loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1797 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 05-05-2020

Câu hỏi:

Thưa thầy, có phải khi làm những công việc mà mình có vai trò hay trách nhiệm trong đó, mình vẫn có thể làm việc đó một cách tự nhiên vô tâm phải không ạ?
Con hỏi thế bởi vì trong khi con làm việc, nếu con suy nghĩ rằng vì mình ở vị trí này, có vai trò này, có trách nhiệm thế này, nên mình PHẢI... điều này cũng tốt vì giúp con có thái độ thận trọng, việc đó cũng có thể hoàn thành đúng, nhưng thường đem lại căng thẳng và tiêu hao nhiều năng lượng và không thể duy trì lâu dài. Trong khi đó nếu con làm một cách tự nhiên vô tâm, không Phải thế này phải thế kia, thì việc đó dường như rất nhẹ nhàng, con gần như hoàn thành nó trong tích tắc. Con nói là tích tắc vì ngay vào khoảnh khắc con tiếp xúc với công việc, con đã biết thế nào là đúng rồi, không phải đắn đo suy nghĩ tính toán mất thời gian, mệt nhọc.
Thế nhưng nếu con cố tự nhiên vô tâm thì lại đánh mất nó. Nói đến đây con bật cười thầy ạ.
Con.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 02-05-2020

Câu hỏi:

Dạ thưa Sư Ông cho con được chia sẻ điều tâm sự của mình, lòng con như quặn lại khi dần nhận ra sự thực đầy chua chát của thế gian pháp qua một câu trả lời của sư ông: “Luật của tục đế muôn đời luôn là: lý của kẻ mạnh luôn luôn thắng”, với một thanh niên vừa ra đời như con thì giờ đây con đã công nhận điều này. Qua thời gian chiêm nghiệm xung quanh và chính mình con đã nhận ra sự thực về cái gọi là công bằng của thế gian pháp. Dần rồi con cũng nhận ra đây chính là sự thực. Từ ngàn xưa cho đến nay luôn là như vậy, không bao giờ có công bằng tuyệt đối ở thế gian mà chỉ là sự tương đối. Chỉ có công bằng nhân quả từ những định luật chi phối vũ trụ.

Chính Đức Phật ra đời, thấy những sự thực khổ đau của kiếp người và thấy rằng vương quốc mình sẽ sở hữu quá nhỏ bé so với các đế quốc xung quanh nên đã quyết chí tu hành tìm ra con đường thoát khổ. Và sự thực dù rằng ngài trở thành một Đức Phật Toàn Giác nhưng trước thảm kịch bộ tộc Thích Ca bị tàn sát ngài cũng không thể làm gì hơn.

Ở tầm vi mô thì con người sống với nhau trong xã hội ngày ngay hầu như đều là cá lớn nuốt cá bé, có những người khi có cơ hội dẫm đạp lên người khác để được bước lên cao thì họ bất chấp sẵn sàng bằng mọi thủ đoạn để làm. Hoặc tìm mọi cách hãm hại bất chấp sự khổ đau sống chết của người khác để mình có thể trục lợi. Từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, luôn là như vậy.

Con đã nhận ra rằng ước mong thay đổi cuộc đời chỉ là chuyện không tưởng, điều mình có thể làm đó là giúp ai được thì giúp trong khả năng của mình chứ không phải cố gắng làm điều tốt để thay đổi gì cả. Qua những điều chiêm nghiệm nêu trên và từ nhân quả mà con học được và thấy ra từ những người xung quanh, con nhận ra một sự vận hành của pháp vũ trụ đầy đúng đắn nhưng cũng thực buồn cười trớ trêu của pháp. Đó là những người có quyền lực tiền bạc có thể ở ngôi vị cao như vậy để làm những việc xấu ác lại đến từ phước báu mà người đó có nhờ đã từng làm những việc thiện, tốt trong những kiếp trước. Họ đã tích luỹ phước từ việc thiện tốt để rồi một kiếp này họ hưởng quả nhưng bản ngã làm họ lầm tưởng mình tạo ra những điều này chứ chằng có nhân quả gì để rồi bất chấp làm việc sai xấu. Người còn may mắn thì lãnh quả ngay trong kiếp hiện tại, còn không thì khi những phước báu hết họ sẽ phải trả trong một kiếp nào đó khi đủ duyên nếu họ không nhận ra chánh đạo.

Một điều công bằng đến mức lạnh lùng khắc nghiệt của pháp đó là trả quả mà không biết nhân từ đâu như những người sinh ra đã bị những bệnh tật, những dị tật trên cơ thể, hay suốt đời phải sống trong nghịch cảnh (con không hề có ý chê trách bất kì ai chỉ là nêu ra một sự việc mà con chiêm nghiệm thấy ra nên nếu có ai đọc và phiền lòng thì con xin được phép xin lỗi vì thực ra chính con cũng là một chúng sanh chịu quả khổ từ quả mà con không thể nào tìm ra lý do nào ở kiếp này ngoại trừ do nhân từ kiếp trước). Và rồi khi rơi vào những thân phận như vậy họ bắt đầu tìm hiểu đến những tôn giáo và quan sát tại sao nhiều người lại có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Từ đó đúc kết ra được những kinh nghiệm từ nguyên lý muôn đời của Pháp. Đó là lý do mà người Việt và nhiều nơi thấy ra được điều này qua những câu thành ngữ: Ở hiền gặp lành, Lù khù ông Cù độ mạng, Trời không cho hùm leo dây, Người ta ăn thì còn mình ăn thì hết… Khi rơi vào những thân phận quá khổ dần dần họ biết sống nhún nhường, khiêm cung, cố gắng không ganh tỵ, tự cao tự đại, và làm nhiều việc tốt nhằm tích luỹ phước báu cải thiện cuộc sống. Nhưng khi con người bắt đầu tốt lên trở lại nhờ tích luỹ phước báu thì bản ngã sẽ tiếp tục sai lầm có thể trong một kiếp kế tiếp nào đó bởi vì thực sự cái gốc vẫn là THAM SÂN SI. Chỉ khi nào chuyển hoá được cái gốc này thì dù có tái sanh bao nhiêu kiếp cũng không thành vấn đề vì lúc này người này chỉ có sống vừa đủ cho chính mình và giúp ích cho cuộc đời, phước báu tự động đến nên một vị Nhập Dòng không bao giờ rơi vào đường khổ là vì vậy.

Từ những thân phận quan sát được làm cho con hiểu ra tầm quan trọng trách nhiệm của những hành động của mình trong đời để không hại mình hại người và có thể mở rộng lòng ra trước nhiều thân phận trong cuộc sống. Và đặc biết đó là luôn SOI SÁNG lại chính mình, cảm nhận, chiệm nghiệm mình qua những tình huống để cuối cùng thấy ra được ÁC cũng chỉ là một mặt đối lập bắt buộc của pháp thế gian. Dù chưa thực chứng điều này, vì con vẫn còn nhị nguyên ghét ác hơn thiện nhưng nhờ hiểu như vậy nên con cũng bình tâm và trầm tĩnh hơn trước những xấu ác của thế gian này, hạn chế việc chê trách mà quay lại quan sát phản ứng của mình trước sự việc.

Xin sư ông xem giúp những điều con hiểu đã thực sự đúng đắn chưa, vì con chưa thực chứng chỉ hiểu trên Lý mà thôi. Kính tri ân Sư Ông, con kính chúc Sư Ông thân tâm luôn an lạc!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 23-04-2020

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy,

Từ sau khi nghe lại một mạch các bài giảng của Thầy trên web, đã lâu rồi con không trình pháp. Có một thời gian khi ngày nào con cũng nghe pháp thì thấy mình dễ tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác hơn những lúc không nghe. Con nhận ra việc "hiểu được nguyên lý tu tập" và thực sự để tâm mình "không động không sầu" khi xúc chạm việc đời còn cách nhau rất xa. Con thấy mình thậm chí còn hơi "dính mắc" vào việc nghe pháp như người đau chân phải luôn phụ thuộc vào cái nạng.

Rồi một ngày con thử tạm bỏ "cái nạng" sang một bên, tự mình dấn thân vào vòng xoay của cuộc đời này. Ban đầu, con thấy mình hơi chênh vênh, có lúc chánh niệm - tỉnh giác, có lúc lại quên mất chánh niệm - tỉnh giác. Nhưng khi nhớ lại những bài giảng của Thầy, con không còn cảm thấy hoảng sợ hay hoang mang nữa, vì con biết mình đang đi đúng đường. Khi con tức giận, con thấy mình tức giận. Khi con tham ái, con thấy mình tham ái. Vì chỉ khi thực sự dấn thân, con mới càng thấm thía những điều Thầy giảng. Cứ thế, con đem theo hành trang mà Thầy trao cho chúng con - đó là "sự thật" - để bước vào cuộc đời. Như một người vừa tập bơi, dần dần tập bỏ "cái phao" ra mà tự mình vùng vẫy. Có như thế mới thật sự biết bơi được.

Con xin cảm ơn Thầy!
Con xin thành kính đảnh lễ Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 17-04-2020

Câu hỏi:

Kính thầy, khi xem phim hoạt hình với con của con, con chợt nhận ra, tại sao cứ giải quyết hết chuyện này đến chuyện khác trong nội tâm, trong khi cứ đưa hết về cái không, cái ban đầu là xong?!
6 căn, 6 trần, 6 thức không có gì là ta, của ta hay tự ngã của ta. Chỉ nương vào Phật tính giác ngộ mọi chuyện, con đường thì đã có Pháp lo, mình lo tu lo sửa thì cũng là thực hành theo Tăng đoàn rồi.
Tuy nhiên, vào mỗi lúc thấy ra như vậy con đều cảm thấy mình phải làm một cái gì đó khác với cái cái hiện tại và con cứ loay hoay tìm phương hướng tương lai. Nhưng may mắn thay con đã kịp nhận ra mình đang mong cầu cho tương lại mà quên phút giây hiện tại nên mọi chuyện đều quay về như cũ.
Con chỉ còn lo một chuyện là khi mình yếu về sức khỏe thì dễ bị xâm nhập bởi những cái làm cho mình chán nản và muốn thay đổi ngoại cảnh. Giờ những lúc như vậy con thường vào chùa lạy Phật và cũng đã có tác dụng. Con nhắc mình cần chánh niệm và nhẫn nại hơn để tự mình vượt qua thì tốt hơn.
Đôi điều con xin trình thầy. Con cám ơn thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 14-04-2020

Câu hỏi:

Thưa thầy! Con là một thiền sinh ở clb yoga thiền Vipassanā Nha Trang. Trước tiên con xin cảm ơn Thầy. Nhờ Thầy mà con thấy được sự thật về Đạo Phật. Đây là bài thơ đầu tiên con viết về con, xin trình lên thầy xem.
Vô minh đi kiếm đạo mầu,
Cái ta, bản ngã rủ nhau lên chùa.
Tụng kinh, niệm Phật a dua,
Ngồi thiền, đắc định chẳng thua kém gì.
Lễ nghi, giới luật uy nghi,
Thực hành miên mật khác gì chân tu.
Thả ra đối cảnh như thù,
Sân si chấp trước khác gì chúng sanh.
Cũng giành, cũng muốn, cũng tranh,
Khổ đau, phiền não càng sanh ngút trời...
Nhờ thầy dạy dỗ tận nơi,
Buông ra thấy pháp rong chơi nhẹ nhàng.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 13-04-2020

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy.
Hôm nay 13/4/2020 là một ngày đặc biệt đối với con: Con đã thấy "mùa màng thật trù phú" như lời Thầy giảng khi Thầy trích dẫn lời của Chúa rồi Thầy ạ. Con đã trở về và sống dễ dàng với tâm thanh tịnh, trong sáng vô cùng quý giá này. Con nguyện sử dụng tâm này tự ứng trong mọi hoạt động, mọi hoàn cảnh của con ạ. Cứ nghĩ đến công ơn khai mở của Thầy cho con nước mắt con lại chảy. Không ngờ con chỉ là người bình thường, trải dài nhiều khổ đau mà lại được hưởng phúc lành quá lớn như thế này. Con xin vô cùng tri ân Thầy ạ.
Con.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 29-03-2020

Câu hỏi:

Con kính đảnh lễ thầy ạ.
Kính thưa thầy, trước đây con có đọc cuốn Pháp bảo Đàn kinh của Lục Tổ. Và cùng với sự dẫn dắt của thầy, con biết được con đường đúng để đi mà không sợ lạc. Biết được về tự tánh. Và cái "thấy" chỉ diễn ra thi thoảng. Tức không phải lúc nào con cũng "thấy". Mà cái "thấy" này rất thất thường. Lúc rõ ràng lúc lại bị che khuất. Gần đây con có đọc cuốn Lão Tử Đạo Đức Kinh. Từ 1 số trang sách trong đó thì tự nhiên con "thấy" được những gì thầy giảng trước nay mà không phải là biết hay hiểu qua ý thức. Con chợt thấy tất cả đều là đạo. Cái lá úa rụng là đạo, thấy việc ba con phản đối con ăn chay, việc ba không thích nghe pháp cũng là đạo. Con thấy cái việc gì nó cũng đúng hết trơn. Đúng theo cái sự vận hành tự nhiên của nó. Như con cá thì tự có mang, tự mọc vây, con chim tự có cánh. Con tằm tự làm kén rồi chui ra mới thành bướm. Còn bình thường là con có xen cái ý muốn xé cái kén con tằm ra cho nó thành bướm nên mới thành điên đảo.
Thưa thầy con thấy vậy đúng hay không ạ?

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 23-03-2020

Câu hỏi:

Dạ thưa Sư Ông bản thân con cảm nhận đau khổ rất nhiều và càng cảm nhận khổ đau nhiều chừng nào tâm con giờ đây lại bén nhạy với nó hơn. Đã giúp con chứng thực ra 2 điều là
1/ Hễ có tâm bất thiện, không đúng tốt thì nạn nhân đầu tiên là mình chứ không ai khác. Ví dụ khi tâm ganh tỵ nổi lên thì người khác chẳng có vấn đề gì nhưng chính mình lại trong trạng thái bức bối bí bách hay bị từ chối bởi người khác phái mình thích thì tâm vừa khởi lên suy nghĩ phải cố gắng nỗ lực để giỏi một việc gì đó để chứng minh người đó đã nhìn sai về mình, thì chính ý nghĩ đó vừa khởi lên con cũng cảm nhận được sự tổn thương liền, nhưng nếu con chỉ việc quay lại cảm nhận nỗi đau bị từ chối tình cảm thì đó lại là điều dễ chịu nhất. Con muốn hỏi Sư Ông đây có phải là Định Luật Tâm ( tâm sinh vật lý ) không ạ ?
2/ Do cảm nhận đau khổ và mỗi lần như vậy không có cách nào khác ngoài việc nghe Sư Ông cảm nhận nên bây giờ bên trong con thấy rõ một điều khi khổ đau có mặt lập tức con thấy nếu phản ứng là khổ liền nên con buông ra được để chỉ cảm nhận thôi. Nó khó diễn tả lắm ạ, nhưng giống như có gì đó được lập trình tự động, khi khổ đau có mặt lập tức tâm nhận ra nếu phản ứng thì đau khổ hơn nên tâm liền chấp nhận lắng nghe cảm nhận. Ban đầu khi khổ đau có mặt, con lắng nghe cảm nhận là do nghe lời Sư Ông, nhưng tới giờ phút này đúng thực sự là tâm nhận biết ra điều đó chứ con hầu như không cần nghĩ tới lời dạy Sư Ông nữa. Điều này được gọi là gì ạ ?
Con xin kính tri ân Sư Ông và chúc Sư Ông mạnh khoẻ !

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 21-03-2020

Câu hỏi:

Dạ thưa Sư Ông sáng nay con có một trải nghiệm giúp con hiểu ra 2 điều Sư Ông nói. Bình thường khi ngủ dậy con sẽ lờ đờ và đứng lên rồi làm mọi thứ theo quán tính, vì đầu óc không đủ tỉnh táo để ứng ra thận trọng chú tâm quan sát. Nhưng đặc biệt sáng nay khi con tỉnh dậy đầu óc con rỗng rang và tự động con thấy mọi hành động con làm thường ngày đều được tỉnh thức mà không có nỗ lực nào cố gắng quay lại chính mình cả, sự tỉnh thức lại chính mình này một cách rất tự nhiên, nhưng tầm khoảng gần 10 phút thì mất đi vì lúc này ý thức cứ chen vào liên tục đặc biệt với người có những vấn đề tâm lý nặng như con. Nhưng ít ra trải nghiệm này cho con có niềm tin vì sự chứng thực từ mình.
Khi tư duy lại con hiểu ra được 2 điều mà Sư Ông nói là: cứ thận trọng chú tâm quan sát thì đến một lúc muốn không thận trọng chú tâm cũng không được và cách gieo duyên tốt nhất với Phật Pháp qua kiếp sau đó là thường sáng suốt biết mình. Vì nếu đến một lúc con quay được trở về trọn vẹn mọi lúc với chính mình thì qua kiếp sau chỉ cần một duyên xúc tác con sẽ thấy ra điều này dù lúc đó có gặp hay không gặp Phật Pháp Tăng chế định bởi lẽ con đã quay về Phật Pháp Tăng tự tánh của chính mình.
Con thành kính tri ân Sư Ông và chúc Sư Ông mạnh khoẻ!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 20-03-2020

Câu hỏi:

Dạ, trước hết con kính xin được đảnh lễ Sư Ông ạ
Con là Đức Minh Ngạn, xin được phép chúc Sư Ông luôn mạnh khỏe và an lạc ạ.
Hôm nay, con xin phép lần đầu tiên được viết thư hơi dài một tí để tâm sự cùng Sư Ông ạ. Mong Sư Ông cảm thông và cố gắng lắng nghe đôi dòng tâm sự từ con trẻ ạ, con xin cảm ơn Sư Ông rất nhiều ạ.
Dạ con được Quy Y Tam Bảo và thọ 5 Giới nhờ Sư Phụ hướng dẫn. Nhưng thời điểm đó, con chưa có khái niệm gì về tu học, hành trì hay giữ Giới gì hết. Cứ thế, con sống vẫn buông thả y như trước. Rồi một sự cố xảy đến, con chia tay người yêu, người mà con dự định sẽ đi cùng con trong chặng đường sau này. Một phần do dư nhiều thời gian, một phần để khỏa lấp đi nỗi buồn đó, con nghe giảng Pháp nhiều hơn, bỏ công sức ra tìm tòi và học hỏi nhiều hơn.

Thế là không biết từ khi nào mà con lại thấy: “ôi sao Phật Pháp thật hay quá, nhiệm mầu quá”. Trước tiên chỉ trên bề mặt lí luận và lời nói thôi. Rồi trong quá trình đó, con vấp phải vô số lỗi lầm, vô số sai phạm vì cái tính tham, sân và ngã mạn của mình, nghĩ mình biết nhiều hơn người này, người kia, mình hay rồi, mình giỏi rồi. May mắn thay cho con khi ấy, con có được Vị Minh Sư sáng suốt, rất sáng suốt và nhạy bén. Sư Phụ như thấu được nỗi lòng con, đem vào trong lời giảng. Con nghe mà thấm thía, con nghe mà tỉnh ngộ ra và thấy được những sai quấy của mình ạ.
Con xin phép nói thêm là Sư Phụ con xuất thân từ Tịnh Độ Tông, nhưng Ngài hay dùng những ngôn từ chân thật, những mẩu chuyện và những lời dạy rất gần gũi, và Ngài hướng những Phật tử thân cận tới với Vi Diệu Pháp, tới với Phật Giáo Nguyên Thủy. Ngay khi đó, vì con đi làm nên chưa thể sắp xếp thời gian để học Vi Diệu Pháp được ạ. Rồi có những buổi con được về sớm, được nghỉ phép, con thử đến học và từ đó con mê mẩn thêm từ khi nào không biết ạ. Sau đó, con càng cố gắng hơn những khi rảnh để nghe Quý Thầy, Quý Cô khác giảng dạy thêm trên mạng Youtube.

May mắn sao, con lại được cơ duyên đến với lớp Pháp Hành về Vipassanā, và học song song để bổ sung Pháp học và Pháp hành. Và tất cả mọi thứ đến rất tự nhiên, con không hề chuẩn bị trước hay là tìm hiểu trước chút nào ngay cả khi học Vi Diệu Pháp và Pháp Hành. Khi đó, Chánh Niệm với con nó đơn giản là Chánh Niệm chứ con đã biết gì về nó đâu. Về nhà con vẫn chưa thực sự quyết tâm để học và hành một cách rốt ráo ạ. Chỉ khi nào sực nhớ ra thì con mới thực tập Chánh Niệm. Chả hiểu sao, con lại chợt nhận ra, vậy nếu mình Chánh Niệm trong từng cử động nhỏ, từ ăn, uống, nói chuyện, viết bài, làm việc… cho tới cả việc tiêu tiểu, tắm rửa… thì có phải là mình đang thưc hành Thiền liên tục trong suốt lúc đó chứ đâu hẳn chỉ là việc đi Kinh Hành và ngồi Tọa Thiền?

Thêm một lần nữa, cơ duyên mỉm cười với con khi con thỉnh được quyển sách “Thực tại hiện tiền” do Sư Ông viết ạ. Do nội dung chấn động, và tư tưởng táo bạo, mạnh mẽ tươi mới trong đó, con lại được tìm đến Chùa Bửu Long và gặp Sư Ông ngay lần đầu tiên đó ạ. Quá trình sau đó tuy dài dòng nhưng con xin kể vắn tắt cùng Sư Ông vì con luôn cảm thấy con thật may mắn làm sao khi con đường tìm lại với Tam Bảo, với Chánh Pháp của con luôn thuận buồm, xuôi gió, luôn gặp được những Minh Sư, Thiện Hữu, những người Ân Nhân khai mở cho con, làm con bỏ bớt đi những thói hư, tật xấu, những cái dư thừa, không cần thiết để trở thành một người đạo đức, một người đạo đức đúng nghĩa mà không cần phải cố gắng nào để trờ thành cả ạ.

Quá trình tuy chưa tới 1 năm đó nhưng với con cuộc đời thay đổi hoàn toàn, và bản thân con, Tâm con cũng thay đổi hoàn toàn. Con chợt nhận ra yêu thương mọi người hơn, nhẹ nhàng trong từng cử chỉ, lời nói và bước đi hơn, con chăm chút hơn đến từng hơi thở của mình ạ. Và con lại thấy con thật là bất hiếu, thật là hư hỏng khi sống đến tận bây giờ mà vẫn còn làm Cha Mẹ buồn rầu và suy nghĩ rất nhiều về mình. Con chợt nhận ra con đã sống tồi tệ như thế nào, đã trôi dạt như thế nào đến tận bây giờ.

Dạ, mừng thay Sư Ông ạ, giờ với con việc giữ Giới nó trở thành như tất yếu trong cuộc sống, mỗi khi con chuẩn bị làm gì, nói gì thì các điều Giới đều hiện lên trước để bản thân cân nhắc ạ. Cũng như cái tham lam, sân hận, ngu si, ghét ghen… mọi thứ nó tự tan biến đi đâu mất mà con không có cố gắng để diệt trừ nó gì cả ạ. Không cả cần cố gắng để có được, hay là cố gắng để bỏ đi. Chánh Niệm chỉ đơn giản là nhận diện, nhận diện và nhận diện nó với tâm trí đơn thuần và trong sáng như 1 đứa trẻ thì mọi thứ cứ tự nhiên đến và tự nhiên đi thôi mà không thể bận lòng mình được ạ.

Dạ, thư đã dài, con xin phép Sư Ông dừng tại đây. Phật Pháp thật nhiệm mầu, thật vi diệu ạ. May mắn thay luôn được sống trong ánh sáng êm dịu từ Tam Bảo ạ. Con xin được tri ân tất cả ạ, nhất là Cha Mẹ, Sư Phụ con, các Quý Thầy, Quý Cô và cả Sư Ông đã luôn chỉ bảo, dạy dỗ con ạ. Xin Sư Ông chia sẻ tâm sự này cùng với con trẻ ạ.
Con Đức Minh Ngạn xin phép chào Sư Ông ạ

“… Thầy vui chia sẻ Đạo
con vui sống pháp thiền
Tuy cách xa ngàn dặm
Đạo Pháp vẫn vô biên…"

Xem Câu Trả Lời »