Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 16-04-2020
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy!
Nếu nói: "tất cả đều là một" và "con không phải họ và họ không phải con" thì câu nào là đúng ạ? Con thấy cả hai đều đúng. Khi nói "tất cả là một" khiến con sống vì mọi người, nhưng cũng không vì ai cả, con hòa mình vào tất cả, trải mình ra vô tận và không giới hạn. Khi nói "mình không phải họ, họ không phải mình", con thôi lăng xăng, can thiệp, tạo tác, điều khiển, kiểm soát những thứ bên ngoài mình, con chỉ ở đây biết mình thôi, họ có con đường của họ, con có con đường của con, và con thấy rằng khi con biết mình thì con cũng biết họ, khi con hiểu mình con bỗng nhiên hiểu họ...
Bỗng nhiên con nghĩ hai điều này có đúng không, nếu đúng thì có mâu thuẫn nhau không? Rốt cục thì con và tất cả là một hay con là con và họ là họ? Liệu con có nghĩ nhiều quá không ạ? Mong thầy chỉ giúp ạ!
Con kính mong Thầy mạnh khỏe, an vui!
Ngày gửi: 16-04-2020
Câu hỏi:
Kính bạch Sư Ông,
Ở trang 25, cuốn Đức Phật và Phật pháp, đạo sĩ A Tư Đà và 8 đạo sĩ Bà La Môn giáo đoán được hoàng tử Tất Đạt Đa sẽ đắc Quả Phật. Vậy trước đó, đã có khái niệm về ‘giác ngộ (Quả Phật)’, nghĩa là có ai đó đã giác ngộ trước thời hoàng tử Tất Đạt Đa. Như vậy, Đức Phật Thích Ca Mâu-Ni có phải là vị Phật đầu tiên không ạ?
Cảm ơn Sư Ông từ bi chỉ dạy.
Con Nguyên Đức
Ngày gửi: 15-04-2020
Câu hỏi:
Con kính thưa sư ông.
Thưa sư ông, có một vài vị thiền sư nói rằng "chú tâm là nguồn gốc của sự dính mắc". Con không hiểu vì sao thiền sư nói vậy. Nhưng khi con hành thiền thì con phát hiện ra đúng là như vậy. Vì có ý muốn chú tâm vào đối tượng, có nhiều ý niệm về đối tượng đó, có thái độ so sánh phân chia, lấy bỏ các đối tượng khác.
Nhưng đến một ngày, con chẳng chú ý vào cái gì cả, cũng chẳng có ý niệm thì con lại thấy nhiều đối tượng đến và đi tự nhiên, không có ai chỉ có cái biết, biết vậy thôi. Quá khứ vị lai nằm trong thực tại. Con tin tưởng rằng chỉ có sống trong hiện tại (cái thấy, thấy cái đang là) mới thực sự giúp mình giác ngộ, giải thoát.
Qua đây, xin sư ông giải thích "chú ý" và "chú tâm" trong câu "thận trọng, chú tâm, quan sát" khác nhau như thế nào ạ?
Con hi vọng có cơ hội trình pháp trực tiếp với sư ông vì dịch con chưa đi được. Con chúc sư ông sức khỏe và an vui. Thành kính tri ân sư ông.
Ngày gửi: 15-04-2020
Câu hỏi:
Kính bạch Sư. Thiền tập là quay về với bản tánh tự nhiên của con người là trong sáng lành thiện, như vậy theo con hiểu con người đã có sẵn bản tính đó rồi. Vậy giáo dục có vai trò thế nào trong việc hình thành và phát triển bản tính con người? Con kính mong Sư hoan hỉ giảng cho con hiểu. Con xin cảm ơn.
Ngày gửi: 15-04-2020
Câu hỏi:
Kính bạch quý Thiền Sư, quý hành giả đồng tu tập.
Con có gặp một vấn đề khi thực tập.
Con đang thực tập đếm hơi thở, thì các hình ảnh trong game online mà con đã chơi từ lâu xuất hiện và lôi kéo con theo những hình ảnh đó. Con xin quý thiền sư cùng các hành giả cho con ý kiến và phương pháp khắc phục ạ.
Con xin cảm ơn.
Ngày gửi: 15-04-2020
Câu hỏi:
Thưa thầy,
Dạo gần đây khi con quan sát thân tâm mình thì con thấy trong con tràn ngập lo âu và sợ hãi về tương lai của bản thân. Tình trạng này đã và đang diễn ra trong một vài tuần nay ạ. Mỗi tối trước khi đi ngủ con thường hay tụng kinh từ bi và hạnh phúc. Những lúc như vậy thì con thấy tâm con lại rất rỗng lặng, không còn lo âu nhiều nữa. Nhưng con lại không muốn bám chấp vào là phải tụng kinh để an cái tâm lại.
Con xin thầy chỉ bảo cho con và con kính chúc thầy sức khoẻ ạ.
Ngày gửi: 15-04-2020
Câu hỏi:
Thầy ơi cho con hỏi! Khi ngồi thiền sao con không tập trung vào tĩnh lặng được, đầu óc cứ nghĩ đâu đâu không? Xin được thầy chỉ dẫn giúp con, con xin cảm ơn thầy nhiều ạ!
Ngày gửi: 14-04-2020
Câu hỏi:
Chào thầy,
Con có viết bài này về dịch vi rút đang diễn ra. Không biết cái nhìn nhận con như vậy có gì sai không? Xin thầy cho con Ý kiến.
Con xin cảm ơn thầy
COVID-19, THẬT VÀ ẢO
Nếu bạn đã có lần hoài nghi về sự tồn tại của Chúa hay Phật A-Di-Đà thì bạn có quyền hoài nghi về các con vi rút này, vì tất cả cũng tạo ra từ suy nghĩ của con người.
Bạn sẽ bị các con chiên ngoan đạo ném đá nếu nói Chúa là không có thật hay các Phật tử ngoan hiền nổi đình khi cho Phật A-Di-Đà là do tưởng tượng, rồi cũng bị giới bác sĩ sùng bái khoa học giận dữ khi bạn hoài nghi về vi rút này.
Nếu bạn ăn trái cây, không uống rượu mà kiểm tra hơi thở cồn (+) hay đo độ cồn trong máu cao thì bạn sẽ phủ nhận ngay, vì đó là sự thật không chối cải. Khi thử hơi thở HP dạ dày (+) mà bạn không đau thượng vị thì cũng có thể bạn không tin xét nghiệm này, cũng như kết quả ký sinh trùng trong não (+) mà không có triệu chứng thì ta có thể bỏ lơ xét nghiệm trên. Bạn không uống rượu hay cảm nhận đau là sự thật tuyệt đối, các xét nghiệm là sự thật tương đối hay là cái bóng của sự thật.
Ngày nay có nhiều xét nghiệm được cho chính xác hơn, như RT-PCR, nhưng nó vẫn mang tính tương đối vì cũng tạo ra từ suy nghĩ con người và giới hạn. Phần lớn các nhà khoa học, các tổ chức WHO hay FDA, các tổng thống hay lãnh tụ nào đó bị điều khiển bởi lòng tham, nỗi sợ hãi hay sự vô minh của con người theo hướng đi chung nhân loại hiện nay. Bởi vậy, nếu chúng ta càng nương tựa vào phương tiện hiện đại thì càng nguy hiểm cho con người theo hướng đi trên.
Có bao giờ bạn bị “cảm cúm“ chưa? Phải chăng bạn bị sau khi một rối loạn hay mất cân bằng nào đó liên quan thể xác hay tinh thần, như làm việc quá sức hay lo lắng trong công việc kéo dài. Chỉ có bạn mới biết nguyên nhân gốc rễ của nó một khi biết lắng nghe cơ thể mình. Lắng nghe và nghỉ ngơi là một nghệ thuật giúp chẩn đoán và điều chỉnh mọi rối loạn của mình trong đời sống.
Khởi đầu là mệt mỏi toàn thân sau đó đau khu trú vùng hầu họng, có thể là ho khan hay có đờm, nếu ta không biết nghỉ ngơi thì tổn thương sẽ nặng hơn và cuối cùng xâm nhập đến phổi. Hơi thở là kết nối giữa phổi của ta với vũ trụ bên ngoài, khi cơ thể rối loạn kéo dài thì phổi sẽ tổn thương nặng hơn.
Hầu hết các rối loạn được cho là vi rút là tự phục hồi nếu ta biết lắng nghe và nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi về thân thì dễ nhưng không phải dễ cho ta nghỉ ngơi về tâm. Không có phương tiện nào bên ngoài giúp bạn thực hiện quá trình lắng nghe và nghỉ ngơi, vậy bạn gặp bác sĩ và đi bệnh viện giúp ích gì trong những trường hợp này?
Phần lớn các bệnh cho là ”mạn tính” như huyết áp hay tiểu đường là rối loạn thân tâm lâu ngày, một khi mắc bệnh là uống thuốc của đời. Một khi lệ thuộc bác sĩ hay bệnh viện ngày càng rối loạn hơn. Sự sợ hãi hay rối loạn thân tâm của họ như đến đỉnh khi mà họ được phán xét và gán thêm một loại vi rút lạ trong người và không có thuốc chữa. Họ đang rối loạn, lại bị cách ly thì càng tạo rối loạn thêm và dẫn đến tử vong là điều khó tránh khỏi.
Bạn là một thanh thanh niên khỏe mạnh bị cho là dương tính với xét nghiêm này, rồi bị cách ly, nghỉ việc làm, xa gia đình, sống chúng với các người bệnh đang chờ sự chết. Điều gì xảy ra nếu bạn là người không bình tĩnh? Mà bình thản sao được khi mà cả thế giới này rối loạn. Bệnh thì không có thuốc chữa, sự cách ly hay nhập viện dẫn đến rối loạn cho cả người mắc nhiễm và dẫn đến quá tải bệnh viện, nhiều người tử vong là điều chắc chắn.
Chẩn đoán bệnh chính xác phải dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng. Các xét nghiệm chỉ là các bóng của sự thật, một khi các xét nghiêm càng hiện đại mà đang bị điều khiển bởi lòng tham, nỗi sợ hãi hay sự vô minh của con người thì thật nguy hiểm, nhiều người mắc bệnh và tử vong là khó tránh khỏi.
Thực tế chúng ta thích đi tìm cái bóng hơn là sự thật, chúng ta tin các nhà khoa học, chúng ta tin Chúa hay Phật, chúng ta quan tâm đến phương tiện bên ngoài hơn lắng nghe cơ thể mình, chúng ta thích bỏ tiền nhiều để làm các xét nghiêm tầm soát, chúng ta dùng nhiều tiền tạo ra các vắc xin. Chúng ta đang đi tìm cái bóng của sự thật. Chúng ta ít quan tâm về tìm hiểu con người bên trong của mình hay học về sự lắng nghe và nghỉ ngơi. Phải chăng đó là lý do con người mất sự kết nối bên trong cũng như thế giới bên ngoài, hậu quả đã và đang tạo ra một chuỗi phản ứng rối loạn trên cho loài người hiện nay.
Ngày gửi: 14-04-2020
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, sự tương giao là Vô ngã, vậy chỉ có người giác ngộ mới thực sự là người sống trong sự tương giao được. Bình thường con không đòi hỏi người khác, nhưng khi họ đặt mối quan hệ với con là con nổi sân liền. Con còn chưa thông suốt về mặt ứng xử này, xin Thầy khai thị! Con cám ơn Thầy!
Ngày gửi: 14-04-2020
Câu hỏi:
Thưa thầy! Con là một thiền sinh ở clb yoga thiền Vipassanā Nha Trang. Trước tiên con xin cảm ơn Thầy. Nhờ Thầy mà con thấy được sự thật về Đạo Phật. Đây là bài thơ đầu tiên con viết về con, xin trình lên thầy xem.
Vô minh đi kiếm đạo mầu,
Cái ta, bản ngã rủ nhau lên chùa.
Tụng kinh, niệm Phật a dua,
Ngồi thiền, đắc định chẳng thua kém gì.
Lễ nghi, giới luật uy nghi,
Thực hành miên mật khác gì chân tu.
Thả ra đối cảnh như thù,
Sân si chấp trước khác gì chúng sanh.
Cũng giành, cũng muốn, cũng tranh,
Khổ đau, phiền não càng sanh ngút trời...
Nhờ thầy dạy dỗ tận nơi,
Buông ra thấy pháp rong chơi nhẹ nhàng.