Kết quả Tìm Kiếm: Có 231 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'nghiệp, sinh mệnh & định mệnh'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Kính đảnh lễ Đức Thế Tôn Bậc Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Con kính đảnh lễ chư Tăng. Cho con xin được hỏi là: Thời này là thời mạt pháp, con xem thấy mấy vụ TQ ăn thịt người(trẻ con, đàn bà) thấy ghê quá! Con muốn hỏi những người đó do nhân gì mà làm những chuyện hồ đồ ấy? Con không biết câu hỏi của con có ngu ngơ quá không nhưng kính mong thầy làm sáng tỏ cho con được hiểu. Kính tri ân quý sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Loài người là loài phức tạp nhất. Người có thể là Phật, có thể là Thánh, có thể là Bồ-tát, hoặc là chư thiên, súc sinh, A-tu-la, Ngạ quỷ, v.v... Tùy theo phẩm chất đời sống của mỗi người mà chúng ta có thể biết người đó là Bồ-tát hay ác quỷ... Phẩm chất của mỗi người do nghiệp nhân người ấy tạo ra. Và tùy độ tham sân si nhiều ít mà người ấy tạo nghiệp ác nặng hay nhẹ. Nghiêp thiện cũng vậy. Người ăn thịt người tức làm người nhưng có phẩm chất hạnh nghiệp của một Quỷ Dạ-xoa.
Câu hỏi:
Con thành kính đảnh lễ Ngài HT Viên Minh tam bái và kính gởi đến Ngài lời cầu chúc sức khỏe. Có những việc con chưa được liễu thông, thành tâm cung thỉnh tôn ý và lời chỉ giáo của Ngài. Kính bạch Ngài, theo con thấy những gì mình đang có trong tay hoặc không có, đều là do nghiệp lực của quá khứ mà đủ nhân đủ duyên sẽ trổ ra quả, theo luật nhân quả con hiểu là vậy. Và con hiểu rằng lý nhân quả không thể nghĩ bàn được. Nhưng thời nay có rất nhiều tín ngưỡng nơi thần, thánh, tiên, Phật, Tổ sư, v.v... Người ta thờ phượng các vị đó để mong cầu được cái nầy cái kia. Nếu sự việc xảy ra như mình mong đợi thì cho là linh thiên linh ứng. Còn nếu ngược lại thì cho là chưa thành tâm thành ý hoặc đã tu sai! Niệm Phật cũng vậy, chỉ là mong cầu đến sự tiếp độ vãn sanh thế giới cực lạc hoặc mong cầu việc nầy việc kia,v.v... Như vậy thờ phượng vái lạy với cái tâm mong cầu có đúng không, có được các vị ấy giúp đỡ không? Các vị Bồ-tát thường có hạnh nguyện phổ độ chúng sanh, các vị ấy có thực chăng? Theo con thấy, Phật hay Bồ-tát cũng do cái tâm của mình. Luôn giữ chánh niệm tỉnh giác, có sự sáng suốt hay biết một cách chính xác không lầm tức là có Phật hay Bồ-tát ở trong tâm mình, có sự tôn kính chứ không phải sự mê tín. Nều sự suy xét của con có gì sai thành tâm mong Ngài từ bi chỉ dạy cho con được liễu tri am tường. Cầu chúc Ngài luôn thân tâm thường lạc.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Một cách tổng quát những điều con hiểu về nhân quả nghiệp báo, về niềm tin quần chúng, về niệm Phật, về quan niệm Bồ-tát đều là nhận thức đúng. Hiểu biết đúng về nhân quả nghiệp báo để học ra từ đó bài học về chính mình và bản chất cuộc sống là một bước tiến khá xa trên đường giác ngộ. Nếu đã thấy biết đúng như vậy thì người ta sẽ không quá ỷ lại vào Phật Trời, Thần Thánh hay chư Bồ-tát nữa, mà chính yếu là phải biết tự mình chuyển hóa nghiệp chướng của mình. Niệm Phật mục đích để tâm được nhất niệm thanh tịnh, chứ không phải để cầu xin Phật Trời phù hộ hay rước về cõi Phật. Bồ-tát là người lấy trí tuệ làm sự nghiệp, mà trí tuệ luôn thấy rõ mọi nhân duyên sinh khởi để không bị mê lầm chìm đắm nên gọi là "cứu độ chúng sinh", thực ra mỗi người là vị Bồ-tát duy nhất cứu độ "chúng sinh" nhân duyên sinh khởi nơi chính mình. Luôn chánh niệm tỉnh giác chính là hành động "cứu độ" của tự thân Bồ-tát. Chúc mừng con đang tiếp cận với sự thât.
Câu hỏi:
Toi sanh nam 1965, da co vo va hai con. Luc truoc toi va vo lam nghe ban quan an, quan oc hai san. Vi toi so phai dan sau vao con duong tao nghiep sat sanh nen toi chuyen nghe khac lam an. Luc dau gap nhieu kho khan nen vo chong toi cai va nhau, nhung sau nho di chua nghe bang dia va cac thay giang nen vo chong toi an chay truong va tung kinh, tung Chu Dai Bi de mong cau giam bot phan nao nghiep toi ma minh da tao cua kiep nay va nhieu kiep khac nua. Nhung cang tu, cang an chay, tung kinh niem Phat, tri chu, cuoc song toi cang be tac. Tu khi vo chong toi quy y Tam bao, chung toi cang gap nhieu kho khan hon. Luc do toi cu nghi day la thu thach của chu Thien, Bo-tat xem minh co the vuoc qua duoc khong cho nen toi van giu vung niem tin. Nhung ve sau ngay cang be tac hon. Nhieu lan toi dinh chet di de chay tron hien tai, lai so rang nghiep no theo toi den kiep sau, no se lam cho toi cang kho nua! Nhung lam sau toi tra noi o kiep nay? Co nguoi chuoi toi, an chay de loi dung luong gat! Toi thay toi nghiep cho nguoi ta, so nguoi ta mang toi, vi that ra toi khong luong gat ai het. Toi an chay de cau xin long tu bi cua chu Phat, Bo-tat hoan hi ma gia ho cho cuoc song cung nhu su lam an chan chinh cua toi duoc suon se. chi mong kiem hai bua com dam bac qua ngay. Nhung hinh nhu tu nhieu kiep lau xa toi da tao qua nhieu ac nghiep cho nen kiep nay toi cau xin khong duoc hay la toi da tu sai...? Hien gio, ngay bay gio, neu khong duoc chu Phat, Bo-tat gia ho cho, thi chac la vai ngay nua toi phai tim den cai chet! Chi co chet moi giup toi vuot qua duoc hoan canh hien tai. Nguoi ta cu chuoi rua dem pha chung toi! Sau cung toi mong chu vi thuong tinh cho toi biet cach nao sam hoi nhanh nhat, hieu qua nhat de toi ap dung lien. Chan thanh cam on nhieu. Nam-mo Hoan Hy Tang Bo-tat Ma-ha-tat.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vì tôi bận đi dự lễ VESAK Liên Hiệp Quốc tại Thailand nên không thể trả lời câu hỏi của đạo hữu ngay một cách đầy đủ như đạo hữu mong muốn. Xin Đạo hữu vui lòng xem trả lời một câu hỏi tương tự ngày 20 tháng 04 vừa qua. Thực ra không có Phật, Trời, Bồ Tát nào có quyền xá tội hay ban phước cho chúng ta cả. Các Ngài không xem thường chúng sanh đến thế đâu. Lòng từ bi của các Ngài là muốn chúng ta biết nhận thức và chịu trách nhiệm về hành động của mình qua nhân quả nghiệp báo để học ra bài học giác ngộ và nhờ đó biết cách tự chuyển hóa chính mình. Trong câu trả lời ngày 20 nói trên tôi có gợi ý một số biện pháp để tự mình chuyển nghiệp, hy vọng đạo hữu nhận ra phương hướng hành động của mình.
Câu hỏi:
Thưa quý thầy cho con hỏi: con có nhiều tội tỗi, nghiệp chướng. Con muốn nghiệp chướng, tội lỗi tiêu trừ, ngoài viêc bố thí cúng dường, còn có cách nào nào để giúp mình tiêu trừ nghiệp chướng nữa không? Xin quý thầy dạy cho con. Nam-mô A-di-đà Phật.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có thể hóa giải nghiệp chướng bằng những cách sau đây:
- Thành tâm xin lỗi và đền bù xứng đáng cho đối tượng mà (nếu như) mình đã xúc phạm, làm tổn thương hay gây thiệt hại cho họ.
- Tự mình tình nguyện ăn năn sám hối và chừa cải lỗi lầm mà mình đã sai phạm, ngăn ngừa không cho tái phạm nữa.
- Làm những việc cụ thể để đối trị những nghiệp chướng cũ. Ví dụ như nếu đã sát sinh thì nên phóng sinh, nếu trộm cắp thì nên bố thí, nếu ngã mạn thì nên khiêm cung, lễ bái, v.v...
- Sẵn sàng kham nhẫn nhận chịu hậu quả những nghiệp chướng mà mình đã tạo, không tự dày vò than thở, cũng không oán trách bất kỳ ai khác.
Câu hỏi:
Con kính đảnh lễ Tam Bảo. Con kính vấn an sức khoẻ Ngài viện chủ Tổ Đình Bửu Long cùng chư Tôn Đức Tăng và quí Cô Tu nữ. Bạch Ngài cho con hỏi, do nghiệp quả gì mà khiến con người đầu thai làm người kỳ dị chẳng hạn như là 2 đầu 3 tai 4 chân hoặc là thân người nhưng tay chân thì là cây lá hoặc nửa người nửa rắn? Câu hỏi số 2 của con là sao lại có người khác dòng họ nhưng lại có những đặc tính giống nhau, và khi người kia bệnh thì người nọ cùng bệnh, người kia xảy ra chuyện không vui thì người nầy cũng gặp những chuyện như vậy và đây không phải là lần đầu tiên hay ngẫu nhiên mà từ thưở ấu thơ đến trưởng thành và nay đã trải qua mấy mươi năm vẫn còn như vậy, thì do bởi nhân duyên gì, cúi mong Su từ bi chỉ dạy. Cầu chúc Sư luôn thân tâm thường lạc.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Cách vận hành của nhân quả nghiệp báo là một trong những điều mà Đức Phật dạy là không thể nghĩ bàn (aciñteyya). Vì vậy con không nên tìm hiểu những trường hợp như vậy, cho dù có giải thích thì cũng chỉ là suy luận của lý trí hay tưởng tượng mà thôi, không ích gì cho việc tu tập giác ngộ giải thoát. Hiểu nghiệp tốt nhất là thấy ra thiện ác xấu tốt trong hành động, nói năng, suy nghĩ của mình và chịu trách nhiệm về tính chất của những hành vi đó. Tránh những tà kiến như: tất cả đều do trời thần hay định mệnh sắp đặt, mọi chuyện xảy ra đều ngẫu nhiên, hoặc không có thiện ác, nhân quả v.v... Tà kiến như vậy dễ đưa đến hành động vô trách nhiệm và thiếu đạo đức.
2) Thầy không biết chuyện hai người có đời sống trùng hợp nhau như vậy là sự kiện thật mà con chứng kiến hay đó chỉ là chuyện giả tưởng. Giả sử đó là chuyện có thật thì có thể là do cộng nghiệp, nghĩa là hai người này trong quá khứ đã từng hợp tác với nhau trong một số nghiệp nhân nào đó.
Câu hỏi:
Nam-mô A-di-đà Phật. Con có câu hỏi muốn bạch thầy. Trong một cộng đồng, người hiền cũng nhiều mà ác cũng nhiều. Có rất nhiều người luôn làm những việc lành để giúp đỡ mọi người. Nhưng cũng có những người lại làm những việc ngược lại, hại người hại mình. Có phải vì vậy mà họ phải chịu chung hậu quả hay không? Kính mong thầy có thể giải đáp cho con được rõ. Con cám ơn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nghiệp là một trong những điều mà đức Phật dạy là không thể nghĩ bàn (acinteyya). Muốn thấu hiểu về nghiệp con chỉ nên quan sát, chiêm nghiệm bằng trực quan để thấy ngay trên bản chất và hiện tượng của từng sự kiện cụ thể, chứ không nên dùng lý trí để tìm hiểu, phê phán, kết luận. Nghiệp nào chung thì có kết quả chung, nghiệp nào riêng thì trả quả riêng, trong chung cũng có riêng tùy theo mức độ tạo tác của mỗi chúng sanh. Vì vậy, không nên gộp chung thành một cộng đồng nào. Hãy tập quan sát, chiêm nghiệm nghiệp nhân nghiệp quả của mình trước rồi tự nhiên sẽ thấy ra nghiệp người khác và nghiêp chung của một tập thể hay cộng đồng. Nghiệp là chân lý nòng cốt và độc đáo của Phật giáo, mong con chiêm nghiệm để thấy ra sự thật chứ không nên chỉ tin theo lý thuyết hay tự tưởng tượng theo ý mình.
Câu hỏi:
Xin hỏi trong Phật pháp, câu: "Ở hiền gặp lành" có hay không? Cám ơn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
"Ở hiền gặp lành" là câu nói nhân gian của người Việt Nam, nhưng cũng là hệ luận của luật nhân quả nghiệp báo trong Phật Pháp. Cái gì là chân lý đưa đến giác ngộ giải thoát đều là Phật Pháp, không nhất thiết điều đó Đức Phật có nói hay không. Tốt nhất bạn nên chiêm nghiệm cho thấu đáo rồi hãy tin, đừng vội tin chỉ vì câu nói đó do đức Phật hay vị đạo sư nào đó đã thuyết. Một câu nói không quan trọng mà sự chứng nghiệm của bạn trên sự thật mới thực sự giúp bạn giác ngộ. Một câu nói dù hay dù đúng vẫn vô nghĩa với người không tự mình thể nghiệm, giống như cái vá trong nồi canh không tự biết được canh ngon hay dở, phải không bạn?
Câu hỏi:
Kính Thầy! Như con biết thì theo quan điểm Đạo Phật con người sống là đang tạo nghiệp và thọ quả ở kiếp này hoặc vị lai. Thường nghe dân gian có câu rằng: "Đời cha ăn mặn đời con khát nước" có phải chăng đời cha tạo nhiều nghiệp ác thì con cái phải chịu quả thay cha không? Như vậy nếu trong gia đình Ba Mẹ hay anh em người thân mà tạo nghiệp không tốt thì liệu bản thân người trong gia đình đó có phải thọ quả mà không phải do chính mình tạo ra không và phải chăng mình có thể làm nhiều việc thiện để chuyển được nghiệp cho Cha Mẹ? Xin thầy giải thích dùm con! Thưa Thầy xin Thầy cho con hỏi thêm nếu Ba con hay người thân của con mà đang tạo nghiệp không tốt thì liệu có cách nào con giúp Ba con chuyển được nghiệp đó mà không phải do bản thân Ba làm, con muốn làm thay Ba thì được không? Con có nghe tích Đức Đại Hiếu Mộc Kiền Liên giúp Mẹ liệu chuyện đó có thể áp dụng ngày nay được không? Là người con nếu nhìn thấy Ba mình đang tạo nghiệp không tốt cho bản thân lại không thể khuyên được vì phận làm con. Nếu cứ đứng nhìn thì con mắc phải tội lỗi lớn nhất đời người rồi. Xin thầy xem có cách nào giúp con để con làm bổn phận người con được không? Con xin cảm ơn thầy nhiều! Chúc Thầy an lạc!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Theo luật nhân quả nghiệp báo thì nghiệp ai làm nấy chịu chứ không ai có thể chịu thay được. Cha làm con không thể chịu, nhưng có ảnh hưởng đến con rất nhiều. Người cha hiền đức, thì con cũng học được nhiều đức tính tốt của cha; ngược lại, cha ăn trộm con cũng bị nhiễm thói hư lấy cắp. Nhưng điều này cũng không thể khẳng định, vì có nhiều nhà cha làm thầy con đốt sách, hoặc cha tham lam, ích kỷ con lại rất rộng lượng, vị tha.
Muốn chuyển nghiệp cho cha thì con không thể gánh giúp hay làm việc phước thiện thay cho cha được. Tuy nhiên nếu con ăn hiền ở lành, sống gương mẫu đạo đức, từ thiện vị tha... làm cho cha hoan hỷ theo thì người cha cũng được cộng hưởng phần nào. Người xưa có câu "Phụ mẫu hữu quá gián nhi bất nghịch", vì vậy, người con nên khéo léo khuyên lơn cha để cha hồi tâm chuyển ý, không nên oán ghét, khinh khi, hay chỉ trích làm cho cha thêm mặc cảm hoặc tự ái. Nếu đã làm hết lòng mà cha vẫn không chuyển được thì người con không phải là bất hiếu.
Câu hỏi:
Co mot con be 13 tuoi song mot minh voi mot nguoi cha tu nho. No da giet cha no vi cha no ham hiep no tu khi no moi bay tuoi den nay, nhu vay no co pham toi ngu nghich khong? Mot nguoi cha doc ac nhu vay thi co phai la cha khong?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giết cha thì vẫn phạm tội ngũ nghịch. Người cha làm điều tội lỗi như vậy là đáng trừng phạt, nhưng ông vẫn là cha. Có thể tâm thần ông ta không ổn hay vì một bệnh hoạn đáng thương nào đó mới làm như vậy, một người bình thường không thể làm được chuyện này. Nếu giết cha vì bị dồn vào đường cùng phải tự vệ, hay không cố ý, thì tội nhẹ hơn. Nhưng nếu giết cha vì hận thù, hay rửa nhục thì đối với pháp luật vẫn là tội nặng, huống chi tội ngũ nghịch. Bởi vì người con còn có thể có nhiều biện pháp ứng phó, chẳng hạn như nhờ người khác hay pháp luật can thiệp. Em bé đó thật đáng thương, nhưng dù sao vẫn không nên tán đồng hay khuyến khích một hành động dại khờ như vậy.
Câu hỏi:
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính thưa chư Tăng, chư Tu nữ, hôm nay con xiin mạo muội thỉnh giáo các bậc tiền bối một câu hỏi mà con đã thắc mắc rất lâu, từ khi mới học thiền tới giờ. Chuyện là thế này, con vốn có duyên với Phật pháp nên trên con đường đạo, con gặp rất nhiều thuận lợi, chỉ cần nảy ra ý muốn học cái này, cái kia, thì liền có thiện tri thức dẫn lối. Lúc vừa làm quen với thiền thì liền tìm được minh sư dạy Tứ niệm xứ. Nhưng trong cuộc sống thì con rất là vất vả, con thấy hiện tại mình cũng không đến nỗi keo kiệt, rất thích làm phước, cũng chịu khó giữ giới. Không hiểu kiếp trước con làm gì mà bây giờ lại khổ tận mạng như thế, đến nỗi phải vét cơm nguội của người ta mà ăn, có ngày phải nhịn đói. May mà con biết chánh niệm, chứ nếu không chắc cũng tự tử từ lâu rồi. Con biết là phải tu thiền quán thì mới giải thoát, nhưng con luôn muốn tu thiền chỉ, có một ít thần thông đủ xài, rồi vào rừng độc tu thiền quán luôn. Con rất thích đi tu, đặc biệt là độc tu trong rừng. Nhưng ba mẹ con còn khỏe mạnh, lại không hiểu Đạo, con mà ra đi thì sẽ gây ra rất nhiều phiền não. Phật cũng đã dạy: cha mẹ là bậc Phạm Thiên mà con cái phải tôn kính, cúng dường. Nếu con quyết chí dứt áo ra đi, mà chưa báo hiếu được gì, thì sẽ mang nghiệp vào thân. Lại nữa, ba của con nếu tâm không hoan hỉ với việc xuất gia, sanh tâm chê bai, lại mắc phải trọng nghiệp, như thế là con đã không tròn chữ hiếu rồi. Bây giờ con thật rất khó xử, xin Sư đại từ đại bi giúp con giải tỏa thắc mắc này. Nam mô bổn sư thích ca mâu ni phật!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vì đang bận công việc xây tháp nên thầy trả lời hơi trể, mong con thông cảm cho.
1) Tất nhiên nếu con tin vào nghiệp thì cái gì con đang gánh chịu chính là nghiệp quả phát xuất từ một nghiệp nhân nào đó trong quá khứ. Tuy nhiên, nghiệp không phải chỉ đơn thuần là gieo nhân gặt quả một cách máy móc, nghiệp còn mang tính giáo dục và tôi luyện rất cao. Một người đã từng tạo nghiệp sai lầm nay gặt hái quả khổ, đó là luật nhân quả thuần túy. Nhưng thái độ phản ứng đối với quả khổ ấy thì còn tùy trình độ nhận thức của mỗi người. Có câu danh ngôn nói rằng: "Cảnh khổ là nấc thang cho bậc anh tài, là kho tàng cho người khôn khéo và là vực thẳm cho những kẻ yếu đuối". Đó chính là ý nghĩa giáo dục và tôi luyện của nghiệp đặc biệt là phương diện quả khổ. Có thể nhờ khổ như vậy mà con có duyên với thiền. Con thấy đó, mục đích của thiền tuệ chính là nhận ra bản chất thật của đời sống (pháp): Vô thường, khổ, vô ngã. Những người có điều kiện sống tốt, như ở Tây phương chẳng hạn, họ rất ít tu, và nếu có tu thì cũng là tu với tham vọng hoặc chỉ là xa xỉ mà thôi.
2) Nếu con tu thiền định để vững tâm đối diện với những thử thách của cuộc đời hay để trợ duyên cho thiền tuệ thì thầy hoan nghinh, nhưng nếu để có ít thần thông đủ xài thì e rằng không ổn, vì điều này chứng tỏ con không sẵn sàng học bài học tôi luyện trong cảnh khổ rồi, đúng không? Hãy can đảm và trầm tĩnh sáng suốt lên để đối diện với bản chất thật của cuộc sống. Tu không hẳn phải lánh đời bằng cách trốn vào rừng. Rừng có thể cho con yên tĩnh, nhưng ngược lại cũng có thể cướp đi nơi con lòng can đảm đối diện với những thử thách cam go, những sự thật phủ phàng để học ra bài học giác ngộ.
3) Nếu con thật sự nhận chân được xuất gia là con đường duy nhất phù hợp với mình, con không thể đi con đường nào khác, thì có lẽ không có bất kỳ lý do gì để con phải phân vân lựa chọn. Khi một người do dự thì sẽ có vô số lý do để mà... bỏ qua cơ hội! Không có sự tiến tới nảo không có lực cản, điều quan trọng là đã lượng định được hướng đi có tốt chưa và khi đã định hướng rồi thì liệu có khả năng để vượt qua lực cản hay không mà thôi. Chúc con thành công.