Kết quả Tìm Kiếm: Có 79 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'Niệm tâm'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con đã hành thiền theo pháp thầy giảng, con có được kết quả rất là tốt. Nhưng có một vấn đề này con cũng chưa biết tại sao, con xin hỏi thầy:<p>
Khi ngồi thiền tất cả từ thân đến tâm con để tự nhiên, và con biết tất cả trạng thái hiện hữu đang là. Nhưng khi các pháp vận hành có lúc con biết ngay, có lúc con đã chạy theo rồi mới biết, nhưng khi biết là nó liền mất chứ không như thầy giảng là cứ nhìn nó vận hành mà không bị nó cuốn theo. Và khi nó mất rồi thì con trở lại trạng thái trống không mà chỉ có biết hiện tại và nghe tiếng o o thôi, như thầy giảng nếu có pháp vận hành nhiều là càng tốt, con nghe thầy là không có giữ cho yên mà hãy để tự nhiên, con cứ để tự nhiên mà pháp nó không đến, xin thầy cho còn biết như vậy có tốt không? <p>
Con cảm ơn thầy, chúc Thầy được nhiều sức khỏe vì mọi người đang cần có Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu thấy biết tự nhiên - không cố giữ yên - mà tâm không khởi là tốt. Tuy nhiên, có thể do khi con ngồi thiền yếu tố nhất tâm và thắng giải mạnh hơn nên hễ biết tâm khởi nó liền mất. Nhiều người định và thắng giải nhiều quá vẫn nên gây trở ngại vi tế cho thiền tuệ, vì khởi các phiền não mà diệt thì tốt, còn khởi tâm thiện, khởi chánh tư duy, khởi tâm đạo, tâm quả mà diệt liền hoặc không sinh thì không ổn rồi. Tâm sinh khởi cũng có nhiều loại, có loại hữu nhân, loại vô nhân, loại duy tác, nên có tâm mất đi là tốt, có tâm khởi nhiều là tốt.
Vấn đề là ở chỗ con biết tâm khởi bằng ý thức (thức tri) hay bằng tánh biết (tuệ tri), nếu biết bằng ý thức thì khi tâm biết khởi là tâm khởi trước đó đã biến mất, nên đúng là hễ biết thì nó mất ngay, nhưng nếu biết bằng tánh biết thì nó có thể biết thân-thọ-tâm-pháp trong dòng diễn biến vận hành của những đối tượng này. Điều này rõ hơn khi đang hoạt động. Thí dụ con thấy một vị sư đang đi khất thực, tâm con khởi lên ý muốn cúng dường, nhưng con biết thì nó mất liền làm sao cúng dường được, chẳng lẽ lúc đó con vẫn làm với tâm khởi ấy mà không biết gì chỉ để tâm khởi ấy cuốn đi trong vô minh?
Câu hỏi:
Dạ kính thưa Thầy, đã trải qua nhiều tháng thực hành theo lời dạy của Thầy, giờ đây con rất bén nhạy trong việc theo dõi tâm hành hơn thân hành (vì từ trước đến giờ tâm con rất mạnh nó luôn phóng dật và lăng xăng tạo tác nên con thường theo dõi tâm nhiều hơn thân hành, nếu con mà theo dõi thân hành thì tâm con rất lẹ nó phóng đi chỗ khác nên con rất khó theo dõi thân hành 1 cách trọn vẹn được. Nên con đành phải luôn chánh niệm trên tâm nhiều hơn). Vì luôn luôn để ý tâm mình nên giờ đây con rất bén nhạy khi tâm vừa khởi lên ý thiện cũng như ý bất thiện hay là lăng xăng tạo tác 1 điều gì đó theo ý đồ của bản ngã con đều nhận biết được cả. Khi con nhận biết được thì nó liền diệt. Nên mỗi lần tham sân si khởi lên con đều nhận biết được cả, it bộc phát ra thành lời như trước khi chưa hành theo pháp của Thầy. Con xin cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Niệm tâm như vậy là tốt, tuy nhiên cũng cần lưu ý là đôi khi niệm tâm dễ khiến tâm bị chế ngự, không hoạt động được thoải mái, nên không phát huy hết thể tướng dụng của nó. Do vậy đức Phật dạy chỉ nên thấy rõ tâm chứ không nên chế ngự nó về mọi mặt, chỉ khi nào ý buông lung vọng động trong bất thiện pháp mới chế ngự thôi:
"Không nên chế ngự ý,
Hoàn toàn về mọi mặt,
Chớ có chế ngự ý,
Nếu tự chủ đạt được.
Chỗ nào ác pháp khởi,
Chỗ ấy chế ngự ý".
Câu hỏi:
Con chào SƯ. <p>
1) Mẹ con quy y cho con (và gia đình) cách đây 4 năm, con không được dự buổi quy y của bổn sư, nhưng may mắn cách đây 2 năm con đã có duyên với Phật pháp, đã tìm hiểu và thực hành theo lời Phật dạy. Bố mẹ con tu theo Tịnh Độ tông nhưng riêng con, con cảm thấy pháp môn này đè nén tâm chứ không phải là biết và buông xả ra, con thấy bố mẹ con mỗi khi tức giận thì niệm A DI ĐÀ PHẬT nhưng con cảm thấy bố mẹ con đang đè nén chúng. <p>
Thật hữu duyên hơn nữa con tìm hiểu và được biết các kinh đại thừa do các tổ chế ra để hợp căn cơ mọi người (con cũng không chê bai hay phân biệt gì cả). Con tìm và biết đến Phật pháp nguyên thủy. Con thấy những giáo lý và đặc biệt là thiền rất hữu ích cho con và thay đổi các tư tưởng của con theo hướng tích cực. Con thấy lỗi của con nhiều hơn, con hay nhìn vào mình hơn là người khác và con biết chúng rồi buông chúng dần dần, cũng dần tu tập. <p>
Con giờ có ý định nói cho bố mẹ con biết về sự thật các kinh, và khuyên bố mẹ biết nguyên thủy, nhưng con sợ niềm tin (tín nguyện hạnh trong kinh Vô Lượng Thọ) của bố mẹ con lung lay, rồi sinh ra những cái tiêu cực, nhưng con rất muốn nói, vậy mong SƯ cho con lời khuyên để con có thể tâm sự với bố mẹ con ạ. ,p>
2) Như SƯ nói: thận trọng - chú tâm - quan sát mọi sự vật hiện tượng đến với mình, khi thực hành con cố gắng hành động chậm lại rồi con thận trọng, chú tâm vào đó. Nhưng khi quan sát nó con lại suy nghĩ thêm các niệm khác (ví dụ con quan sát cái bút thì con lại suy nghĩ bút này hãng nào viết đẹp không...), như thế con đã sai đúng không sư? Xin sư hoan hỷ chỉ cho con thêm một chút về điều thận trọng, chút tâm và quan sát? <p>
3) Trong lúc ngồi thiền, con ngồi một hồi lâu, con thấy cảm giác đau, tâm con liền đến đó và quan sát nó và ghi nhận đau đau... Vậy con ghi nhận nó xong con quay lại với hơi thở, hay con quan sát cái đau khi nào hết mới quay lại hơi thở, hay là cái nào nổi trội nhất thì tâm tự dưng đến và xem nó là đề mục quan sát và ghi nhận? <p>
Kính mong SƯ hoan hỷ chỉ dạy, con kính đảnh lễ SƯ. Sadhu sadhu!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Chỉ cần giải thích cho ba mẹ hiểu đúng ý nghĩa của pháp môn niệm Phật là được. (Con đọc điều này trong cuốn Thiền Phật Giáo, Nguyên Thuỷ và Phát Triển)
2) Không cần phải đặt một mức độ nào nhất định cho việc thận trọng chú tâm quan sát, những yếu tố này là tính chất sẵn có trong tâm mỗi người nên chỉ cần có hướng tâm đúng thì chúng tự ứng ra tuỳ trường hợp. Nếu trong quan sát còn tư tưởng khởi lên thì biết có tư tưởng khởi lên, nếu không thì biết là tâm đang lặng lẽ quan sát. Đừng cố gắng quá, cứ quan sát tự nhiên thì thấy biết càng chính xác hơn.
3) Khi ngồi thiền con nên thư giãn, buông xả để cho thân tâm thoải mái, nhẹ nhàng, trong sáng và tuyệt đối không cố gắng "hành" gì cả. Chính lúc đó tâm con mới rỗng lặng trong sáng, hồn nhiên, không chủ quan để phản ánh trung thực mọi sự đến đi. Khi tâm buông xả mọi cố gắng nắm bắt thì nó liền trở về trọn vẹn với toàn thân đang là (thân tâm nhất như), đó là chánh niệm (chứ không phải là ghi nhận gì cả), và vì vậy nó biết thân đang là một cách trung thực. Không ghi nhận hơi thở hay cảm giác đau mà chỉ biết toàn thân đang là thì thở hay đau đều chỉ là những hiện tượng đến đi trên thân, con chỉ thấy chúng sinh diệt vô thường mà thôi. Nhớ là không cố gắng ghi nhận, định tâm hay trông chờ cái này diệt đi để quan sát cái khác, chỉ thấy thôi thì tâm mới nhận ra bản chất sinh diệt trên thân, thọ, tâm hay pháp ngay đây và bây giờ.
Câu hỏi:
Thưa sư cho con hỏi chánh niệm tỉnh giác có khác nhau không ạ, hay là cùng một ý nghĩa? Con kính đảnh lễ sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chánh niệm là tâm trọn vẹn với thực tại, tỉnh giác là tâm trong sáng với thực tại. Hai tâm này có chung đối tượng và thường đi chung với nhau nhưng hoàn toàn khác nhau. Chánh niệm thuộc định phần, tỉnh giác thuộc tuệ phần. Do đôi lúc nói tắt nên chỉ nói niệm thân, niệm tâm v.v... mà bị hiểu lầm chánh niệm với tỉnh giác. Trên thực tế, khi nói niệm như vậy là bao hàm hai yếu tố chánh niệm và tỉnh giác khác nhau.
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy, con cám ơn Thầy đã trả lời ngay cho con. Thầy cho con xin mỗi thứ 2 cuốn, con giữ cho mình 1 bộ, khi nào thắc mắc là tự tra tìm để thực tập, bộ kia con sẽ trao cho chùa để các huynh đệ khác nếu muốn tìm hiểu sẽ có đủ tài liệu để thực tập. Sau đây Thầy cho con hỏi: <p>
- Có 1 sư cô giáo thọ nghe con kể về những gì con đã học học được từ Thầy về Vipassana, sư cô hỏi con, trong thiền Tứ niệm xứ, niệm thân, niệm thọ, niệm tâm thì sư cô hiểu, nhưng niệm pháp thì sư cô chưa rõ lắm, vậy con hiểu thế nào. <p>
Con có trả lời sư cô là tốt nhất Sư cô vào trang web hỏi Thầy. <p>
Tuy vậy, con cũng có trả lời theo những gì con đã nghe Thầy giảng, con xin trình ra đây để Thầy xem con nói đúng không. <p>
Thân thọ tâm là một chuỗi vận hành. Khi niệm riêng từng phần một thời gian thì tự mỗi hành giả sẽ cảm nhận sự vận hành tương tác giữa thân thọ và tâm, đó là niệm pháp, mọi thứ đều là diễn biến của pháp, hoặc luân hồi sanh tử, hoặc Niết-bàn (vì vậy mà các trường thiền chỉ hướng dẫn niệm thân thọ tâm chứ không nói niệm pháp). <p>
Con kính Thầy chỉ giáo thêm.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con giải thích vậy cũng đúng. Bốn đề mục của thiền vipassanā (minh sát) đi từ thấp lên cao, từ thô đến tế. Người mới tập quan sát thường dễ thấy thân nhất rồi khi chánh niệm tỉnh giác nhuần nhuyễn hơn mới thấy được thọ, sau đó chánh niệm tỉnh giác càng rõ ràng hơn mới thấy được những trạng thái tâm và cuối cùng khi chánh niệm tỉnh giác đến mức hoàn toàn sáng suốt định tĩnh trong lành thì mới thấy pháp trong sự tương giao giữa thân thọ và tâm, chẳng hạn như thấy 5 triền cái, 5 uẩn, 12 xứ, 7 giác chi, 4 Sự Thật... vì khi thấy được đến đó thì cũng đắc đạo quả luôn.
Thầy sẽ gởi cho con 2 bộ sách con cần.
Câu hỏi:
Thầy ơi cho con hỏi, khi nào gọi là tâm, khi nào là không có tâm? Sao có lúc thì là tâm, có lúc không phải là tâm, con không hiểu, xin thẩy hoan hỉ trả lời giúp con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thực ra tâm khi nào cũng có, chỉ là hiện diện dưới nhiều dạng khác nhau mà thôi. Vì người ta chỉ biết có tâm khi nó khởi lên theo đối tượng, còn khi nó không khởi lên thì cho là không có tâm, đúng ra tâm lúc đó ở dưới dạng bhavanga, tiềm thức hoặc vô thức, mà cũng có thể lúc đó là Tâm Bất Sinh, cái tâm luôn chiếu sáng (pabhassara citta) mà đức Phật gọi là "không sinh, không hữu, không tác, không thành". Khi khởi tướng dụng thì có tới 121 tâm khác nhau, người không cảm nhận vi tế ít thấy được tâm xả hoặc tâm si trong trạng thái hôn trầm, và càng không thấy được cái tâm vốn Bất Sinh. Hiện tướng của tâm thì lúc sinh lúc diệt, lúc có lúc không nên còn dễ thấy, vậy mà người không chánh niệm tỉnh giác vẫn không thấy được, huống chi tự tánh của tâm thì không sinh-diệt, không đến-đi, không thường-đoạn, không hữu-vô, làm sao mà thấy, nên nói thế nào cũng đúng, thế nào cũng sai. Tốt nhất là khi nó thế nào con thấy như vậy là được.
Câu hỏi:
Kính Thưa Thầy,<p>
Con rất vui khi được thầy trả lời (ngày 17/4/2013).
Con vẫn muốn trao đổi với Thầy nhiều điều, để lần lần hiểu ra những vấn đề còn khuất mắc trong tâm con. Nhưng thực sự thì con vẫn chưa hoàn toàn hiểu tâm của mình lắm để trình bày với thầy. Vì khi con giảng giải ra được tâm mình như thế nào thì con cũng đã phần nào thấy được tâm mình.<p>
Kính thưa thầy, có những khi tâm con tự nhiên khởi lên những ý nghĩ xấu, không tốt (con không cố ý khởi), rồi liền sau đó con lại xuất hiện 1 suy nghĩ sân hận bản thân mình: tại sao lại khởi ý nghĩ xấu kia?<p>
Có phải tu là càng ngày càng hiểu cái tâm của mình đúng không thầy? Sau một thời gian học Phật Pháp, dựa theo lời Phật dạy, có những lúc con thấy cái tâm của mình nó láu cá.<p.
Con mong thầy dạy cho con để con hiểu thêm về chính mình.
Con cám ơn thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con đừng chỉ quan sát tâm không thôi mà quan sát cả hoạt động của thân, của những cảm giác, cảm xúc, và sự tương giao của thân - tâm - cảnh nữa, như vậy con mới thấy hết được tâm. Đúng là tâm rất láu cá nên nếu con chỉ niệm tâm thì chơi trò trốn tìm mệt lắm. Khi con tìm thì nó trốn, khi con lơ là thì nó xuất hiện, vì vậy hãy để cho nó chơi với thân, với thọ, với pháp thì con mới thấy nó ngoan ngoãn và dễ dàng hơn. Chủ yếu không phải là thấy gì nơi tâm nơi pháp mà là thấy ra thực tánh, thấy được bản chất vô thường, khổ, vô ngã của nó để không còn tà kiến, tham ái, chấp thủ và tạo tác nơi nó nữa mà thôi.
Câu hỏi:
Thưa thầy,
Con đã từng tham dự khóa thiền của thầy tại Huế. Trong suốt thời gian đó đến nay, con đã ngộ ra rất nhiều điều, và nhận thấy rằng những điều thầy dạy làm cho con giác ngộ từng ngày.<p>
Nhưng đôi khi, con vẫn không thể biết rõ chính mình, vì những cám dỗ cuộc sống: vật chất, địa vị, danh vọng, hay những tham ái, sân, hận, ghét hay thương... Những lúc vong thân như thế, con đã mất rất nhiều thời gian vô ích, con xin hỏi, con phải làm thế nào để luôn chánh niệm, tỉnh giác khi mình rơi vào trường hợp này?<p>
Thứ hai, con xin hỏi thêm:
Trong lúc con đang học, thì một ý nghĩ khởi lên và chúng lôi con đi. Lúc đó, con dừng việc học lại và quan sát chúng, xem nó như thế nào. Như thế có đúng không thầy? Vì con cảm thấy mỗi lần dừng lại để quan sát chúng thì phải bỏ ra 1 khoảng thời gian rồi!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Không sao, con đang như thế nào thì cứ thấy mình như vậy, có như thế con mới phát hiện ra được mọi mặt phải trái của chính mình. Không cần cố gắng để đạt đến một tình trạng chánh niệm tỉnh giác lý tưởng mà chỉ cần thấy mình như mình đang là. Con cứ làm theo nhu cầu cần thiết của đời sống miễn sao con vẫn sáng suốt biết mình là được. Đừng vội, cứ như vậy thì đến lúc nhân duyên chín mùi con sẽ thấy ra tất cả.
2) Thực ra khi con biết có ý nghĩ khởi lên thì nó đã dừng lại rồi, đâu cần một thời gian để theo dõi nó. Khi ý nghĩ khởi lên và lôi con đi tức con đã dừng việc học rồi bây giờ còn dừng gì nữa? Nhưng khi con biết ý nghĩ đang khởi lên tức con đã trở về với mình và "mình" lúc đó chính là việc học. Như vậy không phải là dừng việc học mà là dừng ý nghĩ để trở về việc học thì đúng hơn. Nhưng đối với tâm thì thấy tức là dừng chứ không dừng bằng cách ức chế hay dồn nén nó.
Câu hỏi:
Bạch sư con niệm tâm, sư có thể chỉ rõ thêm cho con chánh niệm trên chánh niệm nghĩa là sao?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tại sao con lại chọn niệm tâm làm gì cho rắc rối? Chánh niệm tỉnh giác có nghĩa là trọn vẹn tỉnh thức. Vậy chủ yếu là tâm trọn vẹn tỉnh thức trước mọi đối tượng trong ngoài (thân-thọ-tâm-pháp) là được, chứ đâu cần phải chọn một đối tượng nhất định. Khi con chọn lựa một đối tượng nhất định tức đối tượng không còn tự nhiên, và một khi đã khởi tâm chọn lựa thì tâm cũng không còn tự nhiên nữa. Pháp vốn có nghĩa là tự nhiên (Dhamma = Nature = Ultimate Reality) nên khi pháp không còn tự nhiên tức đã bị bản ngã xen vào lập trình theo ý hướng của nó (không còn tùy duyên thuận pháp) làm sao thấy được thực tánh pháp?
Khi tâm trọn vẹn tỉnh thức thì đương nhiên nó biết nó đang trọn vẹn tỉnh thức, vì tâm là tánh biết có khả năng tự biết mình nên một số người gọi đó là chánh niệm trên chánh niệm, nhưng cách nói đó không đúng lắm. Từ chánh niệm đã bị hiểu sai trầm trọng nên người ta cứ tưởng lấy tâm này niệm tâm kia mà sinh ra rắc rối chồng lên rắc rối, vì điều này không thể xảy ra, do đó chỉ làm cho tâm chẳng thể nào tâm trọn vẹn tỉnh thức (chánh niệm tỉnh giác) được. Cái lỗi của niệm tâm theo kiểu lấy tâm này chọn lựa niệm tâm kia trên thực tế chính là cái ta theo đuổi ảo tưởng của cái ta mà thôi! Chỉ khi nào cái ta ấy buông xuống thì tánh biết liền ngay đó trọn vẹn tỉnh thức.
Tâm tự biết tâm, không người niệm
Niệm còn hữu niệm tánh vời xa
Trọn vẹn sáng trong tâm thấy pháp
Pháp còn chẳng có... có chi ta!
Câu hỏi:
Thưa thầy cho con hỏi, con chưa hiểu lắm câu "trở về thực tại", thực tại ở đây là cảnh vật hoàn cảnh sống xung quanh đang hiện hữu, khi có ý niệm hay mơ tưởng gì không thật hay gây đau khổ thì mình dừng lại rồi quay về với hoàn cảnh sống xung quanh, công việc hiện thực của mình phải không ạ? Nếu như vậy thì có đè nén những tư tưởng đó không thưa thầy?<p>
Con xin thầy giải thích cho con ạ. Con xin cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Một ý niệm hay một mơ tưởng không thật có nghĩa là đối tượng của nó không thật nhưng bản thân ý niệm khởi lên đó vẫn là một trạng thái sinh diệt của tâm, vì vậy trở về thực tại trong trường hợp này chính là niệm tâm. Niệm tâm là tâm quay về biết chính mình chứ không đuổi bắt đối tượng không thật kia nữa.
Trong khi con đang đi bộ mà tâm lại lang thang đi tìm đối tượng không thật (mơ mộng) gọi là thất niệm, bấy giờ con vấp phải một cục đá liền chợt tỉnh cơn mơ trở về biết mình đang đi và thận trọng chú tâm quan sát lại động tác đi đang diễn tiến nơi thân và đang tiếp xúc với đường đi, đó là niệm thân... Trong cả hai trường hợp trở về với thực tại thân hay tâm như vậy con đè nén cái gì?