Trung Tâm Hộ Tông  Trang Chủ


Thiền Ngay Bây Giờ

Tác giả: Goenka
Dịch giả: Pháp Thông


 

Hận Thù Không Bao Giờ Hóa Giải Được Hận Thù        

Sau những cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở nước Mỹ, Goenkaji[1] đã viết bức thông điệp sau để xuất bản ở mục Thư Tín Thiền Minh Sát.

Thảm họa vừa rồi ở Nữu ước và Hoa thịnh đốn đã làm rúng động tất cả chúng ta. Chúng ta rất đau buồn cho những nạn nhân của thảm họa này. Và chúng ta cũng lấy làm buồn cho tất cả những con người vô tội đang phải sống trong bóng dáng của sự sợ hãi sau hậu quả của thảm họa này.

Khi có bóng tối thì ánh sáng cần đến

Hành động khủng khiếp vừa qua đã khiến chúng ta phải lưu ý đến mặt đen tối của kỷ nguyên hiện đại. Nó cũng đặt lòng can đảm của chúng ta vào sự thử thách để đối diện với tình trạng bi thảm này. Tôi chắc chắn rằng mỗi hành giả Minh Sát hẳn đã phát ra lòng từ ái và bi mẫn đối với tất cả những nạn nhân của thảm họa vừa qua. Chúng ta ước mong rằng những kẻ thủ phạm sẽ tỉnh ngộ lại và không tái diễn những tội ác như vậy nữa. Chúng ta lên án tội ác nhưng vẫn chỉ có lòng bi mẫn với kẻ gây tội. Chúng ta hiểu Quy Luật Phổ Quát của Tự nhiên, như Đức Phật đã dạy, ‘Hận thù không diệt được hận thù, chỉ có tình thương mới diệt được hận thù. Đây là định luật vĩnh hằng.’ Định luật này không liên quan gì đến Thiên Chúa giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo, DoThái giáo hay bất kỳ “giáo” nào khác. Tất cả những người yêu chuộng hòa bình đều hiểu điều này.Và ai là người không mong muốn hòa bình? Khi hàng triệu người trên thế giới chào nhau với: Salaam walekum-“Cầu mong hoà bình luôn ở với bạn” họ làm như vậy với cùng một lòng yêu mến hòa bình như nhau. Thầy Tôi, Sayagyi U Ba Khin, thường nói rằng,”Sự thanh tịnh của tâm là mẫu số chung lớn nhất của mọi tôn giáo.” Không người nào với tâm thanh tịnh lại có thể cho phép mình làm những hành động hèn nhát như vậy.

Sẽ là một thảm họa to lớn khác nếu biến cố này tạo ra một làn sóng căm ghét đối với một cộng đồng đặc biệt nào đó. Kẻ gây tội bao giờ cũng rất ít so với người dân bình thường của một xã hội. Pháp (Dhamma) không phải giảng để khiển trách những người vô tội. Sự phân chia xã hội loài người thành những khu vực tôn giáo là ngược lại với Pháp. Pháp không bao giờ phân chia mà chỉ kết hợp. Đây chính là lúc để cho chúng ta bày tỏ tình đoàn kết với muôn vàn người Hồi giáo và Ả Rập yêu chuộng hoà bình. Đức Phật thường nói rằng mọi đức tính tốt và xấu đều tìm thấy trong tất cả các giai cấp của xã hội. Chúng ta hãy nhớ điều đó. Chớ để cho hành đông hèn nhát của một vài người ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về cả một tôn giáo. Chúng ta phải sống thật hoà bình trong giờ phút khủng hoảng này. “Phúc thay là những sứ giả hoà bình: vì họ sẽ được gọi là con của Thượng Đế”!

Chúng ta biết rằng tất cả những hành động như vậy đều là sản phẩm của sân hận và vô minh. Bởi thế chúng ta phải làm sao để loại trừ được những bất tịnh này ra khỏi tâm mọi người. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau hành thiền và rải lòng từ ái cho tất cả những nạn nhân của thảm họa vừa qua ở Nữu Ước và Hoa Thịnh Đốn cũng như cho tất cả mọi người trên thế giới.

Bức Thông Điệp Chung Về Hòa Bình

Bài nói chuyện của S.N.Goenka tại Hội Nghị Thượng Đỉnh về Hòa Bình Thế Giới Thiên Niên Kỷ (Thứ 3).

Cuối tháng Tám năm 2000, Goenkaji[2] đã tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh về Hòa Bình Thế Giới Thiên Niên Kỷ, một hội nghị quy tụ hơn 1000 nhà lãnh đạo tinh thần và tôn giáo trên thế giới. Bài nói chuyện này được nói trước các đại biểu tại một buổi họp trong Sảnh Đường của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc, dưới sự bảo trợ của ngài Tổng Thư Ký Kofi Annan. Mục đích của cuộc họp là nhằm cổ xúy lòng khoan dung, nuôi dưỡng hòa bình, và khuyến khích sự đối thoại giữa các tôn giáo. Với rất nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra, khả năng bất đồng được xem là mạnh mẽ. Trong phần trình bày của mình trước các đại biểu, Goenkaji đã cố gắng làm nổi bật những gì mà họ có chung, những gì mà đạo lộ tu tập tinh thần của các tôn giáo có chung: đó là Pháp (Dhamma) phổ quát. Những nhận xét của ông đã được các đại biểu tiếp nhận với sự hoan hô không dứt.

Các bạn hữu, các vị lãnh đạo tinh thần và tôn giáo trên thế giới thân mến: Đây là một cơ hội tuyệt vời, nếu tất cả chúng ta cùng kết hợp và phục vụ nhân loại. Tôn giáo chỉ là tôn giáo khi nó kết hợp; nếu nó phân chia chúng ta, nó không còn là tôn giáo nữa.

Rất nhiều ý kiến đã được nêu ra ở đây, cả tán thành lẫn chống đối, về vấn đề cải đạo. Chẳng những tôi không chống lại việc cải đạo mà còn ủng hộ - nhưng với tôi sự cải đạo không phải từ một tổ chức tôn giáo này sang một tổ chức tôn giáo khác. Không, sự cải đạo phải là từ khổ đau sang hạnh phúc. Cải đạo phải là từ trói buộc sang giải thoát, từ độc ác sang từ bi. Đó là sự cải đạo mà ngày nay chúng ta cần đến, và đó là những gì mà ở cuộc họp này chúng ta nên tìm cách để thành tựu.

Vùng đất Ấn Độ cổ xưa không những đã đưa ra một bức thông điệp về hòa bình và hòa hợp cho thế giới, cho toàn thể nhân loại, mà nó còn làm hơn thế nữa: nó đưa ra một phương pháp, một kỹ thuật để thành tựu sự bình an và hòa hợp ấy. Đối với tôi dường như rằng nếu chúng ta muốn có sự bình an trong xã hội loài người, chúng ta không thể không lưu tâm đến các cá nhân. Nếu không có sự bình an trong tâm của mỗi người, tôi không hiểu làm thế nào chúng ta có thể có được bình an thực sự trên thế giới. Nếu tôi có một cái tâm tháo động, luôn luôn đầy ắp những nóng giận, sân hận, ác ý và thù nghịch, làm thế nào tôi có thể đóng góp sự bình an cho thế gian? Tôi không thể bởi vì chính bản thân tôi không có sự bình an ấy. Do đó các bậc giác ngộ thường nói, “Trước hết hãy tìm sự bình an nơi chính bạn.” Chúng ta phải xét xem trong bản thân mình có bình an thực sự chưa đã. Các bậc hiền thánh của thế gian từng khuyên, “Hãy hiểu biết chính mình”. Ý nghĩa của lời khuyên ấy không chỉ là biết mình ở mức tri thức, hay chấp nhận nó vì tình cảm hoặc đức tin, mà phải thực chứng bằng sự trải nghiệm ở mức thực tiễn. Khi bạn trải nghiệm sự thực về chính con người của bạn, trong chính bản thân bạn, ở mức thực tiễn, những vấn đề của cuộc sống sẽ tìm ra giải pháp của chúng.

Bạn bắt đầu hiểu quy luật phổ quát, quy luật của tự nhiên (thiên nhiên) – hay, nếu bạn thích, có thể gọi đó là quy luật của Thượng Đế Toàn Năng. Quy luật này có thể áp dụng chung cho tất cả mọi người: Khi tôi phát ra sân hận, ác ý, hoặc thù nghịch, tôi sẽ là nạn nhân đầu tiên của tâm sân hận ấy. Tôi là nạn nhân đầu tiên của chính cái sân hận hoặc thù nghịch mà tôi đã phát ra ở bên trong ấy. Trước tiên tôi tự hại mình, và chỉ sau đó tôi mới bắt đầu làm tổn hại đến những người khác. Đây là quy luật tự nhiên. Nếu tôi quan sát trong tự thân, tôi sẽ phát hiện ra rằng ngay khi một tiêu cực nào đó nảy sinh trong tâm, liền có một phản ứng vật lý: thân tôi trở nên nóng bức và bắt đầu thiêu đốt; tim đập nhanh và căng thẳng; tôi thực sự đau khổ. Khi tôi phát ra tiêu cực và bị đau khổ như vậy, tôi không giữ nó cho riêng mình; thay vào đó tôi lại trút nó lên những người khác. Tôi làm cho cả bầu không khí quanh tôi căng thẳng đến nỗi mà bất kỳ ai tiếp xúc với tôi cũng trở nên đau khổ. Mặc dù tôi nói về bình an và hạnh phúc, song cái quan trọng hơn lời nói vẫn là những gì đang diễn ra bên trong tôi. Và nếu tâm tôi thoát khỏi tiêu cực, quy luật của tự nhiên cũng bắt đầu làm việc. Giây phút tôi không có tiêu cực trong tâm, thiên nhiên -hay Thượng Đế Toàn Năng- bắt đầu ban thưởng cho tôi: tôi cảm thấy thật bình an. Điều này tôi cũng quan sát ở bên trong mình.

Bất luận tôn giáo, truyền thống, hay xứ sở của bạn là gì, khi bạn phá vỡ quy luật tự nhiên và phát ra tiêu cực trong tâm, bạn chắc chắn phải đau khổ. Thiên nhiên tự nó sẽ đưa ra sự trừng phạt. Những ai phá vỡ hay vi phạm những quy luật của thiên nhiên sẽ cảm thọ cái khổ của hỏa ngục bên trong họ, ngay hiện tại. Hạt giống họ gieo hôm nay là hạt giống của hỏa ngục, và những gì chờ đợi họ sau khi chết sẽ không là gì khác ngoài lửa địa ngục. Tương tự, theo quy luật tự nhiên, nếu tôi giữ cho tâm mình trong sạch, đầy lòng từ ái và bi mẫn, tôi sẽ hưởng hạnh phúc của cõi trời ở bên trong (bản thân) ngay hiện tại. Và hạt giống mà tôi gieo sẽ cho thiên lạc như quả của nó sau khi chết. Dù tôi có tự gọi mình là một người Ấn giáo, một người Hồi giáo, hay một người Thiên Chúa giáo… thì cũng không làm khác đi được: con người là con người; tâm con người là tâm con người.

Sự cải đạo được xem là cần thiết ngày hôm nay là làm sao chuyển từ tình trạng bất tịnh của tâm sang sự thanh tịnh của tâm. Và sự cải đạo này sẽ chuyển đổi con người theo những cách vô cùng kỳ diệu. Đó không phải là trò ma thuật hay phép lạ gì; đây là một khoa học về sự quan sát thuần túy những tương tác của tâm và vật chất hay danh và sắc bên trong tự thân. Bạn quan sát để thấy tâm cứ liên tục ảnh hưởng đến thân vật lý như thế nào, và thân ảnh hưởng đến tâm ra sao. Qua sự quan sát kiên nhẫn, quy luật của tự nhiên sẽ trở nên thật rõ ràng: bất cứ khi nào bạn phát ra tâm tiêu cực, bạn bắt đầu khổ đau; và bất cứ khi nào bạn thoát khỏi tiêu cực, bạn liền hưởng được sự bình an và hòa hợp. Kỹ thuật tự quan sát (bản thân) này bất kỳ ai cũng có thể thực hành được cả.

Được dạy bởi Bậc Giác Ngộ vào những thời xa xưa ở Ấn Độ, kỹ thuật đã lan truyền khắp nơi trên thế giới. Và cho đến ngày hôm nay, con người từ những cộng đồng khác nhau, từ những truyền thống và tôn giáo khác nhau đã đến học kỹ thuật này, và đều nhận được những lợi ích như nhau. Họ có thể cứ tiếp tục tự gọi mình là người theo Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo, hoặc Thiên Chúa giáo. Những cái mác tôn giáo này không quan trọng; con người là con người. Cái khác là ở chỗ qua việc thực hành họ trở thành con người phát triển tinh thần thực thụ, một con người đầy lòng từ ái và bi mẫn. Những gì họ đang làm đều có lợi ích cho chính bản thân họ và cho những người khác. Khi ai đó phát ra sự bình an trong tâm, toàn bộ bầu không khí quanh con người ấy được thấm nhuần với những rung động của bình an, và bất kỳ ai gặp gỡ con người ấy cũng hưởng được sự bình an. Sự thay đổi về mặt tâm linh này là sự cải đạo đích thực mà chúng ta cần phải có. Ngoài nó ra không có sự cải đạo nào khác ý nghĩa hơn.

Tôi xin được phép được đọc cho quý vị nghe một bức thông điệp nhân ái mà Ấn Độ gởi cho thế gian. Được khắc trên đá 2300 năm trước, bức thông điệp này là những lời nhắn nhủ của Đại Đế Asoka (A-Dục), một nhà cai trị lý tưởng, giải thích cách cai trị của ông. Ông nói với chúng ta, “Ta không nên chỉ biết tôn vinh tôn giáo của mình và miệt thị tín ngưỡng của người khác.” Đây là một bức thông điệp quan trọng cho thời đại chúng ta. Do chỉ trích các truyền thống khác và khăng khăng rằng truyền thống của mình là tốt đẹp nhất, chúng ta đã tạo ra những khó khăn cho nhân loại. Asoka tiếp tục, “Thay vào đó ta nên tôn vinh các tôn giáo khác vì lý do này hay lý do khác.” Mỗi tôn giáo xứng đáng với tên gọi khi nó có một bản chất hiền thiện của từ ái, bi mẫn và thiện chí. Chúng ta nên tôn vinh tôn giáo vì bản chất này. Hình thức bề ngoài luôn luôn khác nhau; có rất nhiều những dị biệt trong các hình thức lễ nghi, hay tín ngưỡng. Chúng ta không cãi nhau về những điểm ấy, mà thay vào đó chú trọng vào bản chất nội tại của nó. Như Asoka nói, “Do biết tôn vinh các tôn giáo khác ta không những giúp cho tôn giáo của mình phát triển, mà cũng còn giúp cho tôn giáo của những người khác phát triển. Bằng làm ngược lại, ta đã đào mồ chôn tôn giáo của chúng ta, và cũng làm tổn hại đến các tôn giáo khác.”

Có thể xem đây là lời cảnh báo nghiêm túc cho tất cả chúng ta. Bức thông điệp nói tiếp, “Một người tôn vinh tôn giáo mình và chỉ trích các tôn giáo khác, họ có thể làm điều này do sùng kính tôn giáo của mình, nghĩ rằng ‘Ta sẽ tán dương tôn giáo của ta,’ nhưng hành động của người ấy đã làm tổn hại tôn giáo của họ trầm trọng hơn .”

Cuối cùng, Asoka giới thiệu bức thông điệp về Quy Luật Phổ Quát, bức thông điệp của Pháp (Dhamma ): Mọi người hãy lắng nghe: Hòa thuận là tốt, không nên cãi vả, chỉ trích nhau. Tất cả mọi người phải biết sẵn lòng lắng nghe giáo lý mà những người khác công bố.” Thay vì bất hòa và chỉ trích, chúng ta hãy xem trọng phần cốt lõi trong lời dạy của mỗi tôn giáo. Và lúc đó chúng ta sẽ có bình an thực sự, hòa hợp thực sự.

Môn Bơi Lội Học

Một vị giáo sư trẻ nọ có lần đi du lịch bằng đường biển. Anh là một người học thức uyên bác với một cái đuôi dài lê thê những học vị đằng sau tên của anh ta, song anh lại có rất ít kinh nghiệm về cuộc sống. Trong thủy thủ đoàn của chiếc tàu anh đang đi có một bác thủy thủ già thất học. Mỗi buổi chiều bác thường đến viếng căn phòng của vị giáo sư trẻ để nghe anh ta nói liên tu bất tận về nhiều đề tài khác nhau. Bác rất thán phục kiến thức của vị giáo sư trẻ này.

Một buổi chiều khi bác thủy thủ già sắp rời căn phòng sau vài giờ nói chuyện, vị giáo sư hỏi, “Này bố già, thế ông có học môn địa chất học không ?”

“Đó là cái gì, thưa ngài ?”

“Ngành khoa học về trái đất đấy.”

“Ồ không, thưa ngài, Tôi chưa từng được đến trường. Tôi chưa bao giờ học một môn học nào cả.”

“Ông già ơi, ông đã phí hết một phần tư cuộc đời của ông rồi.”

Bác thuỷ thủ già bỏ đi với khuôn mặt dài thuỗn ra. “ Nếu một người học thức như thế nói như thế, chắc hẳn điều đó phải là xác thực,” bác nghĩ. “Ta đã phí hết một phần tư cuộc đời của mình rồi!”

Chiều hôm sau cũng thế khi bác thủy thủ sắp rời căn phòng, vị giáo sư lại hỏi ông, “Này ông già, thế ông đã học môn hải dương học chưa?”

“Đó là cái gì, thưa ngài?”

“Ngành khoa học về đại dương đấy.”

“Không, thưa ngài,Tôi chưa từng học một cái gì cả.”

“Ông già ơi, Ông đã phí hết một nửa cuộc đời của ông rồi.”

Với khuôn mặt xệ dài hơn trước bác thủy thủ bỏ đi: “Ta đã phí hết một nửa đời người rồi; con người học thức này nói như vậy.”

Chiều ngày kế, một lần nữa vị giáo sư trẻ lại hỏi bác thủy thủ già: “Ông già ơi, thế ông đã học môn khí tượng học chưa?”

“Đó là cái gì, thưa ngài? Tôi chưa bao giờ nghe nói tới môn học đó.”

“Sao, đó là ngành khoa học nghiên cứu về các hiện tượng gió, mưa, thời tiết mà.”

“Không, thưa ngài. Như tôi đã nói với ngài,Tôi chưa bao giờ được tới trường. Tôi chưa bao giờ học một điều gì cả. “

“Ông đã không học ngành khoa học về trái đất trên đó ông sống; Ông đã không học ngành khoa học về đại dương nơi ông kiếm kế sinh nhai; ông đã không học ngành khoa học về thời tiết, cái mà ông gặp hàng ngày! Ông già ơi, ông đã phí hết ba phần tư cuộc đời của ông rồi.”

Bác thủy thủ già cảm thấy rất buồn: “Con người học thức này nói rằng ta đã phí hết ba phần tư cuộc đời của ta ! Chắc chắn ta đã phí hết ba phần tư cuộc đời rồi.”

Ngày hôm sau đến phiên bác thủy thủ già. Bác chạy hớt hơ hớt hải lên phòng của người thanh niên và la lên, “Thưa ngài giáo sư, ngài có học môn bơi lội học không?”

“Bơi lội học ư? Ý ông muốn nói gì?”

“Thưa ngài, ngài có biết bơi không đấy?”

“Không, tôi không biết bơi.”

“Thưa ngài giáo sư, thế là ngài đã phí hết cả cuộc đời của ngài rồi! Tàu đã va phải đá và đang chìm đấy. Những ai biết bơi có thể đến được bờ kế bên, còn ai không biết bơi sẽ phải chết đuối. Tôi thật lấy làm tiếc, thưa ngài giáo sư, ngài chắc chắn sẽ mất mạng.”

Bạn có thể học tất cả các “ngành học” của thế gian, thế nhưng nếu bạn không học môn bơi lội học, tất cả những cái học của bạn đều vô ích. Bạn có thể đọc và viết những cuốn sách về bơi lội, bạn có thể biện bác về những phương diện lý thuyết vi tế của nó, song điều đó sẽ giúp ích cho bạn như thế nào nếu bạn không tự mình nhảy xuống nước? Bạn phải học cách bơi.

Ý Nghĩa Của Hạnh Phúc

Phỏng theo bài nói chuyện của Goenkaji tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (World Economic Forum), Davos, Switzerland (Thuỵ Sỹ), tháng Giêng, năm 2000.

Những người đang tham dự diễn đàn này đều nằm trong nhóm người đặc biệt trên hành tinh của chúng ta. Nói chung họ nằm trong số những người giàu có nhất, có quyền lực nhất, thành đạt nhất trên thế giới. Ngay cả việc được mời tham dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới này cũng được xem như sự công nhận về những địa vị xuất chúng mà mỗi người tham dự đã đạt đến trong số những người ngang hàng với họ. Khi một người có tất cả sự giàu sang, quyền lực và địa vị mà bất kỳ ai cũng từng mong ước, họ có nhất thiết hạnh phúc không ? Liệu tất cả những sự thành đạt và tự mãn mà họ đeo mang ấy có phải là ‘có tất cả’ rồi không ? Hay còn có một mức độ hạnh phúc to lớn hơn nữa con người có thể thành tựu?

Hạnh phúc là một trạng thái phù du. Nó trôi qua rất nhanh; khoảnh khắc này có mặt khoảnh khắc kế đã ra đi. Ngày nào mà mọi sự diễn tiến tốt đẹp với công việc của bạn, với tài khoản và gia đình của bạn, ngày ấy có hạnh phúc. Nhưng cái gì sẽ xảy ra khi điều bạn không mong muốn ập đến? Khi một điều gì đó hoàn toàn nằm ngoài quyền kiểm soát của bạn xảy ra làm xáo trộn hạnh phúc và hoà hợp của bạn?

Mỗi người trên thế gian, bất kể quyền lực và địa vị của họ, đều sẽ trải qua những giai đoạn trong đó những hoàn cảnh phát sinh được xem là nằm ngoài sự kiểm soát của họ và không theo ý thích của họ. Nó có thể là việc bạn khám phá ra rằng mình đang mắc một chứng bệnh hiểm nghèo; có thể là cái chết hay cơn bạo bệnh của một người gần gũi và thân thiết của bạn, cũng có thể là chuyện ly dị hay bạn phát hiện ra vợ (chồng) của mình ngoại tình. Đối với người đam mê sự thành công trong cuộc đời, có thể chỉ đơn giản là một sự thất bại nào đó, chẳng hạn như một quyết định làm ăn sai lầm, công ty của bạn bị mua lại và kết quả là bạn mất việc, bị thất cử, người nào khác được đề bạt vào địa vị bạn mong muốn, hay con cái của bạn bỏ nhà ra đi, hoặc nó bác bỏ hết mọi giá trị mà bạn trân quý. Bất kể bạn có giàu sang, thanh thế và quyền uy bao nhiêu chăng nữa cũng mặc, những sự kiện không mong muốn và thất bại như vậy thường tạo ra tình trạng đau khổ khôn xiết.

Kế đến là vấn đề: làm thế nào để đương đầu với những giai đoạn bất hạnh ấy, nếu không nó sẽ làm hỏng đi một cuộc sống lý tưởng? Những giai đoạn như thế chắc chắn sẽ đến ngay cả đối với một cuộc sống được xem là may mắn nhất. Bạn có xử sự được bằng một thái độ quân bình và buông xả hay bạn sẽ phản ứng lại bằng sân hận đối với tình trạng khổ đau mà bạn đang nếm trải? Bạn có mong muốn được trở lại cái hạnh phúc trước đó của bạn không? Thêm nữa, khi bạn bị đắm trước vào hạnh phúc và vào những gì luôn luôn diễn ra theo cách bạn muốn, thì cái khổ khi mọi sự không xảy ra theo ý bạn thậm chí còn trở nên to lớn hơn nữa. Thực sự là nó trở nên không thể chịu đựng nổi. Nó thường làm cho chúng ta phải dùng đến rượu để đối phó với những tình huống bất toại nguyện và chán chường ấy, và có khi còn dùng đến thuốc ngủ để có được sự nghỉ ngơi chúng ta cần để tiếp tục chịu đựng. Trong khi đó chúng ta vẫn nói với thế giới bên ngoài và chính bản thân mình rằng chúng ta cực kỳ hạnh phúc vì sự giàu sang, quyền lực và địa vị của chúng ta.

Tôi xuất thân từ một gia đình thương buôn và từng là một chủ doanh nghiệp cũng như thương gia từ lúc còn thiếu thời. Tôi đã xây dựng những nhà máy đường, nhà máy dệt, những xí nghiêp dệt chăn mền và thành lập các hãng xuất nhập khẩu có văn phòng ở khắp mọi nơi trên thế giới. Trong quá trình ấy, tôi làm ra rất nhiều tiền. Tuy nhiên, tôi cũng nhớ rõ mồn một cách tôi đã phản ứng như thế nào đối với những sự kiện trong công việc làm ăn của tôi cũng như đời tư của tôi trong suốt những năm ấy. Hằng đêm, nếu tôi không thành công trong một công việc mua bán nào đó ngày hôm ấy, tôi sẽ nằm trằn trọc hàng giờ để hình dung ra những gì đã đưa đến sai lầm và những gì tôi cần phải làm lần tới. Ngay cả nếu tôi có đạt được một thành công lớn ngày hôm đó tôi cũng sẽ nằm thao thức để tận hưởng tài năng của mình. Trong khi tôi nếm mùi thành công, kinh nghiệm ấy cũng chẳng phải là hạnh phúc hay sự bình an của tâm. Tôi thấy rằng sự bình an có liên quan rất mật thiết với hạnh phúc và tôi thường chẳng có cả hai, bất kể đến tiền bạc và địa vị của tôi như một nhà lãnh đạo trong công đồng.

Tôi nhớ có một bài thơ rất được ưa chuộng liên quan tới vấn đề đang bàn này.

Dễ thay sống vui tươi;

Khi dòng đời êm trôi,

Như bài ca ngọt ngào.

Nhưng con người xứng đáng,

Là người có thể cười,

Khi mọi việc tiêu vong.

Mỗi người trong chúng ta sẽ đối phó như thế nào với những giai đoạn mà mọi việc đi đến ‘tiêu vong’ hay thất bại hoàn toàn ấy mới là yếu tố chính của ‘ý nghĩa của hạnh phúc’, bất kể đến tiền bạc, quyền lực và thanh thế của chúng ta.

Mọi người ai cũng muốn sống một cuộc sống hạnh phúc và đó là một nhu cầu cơ bản của con người. Muốn như vậy, ta phải có được hạnh phúc chân thực. Cái gọi là hạnh phúc mà chúng ta thọ hưởng nhờ có tiền bạc, quyền lực, và đắm chìm trong các dục lạc không phải là hạnh phúc chân thực. Hạnh phúc ấy rất mong manh, không bền và thoáng qua. Để có được hạnh phúc chân thực, hạnh phúc vững bền, trường cửu, chúng ta phải thực hiện một cuộc hành trình vào sâu trong tự thân và loại trừ hết mọi đau khổ, bất hạnh tồn chứa trong những mức sâu kín của tâm. Bao lâu còn có khổ đau ở tận sâu trong tâm mọi cố gắng để cảm nhận hạnh phúc ở mức bề mặt của tâm đều tỏ ra vô ích.

Kho chứa những đau khổ ở tận sâu trong tâm này cứ tiếp tục sinh sôi nảy nở bao lâu chúng ta còn tiếp tục phát ra những tiêu cực như nóng giận, sân hận, ác ý ,và thù nghịch. Quy luật của tự nhiên là vậy, ngay khi chúng ta phát ra tiêu cực, khổ đau liền phát sanh. Chúng ta không thể nào cảm nhận được hạnh phúc và bình an khi chúng ta đang phát ra tiêu cực trong tâm. Bình an và tiêu cực không thể cùng tồn tại cũng như ánh sáng và bóng tối không thể ở chung với nhau vậy. Có một cách luyện tập rất khoa học và hệ thống do một nhà siêu-khoa học vĩ đại của đất nước Ấn Độ cổ xưa phát triển qua đó người ta có thể khám phá ra sự thực liên quan đến các hiện tượng tâm-thân hay danh-sắc ở mức kinh nghiệm. Kỹ thuật này được gọi là Vipassanā (Minh sát), nghĩa là quan sát thực tại một cách khách quan, đúng như nó là.

Kỹ thuật này giúp cho người ta phát triển khả năng cảm nhận và hiểu biết tác động qua lại của tâm và vật chất trong cấu trúc vật lý (thân) của chính họ. Kỹ thuật Minh sát liên quan đến quy luật cơ bản của tự nhiên, đó là khi bất cứ một phiền não nào nảy sinh trong tâm, lập tức hai điều bắt đầu xảy ra ở mức vật lý. Một là hơi thở mất đi nhịp điệu bình thường của nó. Tôi bắt đầu thở nặng nề khi một tiêu cực nảy sanh trong tâm. Đây là một thực tại rất thô và rõ rệt mà ai cũng có thể cảm nhận. Đồng thời, ở một mức vi tế hơn, một phản ứng sinh hoá bắt đầu trong thân: Tôi cảm giác một cảm thọ vật lý trên thân. Mỗi phiền não làm phát sinh một cảm thọ thế này hay thế khác trên một phần nào đó của thân.

Đây là một giải pháp thực tiễn. Một người bình thường không thể nào quan sát được những phiền não trừu tượng của tâm: sợ hãi, nóng giận, dục vọng trừu tượng. Song với việc luyện tập và thực hành thích hợp, họ sẽ rất dễ quan sát hơi thở và các cảm thọ, cả hai đều liên quan trực tiếp đến những phiền não trong tâm.

Hơi thở và cảm thọ sẽ giúp tôi theo hai cách. Thứ nhất, ngay khi một phiền não khởi động trong tâm, hơi thở sẽ mất đi nhịp điệu bình thường của nó. Nó bắt đầu la lên: ‘Xem này, có cái gì đã trục trặc rồi đó!’ Tương tự, các cảm thọ bảo tôi:’có cái gì đã trục trặc rồi.’ Tôi phải chấp nhận điều này. Lúc đó, sau khi đã được cảnh báo, tôi bắt đầu quan sát hơi thở, quan sát các cảm thọ, và tôi thấy rằng phiền não chẳng mấy chốc biến mất.

Hiện tượng tâm - vật lý này cũng giống như một đồng tiền có hai mặt vậy. Ở mặt này là những ý nghĩ hay những cảm xúc nảy sanh trong tâm. Ở mặt kia là hơi thở và các cảm thọ xuất hiện trên thân. Mỗi ý nghĩ hay cảm xúc, ý thức hay vô thức, mỗi tâm phiền não đều thể hiện ra trong hơi thở hoặc cảm thọ của khoảnh khắc đó. Như vậy, nhờ quan sát hơi thở hoặc cảm thọ, bạn đang gián tiếp quan sát tâm phiền não. Thay vì chạy trốn vấn đề, bạn đối diện với thực tại như nó đang là. Lúc đó bạn thấy rằng phiền não mất đi sức mạnh của nó; nó không còn có thể áp đảo được bạn như nó đã từng trong quá khứ. Nếu bạn kiên trì, phiền não cuối cùng biến mất hoàn toàn và bạn giữ được sự bình an và hạnh phúc.

Theo cách này, kỹ thuật minh sát tự thân chỉ ra cho chúng ta thấy thực tại trên hai phương diện của nó: bên ngoài và bên trong. Trước đây bạn luôn luôn nhìn ra bên ngoài với đôi mắt mở, bỏ quên sự thực bên trong. Con người luôn luôn tìm nguyên nhân những bất hạnh hay khổ đau của mình ở bên ngoài. Chúng ta luôn luôn đổ thừa hoàn cảnh và cố gắng thay đổi thực tại bên ngoài. Do phớt lờ thực tại bên trong, chúng ta không bao giờ hiểu được rằng nguyên nhân của khổ đau nằm ở bển trong, nằm nơi những phản ứng mù quáng của chính chúng ta.

Bạn càng thực hành kỹ thuật này nhiều bao nhiêu, bạn càng nhanh chóng thoát ra khỏi những tiêu cực sớm hơn bấy nhiêu. Dần dần tâm cũng thoát khỏi những phiền não; nó trở nên thanh tịnh. Một cái tâm thanh tịnh luôn luôn ngập tràn yêu thương, tình yêu thương không dính mắc hay tâm từ đối với tất cả mọi người; ngập tràn lòng bi mẫn đối với những thất bại và khổ đau của người khác; ngập tràn lòng hoan hỷ với những thành công và hạnh phúc của họ; ngập tràn sự xả ly khi đương đầu với bất kỳ hoàn cảnh nào.

Khi bạn tới được giai đoạn này, toàn bộ mô thức sống của bạn bắt đầu thay đổi. Bạn không thể nào còn làm bất cứ điều gì bằng thân hay bằng lời nói sẽ gây xáo trộn sự bình an và hạnh phúc của người khác được nữa. Thay vào đó, tâm quân bình chẳng những trở nên thật bình yên mà nó còn giúp cho người khác được bình yên nữa. Bầu không khí xung quanh một người như vậy sẽ được thấm nhuần với sự bình yên, hoà hợp và hạnh phúc chân thực, những điều này cũng bắt đầu có ảnh hưởng tới những người khác.

Kinh nghiệm trực tiếp thực tại trong chính bản thân hay kỹ thuật tự quan sát này, được gọi là Vipassanā (Minh sát) và nó là một cách trực tiếp và giản dị nhất để dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc chân thực.

Tất nhiên, sống một cuộc sống hạnh phúc cũng còn có những yếu tố khác. Một số trong những yếu tố ấy thích hợp với nhóm người đang tham dự diễn đàn này. Khi bạn có tất cả tiền bạc và của cải mà bạn từng mong muốn, làm thế nào bạn có thể thực sự hưởng được những đặc ân ấy trong khi hàng triệu người trên thế giới còn không chắc lắm về bữa ăn kế của họ. Dĩ nhiên không có gì tuyệt đối sai với việc kiếm tiền để chu cấp cho bản thân bạn, cho gia đình bạn và cho những người nương tựa vào bạn, song bạn cũng phải trả lại một phần nào đó cho xã hội. Bạn có được sự giàu sang của mình là từ xã hội, vì thế bạn phải cho lại nó một cái gì. Thái độ của bạn cần phải là: ‘Ta kiếm tiền cho bản thân nhưng ta cũng kiếm tiền cho tha nhân.’

Phương diện khác của hạnh phúc trong việc kinh doanh buôn bán là phải chắc chắn rằng bất cứ điều gì bạn làm để kiếm tiền cho mình sẽ không gây thiệt hại hay tổn thương cho những người khác. Đây là một trách nhiệm to lớn. Tiền kiếm được với giá phải trả là sự bình yên và hạnh phúc của đồng loại sẽ chẳng bao giờ đem lại hạnh phúc cho bạn. Hạnh phúc chân thực không phải là của cải, tài nghệ, sự giàu sang hay quyền thế. Nó là một trạng thái nội tại vốn xuất phát từ một cái tâm thanh tịnh và bình yên. Vipasanā là một khí cụ giúp mọi người thành tựu trạng thái ấy.         

Đức Phật Và Nhà Khoa Học

Thực tại về thân (vật lý) không ngừng thay đổi trong từng sát-na. Đây là những gì Đức Phật đã thực chứng bằng việc khảo sát chính bản thân ngài. Với tâm định mạnh mẽ, Đức Phật thể nhập sâu vào bản chất riêng của mình và thấy rằng toàn bộ cơ cấu vật chất được cấu thành bởi những tổng hợp sắc hay những hạt hạ nguyên tử nhỏ bé đang sanh và diệt liên tục. Trong một cái búng tay hay trong một cái chớp mắt, Ngài nói, mỗi trong những phân tử này sanh và diệt nhiều tỷ lần.

“Không thể nào tin được”, bất kỳ ai chỉ quan sát thực tại rõ rệt bề ngoài,vốn dường như rất rắn chắc, rất thường hằng, đều sẽ nghĩ như thế. Tôi thường cho rằng câu nói “nhiều tỷ lần” có thể chỉ là cách diễn đạt mang tính thành ngữ nhiều hơn chứ không nên hiểu theo nghĩa đen. Tuy nhiên, khoa học hiện đại đã xác nhận lời tuyên bố này.

Vài năm trước, một khoa học gia Mỹ đã nhận giải thưởng Nobel về vật lý. Trong một thời gian dài ông đã nghiên cứu và tiến hành các cuộc thí nghiệm để biết được các hạt hạ nguyên tử cấu thành vũ trụ vật lý này. Người ta cũng đã biết được rằng những phân tử này sanh và diệt với vận tốc cực kỳ nhanh và lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Sau đó nhà khoa học này quyết định chế tạo một dụng cụ để có thể đếm xem một phân tử sanh và diệt bao nhiêu lần trong một giây. Ông đã rất đúng khi gọi dụng cụ mà ông phát minh là một buồng bong bóng, và ông phát hiện ra rằng trong một giây mỗi hạt hạ nguyên tử sanh và diệt 1022 lần.

Sự thực mà nhà khoa học này khám phá cũng giống như sự thực mà Đức Phật đã tìm ra, nhưng giữa họ có một sự khác biệt lớn lao biết dường nào! Một số các thiền sinh người Mỹ của tôi đã tham dự những khoá thiền ở Ấn Độ sau đó trở về đất nước của họ, và họ đã đến thăm nhà khoa học này. Họ báo lại cho tôi biết rằng mặc dù sự thực là ông ta đã khám phá ra thực tại này, ông vẫn là một con người phàm tục với cái khối khổ thông thường mà mọi người bình thường vẫn có! Ông ta không hoàn toàn giải thoát khỏi khổ.

Không, nhà khoa học đó không làm sao trở thành một con người giác ngộ được, không thế nào giải thoát khỏi mọi khổ đau được, bởi vì ông đã không kinh nghiệm sự thực một cách trực tiếp. Những gì ông biết vẫn chỉ là trí tuệ thế gian. Ông tin sự thực này bởi vì ông có sự tin tưởng vào cái dụng cụ mà ông phát minh, song ông đã không tự thân kinh nghiệm trực tiếp sự thực.

Tôi không có gì phải chống lại con người này cũng không có gì phải chống lại khoa học hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ là nhà khoa học nghiên cứu thế giới bên ngoài. Giống như Đức Phật, chúng ta cũng nên là một nhà khoa học nghiên cứu thế giới bên trong tự thân chúng ta, để kinh nghiệm sự thực một cách trực tiếp. Sự thực chứng cá nhân về sự thực hay chân lý sẽ tự động thay đổi mô thức thói quen của tâm nhờ đó bạn bắt đầu sống thuận theo sự thực. Mỗi hành động bạn làm sẽ hướng trực tiếp đến sự tốt đẹp của cá nhân bạn và sự tốt đẹp của những người khác. Nếu kinh nghiệm nội tại này bị bỏ qua, khoa học rất có thể sẽ bị lạm dụng vào những mục đích hủy diệt. Song nếu chúng ta trở thành những nhà khoa học nghiên cứu về thực tại bên trong, chúng ta sẽ sử dụng thích đáng khoa học cho hạnh phúc của tất cả chúng sanh.

Tôn Giáo

Đây là bài thứ hai trong ba bài nói chuyện tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, Davos, Thụy Sỹ, tháng Giêng, năm 2000.

Tốt đẹp thay hôm nay tất cả chúng ta lại gặp nhau ở đây để thảo luận về những phương diện khác nhau của tôn giáo. Không phải tôn giáo này hay tôn giáo nọ mà tôn giáo theo nghĩa đích xác của nó.

Có hai phương diện rất ý nghĩa của tôn giáo, một trong hai phương diện đó được xem như cốt lõi của tôn giáo, tinh hoa của tôn giáo, và hết sức quan trọng. Đó là sống một cuộc sống đạo đức, đầy lòng từ ái, bi mẫn, thiện chí, và khoan dung.

Về bản chất, tôn giáo nào cũng giảng dạy đạo đức. Đây là mẫu số chung lớn nhất của mọi tôn giáo.

Một đời sống đạo đức là một đời sống ở đây người ta biết tránh mọi hành động bằng thân hay bằng lời nói nào gây xáo trộn sự bình yên và hòa hợp của những chúng sinh khác. Một đời sống đạo đức luôn luôn thoát khỏi những tiêu cực như nóng giận, sân hận, ác ý, và thù nghịch.

Một đời sống đạo đức là một đời sống tôn giáo đích thực ở đây người ta sống trong bình yên và hòa hợp với chính mình và không phát ra gì khác ngoài sự bình yên và hòa hợp đối với tha nhân.

Một đời sống tôn giáo thực thụ là một “nghệ thuật sống”, một nguyên tắc cư xử hợp với đạo đức, là một cuộc sống hiền thiện và lành mạnh trong tinh thần hòa hợp vui vẻ. Một đời sống tôn giáo thực thụ luôn luôn lợi ích cho chính mình, lợi ích cho tha nhân, và lợi ích cho toàn thể xã hội loài người.

Một con người tôn giáo thực sự là một con người đạo đức, một người sống với cuộc sống đạo đức, với một cái tâm đã khéo kiểm soát và khép vào cương kỷ. Một người với một tấm lòng trong sạch luôn luôn sôi nổi với từ ái và bi mẫn. Một con người tôn giáo thực sự là một viên ngọc vô giá của xã hội loài người. Một con người tôn giáo thực sự như vậy có thể từ bất kỳ xứ sở nào, cộng đồng nào, bất kỳ màu da nào, giới tính nào, giàu hay nghèo, có học thức hay thất học. Mỗi con người đều có thể trở thành một con người tôn giáo đích thực như vậy.

Sống một cuộc sống đạo đức với một cái tâm đã khéo kiểm soát, khéo khép vào cương kỷ và với một tấm lòng trong sạch đầy từ ái và bi mẫn không phải là độc quyền của bất kỳ một tôn giáo nào. Nó dành cho tất cả. Nó vượt qua mọi chướng ngại bộ phái. Nó luôn luôn phi bộ phái. Nó luôn luôn mang tính phổ quát. Nó luôn luôn là của chung.

Nếu người ta thực hành được tinh túy của tôn giáo như vậy thì không còn lý do gì cho các cuộc xung đột hay bất đồng quan điểm giữa những con người trên thế gian bất kể tôn giáo của họ là gì. Mọi thành viên trong xã hội loài người có thể thọ hưởng sự bình yên chân thực, hòa hợp chân thực, và hạnh phúc chân thực nhờ giữ gìn tinh túy của tôn giáo này.

Tuy nhiên còn có một phương diện khác của tôn giáo. Đó là cái vỏ bề ngoài của tôn giáo. Cái vỏ này đòi hỏi phải có những lễ nghi, nghi thức, v.v… mà rất có thể sẽ biến thành những hình thức sùng bái khác nhau. Mỗi tôn giáo có những niềm tin mang tính triết lý và thần thoại khác nhau của riêng nó, mỗi trong số đó rất có thể biến thành những giáo điều, tín ngưỡng mù quáng và đức tin mù quáng.

Trái với sự giống nhau về cốt lõi đạo đức bên trong, cái vỏ cứng bề ngoài này phô bày một sự khác nhau rất lớn. Mỗi tôn giáo mang tính bộ phái có tổ chức hẳn hoi đều có những hình thức lễ nghi, nghi thức, sự sùng bái, đức tin và giáo điều của riêng nó. Tín đồ của những tôn giáo có tổ chức như vậy thường phát sanh một sự chấp thủ dữ dội vào các hình thức lễ nghi, tín ngưỡng, và giáo điều của họ, xem đó như những phương tiện cứu độ duy nhất. Những con người lầm lạc như vậy thậm chí có thể không có chút đạo đức nào, không có chút từ ái, bi mẫn và thiện chí nào đối với tha nhân, tuy thế họ vẫn có cảm tưởng rằng họ là những con người tôn giáo bởi vì họ đã thực hiện được những hình thức lễ nghi thế này, thế nọ hoặc bởi vì họ có đức tin đầy đủ nơi tín ngưỡng của họ. Thực sự ra họ đang tự mê hoặc mình và bỏ qua tinh hoa của pháp hành được xem là bản chất đích thực của tôn giáo.

Và còn có một phần rất tệ hại của cái vỏ bề ngoài này.

Những người chấp chặt vào tín ngưỡng riêng của họ thường tin chắc rằng tín đồ của các tôn giáo có tổ chức khác là những người vô tín ngưỡng và do đó sẽ chẳng bao giờ nếm được sự cứu rỗi. Họ còn tin chắc rằng cải hóa được người khác theo đạo của mình là một việc làm có phước báu lớn lao và vì vậy mà họ áp dụng đủ mọi biện pháp kể cả cưỡng bức.

Niềm tin mù quáng của tín đồ các tôn giáo có tổ chức như vậy rất có thể sẽ biến thành trào lưu chính thống cuồng tín. Nó dẫn đến những cuộc tranh cãi, những sự mâu thuẫn, những đối đầu thô bạo và thậm chí những cuộc chiến tranh đẫm máu mà kết quả là bao nỗi tang thương đau khổ trong xã hội, xóa sạch mọi sự bình yên và hòa hợp của nó. Và tất cả những điều này được người ta làm nhân danh tôn giáo. Thật là một nỗi bất hạnh to lớn cho thế giới loài người này vậy.

Khi những cái vỏ bề ngoài của tôn giáo trở nên quan trọng quá mức như vậy thì cái lõi đạo đức bên trong sẽ mất đi.

Đôi khi người ta còn cảm thấy rằng không thể có một tôn giáo mà không có cái vỏ cứng bên ngoài, dù cái vỏ ấy có thể là điều không ai muốn. Song những thí nghiệm thành công đã được thực hiện trong quá khứ và ngay cả ngày nay cũng đang được thực hiện, ở đây, một trăm phần trăm mọi người đều cho cốt lõi đạo đức bên trong là quan trọng, bỏ qua cái vỏ bề ngoài như hoàn toàn không thích hợp. Phương pháp để áp dụng thành công điều này gọi là thiền Minh Sát (Vipassanā) vẫn còn tồn tại.

Hạt Giống Và Trái

Nhân như thế nào, quả sẽ như vậy. Hạt giống như thế nào, trái sẽ như thế. Hành động (nghiệp) như thế nào, quả báo cũng không sai.

Trên cùng một thửa đất người nông dân kia trồng hai hạt giống: Một hạt của cây mía, và hạt kia của cây neem, một loại cây vùng nhiệt đới rất đắng. Hai hạt giống trên cùng một loại đất, nhận cùng một thứ nước, cùng ánh nắng mặt trời, cùng một bầu không khí; thiên nhiên còn cho cả hai cùng một chất bổ dưỡng. Hai cây nhỏ bé nhô lên và bắt đầu phát triển. Và điều gì đã xảy ra với cây neem? Nó đã phát triển với vị đắng ngắt trong từng thớ thịt, trong khi cây mía lại lớn lên với từng thớ thịt của nó thơm mát ngọt ngào. Tại sao thiên nhiên, hay, nếu bạn thích, tại sao Thượng Đế lại quá tốt bụng với cây này và quá độc ác với cây kia? Không, không, thiên nhiên không tốt bụng cũng chẳng độc ác. Thiên nhiên làm việc theo những quy luật cố định của nó. Thiên nhiên chỉ giúp cho tính chất của hạt giống thể hiện ra. Tất cả chất bổ dưỡng chỉ là để giúp cho hạt giống bộc lộ tính chất đặc biệt nằm ngầm bên trong nó ra mà thôi. Hạt giống của cây mía có tính chất ngọt ngào; do đó cây của nó sẽ chỉ có vị ngọt. Hạt giống của cây neem có tính chất đắng; nên cây của nó sẽ không có gì ngoài vị đắng ấy. Hạt giống như thế nào, trái sẽ như thế đó là vậy.

Người nông dân đi đến cây neem, cúi lạy ba lạy, nhiễu quanh nó 108 vòng, và rồi dâng cúng hương hoa, đèn nến, và trái cây. Sau đó ông bắt đầu cầu nguyện, “Ôi thần neem, xin ngài hoan hỷ cho con những trái xoài ngọt ngào, con mong muốn có được những trái xoài ngọt ngào!” Vị thần neem tội nghiệp kia làm sao có thể cho ra những trái xoài ngọt ngào được, ông không có quyền năng gì để làm như vậy. Nếu ai đó muốn có những trái xoài ngọt, họ phải trồng hạt giống của cây xoài. Lúc đó họ chẳng cần phải khóc lóc van xin ai giúp đỡ làm gì. Vì trái mà họ thâu hoạch sẽ chỉ là những trái xoài ngọt. Hạt giống như thế nào, trái sẽ như vậy.

Cái khó của chúng ta, cái vô minh của chúng ta là ở chỗ chúng ta vẫn cứ không chịu để ý khi chúng ta gieo trồng những hạt giống. Chúng ta cứ tiếp tục trồng những hạt giống của cây neem, nhưng khi thời vụ cho trái tới chúng ta mới bất ngờ thông báo, chúng ta muốn có những trái xoài ngọt. Điều này làm sao có thể được.[3]



[1] Goenkaji hay Ngài Goenka, là cách gọi tôn kính.

[2] Xem lại chú thích trang 1

[3] Dựa trên A.I.xvii,Eka Dhamma Pāli.

Tiếp theo


[Ðầu trang][Trở về trang Mục Lục][Trở về trang Thư Viện]

updated: 2007