Kết quả Tìm Kiếm: Có 122 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'nhân quả'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 15-10-2012
Câu hỏi:
Thưa Thầy! Từ lúc con nghe Thầy giảng, và con đã nhận ra phần nào lẽ thật trong cuộc sống, nên tâm con dần chấp nhận tùy duyên thuận pháp, cũng chính từ lúc ấy cuộc sống của con gặp rất nhiều trở ngại, từ trong gia đình, đến ngoài xã hội, ồ ạt kéo đến với con, nhiều lúc làm cho con tưởng như không trở minh nổi nữa, con quan sát tâm mình, dùng tâm tình hồn nhiên của một đứa trẻ để đón nhận sự việc mà tùy duyên thuận theo pháp vận hành, nhưng con thấy tâm con có lúc đón nhận được, có lúc con thấy lo lắng lắm, mà ngay khi đó chuyện con đang lo nghĩ là cho người khác, vậy tại sao lo nghĩ cho người khác mà tâm lại bất an? Con kính mong THẦY chỉ dạy cho con, con cảm đức Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có lúc được có lúc bất an cũng là chuyện đương nhiên khi một người mới tập sống tùy duyên thuận pháp. Lúc bất an thì con chỉ thấy là bất an thôi cũng tốt. Thấy bất an để thấy rõ dần nhân duyên sinh diệt của nó, thấy tại sao những ý tưởng quá khứ tương lai lại hiện đến rồi đi qua, thấy tại sao lại bị vướng mắc vào người khác, thấy quan tâm đến người khác có thật sự là vị tha không, thấy trong tâm vị tha còn có chất vị kỷ nếu như người khác vẫn chưa thoát khỏi ý niệm của ta, như cha mẹ ta, anh chị em ta, bạn bè ta v.v...
Con cứ thấy tất cả mọi tình huống với tâm trọn vẹn và trong sáng thì mọi chuyện sẽ rõ ràng minh bạch. Không phải vì con sống tùy duyên thuận pháp mà mọi rắc rối đến với con. Rắc rối, trở ngại là chuyện của nghiệp quá khứ đến hồi trổ quả, lúc đó nhờ biết sống tùy duyên thuận pháp nên tâm vẫn sáng suốt định tĩnh trong lành, nếu không khi quả đến mà tâm con phản ứng lung tung thì còn phải khổ nhiều hơn. Trở ngại đến có khi lại tốt cho con, một là con trả được nghiệp cũ, hai là nhờ đó mà con học ra được cách điều chỉnh thái độ hiện tại cho tùy duyên thuận pháp.
Ngày gửi: 26-09-2012
Câu hỏi:
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Sư Ông ạ
Kính mong Sư Ông hoan hỷ chỉ giùm cho con hiểu biết được trên một sự việc, một hành động, một thái độ hay một trạng thái đâu là nhân, đâu là quả? Nhận biết được nhân quả rồi, con nên có thái độ và trạng thái như thế nào để điều chỉnh hành vi và nhận thức theo tùy duyên thuận pháp ạ?
Con đem hết lòng thành kính biết ơn Sư Ông ạ!
Mettatrieu
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thái độ nhận thức và thái độ hành động là nhân, trạng thái là quả. Ví dụ: Khi con hiểu lầm bạn mà nổi sân với bạn ấy thì hiểu lầm là thái độ nhận thức sai và nổi sân là hành động của ý không tốt, như vậy đó là nhân không đúng tốt. Sau đó hậu quả là con mất tình bạn và buồn khổ, như vậy do nhân không đúng tốt đưa đến quả là trạng thái hay tình trạng đau khổ.
Khi biết con đã có thái độ không đúng tốt và kết quả là trạng thái khổ đau thì đó chính là dịp để con điểu chỉnh thái độ nhận thức lại cho đúng, đồng thời điều chỉnh hành động thân khẩu ý cho tốt. Từ chỗ thấy ra sự sai xấu con điều chỉnh cho đúng tốt với sự thật trong thực tế gọi là điều chỉnh nhận thức và hành vi theo tùy duyên thuận pháp.
Ngày gửi: 10-09-2012
Câu hỏi:
Con kính đảnh lễ Thầy.<p>
Thưa Thầy cho phép con hỏi một việc liên quan đến một người bạn của con. Chị hiện nay đang sống ở nước ngoài nhưng vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ở Viêt Nam. Vì vậy một số tài khoản giao dịch ở Việt Nam đứng tên anh trai của chị ấy. Mới đây, người anh này đã liên tục lấy trộm tiền của chị này (từ tài khoản anh ta đứng tên hộ). Cuối cùng chị này buộc phải gài bẩy để công an bắt và nhốt tù anh trai mình. Chị ấy đang rất khổ tâm và không biết nên hành xử như thế nào cho thuận đạo lý. Theo chị giải thích thì việc chị phải đối xử với anh ruột như vậy vì người anh này luôn cho rằng hành vi lấy tiền của em là chính đáng vì anh ta đứng tên hộ tài khoản. Chị ấy muốn anh trai học ra được bài học và thừa nhận lỗi của mình.<p>
Con không biết nói gì với chị bạn con trong trường hợp này. Xin Thầy giúp con.<p>
Con thành kính biết ơn Thầy ạ.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thiện ác, đúng sai rất khó phân định trên bề mặt hiện tượng, chủ yếu là tùy thuộc vào tâm. Giống như chuyện Lưu Bình - Dương Lễ, quan trọng là người hành động cần biết rõ chủ tâm của mình trước và trong khi hành động. Tuy nhiên, ngoài chủ ý hành động của mỗi cá nhân còn có một bí ẩn trong sự vận hành của pháp qua sự biểu hiện nhân quả bất khả tư nghì nữa. Ví dụ người em bắt anh ở tù thì tùy thuộc vào tâm thiện hay bất thiện của người em (nhân hiện tại của người em), còn người anh bị ở tù lại là do nghiệp quả của anh ta gây nhân trong quá khứ (nghiệp quả của người anh). Hai việc này chỉ liên hệ về duyên còn nhân thì có khi không dính dáng với nhau nhiều lắm.
Ngày gửi: 15-07-2012
Câu hỏi:
Kính thưa thầy!<p>
Con vô cùng vui mừng khi được thầy chỉ dạy. Giờ đây con đã hiểu điều chỉnh thái độ của mình đối với sinh nghiêp mới là quan trọng. Nếu mình điều chỉnh thái độ theo hướng tích cực và hướng thiện thì không những mình có được cuộc sống ung dung tự tại mà còn tạo được nhân tốt cho quả tương lai. Nhưng con vẫn còn một băn khoăn xin được phép hỏi thầy. Con thường nghe nói: tính cách tạo nên số phận. Một người không chịu chấp nhận mà chống đối lại số phận, bỏ qua tất cả lời khuyên can của bạn bè và cuối cùng thu được toàn thất bại thì phải chăng đó cũng là số phận của họ? Trong trường hợp này con nên làm gì để giúp họ? <p>
Con xin cám ơn thầy đã lắng nghe! Kính chúc thầy sức khoẻ. Con mong thư của thầy!<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tính cách được hình thành từ thái độ, nói cách khác tính cách là thái độ đã được khẳng định hay đã tạo thành nếp, và vì vậy chính tính cách của một người tạo ra số phận người đó. Điều này vẫn đúng với nguyên lý nhân (thái độ) quá khứ tạo ra quả (trạng thái) hiện tại, và nhân hiện tại (tính cách hay thái độ) hình thành hậu quả (số phận) tương lai.
Nói cho dễ hiểu, tính cách hay thái độ của một người tạo ra đau khổ, hạnh phúc hay giải thoát cho bản thân người đó. Vậy hậu quả khổ đau giúp cho người ấy thấy ra nguyên nhân của nó và học ra bài học nhân quả để từ đó biết tự điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình. Không ai khuyên can tốt hơn là hậu quả của nghiệp. Chỉ những người đã trải nghiệm khổ đau mới biết mình đã sai lầm như thế nào. Phật cũng chỉ khai thì thôi còn Pháp mới là bài học quý giá để mỗi người thấy ra sự thật.
Ngày gửi: 14-07-2012
Câu hỏi:
Kính bạch thầy cho con hỏi:<p>
Đạo Phật ra đời để giải thoát hoàn toàn hay chỉ giải thoát được khổ tâm, còn khổ vật chất (đau khổ bệnh hoạn) không thể giải thoát được? <p>
Con cứ băn khoăn mãi câu hỏi này. Kính mong thầy hoan hỷ chỉ dạy.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thân thuộc về quả (vô nhân dị thục), còn tâm tạo tác mới là nhân. Nhân là thái độ (attitude), quả là trạng thái (state), thay đổi thái độ là chính còn trạng thái có thay đổi hay không thì còn tùy trường hợp. Ví dụ một người tham ăn nên bị rối loạn tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa là trạng thái, tham ăn là thái độ. Có thể uống thuốc để trị khỏi tình trạng rối loạn tiêu hóa nhưng nếu cứ tham ăn nên phải uống thuốc dài dài làm cho chức năng gan, thận v.v... yếu đi và sinh bệnh. Như vậy là chữa ngọn chứ không chữa gốc, và chữa bệnh này mắc bệnh khác. Nhưng nếu không tham ăn - biết tiết độ trong ăn uống - thì bệnh rối loạn tiêu hóa sẽ tự khỏi. Tuy nhiên trường hợp tham ăn quá lâu, bây giờ đã đưa đến tình trạng ung thư đường ruột, lúc đó dù hết tham ăn thì còn lâu mới lành được bệnh ung thư hoặc lắm khi phải mang bệnh suốt đời cho đến chết. Vậy con thấy nên giải thoát thái độ tâm hay chỉ lo giải thoát trạng thái thân?
Ngày gửi: 04-06-2012
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Xin Thầy hoan hỷ cho con hỏi điều này. Nếu như có một người nào làm việc gì đó xấu đối với mình, ví dụ như nói xấu, trộm cướp, đánh đập mình chẳng hạn, thì đó là nghiệp mình phải chịu vì một nhân xấu nào đó mình đã gieo trong quá khứ.
Nhưng người làm việc xấu đó với mình, họ có phải gieo nhân xấu nào cho tương lai của họ không? Họ có phải chịu nghiệp vì việc họ làm hay chăng? <p>
Kính xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi một người hại con thì người ấy chỉ là duyên báo để con có dịp trả quả, còn việc làm bất thiện của người đó lại là nhân xấu anh ta đang gieo và dĩ nhiên anh ta sẽ bị quả báo. Hai bên người gieo nhân người gặt quả có thể có liên quan nhân quả, có thể không. Ví dụ kiếp trước con gây hại cho A, kiếp này A hại lại con thì có liên hệ nhân quả trực tiếp với nhau, gọi là vay trả trả vay. Nhưng người hại một vị Alahán thì vị ấy không hại lại con mà con vẫn bị hại bởi nhiều duyên báo khác tương xứng với hành động bất thiện ấy.
Ngày gửi: 27-03-2012
Câu hỏi:
Bạch sư cho con hỏi!
Con có biết chút ít về "Nhân - Quả", theo con hiểu những nhân mình gieo ra (có thể là kiếp hiện tại hay kiếp trước…) là mình phải gặt hái quả do nhân mình tạo nên trong quá khứ. Điều đó có nghĩa là "Ai làm nấy chịu" (người nào gieo nhân nào thì chính người đó nhận quả mà do chính nhân họ gieo ra). <p>
Vậy Sư cho con hỏi, trong dân gian có những câu như:
"Con gái nhờ phước Cha, con trai nhờ phước Mẹ"
hay "Đời Cha ăn mặm đời con khác nước"
hay "Cha mẹ sinh con ra có người rất giống hệt như Cha hoặc Mẹ..." <p>
Bạch Sư giải đáp giúp con những điều trên có liên quan gì đến "Nhân - Quả" hay Chữ "Duyên" hay không?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nhân quả và duyên báo có ảnh hưởng tương tác với nhau rất phức tạp, khó lường được nên đó là một trong những pháp "bất khả tư nghì" nếu suy nghĩ về nó nhiều quá có thể đưa đến điên loạn.
Những câu nói trên cũng đúng ở một phương diện nào đó, nhưng sai ở một khía cạnh khác. Đúng là vì họ có mối quan hệ nhân duyên nghiệp báo với nhau nên họ cùng sinh ra trong một gia đình để chia sẻ hay ảnh hưởng qua lại với nhau. Nhưng sai vì nhân nào quả nấy chứ không ai thay thế ai được. Sở dĩ người ta nói như vậy vì chỉ thấy hiện tượng bề ngoài mà không thấy sự liên quan nhân quả bên trong. Ví dụ người cha gây thù người con bị đánh thì người cha đang gây nhân hiện tại mà quả thì trổ tương lai nên hiện giờ ông chưa chuốc oán, còn người con bị đánh không phải do nhân ông cha tạo mà là quả do nhân quá khứ của anh ta, hành động của ông cha chỉ là duyên cho người con trả quả của mình mà thôi.
Câu "con gái nhờ phước cha, con trai nhờ phước mẹ" không có ý nói về nhân quả nghiệp báo mà là nói về tâm lý con người. Trong tâm lý học cũng như trong phân tâm học hiện đại, cha thường thương con gái, mẹ thường thương con trai nên cha có gì cũng cho con gái, còn mẹ thì chìu chuộng con trai thế thôi. Câu này hoàn toàn không có ý nói cha làm lành thì con gái hưởng phước đâu.
Ngày gửi: 20-03-2012
Câu hỏi:
Kính thầy con xin hỏi, bạn bè làm ăn chung một thời gian, cuối cùng bị lừa đảo làm cho mất trắng. Người đi lừa thì đã xuống 3 tất đất, người bị lừa ở lại thì khổ. Bảo con đứng trước vong linh để tha thứ bỏ qua tất cả, con không làm được, như vậy là có quá ác không thưa thầy? Vậy là người chết vẫn còn mắc nợ, kiếp sau người ta đầu thai để trả nợ phải không thưa thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Ai biết được? Biết đâu có khi con mắc nợ người ta bây giờ người ta đòi xong đã đi rồi mà con vẫn còn nói tha thứ hay mong kiếp sau họ trả lại gì nữa? Trước sau cũng mất rồi con tiếc nuối hay oán hận thì chỉ tự hại mình thôi, có ích gì đâu? Biết đâu nếu con đủ bình tĩnh sáng suốt thì sẽ nhận ra mất cái này lại được thứ khác quý giá hơn thì sao? Nếu con cứ ôm mối hận trong lòng thì con đang ác với chính mình chứ có ác gì với ai được đâu? Nào con hãy cười lên một tràng thật to để tự chế nhạo sự khờ khạo của mình, rồi buông xuống hết đi, thế có phải khỏe hơn không?
Ngày gửi: 03-01-2012
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con có mối nghi ngờ về nhân quả, xin thầy từ bi giảng giải cho con.<p>
Đức Phật - Bậc Toàn Giác bị vu oan. Con không nghĩ đó là nhân của quá khứ. Mà nếu là nhân quá khứ thì công hạnh của Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác viên mãn vẫn phải bị nhân quả cho dù tâm Ngài thản nhiên với những lời nói vu oan đó hay sao? Hay là vì chúng sanh còn tham sân si sai sử nên mới hành động và nói năng vô minh như vậy, nhưng Ngài vẫn từ bi hỷ xả vô lượng, thương yêu chúng sanh?
Kính thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Không phải là công hạnh, người giác ngộ chẳng có công lao gì cả. Con coi lại chương 9 / Sống Trong Thực Tại đi. Giác ngộ là thấy ra những trói buộc của cái ta ảo tưởng và loại bỏ chúng đi để trở lại tự do thôi, còn khi trước do vô minh ái dục mà tạo nghiệp thì bây giờ phải trả, chứ thành Phật đâu phải để trốn nợ! Ví như một người ghiền ma túy bây giờ bỏ được là có thể tự do không còn hút chích trói buộc nữa, nhưng ảnh hưởng của ma túy đã hút chích trước đây đương nhiên vẫn còn tác hại.
Ngày gửi: 24-11-2011
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, với từ ngữ thì tật con hay quên. Thưa thầy, còn ý thì con tạm nhớ, chắc con chậm tinh tấn lắm. Con hay lo, kiếp này con tạo quá nhiều nghiệp, không biết quả thì con chịu nổi không? Kính mong thầy chỉ dạy, con cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Người tu sợ gieo nhân chứ không sợ gặt quả. Quả khổ giúp thức tỉnh chúng ta nhận thức được nhân bất thiện đã gieo, đồng thời vui lòng nhận quả khổ cũng chính là nhận lãnh trách nhiệm về nhận thức và hành vi của mình. Có sợ quả thì sợ lúc chưa làm còn đã làm rồi thì phải sẵn lòng nhận chịu kết quả để học ra bài học nhân quả nghiệp báo của mình.