loading
Sinh Hoạt Tôn Giáo
Hòa thượng Hộ Pháp đón nhận danh hiệu cao quý do Chính phủ Myanmar trao tặng (Phần 2)


Một vài hình ảnh đẹp:

Ngoài chương trình của Ban tổ chức đã quy định, Hòa thượng Hộ Pháp còn đi thăm các vị Tam Tạng và nhiều vị Đại trưởng lão trước đây là Thầy hoặc là bạn đồng tu đồng học với Ngài trước đây.

Xúc động nhất là khi Hòa thượng tìm đến người Thầy đã hơn 20 năm không gặp. Thầy trò nhận ra nhau ngay từ giây phút đầu tiên, Thầy đưa tay xoa đầu Trò, Trò quỳ bên ôm chân Thầy, cứ lưu luyến như vậy mãi không rời. Bây giờ, Thầy của Hòa Thượng đã là Ngài Đại trưởng lão Phó Tăng Thống, Tổng thư ký hội Tăng già Miến Điện, và cũng là thành viên kiểm soát hồ sơ của ban tổ chức. Khi thấy hồ sơ của Hòa Thượng Hộ Pháp, đọc phần lý lịch có nói đến ngôi trường Ngài dạy học trước kia, Ngài rất vui vì biết mình sẽ được gặp lại người học trò cũ. Chính Ngài cũng bất ngờ khi Hòa thượng Hộ Pháp được trao tặng đến danh hiệu Aggamaha-Pandita.

Niềm vinh dự của những người đi theo Hòa thượng là được Ngài đưa đi đảnh lễ tất cả các Ngài Tam Tạng (nhiều vị trong số đó có tình cảm rất thân thiết với Hòa thượng). Ai cũng không kìm được tiếng cười vui trước hình ảnh thật đáng trân trọng: Hai Ngài gặp nhau, ai cũng đòi đảnh lễ lẫn nhau, một Ngài vì kính trọng đạo hạnh mà đảnh lễ, một Ngài vì kính trọng Pháp bảo mà đảnh lễ. Ngồi lên ghế thì không ai chịu ngồi ghế chính, cứ nhường nhau mãi, sau cả hai vị Trưởng lão cùng ngồi xuống đất, tay nắm chặt tay không rời. Đó là những bài pháp cao thượng không lời mà ai được chứng kiến một lần sẽ khó có thể quên.

Sau 30 năm tu học cả Pháp học và Pháp hành ở Myanmar và Thái Lan, trở về Việt Nam từ năm 1996, Hòa thượng chỉ ẩn tu và viết sách nơi núi rừng thanh vắng tại Tu Viện Viên Không. Nhiều Phật tử Thái Lan cũng như Myanmar muốn gặp Ngài cũng không có cách nào liên lạc được. Khi Ngài đến Myanmar, không biết bằng cách nào nhiều gia đình Phật tử biết Hòa thượng trước kia đến thăm Ngài rất đông. Sợ Ngài không nhớ, có gia đình còn mang theo những tấm hình đã chụp cùng với Ngài từ hàng chục năm về trước. Những người từ Việt Nam qua đi theo Ngài, do ngôn ngữ bất đồng, chỉ biết nhìn mà không hiểu họ nói những gì, nhưng đúng là có những lúc ngôn ngữ không còn quan trọng.

Có lần vào buổi tối, đoàn đi cùng hai vị sư đi trên hè đường rộng thênh thang. Ba cô gái trẻ đi theo chiều ngược lại, bỗng một cô đứng sững, chắp tay cúi đầu, hai cô còn lại vòng xuống lòng đường, vừa đi vừa chắp tay xá. Thì ra mấy cô gái không dám dẫm chân lên bóng của Chư Tăng đang đổ dài trên hè đường…

Ông Chu Công Phùng, Đại sứ Việt Nam tại Myanmar được mời lên Nay Pyi Daw dự lễ. Qua cuộc trò chuyện tại Đại sứ quán Việt Nam, Yangon, ông Đại sứ chia sẻ "chính ông cũng cảm thấy choáng ngợp trước sự trang nghiêm chưa từng có trong các nghi thức trọng thể tại Myanmar".  Sau cuộc trò chuyện, ông Phùng ngỏ lời mời Hòa thượng đến Đại sứ quán để chia sẻ Phật Pháp với người Việt đang công tác tại Miến Điện nếu Hòa thượng có dịp sang Miến Điện lần sau. Đặc biệt, trong khuôn viên Đại sứ quán có trồng một cây Bồ Đề do thầy Huyền Diệu mang từ Ấn Độ sang tặng.

Khi Ngài Tam Tạng thứ 6 mời Hòa thượng đến Trai Tăng và có buổi nói chuyện với các Tăng sinh đang học tại trường Tam Tạng do Ngài quản lý, Hòa thượng đã khiến rất nhiều người bỡ ngỡ khi bước vào phòng, trước khi ngồi lên ghế, Ngài đã quỳ xuống đảnh lễ tất những người tăng sinh đang chờ để đảnh lễ Ngài. Hòa thượng giải thích đó là hành động thể hiện sự tôn kính đến Tăng Bảo.

Đặc biệt, lần này đoàn còn được tham quan Động Mahapasana, địa điểm kết tập Tam Tạng Kinh Điển lần thứ 6 tại Myanmar. Và còn nhiều điều không sao nói hết...

Sau đây là một vài hình ảnh:

 
Trở lại     Đầu trang