loading
Sống khỏe
Bệnh loãng xương - những điều nên biết (1)

Loãng xương là gì?

Loãng xương (LX) là bệnh lý của toàn hệ thống xương làm suy yếu sức mạnh của toàn khung xương, ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của số đông người có tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Mức độ nặng nề của biến chứng gãy xương trong bệnh LX được xếp tương đương với tay biến mạch vành (nhồi máu cơ tim) trong bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ và tai biến mạch máu não (đột qụy) trong bệnh cao huyết áp.

Hiện nay, LX đang được coi là một “bệnh dịch âm thầm” (Osteoporosis: The Silent Epidemic Disease) lan rộng khắp thế giới, ngày càng có xu hướng gia tăng và trở thành gánh nặng cho y tế cộng đồng.

Dự báo tới năm 2050, toàn thế giới sẽ có tới 6,3 triệu trường hợp gãy cổ xương đùi do LX, và 51% số này sẽ ở các nước châu Á nơi mà khẩu phần ăn hàng ngày còn rất thiếu calci, nơi mà việc chẩn đoán sớm và điều trị tích cực bệnh LX còn gặp rất nhiều khó khăn.

LX là một rối loạn chuyển hóa của bộ xương làm tổn thương sức mạnh của xương đưa đến tăng nguy cơ gãy xương cho con người. Sức mạnh của xương bao gồm sự toàn vẹn cả về khối lượng và chất lượng của xương.

Khối lượng xương được thể hiện bằng:

Mật độ khoáng chất của xương (Bone Mineral Density – BMD)

Khối lượng xương (Bone Mass Content – BMC)

Chất lượng xương phụ thuộc vào:

Thể tích xương

Vi cấu trúc của xương

Cấu trúc hóa học của xương:

Protein chiếm 1/3, trong đó 90% là các collagen, cấu trúc dạng mạng lưới, bắt chéo giúp xương có sức chịu lực.

Chất khoáng chiếm 2/3, là những tinh thể, cấu trúc dạng đĩa gắn vào mạng lưới collagen. Thành phần chính là Calcium, Phsporus, Magnhe…

Loãng xương người già (LX tiên phát):

Đặc điểm: tăng quá trình hủy xương, giảm quá trình tạo xương

Nguyên nhân:

Các tế bào sinh xương (Osteoblast) bị lão hoá.

Sự hấp thụ calci và vitamin D ở ruột bị hạn chế.

Sự suy giảm tất yếu các hormonsinh dục (Nữ và Nam)

Loãng xương tiên phát thường xuất hiện trễ, diễn biến chậm, tăng từ từ và ít có những biến chứng nặng nề như gãy xương hay lún xẹp các đốt sống.

Loãng xương sau mãn kinh (LX thứ phát):

Đặc điểm: Tăng quá trình hủy xương, quá trình tạo xương bình thường

Loãng xương thứ phát khi có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ sau đây: Bệnh LX sẽ trở nên nặng nề hơn, sớm hơn, nhiều biến chứng hơn… nếu người bệnh có thêm một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ dưới đây:

Kém phát triển thể chất từ khi còn nhỏ, đặc biệt là còi xương, suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu Protid, thiếu Calci hoặc tỷ lệ Calci /Phospho trong chế độ ăn không hợp lý, thiếu vitamin D hoặc cơ thể không hấp thu được vitamin D… vì vậy khối lượng khoáng chất đỉnh của xương ở tuổi trưởng thành thấp, đây được coi là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh LX.

Ít hoạt động thể lực (hoạt động thể lực thường xuyên sẽ giúp cho cơ thể đạt được khối lượng xương cao nhất lúc trưởng thành), ít hoạt động ngoài trời (các tiền vitamin D nên ảnh hưởng tới việc hấp thu calci).

Sinh đẻ nhiều lần, nuôi con bằng sữa mẹ mà không ăn uống đủ chất đặc biệt là Protid cà Calci để bù đắp lại.

Bị các bệnh mãn tính đường tiêu hoá (dạ dầy, ruột…) làm hạn chế hấp thu calci, vitamin D, protid…

Có thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, cà phê, thuốc lá… làm tăng thải calci qua đường thận và giảm hấp thu calci ở đường tiêu hóa.

Thiểu năng các tuyến sinh dục nam và nữ (suy buồng trứng sớm, mãn kinh sớm, cắt buồng trứng, thiểu năng tinh hoàn…).

Bất động quá lâu ngày do bệnh tật (chấn thương cột sống, phải bất động), do nghề nghiệp (những người du hành vũ trụ khi tàu vũ trụ đi ra ngoài không gian) vì khi bất động lâu ngày các tế bào huỷ xương tăng hoạt tính.

Bị các bệnh nội tiết: cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, cường tuyến vỏ cường thận, tiểu đường…

Bị bệnh suy thận mãn hoặc phải chạy thận nhân tạo lâu ngày gây rối loạn chuyển hóa và mất calci qua đường tiết niệu. Mắc các bệnh xương khớp mãn tính khác đặc biệt là Viêm khớp dạng thấp và thoái hoá khớp

Phải sử dụng dài hạn một số thuốc: chống động kinh (Dihydan), thuốc chữa bệnh tiểu đường (Insulin), thuốc chống đông (Heparin) và đặc biệt là các thuốc kháng viêm nhóm Cortiosteroid (cortiosteroid một mặt ức chế trực tiếp quá trình tạo xương, mặt khác làm giảm hấp thu calci ở ruột, tăng bài xuất calci và làm tăng quá trình huỷ xương).

Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh loãng xương?

Bệnh LX diễn biến từ từ và thầm lặng. Người bị LX thường không biết mình bị bệnh, cho đến khi bị biến chứng gãy xương. Bệnh LX dễ chẩn đoán, khi đã bị LX, điều trị có thể làm giảm 50% nguy cơ gãy xương. Nhưng, điều quan trọng là phải chẩn đoán sớm và điều trị sớm để ngăn ngừa không cho gãy xương do LX xảy ra. Biểu hiện lâm sàng của bệnh loãng xương:

Đau mỏi mơ hồ ở cột sống, đau dọc các xương dài (đặc biệt xương cẳng chân), đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh, hay bị chuột rút (vọp bẻ) các cơ…

Đau thực sự cột sống, đau lan theo khoanh liên sườn, đau khi ngồi lâu, khi thay đổi tư thế. Có thể đau mãn tính hoặc cấp tính sau chấn thương (gãy xương cổ tay, gãy lún đốt sống, gãy cổ xương đùi…)

Đầy bụng chậm tiêu, nặng ngực khó thở.

Gù lưng, giảm chiều cao.

Tuy nhiên, LX là bệnh diễn biến âm thầm, người ta thường ví bệnh giống như một tên ăn cắp thầm lặng, hằng ngày cứ lấy dần calci trong ngân hàng dự trữ xương của cơ thể con người. Khi có dấu hiệu lâm sàng, thường là lúc đã có biến chứng, cơ thể đã bị mất tới 30% khối lượng xương.

Do đó người bệnh cần phát hiện các yếu tố nguy cơ gây LX thứ phát (đã nêu trên), đi khám bệnh sớm ngay khi có các dấu hiệu đau mỏi mơ hồ ở cột sống, ở hệ thống xương khớp, dọc các xương dài (đặc biệt xương cẳng chân), đau mỏi cơ bắp, vọp bẻ… khám bệnh và theo dõi định kỳ (tuỳ mức độ bệnh).

Phòng và điều trị loãng xương

Chế độ sinh hoạt, tập luyện tăng cường hoạt động ngoài trời, tập vận động thường xuyên và phù hợp với sức khoẻ, duy trì lối sống năng động, tránh các thói quen xấu: uống nhiều bia, rượu, cafe, thuốc lá…

Chế độ ăn uống luôn luôn bảo đảm một chế độ ăn uống đầy đủ Protein và khoáng chất, đặc biệt là Calci. Vì vậy sữa và các chế phẩm từ sữa (Bơ, Phoma, Yaourt…) là thức ăn lý tưởng cho một khung xương khỏe mạnh. Chế độ này cần được duy trì suốt cuộc đời mỗi người. Kiểm soát tốt các bệnh lý ảnh hưởng và các yều tố nguy cơ của bệnh.

Các thuốc điều trị loãng xương

Các thuốc chống huỷ xương:

Là nhóm thuốc quan trọng nhất trong điều trị LX vì làm giảm hoạt tính của tế bào huỷ xương (Osteoclast) và làm giảm chu chuyển xương.

Nhóm hormon sinh dục nữ (Oestrogen và các giống hormon) dùng để phòng ngừa và điều trị LX cho phụ nữ sau mãn kinh (menopause):

Estrogen (Premarin), estrogen phối hợp với progesteron (prempak C) hoặc thuốc tương tự hormone tibolol (Livial). Đây là các thuốc dùng trong trị liệu hormone. Thay thế để phòng ngừa và điều trị cho phụ nữ sau mãn kinh. Cần cân nhắc thật kỹ, dùng liều thấp trong thời gian ngắn các thuốc loại này và cần theo dõi đề phòng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, ung thư tuyến vú.

Thuốc điều hòa chọn lọc thực thể estrogen (selective Eotradiol Receptor Modulators, viết tắt SERMS). Điển hình là Raloxifene (Evista). Đây là thuốc được quan tâm nghiên cứu sử dụng nhiều trong liệu pháp hormone thay thế vì nó chỉ tác động vào các thụ thể của hormone estrogen chứ không tác động như một hormone.

Lợi điểm là không ảnh hưởng đến nội mạc tử cung, bảo vệ tuyến vú (do chống lại estrogen ở các mô này) nhưng lại có tác dụng bảo vệ xương, tăng khối lượng xương (do có tác dụng giống như estrogen ở mô xương). Nếu phụ nữ mãn kinh không dùng được estrogen sẽ dùng được SERMS.

Nhóm hormon sinh dục nam (Androgen) dùng để phòng ngừa và điều trị LX cho nam giới sau tắt dục (andropause): Testosrerone (Biệt dược Andriol)

Nhóm Bisphosphonates: Đây là nhóm thuốc mới được sử dụng từ đầu những năm 1990. Hai thuốc được dùng rộng rãi là alendronat (Fosamax) và risedronat (Actonel). Thực chất nhóm bisphosphonat là các dẫn chất (chất có cấu trúc hóa học tương tự) hợp chất pyrophosphat, vì vậy, khi đưa vào trong cơ thể, các bisphosphonat sẽ gắn chặt vào vi cấu trúc của xương.

Thuốc có tác dụng chống hủy xương bằng cách ức chế hoạt động các tế bào hủy xương trong khi quá trình tạo xương vẫn xảy ra bình thường. Thuốc được dùng để điều trị và phòng ngừa loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh, đặc biệt, loãng xương do dùng glucocorticoid kéo dài. Sử dụng thuốc bisphosphonat phải lưu ý cách dùng thuốc phải thật đúng, bởi vì khi uống, thuốc hấp thu kém (thức ăn thức uống cản trở sự hấp thu của thuốc vào máu) và dễ gây tác dụng phụ (khó tiêu, viêm loét thực quản).

Cách uống thuốc đúng như sau: uống nguyên cả viên thuốc (không nhai) với ly nước đầy vào lúc bụng trống; không được ăn uống thức uống gì khác 30 phút sau khi uống thuốc kể cả uống thuốc bổ sung calci; không được nằm mà phải ngồi thẳng lưng hoặc đứng ở tư thế thẳng đứng trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc.

Lý do không được nằm trong vòng 30 phút như thế để uống thuốc không bị đọng lại ở thực quản hoặc tránh có tình trạng trào ngược dạ dày - thực quản thuốc sẽ làm hại niêm mạc thực quản. Không được uống cùng với các thuốc chống acid, vitamin D và canxi. (Các thuốc bổ sung canxi, thuốc chống acid... có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu alendronate. Sau khi uống nó ít nhất là nửa giờ mới được uống các thuốc trên). Cách uống khó khăn như thế nên alendronat có loại viên 5mg và 10mg uống hằng ngày và loại alendronat 35mg và 70mg uống 1 lần cho mỗi 7 ngày.

Calcitonin: Calcitonin là một chuỗi các acid amin từ cá hồi, có tác dụng chống huỷ xương, giảm đau do hủy xương và làm giảm chu chuyển xương. Cơ chế tác dụng: Gắn kết với các thụ thể đặc hiệu trên hủy cốt bào, làm giảm số lượng và hoạt động của hủy cốt bào, hiệu quả của thuốc: giảm tỷ lệ gãy xương và giảm đau do hủy xương.

Thuốc Calcitonin dùng đường tiêm hoặc xịt mũi. Đường tiêm dùng cách ngày một lần, phiền toái nên ít dùng. Dùng thuốc dạng xịt 200 UI/ngày, thuận tiện, ít tác dụng phụ. Thuốc có nhiều biệt dược với calcitonin người, cá chình, lợn như calcinil, calcitar, calsyn, menocal...

Tuy nhiên, nếu tiêm cần thử test phản ứng. Dạng xịt có thể gây khô mũi, phù nề, sung huyết, hắt hơi, dị ứng, viêm họng, mệt mỏi, rối loạn vị giác, kích ứng, loét, sần đỏ, viêm xoang, chảy máu cam...

Các thuốc tăng tạo xương

Parathyroid Hormon: Được công nhận là thuốc giúp tăng đồng hóa đồng thời giúp tạo xương đang được nghiên cứu để trị loãng xương. Tác dụng của PTH là giúp tăng sự hấp thụ calci ở thận và sự hấp thu calci ở ruột để vào máu. Sản phẩm PTH do người điều chế từ công nghệ sinh học có tên teriparatide (biệt dược Parathar) đã ra đời nhưng chưa được sử dụng rộng rãi.

Calcium và vitamin D: để cung cấp “nguyên liệu “cho việc tạo xương mới, kích thích hoạt động của tế bào sinh xương (Osteoblast)

Calci: Đây được xem là nguyên liệu tạo xương mới. Thuốc được dùng ở dạng muối: carbonat, lactat, gluconat, citrat. Liều dùng 500-1000mg/ngày, nên uống cùng với bữa ăn.

Vitamin D và các chất chuyển hóa vitamin này: Đây là thuốc thường được kết hợp dùng chung với calci. Liều dùng 400-800 IU/ngày. Vitamin D giúp sự hấp thu calci qua niêm mạc ruột vào máu, giúp sự sử dụng calci hiệu quả hơn.

Hiện nay hay dùng calcitriol là dạng chuyển hóa của vitamin D (vitamin D khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành dạng cuối cùng là calcitriol là dạng có hoạt tính, dùng thuốc là calcitriol cơ thể không phải mất công chuyển hóa, tuy nhiên, phải lưu ý theo dõi calci máu và calci niệu vì thuốc có nguy cơ gây tăng calci máu, nếu thấy tăng phải hạ liều thuốc).

Người già hấp thụ canxi kém, cần dùng thức ăn giàu canxi. Khi bị loãng xương, phải dùng canxi với liều cao, mỗi ngày 800-1.200mg (trung bình là 1.000mg). Nếu chỉ dùng sữa giàu canxi thì phải uống khá nhiều. Cả một hộp sữa Anlene 400g chỉ có 2.400mg canxi, mỗi lần uống khoảng 4 thìa, pha trong 200ml nước, chứ không thể uống gần nửa hộp để đủ liều được.

Hơn nữa, nếu uống quá nhiều sẽ gây mất cân đối giữa sữa và các thức ăn khác. Do đó, phải dùng thuốc. Thuốc có dạng chứa chất canxi vô cơ (canxi carbonat, canxi phothat) hoặc chứa chất canxi hữu cơ (canxi gluconat). Nên chọn dùng loại chứa chất canxi hữu cơ. Phải xem kỹ hàm lượng: ví dụ mỗi ống thuốc có loại chứa tới 1.000mg nhưng cũng có loại chỉ chứa 100mg canxi.

Ở phụ nữ lớn tuổi và người có khả năng hấp thụ canxi kém, với liều dùng trên, canxi làm chậm tốc độ hủy xương, làm giảm tần suất gãy xương. Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như táo bón, nhưng không gây sạn thận, không tăng canxi niệu. Ít khi chỉ dùng canxi đơn độc mà phải dùng kèm với vitamin D.

Nghiên cứu trong 3 năm trên 3.270 phụ nữ sống tại các nhà dưỡng lão dùng mỗi ngày 1.200mg canxi kết hợp với 800 IU vitamin D nhận thấy: “Xác suất gãy xương khớp háng giảm 29% và gãy xương ngoài đốt sống giảm 24% so với dùng giả dược”. Vitamin D dùng ở liều này là an toàn. Nếu không tiện dùng hằng ngày thì có thể tiêm hai năm một lần với liều 150.000-300.000 IU.

Calcitriol: Là dẫn chất vitamin D3, làm tăng hấp thu canxi và phospho ở mô xương, điều hòa canxi huyết do loạn dưỡng canxi, nhuyễn xương nhờn vitamin D.

Cần chú ý tránh dùng quá liều gây tăng canxi và phospho máu, đường niệu. Không dùng phối hợp với các thuốc có vitamin D khác.

Thuốc tăng đồng hoá (anabolic agents): Thuốc như nandrolon (Durabolin, Deca-durabolin) ngoài tác dụng tăng đồng hóa tổng hợp chất đạm còn có tác dụng kích thích sự tạo xương (Deca-durabolin dùng liều 50mg/mỗi 3 tuần).

Trên đây là phần trình bày các loại thuốc điều trị loãng xương. Để điều trị có hiệu quả, ta cần đến bác sĩ chuyên khoa khám để được chẩn đoán đúng bệnh, để xem có cần thiết dùng đến thuốc và nếu dùng thuốc sẽ dùng thuốc loại nào và thường là phải phối hợp thuốc. Có nhiều kiểu phối hợp thuốc chống hủy xương và thuốc giúp tạo xương mà chỉ có bác sĩ mới giúp được sự chọn lựa tốt như 3 kiểu phát hiện được trình bày dưới đây:

Calcitonin + calci và vitamin D;

Hormone thay thế + calci và vitamin D;

Bisphosphonat + calci và vitamin D;

Thậm chí, phối hợp phức tạp hơn: bisphosphonat + hormone thay thế + calci và vitamin D v.v...

Các bác sĩ chuyên khoa sẽ cho các chỉ định điều trị, tùy thuộc vào từng cá thể, mức độ LX, tình trạng sức khỏe, thói quen sinh hoạt, khả năng kinh tế… của mỗi người bệnh.

(Còn tiếp)

 
Trở lại     Đầu trang