Kết quả Tìm Kiếm: Có 156 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'ý nghĩa cuộc đời'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Từ nhỏ con đã thấy mẹ con theo Phật giáo Bắc tông, nhưng khi gặp những chuyện sốc trong cuộc sống và đủ duyên thì con được học sư ông. Con không có tuổi thơ như các bạn, khi còn bé con khao khát học lắm nhưng phải đi bán hàng để kiếm sống, mới lớn lên thì đã có chồng, bỏ hết ước mơ và hoài bão để làm mẹ khi chưa biết gì cả, không được sống đúng với tuổi của mình. Biết bao oan trái và đau khổ cứ liên tục xảy ra và tái diễn hoài. Con luôn khao khát được bố mẹ chồng, gia đình chồng và chồng con thương yêu và đối xử với con bằng tình người, nhưng hy vọng là thất vọng! <p>
Con mong được ở gần những bậc thiện tri thức có tâm từ bi. Con đang sống giữa một gia đình gọi là đại gia mà luôn cô đơn tủi nhục. Giờ đây con lại chuyển nhà đến một cánh đồng bao la, gần gũi với cây cỏ thiên nhiên. Sư ông ơi, có phải tạo hóa sinh ra mỗi một người là có một người hòa hợp với tính cách tương hợp, nếu chưa gặp đúng người thì sẽ gặp vào một thời điểm khác? Một người thành đạt đã viết như vậy. Kính mong sư ông chỉ dạy cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con đừng hy vọng để rồi lại chỉ gặp thất vọng, như chính con đã thấy. Hy vọng không có nghĩa là ước mong, chờ đợi một phép lạ sẽ đến như ý mình, hay tin vào câu nói của một người thành đạt nào đó, mà là có niềm tin trong sự sống - tin ở chính mình chứ không phải là tin vào bất cứ ảo vọng nào. William Faulkner đã nói: "Con người là tổng số của những nỗi thống khổ, nhưng khi bạn hy vọng một ngày nào đó nỗi thống khổ ấy sẽ chấm dứt thì bấy giờ thời gian là nỗi thống khổ của bạn". Và thiền sư Ajhan Brahm cũng nói rằng: "Trốn tránh khổ đau để đi tìm hạnh phúc thì thực ra chỉ là đem đau khổ này để đổi lấy khổ đau khác mà thôi". Shantideva thì khẳng định rằng: "Chúng ta sinh ra không phải để thay đổi cuộc đời, mà cuộc đời sinh ra để thay đổi chúng ta". Đúng là thay đổi thái độ mới là thay đổi cuộc đời đó con.
Phật nói đến Sinh Nghiệp, Chúa nói đến Ý Trời, Trần Đoàn nói đến lá số Tử Vi... tuy không có ý cho cuộc đời là Định Mệnh nhưng chung quy đều muốn nhắc nhở con người rằng thay đổi thái độ là chính chứ không phải chỉ lo đổi thay hoàn cảnh, vì dù có thay đổi được hoàn cảnh thì cũng chẳng khác nào thay chiếc áo bên ngoài mà thôi. Con tự cho mình sinh ra trong đau khổ, nhưng nếu con có thái độ tích cực rằng mình may mắn được sớm trải nghiệm khổ đau để mau khôn lớn thành người thì con sẽ không oán trách hoàn cảnh của mình nữa. Giống như để có một chiếc nhẫn nạm kim cương cực kỳ quý giá thì vàng phải được nung chảy mới có thể khắc chạm tinh vi, kim cương cũng phải được đem ra cưa xẻ, dũa mài công kỹ. Nên người xưa nói "Ngọc bất trác bất thành khí" là vậy. Hãy cám ơn cuộc đời vì nó là như vậy, dù là khổ đau hay hạnh phúc. Thực ra cuộc đời không đau khổ mà chính ước mong cuộc đời như ý mình mới là niềm thống khổ khôn nguôi.
Câu hỏi:
Kính bạch thầy,<p>
Thầy có khỏe không ạ, thời gian vừa qua con ít ghé website nhưng thâm tâm vẫn luôn hướng về thầy mỗi khi có những duyên khởi về Pháp. <p>
Con tĩnh lặng cao độ và mặt hồ tĩnh mịch đã giúp con nhìn được xuống đáy, thấy được vẻ đẹp bất tận. Con sinh ra để phụng sự đồng loại thưa thầy. Con mới hiểu cái sâu xa "Phục vụ để hoàn toàn - hoàn toàn để phục vụ" ạ.
Thầy ơi, con đã đọc thư thầy với DM bàn về Đạo và Đời. Nhưng những suy nghĩ trong đầu con vẫn chưa thấu tường. Con mong được những lời chỉ bày của thầy sâu sắc hơn về hoạch định tương lai. Con đang đứng trước nhiều lựa chọn mà không biết đi theo hướng nào cho đặng. Phải làm sao để hiểu tài năng của mình, làm sao để phụng sự tốt nhất khả năng của mình. Trong Pháp của Đức Phật có những kinh hay đoạn nào chỉ bày việc này thưa thầy. Có lẽ duyên con chưa hội đủ, con lại quay vào thực tại nhưng được ít chặng lại thấy mịt mờ hướng đi. <p>
Con kính ơn thầy nhiều!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con lại muốn sắp đặt mọi chuyện cho chắc chắn rồi mới làm phải không? Nếu vậy thì cuộc đời đâu còn là ý nghĩa khám phá và sáng tạo nữa. Cuộc đời như một khu rừng bí ẩn mà mỗi người phải tự mình khám phá vẻ đẹp muôn màu cùng với những cạm bẫy hiểm nguy của nó. Nếu tưởng tượng mà sinh ra sợ hãi, do dự thì làm sao con khám phá được sự thật kỳ diệu của cuộc đời, làm sao có hứng thú với những bất ngờ mới lạ? Đừng lập trình hoặc đừng vội tin tưởng vào những lập trình dự tưởng, mà hãy đối diện với mọi sự đến đi trong đời sống vốn có bản chất vô thường này. Trong sự biến đổi bất ngờ của đời sống, nếu con xem đó là hành trình khám phá giác ngộ thì vô cùng hứng thú, nhưng nếu con xem đó là nơi để tìm kiếm thành công, an toàn và hạnh phúc thì con sẽ hoàn toàn thất vọng.
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy! <p>
Con là một Phật tử nhưng chưa tìm được thầy để quy Tam Bảo! Bạch thầy, con có một câu hỏi muốn tham vấn thầy! <p>
Số là con có học về tư tưởng và văn hóa phương Tây. Văn hóa phương Tây rất coi trọng tư duy cá nhân, độc lập tư duy. Nhưng khi con học về Đạo Phật thì thấy trong kinh điển và tư tưởng nói về sự vô ngã. Sự độc lập tư duy là nguồn gốc của khoa học hiện đại. Đặc biệt cái tôi cái nhân là nhân tố quyết định trong tư duy của kinh tế học, mỗi con người là Robinson trong cuộc sống. Hai cái nhìn Đông Tây khác nhau nhưng cuộc sống là một phải không thầy? Chính vì sự mâu thuẫn này mà người Anh truyền đạo cho con luôn nói rằng: "Chú lăng xăng quá!" Có phải đây đơn giản là góc nhìn Đông Tây - khoa học và tôn giáo - con không nên tìm cách thống nhất làm gì? Nhưng cuộc đời là một phải không thầy? Mong thầy khai mở cho con! <p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Mâu thuẫn chỉ là hiện tượng bề ngoài, trong tận cùng của thể tánh thì vẫn không khác. Không phải là tìm cách đồng hoá hai hiện tượng mà là thấy ra hai mặt khác nhau trong một hiện tượng vẫn là bất nhị. Oxy và Hydro là hai chất khác nhau nhưng hợp lại thì duy nhất chỉ có nước mà thôi. Đông và Tây, khoa học và tôn giáo tuy hai mà một, giống như đồng tiền tuy hai mặt nhưng chỉ một đồng tiền thôi. Tách ra là phiến diện, hợp lại mới là toàn diện.
Tại con chỉ mới nghiên cứu bề ngoài nên thấy vậy chứ bản chất đâu có khác. Hơn nữa tôn giáo Đông phương không hẳn là Đạo Phật. Đạo Phật có cái nhìn toàn diện chứ không phiến diện như tư tưởng Đông Tây, hay khoa học và tôn giáo. Lý vô ngã rất thâm sâu không như con nghĩ là mâu thuẫn với cái tôi tư tưởng độc lập của phương Tây.
Con hãy nghiên cứu và chiêm nghiệm thật rõ để thấy ra cái thực trước khi kết luận giống hay khác, hoặc ai đúng ai sai. Nếu con có đầu óc khoa học thì nên thực nghiệm, không nên suy luận theo giả thuyết, hay y cứ vào lý giải của thầy.
Có hai cái "tôi": Tôi như là cá thể (individual) gồm những cá tính tất yếu ở mỗi người. Và "tôi" như là cá nhân (personal) do tưởng tượng tạo ra. Vô ngã là không có cái tôi ảo tưởng tự dựng lên cho mình chứ không phải không có yếu tính của một cá thể độc lập. Nếu tư tưởng xuất phát từ cái tôi ảo tưởng thì chỉ là vọng tưởng. Nhưng nếu tư tưởng xuất phát từ trải nghiệm thực (tri kiến thực nghiệm) của mỗi cá thể thì mới đáng tôn trọng. Thực ra hầu hết tư tưởng đều không độc lập, nó vay mượn từ những kiến thức hay thông tin bên ngoài (của người khác, của truyền thống, của hệ tư tưởng đã có sẵn) rồi nhào nặn lại mà tưởng là tư tưởng độc lập của mình, nhưng nó chỉ là tư tưởng củ rích và vá víu mà thôi. Tư tưởng chân chính mà Đạo Phật gọi là chánh tư duy của mỗi người thì hoàn toàn tôn trọng, nhưng tư duy lầm lạc của cái tôi ảo tưởng thì dù độc lập cũng chỉ là rác rưởi. Ngay cái tôi cá thể tuy độc lập nhưng cũng không có gì độc đáo bởi vì tính chất của sự thật thì muôn đời đời vẫn vậy. Ví như hai cây xoài tuy độc lập nhưng thực tế tính chất vẫn như nhau. Vì vạn pháp có tính chất chung nên rốt ráo mà nói thì vẫn không thật có cái tôi đơn lẻ. Vậy thực tế, suy cho cùng, có cái gọi là tư tưởng độc lập không?
Câu hỏi:
Con đã đọc nhiều bài viết về giải đáp của thầy, con rất kính mong được thầy có thể xem xét cho trường hợp nhỏ nhoi của con, vì con biết trên thế gian còn nhiều trường hợp khác éo le hơn, nghiệt ngã hơn...<p>
Gia đình con có 4 người, em trai con mới học lớp ba nhưng bé là đứa bị chậm phát triển, không được thông minh, nhanh nhẹn như trẻ con bình thường. Con thì đi học xa ở trên thành phố, ít khi về. Nỗi buồn lớn nhất của con là mẹ con quá mê cờ bạc. Bố con là lao động chính, giờ cũng không dám đưa tiền cho mẹ, sợ mẹ đốt vào cờ bạc. Đến nổi mẹ còn lấy tiền của con đóng học để cho vào cờ bạc. Con và gia đình đã nói để mẹ sửa nhưng mẹ cứ hứa rồi đâu cũng vào đó. Trước khi mẹ con nghiện nặng cờ bạc, bố con cũng hay đi về khuya, tình cảm không được gắn kết... Giờ con cũng chẳng buồn nói mẹ nữa vì đã hết sức rồi... chỉ lo cho em. Con không biết sẽ làm thế nào để cứu vãn gia đình, để mẹ nhận ra.
Con kính mong thầy từ bi soi xét hoàn cảnh của con, con xin cám ơn thầy ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cuộc đời vốn là thế, là trường học mà ai cũng phải trải qua những tình huống gay cấn để giải bài toán cam go của mình. Giải bài toán cuộc đời không như bài toán trong học đường, nó không cần đáp số, nên không quan trọng là có giải ra bài toán ấy hay không mà là có giải được chính thái độ nhận thức và hành vi của con đối với bài toán trường đời trong tình huống riêng của mình hay không.
Vậy vấn đề là thái độ nhận thức của con, hay nói cách khác là tầm nhìn của con về cuộc sống nói chung và tình huống của con nói riêng. Cách nhìn quan trọng hơn là điều gì được nhìn. Nếu con nhìn đời với đôi mắt trong sáng và tâm hồn tràn ngập thương yêu thì bất cứ điều gì cũng đều thông cảm được, điều gì cũng đều có nhân và duyên, có nỗi khổ và niềm vui của nó mà chỉ người trong cuộc mới biết được mà thôi.
Hãy bình tâm lo việc học hành của con trước. Tâm bình thì thế giới bình, tâm thanh tịnh thì thấy mọi sự mọi vật đều thanh tịnh. Có hai chú tiểu tranh luận nhau về gió động hay phướn động, Ngài Huệ Năng nói "Tâm các chú mới là động". Bất an hay an không phải do bên ngoài mà xuất phát từ nội tâm con. Nếu con thường trở về tự tại trong sáng với chính mình thì tâm liền an, còn nếu con cứ hướng ra bên ngoài lăng xăng giải quyết thì không những tâm bất an mà mọi việc cũng sẽ rối tung lên. Hãy chiêm nghiệm điều này rồi con sẽ thấy.
Câu hỏi:
Kính Thầy, xin Thầy cho con lời khuyên, tự nhiên con bối rối quá: <p>
Hiện nay con đang sống với gia đình, còn chồng thì đang sống một mình làm việc ở nơi cách 2 giờ đi xe (ở đó thu nhập cao hơn và môi trường làm việc năng động hơn). Ở cách xa cũng lâu nên con cũng muốn chuyển để sống gần chồng.<p>
Con nhận được lời mời làm việc từ một đơn vị, con thấy sếp và những người đã gặp con ở đó cũng nhiệt tình và quý con, đó sẽ là công việc tốt (về cơ bản), ba mẹ con sẽ yên tâm để con chuyển việc (ba mẹ luôn muốn con có công việc ổn định và an toàn, luôn muốn con được đảm bảo chắc chắn, chắc cũng bởi thời chiến tranh quá thiếu thốn, nên ai cũng muốn được đầy đủ vật chất cả). Chỉ có điều, đây là công việc kinh doanh, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, hơn nữa mọi thứ liên quan đến lợi ích thì rất phức tạp, hay xảy ra xung đột, buộc phải giải quyết, áp lực từ kế hoạch được giao, rồi mình lại truyền cái áp lực đó cho những người ở dưới để cùng làm nếu không thì cũng không hoàn thành. Môi trương tiếp xúc cũng có thể động đến những cái tôi lớn, đôi khi cứ phải vui vẻ trong khi mình không thực sự muốn. <p>
Trong khi con chỉ muốn đi theo con đường của Phật. Con chỉ cần làm việc đơn giản để được yên lặng quan sát. Định và tuệ con còn yếu lắm, con cũng không quen xung đột, hôm trước bị sân lên, cố gắng quán sân mà chỉ thấy càng thêm căng thẳng, đầu rất đau, chắc vì còn vụng về, nên vẫn còn áp đặt lắm. Con sợ khi mình còn yếu, con sẽ lại bị cuốn vào vòng quay vô tận của những đau khổ cuộc đời. <p>
Tìm một công việc tốt tương tự thì không dễ, tìm việc khác thì sợ ba mẹ lo, nhưng việc chiếm nhiều suy nghĩ thì ảnh hưởng việc tu tập. Con không muốn quay lại với những đau khổ thế gian này nữa đâu. Nhưng thấy mọi người giục, và bày tỏ sự chào đón, con cũng thấy áy náy, con cũng ngại sự chối từ. <p>
Xin Thầy cho con lời khuyên. Con cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chon lựa nào cũng vậy thôi, thái độ của con đối với cuộc sống quan trọng hơn là chọn lựa phương tiện sống nào. Nếu con có đủ sáng suốt để chọn điều đúng tốt thì không còn là vấn đề, nhưng nếu con phân vân do dự với những dự đoán bất định thì chỉ thêm căng thẳng mà thôi. Cân nhắc kỹ lưỡng là tốt, nhưng khi ngoài khả năng cân nhắc thì đừng mất thì giờ suy tính lý trí vô ích. Nếu như con chấp nhận cuộc đời là bài học để điều chỉnh nhận thức và hành vi thì chọn lựa nào cũng là bài học. Còn nếu con đặt một mục đích lý tưởng là an toàn, là như ý thì thầy e rằng con sẽ gặp bất mãn nhiều hơn.
Câu hỏi:
Kính bạch thầy, <p>
Thưa thầy, con rất muốn làm được một điều gì đó có ý nghĩa với cuộc sống. Con mong muốn có thể làm công việc "phát triển tiềm năng học sinh" qua đó giúp các em sống tốt hơn, hạnh phúc hơn. Nhưng con thấy mình còn đang rất băn khoăn chưa hiểu rõ hết giá trị "hạnh phúc". Vì theo giá trị thông thường của xã hội, nó dường như đưa người ta vào một cái khung và dập thành khuôn mẫu, rút cuộc con người chỉ cảm thấy thành công chứ không được thực sự hạnh phúc. Con rất muốn xin được thầy chỉ dạy để có hướng đi đúng đắn. Vì con lo sợ những gì con cố gắng để giúp các em học sinh, nếu sai đường không những không tốt mà còn làm hỏng cuộc đời các em. Con rất mong thầy hoan hỉ cho con xin được gặp thầy và được thầy chỉ dạy. Con xin tri ân thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Điều con hỏi là đề tài có thể viết bao nhiêu cuốn sách cũng chưa hết. Trước khi con muốn giúp các em sống hạnh phúc thì con cần phải biết hạnh phúc đích thực là gì. Hạnh phúc không thể định nghĩa được nên thầy chỉ nêu lên một vài nguyên lý cơ bản để con cảm nhận được nó mà thôi:
- Hạnh phúc ở nơi thái độ sống chứ không ở nơi tình trạng sống (phương tiện, điều kiện, hoàn cảnh).
- Hạnh phúc ở ngay nơi sự sống chứ không phải hy sinh sự sống để đổi lấy hạnh phúc.
- Hạnh phúc không ở nơi tìm cầu mà ở nơi phát hiện, vì hạnh phúc luôn luôn có sẵn.
- Hạnh phúc ở khắp mọi nơi chứ không chỉ là kho báu trong tâm tưởng.
- Hạnh phúc là khả năng chiêm ngưỡng vẻ đẹp muôn màu của đời sống, nên không cần phải chọn lựa để sở hữu một gam màu lý tưởng.
- Hạnh phúc không phải là thỏa mãn điều gì mình khao khát, vì chính khi không còn khao khát điều gì thì hạnh phúc liền xuất hiện.
- Hạnh phúc chỉ xuất hiện khi bặt dứt mọi ý đồ đuổi bắt nó, vì mọi ý đồ nắm bắt hạnh phúc đều đưa đến bất hạnh.
- Hạnh phúc lập tức đến ngay khi không cần nó nữa.
- Hạnh phúc không phải là quan niệm, còn quan niệm về hạnh phúc tức chưa có nó.
- Hạnh phúc chỉ có trong chính mình, đừng mất công tìm kiếm bên ngoài.
- Hạnh phúc không lấy được nhưng lại cho được, vì vậy càng cho đi hạnh phúc càng lớn.
- Hạnh phúc đích thực thì không tách rời đau khổ, nên nếu mưu cầu hạnh phúc thì chỉ tìm thấy khổ đau.
- Hạnh phúc có sẵn trong tay, nhưng vì vươn tay nắm bắt nên để nó vuột mất.
- Hạnh phúc thật bình thường chứ không phải là cái gì phi thường.
- Hạnh phúc không thể mua vì chẳng ai bán cả.
- Hạnh phúc không thể đo lường vì nó là vô lượng. Khi nói hạnh phúc ít hay nhiều tức chưa bao giờ có hạnh phúc.
- Hạnh phúc không đồng nghĩa với sung sướng hay phản nghĩa với khổ cực. Sung sướng và khổ cực chỉ là hai mặt của bất hạnh.
- Hạnh phúc nào tạo dựng được thì đều là hư ảo. Hạnh phúc chỉ có thực khi nó là niềm an lạc thoát khỏi mọi sự tác thành.
...
Nói hoài không hết chi bằng không nói thì hơn! Có nói thì cũng chỉ để con thấy ra hạnh phúc trước khi giúp các em nhận diện hạnh phúc sẵn có trong sự sống của mỗi người. Ngày nay các em được dạy để có thể mưu cầu hạnh phúc trong phương tiện sống hơn là dạy các em nhận ra hạnh phúc trong chính ý nghĩa chân thực của đời sống. Có quá nhiều phương tiện sống nhưng không biết sống thì không bao giờ có hạnh phúc. Hãy giúp các em lấy lại khả năng sống có ý nghĩa hơn là "bán mình" cho những tìm cầu vô vọng ở bên ngoài.
Câu hỏi:
Nam Mô A Di Đà Phật.<p>
Con bạch thầy. Con là một Ni trẻ. Con xin hỏi thầy những nghi vấn trong lòng con, xin thầy hoan hỉ. Thưa thầy năm nay con 25 tuổi, con ở chùa từ nhỏ nhưng con mới xuất gia lúc 20 tuổi. Thầy ơi, mọi người đi tu ai cũng có lý tưởng, mục đích tu hành rõ ràng. Còn con sao con thấy mình không có mục đích gì cả. Đôi khi để ngày trôi qua không làm gì được cả. Đôi lúc con làm biếng, giải đãi, con biết có những việc không nên làm nhưng con lại không tự chiến thắng mình con tái phạm lần này đến lần khác. Con buồn lắm. Thầy ơi con phải làm sao đây?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Mục đích lý tưởng thì không cần thiết, bởi vì nó đã có sẵn nơi con, nếu con đặt một mục đích lý tưởng nào khác để cố gắng đạt đến thì chính là con càng rời xa nó. Lười biếng không làm được gì cả lại càng tốt, bởi vì siêng năng "hướng ngoại cầu huyền" thì còn tệ hơn. Đức Phật dạy chẳng thà ngủ còn hơn nỗ lực làm sai bản chất thực tại của pháp.
Vậy những điều mà con tự trách không phải là vấn đề. Vấn đề của con là ở chỗ không biết sống "tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha". Hàng ngày con cứ tùy duyên (tình huống, hoàn cảnh, điều kiện...) mà phục vụ cho chùa, cho bá tánh, ví dụ như con lau chùi quét dọn chùa cho sạch sẽ, nấu nướng cho Ni chúng ăn, ân cần tiếp Phật tử đến lễ bái, cúng dường hoặc hỏi đạo học pháp, biết yêu thương giúp đỡ mọi người, biết kính trên nhường dưới v.v... tức là con đang sống vô ngã vị tha.
Đồng thời qua các hoạt động bình dị tự nhiên đó con thường trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại đang là (biết mình biết cảnh một cách minh bạch ngay nơi hiện tại), biết thận trọng, chú tâm, quan sát vào mọi việc con đang làm thì tâm con sẽ phát huy được sự sáng suốt, định tĩnh, trong lành vốn có của nó. Và đó chính là mục đích có sẵn nơi con chứ không phải là lý tưởng ở tương lai hay ở một nơi xa xôi nào đó bên ngoài.
Vậy Niết-bàn hay sinh tử đều ở nơi con, chỉ cần quay lại mà thấy (ehipassiko) thì trên thực tại đó (opanayiko) con có thể thấy ngay (sanditthiko) không mất thời gian (akàliko) mà con vẫn tự chứng (paccattam veditabbo) một cách bình thường. Đúng như một thiền sư đã nói: Tâm bình thường là đạo. Vậy con đừng ham muốn một lý tưởng bất thường hay phi thường nào cả, chỉ cần tự mình thắp đuốc mà đi (sống tỉnh thức). Thầy tặng con bài kệ:
Mục đích có sẵn rồi
Nào phải vọng xa xôi
Dặm trình thong dong bước
Hoa trắng nở ven đồi!
Câu hỏi:
Gia đình con không hạnh phúc lắm. Ba mẹ con li dị và ba con tiến tới hôn nhân một lần nữa. Mẹ kế thì lúc nào cũng im lặng không nói chuyện. Nhiều lần con cũng muốn bắt chuyện để xóa đi cái khoảng cách vô hình đó, nhưng mẹ kế cứ lờ đi và không trả lời. Con không muốn giữa con và mẹ kế có bất đồng cãi vả vì như vậy người khó xử nhất là ba con mà thôi. Xin cho con hỏi, giờ con phải làm gì, vì gia đình luôn làm cho con cảm thấy buồn và chán nản.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đó chính là tình huống giúp con khôn lớn với nhiều khả năng trí tuệ và yêu thương hơn. Sao con không xem tình huống khó khăn đó là điều kiện thuận lợi nung đúc con để học ra bài học ứng xử đúng tốt trong đời sống. Con cứ vận dụng mọi khả năng sẵn có để ứng xử và nếu sai hay không hiệu quả thì đó là cơ hội thực tiễn để con điều chỉnh nhận thức và hành vi cho ngày càng đúng tốt và hiệu quả hơn. Hãy xem tình huống cam go đó như những điều hứng thú để con khôn lớn thành người. Chúc con thành công.
Câu hỏi:
Kính gửi thầy. Thầy cho con lời khuyên về một số việc ạ. Với thời điểm bây giờ thì đất nước ta đang chú trọng xây dựng kinh tế và vượt qua khủng hoảng. Đây cũng là giai đoạn quan trọng của đời con vì con đã 21 rồi, cần phải có một lý tưởng và một cái đích đúng đắn cho cuộc đời sau này. Con luôn muốn sau này mình sẽ góp một chút công sức nào đó của mình cho xã hội, cho những người nghèo khổ. Con rất phân vân giữa việc mình sẽ trở thành một nhà kinh tế hoặc thương gia để sau này con có thể có được những tài sản nhất định để có thể thực hiện được ý niệm giúp đỡ người nghèo. Vẫn biết giúp họ hay bất kỳ ai khác là không phải chỉ mỗi vật chất, nhưng khi mà những điều kiện và mức sống tối thiểu chưa được đáp ứng thì họ đâu nghĩ được cái gì khác ngoài làm cho bụng mình đừng kêu? <p>
Thứ hai con muốn trở thành một nhà nghệ thuật, một kiến trúc sư. Vì đam mê, năng khiếu của con là vẽ. Con không biết nên chọn thỏa mãn cá nhân rồi phục vụ hay phục vụ trọn đời? <p>
Thế hệ chúng con là giao thoa của thế hệ trước và kế tiếp của thế hệ sau. Bởi vậy chúng con phải đối mặt với rất nhiều những ảnh hưởng của bên ngoài, từ thế giới. Tốt có, xấu có, nhưng đa phần con thấy rằng thế hệ chúng con sống không có mục đích. Con rất băn khoăn, mong thầy đáp giúp con. Con cám ơn thầy nhiều.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Sống có mục đích hay không không thành vấn đề mà quan trọng là có sống đúng tốt hay không. Con cứ sống theo những gì con thấy là đúng tốt rồi qua đó con biết thận trọng chú tâm quan sát trên hiện thực để sẵn sàng điều chỉnh nhận thức và hành vi khi phát hiện sự sai xấu. Tôn trọng nguyên tắc không hại mình hại người hay lợi mình lợi người là tốt; hành động nói năng suy nghĩ hợp với nguyên lý vận hành của đời sống với tâm trầm tĩnh trong sáng là đúng. Đó cũng chính là ý nghĩa và mục đích sống trọn vẹn với chính mình và cuộc sống trong từng giây phút.
Câu hỏi:
Kính bạch thầy cho con hỏi.<p>
Làm sao để dứt được cuộc sống trần tục này?<p>
Thoát ra khỏi được những mối quan hệ chằng chịt trọng cuộc đời thường?<p>
Làm sao để tròn được Tình và nghĩa?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1- Cuộc sống vốn không trần tục nhưng nó trở nên trần tục là do thái độ sống trần tục của mỗi người. Vậy chỉ cần dứt cái trần tục trong lòng mình lúc đó như Phật dạy: "Tâm thanh tịnh thì thấy các pháp đều thanh tịnh" tức là tâm bình thì thế giới cũng bình chứ không trần tục như mình tưởng. Thái độ trần tục xuất hiện nơi thân, thọ, tâm, pháp do đó muốn dứt trần tục thì chỉ cần thường trở về trọn vẹn trong sáng (tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác) với thực tại thân tâm cảnh là được.
2- Quan hệ chằng chịt cũng xuất phát từ lòng mình hơn là sự liên hệ với thế giới bên ngoài. Lệ thuộc vào mối quan hệ xã hội chứng tỏ tự mình không đủ lực an nhiên tự tại. Khi một tâm hồn đã an nhiên tự tại thì sẽ sống vô ngại trong mối quan hệ mà chỉ thấy sự tương giao tự nhiên chứ không hề bị ràng buộc. Cảm thấy bị ràng buộc chính là cái ta ảo tưởng. Vậy chỉ cần thoát ra khỏi cái ta ảo tưởng thì có thể ung dung trong ràng buộc trong bất kỳ mối quan hệ nào.
3- Cứ sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha thì đã trọn tình trọn nghĩa chứ đợi trọn thì biết bao giờ mới trọn. Không thể chỉ ngồi cầu toàn sao cho trọn tình trọn nghĩa mà chỉ cần sống hết lòng rồi có sai thì điều chỉnh lại nhận thức và hành vi cho đúng tốt là sẽ trọn tình trọn nghĩa được thôi.