Kết quả Tìm Kiếm: Có 19 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'Tịnh Độ Tông'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 29-09-2014
Câu hỏi:
Kính sư cho con hỏi là Đạo Phật Nguyên Thủy và Phật Giáo phát triển ngày nay (Mật tông, Thiền tông và Tịnh Độ tông) có gì khác nhau giữa cách tu? Con nghe bạn con giải thích là Đạo Phật Nguyên Thủy thì khi đi khất thực, nếu ai cho gì thì ăn nấy dù mặn hay là chay. Kinh xin sư giải thích cho con học hỏi thêm, xin đảnh lễ sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tuy cách ăn cách mặc có khác nhau giữa các Tông Phái Phật Giáo nhưng đó chỉ là hình thức bên ngoài không quan trọng lắm. Nội dung cốt lõi thì mọi Tông Phái đều đồng nhất nhưng phương tiện thực hiện thì mỗi Tông môn mỗi khác.
Phật Giáo Nguyên Thủy tu theo pháp môn Bát Chánh Đạo hay Giới Định Tuệ
Thiền Tông tu theo pháp môn Kiến Tánh
Mật Tông tu theo pháp môn Trì Chú
Tịnh Độ Tông tu theo pháp môn Niệm Phật.
Ngày gửi: 01-11-2013
Câu hỏi:
Kính Bạch Thầy, con đang tu pháp môn tịnh độ, con chỉ niệm Phật ở nhà. Mấy ngày truớc con đọc được quyển Thư Thầy Trò, con có thấy pháp môn thiền nên con mong thầy chỉ con những bài pháp về thiền đuợc không ạ? <p>
Kính chào thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Mục đích của Tịnh Độ là niệm Phật để thấy ra tánh giác của tâm mình vốn thanh tịnh (tượng trưng là cõi Tịnh) và trong sáng (tượng trưng là vị Phật rất sáng). Còn thiền thì ứng tâm thanh tịnh trong sáng (Pabhassara citta) đó để đối nhân tiếp vật. Và khi không có gì để phải ứng ra thì trở về tự tánh rỗng lặng trong sáng. Trở về thể tánh hay ứng ra tướng dụng của tâm thanh tịnh trong sáng là việc làm đương nhiên của người hành đạo, nên nếu con đã tu Tịnh Độ đúng hướng trở về tự tánh thanh tịnh trong sáng thì con sẽ tự biết ứng tâm ra tướng dụng mà sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha. Thiền Vipassanà (thiền Minh Sát) hay thiền Kiến Tánh chính là tự soi chiếu để thấy ra thể tánh và tướng dụng của cái tâm (tánh biết) trong sáng sẵn có nơi mỗi người. Hãy tự mình khám phá thực tại thân tâm cảnh như nó đang là, đừng cầu cạnh bất kỳ một phương pháp quy định nào của người khác. Nếu chưa thông, con nên nghe pháp thoại và đọc thêm sách thầy hướng dẫn để phá bỏ những quan niệm tu tập sai lầm trong con thì tự nhiên tâm sẽ chiếu sáng, như không bị mây che thì mặt trời tự chiếu vậy.
Ngày gửi: 12-04-2013
Câu hỏi:
Bạch Thầy, con hiện đang rất bối rối và khó xử. <p>
Từ khi con biết đến Phật giáo nguyên thủy thì con đã thôi không còn đi chùa, tụng kinh trì chú nữa vì con nghĩ sẽ không mang lại được lợi ích gì. Bây giờ con chỉ ở nhà đọc những sách giáo lý như Tư tưởng Phật học, Đức Phật và Phật pháp... và tu tâm thôi. Con thấy mình hiểu biết hơn và niềm tin của con vào giáo lý nguyên thủy tăng trưởng, có thể phân biệt được gì làm và không nên làm với người Phật tử. Nhưng ngược lại với Tịnh độ con lại mất đi niềm tin, đặc biệt là đối với quý thầy đã dạy con triết lý thời kì mạt pháp chỉ có pháp môn Tịnh độ là dẫn đến thành Phật đạo mà không phải diệt trừ phiền não, chỉ cần tinh tấn tụng kinh và có niềm tin vào Phật Di Đà. Nên con đã không đi chùa và tránh né không muốn tiếp xúc và nghe những điều từ các thầy đó nữa. Con đã từng đặt hết niềm tin nhưng bây giờ con lại thấy khó xử, xin Thầy cho con lời khuyên. <p>
Con xin cảm ơn và nguyện Thầy luôn an lạc.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tu tập có nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn dành cho mỗi căn cơ trình độ khác nhau, do đó khi con có nhận thức đúng hơn, thực hơn, trình độ cao hơn thì con có quyền bỏ những nhận thức còn khiếm khuyết trước đó. Điều này con cứ yên tâm, như vậy là con đã xử sự đúng, chẳng có gì là khó xử cả.
Ngày gửi: 14-06-2012
Câu hỏi:
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật <p>
Ngưỡng bái bạch Hoà Thượng,<p>
Thời gian qua nhờ học theo những lời dạy của Hoà Thượng mà con đã tìm được hướng đi đúng đắn cho con trong sự tu tập, cũng như trải nghiệm được rất nhiều điều trong cuộc sống.<p>
Hiện con đang tu tập cùng 1 nhóm Phật tử khoảng 30 người. Từ trước tới nay họ chuyên tu pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật cầu vãng sanh. Thời gian đầu, con vẫn theo trình độ của họ mà hướng dẫn tu. Và dần về sau, con đã kết hợp giữa thiền Tuệ và niệm Phật để hướng dẫn cho họ.<p>
Thời gian đã trải qua gần 1 năm rồi, nhưng con thấy họ vẫn cố chấp giữ chặt quan điểm "chỉ niệm Phật cầu vãng sanh mà thôi". Thế nhưng, trong cuộc sống hàng ngày họ vẫn luôn bị hoàn cảnh chi phối, đã chạy theo cảnh mà còn làm cho tâm bị tổn thương. Họ vẫn chưa thấy ra được giá trị thật sự của đau khổ, của phiền não, mặc dù con đã hướng dẫn rất nhiều.<p>
Con luôn nhớ lời Thầy dạy là: sống "tuỳ duyên thuận pháp", không "phan duyên thuận ngã". Vì thế mà con nghĩ rằng: nếu họ đang đau khổ, phiền não thì cứ để cho họ đau khổ, cứ phiền não rồi sẽ thấy ra sự vận hành tự nhiên của Pháp.<p>
Thế nhưng Thầy ơi, tới bây giờ con cảm thấy vô vọng vì đã mất quá nhiều thời gian. Thầy vẫn thường dạy chúng con: "nếu đã ngộ thì không qua thời gian". Nhưng có lẽ nhóm Phật tử này do cố chấp quan điểm niệm Phật cầu vãng sanh nên con khó có thể giúp họ "thấy" được sự vận hành của Pháp một cách tự nhiên và hoàn hảo.<p>
Con kính trình lên Hoà Thượng. Vì đối với con đây là 1 vấn đề nan giải. Con rất ít khi tiếp xúc với Phật tử. Tuy đã tu học hơn 20 năm ở Ni trường nhưng đây là lần đầu tiên con va chạm thực tế. Có lẽ con không quen với đời sống thế tục nên con thấy có nhiều việc khiến con bận lòng.<p>
May nhờ thời gian qua con học và hành được từ những lời dạy của Hoà Thượng nên đã hiểu thêm nhiều.<p>
Con kính trình lên Hoà Thượng và mong Hoà Thượng chỉ dạy cho con phải làm sao.<p>
Con xin đảnh lễ và kính chúc Hoà Thượng Thân Tâm thường lạc.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có lẽ con cảm thấy vô vọng vì con muốn họ mau thấy ra lẽ thật vi diệu trong sự vận hành tự nhiên của pháp, nhưng căn cơ trình độ của họ chưa tới thì làm sao nhận ra được sự thật này. Vậy thì chính mong muốn ấy của con là chưa đúng thực tế, nó tạo ra thời gian và làm con mất nhẫn nại. Con đừng xem việc hướng dẫn người khác là phải giúp họ đạt được một tiêu chuẩn nhận thức và hành vi nhất định nào, mà còn thấy rằng đó cũng là cơ hội để bản thân con học ra bài học của chính mình - bài học về sự nhẫn nại, từ bi, cảm thông và trí tuệ thấy rõ căn cơ trình độ của mỗi người.
Mặt khác, không phải riêng pháp môn Tịnh Độ mà bất cứ pháp môn nào đã vận dụng thành phương tiện hay phương pháp chế định thì dù thiện xảo tới đâu cũng đều rất dễ rơi vào tình trạng cố chấp và lệ thuộc khuôn mẫu định sẵn, mất hết tính sáng tạo tự nhiên và biến hóa vô cùng của pháp. Ngay cả thiền Kiến Tánh và thiền Vipassanà cũng bị người sau biến thành những phương pháp chế định để rồi phân hóa ra nhiều trường phái cục bộ mà mỗi trường phái đều cố chấp vào phương pháp riêng của mình. Chính sự phân chia của các phương pháp thiền trên bình diện chế định mà người ta chỉ đạt được những kinh nghiệm cục bộ như người mù rờ voi, không thấy được tính toàn diện của thực tánh chân đế. Bởi vậy mới gọi là thời mạt pháp! Mạt pháp thì đành vậy con chán nản làm gì!
Ngày gửi: 06-06-2012
Câu hỏi:
Kính bạch Hòa Thượng! Phần đông Phật tử hiện nay tu theo pháp môn Tịnh Độ. Để hướng dẫn họ, Chùa chúng con cũng tổ chức đạo tràng niệm Phật; nhưng xét về trình độ Phật học của con thì quá kém không biết đâu là tướng dụng của pháp môn này, nên hôm nay con mạo muội kính xin Hòa Thượng chỉ dạy để con có cái nhìn tốt hiểu biết tốt, sự tu tập và sự
hướng dẫn họ cho tốt, để tránh tình trạng như câu kinh: "Kẻ mù dắt đứa đui theo dõi, sa lửa hầm còn hỏi chi chi".
Con xin tri ân Hòa Thượng!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu tu tập đúng mục đích ý nghĩa của niệm Phật thì đó là pháp môn giản dị và phổ thông hợp cho căn cơ trình độ đức tin của đa số quần chúng. Nhưng nếu hướng dẫn sai và hành sai thì rất dễ lạc vào mê tín và hoàn toàn phản tác dụng. Con nên vào Thư Viện trang web này đọc cuốn "Thiền Phật Giáo: Nguyên Thủy và Phát Triển" nhất là chương nói về niệm Phật, trong đó có so sánh pháp môn niệm Phật theo Phật Giáo Nguyên Thủy và pháp môn niệm Phật phát triển vào đầu thế kỷ Dương lịch (khoảng 600 năm sau đức Phật Niết-bàn) của Tịnh Độ Tông để thấy ra mục đích ý nghĩa và cách hành trì của pháp môn này. Trong Phật Giáo Nguyên Thủy hiện nay, hành giả vẫn thường kết hợp niệm Phật với thiền Vipassanà, nhất là giai đoạn đầu để chuẩn bị cho tâm được ổn định và trong sáng hơn trước khi đi sâu vào Minh Sát Tuệ. Cách kết hợp như sau:
1. Niệm Phật cho đến khi thấy tâm nhất niệm thanh tịnh, không còn bị thất niệm, tạp niệm, hay vọng niệm xen vào nữa.
2. Khi tâm đã thanh tịnh thì tự nhiên buông câu niệm Phật chỉ lặng lẽ cảm nhận trạng thái thanh tịnh trong sáng thôi.
3. Để tâm rỗng lặng trong sáng tự soi thấy rõ ràng mọi trạng thái hoạt động của thân, thọ, tâm, pháp, trong và ngoài.
4. Chứng nghiệm được thực tánh chân đế và bản chất thật của các pháp (16 tuệ chứng).
Người niệm Phật không đúng sẽ bị vướng vào câu niệm Phật, còn người niệm Phật đúng thì tự động trải qua những trình tự trên theo đúng hướng "Xả ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, chánh trí, giác ngộ, Niết-bàn" như đức Phật đã dạy.
Ngày gửi: 05-10-2011
Câu hỏi:
Con thành tâm kính đảnh lễ Thầy!
Kính bạch Thầy!
Con là Tăng sĩ Bắc Tông, sau khi tiếp xúc những lời dạy của Thầy con suy ngẫm nhiều và có sự thay đổi. Con ít cầu nguyện, và không trì chú như trước kia. Con không tọa thiền nhiều, chỉ tĩnh tọa khi nào thấy tiện. Con không đặt ra những mục tiêu hay tiêu chuẩn nào cho mình, chỉ nỗ lực làm tốt công việc đang làm... Như vậy con đúng không bạch Thầy?
Chung quanh con nhiều người tu Tịnh Độ mong được vãng sanh Cực Lạc. Các vị ấy rất hiền và con thật sự kính trọng. Những băng dĩa, những câu chuyện mầu nhiệm của hiện tượng vãng sanh thường được bàn đến trong câu chuyện ở đây. Con thấy mình dường như lạ với những gì mình đang theo. Con tin Phật lắm nhưng sao con không thiết tha cầu sanh Tịnh Độ. Tự nhiên như vậy, ngay cả khi con khuyên người khác tin Cực Lạc! Con tự mâu thuẫn rất nhiều. Con kính mong Thầy dạy cho con biết con nên làm sao. Con thành tâm tri ân Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Con thực hành như vậy là đã có tiến bộ. Khi đã vào được chỗ cốt lõi của Phật Pháp thì sống càng giản dị càng uyên thâm, đến nỗi Phật dạy thân, thọ, tâm, pháp như thế nào thì thấy như vậy, đừng để cái ta tham ưu xen vào. Do đó thiền cũng nói "Bình thường tâm thị đạo", "Xúc mục vô phi thị đạo", "Đương xứ tức chân"... Con sống như thế là rất tốt.
2) Thân Loan, vị Tổ của Chân Tông Nhật Bản, trong cuốn Thán Dị Sao nói rằng dù niệm Phật mà đọa vào địa ngục ngài vẫn niệm vì ngài tin rằng niệm Phật có thể vào được bản tâm thanh tịnh, mà Tịnh Độ Tông Trung Hoa gọi là vãng sanh Tịnh Độ. Trong Kinh Tạng Pāli đức Phật cũng dạy khi bản tâm thanh tịnh thì thấy các pháp đều thanh tịnh. Một khi đã niệm Phật đến chỗ nhất niệm thanh tịnh thì dù ở cực lạc hay cực khổ gì vẫn "Tùy kỳ tâm tịnh tức Phật Độ tịnh". Do đó tâm đã thanh tịnh thì cực lạc hay cực khổ gì cũng thanh tịnh vô ngại.
3) Theo Thiền Vipassanā và Thiền Tông thì từ nhất niệm phải đến vô niệm mới thật sự chánh niệm. Do đó Tịnh Độ Tông nói niệm Phật đến nhất niệm phải sau khi chết mới được vãng sanh. Thiền Vipassanā và Thiền Tông giải thích điều này là: Phải chết đi cái ta nhất niệm thì mới vô niệm (vãng sanh) được. Và có vô niệm (vãng sanh) mới vào được cõi Tịnh Độ (= Chánh niệm: trở về với tánh thanh tịnh của thực tái hiện tiền). Và ở đó được đức Phật A-di-đà tiếp dẫn (= được sự tĩnh giác của tánh biết soi sáng). Vậy con đang tu tập chánh niệm tỉnh giác là mục đích tối hậu của niệm Phật thì còn nghi ngại gì nữa?
Ngày gửi: 22-02-2011
Câu hỏi:
Kính bạch thầy, ngày xưa, nhiều vị Cao Tăng Thiền Đức khuyên nên thiền tịnh song tu, vậy Phật tử ngày nay có nên y theo lời khuyên đó mà tu hay tông phái nào tu theo tông phái đó? Kính xin thầy từ bi chỉ dẫn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Phật Giáo Phát Triển chia ra Thiền Tông và Tịnh Độ Tông riêng nên mới có tình trạng đã theo tông phái nào thì phải tuân thủ theo yếu chỉ của tông phái đó. Thực ra trong Phật Giáo Nguyên Thủy, hành thiền hay niệm Phật đều là những pháp thể hiện Giới Định Tuệ, Bát Chánh Đạo v.v... nên Phật tử có quyền chọn lựa pháp nào thích hợp với căn cơ trình độ của mình, cũng có thể kết hợp nhiều pháp vào việc tu hành. Ví dụ, người hành thiền tuệ có thể bổ sung thêm niệm Phật, niệm tâm từ, niệm bất tịnh, niệm sự chết v.v...
Tinh chuyên một tông môn cũng tốt nhưng cũng dễ bị dính mắc vào một phương tiện, nên đôi khi còn đả phá phương tiện khác, sinh ra tình trạng chia rẻ tông môn hệ phái. Ngày nay nếu Phật tử thấy thích hợp với pháp môn phương tiện nào thì cứ hành theo, sau đó nếu thấy không khai mở được gì mà còn bị trói buộc thêm thì thay đổi pháp môn phương tiện khác. Nếu thấy 2 pháp môn đều hay thì cứ hành cả hai.
Tốt hơn hết là nên học hỏi để nắm vững cốt lõi của Giáo Pháp trước rồi mới thực hành thì mới khám phá được chân lý một cách toàn diện, nếu không chỉ như người mù rờ voi, dù có rờ được gì bằng cả hai tay thì cũng chỉ là kinh nghiệm cục bộ. Cũng vậy, nếu không thấy được cốt lõi của Phật Pháp thì dù có thiền tịnh song tu cũng chỉ bắt cá hai tay mà thôi.
Ngày gửi: 21-02-2011
Câu hỏi:
Kính bạch thầy, con là Phật tử tu theo pháp môn niệm Phật (niệm Ân đức Thanh Tịnh, Sáng Suốt của chư Phật), nhưng những điều con thấy đều tương thông với thiền. Pháp môn nào Phật dạy cũng đều đưa tới giải thoát. Bữa đó con đang nấu cơm, bất chợt thấy hễ mình còn khởi lên ý niệm "Ta thấy", "Ta đang làm" là còn xa rời với đạo. Từ bữa đó làm việc gì với tâm không bị ngoại duyên chi phối thì con an nhiên tự tại, vui buồn mừng giận không còn chi phối nữa. Kính mong thầy chỉ dẫn cho con. Con xin chân thành cám ơn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con niệm Phật như vậy là rất tốt. Pháp môn nào đức Phật dạy nếu tu đúng cách đúng hướng đều đưa đến giác ngộ giải thoát. Thiền mục đích là thấy thực tánh chân đế, hay gọi là kiến tánh, vì vậy khi thực sự chánh niệm tỉnh giác thì không còn ý niệm "Ta thấy", "Ta đang làm" nữa. Chánh niệm thì không còn ngoại duyên chi phối, Tỉnh giác thì rỗng lặng trong sáng nên không bị vui buồn mừmg giận chi phối nữa. Mục đích của niệm Phật cũng để đưa đến chánh niệm tỉnh giác trong vô niệm (không, vô tướng, vô tác, vô nguyện), cho nên mới an nhiên tự tại.
Nếu niệm Phật mà để tham cầu chứ không thanh tịnh sáng suốt là tại niệm sai cách, sai hướng. Thiền mà vọng cầu sở đắc, lấy cái này bỏ cái kia, lăng xăng tạo tác để trở thành là do thiền không đúng. Vậy cần chỉ ra chỗ sai chỗ đúng để chia sẻ và giúp nhau thấy ra sự thật trên đường tu học là điều rất cần thiết, đó chính là kiến hòa đồng giải vậy. Cám ơn con đã chia sẻ kinh nghiệm tu tập để giúp thức tỉnh những bạn đạo đang hành sai pháp môn của mình.
Ngày gửi: 00-00-0000
Câu hỏi:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Com xin kính chào chư Tăng-Ni. Con xin được hỏi: Trong Phật giáo có nhiều pháp môn để tu. Theo con được biết người tu theo pháp môn Tịnh độ sau khi chết sẽ có Phật A-di-đà rước sang Tây Phương Cực Lạc, vậy còn những người tu theo pháp môn khác sẽ được Phật nào rước ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đạo hữu có thể đọc trong trang Web này cuốn "Thiền Phật Giáo: Nguyên Thủy và Phát Triển" ở mục Thư viện, trong đó có trình bày về pháp môn niệm Phật của Tịnh Độ Tông và niệm Phật theo Phật giáo Nguyên Thủy để biết rõ chi tiết hơn.
Niệm Phật nói chung là để tâm được nhất niệm, nhờ nhất niệm tâm không tán loạn theo tạp niệm vọng thức, không tạp vọng thì tâm được trong sáng, trí tuệ chiếu soi, thấy rõ thực tánh của tất cả các pháp, không còn bị mê muội đắm chìm trong phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử do bàn ngã vô minh tạo tác. Đó là giác. Giác là Phật, nhờ giác ngộ (Phật) mà giải thoát (độ) nên gọi là Phật độ.
Phật A-di-đà là biểu tượng cho tánh giác thanh tịnh, chính nhờ niệm Phật mà khai mở được tánh giác thanh tịnh bị che lấp bởi tạp niệm vọng thức, mà giải thoát ra khỏi luân hồi sinh tử. Như vậy, nói là Phật Di-đà độ, thực ra là tánh giác thanh tịnh tự độ mà thôi. Do đó có câu: "Di-đà là tánh giác, tự tâm là cõi tịnh" (Tự tánh Di-đà duy tâm tịnh độ). Tóm lại dù niệm Phật hay không niệm Phật theo pháp môn nào, thì cũng phải nhờ tánh giác thanh tịnh nơi chính mình mới có thể giác ngộ giải thoát. Tông môn dù sai biệt vẫn có chung một cốt lõi giác ngộ giải thoát này.