Kết quả Tìm Kiếm: Có 1181 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'nguyên lý tu tập'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Kính thưa sư! Hiện giờ con rất hoang mang vì giữa một rừng các phương pháp hành thiền, con phân vân không biết chọn phương pháp nào. Không biết bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào cho thích hợp với hoàn cảnh (hiện con đang là một quản lý điều hành cho một cơ sở nhỏ nên công việc rất nhiều). Một số phương pháp thiền định con tìm hiểu thì đầu tiên phải cần có thời gian, không gian để thực tập (cái này thì hoàn cảnh của con không cho phép). Riêng con thấy pháp hành mà sư dạy (tinh tấn chánh niệm tỉnh giác) thì con thấy có thể thực tập được trong đời sống sinh hoạt hằng ngày nhưng kẹt nỗi là con chưa thật sự hiểu chánh niệm tỉnh giác là gì (hoặc chỉ hiểu rất mơ hồ) và cũng không biết phải bắt đầu thực tập từ đâu và phải phối hợp như thế nào trong công việc. Xin chỉ giúp giùm con. Xin chân thành tri ân sư!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thỉnh thoảng anh nên dành một ít thời gian để đọc thêm những câu hỏi đáp, những lá thư chia sẻ nhận thức về tu tập của nhiều người, đọc Thực Tại Hiện Tiền, Sống Trong Thực Tại v.v... trong Thư Viện và download pháp thoại xuống để nghe. Vì muốn tu tập đầu tiên phải nhận thức đúng. Thậm chí tu tập chính là nhận thức đúng chứ không phái là cố gắng trở thành hay đạt được điều gì.
Thiền Vipassanā chỉ có nghĩa là thấy ra sự thật một cách minh bạch. Đầu tiên là thường trực nhận lại chính mình, tức là nhìn lại để thấy biết thực tại thân tâm, không để tâm chìm đắm trong quá khứ, hiện tại và vị lai, nghĩa là không chạy theo cái ta ảo tưởng. Không buông lung phóng dật theo cái ta ảo tưởng hướng ngoại tìm cầu tức là tinh tấn. Trở về với thực tại thân tâm tức là chánh niệm, lúc đó liền thấy biết minh bạch hoạt động hay trạng thái của thân gọi là tỉnh giác trên thân, trạng thái của mọi cảm giác gọi là tỉnh giác trên thọ, trạng thái của những tâm hiện khởi gọi là tỉnh giác trên tâm ... Như vậy bất cứ tại đâu và lúc nào cũng không buông theo vọng tưởng, trở về thực tại và thấy biết chính mình một cách minh bạch. Đó chính là thiền tuệ Vipassanā lấy tinh tấn chánh niệm tỉnh giác làm nguyên tắc tu tập.
Không nên gượng gạo hành thiền định vì chính anh đã thấy là không phù hợp với hoàn cảnh của mình. Và cũng đừng áp dụng một phương pháp thiền nào, vì tất cả phương pháp đều do lý trí chế định, mà đối tượng của chánh niệm tỉnh giác là thực tánh pháp tự nhiên, do đó tất cả phương pháp chế định tuyệt đối không phải là thiền tuệ. Thiền tuệ chỉ khế hợp nguyên lý chứ không bao giờ áp dụng theo bất cứ một phương pháp nào. Vậy anh thấy pháp thiền nào phải áp dụng theo một phương pháp đã định sẵn đều là sản phẩm của lý trí, không phải là thiền tuệ đích thực. Chúc anh thấy ra sự thật.
Câu hỏi:
Nam mô Buddhàya! Con muốn hỏi pháp thiền của hòa thượng Nhất Hạnh có điểm giống và khác gì với pháp thiền của Phật Giáo Nguyên Thủy. Và con nhận thấy nó có nhiều điểm tiêu cực, cũng có thể chỉ là biện pháp trị liệu về tâm lý, làm phát sinh tiếp đau khổ mà không giải thoát được hoàn toàn đau khổ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tất cả phương pháp thiền được các thiền sư vận dụng đều có mục đích đáp ứng căn cơ trình độ của một số đối tượng nào đó, trong một thời đại lịch sử nào đó, và trong một điều kiện hoàn cảnh nào đó. Vì vậy đã là phương pháp thì luôn tương đối. Chỉ có nguyên lý mới đúng với mọi đối tượng, mọi lúc và mọi nơi mà thôi. Muốn thiền đúng thì nên nắm vững nguyên lý thiền trước khi theo một phương pháp nào đó, vì mỗi phương pháp chỉ giới hạn trong phạm vi một vấn đề cục bộ, chứ không giác ngộ toàn triệt. Thấy được nguyên lý thiền thì không vướng mắc vào một phương pháp nào cả dù đôi lúc có sử dụng một phương pháp để đối trị một vấn đề nào đó đi nữa.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,
Con không biết nói gì để tỏ lòng tri ân Thầy. Thầy thật sự đã lột hết những gì từ lâu con vướng mắc, giờ đây con biết mình phải như thế nào rồi thưa Thầy.
Con sẽ làm lại từ đầu, con sẽ nghe lời Thầy dạy: Thận trọng, chú tâm và quan sát. Vâng, thưa Thầy, từ lâu con chưa hề nghe một giảng sư nào dạy con những điều này. Chỉ có Thầy, rất giản đơn, mộc mạc mà dễ hiểu, dễ hành. Con rất vui Thầy ạ, niềm vui tràn ngập trong lòng con, còn hơn ai cho con ngàn vàng. Con kính nguyện sẽ đời đời, kiếp kiếp làm quyến thuộc Thầy, để con được mãi tận hưởng những dòng pháp nhũ mát mẻ, ngọt ngào từ kim khẩu của Thầy. Cầu Chư Phật gia hộ cho Thầy pháp thể vạn an, tứ đại điều hòa, chúng sanh độ tận và mãi là cội Bồ-đề che mát chúng con trên bước đường tu nhân giải thoát.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con chưa nghe đầy đủ những bài giảng của khóa thiền mà đã thấm nhuần như vậy, thầy hoan hỷ chúc mừng con. Nhiều người vì bị vướng mắc vào một phương pháp tu đã thành thói quen nên không thể tiếp nhận được pháp KHÔNG, VÔ TƯỚNG, VÔ NGUYỆN này của Phật. Họ đang đem cái ta ảo tưởng ra nỗ lực tạo tác để mong muốn trở thành cái ta hoàn thiện hơn, mà đức Phật gọi là mục tiêu của đạo Bà-la-môn (rèn luyện tiểu ngã thành đại ngã). Nhận ra chỗ cốt lõi này của Phật đạo, con chỉ cần sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha và lấy đó làm bài học tự giác giác tha là được.
Câu hỏi:
Kính thưa sư! Hơn hai năm nay con hành theo pháp xả từ lòng từ bi chỉ dạy của sư nhân chuyến sư sang Úc năm 2009. Đầu tiên là con thấy được hữu ái và phi hữu ái, liền ngay đó con áp dụng pháp xả, cũng như thường xuyên nghe các bài giảng của sư mãi cho đến nay.
Dần dà, con thấy trong cuộc sống của con sự tự do thênh thang nhiều hơn dính mắc. Những lúc bị dính mắc thì con dùng sự tự do để quan sát càng giúp con thấy rõ sự vô thường vô ngã và thấy rõ cái ngã là nguồn gốc của sự dính mắc. Con cảm nhận cái gì đó thênh thang nơi tâm mà con chưa diễn đạt được. Con có hỏi 3 câu trên mạng, mỗi lúc đọc lại là con thấm nhuần hơn lời dạy của sư, con hoan hỷ và biết tâm đang hoan hỷ.
Thực tại hiện tiền mới là đang đi trên lộ trình giải thoát. Nhờ hành pháp xả nên con ngồi thiền rất nhẹ nhàng sáng suốt nhưng con ít ngồi, chỉ khi nào đến nơi phải ngồi thì con cũng ngồi theo. Con thấy chánh niệm tỉnh giác lúc ngồi thiền cũng có lợi ích, nhưng lợi ích đó không thể sánh bằng thận trọng, chú tâm, quan sát hay sáng suốt, định tĩnh, trong lành trong đời sống hàng ngày. Đó mới là giải thoát nơi thực tại hiện tiền, mới là sự thật, chân lý. Nếu không giác ngộ từ đây thì không sao giác ngộ được.
Dạ thưa sư, điều con thấy như vậy có đúng không? Con kính xin sư chỉ dạy thêm cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con hiểu và hành như vậy là rất tốt. Đức Phật đã dạy trong kinh Kalama là cứ đem ra thực hành rồi mới biết pháp đó đúng hay sai. Rất tiếc nhiều người không thực hành được như vậy nên đành phải theo một phương pháp chế định và chỉ có được kinh nghiệm cục bộ, không thể thấy pháp thênh thang, vô ngã, không chỗ trụ, không nơi bán víu khi biết sống “Tùy duyên thuận Pháp vô ngã vị tha”. Chúc mừng con.
Câu hỏi:
Xin thầy cho biết cách hành thiền sao cho có hiệu quả nhất? Cách ngồi, cách điều phục tâm để tâm định được sâu và thế nào là ngồi đúng cách và không đúng cách?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cứ ngồi tự nhiên thoải mái, đừng quá gò ép thân trong một tư thế nhất định nào. Đừng cố gắng điều phục tâm, đừng bắt tâm phải định. Nếu biết buông cái ta lăng xăng tạo tác, nỗ lực muốn trở thành, muốn bỏ trạng thái này lấy trạng thái kia, trong ý đồ tham sân mê muội thì tâm sẽ tự định một cách dễ dàng. Chính ý chí của cái ta muốn đạt được trạng thái định lý tưởng đã làm cho cái tâm bất an mê muội. Giống như nước, cứ để yên nó đó đừng động đậy gì cả thì nó sẽ tự không chao động. Tại sao con muốn cái tâm định sâu mà lại cứ bắt nó phải như thế này thế kia theo ý mình? Có phải như vậy là định hay đang khuấy động nó lên?
Muốn định sâu hãy bắt đầu thận trọng chú tâm quan sát mọi việc hàng ngày một cách bình thường tự nhiên, chẳng bao lâu con thấy tâm con trầm tĩnh hơn trong mọi sự, rồi bỗng một hôm con thấy mọi xáo trộn bên ngoài không làm ảnh hưởng tới con nữa, đó là con đã định rất sâu, sâu hơn rất xa so với tứ thiền bát định mà ngoại đạo cố gắng luyện tập để đạt thành.
Câu hỏi:
Thưa Thầy, mấy ngày nay con được đọc các câu trả lời của thầy về vấn đề hôn nhân. Con thấy chung quanh con không có ai hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi mà sao ai hầu như cũng có khuynh hướng chọn lựa con đường đó. Con thường nói với con của con nên xuất gia hơn là lập gia đình nhưng cô bé vẫn muốn lập gia đình và sanh con. Con rất sợ cho cháu bị khổ và nếu sanh con tật nguyền lại càng khổ nữa. Con nghĩ như vậy có đúng không thưa Thầy? Con xin cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Với con thì đúng vì con đã thực sự thấy đó là khổ. Nhưng với con của con thì sai, vì cháu chưa thấy ra khổ nên cháu cần phải trải nghiệm để thấy ra sự thật đó. Khi cháu chưa thấy như con thì việc chọn lựa đời sống gia đình là tốt, vì qua đó không những cháu học ra chân lý về sự khổ mà còn vô tình rèn luyện được nhiều phẩm tính khác như nhẫn nại, thương yêu, chia sẻ, cảm thông v.v... để loại dần sự trói buộc của cái ta ích kỷ, si mê và lầm lạc. Ái dục chỉ được loại trừ khi thấy ra sự khổ, vì vậy khổ là một sự thật rất mầu nhiệm có khả năng đánh thức cơn mê của cái ta ảo tưởng. Hãy để cháu tự do lựa chọn, chỉ nên giúp cháu can đảm, bình tĩnh và sáng suốt để học ra bài học của mình. Một người xuất gia nếu chưa thực sự thấy ra chân lý về sự khổ, thì còn tệ hại hơn là sống trải nghiệm sự đời để thấy ra chân lý ấy.
Câu hỏi:
Kính bạch thầy, ngày xưa, nhiều vị Cao Tăng Thiền Đức khuyên nên thiền tịnh song tu, vậy Phật tử ngày nay có nên y theo lời khuyên đó mà tu hay tông phái nào tu theo tông phái đó? Kính xin thầy từ bi chỉ dẫn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Phật Giáo Phát Triển chia ra Thiền Tông và Tịnh Độ Tông riêng nên mới có tình trạng đã theo tông phái nào thì phải tuân thủ theo yếu chỉ của tông phái đó. Thực ra trong Phật Giáo Nguyên Thủy, hành thiền hay niệm Phật đều là những pháp thể hiện Giới Định Tuệ, Bát Chánh Đạo v.v... nên Phật tử có quyền chọn lựa pháp nào thích hợp với căn cơ trình độ của mình, cũng có thể kết hợp nhiều pháp vào việc tu hành. Ví dụ, người hành thiền tuệ có thể bổ sung thêm niệm Phật, niệm tâm từ, niệm bất tịnh, niệm sự chết v.v...
Tinh chuyên một tông môn cũng tốt nhưng cũng dễ bị dính mắc vào một phương tiện, nên đôi khi còn đả phá phương tiện khác, sinh ra tình trạng chia rẻ tông môn hệ phái. Ngày nay nếu Phật tử thấy thích hợp với pháp môn phương tiện nào thì cứ hành theo, sau đó nếu thấy không khai mở được gì mà còn bị trói buộc thêm thì thay đổi pháp môn phương tiện khác. Nếu thấy 2 pháp môn đều hay thì cứ hành cả hai.
Tốt hơn hết là nên học hỏi để nắm vững cốt lõi của Giáo Pháp trước rồi mới thực hành thì mới khám phá được chân lý một cách toàn diện, nếu không chỉ như người mù rờ voi, dù có rờ được gì bằng cả hai tay thì cũng chỉ là kinh nghiệm cục bộ. Cũng vậy, nếu không thấy được cốt lõi của Phật Pháp thì dù có thiền tịnh song tu cũng chỉ bắt cá hai tay mà thôi.
Câu hỏi:
Thưa thầy! Khi thực hành rồi nghe đi nghe lại thầy giảng trong khoá thiền lần thứ 4 và 5 tại website này, con vẫn thấy có những lớp nghĩa mới cần tham cứu. Con hàng ngày đều theo dõi website này để học hỏi từ thầy và bạn đạo. Con chúc thầy sức khoẻ ạ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đúng vậy, thực hành không phải là cứ áp dụng một công thức rồi lặp đi lặp lại mãi mà là luôn luôn khám phá, phát hiện những điều mới mẻ với một tâm thái tự do sáng tạo. Thực hành được đức Phật gọi là tu học (sikkhati). Học để điều chỉnh nhận thức cho đúng, tu là để điều chỉnh hành vi cho đúng, hai điều này có quan hệ mật thiết với nhau. Học từ Giáo Pháp gọi là pháp học, học từ thực tại gọi là pháp hành. Không y cứ trên thực tại để thể nghiệm thì thực hành chỉ là rập khuôn theo tư tưởng của người khác. Con đã đi rất đúng.
Câu hỏi:
Thưa thầy, con đọc Kinh, nghiên cứu Phật Pháp, muốn thực hành để chứng nghiệm ý Kinh, nhưng trong quá trình thực hiện cũng không phải dễ dàng. Thưa thầy, khi sự lo âu sợ hãi diễn ra, mình phải làm thế nào? Xin thầy cho con biết quá trình tu tập các sư có gặp như vậy không? Con xin cảm ơn
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Thực hành để chứng nghiệm ý Kinh là cả một vấn đề. Nếu con đọc Kinh sách, nghiên cứu Phật Pháp nhưng hiểu sai thì lấy cái sai mà hành làm sao chứng nghiệm được ý Kinh? Nếu con hiểu đúng thì sẽ hành đúng, và lúc đó hiểu, hành và chứng nghiệm hầu như là một, sao lại không dễ dàng? Hễ thấy khó thì coi chừng con hiểu còn sai đó. Vậy đừng vội hành khi chưa thật sự hiểu.
2) Ngừa bệnh hơn chữa bệnh. Cũng vậy đừng để lo âu sợ hãi diễn ra rồi mới lính quýnh không biết "phải làm thế nào". Khi con nói "phải làm thế nào" không phải cũng là lo âu sợ hãi đó sao? Người xưa nói: "Đừng để mất bò mới lo làm chuồng". Nếu hàng ngày con thường biết mình (chánh niệm tỉnh giác) khi hành động, nói năng, suy nghĩ thì lo âu sợ hãi sẽ khó mà phát sinh. Cho dù có thì con cũng sẽ biết lắng nghe nó một cách khách quan, trọn vẹn và thấy rằng nó là pháp duyên khởi, có sinh có diệt, chỉ cần không mê muội với nó là được, có gì phải lo ngại?
3) Mỗi người tu có mỗi tình huống khác nhau nhưng bản chất của pháp thì giống nhau. Con cứ ngay nơi tình huống của mình mà thấy để tự điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng bản chất thật của pháp, chứ không cần bắt chước hay so sánh với ai để sinh ra phân tâm và ngã mạn.
Câu hỏi:
Thưa thầy! Vậy có thể nào, một người không cần trải nghiệm thực tế nơi chính mình mà vẫn học được bài học pháp qua kiến thức, qua quan sát những trường hợp xảy ra trong cuộc sống xung quanh, để thấy được nhân quả, sinh diệt, vị ngọt và sự nguy hại của pháp không ạ? Con cảm ơn thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có thể "qua kiến thức, qua quan sát những trường hợp xảy ra trong cuộc sống xung quanh, để thấy được nhân quả sinh điệt, vị ngọt và sự nguy hại của pháp" nhưng với điều kiện trong những kiếp trước đã từng trải nghiệm và học ra bài học đó rồi. Do đó trong kiếp này, dù chỉ nghe thấy bên ngoài cũng có thể xuất ly. Nhưng nếu bây giờ vẫn không xuất ly được chứng tỏ là bài học đó chưa học được một cách hoàn toàn.