Hỏi Đáp Phật Pháp
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 16-11-2010
Câu hỏi:
Con thưa Thầy,Thầy vui lòng chia sẻ kinh nghiệm của Thầy giúp con là: TẤT CẢ CÁC HÀNH LÀ KHỔ - vậy 1 ngày (24h) ngủ bao nhiêu tiếng là đủ và tốt. Mong Thầy hoan hỷ chia sẻ kinh nghiệm giúp con ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Các hành (sankhàra) ở đây ám chỉ tâm hữu vi tạo tác, cái tâm lăng xăng ghét cái này thích cái kia, bỏ cái này lấy cái nọ, không ngừng chọn lựa theo vô minh ái dục của cái ta ảo tưởng. Đức Phật dạy chẳng thà ngủ đi còn hơn là để cái ta lăng xăng tạo tác, vì tất cả pháp hành là khổ. Nếu một người khi thức luôn hành động, nói năng, suy nghĩ một cách sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì dù người ấy ngủ bao lâu giấc ngủ vẫn tốt hơn một người thức mà lăng xăng tạo tác bất thiện. Giấc ngủ là một sự điều chỉnh tự nhiên của pháp để làm quân bình giữa hoạt động và yên tịnh. Tuy y học khuyên nên ngủ từ 6 đến 8 tiếng một ngày, nhưng tốt nhất mỗi người phải tự khám phá xem nên ngủ bao nhiêu để điều hòa cuộc sống của mình, chứ không có tiêu chuẩn nào nhất định.
Ngày gửi: 14-11-2010
Câu hỏi:
Kính thưa Sư, con là một Phật tử. Con thường xuyên đi chùa, học hỏi với quý thầy. Con cũng có ngồi thiền nhưng sao niệm vẫn khởi lung tung, nhiều khi con nói chuyện một mình trong đầu, con mất ngủ. Con kính xin sư bày cho con cách để trị bệnh tán loạn đó. Điều này có thường xảy ra cho chúng sanh không và con đã làm gì kiếp trước để bị như vậy? Con kính tri ân Sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có thể là do con cố gắng ổn định tâm quá nên tâm bị ức chế và nó tìm cách thoát khỏi sự khống chế của con bằng con đường phóng tâm trạo cử. Việc này đưa đến căng thẳng, bất an và sinh ra hôn trầm hoặc mất ngủ. Biểu hiện không tốt đó đang báo cho con biết là đã niệm sai, không nên tiếp tục như vậy nữa. Hãy thư giãn buông xả cho thân tâm nghĩ ngơi thoải mái. Hãy làm việc tự nhiên và biết mình đang làm việc là đủ rồi. Niệm có mục đích đưa tâm chạy rong về lại với tình trạng hiện tại. Khi làm việc gì hay đang trong tình trạng nào con chỉ cần để tâm vào công việc hay tình trạnh đó là tâm con đã chánh niệm rồi đâu cần niệm gì nữa cho căng thẳng thêm? Đừng mong muốn đạt được điều gì đó để rồi tự làm khổ thân tâm. Hãy luôn trân trọng thân tâm và ý thức chính mình trong từng giây phút, vì đó là sự sống vốn đầy đủ mọi sự thật rồi.
Ngày gửi: 14-11-2010
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, chị con từ nhỏ đến giờ, gần 60 tuổi, rất khổ vì vô minh, có nhiều tham sân si phiền não, làm khổ mình, làm khổ ba mẹ con và những người trong gia đình nhưng không muốn biết đạo, đừng nói chi đến tu tập. Chị thường xuyên mượn tiền mọi người và than thở, được nhận lời khuyên nhưng tánh nào tật nấy. Bây giờ chị kêu cứu đến con, con có nên tránh những người như vậy không. Con kính xin Thầy cho con lời khuyên vì con chủ trương chỉ có tu, có trí tuệ mới hết khổ thôi. Con xin tạ ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tu là tốt nhưng không phải chỉ lo sao cho mình giải thoát mới là tu, mà chia sẻ với những nỗi khổ đau của người khác, cảm thông tha thứ cho những lỗi lầm của người khác, phục vụ cho lợi ích tha nhân... nghĩa là sống vô ngã vị tha, thì đó cũng chính là tu. Con thử tập lắng nghe chị ấy, tiếp cận chị ấy với lòng thương yêu thông cảm, những người tội lỗi lại cần lòng thương yêu và thông cảm hơn ai khác, biết đâu tình thương yêu của con lại chuyển hóa được chị ấy. Thật ra những người tội lỗi rất đáng thương yêu tha thứ phải không? Nếu con làm được như vậy thì sự tu tập của con sẽ tiến bộ vượt bậc đó.
Ngày gửi: 14-11-2010
Câu hỏi:
Thưa thầy! Con cảm ơn thầy rất nhiều. Từ hồi được thầy hướng dẫn, con đã thận trọng, chú tâm, quan sát và dần hiểu được tánh "không" nơi Pháp, và tánh "không" ngay nơi thân con. Nhưng chính vì thấy tính chất "không" nên con không thấy sự "khổ" trong thực tánh Pháp mà thầy nói (Vô thường, Khổ, Vô Ngã). Vì lẽ, đã là không - vô ngã thì cũng không có đối tượng để khổ. Thưa thầy, như vậy có phải con đã thấy và hiểu sai không ạ? Và sự "khổ" trong thực tánh pháp phải hiểu thế nào cho đúng, xin thầy hướng dẫn chúng con ạ. Con cảm ơn thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Người giác ngộ không còn cái khổ chủ quan do bản ngã tạo ra (khổ đế), nhưng cái khổ khách quan trong đời sống tự nhiên hay do quả của nghiệp thì dù thành Phật vẫn có. Như đói quá, lạnh quá, ngồi lâu thì nhức mỏi, trúng nắng thì đau đầu v.v... Còn biết bao nhiêu khổ quả khác mà mỗi người phải gặt trong đời. Nhưng vấn đề không khải là khổ hay lạc mà là thái độ của tâm đối với khổ hay lạc đó. Nếu khổ mà tâm vẫn sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì giác ngộ giải thoát, nếu lạc mà tâm tham sân si thì vẫn luân hồi sinh tử. Chỉ những bậc giác ngộ mới thấy khổ là khổ nên mới chấp nhận khổ để cứu khổ mà thôi.
Ngày gửi: 13-11-2010
Câu hỏi:
Thưa thầy, con và bạn con có tình cảm với nhau. Tuổi của con là Canh Ngọ (nam), tuổi bạn con là Nhâm thân (nữ). Theo Tử Vi thì đây là hai tuổi đại kị và sẽ không tốt cho hai đứa sau này nếu cả hai tiến tới chuyện tình duyên và thậm chí cả đường làm ăn... Tuy nhiên, Tử Vi có mô tả đúng Pháp không ạ? Con thấy cuốn sách Tử Vi đó nói về ba mẹ con rất đúng nhưng điều đó chưa đủ để con có thể tin hoàn toàn vì nó mới chỉ là một trường hợp nhỏ.
Chuyện tìm hiểu về tuổi tác có hợp hay không trong cuộc sống rất nhiều. Điều đó có lẽ cũng phù hợp bởi họ cũng mong những điều tốt đẹp sẽ tới cho mình và mọi người. Có điều, con nghĩ chuyện coi tuổi phù hợp hay không chỉ thực sự tốt khi Tử Vi mô tả đúng Pháp và không có sự chọn lựa của cái bản ngã. Ngoài việc coi tử vi về đường tình duyên, người mình còn coi về nhiều thứ khác nữa như là làm ăn, chọn ngày xây nhà... Nếu Tử Vi không phản ánh đúng Pháp thì nó chỉ là trò chơi của cái bản ngã phải không thầy? Và điều đó có gọi là mê tín không ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tử Vi là một bộ môn ứng dụng Dịch lý trên năm tháng ngày giờ sinh để tiên đoán vận mệnh của mỗi người. Tử Vi có 2 phần: Phần tĩnh là quả của nhân tạo tác quá khứ được biểu hiện trong một vận mệnh, và phần động là nhân mới được tạo ra từ phản ứng đối với vận mệnh đó. Tử vi chỉ nói đúng phần tĩnh, còn phần động chỉ suy đoán thôi vì không ai lường trước được một người sẽ phản ứng thế nào trước vận mệnh của mình. Hơn nữa tử vi có thể đúng nhưng khả năng của người tiên đoán có giới hạn nên độ tin cậy không cao. Và một khi "đức năng thắng số" thì tử vi còn tùy vào thái độ sống của mỗi người như thế nào. Ví dụ, một người có phần tĩnh của vận mệnh xấu nhưng người đó lại sống tích cực, lương thiện nên phần động lại tốt. Vấn đề không phải là có số tử vi tốt hay xấu mà là có học được từ vận mệnh của mình bài học nhận thức và ứng xử đúng tốt hay không.
Tuổi sinh khắc nhau cũng đúng, nhưng nếu có duyên phận với nhau thì sinh hay khắc cũng là duyên phận, làm sao tránh khỏi! Nhưng người có đức có trí thì dù sinh hay khắc cũng giúp họ trải nghiệm cuộc sống một cách phong phú và bản lãnh hơn. Nếu ai cũng chỉ muốn chọn cái tốt cho mình thì càng tự làm khó mình đó. Hãy đón nhận cuộc sống như nó là dù sinh hay khắc. Quan trọng là có biết học ra từ đó bài học bản chất thật của cuộc sống hay không.
Ngày gửi: 10-11-2010
Câu hỏi:
Kính bạch thầy, hộ niệm và cầu vãng sanh cho người sắp chết đang được tán dương, nhất là Việt kiều, có người khuyên con nên tìm hiểu và tham gia hộ niệm cứu người sắp chết khỏi đọa vào ngạ quỷ, họ nói có bác sỹ kiểm tra nếu khi chết đầu còn ấm là được về cực lạc, nếu thân ấm là được trở lại làm người... Xin thầy chỉ dạy, con cúi đầu đảnh lễ. Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Hộ niệm có mục đích giúp người hấp hối bớt lo sợ, thương tiếc, ân hận v.v... cho tâm được bình an và vững tin trước giờ lâm chung. Có nhiều người nuối tiếc gì đó không đi được, sau khi tụng kinh liền đi rất thoải mái. Nói chung hộ niệm là tốt. Tuy nhiên có hai trường hợp không tốt, đó là người hấp hối không thích hộ niệm hoặc không cần hộ niệm. Không thích hộ niệm vì bình sinh người đó ghét tụng kinh, phản đối người nhà tụng kinh, Trong trường hợp đó nếu hộ niệm họ sẽ nổi sân thì phản tác dụng. Trường hợp không cần hộ niệm như người bình sinh thích yên tĩnh trong tâm thiền, lúc hấp hối họ cần yên lặng để tâm được định tĩnh nhất tâm, nếu hộ niệm có thể làm tâm họ đối kháng với âm thanh chuông mõ kinh kệ không định tĩnh được, như vậy hộ niệm sẽ phản tác dụng. Tóm lại, trong việc hộ niệm không nên quá chủ quan theo ý mình mà cần để ý đến nguyện vọng của người hấp hối.
Ngày gửi: 10-11-2010
Câu hỏi:
Bạch Sư, Sư thường dạy khi hữu sự thì cần phải thận trọng, chú tâm, quan sát. Con chưa hiểu rõ chữ quan sát ở đây là quan sát cái gì, xin Sư hoan hỉ chỉ dạy cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong thiền Minh Sát Tuệ Vipassanà việc quan sát hay soi chiếu thực tại là trọng tâm, nhờ đó mới thấy ra thực tánh pháp, không bị rơi vào ảo tưởng, vọng thức. Hữu sự hay động dụng có nghĩa là thân tâm đang được sử dụng trong một trạng thái hay một sự việc nào đó. Ví dụ như đang lái xe tất nhiên phải thận trọng, chú tâm và quan sát mọi sự kiện liên hệ, nghĩa là phải tỉnh táo để biết rõ thân tâm trong tương giao với hoàn cảnh xung quanh. Quan sát là biết thực tại một cách tỉnh thức, không mê mờ, không qua lăng kính của tình cảm hay lý trí như thương ghét, quan niệm, thành kiến v.v... để trực nhận sự việc như nó là. Thận trọng, chú tâm, quan sát chính là tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác được thực hiện một cách cụ thể và dễ dàng hơn mà thôi.
Ngày gửi: 09-11-2010
Câu hỏi:
Thưa Sư, xin Sư chỉ cho con được rõ, con nghe giảng chỉ cần con người thoát ly Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) thì người đó đã đoạn tận phiền não và thể nhập Niết Bàn. Thưa Sư, quan niệm đó theo tinh thần Phật giáo Nguyên Thủy sai khác thế nào? Vì con có được nghe Sư giảng về giới, định, tuệ có 3 loại trong đó khi ta ngồi nghe Pháp hay đọc Kinh thì giới, định, tuệ ngay lúc đó là tự nhiên không phải do bản ngã tạo ra! Con thấy vấn đề đó cũng gần như khi xa lìa được ba cõi Dục, Sắc và Vô Sắc thì con người sẽ buông bỏ được tất cả sẽ an lạc! Xin Sư hoan hỷ cho con được tỏ tường!
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nói chung là khi giới định tuệ được viên mãn thì thoát khỏi tam giới. Nhưng nếu giới định tuệ do bản ngã cố gắng hoàn thiện thì không bao giờ viên mãn được. Chí có tự tánh giới định tuệ mới viên mãn được thôi. Vì vậy pháp thiền Vipassanà Trong Phật Giáo Nguyên Thủy sử dụng giới định tuệ tự tánh (vô ngã) để loại trừ cái ta ảo tưởng muốn đạt thành. Cái ta luôn tạo ra tam giới, nên nó không bao giờ thoát ly được tam giới. Thoát ly tam giới đồng nghĩa với chấm dứt cái ta ảo tưởng. Bài kệ:
Học Đạo quý vô tâm
Làm, nghĩ nói khộng lầm
Sáng, trong và lặng lẽ
Giản dị mới uyên thâm
chính là mô tả một đời sống sáng suốt, định tĩnh, trong lành thoát ly tam giới vậy
Ngày gửi: 09-11-2010
Câu hỏi:
Thưa thầy, con vẫn thường nghe dạy về tinh tấn trong đó có câu "tinh tấn vừa đủ" hoặc "chú tâm vừa đủ". Con chưa rõ lắm thế nào là vừa đủ. Vì trong thực hành, tâm con thường phóng dật và thiếu tỉnh giác, con bị vọng niệm kéo đi, một lát sau con mới nhận ra. Nhưng khi con chú tâm quan sát quá mức thì hình như con lại bị căng thẳng và đau đầu. Vậy xin thầy giải thích giúp con chữ "vừa đủ" ạ. Con cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có hai loại tinh tấn: Một là cố gắng của bản ngã, hai là ứng ra từ tự tánh pháp. Khi tinh tấn với nỗ lực của bản ngã lý trí thì thường là chủ quan không chính xác, hoặc là thiếu hoặc là dư, khó mà vừa đủ được. Tốt nhất là buông mọi ý đồ "cố gắng thực hành" của bản ngã ra thì lập tức tinh tấn sẽ tự ứng một cách chính xác tùy theo đối tượng tự nhiên của nó. Xin vui lòng xem cuốn
Sống Trong Thực Tại, chương 5: "Nhiệt tâm cần mẫn" trong mục Thư Viện.
Ngày gửi: 09-11-2010
Câu hỏi:
Bạch Thầy, lâu nay con tu theo pháp môn Tịnh Độ chuyên niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật nhưng con thấy sao thân tâm không an lạc mấy, nhiều khi còn cảm thấy tức ngực, khó thở. Con nghĩ là con không thích hợp với pháp này. Con nghe nói pháp tu thiền Minh Sát tuệ là pháp tu đặc biệt do Đức Phật chỉ dạy, con muốn chuyển sang tu theo pháp này. Vậy con phải bắt đầu như thế nào để không bị tu sai pháp. Kính mong Sư chỉ dạy cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Niệm Phật nguyên là một trong 10 pháp môn tùy niệm gọi là "Buddha anussati" trong thiền định, có mục đích hỗ trợ cho tâm được NHẤT NIỆM. Tâm thường bị thất niệm, tạp niệm và vọng niệm nên phải dùng nhất niệm để chế ngự được ba loạn niệm kể trên. Cao nhất của nhất niệm là cận định (upacara) nên chưa hoàn toàn chánh định mà cũng chưa hoàn toàn chánh niệm. Từ anussati có nghĩa là niệm niệm kế tục nên gọi là tùy niệm, anu cũng có nghĩa là phó, ví dụ như anulekha là phó thư ký, vì vậy anussati có thể dịch là ... "phó niệm", vì chưa phải là chánh niệm. Từ tùy niệm đến chánh niệm phải qua vô niệm, nghĩa là buông cái ta nhất niệm để cho tâm không còn niệm nào nữa thì chánh niệm mới xuất hiện trọn vẹn trên thực tại tánh, không còn một niệm nào ngăn che nữa.
Vậy nếu con niệm Phật đúng thì bước chuyển từ nhất niệm qua vô niệm là tất yếu để đến chánh niệm, đó là con bắt đầu bước vào thiền Minh Sát Tuệ Vipassanà. Thiền này lấy TINH TẤN, CHÁNH NIỆM, TỈNH GIÁC, tức Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Kiến trong Bát Chánh Đạo làm yếu tố tu tập và lấy thực tại THÂN - THỌ - TÂM - PHÁP làm đối tượng tu tập. Khi Tinh Tấn, Chánh Niệm, Tỉnh Giác đúng thì thực tánh pháp xuất hiện, không còn ảo tưởng về ngã và pháp nữa là con giác ngộ được Chân Đế. Thầy chỉ trình bày đại khái vậy thôi, nếu con muốn tu tập thiền Minh Sát thì mời đến Chùa Tổ Đình Bửu Long, Quận 9, thầy sẽ mở khóa thiền bắt đầu vào chủ nhật 21/11/2010 từ 2g đến 4g chiều. Khóa thiền sẽ kéo dài 7 buổi chiều chủ nhật.