loading
Sống khỏe
Vài nét về cách chữa trị trong ngành Đông y

 

Đông y khám bệnh theo bát cương để tìm sự mất quân bình về âm-dương, hư thực, hàn nhiệt, biểu lý của khí hay huyết, ở tạng phủ nào. Và khi chữa là tìm phương pháp lập lại sự quân bình bằng huyệt hay bằng thuốc. 

Về thuốc, Đông y không biết phân chất theo dược tính Tây y, và hiện nay Tây y cũng còn nhiều thiếu sót trong việc phân tích tính dược và các công dụng của một vị thuốc cây cỏ, cho nên khi những thầy thuốc Tây y học về Đông y chỉ dựa theo sự phân tích khoa học thí nghiệm của Tây y để tìm ra vị thuốc chữa bệnh thì không thấy nói đến công dụng, thế mà Đông y vẫn dùng để chữa bệnh lại có kết quả. Tại sao lại có điều khác biệt? 

Bởi vì các bác sĩ chỉ áp dụng những kết quả thử nghiệm của ngành dược đã cho, dặn sao làm vậy, không dám có những công thức sáng tạo thuộc phạm vi của những nhà nghiên cứu. Còn thầy thuốc Đông y kiêm cả dược sĩ bào chế dược liệu, thường chú trọng đến tính-khí-vị của một vị thuốc, và thầy thuốc phải tìm ra vị thuốc nào phù hợp điều kiện bệnh trạng để tái lập lại quân bình cho cơ thể.      

Thầy thuốc Đông y không cần biết thuốc đó Tây y gọi là gì, thành phần hóa chất ra sao, mà chỉ cần biết thật rõ ràng tính-khí-vị của vị thuốc gồm có những yếu tố sau:

1. Tính của vị thuốc: Hàn hay nhiệt hay ôn

Khi lập lại quân bình thì bệnh hàn phải cần cho thuốc có tính nhiệt, bệnh nhiệt phải cho dùng thuốc hàn. Đôi khi bệnh nan y hàn giả nhiệt hay nhiệt giả hàn thì cách uống thuốc cũng phải khác.

Thí dụ bệnh hàn giả nhiệt: 

Người nóng, môi khô nhưng không bón mà ra phân lỏng. Nếu thầy thuốc cho uống thuốc có tính hàn thì bệnh nặng thêm, phải cho thuốc có tính nhiệt mới đúng. Tuy nhiên khi uống thuốc có tính nhiệt vào bệnh nhân bị ói nôn thuốc ra nên thầy thuốc không dám cho uống tiếp sợ sai lầm, nhưng nếu nấu thuốc xong, để cho nguội lạnh mới uống thì bệnh nhân sau khi uống vào thấy dễ chịu…

Kinh nghiệm sách Đông y kể rằng: Có một bệnh nhân ho ra máu, mời một thầy lang vườn đến nhà xem mạch cho toa, uống xong, bệnh nhân ọc ra máu nhiều hơn, thầy bó tay, mời thêm một thầy khác đến hội chẩn. Thầy thứ hai ra toa, thầy thứ nhất hỏi rằng: “Ông cho vị thuốc nào làm quân?” Thầy trả lời: “Địa hoàng.” “Tôi cũng đã cho địa hoàng 1 lạng.” Hai thầy bàn nhau, bệnh nhân quá nhiệt mới ói ra máu, đồng ý với nhau cho 2 lạng địa hoàng.

Uống toa này vừa xong bệnh nhân ọc máu nhiều hơn. Cả hai lại thỉnh thêm thầy thứ ba, cũng hội chẩn và tăng 3 lạng địa hoàng, Uống xong, bệnh nhân ói máu càng nhiều.

Có một thư sinh đang nghiên cứu Đông y và tính dược ở cạnh nhà ngóng nghe, theo dõi và biết bệnh tình của bệnh nhân này thuộc bệnh nan y hàn giả nhiệt, anh ta mới tội nghiệp cho bệnh nhân bị 3 thầy lang vườn chẩn bệnh sai nên mới ra nông nỗi, bèn góp ý hỏi: “Ba thầy chẩn đoán bệnh này thuộc hàn hay nhiệt?” Cả ba thầy trả lời: “Nhiệt.”

Thư sinh nói: “Tôi cho rằng bệnh do hàn làm ra, phải chữa bằng quế tâm mới đúng. Không tin, tôi có đem theo trong mình một miếng quế, hãy lấy nước lã mài trong chén một ít rồi cho uống thử xem sao?” Bệnh nhân sau khi uống chén nước lã có quế, bệnh nhân mừng quá kêu lên: “Mát quá, thấy dễ chịu trong người.” Cả ba thầy mới hỏi thư sinh: “Thế thì tiên sinh cho uống bao nhiêu quế thì khỏi?” Thư sinh trả lời: “1 lạng quế.”

Nếu phân tích quế theo Tây y, trong quế không có vitamine K làm sao cầm máu được? Điều đó vô lý đối với Tây y nhưng đối với Đông y là quân bình hàn nhiệt vẫn đúng.

Trường hợp nhiệt giả hàn, ngoài lạnh trong nóng, táo bón, thì phải cho uống thuốc có tính hàn, nhưng phải cho uống nước thuốc thật nóng. 

2. Vị của vị thuốc:

Chọn vị thuốc mặn vào thận, ngọt vào tỳ, chua vào gan, cay vào phế, đắng vào tim. Nếu chọn vị thuốc làm quân phải cho nhiều và đậm gọi là vị hậu, nếu làm sứ dẫn thuốc thì cho nhạt gọi là vị bạc. Cho nên thuốc Tây y Magnésium chữa bao tử nếu có vị ngọt thì thuốc dẫn vào tỳ vị thì đúng, Malox là chất cam thảo vị ngọt nên chữa đau bao tử có kết quả, nhưng phản ứng phụ sẽ làm tăng áp huyết. Nhưng nếu một hãng Tây dược khác chế thuốc đau bao tử cũng bằng Magnésium nhưng đổi vị chua thuốc dẫn vào gan sẽ không có kết quả mặc dù hàm lượng Magnésium cao hơn. 

3. Khí của vị thuốc: 

Có nhiều vị thuốc có 1 loại khí, có 2 hay nhiều loại khí, thầy thuốc phải biết chọn loại nào thích hợp với tình trạng bệnh, và trong khí có tính tả, tính bổ.

Các loại khí trong thuốc theo kinh nghiệm của Đông y gồm có: 

Khí thăng: Như Thăng ma đưa thuốc lên đầu 

Khí giáng: Như Ngưu tất dẫn thuốc xuống đầu gối 

Khí liễm, cầm giữ lại: là những chất chát chứa tanin như lá ổi để cầm tiêu chảy… 

Khí xuất: Cho ra mồ hôi như: Lá tía tô dùng để xông 

Khí hạ hãm: Hạ hơi và giữ lại như gừng hạ khí chống buồn nôn và giữ hơi ấm cho bao tử... 

Có những loại khí vừa giáng khí vừa xuất như Ngô thù du...

(Đỗ Đức Ngọc) 
 
Trở lại     Đầu trang