõ về những vấn đề này rồi, con vào mục Pháp Thoại để nghe nhé. Ở đây thầy chỉ trả lời vắn tắt thôi.
1) Khi sống có chấp ngã thì khái niệm ngã đã được ghi sâu trong tiềm thức Bhavanga hay Duy Thức gọi là A-lại-da thức, nên dù chết khái niệm bản ngã vẫn còn như hạt giống, và hạt giống đó sẽ có cơ hội tái hiện sau khi tái sinh.
2) Bài kệ sau đây sẽ thay thầy giải đáp câu hỏi của con:
Chư Pháp tùng bản lai
Thường tự tịch diệt tướng
Xuân đáo bách hoa khai
Hoàng Oanh đề liễu thượng
3) Triệu Châu trả lời là "VÔ" (Chừng nào con ngộ chữ VÔ ấy của Triệu Châu thì đó chính là câu trả lời, còn bây giờ thầy nói cũng vô ích thôi)
4) Nếu không có Phật tánh đương nhiên là ... không mất, còn nếu đã có Phật tánh thì con nói mất cái gi?
Những câu hỏi này không có câu trả lời để thỏa mãn lý trí đâu. Hãy tự khám phá sự thật, sẽ thú vị hơn là chỉ dựa vào nhận thức của người khác.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con xin hỏi:
Chiêm nghiệm lại "bản vẽ" của mình từ hiện tại trở ngược về những gì đã xảy ra trong quá khứ, để nhìn ra bản ngã được tạo thành ra sao, để thấy rõ mình đã tham sân si ra sao..., từ đây sự hình thành của bản ngã được nhận rõ..., có phải việc làm nầy là chánh tư duy không?
Có cần làm điều nầy mới đánh bật được gốc của bản ngã và vô minh ái dục không? Chúc Thầy sức khỏe tốt.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nhớ lại quá khứ là một chức năng tự nhiên xuất hiện khi cần đến. Nhưng không cần phải chủ tâm "trở ngược về những gì đã xảy ra trong quá khứ, để nhìn ra bản ngã được tạo thành ra sao". Bởi vì không chừng ý đồ trở về này cũng phát xuất từ bản ngã. Chỉ cần nhận ra cái ta trong hiện tại thì tự nhiên thấy ra nó trong quá khứ đã diễn biến như thế nào. Nói là "chiêm nghiệm" nhưng thực ra chỉ chiêm nghiệm thật sự khi lắng nghe quan sát thực tại đang là, vì chỉ có thể nhớ lại quá khứ để suy ngẫm chứ không thể chiêm nghiệm quá khứ được. Đúng nghĩa từ chiêm nghiệm là quan sát sự kiện đang trải nghiệm. Nếu lo nhớ lại quá khứ để suy ngẫm thì không thể phát hiện được cái ta đang hiện hành ra sao, như vậy làm thế nào mà đánh bật được gốc của bản ngã? Chánh tư duy chỉ có khi có chánh tri kiến trên sự kiện thực tại. Thực tại đó có thể là một hình ảnh quá khứ đang tái hiện tự nhiên. Nhưng tự ý tư duy về quá khứ để tìm tòi thì đó không phải là chánh tư duy mà chỉ là hoạt động của lý trí, phần lớn hoạt động này là vọng niệm. Do đó, đức Phật dạy: "Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính là đây" vậy.
Câu hỏi:
Thưa Sư, Sư thường nói bản ngã huyễn ảo giống như là sợi dây mà tưởng con rắn, thấy danh sắc mà tưởng là "mình" vậy. Tuy nhiên làm thế nào mà hành giả có thể biết được mình có tuệ giác đi sâu vào cấu trúc của bản ngã, hay chỉ đơn thuần đang hoạt động trong phạm vi của tư tưởng, suy nghĩ, kiến thức, ký ức đã được tích lũy từ trước (về bản ngã, về vô ngã hay đại ngã...) học được từ kinh sách hay người khác ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có thể biết bản ngã qua kiến thức... học đươc từ kinh sách hay người khác, nhưng đó là tưởng tri và thức tri, không phải là tuệ tri hay tuệ giác. Thực ra tánh biết vốn sẵn có trí tuệ thấy biết trực tiếp thực tánh của vạn pháp, nên nó cũng có khả năng phát hiện và vô hiệu hóa cái ta ảo tưởng. Sống tinh tấn chánh niệm tỉnh giác đối với thực tại thân, thọ, tâm, pháp chính là lúc không sử dụng tư tưởng, suy nghĩ, kiến thức, ký ức... của tưởng tri và thức tri để nhận biết pháp, mà là trực tiếp soi chiếu (minh sát - Vipassanà) vào thực tánh pháp, thì đồng thời cái ta ảo tưởng cũng biến mất trong ánh sáng của tuệ tri. Giống như khi rọi đèn vào sợi dây thì thực tánh của sợi dây hiện ra và ảo tưởng con rắn cũng biến mất vì vốn nó không có thật. Hãy chánh niệm tỉnh giác thì mỗi người đều có thể tự thấy đâu là ngã đâu là pháp không qua bất cứ kiến thức nào..
Câu hỏi:
Thưa thầy, cho con hỏi là nếu mình ngồi thiền với dục vọng muốn tiêu trừ bản ngã thì như vậy có phải là tốt không? Mong thầy giải thích cho con và các bạn đồng tu...
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong dục vọng muốn tiêu trừ bản ngã đã hàm chứa bản ngã tham-sân-si nên thiền như vậy chỉ có thể thay bản ngã này bằng bản ngã khác tốt hơn nhưng không tiêu trừ được bản ngã tận gốc. Bản ngã chỉ là cái ta ảo tưởng do vô minh ái dục tạo ra vì vậy nó không có thật. Chỉ cần MINH, tức thấy rõ nhân duyên hình thành cái ta ảo tưởng thì nó sẽ tự biến mất không còn dấu vết.
Thân tâm chỉ là danh sắc, nhưng vì không thấy rõ đó là sự tương quan vận hành của danh sắc nên ảo tưởng cái ta xuất hiện. Giống như thấy sợi dây thành con rắn. Chỉ cần bình tĩnh sáng suốt để quan sát lại thì con rắn tự biến mất để trả sợi dây lại cho sợi dây. Đó là lý do vì sao đức Phật dạy chúng ta trở về trọn vẹn với thực tại để thấy ra thân-thọ-tâm-pháp đúng như thực tánh của chúng, thì sẽ chỉ còn thấy danh sắc, không còn dấu vết nào của bản ngã cả. Vậy đâu cần phải có cái dục vọng tiêu trừ bản ngã làm gì để cho bản ngã càng thêm tăng trưởng!
Câu hỏi:
Thưa Sư, xin Sư chỉ cho con được rõ, con nghe giảng chỉ cần con người thoát ly Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) thì người đó đã đoạn tận phiền não và thể nhập Niết Bàn. Thưa Sư, quan niệm đó theo tinh thần Phật giáo Nguyên Thủy sai khác thế nào? Vì con có được nghe Sư giảng về giới, định, tuệ có 3 loại trong đó khi ta ngồi nghe Pháp hay đọc Kinh thì giới, định, tuệ ngay lúc đó là tự nhiên không phải do bản ngã tạo ra! Con thấy vấn đề đó cũng gần như khi xa lìa được ba cõi Dục, Sắc và Vô Sắc thì con người sẽ buông bỏ được tất cả sẽ an lạc! Xin Sư hoan hỷ cho con được tỏ tường!
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nói chung là khi giới định tuệ được viên mãn thì thoát khỏi tam giới. Nhưng nếu giới định tuệ do bản ngã cố gắng hoàn thiện thì không bao giờ viên mãn được. Chí có tự tánh giới định tuệ mới viên mãn được thôi. Vì vậy pháp thiền Vipassanà Trong Phật Giáo Nguyên Thủy sử dụng giới định tuệ tự tánh (vô ngã) để loại trừ cái ta ảo tưởng muốn đạt thành. Cái ta luôn tạo ra tam giới, nên nó không bao giờ thoát ly được tam giới. Thoát ly tam giới đồng nghĩa với chấm dứt cái ta ảo tưởng. Bài kệ:
Học Đạo quý vô tâm
Làm, nghĩ nói khộng lầm
Sáng, trong và lặng lẽ
Giản dị mới uyên thâm
chính là mô tả một đời sống sáng suốt, định tĩnh, trong lành thoát ly tam giới vậy