Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 30-11-2016
Câu hỏi:
Con thành kính đảnh lễ Thầy!
Thưa Thầy, con đã hiểu rõ ràng hơn là vì sao Thầy không đưa ra phương pháp để chúng con rèn luyện, dù là rèn luyện với tâm chân thành cầu đạo.
Giác ngộ là nhận ra sự thật chứ không phải tạo ra sự thật. Trong khi đó nơi mỗi người đã có sẵn một tánh biết trong sáng đang hoạt động mọi nơi, mọi lúc. Khi tánh biết thắp sáng lên thì liền thấy sự thật. Đồng thời với tánh biết là một bản ngã ảo tưởng luôn luôn sinh khởi nhận mọi thứ là ta, của ta và tự ngã của ta.
Một người khi chưa nhận ra cái ta ảo tưởng là không thực, chưa nhận ra tánh biết trong sáng ngay tâm này vẫn đang thấy sự thật thì việc rèn luyện theo một phương pháp nào đó để thành đạo là một việc vô cùng nguy hiểm. Một người chưa đủ căn cơ, khi được giới thiệu về sự thật thì không hiểu gì cả, không hiểu cũng không sao, pháp sẽ cho họ những bài học tương ứng. Ngược lại nếu với căn cơ đó mà tin vào một lý tưởng cao siêu nào đó và cố rèn luyện để đạt được cái lý tưởng đó thì trước sau gì cũng phải nhận một kết quả không hay. Nếu căn cơ đã đủ thì cứ thuận pháp đi thẳng vào sự thật, nhận ra sự thật chứ loay hoay trong luân hồi sinh tử làm gì nữa.
Pháp nào mà có thể giúp một người thăng bằng trong đời sống thì đó là chánh pháp, pháp nào mà né tránh đời sống, cần những điều kiện này nọ để an định lại cái tâm thì chưa phải là chánh pháp, không phải là chánh pháp thì cho dù đạt được sở tri, sở đắc thì cũng không thể sống tùy duyên thuận pháp. Không sống tùy duyên thuận pháp được thì khi xúc chạm việc đời tâm tất nhiên sẽ động, sẽ sầu. Việc đời chính là pháp, chính là chân lý, nếu xem việc đời là phiền não khổ đau luân hồi sinh tử thì chưa phải là giác ngộ sự thật. Nếu không có việc đời thì lấy gì để phát huy tánh biết, lấy gì để giác ngộ giải thoát.
Bậc giác ngộ chỉ giới thiệu sự thật (khai thị) để tánh biết nơi mỗi người được thắp sáng lên. Khi tánh biết được thắp sáng lên thì khúc gỗ cứ thuận dòng nước mà trôi thì trước sau gì cũng sẽ đến được biển pháp vi diệu. Một phương pháp cho dù có hay cách mấy cũng không nằm ngoài nguyên lý trồng dưa được dưa. Cái thành tựu cao nhất của bản ngã thì vẫn là vô minh, vẫn luôn hồi sinh tử như thường.
Thế giới chỉ có thực và ảo không có thế giới thứ 3, cho nên ngay tại đây và bây giờ tánh biết nơi mỗi người có lóe sáng lên để nhận ra sự thật hay không nhận ra chứ không có sự thật hoàn hảo trong tương lai để đạt được. Thầy không đưa ra phương pháp để chúng con rèn luyện mà chỉ giới thiệu sự thật. Chúng con thấy thì ngoài việc con cảm nhận được đại trí, đại bi nơi Thầy con còn thấy được là Thầy tôn trọng chúng con hơn nhiều việc chúng con tôn trọng Thầy.
Con xin cảm ơn Thầy và mong Thầy luôn mạnh khỏe!
Ngày gửi: 26-11-2016
Câu hỏi:
Kính thưa Sư,
Con cảm ơn Sư rất nhiều ạ. Con mấy hôm nay đọc kinh Kim Cang hiểu ra là kinh này muốn phá đi cái thành kiến, cái dính chặt của mắt với hình dạng hình tướng bên ngoài mà sanh điên đảo ở nội tâm. Hoá ra ý Phật từ bi muốn chỉ chúng ta vốn tự trong sạch, có vậy thôi ạ. Chúng ta tự đầy đủ cả, nên con mới hiểu vì sao có vị sư đi cầu giải thoát thì thiền sư mới nói ai trói ông mà đòi giải thoát. Hoá ra không ngờ mình vốn tự đầy đủ rồi. Sư cho con hỏi thêm là không biết con hiểu vậy có gì chưa đúng không ạ? Kính mong Sư từ bi chỉ dẫn thêm cho con được hiểu rõ ạ. Con chân thành cảm ơn Sư và kính chúc Sư thật nhiều sức khoẻ.
Con,
Alvin Nguyễn.
Ngày gửi: 26-11-2016
Câu hỏi:
Kính Thưa Thầy!
Con đã nhận diện được pháp tánh và bắt đầu cảm nhận được lời Thầy dạy là “pháp tánh vượt ra ngoài nhân quả, sanh diệt”. Vậy pháp tánh vận hành dựa trên những nguyên lí nào? Và điều gì có thể làm thay đổi được pháp tánh?
Kính xin Thầy chỉ dạy. Con thành kính cảm ơn Thầy!
Ngày gửi: 19-11-2016
Câu hỏi:
Kính thưa Sư,
Con có nghe bài giảng của Sư về triết lý của người Ấn Độ có 4 câu:
1/ Người nào mình gặp trong đời đều là người đáng gặp.
2/ Việc gì đến với mình trong đời đều là điều tất nhiên phải đến.
3/ Mọi chuyện xảy ra đều đúng lúc không sớm không muộn.
Và điều tiếp theo là gì, con chưa nghe được. Mong Sư giảng giải cho con.
Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma Sambhudasa
Ngày gửi: 16-11-2016
Câu hỏi:
Thầy ơi, con thấy đau khổ, thấy đủ cảm xúc và phản ứng, nhưng lại không biết nó là gì, cái gì đang cảm thấy khổ và cũng không biết vì sao nó lại như vậy. Vậy mình có nên tìm ra nó không?
Con xin cảm ơn Thầy ạ.
Ngày gửi: 13-11-2016
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy!
1/ Con Thành Kính cảm ơn Thầy. Như vậy là con đã ngủ, cái biết đó là của tánh biết, mà tánh biết thì không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Nên Ngài Tào Sơn khi nghe tiếng chuông bèn nói: “Ối chà, ối chà”. Có nhà Sư hỏi “Hòa Thượng làm sao thế?”, thì Ngài trả lời: “Đánh trúng tâm ta”. Con hiểu như vậy đúng không ạ?
2/ Trước đây, Thầy có dạy con về “sự vận hành kỳ lạ và năng lực vô ngã bất tận của pháp”. Quan sát một thời gian con thấy sự vận hành của pháp không thể vượt ra ngoài luật nhân quả và không bị ảnh hưởng nhiều bởi toan tính của ý thức. Nhưng quá trình chuyển hóa tâm thức thì có thể làm thay đổi sự vận hành của pháp. Nhưng sự tác động qua lại trong mối quan hệ này thì con chưa rõ lắm.
Kính xin Thầy chỉ dạy. Con thành kính đảnh lễ Thầy!
Ngày gửi: 07-11-2016
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy!
Cây cối có thần thức không Thầy?
Ngày gửi: 31-10-2016
Câu hỏi:
Bạch Thầy,
Con không hiểu sao cứ mỗi lần con nghe pháp thoại của Thầy con lại sáng ra vì con nghe hầu như con hiểu hết. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày nhiều khi con lại quên rất nhiều bài học thầy giảng. Tới khi nghe pháp thoại con mới phát hiện ra là con bị quên nhiều?
Ngày gửi: 20-10-2016
Câu hỏi:
Bạch Thầy,
Sau một thời gian tu tập, con thấy thực sự chân lý rất đơn giản, không thể diễn tả bằng lời. Cái sai của những người tu tập trong giai đoạn đầu là quá nhiều lý trí. Nhưng nếu cố loại bỏ lý trí lại là một sai lầm nữa. Con chỉ muốn bày tỏ lòng thành kính đối với Thầy, con đặc biệt cẩn thận với câu hỏi vì đôi khi câu hỏi thường là tạo tác.
Ngày gửi: 12-10-2016
Câu hỏi:
Kính Bạch Sư,
Con là người mới sơ cơ vào Phật Pháp hơn nửa năm nay. Ngày xưa con cũng suy nghĩ nhiều về vấn đề siêu hình: con người từ đâu mà sinh ra, ta là ai, rồi ý nghĩa của một cuộc đời là gì. Rồi cũng học hành như bao người khác, con đã đọc nhiều sách: từ lịch sử, khoa học đến các sách dịch lý, âm dương ngũ hành.
Con gần đây mới thấy rằng các kiến thức mà thu nạp được của thế gian đều học bằng trí, dùng trí mà nhớ, mà suy luận vẫn chưa vượt qua được ngôn ngữ văn tự. Mọi vật thị hiện trên đời đều không phải vì con người mà có mặt đặt tên. Dù ta có hay không, dù Phật có ra đời hay không thì vạn Pháp vẫn cứ là như vậy. Đức Phật là người đã toàn giác đã hiểu biết tất cả, vậy chắc chắn phải có một phương pháp để Ngài đạt được điều ấy.
30 pháp ba-la-mật mà Ngài tích lũy thực chất là sự buông bỏ rốt ráo, buông bỏ tất cả trong nhiều kiếp trong quá khứ. Và trí tuệ Ngài chứng ngộ được không phải bằng trí năng mà bằng phát triển Tâm trong sáng tĩnh lặng ly dục ly ác pháp. Những Pháp mà Ngài giảng giải chỉ là ngôn ngữ giả danh để tạm thời nương nhờ vào đó mà người có trí học hỏi tự suy ngẫm. Đến chỗ rốt ráo thì phải lìa xa văn tự, "Chánh pháp còn phải bỏ huống chi là phi pháp". Khi đến chỗ không phân biệt chẳng còn chấp vào của ta của người, xấu đẹp, thiện ác, đúng sai. Và sống được bằng cái Tâm bình đằng, từ ái, không giận hờn, bao dung ấy thì hốt nhiên an lành tự tại mà phiền não dần dần biến mất. Như đèn Sáng thì bóng tối tự tan biến. Chẳng có ai khổ đau chỉ có khổ đau hiện tiền. Sống được với tâm như thế thì thật bình an và hạnh phúc. Mọi chuyện để Pháp tự vận hành vì nó vô ngã.
Đây là tri kiến của con về Phật Pháp. Như một người khát nước đi trong sa mạc tìm lõi cây, các bậc đạo sư đã cho ta Nước "Pháp" đỡ khát và chỉ cho ta tấm bản đồ mà lên đường, còn tìm được lõi cây hay không là do Niềm tin, trí tuệ, tinh tấn nhẫn nại và Nhân duyên. Nhờ Phật Pháp mà con thoát được "điên đảo mộng tưởng" giữa thời mạt Pháp này.
Con xin thành kính tri ân ơn Đức Phật, Ơn Đức Pháp, Ơn Đức Tăng, đặc biệt là các thầy tổ Phật giáo Theravada VN.
Cuộc đời quả thật có nhân duyên thầy ạ. Con đang khám phá dần dần sự vi diệu của cái Tâm này. Khi nào đủ nhân duyên con xin đến đảnh lễ thầy. Chúc thầy nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc hoằng Pháp!
Namo Phật Pháp Tăng!