loading
Suy ngẫm
Tha thứ


Tôi đã được dạy dỗ theo một gia phong nghiêm khắc, bất kỳ lỗi nào cũng phải chịu hình phạt. Các cụ cho như vậy là công bằng.

Năm 1921, mới ở trường ra, tôi được bổ làm bác sĩ trong một bệnh viện điều trị các bệnh truyền nhiễm, tại một miền lạnh lẽo ảm đạm ở Northumberland. Tôi mới tới bệnh viện được mấy ngày thì vào một tối mùa đông người ta đưa đến một em bé sáu tuổi bị bệnh bạch hầu. Cuống họng em bị nhiều màng nhầy làm nghẹt và chỉ có một hy vọng nhỏ nhoi cứu được là mổ khí quản tức thì.

Tôi thiếu kinh nghiệm một cách tai hại, chưa bao giờ thực hiện một ca giải phẫu giản dị nhưng cấp thiết như vậy cả. Trong gian phòng trống, ánh đèn yếu ớt, tôi rét cóng, run rẩy nhìn dì phước già và một cô y tá tập sự còn trẻ. Đặt em nhỏ nghẹt thở lên bàn mổ, tôi lóng ngóng cầm con dao mổ cuống họng ứ huyết của em. Càng thấy mình vụng về, tôi càng quyết thành công, cứu em bé gần chết ngạt đó. Sau cùng cặp mắt mờ vì mồ hôi của tôi thấy được khí quản trắng, bóng láng của em. Tôi đục một lỗ và luồng không khí tràn vào lá phổi đang phập phồng và đứa bé kiệt sức đã hồi tỉnh lại. Tôi vội vàng đút một cái ống vào, khâu lại, trông chừng cho người ta đặt em đàng hoàng vào giường, trong cái màn dưỡng khí. Hãnh diện vì thành công, tôi trở về phòng riêng. Bốn tiếng sau, vào lúc hai giờ sáng, tôi bật dậy.

Có tiếng gõ cửa. Cô y tá mặt tái mét, hoảng hốt ấp úng bảo tôi:

- Thưa bác sĩ, mời bác sĩ tới ngay.

Cô y tá có phận sự canh đứa nhỏ đã ngủ thiếp đi trên đầu giường nó, lúc tỉnh dậy thì thấy cái ống đã bị tắc. Đáng lẽ theo lời tôi dặn, rút ống ra, hút hết màng nhớt đi, công việc đó bất kỳ y tá nào cũng làm được, thì cô ta hoảng quá, quýnh lên bỏ chạy, lỗi đó không sao tha thứ được. Khi tôi tới phòng thì đứa nhỏ đã tắt thở, gắng cách gì cũng không làm cho hồi tỉnh lại được.

Thế là mất một mạng người một cách lãng nhách, một sự mất mát không sao bù đắp được. Nghĩ tới việc thành công vừa đạt của mình mà chỉ vì sự biếng nhác, ngu xuẩn của một nữ y tá, hoá ra hỏng hết, tôi giận sôi lên. Tai nạn đó nhất định sẽ chấm dứt đời y tá của cô ta! Tôi quyết định gửi cho sở y tế miền một bản báo cáo, đề nghị đuổi cô ta và cấm hành nghề.

Đêm đó tôi thảo ngay bản phán quyết với giọng văn nghiêm khắc, cay độc. Xong, tôi cho kêu cô đến, tôi đọc lớn tiếng cho cô nghe.

Cô lặng thinh nghe tôi đọc, vẻ mặt thiểu não. Cô gốc gác ở xứ Galles, chưa đầy hai mươi tuổi, gầy yếu, nhợt nhạt, hơi vụng về, có tật giật giật ở một bên má. Thiếu máu, thiếu ăn, cô vừa xấu hổ, vừa đau khổ, muốn té xỉu.

Cô không tìm cách gỡ tội, hay muốn gỡ tội, cô có thể viện lẽ rằng làm việc mệt quá. Sau cùng tôi bực mình, la lớn:

- Cô không nói gì cả sao?

Cô lắc đầu, vẻ khổ sở. Cuối cùng, cô lí nhí trong miệng:

- Xin bác sĩ tha thứ cho tôi lần này.

Tôi sửng sốt. Ừ, tôi không hề có ý nghĩ đó. Tôi chỉ nghĩ đến việc trừng phạt cô thôi. Tôi trừng trừng ngó cô rồi xẵng giọng, đuổi cô ra, sau cùng tôi ký tên, niêm phong bản báo cáo.

Nhưng cả đêm đó tôi trằn trọc một cách lạ thường. "Xin bác sĩ tha thứ cho tôi lần này." Có một tiếng vang gì vo vo hoài trong đầu tôi, một tiếng thì thầm rằng sự công bằng của tôi, và có lẽ mọi sự công bằng trên đời này, chỉ là do lòng muốn trả thù mà ra thôi. Và tôi phát cáu tự nhủ tôi hoài: “Đừng làm cái trò ngu xuẩn đó!"

Sáng hôm sau tôi lại hộc tủ lấy bức thư ra xé bỏ. Nhiều năm trôi qua. Thiếu nữ có lầm lỡ tai hại đó đã thành y tá trưởng trong một viện nuôi trẻ em quan trọng nhất ở xứ Galles. Trong suốt đời y tá, bà ta đã tỏ ra là một mẫu mực chuyên cần tận tâm. Đầu thế chiến, tôi nhận được tấm hình chụp trong một cái hầm núp tránh bom, trên hình có một người đàn bà khoảng tứ tuần, mặc đồng phục y tá trưởng, chung quanh có một bầy trẻ. Bà ta có vẻ mệt nhọc, nhưng bọn trẻ đều ngó bà với đầy vẻ âu yếm và tin cậy.

(Sưu tầm)

 

 
Trở lại     Đầu trang