Kết quả Tìm Kiếm: Có 28 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'bát quan trai giới'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 02-02-2015
Câu hỏi:
Kính Bạch Thầy!
Con xin đảnh lễ thầy! <p>
Con rất muốn thọ trì bát quan trai giới, nhưng con còn vướng bận công việc hằng ngày. Xin thầy hướng dẫn cho con cách thức để mình tự thực hành với ạ. Con xin cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bát quan trai giới gồm 5 giới chính và thêm 3 giới nữa là: 1) Không ăn sau giờ ngọ (khoảng 12 đến 13h trưa), 2) Không trang điểm và nghe ca vũ nhạc kịch, 3) Không ngồi nằm những nơi cao sang, với mục đích tập sống giản dị không lệ thuộc vào điều kiện tiện nghi vật chất. Nếu con thấy những điều đó giúp con sống thanh thản nhẹ nhàng hơn thì con có thể tự nguyện thực hành theo mỗi tháng 2 ngày, 4 ngày, 8 ngày, cũng có thể nguyện thọ trì trong 1 tháng, 2 tháng hoặc trọn đời v.v... đều được tùy khả năng của con.
Ngày gửi: 26-05-2014
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy! Vào ngày 14 và 29 AL hằng tháng là 2 ngày Sám Hối, nếu như con vì hoàn cảnh (nhà ở khá xa chùa, bận công việc đột xuất...) không thể đến chùa Sám Hối cùng với đại chúng được thì con có thể đọc bài Sám Hối bằng lối văn vần lục bát của Hòa thượng Hộ Tông ngay bàn thờ Phật tại nhà được không, thưa Thầy? <p>
Xin cảm ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con có thể tự đọc kinh Sám Hối và thọ Tam Quy ngũ giới hoặc Bát quan trai giới ở nhà được.
Ngày gửi: 10-05-2014
Câu hỏi:
NAM MÔ PHẬT PHÁP TĂNG! Thưa thầy,<p>
1. Con rất mong muốn được thọ tam qui ngũ giới theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy, nhưng xung quanh nơi con ở, không có chùa Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Vì vậy con muốn hỏi thầy, con có thể tự qui y đọc câu kệ tam qui ngũ giới được không? Phép tam qui ngũ giới có thể thành tựu được không? Hay phải cần có chư Tăng chứng minh mới có thể thành tựu được? <p>
2. Con muốn hỏi về giới thứ 6 trong Bát Quan Trai, tức là giới "Dùng đồ ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời" Con muốn hỏi nếu như con ăn uống trước 12 giờ trưa, sau đó nếu con khát nước có thể uống nước được không? hay phải nhịn nước luôn? Hoặc nếu có bệnh có thể uống thuốc được không? <p>
Con cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con có thể tự thọ Tam Quy, thọ từ một vị thầy nào đó hay thọ với một người đã quy y nào cũng được, nhưng đó là quy y Tam Bảo chứ không phải quy y vị thầy hay người cư sĩ ấy. Quan trọng là con hiểu đúng và hành đúng 8 pháp Tam Quy và Ngũ Giới chứ không phải ai truyền quy giới. Con nên vào pháp thoại nghe thầy giảng về Quy y Tam Bảo để hiểu thật rõ mới hành đúng được.
Ngày gửi: 28-01-2014
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con nghe nói muốn tu là phải ăn chay trường để giữ tâm thanh tịnh dễ hơn vì nếu ăn mặn sẽ bị ảnh hưởng xấu từ những từ trường của con vật. Con không biết vậy có đúng không, xin Thầy cho con biết ý kiến. Con cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cái đó còn tùy vào căn cơ trình độ của mỗi người, không có quy định nào bắt buộc phải ăn chay hay ăn mặn. Khi thấy tâm mình còn bị ảnh hưởng bởi từ trường của con thú thì cũng nên ăn chay. Nhưng khi tâm đã thanh tịnh thì ăn gì cũng thanh tịnh. Do đó đức Phật dạy Jīvaka rằng: "Người thanh tịnh dù ăn món ăn bất tịnh người ấy vẫn thanh tịnh, ngược lại, người bất tịnh dù ăn món ăn thanh tịnh người ấy vẫn bất tịnh".
Chữ trai (chay) được định nghĩa là: "Trai giả tịnh dã, tẩy tâm viết trai" (Chay chính là tịnh, gội rửa tâm thanh tịnh gọi là trai). Còn trong Bát Quan Trai giới thì định nghĩa là: "Quá ngọ bất thực vị chi trai" (Không ăn quá ngọ gọi là trai). Hồi xưa đức Phật và chư Tăng sống hạnh khất thực nên ai cho thực phẩm gì thì ăn nấy không bị ràng buộc vào chay hay mặn, như vậy chư Tăng sẽ tu hành dễ dàng hơn.
Ngày gửi: 19-06-2010
Câu hỏi:
Thưa Thầy, con có thể tự thọ bát quan trai giới ở nhà mà không cần đến chùa xin giới hay không? Trong tu tập, người hành giả có cần phải chứng đắc được thiền định mới có thể tu tập thiền quán thành công hay không? Con xin cám ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Đi thọ bát quan trai ở chùa cũng tốt, mà tự mình thọ ở nhà cũng được, tùy theo điều kiện cho phép của mỗi người. Quan trọng là ngày hôm đó có thọ bát quan trai giới trong sạch thanh tịnh hay không mà thôi. Bát quan trai mục đích giúp người tại gia, không có điều kiện xuất gia, có thể tập sống không lệ thuộc vào một số phương tiện hưởng thụ để sống giản dị, thanh thoát, và ít bị ràng buộc hơn.
2) Có loại định cần thiết cho thiền tuệ, có loại định trở ngại cho thiền tuệ. Nói một cách tổng quát, định nào dính mắc vào thời gian, sở đắc và bản ngã đều trở ngại cho thiền tuệ. Định nào không vướng kẹt trong quá khứ, hiện tại, vị lai (thời gian), không trú vào sở đắc, không có bản ngã sở đắc mới có thể xứng hợp với giới và tuệ trong thiền tuệ được. Con vào mục Thư Viện trong trang Web này để xem thêm bài viết của thầy về đề tài này: Thực Tại Hiện Tiền 2, chương 8: Nội tâm tĩnh lặng. Chúc con tu hành tinh tấn.
Ngày gửi: 05-05-2010
Câu hỏi:
Thưa thầy! Hôm nay con giữ bát quan trai giới. Trong những ngày này con tắt nhạc, không nghe nhạc và xem các băng hình có nhảy múa. Tuy nhiên âm nhạc cứ "văng vẳng" trong đầu con! Các ngày trai giới khác cũng thế. Vì hiện tượng này xảy ra đã nhiều nên con làm phiền thầy cho con chút ý kiến để xử lý hiện tượng "nhiễu sóng" này ạ. Con xin cảm ơn thầy. Con chúc thầy mạnh khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chính vì nhiều người bị "nhiễu sóng" do đã quá lệ thuộc vào màu sắc, âm thanh, hương thơm, vị ngon, và sự xúc chạm êm ái, nên mới ý thức được sự cần thiết của giới bát quan trai để giúp họ thoát dần ra sự trói buộc này. Nếu sự trói buộc này cứ tiếp tục thì con không thể nào tự tại an lạc được. Nếu có thì đó là sự thoả mãn có điều kiện mà thôi. Con biết mình có bị "nhiễu sóng" là được rồi, đừng quan tâm đến việc loại trừ nó. Hãy để nó tự sinh tự diệt, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi. Coi chừng càng cố gắng loại trừ nó con càng nuôi dưỡng nó lâu dài hơn đó.
Ngày gửi: 27-03-2010
Câu hỏi:
Con có tập giữ bát quan trai giới vào các ngày mồng 5,8,14,15,20,23,29,30. Các chi giới như là sát sinh, tà dâm, trộm cắp thì con không băn khoăn. Nhưng các chi gần cuối thì con hay băn khoăn. Ví dụ là "không nằm, ngồi nơi quá cao và xinh đẹp" nên con cứ ngồi trên giường hay ghế sa-lông là lại bị hồi hộp trạo cử vì không biết có phạm giới hay không? Chi giới "không thoa các chất thơm, trang điểm..." thì khi tắm con cứ ngại là dùng dầu gội đầu hay xà bông thì sẽ bị phạm giới. Không biết với người tại gia thì tiêu chuẩn giường và ghế thế nào là quá cao rộng và đẹp đẽ ạ? Con muốn có những ngày Trai giới chu toàn, xin quý thầy cho lời khuyên để thực hiện trai giới tốt hơn ạ. Con xin cảm ơn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thực ra giữ Bát quan trai giới có mục đích để tập sống giản dị, không để quá lệ thuộc vào tiện nghi vật chất (nằm ngồi nơi quá cao sang, say mê ăn uống) hay dính mắc vào những thói quen mê đắm (âm nhạc, trang điểm, nước hoa v.v...) Con ngồi trên ghế salon hoặc tắm gội bằng xà-bông chứ đâu phải trang điểm hay xức dầu thơm gì nên không sao. Hơn nữa, ngoại trừ ngũ giới nếu phạm thì có tội, những giới còn lại trong bát quan trai giữ được thì có phước, giữ không được thì không có phước chứ không có tội nên con đừng sợ.
Ngày gửi: 22-01-2009
Câu hỏi:
Kính đảnh lể Đức Thế Tôn Bậc Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Con kính đảnh lể chư Tăng và quý Tu nữ Cho con xin được hỏi là tại sao chư Tăng phải thọ thực trước 12h. Và ý nghĩa cao quý của hạnh khất thực. Kính tri ân quý sư
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
I. Điều luật này gọi là "Dùng vật thực sái giờ" (Vikâla bhojana) được đức Phật chế định và ban hành tại Trúc Lâm Tinh xá (Veluvana), gần thành Vương Xá (Râjagaha), qui định rằng vị tỳ khưu nào (cả sadi và cư sĩ thọ giới bát quan trai) dùng vật thực sái giờ, tức là ngoài thời gian từ mặt trời mọc đến đứng bóng (giờ ngọ, tùy nơi qui định lại từ 11 đến 01 giờ trưa) phạm Ưng đối trị (Pâcittiya), phải sám hối trước một vị tỳ khưu khác.
Khi điều học này chưa được ban hành, chư Tăng đi khất thực và thọ thực lúc nào cũng được, về sau do có nhiều sự kiện xảy ra khiến người đời chê trách nên đức Phật mới chế định. Điều học này được ban hành vì nhiều lợi ích như sau:
1) Không bị người đời chê trách 2) Không mất thời gian cho việc ăn uống 3) Hành thiền ít bị hôn trầm 4) Giảm trừ bệnh hoạn (điều náy đã được y học kiểm chứng) 5) Không trở thành gánh nặng cho tín thí.
II. Trong thời đức Phật, cũng như theo truyền thống các nước Phật giáo Nguyên Thủy, khất thực không những là phương tiện nuôi mạng chân chính mà còn là một hạnh tu cao thượng. Nếu vị nào nguyện chỉ đi khất thực chứ không thọ dụng vật thực dưới hình thức trai Tăng hay cách cúng dường khác thì gọi là hạnh đầu-đà (dhutanga), có mục đích chế ngự tham ái trong vật thực (một trong 5 pháp tham đắm nguy hiểm: Tài, sắc, danh, thực, thùy). Hạnh khất thực có những lợi ích như sau:
1) Dễ nuôi mạng, không quá lệ thuộc vào việc sinh nhai 2) Có nhiều thời gian để hành Pháp 3) Dễ chú tâm chánh niệm tỉnh giác trong oai nghi đi. 4) Có dịp chứng kiến và chia sẻ với những nỗi khổ của chúng sinh nên dễ phát triển tâm bi mẫn 5) Có dịp rải tâm từ đến mọi loài. 6) Diệt trừ tâm ngã mạn, tự cao nên dễ hòa đồng và bình đẵng với mọi người 7) Được mạnh khỏe, ít bệnh tật.
Và theo quy định của điều học này thì chư Tăng không được đi khất thực sau giờ ngọ để không bị người đời chê trách là sao giờ nào cũng có chư Tăng đi khất thực ngoài đường!