Kết quả Tìm Kiếm: Có 50 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'tương giao - mối quan hệ'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 26-07-2015
Câu hỏi:
Dạ kính thưa Thầy. Con đến nghe thầy giảng trong những buổi Trà Đạo, câu mà con nghe thầy nói rõ nhất là "ai hỏi gì hỏi đi", nhưng không hiểu sao đến lúc gõ kẽng mà con vẫn không hỏi được mặc dầu tâm con đầy ắp những điều muốn hỏi. Hiện tại con đang bị như vầy: Bình thường con dậy sớm lo chuẩn bị đi dọn hàng để buôn bán không hiểu sao khi chồng con ra phụ một tí là con thấy khó chịu, bực tức, làu nhàu muốn bị phát điên. Trưa đến con vừa nằm xuống nghĩ là có người đến mua hàng. Tối đến con về nhà thì ở nhà không có hai đứa con trai, chồng con thì đi nhậu, chỉ còn có đứa con gái hủ hỉ bên cạnh. Chồng con ngoài 50 tuổi bệnh gan mà vẫn bia rượu, cứ lấy cớ phụ bán để lấy tiền cờ bạc, lại thêm thái độ khó chịu với khách hàng. <p>
Thưa Thầy, con cảm thấy bất ổn, lo sợ, mệt mỏi. Xin thầy chỉ cho con cách bỏ những trói cột đó giúp con có thể bình tĩnh, sáng suốt, trong lành mà điều chỉnh hành vi thái độ của con: Bán hàng ra bán hàng, về nhà mẹ ra mẹ với con, vợ ra vợ với chồng.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đó là điều đáng mừng vì nhờ thế con mới thấy ra bản chất vô thường, khổ, vô ngã của đời sống. Nơi an ổn không phải trong cuộc đời (gia đình, xã hội) mà là trong chính lòng con. Tuy cần quan tâm đến mọi người nhưng con đừng quá bận tâm với mối quan hệ bên ngoài dù đó là mẹ con, anh em hoặc chồng vợ. Bên ngoài thực ra không ràng buộc con mà chính con tự ràng buộc mình trong ước mong có những mối quan hệ hoàn hảo. Không bao giờ có sự hoàn hảo trong mối quan hệ, chỉ có sự hoàn hảo trong tâm con hay không mà thôi. Vì vậy, nên sống trọn vẹn tỉnh giác với những hoạt động của thân tâm để thấy rõ chính mình, từ đó mới có thể điều chỉnh thái độ nhận thức và hành vi trong con, hầu không bị đồng hoá mình với ai trong mối quan hệ gia đình và xã hội. Hãy vui với công việc, vui với chính mình hơn là tìm sự thoả hiệp với người khác trong thái độ yêu ghét hoặc thị phi.
Ngày gửi: 30-08-2014
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy, <p>
Con thường vào mục "Hỏi Đáp Phật Pháp" để học hỏi vì rất sinh động và gần gũi, dễ hiểu. Con có đọc được câu hỏi của một quý đạo hữu hôm 23/8/2014 về vấn đề "cô đơn" và đề nghị Thầy giảng bài pháp về sự “Cô Đơn” cũng như đề cập đến ý định viết cuốn sách về “xây dựng môi trường tu học”. Thầy đã trả lời về nguyên lý rất rõ ràng, khúc chiết cho "hai loại cô đơn: Cô đơn hữu ngã và cô đơn vô ngã". <p>
Con cũng có cơ duyên đọc được một cuốn sách về vấn đề mà quý đạo hữu đã hỏi nên mạn phép đóng góp ở đây. Đó là cuốn "Sống chung an lạc – phương cách xây dựng tăng thân", con mua đã lâu ở ngoài nhà sách. Trong đó nêu lên tầm quan trọng của Tăng thân (Sangha) và có đề cập đến vấn đề "cô đơn" trong tăng đoàn của Phật thông qua Kinh Tư Lượng có trong tạng Pali lẫn trong Hán tạng. Trong tạng Pali, kinh nằm ở trong Trung Bộ (Majjhimanikaya, 15) mang tên là Kinh Anumana, kinh tương đương ở Hán tạng là kinh Tỳ Khưu Thỉnh. <p>
Việc xây dựng tăng thân dựa trên Luật Tạng và những nguyên tắc sống chung an lạc trong tăng đoàn của Phật ngày xưa. Sách cũng đề xuất cách xây dựng "tăng thân" ở gia đình để có được sự an lạc. <p>
Hiện con có bản in trên giấy cũng như bản bằng tập tin PDF của cuốn sách này, vì thế nếu quý đạo hữu cần con có thể cho mượn hay gửi bản PDF (bản này có thể tìm trên mạng). <p>
Con xin đảnh lễ Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cảm ơn con đã chia sẻ ý hay về mối quan hệ tốt đẹp. Nhưng nếu ai hiểu những gì thầy nói thì sẽ thấy rằng đó chỉ là khai mở những nguyên lý sống "tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha" để mỗi người tự biết vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh cô đơn đích thực ngay nơi sát-na thực tại thân tâm cảnh duy nhất "đặc thù, độc đáo, độc lập" không có sự thỏa hiệp nào với bất kỳ ai mà đức Phật gọi là "không tham ưu, không nương tựa, không bám víu hay lệ thuộc vào bất kỳ điều gì ở đời". Đó cũng chính là nguyên lý "ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" mà kinh Kim Cang nói đến. Con nói về sự an lạc còn thầy đang nói đến sự giác ngộ.
Cô đơn đích thực (vô ngã) là đang ở trong sự tương giao hài hòa và bất nhị của vạn pháp nên ở đó mọi nỗ lực thiết lập mối quan hệ hay thỏa hiệp giữa ta với người đều trở thành vô nghĩa và đáng thương! Như muốn vào "Nước Chúa" thì duy chỉ một mình đơn thân bước qua "khung cửa hẹp". Thế nhưng, Niết-bàn lại còn không có khung cửa hẹp nào để bước vào nữa kia, chỉ có thể cô đơn trở về trọn vẹn với sát-na thực tại phi không thời - không có bề dày không gian và thời gian nào cả - thì ở đó mới chợt nhận ra cái không hạn lượng: không còn đối đãi ngã nhân. Hãy thử một lần buông xuống, hoàn toàn trọn vẹn cô đơn trong cái không là gì cả thì con liền nhận ra cái tất cả đích thực là gì.
"Một bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt xanh xem người thế
Mây trắng hỏi đường qua."
Ngày gửi: 23-08-2014
Câu hỏi:
Thưa Thầy, <p>
Con thỉnh thoảng nghe pháp của Thầy, con nghe rồi chiêm nghiệm, khi con vướng kẹt thì con lại nghe tiếp và chiêm nghiệm tiếp. Nếu có thể, Thầy giảng một bài pháp về sự “Cô Đơn” được không Thầy? Đề tài này hầu như chưa có ai giảng cả. <p>
Con quan sát thấy rằng, nhiều vị xuất gia nhiều lúc rất cô đơn, lạc lõng trong chính môi trường tu của họ. Con thấy cũng tội mà không biết sao. Con rất muốn xuất gia, nhưng con đang quay về với thực tại chính mình để hiểu rõ mình và chiêm nghiệm rõ để có hướng đi đúng đắn. Đi tu là theo sự “hợp cách” như Thầy đã giảng, không phải theo sự cảm xúc nhất thời, chạy theo bản ngã được cái này cái kia thì càng đánh mất đi bản thân mình. Con nghĩ rất nhiều, và điều quan trọng con phải xem mình thật sự là đúng với người muốn xuất gia hay không, hay là đang trốn tránh sự đời. Con cũng đã đi và gặp một số người, con thấy tội quá Thầy ạ, họ như vào rồi mà không ra được, nhưng sao họ không dám dũng mạnh ra ngoài để làm ăn và trải nghiệm, sống như vậy nhiều lúc buồn quá… <p>
Nếu con được xuất gia, thì con rất muốn viết một cuốn sách về “xây dựng môi trường tu học” tại vì đề tài này rất ít người viết, mà có viết cũng rất sợ đụng chạm. Nhiều vị đi học, đi giảng để xây dựng cho đệ tử tinh thần tu học, nhưng lắm lúc lại quên đi phải xây dựng tổ chức trong nhà chùa, trong nhà của mình sao cho mọi người cùng nhau tu học, cùng nhau nuôi dưỡng tình yêu thương. Con không hiểu sao, con thấy đây là vấn nạn mà Phật giáo Việt Nam đang gặp phải, sự thật là cần một nơi mà sống với trọn vẹn đời người tu, hay là để cho Pháp tự vận hành theo duyên nghiệp của mỗi người, như vậy có phó thác quá cho duyên nghiệp không Thầy? <p>
Con xin lỗi nếu con có nói gì sai, nhưng đó là những gì con trăn trở, những cái thấy của con, làm sao mà xây dựng môi trường tu cho mọi người có được sự học tập và tu thật sự. <p>
Con cảm ơn Thầy nhiều.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có hai loại cô đơn: Cô đơn hữu ngã và cô đơn vô ngã.
1) Cô đơn hữu ngã là khi con không cô độc nhưng lại cảm thấy cô độc lạc lõng vì không tìm được mối quan hệ hợp ý mình. Chính ý muốn "xây dựng môi trường tu học" như một tổ chức lý tưởng để thiết lập mối quan hệ hoàn hảo khiến con cảm thấy cô đơn. Biết đâu cuốn sách mà con định viết nhằm xây dựng một môi trường tu lý tưởng theo ý con lại tạo cảm giác cô đơn cho nhiều người khác!? Rồi phải chăng khi con không tìm thấy mối quan hệ lý tưởng trong môi trường tu hiện tại con lại muốn "quay về với thực tại chính mình" mà thực ra là đang trốn chạy sự tương giao hiện hữu, đang tự cô lập mình trong cảm giác cô đơn bất mãn? Khi con muốn tổ chức và tiêu chuẩn hóa mọi người theo tiêu chí của con thì sự cô đơn đã hình thành trong con một cách kiên cố!
2) Cô đơn vô ngã là khi con sống tương giao hài hòa vô ngại với mọi người dù mỗi người là mỗi cá thể đặc thù, nói cho dễ hiểu là mỗi người một tính cách, một trình độ, một biểu hiện độc đáo, một lý lịch quá khứ riêng tư..., mà con không hề có ý muốn tiêu chuẩn hóa mối quan hệ mọi người trong một tổ chức lý tưởng theo ý mình, ngay trong thực tại đó con vẫn thương yêu, tôn trọng, hòa hợp với mọi người dù đồng hay dị mà vẫn sống độc lập, tự tại giữa họ thì đó chính là sự cô đơn vô ngã của một người giác ngộ. Người giác ngộ nhận ra rằng mỗi người đều đã và đang dựng lên cho mình một cái ngã ảo tưởng từ đó phát sinh ra sự bất đồng, và điều kỳ diệu của pháp là chính sự va chạm của những bất đồng đó lại giúp phá vỡ thành trì của bản ngã, nên sự va chạm ấy vô cùng cần thiết, trong khi ý muốn "tổ chức môi trường tu học" hoàn hảo lại chính là ý đồ nuôi dưỡng và gia cố cho cái bản ngã luôn muốn cầu toàn, vì vậy mà nó không bao giờ giác ngộ được bản chất vô thường, khổ, vô ngã của đời sống.
Ngày gửi: 14-04-2014
Câu hỏi:
Kính Bạch Sư! Con kính đảnh lễ Sư và cầu mong Sư được luôn sức khỏe! Cứ mỗi lần ngồi gõ trình pháp cho Sư là mắt con sao cứ như muốn giọt ngắn giọt dài... vì vui mừng và hạnh phúc! Thật là phúc phước cho chúng con hôm nay có Sư để chỉ đường dẫn lối trong cuộc đời nhiều lừa dối (mà dối trá, gian xảo nhất là cái Tâm của mình)! Con đọc mục vấn đáp thấy Sư ban rải tình thương đến từng mỗi Phật tử chúng con hằng ngày không mỏi mệt nên con khóc! Con biết có đôi khi Sư cũng rất mệt vì tuổi cao sức yếu! Có lúc Sư cũng bệnh nữa nhưng vì thương Phật tử chúng con mà Sư không lấy được vài ngày để nghỉ ngơi! <p>
Con cũng thấy được các vị Phật Tử đã nhờ Sư giảng dạy mà tìm ra con đường sáng cho cuộc đời hạnh phúc hơn! <p>
Bản thân con cũng đang sống tỉnh thức hàng ngày, khi vui, con biết con đang vui, và phút giây này nó sẽ qua, khi con buồn, con biết con đang buồn lo và nguyên nhân của nó, và rồi nó cũng sẽ qua. Con thận trọng không gieo nhân xấu để khỏi phải trả nghiệp về sau. <p>
Thưa Sư, vì vậy con rất ít bạn bè, hình như không ai thích con! Con cô đơn trong cách nhìn của thế gian, nhưng con thấy như vậy thì con mới bình an được. Con xin cảm ơn Sư bỏ thời gian đọc những tâm sự này của con!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Chia sẻ pháp với mọi người là niềm vui của thầy nên con đừng lo thầy mệt. Mỗi lần nghe ai trình pháp thấy họ đã đi đúng đường, đã thấy ra pháp và biết sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha, là thầy vô cùng hoan hỷ. Tuy đã ngoài 70 nhưng hiện nay thầy vẫn còn khỏe để có thể tiếp tục tâm nguyện chia sẻ pháp với mọi người. Ngày nào thầy còn giảng được, còn trả lời câu hỏi của các Phật tử gần xa là ngày đó như thầy được tiếp thêm sức sống với niềm vui thật mầu nhiệm.
2) Bớt đi những mối quan hệ ràng buộc vô ích với người khác để trở về tìm lại chính mình và sống trọn vẹn biết mình, có thể đó là đời sống cô độc chứ không phải cô đơn. Cô đơn là có cảm giác lẻ loi cô quạnh thiếu sự tương giao thông cảm giữa mối quan hệ với những người xung quanh, vì vậy không cô độc mà vẫn thấy cô đơn. Người có thể sống đơn thân độc mã, như một khất sĩ "cô thân vạn lý du", thì vẫn không thấy cô đơn vì đã tìm lại được sự tương giao với vạn pháp.
Ngày gửi: 22-02-2014
Câu hỏi:
Kính Thầy, con ở xa và cũng mới nghe pháp Thầy gần đây thôi nhưng con cảm thấy dễ hiểu và cũng dễ thực hành. Con nguyện cho Thầy được nhiều sức khoẻ để làm Phật sự dễ dàng hơn. Hôm nay con có thắc mắc này nhờ Thầy giải dùm con. <p>
Thầy nói: "Chỉ có sự giác ngộ trong tương giao chứ không có sự giác ngộ cá nhân". Nhưng với một người chưa giác ngộ, chưa nhận ra thật tánh pháp mà phải tiếp duyên, phải tương giao nhiều quá thì cho dù có sống trọn vẹn với thực tại thì đó cũng là cố gắng của ý thức, của bản ngã phải không thưa Thầy? Chính cuộc đời Đức Phật cũng phải trở về cô đơn trọn vẹn với chính mình mới giác ngộ ra bản Tâm rỗng lặng trong sáng và sau đó mới tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha. Phải có một lần trực nhận ra Tánh Biết rỗng lặng mà thiền tông gọi là ngộ phải không Thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tương giao tức là vô ngã, cá nhân là bản ngã đo đó câu này có thể hiểu là vô ngã mới giác ngộ còn bản ngã thì chỉ có thể trở thành đại ngã chứ không thể nào giác ngộ được. Có thể trở về với cá thể (individual) nhưng cá thể (nói đúng hơn là tự thể) thì luôn tương giao với vạn pháp, trong khi nếu trở về với cá nhân (personal) thì hoặc là tự cô lập mình, hoặc là tìm mối quan hệ ràng buộc với người khác nên đã đánh mất tự thể trong sự tương giao. Chung quy con phải hiểu tự thể và cá nhân, vô ngã và hữu ngã, tương giao và mối quan hệ khác nhau thế nào con mới hiểu được câu nói con nêu trên. Siddhattha vào rừng tu chính là từ bỏ cá nhân trong mối quan hệ ràng buộc hữu ngã để tìm lại tự thể trong sự tương giao vô ngã với vạn pháp và nhờ vậy mới giác ngộ. Nếu còn bản ngã của một cá nhân thì không bao giờ giác ngộ được. Vì khi con tu với tư cách một cá nhân như là nỗ lực thực hiện ý chí của bản ngã thì chỉ trở thành đại ngã là cùng!
Ngày gửi: 03-01-2014
Câu hỏi:
Thưa Thầy trong một bài Pháp thoại Thầy có nói chúng sanh không thể giải thoát được nếu không thấu hiểu được sự tương giao. Xin Thầy giải thích cho con được rõ hơn. Nếu có thể Thầy hoan hỉ cho con nhiều ví dụ trong đời sống hàng ngày, làm thế nào để thấy rõ được sự tương giao? <p>
Con xin cám ơn Thầy nhiều.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tương giao là sự tương quan, tương tác hay ảnh hưởng lẫn nhau một cách tự nhiên. Tương giao có thể là sinh hay khắc nhau, như âm dương, ngũ hành trong Dịch lý chẳng hạn, dù sinh hay khắc các pháp vẫn hài hòa với nhau. Hoặc như sinh - trụ - diệt cũng hầu như mâu thuẫn với nhau nhưng cả ba cùng hòa hợp không thể thiếu nhau được. Thủy triều lên xuống có ảnh hưởng từ mặt trăng, quỹ đạo của mặt trăng lại có ảnh hưởng từ mặt trời và những hành tinh khác v.v... nói chung vũ trụ vạn vật đều có sự tương giao mật thiết nhưng rất tự nhiên và vô ngã.
Khi mỗi người tự dựng cho mình một bản ngã thì họ tưởng rằng họ độc lập với mọi thứ không phải họ, nhưng trên thực tế họ cần nhờ vả đến người khác nên buộc lòng phải tạo mối quan hệ với những người xung quanh. Từ đó họ bị ràng buộc trong mối quan hệ và chỉ biết mối quan hệ mà họ tự định ra để rồi quên mất sự tương giao vốn có giữa muôn loài vạn vật. Chỉ khi nào nhận ra được đâu là mối quan hệ ràng buộc trong quy định, và đâu là sự tương giao tự nhiên không bị ràng buộc thì mới có thể giác ngộ giải thoát được là vậy.
Ngày gửi: 22-12-2013
Câu hỏi:
Thưa thầy! Con có một thắc mắc là tình yêu của Đức Phật, Bồ Tát hay các vị A-la-hán dành cho chúng sinh thì có điểm gì khác so với tình yêu bình thường mà các chúng sinh còn vô minh dành cho nhau? Xin thầy giải đáp cho con. Con cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Một bên là sự tương giao xuất phát từ tự tánh, một bên là mối quan hệ nảy sinh từ bản ngã. Thể tánh vốn không hai nhưng tướng dụng thì sai khác.
Ngày gửi: 09-09-2013
Câu hỏi:
Thầy ơi, con càng ứng dụng những lời thầy chỉ dạy trong đời sống hàng ngày con càng thấy kính thầy nhiều hơn.
Con biết ơn thầy nhiều lắm. Nếu như con nguyện đời đời kiếp kiếp kết duyên giải thoát với thầy, con có đang tạo tác điều gì trói buộc không? Nếu không, cho con kết duyên giải thoát với thầy nhé. Kính thầy nhiều sức khỏe. Con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giải thoát vốn là sự tương giao khi thoát khỏi mọi ràng buộc của mối quan hệ nhân ngã. Vậy đã giải thoát là tương giao rồi còn kết duyên giải thoát gì nữa con? Đức Phật dạy rằng ai quý kính Ngài thì cứ sống thuận pháp, hành đúng pháp, đó mới chính là quý kính Ngài một cách đúng nghĩa, vì chỉ trong pháp mới có sự tương giao tự nhiên và vô hạn. Và Ngài nói: "Thấy pháp tức thấy Như Lai", điều này có nghĩa là tương giao trong pháp tức tương giao với Như Lai. Tất cả những người giác ngộ giải thoát - trở về Niết-bàn - luôn cô đơn lặng lẽ, nhưng chỉ trong lặng lẽ tịch nhiên ấy mới có cảm ứng đạo giao vô cùng mầu nhiệm. Cô đơn là độc lập chứ không phải cô lập. Khi độc lập thì liền có sự tương giao, nhưng khi cảm thấy bị cô lập thì liền muốn thiết lập mối quan hệ, kể cả khi tự cô lập cũng là đang thiết lập mối quan hệ theo kiểu khác. Mối quan hệ thì hữu hạn còn sự tương giao thì vô hạn. Nên ngay khi con khởi lên ý muốn thiết lập mối quan hệ với giải thoát thì không còn giải thoát trong sự tương giao tự nhiên và mầu nhiệm nữa.
Ngày gửi: 05-09-2013
Câu hỏi:
Kính thưa thầy,<p>
1/ Con rất ham hiểu biết, và trong quá trình gần đây thì con tự giảm lại, những gì cần biết thì tìm hiểu, không cần thì thôi. Con theo tiêu chí đó. Nhưng nếu con không ham biết thì con đâu gặp được thầy trong quá trình con tìm tòi thêm, con mới gặp được thầy và trang web và những điều hay trong Phật pháp... Không biết là có mâu thuẫn gì không thầy? Nếu mình không ham hiểu biết, tìm hiểu thì không biết được những điều hay, còn ham hiểu biết lại là sở tri chướng. Con thấy có sự mâu thuẫn gì đó. Mong thầy giải thích thêm cho con. <p>
2/ Mình có nên có nhiều mối quan hệ, giao tiếp không thầy? Hay chỉ cần 1 vài người là được. Con thấy bài giảng về sự tương giao và mối quan hệ của thầy rất hay. Mà dường như trong XH thì giữa mình và người luôn phải có 1 vai vế gì đó, ví dụ như: cha mẹ - con cái, bạn bè, đồng nghiệp... tất cả đều đóng khung trong vai trò xã hội - mối quan hệ. Sự tương giao nằm ở đâu trong đó thưa thầy? Có phải là mình không mong cầu gì người khác làm cho mình, hoặc mong họ phải thế này, phải thế kia. Đó là ý nghĩa của "sự tương giao"? <p>
3/ Trong quá trình thầy hoằng pháp, đi giảng... thầy có gặp khó khăn gì không? Đối với những người chấp hơi nhiều thì thầy làm sao khai thông được giúp họ thấy được sự thật. Có phải thầy thấy sự thật, công việc giúp người khác thấy như thầy cũng không đơn giản đúng không thầy? Thầy có thể chia sẻ cho chúng con không?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Nhu cầu hiểu biết là cần thiết, nhất là những hiểu biết liên quan thiết thực đến bản chất sự thật như hiểu biết về thân thọ tâm pháp và sự tương giao, thể nhập trong đời sống. Ngược lại những kiến thức lý trí vay mượn, nhồi nhét đầy tâm thức có thể giúp người ta khôn lanh hơn trong tục đế nhưng lại làm cho người ta mất đi sự thông minh bén nhạy đối với pháp chân đế. Thực ra, việc gặp thầy gặp đạo không phải là do đi tìm kiếm kiến thức mà là do nhân duyên đầy đủ. Như Ngài Yassa đâu phải đi tìm kiến thức mà vẫn gặp Phật và đắc đạo.
2) Vấn đề không phải là có mối quan hệ hay không mà là thấy ra được bản chất của mối quan hệ là gì. Khi mối quan hệ là tất yếu trong đời sống cộng đồng thì bấy giờ thái độ đúng tốt trong mối quan hệ là cần thiết. Nhưng mối quan hệ không bao giờ hoàn hảo vì phần lớn thiết lập giữa những điều kiện của ngã nhân. Còn sự tương giao vốn là tự nhiên, nên không bao giờ thiết lập được mà ngay khi trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thì liền thấy được sự tương giao vô hạn, vì không phải chỉ tương giao giữa người và người mà còn giữa muôn loài vạn vật.
3) Trong quá trình hoằng pháp thầy gặp không ít trở ngại, nhất là những người cố chấp ngôn ngữ, kiến thức, pháp môn phương tiện... nên không chịu lắng nghe để thấy ra sự thật. Nhưng dù sao họ vẫn giúp thầy bình tĩnh sáng suốt hơn để thấy ra căn cơ trình độ của mỗi người hầu có thể nhẫn nại, cảm thông và biết chia sẻ hữu hiệu hơn. Chủ yếu là mình hết lòng thương yêu chia sẻ với mọi người còn họ chấp nhận hay chống đối là quyền của họ mà mình phải tôn trọng căn cơ của mỗi người, chứ không nên sinh tâm bất mãn và khinh mạn.
Ngày gửi: 06-01-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Hôm trước con có hỏi Thầy về tâm ganh tỵ. Thầy có khuyên con nên trở về trọn vẹn với tâm ganh tỵ là sao thưa thầy? Vì mỗi lần thấy người đó được sự thương yêu và quan tâm hơn là tâm con khởi lên sự ganh tỵ, nó nhanh lắm Thầy ạ! Tâm con có cảm giác buồn, thân con khó chịu. Con có dùng như lý tác ý nhưng không thành công. Trong tâm con giữa thiện và bất thiện như muốn tranh giành nhau.<p>
Con kính mong Thầy từ bi chỉ dạy con cụ thể hơn. Con cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi ganh tị là con đã để tâm hướng ra đối tượng bên ngoài, rồi sau đó con lại cố gắng hướng về tâm ganh tị như một đối tượng khác để loại bỏ nó, do đó tâm con không trọn vẹn với thực tại mà luôn xem mọi sự như đối tượng để chọn lựa: thích hay ghét, lấy hay bỏ... nghĩa là con luôn phân đôi ngã với pháp để đối lập hay thỏa hiệp với nhau. Đó chính là thiết lập mối quan hệ giữa ngã với pháp. Mối quan hệ này dựa trên sự phân biệt nhị nguyên của cái ta ảo tưởng nên nó đánh mất tính trọn vẹn trong sự tương giao vốn bất nhị của pháp.
Trở về trọn vẹn trong sáng ngay nơi ganh tị để cảm nhận từ bên trong chính nó chứ không phải cái ta đứng ra ngoài để đối kháng hay kiểm duyệt ganh tị. Khi con hướng tâm đến đối tượng của lòng ganh tị thì ganh tị sẽ sinh khởi, và khi con trở về đối kháng lại ganh tị thì con vô tình bồi dưỡng nó bằng thức ăn có yếu tố sân, như vậy ganh tị ngày càng lớn hơn. Nhưng nếu lúc đó vắng bóng bản ngã thì chỉ còn lại trạng thái ganh tị trong tánh biết của tâm mà thôi, đó chính là sự trọn vẹn của thực tại, chỉ có hiện trạng đang là không có phân chia ngã và pháp . Trong tánh biết, ganh tị chỉ là ảo do bản ngã dựng lên nên nó tự tan biến mà không cần đối kháng hay kiểm duyệt của cái ta ý chí. Đó chính là sự trọn vẹn của thực tại.
.