Kết quả Tìm Kiếm: Có 34 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'nhân & duyên'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 04-01-2016
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con hết sức cảm ơn thầy, nhờ thầy và trang web mà con nhận ra những nguyên nhân của khổ đau trong con. Hằng ngày con chủ yếu buông thư, việc gì đến con biết nó đến trong sự tương giao với thân thọ tâm pháp... và lạ kỳ thay con sống thảnh thơi hơn. Con cảm ơn thầy rất nhiều. Nhưng con còn một khó khăn chưa vượt qua được là con còn bị ám ảnh bởi một số đối tượng và nhiều lúc cứ lo sợ không đâu, ví như có người trái duyên với con, bình thường không gặp thì thôi nhưng chỉ cần nghe giọng nói của người đó là con cảm thấy bất an. Và con sống trọn vẹn với cảm giác bất an đó, nhưng vẫn lúng túng trong ánh nhìn, lời nói, việc làm... Mong thầy cho con một lời khuyên, con làm vậy đã đúng hay chưa?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con nên thầm cảm ơn đối tượng đó đã đến trong đời con để giúp con thấy ra sự bất an, nhân và duyên đưa đến sự sinh diệt của nỗi bất an đó trong con. Nhờ thấy ra phiền não mà trí tuệ toả sáng, như vậy đối tượng đó chính là pháp đến giúp con phát huy trí tuệ, đức tính nhẫn nại, sự cảm thông và lòng từ-bi-hỷ-xả vô lượng. Không có gì đến với con trong đời mà có hại cả, hại là do mình nghĩ thôi, nếu biết lấy đó làm bài học cho sự phát huy Đạo và Đức thì giống như chính bùn nuôi lớn những đoá hoa sen tinh khiết vậy.
Ngày gửi: 27-12-2015
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy! Con xin được hỏi có phải tất cả mọi chuyện xảy ra trên đời đều do duyên không? <p>
Và, nếu không thì ta phải chủ động tạo duyên thì mai sau mới có duyên?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Duyên mà con nói hàm ý về sự kết mối quan hệ, duyên này được tạo ra bởi ý muốn chủ quan, vì vậy con phải gieo duyên thì mới có duyên. Thí dụ con muốn làm bạn với một người nào đó thì con phải kết mối quan hệ qua nhiều điều kiện tương thích mới được.
Nhưng từ duyên có nghĩa rộng hơn trong sự tương giao của vạn pháp, gọi là trùng trúng duyên khởi. Duyên là những yếu tố cần và đủ để một nhân trở thành hiện thực. Thí dụ một hạt xoài chỉ nẩy mầm khi có đủ đất, nước, dưỡng chất, nhiệt độ, sự chuyển động, ánh sáng v.v... Những điều kiện cần và đủ đó chính là duyên, và nhân cũng chính là duyên tự nội của chính nó.
Ngày gửi: 15-09-2015
Câu hỏi:
Kính bạch thầy, <p>
Xã hội cho rằng, chính quan niệm nghiệp báo của Phật giáo đã ràng buộc người phụ nữ phải chấp nhận bạo hành gia đình và làm mất bình đẳng giới.
Ví dụ, khi lấy phải một người chồng vũ phu cờ bạc, thì cho đó là nghiệp báo của mình, nay mình phải cam chịu để trả nghiệp. <p>
Xin thầy giải thích cho con hiểu. Trong trường hợp cụ thể như con đã nêu trên thì người phụ nữ phải làm thế nào để cho đúng chánh pháp. Và thực sự Phật giáo có làm cho phụ nữ bị mất bình đẳng giới hay không? <p>
Con xin cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nghiệp là cách tự do nhất mà mỗi người được quyền lựa chọn cách khám phá cuộc sống cho mình, bất luận là nam hay nữ đều hoàn toàn bình đẳng. Không bình đẳng là do quan niệm của mỗi cộng đồng xã hội, như Đông phương trọng nam khinh nữ, Tây phương thì lại "Lady first",... chứ bản thân nghiệp là sự thật hiển nhiên về nhân quả đâu có thiên vị ai. Nghiệp thật ra mang tính giáo dục rất cao, qua đó mọi người tự chọn bài học của mình, đồng thời chịu trách nhiệm về hành vi tự chọn ấy.
Chính người phụ nữ chọn hướng khám phá cuộc đời bằng cách lấy chồng, và đã chọn người chồng của mình chứ đâu phải ai khác. Người đàn ông cũng vậy thôi. Nếu muốn lấy nhau mà cha mẹ không cho cưới thậm chí còn đòi tự tử! Vậy không phải do nghiệp mình tự chọn thì còn đổ tội cho ai? Nhưng không phải chính nghiệp đang giúp phụ nữ/đàn ông thấy ra sự thật mà trước đây họ đã từng mù quáng "tin là", "tưởng là" đó sao? Vậy chỉ qua nghiệp tự chọn mới có thể điều chỉnh nhận thức và hành vi của chính mình chứ không do ai khác cả. Công bình hay bất công là do mình tự chọn duyên nghiệp của mình.
Ngày gửi: 14-09-2015
Câu hỏi:
Bạch Thầy! Cho con được hỏi một câu thôi ạ. Chồng con mới mất, con đau đớn và nhớ thương chồng con vô cùng, nhiều khi muốn đi theo chồng luôn, nhưng con gái còn nhỏ quá, ai nuôi. Con luôn hy vọng và nuôi hy vọng rằng sau này khi con chết đi con sẽ được gặp lại chồng con ở thế giới bên kia. Thưa Thầy, liệu sau này con còn được gặp lại chồng con không thưa Thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Theo "luật hấp dẫn tâm lý" trong vũ trụ thì "muốn là được", con khỏi lo, nhưng được như thế nào là chuyện duyên nợ giữa con và chồng con. Đương nhiên khi duyên nợ trả vay chưa dứt thì muốn tránh khó hơn là muốn gặp, thậm chí không muốn cũng phải gặp lại mới là vấn đề. Vậy bây giờ con yên tâm lo học bài học hiện tại như học làm mẹ, học đạo hiếu, học điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt để sau có gặp lại thì chồng con mới thấy vợ mình tốt hơn hồi đó nhiều mới hay!
Ngày gửi: 24-08-2015
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy! Hôm Chủ Nhật vừa rồi con có nghe Thầy giảng về tạo mối quan hệ. Vậy Thầy hoan hỷ cho con hỏi: <p>
1) Khi ăn mà khởi TÂM phân biệt ngon dở; mắt còn phân biệt đẹp xấu thì đó chính là đang tự tạo mối quan hệ ràng buộc giữa 5 căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý "của ta" với 6 trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp phải không thưa Thầy? <p>
2) Người ta thường nói, ”quan hệ cha mẹ - con cái thời không ngoài 4 mối quan hệ: Báo ân, Báo oán, Trả nợ, Đòi nợ". Vậy 4 mối quan hệ Báo ân, Báo oán, Trả nợ, Đòi nợ đó là mối quan hệ tự nhiên (hiện tại kiếp này) hay là mối quan hệ do chúng ta tạo tác từ nhiều đời nhiều kiếp cho nên phải nhận lãnh QUẢ ở đời nay? <p>
Xin cảm ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Khi có khái niệm, tư tưởng, quan niệm khởi lên mang tính tham ái, chấp thủ đối với bất cứ đối tượng ngoại giới nào thì đều là tạo mối quan hệ ràng buộc giữa căn với trần hay năng và sở. Đó là mối quan hệ giữa bản ngã với vạn vật.
2) Các mối quan hệ trong gia đình hoặc xã hội phần lớn có liên quan đến những ân - oán, thương - ghét, thân - sơ trong quá khứ mang đến hậu quả trong "sinh nghiệp" hiện tại của họ, tuy nhiên nghiệp quả từ nhân quá khứ lại là duyên cho nghiệp nhân trong mối quan hệ mới.
Ngày gửi: 08-05-2014
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, làm thế nào để sống an nhiên tự tại trong một cuộc sống nhiễu nhương đầy thay đổi. <p>
Tâm con hiện giờ đang nhiều chuyện buồn thương giận ghét. Con chán chường với công việc hằng ngày, cứ lập đi lập lại. Con lại không thể buông bỏ mọi lo toan để đi tu hay ngồi thiền. Con vẫn phải đi làm mỗi ngày để trả bill, tình cảm gia đình lại vô vị chán ngắt, buông bỏ mọi thứ chăng? Làm sao đây hởi Thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đời sống với những khổ đau phiền lụy, với những biến đổi vô thường của nó chỉ là duyên, không phải là nhân. Nhân là thái độ của con đối với những duyên ấy. Khi con mong muốn những duyên ấy tốt đẹp như ý mình thì chính thái độ đó làm con phiền não. Nghĩa là khi nào đối với đời sống con còn cho là... phải là... sẽ là... thì con không thể nào tự tại được. Nhưng nếu con thật sự biết trở về cảm nhận trọn vẹn chỉ duy nhất thực tại thôi (sự kiện đang là trong phút giây hiện tại, dù đó là khổ hay lạc) thì ngay đó không có tư tưởng, thời gian, bản ngã và phiền não, đó chính là tự tại, mà tự tại thì vô ngại, con còn bị chướng ngại bởi duyên thì làm sao có thể tự tại được. Không phải là từ bỏ tất cả duyên đời sống mới tự tại, mà chỉ thay đổi thái độ với đời sống thôi. Chính nhờ duyên đời sống là khổ đau phiền lụy, là biến đổi vô thường, là không đáng tham đắm, chấp thủ mới giúp con nhận chân được bản chất vô thường, khổ, vô ngã của nó. Nếu cuộc đời thường lạc ngã tịnh như ý muốn của mình thì tà kiến và tham ái ngày càng tăng trưởng và hậu quả vẫn sẽ là đau khổ, chán chường. Nghĩa là nếu không khổ khổ cũng là hoại khổ, và rồi cái tâm lăng xăng muốn được thế này thế khác chính là hành khổ.
Tóm lại, không có cách nào thoát ra khỏi khổ khi thái độ vẫn còn cho là, phải là, sẽ là... tức còn sinh, hữu, tác, thành. Chỉ khi nào thái độ là không, vô tướng, vô tác, vô cầu thì mới không sinh, không hữu, không tác, không thành và mới chấm dứt mọi nhân sinh đau khổ. Vậy là từ bỏ thái độ chứ không phải từ bỏ cuộc đời.
Ngày gửi: 10-03-2014
Câu hỏi:
Thưa Thầy cho con hỏi từ nhân duyên có nghĩa là gì ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nhân là yếu tố khởi đầu tạo ra một chuỗi hiệu ứng, duyên là điều kiện xa và gần trợ giúp cho nhân chuyển biến hoàn thành chuỗi hiệu ứng từ nhân đến quả ấy. Thí dụ gieo một hạt lúa là nhân tạo ra cây lúa, còn đất, nước, phân, ánh sáng, nhiệt độ v.v... là duyên hay điều kiện trợ giúp cho hạt lúa nẩy mầm, đâm chồi, ra rễ, ra lá để trở thành cây lúa. Nhân gian thường dùng từ nhân duyên theo nghĩa mối quan hệ tiền định, thí dụ nói hai người này có nhân duyên với nhau, nghĩa là hai người đã có mối quan hệ nhân quả duyên nghiệp với nhau trong đời trước, nay chỉ trùng phùng lại để trả món nợ ân oán xa xưa với nhau . Hiểu như vậy hơi cục bộ nhưng không phải là hoàn toàn vô lý.
Ngày gửi: 09-01-2014
Câu hỏi:
Thưa Thầy, xin Thầy giải thích chi tiết cho con biết chữ duyên là như thế nào? Như thế nào là duyên thiện, như thế nào là duyên ác. Và sự gặp gỡ như thế nào gọi là duyên? Có phải chăng duyên là điều gì đến với ta một cách tự nhiên nhưng không cần sắp xếp? Hay là phải sắp xếp làm điều nầy việc nọ với họ mới gọi là duyên? Có người vừa gặp không nói chuyện nhưng lại đem lòng thương mến, nhưng lại có người vừa gặp không hề tiếp xúc nhưng không có thích. Xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con. Con xin cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Duyên có 3 nghĩa:
1) Ảnh hưởng của hoàn cảnh: Không gian, thời gian và đối tượng khi xảy ra một sự kiện, thí dụ như ngồi trong phòng buổi trưa mùa hè nóng bức nên ăn cơm không thấy ngon.
2) Ảnh hưởng của điều kiện ắt có và đủ: Một nhân phát triển do nhờ có những đầy đủ điều kiện hỗ trợ, thí dụ như hạt giống nảy mầm do đất, nước, phân, ánh sáng v.v...
3) Mối quan hệ trong quá khứ: Người ta thường gọi là duyên tiền định, thí dụ hai người trước kia có tình thân với nhau nên bây giờ gặp lại thì vui mừng. Hai người thành vợ chồng vì có duyên từ kiếp trước.
Ngày gửi: 02-11-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con thường nghe các pháp do nhiều nhân duyên hòa hợp sinh ra, nhưng câu kệ mà ngài Assaji giảng cho ngài Xá Lợi Phất là các pháp do một duyên sinh ra. Kính mong Thầy giảng cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Pháp nào cũng do một nhân trực tiếp thôi nhưng duyên thì nhiều. Thí dụ khi con nổi sân thì chỉ có một nhân sân thôi còn duyên thì rất nhiều, như đối tượng nghịch ý, thần kinh không ổn, trời nóng, đang ở trong tình trạng mê muội, chạm tự ái, tính cao ngạo, có thành kiến gì đó, v.v... và v.v... Hễ có một nhân sinh lên thì liền hình thành một pháp đồng thời kèm theo rất nhiều duyên và quả, duyên và quả đó lại khiến một nhân khác khởi lên, và cứ thế nhân duyên sinh khởi trùng trùng điệp điệp. Đó chính là "Nhất ba tài động vạn ba tuỳ". Ai liễu được một nhân ngay tại đây và bây giờ khi mới sinh hoặc chưa sinh thì không còn bị cuốn vào vòng nhân duyên quả báo nữa, nên khi nghe bài kệ một nhân sinh diệt của Ngài Assaji thì đạo sĩ Sariputta liền liễu ngộ chỗ một nhân sinh và diệt ngay đó mà được nhập dòng pháp tánh chân đế (Nhập Lưu).
Ngày gửi: 13-05-2013
Câu hỏi:
Thưa thầy! Thời gian gần đây con cứ nghe hoài pháp thoại của thầy giảng. Con nghe suốt ngày, chỉ khi ngủ thì mới thôi. Con nghe hoài mà vẫn thấy nó luôn mới mẻ. Nhiều lúc con nghe rồi tự cười một mình vì có nhiều câu hỏi rất ngây ngô, ngộ nghĩnh mà thầy cũng trả lời rất hay mà dí dỏm. <p>
Thưa thầy, con thấy thầy giống như có thần thông vậy, con mới hỏi có một câu mà thầy đã hiểu thấu vào tâm của con rồi. Nhờ thầy đã cho con một liều thuốc đủ mạnh (hợp với căn cơ của con) nên giờ con đã có được cảm giác thoát ra khỏi sự ràng buột của sự dính mắc. Con sẽ còn nhiều điều ngây ngô nên con rất mong được thầy chỉ dạy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Sàdhu lành thay! Thực ra thầy khai thị là phần duyên thôi, còn nhân nhận ra sự thật là tánh giác nơi con. Và thực ra cả thầy và con đều chẳng ai có công lao gì cả, phải không nào?