Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 22-04-2021
Câu hỏi:
Kính bạch thầy!
Xin thầy từ bi cho con hỏi: đôi khi trong đời sống vì không muốn người thân, bạn bè lo lắng cho mình, con có nói đôi điều không đúng sự thật. Ví dụ: khi con đang tìm việc, nhưng ai đó hỏi con đang làm gì, thì con trả lời đang làm việc này việc kia, (dựa theo những công việc trước con đã làm, dù hiện tại con đang chưa có việc) nhưng con trả lời không phải với tâm lừa gạt để vụ lợi, thì con có đang phạm giới nói dối không ạ? Xin sư ông từ bi khai thị. Con xin thành kính tri ân thầy.
Ngày gửi: 25-03-2021
Câu hỏi:
Con kính đảnh lễ thầy ạ!
Thưa thầy, con rất hoan hỉ, vui mừng khi được thầy ban pháp danh. Con nghe pháp thoại của thầy cũng được 6 năm rồi, luôn ước ao được một lần gặp thầy. May mắn cho con năm ngoái thầy ra Hà Nội con đã được gặp thầy. Tuy chưa có cơ hội được nói chuyện trực tiếp nhưng con có phát nguyện theo lời thầy hướng dẫn đại chúng trong buổi giảng pháp hôm đó nguyện trọn đời giữ Tam Quy Ngũ Giới.
Sau buổi đó con thấy sự tu tập của con có sự biến chuyển rõ rệt, con dần thấy ra những cái vi tế hơn. Con chưa hiểu rõ nguyên nhân nhưng hôm qua sau khi thầy ban pháp danh con chợt thấy ra nguyên nhân của sự thay đổi đó. Sau khi đọc phát nguyện giữ Tam Quy Ngũ Giới con chú ý đến tâm mình hơn. Con luôn để ý xem mình đã Tam Quy chưa (nhất là xem mình có thuận pháp chưa hay chống đối pháp), mọi suy nghĩ hành động con cũng quan sát xem có phạm Ngũ Giới chưa, đặc biệt con quan sát các ý sinh khởi, thấy và hiểu tâm mình nhiều hơn.
Thưa thầy con còn dính mắc nhiều thế tục, con thấy người thân, nhất là chồng con dính mắc nhiều vào con, hơn nữa người thân con có nhiều chấp thủ nên thường bất toại nguyện và đau khổ. Con thấy con phần nào kết nối được mọi người và giúp họ có một sự yên bình nhất định, con thấy khi nói chuyện hay ở bên con họ ít suy nghĩ, suy diễn hơn. Mặc dù con không làm gì cả, con không hay nói chuyện, không tham gia nhiều vào bàn bạc chuyện gia đình, con chỉ sống chân thành và yêu thương.
Lòng con muốn xuất gia nhưng con biết duyên chưa tới. Sống và làm việc ngoài đời có nhiều chuyện con không biết có phạm giới không, nhiều khi bên ngoài làm 1 đằng nhưng trên văn bản giấy tờ lại ghi 1 nẻo, người ta xưa nay cứ làm thế như là luật bất thành văn vậy, nhiều khi hình thức, không làm nhưng vẫn báo cáo hay.
Con băn khoăn như vậy có phải nói dối không, con xét xem có hại mình, hại người không thì trình độ hạn hẹp của con lại không đủ để biết. Con xin thầy từ bi chỉ dạy cho con, con cảm ơn thầy ạ!
Ngày gửi: 24-10-2020
Câu hỏi:
Con kính chào Thầy, con xin trình pháp.
Con mới xuất gia nên đang học về giới luật và uy nghi. Con được dạy phải rèn luyện huân tập những thói quen tốt như đi đứng chậm rãi, chào hỏi, ăn uống,... theo trong sách dạy uy nghi. Một lần con đang ngồi ăn cùng 1 sư cô thì 1 sư cô khác mang bát tới ngồi cùng. Sau khi chắp tay quán niệm thầm trước khi ăn, sư cô đó xá chào con và sư cô kia rồi bắt đầu ăn. Vài phút sau sư cô quay sang hỏi sư cô kia rằng có nhìn thấy sư cô quán niệm và xá chào trước khi ăn không? Sư cô kia trả lời có. Để chắc chắn sư cô lại quay sang hỏi con cũng câu hỏi đó, con trả lời là con thấy sư cô đã chắp tay quán niệm và xá chào 2 người cùng bàn. Lúc đó Sư cô thú thật là đã hành động theo thói quen, không hề chánh niệm nên không nhớ biết gì cả.
Con đã nhận ra lời thầy dạy về mọi thói quen tập khí dù ta gọi là tốt xấu gì cũng là gốc của vô minh thất niệm. Nếu ta rèn luyện việc gì để trở nên thuần thục chính là do ta chấp có, trụ vào pháp đó. Vì thế khi học và hành giới luật và uy nghi con học để biết sống đúng tốt chứ không phải chấp vào giới tướng bởi vì cuộc sống mới mẻ mỗi phút giây nên chỉ khi chánh niệm tỉnh giác mới hành động đúng tốt chứ không phải hình thức của hành động được chế định đó. Con thấy ra lối sống trung đạo: học và hành theo giới luật uy nghi mà không rơi vào tà kiến giới cấm thủ, và tại sao tu không phải là rèn luyện để trở thành con người đẹp cao siêu theo một lý tưởng nào cả.
Con xin Thầy chỉ dạy thêm cho cái thấy của con.
Con cảm ơn Thầy.
Ngày gửi: 08-08-2020
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy!
Con hiểu trong đời sống, khổ giúp con người ta có cơ hội học ra bài học của chính mình. Càng khổ nhiều càng học được ra nhiều bài học. Theo con quan sát thì nhiều người do xúc chạm cuộc sống phạm nhiều sai lầm nên chính họ lại trưởng thành nhanh hơn rất nhiều so với những người sống trong vòng an toàn - giữ mình. Càng khổ nhiều sự ngộ (thấy ra bài học) càng nhanh. Với những người làm giáo dục thì bản thân họ do có phước báu từ quá khứ nên kiếp này được làm thân người và được làm nghề nuôi mạng chân chánh, dạy đạo đức, nhân cách cho học sinh. Điều này giúp con người ta phát triển theo hướng thiện lương, sống một đời sống lợi mình, lợi người. Tuy nhiên, ai cũng cần học bài học của mình và bài học cuộc sống dành cho mỗi người là khác nhau. Nếu ta cố tránh học bài học đó thì lúc khác bài học đó sẽ vẫn đến với ta để ta học nó. Và con hiểu, quy luật "Sinh - Trụ - Hoại - Diệt" cũng theo tự nhiên và không thể tránh được. Thực tại là đạo đức, lối sống của con người đang rất có vấn đề.
Vậy, con xin được Thầy chỉ dạy giúp con: Người làm giáo dục cần trau dồi đạo đức, nhân cách để làm gương và dạy cho học sinh là đúng phải không ạ? Song bản thân họ vẫn cần học ra bài học của riêng mình khi xúc chạm việc đời (cuộc sống), còn người học quan sát, nghe và thực hành được đến đâu còn do nghị lực, nhận thức hay nghiệp của họ dẫn dắt. Vì thế mới tạo nên một xã hội muôn màu và duyên, nghiệp của mỗi người là khác nhau. Giống như việc người Phật tử quy y Tam bảo và thọ trì ngũ giới. Song họ ý thức được vậy, còn việc có giữ được tròn đủ hay không lại là việc khác. Chỉ cần khi họ phạm vào một giới nào đó, họ biết là mình đang phạm giới cũng đã là tu rồi đúng không, thưa Thầy?
Con kính tri ân Thầy ạ!
Ngày gửi: 27-06-2020
Câu hỏi:
Con xin cúi đầu dưới chân thầy.
Sống đời ở giữa thế gian
Con luôn giữ lấy bình an làm đầu
Nương theo Phật pháp nhiệm mầu
Giữ tròn năm giới về đâu thì về.
Ngày gửi: 23-06-2020
Câu hỏi:
Thưa thầy kính mến!
Thầy ơi, con có nghe pháp của thầy thầy có nói rằng sự giữ giới tối thượng chính là sự tinh tế trong cuộc đời. Đây là điếu giáo giới tuyệt vời nhất. Thầy sáng soi giữa cuộc đời. Con chỉ muốn tri ân thầy. Mô Phật.
Ngày gửi: 14-06-2020
Câu hỏi:
Con kính lễ Thầy.
Thầy cho con hỏi câu hỏi về giới như sau ạ:
Ba con thường ngày Quy y Tam Bảo và Thọ Trì Ngũ Giới. Nhưng trước giờ ba con rất ít nhậu nhẹt này nọ mặc dù có làm ăn kinh doanh. Nhưng Ba con chỉ thỉnh thoảng có uống 1 lon bia trong khi ăn uống ở nhà với ý muốn cho tiêu hoá. Điều đó có ảnh hưởng gì đến Giới thứ 5 trong ngũ giới không ạ!? Nếu mình uống có kiểm soát như vậy thì như thế nào ạ.
Con thành kính tri ân Sư.
Ngày gửi: 03-04-2020
Câu hỏi:
Dạ bạch sư ông, nếu ở chùa mà có bạn đồng tu bị đồng tính làm ảnh hưởng đến đời sống tu tập của những bạn đồng tu khác thì nên phải làm gì ạ? Con mong nhận được lời khuyên của sư ông ạ! Con xin thành kính tri ân sư ông!
Ngày gửi: 29-03-2020
Câu hỏi:
Thưa Thầy, tại sao Thầy không trả lời con ạ. Có thể cách đặt câu hỏi của con bị sai, con xin hỏi lại ạ.
Có bài kinh nói rằng: ca hát là khóc than, nhảy múa là điên loạn trong giới luật của bậc Thánh.
Thầy nghĩ thế nào về đoạn kinh đó ạ?
Con cảm ơn Thầy!
Ngày gửi: 04-03-2020
Câu hỏi:
Thưa Thầy, con có thắc mắc về câu trả lời của Thầy cho một đạo hữu về giới tà dâm. Mong Thầy hoan hỷ khai thị cho con ạ.
Thầy có trả lời cho đạo hữu là: "Tà dâm là hành động thoả mãn tình dục với người khác (kể cả người đồng tính hoặc thú vật) mà chưa được pháp luật công nhận chính thức có quan hệ hôn phối (có giấy hôn thú)."
Con có thắc mắc rằng: các chế định của pháp luật thế gian đều thuộc về tục đế nên sẽ có thay đổi theo thời gian, không gian địa lý, nhận thức xã hội... Ví dụ như vấn đề hôn nhân giữa 2 người đồng tính, 30 năm trước người ta xem đó là bệnh và hầu như không một quốc gia nào trên thế giới cho phép người đồng tính kết hôn. Nhưng 30 năm sau khoa học đều đã chứng minh đó không phải là bệnh và đã có rất nhiều nước trên thế giới như Hà Lan, Thụy Điển, Mỹ hay gần với văn hóa Á Đông như Đài Loan đã công nhận việc kết hôn trên là hợp pháp. Như vậy nếu dùng pháp thế gian để định nghĩa giới tà dâm thì có phải có mâu thuẫn không ạ. Ví dụ, hai người đồng tính tự nguyện đến với nhau, có quan hệ tính dục với nhau, không làm chuyện hại mình hại người, nếu ở Việt Nam thì họ phạm giới tà dâm do Việt Nam chưa công nhận hôn nhân đồng giới, nhưng ở một không gian địa lý khác như ở Mỹ thì họ không phạm giới do có hôn phối được công nhận bởi pháp luật. Như vậy thì có phải là mâu thuẫn không ạ, mong Thầy giải nghi cho con.
Con xin thành kính đảnh lễ Thầy.