Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 03-01-2018
Câu hỏi:
Dạ. Thưa Sư Ông cho con được hỏi thêm, con từng là người tu theo pháp niệm Phật nhưng hiện tại con không phải là hành giả chuyên về niệm Phật, nhưng con có suy nghĩ niệm Phật nhất tâm bất loạn có phải giống như việc đắc định trong thiền chỉ (Samatha) không Sư Ông? Tuy hành giả có được tâm Định nhưng không có sinh Tuệ nên không thể dẫn đến nhận ra chân đế vô thường, khổ, vô ngã nên không thể chấm dứt sự tái sanh, vẫn còn trong tam giới vì định trong niệm Phật và định trong thiền chỉ Samatha khác với định trong thiền quán Vipassanā.
Tại vì con thấy cách tu của thiền chỉ và niệm Phật giống như chúng ta lấy đá đè nén không cho cỏ phát triển nhưng đến khi chúng ta lấy tảng đá ra thì cỏ vẫn mọc và phát triển bình thường vì ta chưa có diệt tận gốc rễ. Hôm qua con hỏi nhìn vào Tự tánh có giống như việc tu Thiền quán hay không, Sư Ông nói phải đúng không ạ? Con đọc được Ngài Bodhidharma (Bồ-đề Đạt-ma) có nói rằng: "Nếu không nhìn vào tự tánh thì niệm Phật cũng chẳng ích gì" và một câu nữa của ai nói con không biết là "Tự tánh di-đà, duy tâm tịnh độ", giống như một câu nói trong kinh Vakkali "Ai thấy pháp, người đó thấy Như lai, vì thấy pháp tức là thấy Như lai, thấy Như lai tức là thấy pháp" và con cũng nhớ rằng Đức Phật có nói: "pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu” (Kinh Tăng chi bộ).
Vậy đọc vài câu này con có ý nghĩ rằng tu hành cái quan trọng nhất là cái thấy, mà muốn có cái thấy đúng đắn thì phải có Tuệ - Tuệ nhãn mà thiền chỉ và niệm Phật không thể dẫn đến việc phát sanh Tuệ nên cũng giống như Ngài Bồ-đề-đạt-ma nói: "Nếu không nhìn vào tự tánh thì niệm Phật cũng chẳng ích gì" nghĩa là nếu không tu thiền Tứ niệm xứ thì niệm Phật cũng chẳng ích gì vì Tự tánh là thân, thọ, tâm pháp trong câu Tự tánh di-đà nên niệm A-di-đà là phải hành Tứ niệm xứ mới đúng như lời Ngài Bồ-đề-đạt-ma nói như vậy mới có Tuệ.
Cho nên con nhận ra như sau:
- Thiền Tông (Phật giáo Phát triển) lấy sự thấy Tự tánh để làm nhân hạnh tu tập, sau đó có kết quả là giác ngộ thành Phật.
- Thiền Phật giáo nguyên thủy cũng lấy Tứ niệm xứ (Tự tánh) làm nhân hạnh tu tập và quả là sự giác ngộ như bên Thiền tông. Mà con có đọc được một bài dịch là Thiền tông cũng có thể một nhánh của Phật giáo nguyên thủy.
- Pháp niệm Phật nếu muốn tu đúng có nhân để giác ngộ và giải thoát thì cũng phải nhìn vào Tự tánh (Tứ niệm xứ) giống như Ngài Đề-đề-đạt-ma nói.
Như Sư Ông từng nói Giác ngộ là yếu tố quyết định cho sự Giải thoát mà thường người ta chỉ muốn giải thoát chứ ít ai nghĩ đến giác ngộ. Nếu chỉ tin và cầu xin một đấng nào đó để được cứu rỗi để giải thoát thì đó là điều không thể vì không có đủ tín, tấn, niệm, định, tuệ trong pháp tu của họ.
Cả 3 Thiền tông, niệm Phật của Tịnh độ và Phật giáo nguyên thủy tu đúng chánh pháp Phật dạy thì điều phải có Tứ niệm xứ trong đó. Con nghĩ đó là đúng. Vì Đức Phật dạy lấy Giới làm thầy và không nương tựa một điều gì khác ngoài việc hành Tứ niệm xứ đó là chúng ta tự thắp đuốc lên mà đi.
Ban đầu con chỉ muốn hỏi Sư Ông nhất tâm bất loạn trong niệm Phật có giống như đắc định trong thiền chỉ hay không, nhưng tự nhiên con có hý luận suông ra nhiều quá. Nghĩ lại không biết nên gởi cho Sư Ông hay không nữa. Con sợ nhận được câu trả lời "Tự con chiêm nghiệm mà đưa ra lời giải đáp cho mình nhé"! Đúng là những điều trên đây phần nhiều là do con luận ra chứ hành thì thực sự chưa bao nhiêu, có tự mình chiêm nghiệm mới biết đúng hay sai. Con viết ra là do thắc mắc thôi, mong Sư Ông hoan hỷ. Chúc Sư Ông vui và khỏe.
Ngày gửi: 14-12-2017
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy! Quá trình chiêm nghiệm, con thấy pháp tục đế và chân đế là một cặp đi cùng nhau như hình với bóng. Hình như tục đế là thể, chân đế là dụng, cho nên nó không thể tách rời được. Có đúng như vậy không Thầy?
Ngày gửi: 28-11-2017
Câu hỏi:
Dạ kính bạch Thầy. Khi con nhìn hoa con thấy biết rõ là hoa nó đang sinh diệt vô thường không thêm không bớt thì đó là pháp chân đế, nhưng khi con chọn hoa đẹp, thơm để cúng Phật thì đó là phương tiện chế định pháp tục đế phải không Thầy? Con cảm ơn thầy ạ.
Ngày gửi: 26-10-2017
Câu hỏi:
Con xin kính chào sư ông.
Con xin được phép thưa hỏi vài điều ạ.
Hôm nay trong lúc nằm thiền thì lòng bàn tay trái của con nóng ran lên. Con tự hỏi không biết có vấn đề gì không? Sau 1 lúc con quan sát nó vẫn như thế. Rồi ý nghĩ vẫn tự mò đến như bản chất khổ - vô ngã- vô thường của nó, trong lúc lan man với ý nghĩ và khi quay lại với hiện tại, con ý thức cơn nóng rát ở bàn tay trái vẫn còn đó. Chợt con tự hỏi: không biết lúc nãy khi đang lan man với những ý nghĩ thì cơn đau đã đi đâu, nó có tồn tại trong lúc ấy không?
Con liền có ngay câu trả lời: điều gì có ý thức nó mới hiện diện, không có tánh biết thì nó không tồn tại. Rồi còn mở mắt nhìn quanh phòng, con biết rằng chính tâm đã tái lập mọi thứ quang cảnh xung quanh trong phòng tạo nên thế giới này. Nhưng có lẽ tuệ tri của con chưa sâu sắc để kinh nghiệm điều này rõ ràng hơn. Có đôi lời con viết ra đây. Mong sư ông xem xét cho con vài lời mở rộng hiểu biết.
Con xin cảm ơn sư ông.
Ngày gửi: 13-07-2017
Câu hỏi:
Kính Thầy, con có thắc mắc này kính Thầy giải đáp giúp con. Một đạo hữu nói rằng:
“Thưa thầy con đã từng thấy thực tánh pháp nhưng rồi bị che lấp lại…” và có người nói rằng “thấy một lần rồi không thấy lại…”. Con không hiểu bởi vì con thấy rằng nếu như đã thật sự nhận chân được cái gọi là thực tánh pháp giống như con đã cầm nắm được viên ngọc trong tay nhưng còn tập khí nhiều đời chưa hết nên còn bị che lấp tức còn có lúc quên viên ngọc của mình mà cầm nắm bùn sình (khởi bản ngã tham sân si) nhưng tỉnh lại là trở về ngay, thấy rõ đâu là ngọc đâu là bùn sình.
Nếu đã thực thấy thì cái thấy đó vốn là mình rồi thì làm sao mất được phải không Thầy? Kính thầy chỉ dạy thêm cho con. Con thành kính đảnh lễ Thầy.
Ngày gửi: 03-05-2017
Câu hỏi:
Thưa Thầy,
Mấy ngày nay con sống vừa trong tục đế, mà vẫn không quên chân đế. Kinh doanh nhưng tâm bình thản giải quyết vấn đề. Dù trong mỗi ngày con giật mình trở lại nhìn lại mình (vì quên) không biết bao nhiêu lần. Nhưng con thấy mọi việc cứ tiến triển như vậy là tốt.
Bỗng hôm nay chồng con có chút rượu, lại phàn nàn con là không để cho ảnh đi giao thiệp (vì có lần ảnh trốn con nửa đêm đi và con rất giận, từ đó ảnh không đi nữa). Ảnh đi vì để việc làm ăn thuận lợi nhưng ý con là có giới hạn mỗi tháng đi một lần và không quá 10h đêm.
Ảnh đòi về làm ruộng sống tu 1 mình. Không giao thiệp với ai. Lâu lâu lên chùa học hỏi thêm. Con nói như vậy là sống khép kín có ngày bị bệnh tâm lý và thần kinh. Ảnh kêu con bỏ hết mọi việc đi, làm giống đức Phật, đi tìm giải thoát cho mình. Bỏ qua trách nhiệm gì đi. Con nói vậy để con lên chùa tu tập. Ảnh không chịu, ảnh kêu con cứ tu ở nhà mà không xen vào việc đời nữa.
Bản thân con thấy hằng ngày buôn bán mưu sinh và trách nhiệm với cha mẹ ruột với chồng con đồng hành với tu tập là chuyện mình nên làm cho đến hết cuộc đời tùy duyên đến duyên đi.
Nếu bây giờ con bỏ hết tất cả khác chi con gây nghiệp xấu. Mà có khi con thấy nếu bỏ hết thì mình lo tu tập giải thoát trước từ từ mới giúp mọi người được, nhưng liệu có bằng như hiện tại?
Con phân vân quá, mong Thầy cho ý kiến. Con cám ơn Thầy.
Ngày gửi: 16-04-2017
Câu hỏi:
Con xin đảnh lễ trước thầy ạ!
Thưa thầy con có một thắc mắc về việc tập khí công. Sức khoẻ con hiện giờ không tốt nên mẹ con rất muốn con tập khí công để khoẻ lên. Nhưng theo như con hiểu thì khí công có nhiều động tác điều khiển hơi thở, thở bụng..., trái với nguyên lý vô vi vô tác của thiền Vipassanā nên con rất ngại là tập khí công có gây trở ngại gì cho việc hành thiền Vipassanā sau này không mặc dù con chưa bắt đầu thiền Vipassanā. Hơn nữa con có đọc một bài viết của Sư TP nói về thói quen xấu điều khiển hơi thở khiến cho việc hành thiền trở nên căng thẳng và trở ngại, nên con rất ngại khi tập khí công sẽ gây thói quen này trái với nguyên tắc thư giãn buông xả mà thầy có nói đến. Liệu việc tập khí công có gây trở ngại cho thiền Vipassanā không hả thầy? Con xin cảm ơn thầy.
Ngày gửi: 14-04-2017
Câu hỏi:
Con kính chào thầy! Thưa thầy, con đã nghe thầy giảng và đọc nhiều sách của thầy. Con có điều này muốn nhờ thầy giảng thêm vì con chưa biết nhìn nhận vấn đề này như nào cho đúng. Mỗi người sinh ra đều có những tài năng, điểm mạnh nào đó. Hiện nay, con thấy xã hội đang rất chú trọng giúp con người nhìn ra xem bản thân mình có những tài năng về lĩnh vực nào hay đam mê bản thân là gì, điều này cũng giúp cho mọi người phát huy hết được khả năng của mình đóng góp cho xã hội và giúp cho cho mọi người sống được với đam mê của mình.
Thầy suy nghĩ như nào về điều này? Và mong thầy chỉ cho con có được cái nhìn đúng đắn hơn. Con cám ơn thầy ạ.
Ngày gửi: 10-04-2017
Câu hỏi:
Bạch Thầy,
Trước Thầy có dạy con, tuỳ duyên đối cảnh mà sử dụng tướng biết hay tánh biết. Hôm nay con nhận ra điều này không biết có đúng không thưa Thầy. Tướng biết sử dụng trong tục đế và có tạo tác còn tánh biết thì ứng dụng trong chân đế và không tạo tác. Nhưng điều quan trọng là khi sử dụng tướng biết thì chỉ cần biết đang là tướng biết, khi đang tạo tác thì biết mình đang tạo tác thì khi đó con thấy thân tâm rất nhẹ nhàng thanh thoát không bị trói buộc cả vào tục đế lẫn chân đế. Con thấy như vậy có đúng tốt không thưa Thầy?
Ngày gửi: 31-03-2017
Câu hỏi:
Dạ thưa Thầy!
Câu trả lời của Thầy cho một bạn là "Để cho dễ hiểu có thể nói một cách khác: Khi tiếp xúc đối tượng không tưởng là, cho là, muốn phải là, mong sẽ là... tức không gán cả vật khái niệm, danh khái niệm lẫn ý đồ chủ quan nào lên đối tượng. Nên tự nhiên vô tâm (không cố ý, không qua phương pháp nhận thức) để trả đối tượng về với chính nó - như nó đang là - chứ không cố gắng nhận biết qua bất kỳ trạng thái tâm nào dù không hoặc hữu, vì như vậy vô tình tạo nên một khái niệm "không", "hữu" trong nhận thức. Khi vô tâm tự nhiên vạn pháp tự trở về trật tự vận hành quy củ của nó mà không cần chúng ta uốn nắn điều gì."
Con hiểu, nhưng con không hiểu "tướng đang là", "tánh đang là"? Thầy giảng thêm giúp con. Con cảm ơn!