loading
Tin Xây Dựng
Phỏng vấn Hòa thượng Viên Minh về công trình Bảo Tháp Xá-lợi

  

Từ Suối Tiên đi thẳng về hướng ngã ba Vũng Tàu, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra ngôi Bảo Tháp Xá-lợi – Chùa Bửu Long ( tọa lạc số 81 Nguyễn Xiển, Phường Long Bình, Quận 9, Tp.HCM ). Chúng tôi đã đến thăm quan và xin được phỏng vấn Hòa Thượng Viên Minh về công trình này.

  

Phóng viên: Kính bạch Hòa thượng. Xin Hòa thượng vui lòng cho chúng con biết sơ lược về mô hình kiến trúc Bảo Tháp? (diện tích, độ cao Bảo Tháp chính, 2 tháp chuông phụ, hồ nước? Có tất cả bao nhiêu hạng mục?)

Hòa thượng Viên Minh:

a) Tổng diện tích mặt bằng sàn 7 tầng 7.256m2

          Tầng trệt khoảng 2.000m2,

          Tầng 2 khoàng 2.000m2 tính cả mặt sàn hành lang,

          Tầng 3 khoảng 868m2,

          Tầng 4 (lửng) khoảng 450m2,

          Tầng 5 khoảng 868m2 kể cả hành lang,

          Tầng 6 khoảng 600m2

          Tầng 7 khoảng 20m2

b) Chiều cao tháp chính là 67m ( 80m so với mặt biển)

c) Hai tháp chuông và chiêng có tổng diện tích 3 tầng là 108m2, chiều cao khoảng 15m

d) Hồ nước có diện tích 280m2 chứa khoảng 800 khối nước.

e) Quanh tháp có 32 cây đèn cao khoảng 4m

Con số trên tôi chỉ ước lượng phỏng theo bản vẻ thiết kế chứ chưa đo đạc lại chính xác theo hiện trạng.

 

Phóng viên:  Nhân duyên nào hình thành nên công trình Bảo Tháp Xá-lợi?

Hòa thượng: Tôi cùng với các môn đệ của Tổ Hộ Tông đứng ra xây dựng ngôi Bảo Tháp này đặt tên là Tháp GOTAMA để tôn thờ Xá-lợi Phật và chư vị Thánh Tăng là thực hiện tâm nguyện của Tổ.

 

Phóng viên: Bảo Tháp Xá-lợi mang nét Ankor Wat nhưng lại thiết kế rất hiện đại. Khi đưa ra ý tưởng thiết kế này Hòa thượng có mô phỏng các Bảo Tháp đã có ở Thái Lan hay Miến Điện không?

Hòa thượng: Có vài người cho rằng đây là tháp thiết kế theo phong cách Thái Lan, nhưng đó là vì họ không nghiên cứu kỹ về sự đồng nhất và khác biệt của kiến trúc Phật Giáo các nước vùng Đông Nam Á. Khi đưa ra ý tưởng thiết kế tôi đã đắn đo rất kỹ. Tất nhiên vì là Phật Giáo Nam Tông tôi phải chọn kiến trúc theo văn hóa Phật Giáo Nam Tông vùng Đông Nam Á, chứ không thể theo kiến trúc phương Bắc ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Hầu hết kiến trúc Phật Giáo Nam Tông trong vùng Đông Nam Á đều xuất phát từ nền văn hóa Phù Nam cổ. Phù Nam tức là vùng lãnh địa Suvannabhūmi ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ từ triều đại Asoka, chiếm một diện tích rộng lớn trong vùng Đông Nam Á ngày nay, trải dài từ Miến Điện cho tới tận Biển Đông, như các dân tộc Cambodia, dân tộc Chăm, Thủy Chân Lạp mà ngày nay thuộc về miền Trung và Nam Bộ Việt Nam.

Việt Nam ảnh hưởng 2 nền văn hóa: Phương Bắc ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, phương Nam ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ mà trực tiếp là văn hóa Phù Nam. Kiến trúc cổ của nền văn minh Phù Nam ngày nay còn lại các di tích lịch sử nổi tiếng như Ankor Thom, Ankor Wat ở Cambodia,  Mỹ Sơn ở Quảng Nam, Tháp Bà ở Nha Trang v.v... Và chúng ta cũng có thể tìm thấy những di sản văn hóa này ở Miến Điện, Thái Lan và Lào.

Bảo Tháp chùa Tổ Đình Bửu Long thuộc Phật Giáo Nam Tông lại nằm trong khu văn hóa phương Nam của Công Viên Lịch Sử Văn Hóa Dân Tộc, nên tôi chọn lối kiến trúc cổ nhất của nền văn hóa Phù Nam, để vừa phù hợp với phong cách văn hóa Phật Giáo Nam Tông vùng Đông Nam Á, vừa phù hợp với văn hóa phương Nam của Công Viên Lịch Sử Văn Hóa Dân Tộc. Lấy lối kiến trúc cổ nhất của văn hóa Phù Nam kết hợp với kiến trúc hiện đại và chọn những mẫu hoa văn cổ rồi biến tấu cho gần gũi nhất với tâm hồn người Việt để tạo thành một kiến trúc vừa có nét chung của Phật Giáo Nam Tông vùng Đông Nam Á vừa có phong thái riêng của Phật Giáo Nam Tông Việt Nam. Như vậy mới tránh được sự mô phỏng theo phong cách riêng của kiến trúc Phật Giáo các nước trong vùng. Chính vì vậy mà bạn thấy Bảo Tháp vừa phảng phất bóng dáng cổ kính của tháp Chăm, của đền Ankor Wat... vừa có đường nét kiến trúc hiện đại mà vẫn có phong thái riêng của Phật Giáo Nam Tông Việt Nam.

 

Phóng viên: Kiến trúc sư nào thực hiện bản vẽ thiết kế Bảo Tháp theo ý tưởng của Hòa thượng và Công ty nào thi công xây dựng Bảo Tháp? Và dự kiến bao lâu nữa công trình mới hoàn tất?

Hòa thượng: Kiến trúc sư Mạc Văn Vạn của Công ty Toàn Thịnh Phát Trẻ thực hiện bản vẽ thiết kế. Công ty Hòa Hiệp của kỹ sư Nguyễn Văn Trong, chịu trách nhiệm thi công chính cùng với sự hợp tác của các công ty chuyên ngành khác như Công ty Đông Sơn (cửa đồng), Công ty Vĩnh Huy (điện), Công ty Toa và Cường Gia Phát (sơn), Công ty Granida và Công ty Hưng Cường (đá), Công ty Phước Tín (trần và của chính), ... và nhóm nghệ nhân Huế đắp hoa văn của anh Phạm Văn Hùng.

Chỉ còn vài công đoạn nhỏ nữa thôi nên dự kiến việc thi công xây dựng sẽ hoàn tất vào khoảng giữa tháng 10/2011, tức trước ngày dâng y của chùa (17/9AL).

 

Phóng viên: Với công trình lớn có quy mô bài bản ắt hẳn sẽ có những phát sinh ngoài dự kiến. Xin Hòa thượng chia sẻ ý kiến về công trình này?

Hòa thượng: Những hạng mục phát sinh thêm là tầng trệt thay vì nền tháp, 2 tháp chuông và hồ nước trước tháp. 

 

Phóng viên: Khi nào Hòa thượng tổ chức khánh thành Bảo Tháp?

Hòa thượng: Khoảng năm 2013 vì hiện nay còn phải xây dựng một số hạng mục nữa như cổng, Tăng xá và khách xá cho thiền sinh đến học thiền.

 

Phóng viên: Dự trù tổng kinh phí xây dựng Bảo Tháp là bao nhiêu?

Hòa thượng: Khoảng 40 tỷ đồng Việt Nam.

 

Phóng viên: Hòa thượng có nhắn nhủ chia sẻ gì qua công trình này?

Hòa thượng: Chân thành tri ân tất cả những thí chủ đã tích cực đóng góp và tất cả các Công ty thi công đã nhiệt tình xây dựng công trình Bảo Tháp được hoàn thành tốt đẹp.

 

Phóng viên: Chúng con xin rất tri ân Hòa thượng đã dành thời gian quý báu cho chúng con phỏng vấn. Kính chúc Hòa thượng thân tâm an lạc và công trình Bảo Tháp Xá-lợi sớm hoàn thành viên mãn.

(Hiền Huy Hòa Hiệp - Đạo Phật Ngày Nay)

 

 

 
Trở lại     Đầu trang