Kết quả Tìm Kiếm: Có 83 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'tông phái'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 10-02-2012
Câu hỏi:
Con xin hỏi, ở Việt Nam, Nam tông và Bắc tông khác nhau như thế nào?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nam Tông theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy, Bắc Tông theo truyền thống Phật Giáo Phát Triển. Khuynh hướng Nguyên Thủy muốn giữ nguyên Tam Tạng Pali được kết tập lần đầu 3 tháng sau đức Phật nhập Niết-bàn. Khuynh hướng Phát Triển mở rộng tư tưởng Phật học bằng ngôn ngữ Sanskrit qua các giai đoạn Tiểu Thừa, Đại Thừa, Kim Cang Thừa (Mật Tông), Tối Thượng Thừa (Thiền Tông). Nam tông chỉ thờ đức Phật Thích-ca, Bắc tông thờ rất nhiều vị Phật và Bồ-tát.
Ngày gửi: 14-12-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy, hôm nay ngày 17/11 âm lịch, đang là lễ hội vía Đức Di Đà, các chùa tổ chức lớn lắm như chùa Hoằng Pháp ở Thành phố HCM. Các chùa Tịnh độ cũng làm lễ trang nghiêm lắm. Con xin hỏi Thầy là vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, có phải là giải thoát hết sinh tử luân hồi như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không Thưa Thầy? Và Đức Phật Di Đà có thật không, sao con không thấy tiểu sử của Ngài như Phật Thích Ca?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Theo Tịnh Độ Tông thì vãng sanh Tây Phương rồi còn phải trải qua Cửu Phẩm Liên Hoa (tức 4 Đạo, 4 Quả và 1 Niết-bàn) nữa mới thành Chánh Đảng Giác như đức Phật Thích Ca.
2) Đức Phật A-di-đà là biểu tượng cho Tánh Giác (Buddhacarita) của mỗi người chứ không phải nhân vật lịch sử nên làm sao có tiểu sử được. Niệm Phật tức quay về với Tánh Giác, niệm Phật đến nhất niệm thanh tịnh tức vãng sanh Tịnh Độ, khi đã thanh tịnh thì Tánh Giác sẽ soi sáng tức đức Phật A-di-đà tiếp dẫn. Vì vậy "lễ hội" lớn nhất là nhất niệm thanh tịnh, chứ không phải hình thức tổ chức bên ngoài.
Ngày gửi: 02-09-2011
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Xin Thầy chỉ dạy cho con được biết là Phật giào Kim Cương thừa, còn gọi là phái Mật Tông, có khác biệt với Phật giáo Nam tông Nguyên thủy Theravada không ạ? Điều khác biệt cơ bản đó là gì, vì con đọc trong sách nên muốn hỏi rõ thêm, kính xin Thầy chỉ dạy cho con.
Con kính bái.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Phật Giáo Nguyên Thủy là dòng chảy xuyên suốt qua các Tông phái phát triển về sau. Tất nhiên khi kinh qua sự phát triển thì mỗi tông môn đều có chỗ sai biệt về một số phương diện nào đó. Các Tông phái phát triển sau 200 năm đức Phật Niết-bàn gọi là các phái Tiểu Thừa, và phát triển sau 600 năm đức Phật Niết-bàn gọi là các phái Đại Thừa. Mật Tông hay Kim Cang Thừa cũng phát xuất từ đó và đặc biệt phát triển mạnh tại Tây Tạng. Đối với những bậc thấu lý đạt sự thì tất cả các Tông phái tuy hình thức khác nhau nhưng cốt lõi vẫn là một. Nhưng đối với những người căn cơ còn non kém thì mới bị kẹt vào cái ngã tông môn.
Nếu chúng ta chỉ nói thuần túy về tông chỉ của các phái chứ không nói về hình thức các tổ chức tông phái ấy, thì Phật Giáo Nguyên Thủy, hiểu theo nghĩa là giáo lý uyên nguyên của đức Phật, là cốt lõi của tất cả tông phái phát triển về sau. Phần lớn các tông phái phát triển về sau đều đưa ra thêm những phương tiện thiện xảo riêng để làm biện pháp tu tập cho tông môn mình, từ đó bắt đầu có sự khác biệt về biện pháp tu tập và các hình thức kỹ thuật thực hiện nó. Vậy cốt lõi thì không khác chỉ có khác hình thức tổ chức và biện pháp thực hiện cốt lõi đó mà thôi. Phật Giáo Nguyên Thủy chủ yếu nắm giữ nguyên lý cốt lõi rồi tùy duyên vận dụng biện pháp, còn các Tông phái thường nắm giữ và phát huy phương pháp riêng của Tông phái mình.
Ngày gửi: 09-08-2011
Câu hỏi:
Thưa thầy! Con là Phật tử ở nước ngoài, con có duyên lành được gặp Phật pháp đã gần 2 năm, hiện tại có các thầy ở VN sang làm phận sự tại chùa của chúng con, thỉnh thoảng hai vợ chồng con cùng đi tụng kinh niệm Phật, hai vợ chồng cùng đọc sách để tìm hiểu về Phật pháp. Bản thân con là nam giới nên con mong cầu được tiến xa hơn nữa trên con đường tu học đạo. Trước đây khi mới đến chùa con được một thầy theo thiền tông giảng pháp và chỉ dạy sơ sơ phương pháp hành thiền, bây giờ con vẫn tập thiền theo cuốn sách "Phép lạ của sự tỉnh thức" của Thầy Thích Nhất Hạnh, nói chung cả hai việc tụng kinh và hành thiền chưa tiến bộ là bao nhưng con cảm thấy mình thích về thiền hơn, phần vì ngưỡng mộ người thầy của con trước đây. Con xin thầy một lời khuyên là con phải tu như thế nào, thiền tông hay tịnh độ, hoặc là thiền tịnh song tu thì phải như thế nào? Con cảm ơn thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vấn đề không phải là tu theo cách gì, mà là có thấy ra được sự thật hay không. Thiền Vipassanā cũng như Thiền tông đều nói thấy tức là tu. Tu mà không thấy là tu mù, dù pháp tu đó có đem đến những kinh nghiệm siêu việt gì đi nữa thì cũng chỉ là kinh nghiệm cục bộ mà thôi. Trong Bát Chánh Đạo, chánh kiến dẫn đầu là vậy. Trước hết phải có nhận thức đúng, thì việc tu tập mới hữu ích. Con thử vào trang web này đọc và nghe thêm xem có thấy được gì không rồi tu cũng không muộn. Cho dù không thấy gì thì cũng không mất thì giờ nhiều đâu. Đó là lời khuyên chân thành của thầy.
Ngày gửi: 26-04-2011
Câu hỏi:
Kính thưa sư, con nghe nói có đến 40 đề mục thiền định, vậy có phải tùy vào mỗi người mà chọn lựa đề mục cho thích hợp với mình nhất, nhưng tại sao lại có ý kiến cho rằng hơi thở và tứ đại là quan trọng nhất còn những đề mục khác không quan trọng? Đều là Phật giáo Nam Tông nhưng Thiền của Thái - Miến Điện - Sri Lanka có điểm nào khác nhau không? Khác nhau có phải ở các đề mục quán, hay có phái thiền không cần bước Định mà vào thẳng Tuệ, một lần con được nghe một vị sư Thái Lan chỉ dẫn không cần bước Định mà vào thẳng Tuệ luôn như thế có đúng với chánh pháp hay không? Vì con hay nghe nói đến Giới Định Tuệ.
Con cảm ơn sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cám ơn con đã đặt những câu hỏi rất nhiệt tình, chứng tỏ con đang quan tâm đến Phật Pháp. Nhưng con nên đọc lại tất cả những câu hỏi trong mục hỏi đáp này để câu nào đã có hỏi và trả lời rồi thì con không cần hỏi lại. Sư có rất ít thời gian mà hầu hết những câu hỏi của con lại đã được trả lời trước đây rồi. Hơn nữa chủ yếu sư chỉ tập trung trả lời cho những thắc mắc liên quan đến việc tu tập chứ không có ý giải quyết mọi vấn đề thuộc kinh điển nhằm thỏa mãn kiến giải thuần lý, hoặc sự tranh cãi của nhiều ý kiến khác nhau trên quan điểm đức tin hay lý luận giữa các trường phái thiền hiện nay. Con cũng đừng quan tâm đến những ý kiến bất đồng đó làm gì, chỉ nên nhìn sâu vào những sự kiện thực tế nơi chính mình và cuộc sống, khi đã thấy ra sự thật thì những quan niệm đều trở nên vô nghĩa.
Ngày gửi: 08-04-2011
Câu hỏi:
Kính bạch Sư, thời gian qua con có theo dõi mục hỏi đáp và nghe những bài giảng của sư trên trang Web. Con đã nhận thức ra được rất nhiều điều hữu ích cho việc tu tập của mình. Xin sư hoan hỉ cho con được hỏi một câu hỏi có phần nghiêng nhiều về Pháp học. Theo giáo lý Bắc Tông, nhất là Thiền Tông, khi hành giả ngay nơi thực tại hiện tiền, trực nhận thực tánh pháp thì có thể coi như ngay lúc đó, vị đó không còn tạo nghiệp sinh tử. Như các thiền sư nói: "Bình thường tâm thị Đạo". Thế nhưng trong giáo lý Nguyên thủy hình như không chấp nhận chỗ này. Kể cả một vị đắc Tu-đà-hoàn thì tâm vị đó vẫn còn là tâm nằm trong tam giới. Mà tam giới thì còn sinh tử. Chỉ khi đã chứng quả Alahán thì tâm vị đó mới thực sự không còn tạo nghiệp sinh tử nữa. Đây có phải là chỗ khác biệt lớn giữa giáo lý Bắc Tông và giáo lý Nguyên Thủy? Con không hiểu sâu về giáo lý Nguyên Thủy nên có chỗ nào không đúng, kính xin Sư giải nghi. Con thành kính tri ân Sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đây là chỗ hiểu lầm về lý nhưng trên sự thì không có gì khác. Đạo hữu có thể đọc thêm cuốn Thiền Phật Giáo: Nguyên Thủy và Phát Triển trong mục Thư Viện, nhất là chương đối chiếu thiền Vipassanà với thiền Tông Đông Độ. Hai loại thiền này bên ngoài có vẻ như rất khác nhau nhưng nội dung thì hoàn toàn giống nhau. Chỉ khác ở chỗ Thiền Tông cốt giúp hành giả ngộ lý làm gốc, còn Thiền Vipassanà lấy chứng sự làm nền. Khi diễn đạt theo sự thì phải nói tiến trình thực chứng nên có vẻ như theo trình tự tu chứng. Khi diễn đạt về lý thì có thể thấy ngay lập tức. Do đó các vị thiền sư Đông Độ cũng nói: "Lý đốn ngộ, sự tiệm tu".
1100 năm trước Thiền Tông, chữ Pháp trong Thiền Nguyên Thủy đã có nghĩa là thực tại hiện tiền (Dhammo) có thể thấy ngay (sandtthiko), không qua thời gian (Akàliko), quay lại là thấy (Ehipassiko), ngay trên chính nó (Opanayiko) mỗi người có thể tự chứng (Paccattam veditabo vinnùhi). Vậy điều Thiền Tông thấy sau này đâu có khác gì thiền Nguyên Thủy?. Lý và sự tuy diễn đạt khác nhau nhưng cùng nói về một sự thật duy nhất. Ví dụ, nói "ăn thì no" và nói: "nhai, nuốt, tiêu hóa, thành nhũ trấp, thành máu v.v..." thì tuy khác nhau nhưng cũng chỉ diễn đạt cùng một thực kiện, đâu có gì sai khác? Khi lý và sự chưa dung thông thì thấy đó là hai, khi sự lý viên dung thì pháp là bất dị.
Ngày gửi: 28-03-2011
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Xin Thầy cho con hỏi: Con thấy Quý Ngài Tăng Thống Tích Lan đến thăm các chùa Nguyên thủy Việt Nam sao lại thuộc hệ phái... Xin Thầy giải thích rõ cho con Tích Lan có bao nhiêu hệ phái và những hệ phái đó Quý Ngài tu như thế nào (chuẩn). Con cám ơn Thầy. Chúc Thầy nhiều sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Từ hệ phái này không có nghĩa là Nam Tông, Bắc Tông, Khất Sĩ v.v... như ở Việt Nam. Thực ra dùng từ hệ phái không đúng vì tất cả các nước theo Phật Giáo Theravada đều cùng chung một hệ phái Nam Tông hay Nguyên Thủy, đều lấy Tam Tạng Pali làm gốc, gần như nội dung không có gì khác nhau. Chỉ khác nhau về hệ thống tổ chức và sở trường pháp hành, nên mỗi phái có Tăng Thống riêng. Có lẽ dùng từ hệ thống hoặc trường phái thì đúng hơn, vì lý do sau đây:
1) Do xuất xứ của tổ chức, ví dụ như một số vị Tăng Tích Lan đi du học Thái Lan, Miến Điện... khi về nước tổ chức chùa chiền, đệ tử, sinh hoạt theo truyền thống Phật Giáo Nam Tông Thái Lan, Miến Điện. Những vị học trong nước thì giữ truyền thống Tích Lan. Do vậy ở Tích Lan có ba truyền thống tổ chức Phật Giáo Nam Tông riêng nhưng không khác nhau gì mấy, họ vẫn sinh hoạt chung, tu học chung, hành lễ chung với nhau không có gì trở ngại v.v... và tuyệt đối không có mâu thuẫn đối kháng.
2) Do pháp hành sở trường của mỗi vị thầy mà biệt truyền thành trường phái riêng. Ví dụ vị thầy thiện xảo về thiền định hay thiền tuệ thì phát triển chùa chiền và đệ tử thành một trường phái chuyên về thiền định hay thiền tuệ. Điều này giống như các Tông môn ở Việt Nam, tuy riêng biệt theo truyền thống pháp môn tổ khai sơn của mình nhưng vẫn cùng hệ phái Bắc Tông. Tông môn ở Việt Nam còn có nhiều chỗ khác nhau, còn trường phái của Tích Lan thì chỉ sở trường về pháp hành thôi nên có thể học hỏi trao đổi lẫn nhau và sinh hoạt chung không có gì trở ngại.
Ngày gửi: 13-03-2011
Câu hỏi:
Kinh thưa Thầy. Đầu thư con chúc Thầy nhiều sức khỏe. Con có môt vấn đề xin hỏi Thầy: Từ một giáo phái nói rằng không còn địa ngục nếu đi theo tu hành, đến một giáo phái chỉ cần niệm thôi thì ngày chết sẽ được về... Con tin theo và thọ giáo tu hành, kinh sách nào liên quan con cũng mua về và đọc tụng, tin tưởng tuyệt đối để rồi hôm nay con ngộ ra rằng mình đã sai lầm. Từ duyên gặp trang web của Thầy và cũng có duyên xem được đĩa VCD của 1 Thầy Nguyên thủy giảng tại sao mình khổ (đó là do mình), con đã quy y với Thầy, học khóa giảng thiền của Thầy, tự học đọc Kinh Nguyên Thủy, đặt bát cúng dường, lễ PHẬT chùa Nguyên Thủy lòng con thấy thanh thản và hình như tìm thấy Chánh Pháp rồi. Nhưng có một điều là ánh mắt của con đối với những vị giáo phái trước kia không còn thiện cảm nữa mặc dù con vẫn tôn trọng và cúng dường. Như vậy con có tội không Thầy? Xin Thầy ban cho con một lời chỉ dạy. Con cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Các pháp môn phương tiện của các Tông phái phát triển đều do chư Tổ về sau tùy căn cơ mà vận dụng cho bá tánh dễ tu tập cho nên đôi lúc hơi cường điệu một chút mới gây được niềm tin. Phần lớn các vị Tổ có chủ đích tốt khi cố ý cường điệu như thế nên khi ai tin theo mà hết lòng tu tập thì có kết quả tốt, và lúc đó sẽ tự hiểu ra vì sao Tổ lại làm như vậy. Tuy nhiên, hậu nhân lại tưởng chỗ cường điệu đó là điểm chính yếu và ưu việt của Tông môn mình nên đã phát huy cái phụ thay vì cái chính của pháp môn. Đó là lý do vì sao các Tông môn ngày càng đi sai hướng vận dụng ban đầu của Tông phái mình.
Nếu thấy Tông môn nào đã đi lệch hướng thì con có quyền không theo nữa, nhưng không nên có ý xem thường, tốt nhất là nên có tâm từ bi với họ. Đâu có ai đúng mà chưa từng sai bao giờ, cho nên khinh thường cái sai chính là tâm ngã mạn.
Ngày gửi: 22-02-2011
Câu hỏi:
Kính bạch thầy, ngày xưa, nhiều vị Cao Tăng Thiền Đức khuyên nên thiền tịnh song tu, vậy Phật tử ngày nay có nên y theo lời khuyên đó mà tu hay tông phái nào tu theo tông phái đó? Kính xin thầy từ bi chỉ dẫn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Phật Giáo Phát Triển chia ra Thiền Tông và Tịnh Độ Tông riêng nên mới có tình trạng đã theo tông phái nào thì phải tuân thủ theo yếu chỉ của tông phái đó. Thực ra trong Phật Giáo Nguyên Thủy, hành thiền hay niệm Phật đều là những pháp thể hiện Giới Định Tuệ, Bát Chánh Đạo v.v... nên Phật tử có quyền chọn lựa pháp nào thích hợp với căn cơ trình độ của mình, cũng có thể kết hợp nhiều pháp vào việc tu hành. Ví dụ, người hành thiền tuệ có thể bổ sung thêm niệm Phật, niệm tâm từ, niệm bất tịnh, niệm sự chết v.v...
Tinh chuyên một tông môn cũng tốt nhưng cũng dễ bị dính mắc vào một phương tiện, nên đôi khi còn đả phá phương tiện khác, sinh ra tình trạng chia rẻ tông môn hệ phái. Ngày nay nếu Phật tử thấy thích hợp với pháp môn phương tiện nào thì cứ hành theo, sau đó nếu thấy không khai mở được gì mà còn bị trói buộc thêm thì thay đổi pháp môn phương tiện khác. Nếu thấy 2 pháp môn đều hay thì cứ hành cả hai.
Tốt hơn hết là nên học hỏi để nắm vững cốt lõi của Giáo Pháp trước rồi mới thực hành thì mới khám phá được chân lý một cách toàn diện, nếu không chỉ như người mù rờ voi, dù có rờ được gì bằng cả hai tay thì cũng chỉ là kinh nghiệm cục bộ. Cũng vậy, nếu không thấy được cốt lõi của Phật Pháp thì dù có thiền tịnh song tu cũng chỉ bắt cá hai tay mà thôi.
Ngày gửi: 28-01-2011
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con đã có duyên may được đến nghe Thầy giảng Thiền (Khóa thứ 5 tại Tổ đình Bửu Long) vừa qua, con vô cùng cảm ơn Thầy đã khai thị cho con một số không ít những vấn đề về Phật pháp. Nay con có một thắc mắc này, xin Thầy vui lòng chỉ bảo, giải thích giúp con:
Thưa Thầy, đọc qua một số kinh sách Bắc Tông, con thấy các vị Bồ-tát thường có hạnh nguyện: "Khi nào chúng sinh chưa được độ tận thì ta chưa thành Phật", hoặc khi đã thành Phật thì nguyện rằng: "Khi nào chúng sinh còn khổ thì ta còn trở lại thế giới Sa-bà này để độ chúng sinh qua bến giác". Thưa Thầy, theo con hiểu thì khi những hạnh lành (Bồ-tát) hay tánh biết (Tánh Giác, Phật) nơi ta khai mở thì ta sẽ có từ bi, trí tuệ... tương ứng, và vấn đề hạnh nguyện chỉ là một cách diễn dịch của người đời bằng khái niệm hình tượng, ngôn từ mà thôi. Hoặc những người còn mê muội như chúng con, trên con đường học Phật, cần nói như vậy để khuyến khích phát triển hạnh nguyện hầu tiến dần đến khai mở tánh biết và hạnh lành. Còn nếu nhìn bằng nhãn quan nhị nguyên hoặc xét từ góc độ của quy luật âm dương thái cực, thì chẳng lẽ Phật và Bồ-tát cũng vẫn còn luân hồi sinh tử, vì mọi sự vật hiện tượng khi đã đạt mức cực dương thì sẽ chuyển sang âm: giống như khi ta đã đạt được quả vị Phật rồi thì lại trở xuống làm chúng sinh. Nói cách khác, khi nào còn "Ma" thì còn "Phật" (mà cuộc sống thì chẳng bao giờ hết "Ma" nên nếu hiểu thế giới theo kiểu nhị nguyên đối đãi: luôn có sai có đúng, có Ma có Phật, có yêu có ghét...), và chỉ khi nào không còn bản ngã tham sân si thì mới thấy thế giới như thực tánh, không còn thấy Ma thấy Phật nữa mà thôi.
Con xin tóm lại, điều con muốn hỏi là phải chăng từ Phật trong quan niệm này là chỉ cho tánh giác và Bồ-tát là ám chỉ cho hạnh từ bi, trí tuệ... Khi khai mở được tánh biết(Phật) và các hạnh làmh (Bồ-tát) đến tột độ thì chỉ thấy từ bi, trí tuệ... không còn thấy ma thấy Phật, thấy sinh thấy tử nữa. Chứ Phật và Bồ tát nếu còn thị hiện một cách hữu vi như chúng sinh thì vẫn luân hồi sinh tử như thường, có phải không ạ?
Thành kính cảm ơn Thầy.
Ngọc Thu
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giáo lý nguyên thủy của đức Phật hầu như không đề cập đến những vấn đề Phật và Bồ-tát thị hiện cứu độ chúng sanh theo kiểu đó. Quan niệm này mãi đến 600 năm sau đức Phật nhập diệt mới phát sinh trong các Hệ Phái Phật Giáo phát triển. Đến hơn 1.100 năm sau đức Phật Niết-bàn, Thiền Tông Đông Độ ra đời, vị Tổ thứ 6 là Ngài Huệ Năng đã xác định lại "độ chúng sanh" là vượt qua vô số phiền não phát sinh trong tâm (Tự tánh chúng sanh vô biên thệ nguyện độ). Bởi vì một số Luận Phái phát triển đã biến Phật Pháp thành triết học và tín ngưỡng để đáp ứng yêu cầu sở tri và sở đắc của con người, hơn là chú tâm vào việc hóa giải những khổ đau bức thiết trong hiện tại, như tinh thần giác ngộ giải thoát ban đầu của đức Phật.
Bồ-tát theo nghĩa nguyên thủy là người biết sử dụng tánh giác để giác ngộ và giải thoát khỏi cái ta ảo tưởng. Chính cái ta ảo tưởng này tạo ra "vô số chúng sanh phiền não đau khổ trong tâm" mà chủ yếu là phát xuất từ vô minh ái dục, cụ thể như tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến v.v. Chính những "chúng sanh" này là hiện thân của đau khổ và tạo ra đau khổ cho mỗi người, vì vậy đối với bất cứ ai khi chưa "độ tận" chúng sanh (vượt qua phiền não) trong tâm mình thì có muốn thành Phật cũng không được, nên muốn giải thoát thì phải phát hạnh nguyện độ thoát phiền não (bản ngã chúng sanh) chứ đâu còn cách nào khác! Đối với chúng sanh bên ngoài thì người giác ngộ có thể chỉ đường cho họ để họ tự đi chứ không ai độ ai được.
Còn nói Phật thị hiện theo kiểu "Khi nào chúng sanh còn khổ thì ta còn trở lại thế giới ta-bà để độ chúng sanh qua bến giác" thực ra chỉ có nghĩa là khi nào còn xem thân ngũ uẩn này là bản ngã thì còn "chúng sanh phiền não khổ đau" nên gọi cái ta ngũ uẩn là thế giới sa-bà. Lúc đó chỉ còn trông cậy nơi tánh giác quay trở lại (chánh niệm) soi sáng mới mong phá trừ mọi vọng niệm (tỉnh giác) của cái ta ngũ uẩn đó để cứu thoát thực tại thân tâm (thân, thọ, tâm, pháp) ra khỏi cái ta ảo tưởng tạo tác khổ đau sinh tử mà thôi. Vì vậy câu nói trên có thể hiểu như sau: "Khi nào còn phiền não khổ đau (chúng sanh khổ), thì tánh biết phải nguyện quay lại nơi thân ngũ uẩn này (thế giới sa-bà) để hóa giải cái ta ảo tưởng trở về với thực tánh pháp"