loading
Chia sẻ
EURO mùa thi


Hoài Nam báo Dân Trí đã gởi tôi 2 câu hỏi về EURO và Mùa Thi. Xin chia sẻ cùng các bạn và các em.

1. Với các sĩ tử nghiện xem đánh banh, mùa Euro trùng với đợt cao điểm ôn thi, làm thế nào để vừa được thỏa sức đam mê mà vẫn không bị ảnh hưởng sức khỏe để ôn thi. Có nên xem đá banh khi đang ôn thi không? Nên bố trí ăn uống bồi bổ và nghỉ ngơi thế nào thì hợp lý?

“Thỏa sức đam mê” là sao? Là bỏ học bỏ thi để đi hò hét và cá độ bóng đá à? Mê coi đá banh không xấu, nhưng mê đến nỗi bỏ học bỏ thi thì thật đáng tiếc! Cứ mỗi 2 năm, lại có EURO hoặc WORLD CUP luân phiên, còn thi hỏng thì sang năm thi lại vẫn cứ… hỏng. Để không ảnh hưởng sức khỏe trong lúc ôn thi thì phải sắp xếp “lịch coi đá banh” sao cho hợp lý.

Chẳng hạn, chỉ coi những trận thật sự hay, đáng coi. Học kỹ, đầy đủ các bài cần ôn trong ngày, rồi đi ngủ sớm, khuya thức dậy coi. Đang coi mà buồn ngủ thì ngủ ngay, không tiếc, vì mai còn… chiếu lại! Trong thời gian ôn thi quan trọng nhất là ngủ. Ngủ đủ thì tế bào não sẽ sảng khoái, “hấp thu” bài vở rất tốt. Ngủ thiếu, vật vờ như điện thoại hết pin, sóng yếu, chập chờn, rớt là cái chắc!

Sau ngủ là… thở. Thở bụng, đưa hơi xuống huyệt đan điền, “êm, chậm, sâu, đều”. Sau đó là vận động thể lực. Học oải người rồi thì đi một bài quyền, nhảy dây, chạy bộ tại chỗ… cho ra mồ hôi rồi tắm táp cho khỏe khoắn, bảo đảm học lại sẽ tốt.

Cuối cùng mới là chuyện ăn. Ăn đủ, ăn sạch, uống sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm để đừng bị Tào Tháo đuổi, khổ thân, mất sức, học không vô. Không cần cao lương mỹ vị, không cần tẩm bổ linh tinh. Nếu tổ chức tốt việc ôn thi đâu đó đàng hoàng thì có thể coi EURO cho đỡ ghiền được quá đi chứ, nhưng nên coi đó là chuyện để “giải trí” thôi, còn học thi mới là chính. Phải biết chọn “ưu tiên” chứ!

2. Trong mùa thi, nhiều sĩ tử bày tỏ bị mất ngủ, gặp… ác mộng làm họ hết sức lo lắng, lo áp lực của gia đình. Theo bác sĩ tại sao lại có triệu chứng như vậy, liệu có ảnh hưởng gì không? Và nên khắc phục bằng cách nào ạ?

Do căng thẳng quá, mệt mỏi quá, lo âu quá, sợ hãi quá… nên ăn không ngon, ngủ không yên, thấy toàn ác mộng! Không chỉ ác mộng trong đêm mà cả trong ngày! Ác mộng thường đến với những em không có kế hoạch ôn thi đàng hoàng, toàn tính chuyện học tủ, học phao, học luyện thi… cấp tốc! Nên nhớ các thí sinh đậu thủ khoa các trường đại học, có khi đâu luôn hai ba trường, thường là các em học sinh trường huyện, chỉ học kỹ trong chương trình, làm nhiều bài tập, học qua sách báo… để có thêm kiến thức tổng quát. Đề thi những năm gần đây cho thấy đã có hướng thay đổi nhằm đánh giá suy nghĩ của thí sinh về những vấn đề xã hội. Thí dụ vừa rồi có đề thi về tính dối trá, có thể sắp tới sẽ có những đề thi về bệnh thành tích, về chống tham những… và nhờ thí sinh “hiến kế” giống như thi Hương, thi Hội, thi Đình ngày xưa!

“Áp lực” của gia đình ư? Đó là một điều vô lý! Cha mẹ hiểu biết thì không bao giờ gây áp lực cho con trong những ngày này, chỉ cần khéo léo giúp đỡ và khuyến khích. Con cứ cố gắng hết mình đi, thi “chơi” thôi, đậu cũng được, rớt cũng chẳng sao. “Điều quan trọng ấy là sự cố gắng”. Nếu bắt con phải đậu, để cha mẹ nở mặt nở mày, thì con sẽ lo lắm, sẽ thấy gánh nặng đè lên vai, sẽ gặp toàn ác mộng mà học không vô. Một số em thi rớt, tìm cách … tự tử cũng vì thế! Lúc đó ân hận thì đã muộn!

(Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc)

 
Trở lại     Đầu trang