Hỏi Đáp Phật Pháp
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 05-08-2012
Câu hỏi:
Thưa Thầy, <p>
Hôm trước con có hỏi một câu tương tự câu hỏi của đạo hữu hỏi về thiền sư Lâm Tế. Có lẽ cách đặt câu hỏi của con chưa đúng nên không thấy Thầy trả lời. Con thấy nhiều đạo hữu hỏi về Sự, thầy trả lời rất tuyệt vời. Nhưng đôi khi một vài đạo hữu chỉ trình bày kiến giải, hay một vài câu thơ... con thấy nhiều người giỏi lý luận và sách vở cũng có thể nói được như thế, liệu thầy xác nhận cho họ có làm cho họ vốn đã ảo tưởng lại ảo tưởng thêm không ạ? Vì con ở ngoài đời, đôi khi đàm đạo, con thấy những người thế này không ít. Kính xin Thầy chỉ dạy.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cám ơn con đã góp ý rất đúng, nhưng nếu con đọc kỹ lại những câu hỏi đáp thi sẽ thấy thầy không bao giờ xác nhận không đúng chỗ. Người nào hiểu nghĩa thì thầy nói hiểu nghĩa nhưng chưa thấy lý. Người nào chỉ thấy lý thì thầy nói mới thấy lý chưa vào được sự, người nào vào sự thì thấy nói sự đã đúng bây giờ chỉ còn kẹt đâu gỡ đó thôi. Những người trình thi kệ thì thầy cũng họa lại để góp ý thêm, nếu sa đà làm kệ khoe khoang kiến giải thì thầy kịp thời chận ngay. Cách của Lâm Tế là cách của người Cha, còn cách của thầy là cách của người Mẹ. Thầy chỉ làm hết lòng thôi chứ biết phải làm sao cho vừa ý mọi người được đây?
Ngày gửi: 05-08-2012
Câu hỏi:
Thưa Thầy, <p>
Con đã đọc thư thầy viết cho Linh Huệ. Bản thân con thấy thông điệp của Thầy vô hình trung có liên quan nhiều đến những dính mắc hàng ngày con đang trải qua, dù có khác nhau hoàn cảnh tình huống nhưng con nghĩ là cùng một bản chất về sự trói buộc và nỗ lực hướng tới tương lai. Thật kỳ diệu vì con cũng đang cần lá thư này ạ! Hay đây là thần giao cách cảm mà Thầy cũng muốn nhắn nhủ cho quá trình tu tập của con? Con tạ ơn Thầy.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
"Cảm ứng đạo giao nan tư nghị" mà con! Không cần biết là có thần giao cách cảm hay không, con nhận ra được lời nhắn nhủ của thầy là thầy vui lắm rồi. Thầy thường nhân một tình huống riêng để chỉ ra nguyên lý chung, ai nhận ra nguyên lý chung đó thì có thể tự hóa giải cho hoàn cảnh riêng của mình, chứ thầy không xen vào bài học của mỗi người bằng biện pháp giải quyết chủ quan của thầy. Đó là nguyên lý: "Vào rừng không dẫm cỏ, xuống nước sóng không xao" của những ai đang sống "tùy duyên thuận pháp" vậy thôi.
Ngày gửi: 05-08-2012
Câu hỏi:
Thưa Thầy,<p>
Con thấy mỗi lần có người trình thầy chỗ thấy hay chỗ chứng của họ đúng với lời dạy của thầy thì thầy chúc mừng, xác nhận là đúng hoặc nói sadhu lành thay. Con e rằng thầy làm như vậy khiến người ấy tự mãn và có khi sinh ngã mạn. Sao thầy không hét hay đánh cho họ một trận như Thiền Sư Lâm Tế để họ khỏi tự mãn mà dừng bước?<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thầy là thầy chứ đâu phải Lâm Tế mà hét với đánh. Lâm Tế đánh vì sau Lục Tổ, Thiền Tông bị Giáo Tông xen vào muốn biến Thiền thành Giáo do đó nói ra là "há miệng mắc quai" nên phải đánh cho "ngôn ngữ rụng hai lần". Đánh để phá cái biện luận logic của GIÁO NGHĨA, để lìa luôn cái LÝ mà trực chỉ vào SỰ. Còn bây giờ người ta đang trình SỰ thì thầy chỉ nói đúng hay sai thôi chứ đâu phải NGHĨA hay LÝ mà phải hét đánh làm gì? Cũng như khi Huệ Khả trình "Liễu liễu thường tri" thì Tổ Đạt-ma xác nhận: "Đúng, đó là con đường của Chư Phật, con cứ thế mà làm" chứ có la hét gì đâu? Nói chung không có cách nào là nhất định và tuyệt đối, chỉ là tùy duyên mà ứng cho thuận pháp vậy thôi. Còn ngã mạn hay không thì đừng lo, pháp sẽ sẵn sàng điều chỉnh cho họ thôi mà!
Ngày gửi: 04-08-2012
Câu hỏi:
Xin thầy giúp con,<p>
Con muốn tham dự một buổi lễ cúng dường trong tháng 7 ÂL, do trước đây con may mắn dự một lễ như vậy do Phật tử cùng Chùa tổ chức, nhưng vì ở xa gần 100km nên con không biết lúc nào. Nếu có được cụ thể lịch trong các tháng từ đây đến hết năm 2012 xin các thầy thông báo giúp con và các Phật tử nơi con ở cùng tham dự. Xin cám ơn Thầy.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Rằm tháng 7 lễ Báo Hiếu theo truyền thống Việt Nam, 26 tháng 7 là ngày giỗ Tổ Phật Giáo Nguyên Thủy.
Ngày gửi: 04-08-2012
Câu hỏi:
Con xin cám ơn Thầy nhé! Câu trả lời của Thầy đã giúp cho con rất nhiều... Thật là may mắn vì đã có duyên lành được biết Thầy. Duyên nghiệp đúng là bất khả tư nghì. Hy vọng một ngày nào đó những hoài nghi sẽ được cắt đứt...<p>
Con xin đảnh lễ Thầy. Con cám ơn Thầy lần nữa!<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thầy nói thêm một khía cạnh khác về câu hỏi của con, là trong pháp quán hình tướng dơ xấu (bất tịnh) để đối trị tham ái trong hình tướng cho là sạch đẹp, nếu trường hợp có những người quá nhiều sợ hãi thì không nên quán tử thi, mà chỉ nên quán 32 thể trược cũng có hiệu quả tương tự.
Ngày gửi: 02-08-2012
Câu hỏi:
Con cám ơn Thầy vì đã trả lời con, con vẫn còn cảm thấy bối rối khi đọc câu trả lời của Thầy. Con chờ được Thầy dạy con nhiều hơn trong Thư Thầy Trò. Con kính chúc Thầy được nhiều sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con nên biết cách đợi (waiting) mà không chờ (longing for) để không tạo ra thời gian tâm lý, bởi chính áp lực thời gian là nỗi khổ của con. Một nhà tư tưởng đã nói: "Con người là tổng số của những nỗi thống khổ, nhưng khi bạn hy vọng một ngày nào đó thống khổ sẽ chấm dứt, lúc bấy giờ thời gian là nỗi thống khổ của bạn". Vì vậy, nếu đau khổ vượt khỏi thời gian (chứ không phải thời gian để vượt khổ) thì khổ đau chính là niềm an lạc, bởi vì hạnh phúc hay đau khổ ở ngay nơi chính thái độ nội tâm! Nếu con ngộ ra điều này thì hạnh phúc không còn là mộng ảo như cái mà con đang khao khát mong chờ. (Xem thư thầy trò 39).
Ngày gửi: 02-08-2012
Câu hỏi:
Thưa Thầy, xin cám ơn Thầy đã trả lời câu hỏi cho con.<p>
Trên hành trình này con phải học cách tự điều chỉnh cho mình, biết nương tựa vào bản thân là chính. Con định tạm thời chưa hỏi Thầy thêm, nhưng bây giờ lại có câu hỏi khác, nên con xin được hỏi Thầy nhé:<p>
Trong những phép Quán bất tịnh để giảm tham ái, có phép Quán tử thi. Thỉnh thoảng may mắn, từ những nguồn chia sẻ trên mạng, con có được một, hai bức hình tử thi có dòi, hoặc tử thi được mổ xẻ. Hoặc con cũng cố gắng xem thêm video giải phẫu cơ thể người của các bác sỹ nước ngoài (trên Youtube) rồi sau đó con tập quán. Lúc đó thì tưởng chừng như khá ổn. Nhưng có lần, khi xem những mô hình người kích cỡ thật, dùng dàn dựng lại lịch sử, nhìn những bộ tóc giả, những khuôn mặt vô hồn, con lại thấy ghê sợ. Con thấy bao nhiêu nỗi sợ hãi cùng tưởng tượng cứ thế trổi dậy, rồi những hình ảnh về những hủ tục man rợ thời cũ (được thâu lượm qua phim ảnh và sách vở) cũng hiện lên. Lúc đó con chỉ muốn thoát ra khu vực tham quan đó càng nhanh càng tốt. Rồi con nhớ đến ngài Ajahn Chah, cũng từng sợ hãi và hoảng loạn một mình giữa đêm khuya ở nghĩa địa, nhưng cuối cùng đã vượt qua. Con cũng nhớ có một vị Sư nào đó, kịp lúc có một cái xác đang trương phồng, rồi ngồi quán với nó trong 1-2 ngày gì đó, sau đó Sư không còn hứng thú gì với cơ thể nữa.<p>
Thưa Thầy, Thầy có nghĩ là nếu như không đủ ba la mật, thì một người không thể vượt qua những kinh nghiệm như ngài Ajahn Chah không?<p>
Thỉnh thoảng, khi nhìn thấy con rết, con cũng vô cùng sợ hãi, tưởng tượng nếu nó cắn người hoặc chui vào đâu đó, thì thật là tệ. Nếu nó không bò đi nhanh, con không hiểu mình có thể bình tĩnh nổi để không phạm giới không nữa.<p>
Thưa Thầy, đối với những nỗi sợ hãi sâu dày như thế, Thầy có kinh nghiệm nào để vượt qua không, xin Thầy từ bi chia sẻ cho con.<p>
Con xin đảnh lễ Thầy. Con kính chúc Thầy mọi điều an lạc...<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Sợ hãi xuất phát từ tưởng tượng. Tưởng tượng đúng thì cũng tốt, nhưng tốt nhất là tưởng tượng nào đưa đến sợ hãi, khổ đau và bất thiện thì nên chấm dứt nó đi. Khi sợ hải hoặc là con có thể niệm Phật, hoặc là trực tiếp hơn con nên trở về trọn vẹn lắng nghe sự sợ hãi đó thì nó sẽ tan biến ngay, đơn giản là vì khi niệm Phật hay khi lắng nghe lại mình thì tưởng tượng không xen vào được. Đó là trực diện với nhân của sự sợ hãi.
Có một cách nữa là trực diện với duyên tức là đối tượng của sự sợ hãi. (Tưởng tượng là nhân, đối tượng là duyên). Hồi thầy ở tuổi tiểu học có hai lần ấn tượng nhất khi trực diện với đối tượng khiếp đảm và sự sợ hãi đến tận cùng. Một lần đi lửa trại ngoài bãi biển cách nhà thầy khoảng 4 km, không ngờ đến nửa đêm thì thầy giáo cho giải tán, bạn bè mỗi đứa đi mỗi ngã còn thầy một mình đi bộ về nhà trong một đêm trăng mờ ảo, vượt qua một nghĩa địa vùng quê dài gần 1 km với những quả cầu lửa mà dân quê gọi là ma trơi. Thầy không nói thì con cũng biết nỗi sợ hãi khiếp đảm của thầy lúc đó như thế nào!
Một lần khác cũng nửa đêm thầy phải đi gọi ông chú làm ý tá cách xa nhà khoảng 2 km (từ cửa Thượng Tứ đến cửa Đông Ba), về chích thuốc cho mẹ thầy đang lên cơn đau bụng kinh khủng. Lần này thì đi trong thành nội Huế có điện đường nên không phải sợ ma mà là sợ chó đến rụng rời, khi một con chó sủa thì chúng sủa cả xóm, cả đàn nên vô cùng khiếp đảm. Nhưng nhờ những lần thử thách trực diện như vậy mà từ đó hầu như thầy không còn sợ ma và sợ chó nữa. Sau này khi đã xuất gia, có những lần đối diện với cọp trong rừng, đi ở tù, bị vu khống, bị đố kỵ v.v... đã giúp thầy ngày càng ít sợ hãi vu vơ hơn. Và cũng nhờ biết chiêm nghiệm những lần sợ hãi mà thầy đã thấy ra rằng: sợ hãi xuất phát từ tưởng tượng hơn là giáp mặt với sự thật.
Ngày gửi: 02-08-2012
Câu hỏi:
Bạch Sư Ông.<p>
Em gái của con, T.H. rất sợ bóng tối và trong đầu luôn luôn tưởng tượng ra ma quỷ và những thứ rất đáng sợ. Tâm của em cũng rất hay bị xáo động nên con và em muốn hỏi Sư Ông có cách nào để giúp tâm luôn an lạc?<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Các con nên đọc bài Kinh Ân Đức Phật (ITI'PI SO BHAGAVÀ...), hoặc nếu bài kinh PALI dài các con không đọc thuộc thì chỉ niệm ARAHAM SAMMÀ SAMBUDDHO thôi cũng đủ hết sợ rồi. Hôm nào các con xin mẹ lên chùa sinh hoạt Gia Đình Phật Tử mỗi buổi chiều chủ nhật với các bạn thì sẽ đọc Kinh thuộc dễ dàng hơn.
Ngày gửi: 02-08-2012
Câu hỏi:
Con rất cám ơn Thầy đã dành thời gian để trả lời cho câu hỏi của con. Nếu trong câu hỏi có gì không hay, không tốt mong Thầy bỏ qua cho con.<p>
Thầy cũng có nghiên cứu về chúa Jesus à? "Vâng ý Cha" có phải là "Vâng ý Pháp" không Thầy?<p>
Chúc Thầy một ngày bình an, sức khoẻ ạ!<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đúng. Điều đức Phật dạy là "Sống thuận Pháp" thì đức Chúa gọi là "Vâng ý Cha" , đức Khổng Tử gọi là "Thuận Thiên lập mệnh", Lão Tử gọi là "Huyền đồng" ... tất cả đều đúng với nguyên lý Dịch học "Thời vị trung chính". Và điều này được thể hiện trong pháp hành thiền Vipassanà là "trở về sống trọn vẹn trong sáng với thực tại ngay đây và bây giờ".
Ngày gửi: 02-08-2012
Câu hỏi:
Chào Thầy! Con có vấn đề sau đây rất mong thầy hoan hỉ giúp con hiểu rõ hơn!<p>
- Trong Kinh Niệm Xứ đức Phật đưa ra 4 đối tượng thiền quán: thân, thọ, tâm, pháp. Chữ Pháp ở đây có nghĩa là gì vậy Thầy? Trong đạo Phật có nói nhiều đến từ Pháp, vậy nó có giống với từ pháp trong Kinh Niệm Xứ không? <p>
- Chỉ cần quán sát 4 đối tượng thiền này là có thể giúp thiền sinh đến giác ngộ giải thoát phải không thầy hay chỉ phát triển được định ở mức độ tuệ thứ 4 (Tuệ sanh diệt) chứ chưa thể giác ngộ? <p>
- Trong kinh điển có nhắc đến từ Sát-na, vậy nó có nghĩa là gì ạ? <p>
Con là người chỉ mới tìm hiểu về đạo rất mong thầy giúp con rõ hơn.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
- Chữ pháp rất nhiều nghĩa: Pháp là bản chất hay nguyên lý vận hành của muôn loài vạn vật, pháp là hiện tướng của mọi sự mọi vật, Pháp là lời Phật dạy, pháp là đối tượng nội tại của ý, pháp là một trong 4 niệm xứ. Tất nhiên tùy theo chỗ dùng mà nghĩa của chữ pháp mỗi nơi mỗi khác. Pháp trong Tứ Niệm Xứ là: 5 triền cái, ngũ uẩn, 12 xứ, 7 giác chi, 4 Diệu Đế, nói cho dễ hiểu là những gì có mặt trong sự vận hành tương giao của thân-tâm-cảnh.
- Đừng nói là 4 niệm xứ, chỉ cần một phần của pháp xứ như khi mắt thấy sắc (trong 12 xứ) mà chỉ thuần tánh thấy rỗng lặng trong sáng, bặt dứt không còn cái ta ảo tưởng thì ngay đó đã hoàn toàn giác ngộ giải thoát rồi, như trường hợp ông Bahiya chẳng hạn. Ngay khi mở đầu bài kinh Tứ Niệm Xứ chình đức Phật khẳng định mục đích của pháp hành này là Niết-bàn, thì ai nói là chỉ dừng lại ở tuệ thứ 4? Có lẽ người ta hiểu lầm rằng đến tuệ này có một số ấn chứng do hiệu ứng phụ của yếu tố định lấn lướt khiến hành giả ham thích mà đình trệ nên đã trở thành chướng ngại cho các tuệ tiếp theo, chứ không phải hành Tứ Niệm Xứ chỉ đạt tới đó.
- Sát-na là đơn vị chớp nhoáng (thời) cực nhỏ (vị) nhưng có đủ 3 yếu tính sinh - trụ - diệt (tính) của pháp.
Con nên vào các mục Thư Viện để đọc thêm kinh sách, vào Pháp Thoại để nghe giảng thiền v.v... thì mới có nhận thức đầy đủ hơn về giáo lý đức Phật. Con chỉ hỏi ngang một vài từ như thế thì dù thầy có giải thích cũng chẳng đi tới đâu cả.