Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 28-10-2021
Câu hỏi:
NAMO SAKYA MUNI BUDDHA!
Con xin chấp tay, cúi đầu đảnh lễ Thầy.
Dạ kính Thầy, hôm nay, con tiếp tục thấy ra sự vi diệu trong quá trình tu tập, và con có bài viết chia sẻ.
Con đến với Phật cũng chỉ vì: "Nhân vô hoạn nạn bất hồi đầu". Lúc đó, con chưa biết học giáo lý, quy y, tụng kinh, niệm Phật; con chỉ biết hai từ mà đạo Phật dùng nhiều nhất đó chính là "Nhân Quả", và cũng nhờ hai từ này mà Tâm con mở ra từ từ, cho đến hiện tại.
Hôm nay, con viết bài chia sẻ, vì con thấy ra năng lượng hấp dẫn từ Tâm (Nhân) và Pháp vận hành (Quả). Năng lượng hấp dẫn này được hiểu như: Ngưu tầm Ngưu, Mã tầm Mã, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.
Con thấy ra Nghiệp là một quá trình Nhân Quả, luôn tồn tại:
- Đối với bậc Thánh, thì là thuần năng lượng thiện từ Tâm, nên hấp dẫn năng lương thiện từ Pháp.
- Đối với bậc phàm phu, chúng sinh tụi con, thì vừa có năng lượng thiện vừa có năng lượng bất thiện từ Tâm, nên hấp dẫn năng lượng thiện và bất thiện từ Pháp.
Con xin phép lấy câu chuyện 3 vị tỳ-kheo trong Tăng đoàn của Phật, mặc dù quy y Phật rồi, hiểu hết giáo lý Phật nhưng Nghiệp vẫn phải trả vì năng lượng Tâm bất thiện vẫn còn tồn tại và vẫn hấp dẫn năng lượng Pháp vận hành đến với bản thân:
1. Thầy Angulimala mặt dù đã bỏ đao quy y Phật, bên cạnh được người đời khen ngợi, tôn kính nhưng vẫn còn những người mối thù giết người thân năm xưa, nên khi Thầy đi khất thực bị người ta ném đá, lấy gậy đánh đến toang đầu, chảy máu.
2. Thầy tỳ-kheo bị bệnh lở loét, hôi hám, lúc đầu còn có người chăm sóc nhưng về sau mọi người xa lánh, ngao ngán, phải ở xa Tịnh xá, may mắn lành thay được Phật tắm rửa và khai thị.
3. Thầy Mục Kiền Liên, dù là thần thông đệ nhất nhưng vẫn bị ngoại đạo giết hại, phanh thây vì phải trả nghiệp báo năm xưa mà ngài đã làm đối với phụ mẫu mình.
Ngay đây con thấy ra, năng lượng thiện và bất thiện luôn tồn tại trong A-lại-da thức, không mất đi đâu cả, chỉ là năng lượng nào nhiều thì trổ quả nhanh thôi, và điều này lý giải cho câu hỏi tại sao tôi sống hiền thiện mà gặp nhiều bất hạnh còn những kẻ ác sao vẫn nhởn nhơ?
Ông bà ta có câu: "Đức năng thắng số", thật ra khuyên chúng ta nên làm nhiều việc đức để có nhiều năng lượng thiện, để khi năng lượng bất thiện có đến thì năng lượng thiện cũng nhiều đủ để hóa giải. Như lời Phật dạy:
Không làm mọi điều ác
Nên làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Chính lời chư Phật dạy
NAMO BUDDHAYA!
Ngày gửi: 04-10-2021
Câu hỏi:
Con kính bạch trên Sư Ông,
Qua một câu trả lời ở dưới đây của Sư Ông về mọi vật do nhân-duyên hay do tâm thức tạo ra, con tạm hiểu là: các pháp hữu vi đều do duyên hợp thành, và có bản chất biến đổi, bất toại nguyện, không thuộc sự kiểm soát của "ta". Chỉ do tư kiến, tư dục mà hiện thực của mọi sự mọi vật bị bóp méo theo cái nhìn chủ quan của mỗi người; những góc nhìn ấy đều có phần thiên lệch, không nói lên toàn diện sự thật và có thể rất khác biệt nhau. Như vậy, về mặt tâm lý, nếu ứng dụng "sự tạo tác của tâm thức" ở một mức độ nào đó thì có thể đem đến lợi ích nhất định cho mỗi cá nhân, ví như một người có cái nhìn quá bi quan so với thực tiễn thì nên lạc quan hơn, ngược lại người quá lạc quan thì nên thận trọng hơn... Và hình như điều đó có thể đánh thức những "tiềm năng nội tại" nào đó dẫn đến những thành công cần thiết ở một giai đoạn của cuộc sống. Tuy nhiên, nếu một người quá dính mắc vào "tạo tác chủ quan" ấy của tâm thức thì trong cuộc sống, người này sẽ phải chịu nhân-quả tương quan với sự phiến diện, xa rời sự thật của mình (ví dụ suy nghĩ tích cực quá đâm ra chủ quan hoặc tiêu cực quá đâm ra nghi kỵ - những điều này có thể kéo thành công ban đầu xuống thất bại hoặc khổ đau về sau). Thưa Sư Ông, phải chăng đây là mặt lợi-hại của thuyết "mọi sự do tâm tạo" khi đối chiếu với sự thật ạ?
Con nguyện cầu Chư Thiên gia hộ Sư Ông được mạnh khỏe và bình an!
Ngày gửi: 20-08-2021
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy! Con có thể hiểu về Nghiệp một cách đơn giản như thế này được không ạ. Nghiệp sẽ tạo ra những sóng xung động thúc đẩy ta hành động ví dụ như không cẩn thận đun nấu để gây hoả hoạn, đột ngột băng qua đường bị xe đụng, ăn uống không thận trọng bị nhiễm bệnh... hoặc theo chiều ngược lại như đột nhiên rời khỏi một nơi mà khoảnh khắc sau sẽ có nguy hiểm, xuất hiện đúng lúc có người hoặc vật cần giúp đỡ, tìm đúng thầy hay bạn tốt... Như vậy nếu thường xuyên sống Chánh niệm tỉnh giác, thận trọng chú tâm thì sẽ nhiều khả năng vô hiệu nghiệp xấu và tăng trưởng sự tác động của nghiệp thiện phải không ạ? Con xin Thầy chỉ dậy. Con cám ơn Thầy
Ngày gửi: 17-08-2021
Câu hỏi:
Con xin chào thầy!
Thầy cho con xin hỏi vì sao lại tạo ra sinh mệnh? Rồi mỗi sinh mệnh sống để sáng tạo và tạo ra nghiệp rồi trả nghiệp? Sau đó quay vào bên trong để tu để nhận ra chính mình. Vậy mục đích của sự sống để làm gì ạ?
Chúng sinh cứ phải vật vã hết kiếp này đến kiếp khác giống như con lắc không biết khi nào dừng lại.
Con xin cuối đầu cảm ơn thầy.
Ngày gửi: 07-07-2021
Câu hỏi:
TÙY DUYÊN THUẬN PHÁP HAY TẠO DUYÊN THUẬN NGÃ?
Kính thưa Sư Ông, dịch Codvid làm doanh nghiệp, gia đình con và gia đình các nhân viên của con rất khó khăn, nhưng con ngẫm:
Một loài khi phát triển số lượng đến một mức nào đó, sẽ tự sinh ra những cơ chế để cân bằng số lượng lại (tự tiêu diệt nhau hay có những căn bệnh mới). Dịch bệnh là một chu kì của luật tự nhiên để giải quyết nạn nhân mãn của loài người. Trong lịch sử, dịch thường xảy ra theo đúng chu kì. Tuy nhiên loài Homo sapiens với trí thông minh của mình, đã biết tác động đến tiến trình này đáng kể, bằng cách tìm hiểu rõ cơ chế vận hành của nó để có các thuốc chữa, vaccine ngừa, điều chỉnh hành vi của mình để ít bị thiệt hại sinh mệnh nhất.
Nhưng, loài Homo sapiens, vốn quen tự tiêu diệt nhau từ lúc có nền văn minh, đã nhìn mọi thứ luôn theo góc độ chiến tranh, ta và địch, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, họ thấy con virus này cũng là kẻ thù. Con virus không phải là kẻ thù.
Hàng ngày chúng ta cứ nghe: chống dịch, chống giặc, tiêu diệt, chiến thắng Covid, gia đình là pháo đài,... ngày xưa là chống lụt bão giờ đến chống dịch.
Nhưng cái con virus nhỏ bé, thậm chí còn chưa phải là một loài sinh vật: không có cấu tạo tế bào, không có khả năng tự sinh sản, không có quá trình trao đổi chất,… thì lại ngày càng “thông minh” với những biến thể.
Và giờ… tới lúc phải chấp nhận rằng, nó xuất hiện là có lí do “rất chính xác của Pháp” để điều chỉnh điều gì đó, không bao giờ “diệt” hết hoàn toàn virus mà phải thuận theo nó, phải sống chung với nó, Homo sapiens phải điều chỉnh hành vi của chính loài mình thôi. Và loài người cũng chỉ thấy mặt hại của nạn Covid mà không nhìn mặt tích cực của nó đem lại, có khi sau này 100 trăm sau con cháu chúng ta lại... cảm ơn đợt Covid này!
Ngày gửi: 05-07-2021
Câu hỏi:
Bạch Thầy,
Con đang thực tập chánh niệm trong các hoạt động hàng ngày ngay khi thức dậy bao gồm trên thân, khẩu, ý. Tuy nhiên, trên thân và tâm ý thì có phần con duy trì được nhưng phần khẩu con thấy là khó nhất Thầy ạ. Cái miệng nó phản ứng nhanh đôi khi hơn cả ý, như thói quen được lập trình, ngay tình huống nó phát. Nhiều lúc nói lời không nên, đặc biệt trong lúc sân nó còn nói thần tốc hơn chưa kịp nghĩ gì. Có lúc con nghĩ có nên huân tập thói quen thở vài nhịp hoặc đếm 1,2,3 trước khi nói hay không? Như vậy, có bất thường không Thầy? Con mong Thầy chỉ bảo cho con. Con xin đảnh lễ Thầy!
Con chúc Thầy và Quý chư tăng luôn khỏe mạnh và an lạc! Con cảm ơn Thầy.
Ngày gửi: 04-07-2021
Câu hỏi:
Con kính đảnh lễ thầy ạ!
Thưa thầy, khi con có những cái thấy mơ hồ, con viết trình thầy, thầy nói con thấy ra vậy tốt lắm. Con có nhiều hạn chế trong ngôn ngữ và kiến thức giáo lý nên có lúc con băn khoăn với cái thấy, cảm nhận của mình. Câu trả lời của thầy khiến con an tâm hơn. Con biết ơn thầy rất nhiều ạ.
Lần trước con có trình thầy về cái ta, về việc con không muốn tạo thêm nghiệp, hôm nay con cảm nhận có vẻ rõ hơn. Con trình thầy, xin thầy từ bi chỉ ra những điều chưa đúng cho con ạ.
Nghiệp do cái ta tạo tác, là những ý nghĩ, lời nói, hành động do dụng ý chủ quan tạo nên, thiện hoặc bất thiện. Cái ta do bản ngã mà có. Bản ngã do thói quen, thất niệm, thiếu tỉnh thức mà có.
Còn tạo nghiệp thì còn luân hồi sinh tử, muốn hết luân hồi sinh tử thì phải không còn tạo nghiệp. Không tạo nghiệp phải không còn cái ta, tức là không còn bản ngã. Muốn không còn bản ngã thì phải nhìn mọi thứ như thực ko có cái ta chủ quan, muốn vậy phải chánh niệm tỉnh giác từng sát-na.
Thưa thầy, vậy chung quy lại con đường dẫn đến giải thoát là thấy như thực, là chánh niệm tỉnh giác ngay tại đây và bây giờ. Cứ nghiêm túc hành như vậy, tin tưởng như vậy là tinh tấn rồi phải không ạ?
Con kính xin thầy chỉ dạy cho con, con cảm ơn thầy ạ!
Ngày gửi: 26-06-2021
Câu hỏi:
Bạch thầy,
Con xin có câu hỏi:
Trong quyển VỊ THÁNH TĂNG CẬN ĐẠI của Tỳ Khưu Giới Đức có đoạn Đại đức Ajahn Mun thuyết giảng: "Nghiệp là tất cả những ý nghĩ, lời nói, hành động. Kết quả thật của nghiệp là tình trạng sướng khổ mà mỗi chúng sanh trên thế giới đang kinh nghiệm. Ngay cả những kẻ sống mà không tin nhân quả, cái không tin đó cũng là quả của nghiệp ác thời trước đã tạo." Con hiểu điều này là không có chúng sanh ngu hay chúng sanh khôn, chúng sanh xấu ác hay chúng sanh thiện. Tất cả đều đồng nhau. Cái ngu, cái khôn... là quả do nghiệp bất thiện hay thiện lúc trước đã tạo. Ngoài ra, đời này có thể họ ngu do nghiệp bất thiện chín mùi hiện quả, nhưng đời sau có thể họ khôn do quả của nghiệp thiện đủ duyên. Con hiểu vậy có đúng không ạ? Mong Thầy khai thị.
Con xin cảm ơn và thành kính đảnh lễ Thầy từ xa. Con chúc Thầy thật nhiều sức khỏe.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!
Ngày gửi: 17-06-2021
Câu hỏi:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính bạch thầy: Trong một số kinh sách và Đức Phật có dạy là không có linh hồn vĩnh cữu, chỉ có nghiệp thiện hay bất thiện dẫn ta đi tái sinh. Khi ta mất, nếu ta khởi lên tâm thiện hay bất thiện thì tâm đó sẽ dẫn ta đi tái sinh liền vào cõi thiện hay bất thiện. Vậy nếu một người dù có chứng các tầng thiền đi nữa thì họ cũng chỉ sống trong các cõi tưởng một thời gian nào đó rồi cũng phải tái sinh theo nghiệp của mình phải không ạ?
Kính mong thầy từ bi chỉ dạy cho con hiểu thêm ạ!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Ngày gửi: 13-06-2021
Câu hỏi:
Thưa Thầy!
Con có một số điều chưa hiểu, con mong được Thầy giải thích giúp con.
1. Ví dụ: nếu một người vợ bị chồng đối xử không tốt, cô ấy nên chia tay anh ta (sau nhiều cố gắng hàn gắn, xây dựng mối quan hệ) hay cứ nên ở trong mối quan hệ ấy với suy nghĩ đây là nghiệp xấu, do mình gây ra trong quá khứ, là món nợ mình cần trả ở kiếp này. Cứ chấp nhận điều đó diễn ra, không kháng cự.
2. Thưa Thầy, không hiểu tại sao khi vào Chùa một mình, con cảm thấy sợ. Con sợ không khí tịch mịch, trầm mặc ở đó. Có phải do trong con, phần âm nhiều không ạ? (mặc dù bình thường con là người sống hướng nội, thích sự yên tĩnh)
3. Bạn con bảo rằng: khi nghĩ đến Đức Phật, bạn ấy trào dâng tình cảm thiêng liêng. Con không có cảm xúc này và trải nghiệm này dù khi lắng nghe, khi nhìn thấy những bậc Chân Tu (còn tại thế), lòng con đầy sự trân quý, kính trọng. Thầy ơi, có phải tại Đức Phật cách xa con quá về thời gian nên con thấy Người xa xôi hay tại con chưa đủ duyên phước để có sự kết nối với Người về mặt cảm xúc?
Con xin cảm ơn Thầy. Con kính chúc Thầy thật nhiều sức khỏe!