Kết quả Tìm Kiếm: Có 134 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'giới luật'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Kính bạch Sư, con có xem chương trình đàm luận Phật Pháp online, tình cờ có nghe một vị Sư nói là có những nghề nghiệp không nên làm ví dụ như buôn bán rượu bia chất say, nuôi súc vật đem bán lấy thịt, buôn người, nghề ca hát... <p>
Mấy nghề kia thì con hiểu nhưng riêng nghề ca hát thì con chưa hiểu rõ cho lắm. Con thỉnh thoảng khi rảnh cũng có chơi nhạc cụ liên quan đến âm nhạc như thế có ảnh hưởng gì đến việc thực hành thiền không thưa Sư? mong Sư khai sáng thêm cho con. <p>
Con xin cảm ơn và kính chúc Sư năm mới dồi giàu sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong Bát Quan Trai có giới không tự đàn hát hoặc nghe đàn hát, để cho người tại gia tập sống không say mê hay lệ thuộc vào âm thanh, ca từ làm mất chánh niệm tỉnh giác... Khi không thọ Bát Quan Trai thì vẫn có thể đàn hát hoặc nghe đàn hát được vì trong ngũ giới không có điều học này. Trong tà mạng không nói đến nghề ca hát, vì ca hát có nhiều thể loại khác nhau, có loại lành mạnh mà các tôn giáo cũng dùng để giúp tín đồ hướng thiện. Nếu có cấm thì chỉ những loại ca hát không lành mạnh mà thôi.
Câu hỏi:
Kính Sư, con xin đem hết lòng thành kính đảnh lễ Sư. <p>
Xin Sư cho con được hỏi, trong việc giữ năm giới của người Cư Sĩ, khía cạnh Tục đế và Chân đế. Thí dụ như giới "không nói dối", nếu nói dối để cứu người có được không? <p>
Hay vợ chồng chỉ là qui ước thế gian, nếu sống không có hạnh phúc, tin yêu và kính trọng lẫn nhau thì có nên ly dị để đường ai nấy đi, tạo điều kiện để giữ giới và bảo vệ thân mạng, huệ mạng của mỗi người? <p>
Hay giới "không trộm cắp", một ông chủ giàu có, thuê mướn bóc lột nhân công trả lương rẻ mạt, công nhân trong lúc làm nếu có lén lấy tiền thì bị xem như phạm giới trộm cắp, nhưng thật ra chính ông chủ ấy mới là người phạm tội trộm cắp (vì của cải vật chất tạo ra một phần lớn là thuộc về người công nhân). <p>
Con kính xin Sư chỉ dạy.
Con kính tri ân Sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giới chế định là điều học (sikkhāpada) có tính tương đối, do vậy con cứ qua đó mà học ra bản chất hành động của mình (thiện, ác, đúng, sai, xấu, tốt...), chứ không thể kết luận điều gì nhất định được là đúng hay sai hẳn mà phải nhận thức tùy theo trường hợp hay hoàn cảnh cụ thể của mỗi hành động.
Câu hỏi:
Kính Bạch Thầy!
Con xin đảnh lễ thầy! <p>
Con rất muốn thọ trì bát quan trai giới, nhưng con còn vướng bận công việc hằng ngày. Xin thầy hướng dẫn cho con cách thức để mình tự thực hành với ạ. Con xin cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bát quan trai giới gồm 5 giới chính và thêm 3 giới nữa là: 1) Không ăn sau giờ ngọ (khoảng 12 đến 13h trưa), 2) Không trang điểm và nghe ca vũ nhạc kịch, 3) Không ngồi nằm những nơi cao sang, với mục đích tập sống giản dị không lệ thuộc vào điều kiện tiện nghi vật chất. Nếu con thấy những điều đó giúp con sống thanh thản nhẹ nhàng hơn thì con có thể tự nguyện thực hành theo mỗi tháng 2 ngày, 4 ngày, 8 ngày, cũng có thể nguyện thọ trì trong 1 tháng, 2 tháng hoặc trọn đời v.v... đều được tùy khả năng của con.
Câu hỏi:
Kính thưa Sư Ông, <p>
Trong cuộc sống khi nào thì chúng con nên giữ giới chế định, khi nào thì không cần ạ? Khi nào thì cần dùng pháp môn phương tiện, khi nào thì không cần ạ? Giả sử khi tâm tham nổi lên mạnh mẽ mà con không đủ định tĩnh, sáng suốt để lặng yên quan sát thì con có nên dùng pháp môn phương tiện để đè nén tạm thời không ạ? Vì nếu không đè nén thì con sẽ bị cuốn trôi. Nhưng nếu đè nén các tâm bất thiện vào vô thức thì con lại mất đi cơ hội để học ra bài học giác ngộ từ đó. Đây là điều con băn khoăn đã lâu, xin Sư Ông khai sáng thêm cho con. Con xin cảm tạ và đảnh lễ Sư Ông từ xa.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giới định tuệ chế định mang tính đối trị, tất nhiên là cần thiết khi con chưa đủ sáng suốt định tĩnh trong lành - là giới định tuệ tự tánh - để trực tiếp trở về pháp thực tánh như nó đang là (pháp tánh chân như). Nếu đối trị trong nhận thức đúng thì vẫn không bị đè nén, chỉ khi con đối trị vì ý chí chủ quan của bản ngã mới rơi vào tình trạng dồn nén vào vô thức.
Câu hỏi:
Con xin đảnh lễ sư. Con có những điều chưa rõ trên đường tu học. Kính xin sư giải thích cho con: <p>
1- Nếu tu theo phép chỉ có cái Biết quan sát mọi sự mọi việc đến rồi đi thì GIỚI (sát, đạo, dâm, vọng) trong đạo Phật có cần đề ra và tuân thủ không? <p>
2- Con thấy vọng tâm cứ sinh, diệt rồi lại sinh. Nếu không dùng cách để ngưng dứt mà chỉ Biết thì biết bao giờ tâm mới được an? <p>
3- Mỗi người nhìn mọi sự mọi việc theo lăng kính riêng của mình. Họ bị chi phối bởi giống loài, giới tính, nghề nghiệp, học thức, địa vị xã hội, tuổi tác. Như vậy con thấy vẫn còn chưa nhìn và sống bằng sự thật, do đó vẫn còn như trong mơ. <p>
Thành tâm kính xin sư giải đáp và dạy cho con cách làm sao để được nhìn vạn vật bằng cái nhìn chơn thật và sống với tánh giác vốn có. Con mong sư luôn khỏe mạnh. Kính thư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Khi chỉ còn tánh biết quan sát rõ ràng mọi sự thì cái ngã lăng xăng tạo tác không còn, lúc đó làm sao còn có sát đạo dâm vọng được, không những vậy mà lúc đó mọi hành vi cử chỉ đều là giới, nên Phật gọi đó là giới vô lượng. Có lần một vị Tỷ kheo bạch Phật rằng giới luật nhiều quá con không nhớ hết để giữ, Phật dạy vị ấy chỉ cần giữ tâm thôi là được. Giữ tâm chính là trở về với tánh biết để thấy thân tức là giữ giới, thấy thọ, tâm tức là thiền định, thấy pháp tức là thiền tuệ vậy. Như vậy chỉ khi thấy biết chân thực thì giới định tuệ mới hoàn hảo được.
2) Nếu không thấy biết sự sinh, diệt, vị ngọt và sự nguy hại của những vọng tâm mà chỉ muốn ngưng dứt tâm thôi thì không những không ngưng dứt được mà còn dồn nén chúng vào vô thức để chúng ngày càng lớn mạnh thêm, như vậy muôn đời không thể giác ngộ giải thoát được. Nhưng nếu biết thận trọng chú tâm quan sát mọi sự thì vọng không thể nào khởi được, mà có khởi thì liền thấy sự sinh, diệt, vị ngọt và sự nguy hại của nó nên mới có thể xuất ly. Do đó đức Phật dạy: "Không nên chế ngự ý, hoàn toàn về mọi mặt" (S1,14) mà chỉ khi thấy biết trung thực thì mới thoát ly được chúng.
3) Trong thấy chỉ thấy thôi, trong nghe chỉ nghe thôi, ... trong biết chỉ biết thôi không xen "cái ta" tư tưởng, quan niệm, thành kiến, tình cảm chủ quan (thức tri, tưởng tri) vào thì liền thấy như thật, tức thấy pháp thực tánh. Đó là thấy biết của trí tuệ (tuệ tri). Biết thận trọng chú tâm quan sát thực tại, biết trở về trọn vẹn tỉnh thức ngay đây và bây giờ chính là cách mà đức Phật gọi là tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác với thân-thọ-tâm-pháp vậy.
Câu hỏi:
Thưa Thầy,<p>
Phòng con có nhiều bánh nhưng nó sắp hết hạng rồi. Tuy buổi chiều con không đói bụng, nhưng nghĩ nếu để đến ngày mai thì bánh hư đi, nên con ăn cho xong. Nhưng rồi con lại bị phạm giới ăn sái giờ. Chọn ăn thì bị phạm giới cũng mang tội, hoặc chọn giữ giới mà vứt bánh vô thùng rác thì cũng mang tội. Dù chọn trong một cái nào cũng bị tội. Thiệt là kẹt ghê.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tại con quá phân biệt tội phước nên mới phân vân, còn nếu con xem đó là điều học để học ra sự thật thì con sẽ nhờ đó mà giác ngộ giải thoát. Ngược lại nếu con chấp vào phước tội thì muôn đời vẫn không thoát khỏi phân vân. Phân vân chính là hoài nghi và chấp hình thức (giới tướng) mà không thông nội dung (giới thể) chính là giới cấm thủ.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy! <p>
Đã lâu con không có câu hỏi nào để hỏi thầy, vì con hằng tự quan sát và rút ra bài học hàng ngày. Có gì cần học hỏi thêm thì con thường vào trang Web này nghe lại pháp thoại, đọc mục hỏi đáp từ thầy và các đạo hữu. Nói chung từ khi thực hành thiền không phương pháp con đã ít đọc, học theo các sách và bài viết của các bậc thiện tri thức khác, con thấy tâm được an lành, nhẹ nhõm, bớt sân hận (điều này trước kia con đã hỏi thầy). <p>
Hôm nay con có điều này cần chia sẻ với thầy là: Con học được bài học từ việc lạm dụng uống rượu (con biết là đã phạm một điều cấm của người con Phật đã quy y Tam bảo). Vâng thầy ạ, thường ngày con rất chú ý điều này, nhưng vì con đang công tác, ở môi trường thường phải tiếp khách, cũng như khi giao lưu với bạn bè cùng học, giao lưu với họ hàng khi có đám cưới, đám giỗ, hội làng v.v... nên khi tiếp xúc nếu con nói không uống được (lí do là bị bệnh chẳng hạn) thì lại mắc vào điều nói dối nên con thường phải uống (lúc đó con quan sát tâm con nhận biết bị giằng xé, nghi hoặc...) và thường con tự chủ động cho mình uống "vừa đủ". <p>
Nhưng thưa thầy, làm sao "vừa đủ" được khi có những cuộc xung quanh con toàn là "bợm nhậu" hoặc "bên A". Con không thể nói mình bị bệnh, càng không thể nói mình đã quy y Tam Bảo nên không uống rượu, kể cả những bạn hữu thân thiết của con nữa (vì trước kia khi con chưa quy y con vẫn uống mà!). Nên hôm vừa rồi con bị say rượu (do bị ép quá) con đã được bài học và con đã thấu hiểu vì sao Đức Phật đưa ra điều cấm uống rượu và các chất say. <p>
Vâng thưa thầy, con xin hỏi: hiện tại con nên vẫn uống rượu (uống ít thôi) và vẫn phải học ra những bài học của mình để điều chỉnh nhận thức, hành vi. Hay có thái độ dứt khoát từ bỏ rượu để tiếp tục được học các bài học khác: bài học về quan hệ xã hội, quan hệ bạn bè, quan hệ họ hàng, làng xã...? <p>
Con hỏi thầy đã dài. Con cám ơn thầy đã đọc và xin thầy chỉ cho con.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giới là điều học (sikkhāpada), do đó giới giúp con học ra và điều chỉnh chính mình trong quan hệ xã hội, từ đó đưa đến hành vi thận trọng, tinh tế và trong lành. Hình thức giới không quan trọng bằng thấy ra ý nghĩa đích thực của giới đó. Có người giữ đúng hình thức của giới nhưng chưa tự mình hiểu ra nội dung ý nghĩa của giới thì vẫn không tiến hóa được. Việc quyết định từ bỏ hay không tùy thuộc vào nhận thức của con về ý nghĩa của giới đó hơn là cố gắng biểu hiện hình thức bên ngoài.
Câu hỏi:
Vì cuộc sống, nên con làm việc cho 1 cửa hàng bán cá. Công việc của con là khách tới mua, chọn cá xong con sẽ bắt đập đầu, làm sạch sẽ rồi giao cho khách. Con không thể chọn nghề khác được vì công việc đang ổn định và phải nuôi sống gia đình nữa. Toàn bộ quá trình giết cá như vậy con là người thụ động về tâm nhưng hành vi lại là người trực tiếp giết. Vậy trong trường hợp này, có tạo thành nghiệp và quả của nghiệp sát sanh không?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giới có nhiều cung bậc khác nhau nhưng chung quy là giúp cho hành động và nói năng của con được trong lành, nghĩa là nói làm đúng tốt xuất phát từ tâm hiền thiện không hại mình hại người. Lúc đầu đối với người tự mình chưa nhận thức được thế nào là hành động xấu tốt, đúng sai, thiện ác thì giới là qui định ngăn cấm, hạn chế và ngăn ngừa từ bên ngoài, như giới luật, pháp luật chẳng hạn. Khi bắt đầu có trí khôn biết nhận xét thì giới là điều học qua đó học ra điều gì nên làm điều gì không nên làm, điều gì lợi mình lợi người, điều gì hại mình hại người. Khi đã nhận thức được điều gì đúng tốt điều gì xấu ác thì giới bắt đầu vượt ra khỏi hình thức chế định hữu hạn từ bên ngoài mà giới trở nên vô lượng, lúc đó giới là thể hiện sự thận trọng từ bên trong. Khi nói làm đã thận trọng thì giới là sự tinh tế trong hành vi tỉnh thức và thông minh để cuối cùng giới chỉ còn lại là tính hiền thiện, trong lành và tự tại. Đó là bài học của con cho trí tuệ và đạo đức nên con cần tự mình quan sát chiêm nghiệm lại việc làm của con xem nó đang ở cung bậc nào của giới để tự điều chỉnh và nâng cao nhận thức trong hành vi của mình cho đến khi đúng tốt và trong lành là được.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, <p>
1- Con thường đến một chùa nọ tu tập mỗi tuần. Con biết được quí Tăng chúng trong chùa đó có chuyện xích mích, bây giờ không còn hòa hợp với nhau. Thưa thầy, con có nên tiếp tục đi chùa đó nữa không? Mỗi lần quí thầy lên giảng pháp thường khuyên Phật tử phải sống hòa hợp với nhau, nay quí thầy có chuyện bất hòa không giải quyết để sống hòa hợp được làm con thấy mất lòng tin. Xin thầy cho con lời khuyên. <p>
2- Trong giới luật nhà Phật, người Phật tử không được nói lỗi một vị tu sĩ phải không thầy? Nếu phải, thì tại sao vậy thầy, một vị tu sĩ cũng là một chúng sanh phàm phu đang tu tập như tất cả các cư sĩ Phật tử khác thôi. <p>
3- Tâm của người nói lỗi, phê bình hay chỉ trích người khác là tâm ngã mạn, phải không thưa thầy? Xin thầy hướng dẫn chúng con tu tập pháp gì để chuyển hóa tâm ngã mạn này. <p>
Con cảm ơn thầy rất nhiều. Con kính chúc thầy luôn được khỏe mạnh, bình an.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Đến chùa học đạo và tu tập thì nên "Y pháp bất y nhân" nghĩa là chỉ nên chuyên tâm học Phật pháp còn ai nói pháp và người đó có hành theo hay không không quan trọng. Tích xưa kể rằng Bồ-tát tiền thân đức Phật Thích-ca xin đổi mạng để cầu một con Quỷ Dạ-xoa nói cho ngài nghe câu Phật ngôn mà hắn còn nhớ được, dù nghe xong phải hiến thân cho Quỷ cũng cam lòng. Các vị sư trong chùa bất hòa cũng có mặt tốt của nó vì có như vậy họ mới va chạm để vỡ ra những bảo thủ cố chấp cá biệt một chiều của mình. Tính mâu thuẫn là tất yếu của đời sống để giúp mọi người thấy ra được mặt khác của chân lý đời sống.
2) Không phải chỉ không nên nói lỗi chư Tăng mà không nên chỉ trích lỗi của bất kỳ ai khác, bởi vì ai mà không từng có lỗi, nếu không có lỗi có sai làm sao thấy ra cái đúng cái tốt, làm sao biết tu tập để điều chỉnh nhận thức và hành vi. Người chỉ lo chỉ trích lỗi của người khác thì không thể thấy ra lỗi của mình. Cái sai của một số cư sĩ là muốn các nhà sư phải hoàn hảo theo ý mình nghĩ mà không thông cảm rằng họ cũng là những người còn sai nên mới đi tu. Hơn nữa mình không ở trong hoàn cảnh của họ làm sao phê phán họ được. Thầy đã từng thấy nhiều người ở ngoài chỉ trích các vị sư nhưng khi họ xuất gia thì còn tồi tệ hơn thế.
3) Đúng là chỉ trích người khác thì phần lớn là tự cao ngã mạn. Cho nên đức Phật dạy:
Chớ nên dòm lỗi người
Xem họ đã làm gì
Chỉ nên nhìn lại mhình
Thử đã làm được gì.
Vậy cách tốt nhất là thường thận trọng chú tâm quan sát để phát hiện ra lỗi mình, thì sẽ biết thông cảm với lỗi người.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy,<p>
Con rất thích câu trả lời của thầy trong mục hỏi đáp, rất tận tình và trí tuệ. Con muốn hỏi thầy về giới. Thầy cho con hỏi sử dụng xà bông, nước rửa chén, kem đánh răng hay bột giặt có phải là phạm giới sát sanh? Hồi xưa thời của đức Phật không có những thứ này nên các vị thời đó nếu muốn giữ giới đều có thể hoàn hảo có phải không thầy? Mong thầy giải đáp nghi vấn này của con. <p>
Con xin cám ơn và đảnh lễ thầy. Mong thầy thân tâm được an ổn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giới là điều học (sikkhāpadam) để qua đó con học ra thái độ hành động của mình là đúng hay sai, thiện hay bất thiện, hại mình hại người hay vô hại... do đó mỗi người phải tự học ra bài học điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình chứ không nên lệ thuộc vào ai khác, cũng không nên bắt chước ai. Mỗi người một trình độ khác nhau nên cách giữ giới cũng không giống nhau. Có người tưởng như giữ giới sai nhưng lại đúng, và ngược lại, người tưởng là giữ giới đúng hóa ra lại sai.
Giới có nhiều loại: Loại chế định, loại tự tánh, loại hữu hạn, loại vô hạn đều có giới tướng, giới tánh khác nhau... Riêng giới chế định cũng có 4 loại: 1) Thu thúc lục căn 2) Quán tưởng bốn vật dụng 3) Nuôi mạng chơn chánh 4) Giới giải thoát theo từng điều học. Nhưng chung quy con hành động nói năng thận trọng là cách tốt nhất để giữ giới được trong sạch. (Con vào mục Pháp Thoại nghe thầy giảng Khóa 13 ngày 8B có trả lời câu hỏi về việc giữ giới. Và muốn rõ hơn nữa con vào mục Thư Viện đọc Sống Trong Thực Tại, chương 7: Hành Xử Tinh Tế có nói về ý nghĩa của giới).
Riêng đối với giới sát sanh thì có 5 chi:
1) Vật còn sống
2) Thấy biết vật còn sống
3) Muốn giết
4) Cố ý giết
5) Vật chết do sự cố sát.
Hành động đủ 5 chi trên mới gọi là sát sanh. Như vậy trong 5 chi sát sanh cố ý sát hại khi thấy biết vật còn sống là chính, nếu không thấy biết và không cố ý thì không thành tội. Thí dụ con giặt áo, đánh răng... cho sạch chứ không cố ý diệt trừ vi khuẩn, con đi chùa học đạo chứ không cố ý đạp kiến chết, con nấu thức ăn dâng chư Tăng chứ không cố ý luộc chết vi trùng, v.v... thì không những không có tội mà còn có phước nữa. Ngài Cakkhupāla vì tu quá tinh tấn - không ngủ để hành đạo - nên vừa đắc quả Alahán cũng vừa bị mù luôn, nên khi đi kinh hành ngài đạp chết rất nhiều côn trùng, nhưng ngài không có tội vì không thấy biết và không cố ý sát sanh. Giới thanh tịnh là để tâm thanh tịnh (định), tâm thanh tịnh là để tri kiến thanh tịnh (tuệ), nên nếu tâm và tuệ đã tịnh thì giới tánh đương nhiên là tịnh, lúc đó giới tướng bên ngoài không còn quan trọng nữa.