Kết quả Tìm Kiếm: Có 102 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'Tứ Niệm Xứ'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 14-12-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, mỗi khi con cảm thấy bất an trong tâm, con quay về để chú tâm quan sát. Nhưng con thấy rằng bất cứ những gì trong tâm, như là buồn lo, giận, sợ hãi… cũng chỉ có thể biểu hiện ra nơi thân mà thôi, như là nóng, tim đập mạnh, khó chịu… Như vậy thì dù đó là thọ hay tâm hay pháp, mình cũng đều phải quan sát ở nơi thân thôi phải không thầy? Kính xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy thêm.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nói đúng hơn, thân - thọ - tâm - pháp có tương quan mật thiết với nhau như một tiến trình không tách rời được, do đó khi tách ra cục bộ để niệm thân, thọ, tâm, pháp riêng thì chỉ là tạm thời lúc đầu cho người sơ cơ dễ hành thôi, còn người có trình độ nhận biết toàn diện thì sẽ thấy rõ cả tiến trình điễn biến của thân tâm (danh - sắc). Thí dụ, khi con thấy trọn vẹn thân đang đi thì đó là niệm thân, nhưng khi đi con tiếp xúc với đất dưới bàn chân và có cảm giác dễ chịu hay khó chịu mà con trọn vẹn cảm nhận được là niệm thọ; rồi khi có cảm giác dễ chịu mà con trọn vẹn thấy được có tâm ưa thích (tham) khởi lên, hay khi khó chịu con thấy được có tâm bực tức (sân) khởi lên, thì đó là niệm tâm; và khi tron vẹn thấy được trong toàn bộ sự tương giao này có thái độ lăng xăng dính mắc hay rỗng lặng trong sáng đều trọn vẹn biết rõ thì đó là niệm pháp... nên tuy mỗi đối tượng đều phân biệt rõ ràng nhưng không phải là tách riêng thành cục bộ, mà đó là sự diễn biến của một tiến trình đồng nhất.
Ngày gửi: 16-11-2013
Câu hỏi:
Con thành kính đảnh lễ Thầy, <p>
Kính thưa Thầy, sao càng tu tốt, mỗi khi được bạn đạo khen về việc thực hành Pháp của mình, con càng thấy rõ ngã mạn càng lớn khởi lên trong con, thưa Thầy. Con phải tiếp tục kiên trì quan sát để thấy rõ mặt mũi thật, tác hại của nó phải không thưa Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đúng vậy. Tu chủ yếu là trở về quan sát lại chính mình trong khi tiếp xúc với hoàn cảnh để thấy ra hoạt động của thân (Niệm Thân) và qua đó phát hiện ra những cảm giác (Niệm Thọ), những phản ứng nội tâm (Niệm Tâm) và những diễn biến trong sự tương giao căn-trần-cảnh (Niệm Pháp).
Lẽ ra Niệm Thân là trở về trọn vẹn quan sát thân để phát hiện ra cái sai trong hoạt động của nó. Thân tự nó không sai mà sai là do người ta hành động mà không biết mình đang hành động như thế nào, và nhất là không thấy ra ảo tưởng cho rằng thân đẹp, thân xấu, thân khỏe, thân bệnh, thân của ta, ta đi, ta đứng, ta ăn v.v... Có quan sát để phát hiện ra những sai lầm đó mới trả cái thân về đúng thực tánh của nó, không bị khái niệm, tư tưởng, quan niệm che lấp. Nhưng người ta lại tu theo cách bắt cái thân phải tuân theo cái mà họ cho là đúng, hay bị thuyết phục theo cái đúng của người khác, để rồi tưởng mình đã đúng đã tốt nên sinh ra ngã mạn, mà không biết rằng cái đúng do bản ngã tạo tác thì muôn đời vẫn là sai.
Niệm Thọ cũng vậy. Bình thường người ta gán vào cho cảm giác hoặc cảm xúc diễn ra nơi mình vô số khái niệm, quan niệm, ảo tưởng... như cho cảm giác là, buộc cảm giác phải là hay mong cảm giác sẽ là... hơn là thấy chúng đang là. Lạc và khổ mà người ta cảm nhận phần lớn do ảo tưởng tạo ra hơn là thấy đúng bản chất thật của chúng. Niệm Thọ chính là phát hiện và loại bỏ những cảm nhận sai lầm để trả thọ về cho bản chất trung thực của chúng. Nhưng người ta lại muốn tu để tìm cảm thọ, muốn có cảm thọ tốt hơn, thường hằng hơn, siêu việt hơn... ở tương lai hay ở một nơi nào đó xa xăm trong tưởng tượng. Họ tưởng là đang tu đúng tốt, nhưng đâu biết rằng cái cảm giác họ cho là đúng tốt hơn mà họ cố tìm tòi tạo tác để thỏa mãn cái ngã ảo thưởng đó thực chất vẫn chỉ là loay hoay trong đau khổ triền miên. Lẽ ra họ nên phát hiện những sai lầm đó tốt hơn là mãi mê đi tìm ảo giác lý tưởng, để rồi không thất vọng thì cũng chỉ thêm ngã mạn tà kiếm mà thôi.
Niệm Tâm không phải là trò chơi cút bắt với ý đồ loại bỏ tâm này nuôi dưỡng tâm kia rồi lại đuổi theo tâm nọ để đạt được một trạng thái tốt đẹp hơn, một tâm trạng an ổn hơn, hoặc trang bị cho tâm những yếu tố ngoại lai như là sở cầu sở đắc lý tưởng mà không biết rằng trong tâm vốn đã có đầy đủ những yếu tính hoàn mỹ muôn đời. Cái ngã không ngừng phát ra những khái niệm, tư tưởng, quan niệm chủ quan sai lầm mà tự buộc mình trong vọng tưởng, tà kiến để rồi tạo ra thời gian, nhân quả, phiền não và khổ đau mà che lấp đi cái tâm trong sáng hồn nhiên (pabhassara citta) sẵn có. Niệm Tâm chính là phát hiện ra những sai lầm trói buộc đó để trả tâm về với cái đúng muôn đời của nó. Vậy đừng cố gắng đạt được hay trụ vào một tâm lý tưởng nào, vì tâm quá khứ, tương lai, hiện tại gì cũng không thể nào đắc được, tốt hơn tâm không nên trụ vào đâu. Do đó Đức Phật dạy: "Sống không nương tựa, không bám víu bất cứ điều gì ở đời" (Anissito viharati, natthi loke upadiyati). Khi nghe Đức Phật dạy: "Trong thấy chỉ có thấy, trong nghe chỉ có nghe, trong xúc chỉ có xúc, trong biết chỉ có biết, không có ai là Bahiya trong quá khứ, hiện tại, vị lai", ông Bahiya liền trở về với Tánh Giác Vô Sanh, Bất Tử.
Niệm Pháp không phải để xác định pháp là hữu hay vô, thường hay đoạn, khổ hay vui... để chọn lựa lấy bỏ. Con người gán cho pháp vô số những quan niệm mà Đức Phật tóm gọn trong 62 tà kiến về Pháp và Ngã hay nói cách khác là về nhân sinh quan và vũ trụ quan. Những quan niệm này dù hay cách mấy thì cũng vẫn chỉ là những trói buộc con người trong phiền não khổ đau gọi là chấp ngã chấp pháp. Thực ra chấp pháp chính là chấp ngã, và chấp ngã cũng chính là chấp pháp, bởi vì ngã pháp trong vọng tưởng đâu có gì khác biệt, chỉ tại phân chia mà có thôi. Niệm pháp chính là thấy ra sự sai lầm chủ quan trong mối quan hệ ràng buộc chằng chịt của ngã với pháp, của ta với người để trả lại cho sự tương giao tự nhiên giữa muôn loài vạn vật. Thấy ra những che lấp (5 triền cái), thấy quá trình hình thành kinh nghiệm của bản ngã (5 uẩn), thấy những phát sinh trong sự tiếp xúc căn trần (12 xứ), thấy những yếu tố giác ngộ có sẵn bên trong (7 giác chi) và thấy ra Sinh Tử và Niết-bàn (Tứ Diệu Đế). Nghĩa là phát hiện cái sai trong vô minh tà kiến để trả pháp về với tự tánh muôn đời của nó, chứ không để bản ngã lăng xăng lập ra cái gọi chân pháp trong ảo tưởng vọng thức.
Tóm lại, đừng tìm kiếm, rèn luyện, tạo tác hay dựng lên cái đúng như mình nghĩ, mà chỉ phát hiện cái sai trong nhận thức và hành vi thì cái đúng liền hiển hiện. Cái sai vốn là vọng, mà vọng thì không thực, nên chỉ cần không sai thì chân lý muôn đời vẫn vậy.
Ngày gửi: 18-03-2013
Câu hỏi:
Thưa thầy cho con hỏi, trong kinh Đại niệm xứ có các cụm từ như sau đây được hiểu như thế nào:<p>
1- Tuệ tri.<p>
2- Quán thân trên nội thân hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân;<p>
3- Quán thọ trên các nội thọ; hay sống quán thọ trên các ngoại thọ; hay sống quán thọ trên cả các nội thọ, ngoại thọ;<p>
4- Quán tâm, pháp cũng tương tự như vậy.<p>
Kính mong thầy chỉ dạy./.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Tuệ tri là trong thấy chỉ có thấy, trong nghe chỉ có nghe, trong xúc chỉ có xúc, trong biết chỉ có biết, không có mặt của cái ta góp nhặt kinh nghiệm và kiến thức.
2) Ba câu sau có nghĩa là tuệ tri thân, thọ, tâm, pháp nơi bản thân con, nơi người khác hay nơi cả hai. Quán ở đây có nghĩa là thấy biết thân thọ tâm pháp như chúng là chứ không qua khái niệm, tư tưởng, quan niệm nào cả.
Ngày gửi: 13-01-2013
Câu hỏi:
Con chào Thầy. Thầy cho con hỏi:<p>
1. Nghĩa của chữ "ý" trong (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và nó có đồng nghĩa với chữ "tâm" trong chữ thân tâm không?<p>
2. Thầy có thể cho con hỏi nghĩa của chữ "pháp" trong quán niệm pháp có phải là chữ pháp trong vạn pháp hay là chữ pháp là đối tượng của ý?<p>
3. Thầy hoan hỷ chỉ cho con xem con hiểu một cách đơn giản và định thực hành thế này có đúng không. Con hiểu quán niệm thân là lặng ngắm, lặng nghe tất cả các diễn biến của thân trong mọi hoạt động hằng ngày. Quán niệm thọ là lặng nghe các cảm giác như đau, buồn, chán nản, mệt mỏi... Quán niệm tâm là lặng nghe các suy nghĩ khi định làm một việc gì đó, khi thất niệm, cũng như tạp niệm... Quán niệm pháp thì con chưa hiểu rõ.<p>
Con xin cảm ơn thầy và chúc thầy luôn mạnh khỏe an lạc
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Ý thuộc về tâm hay danh. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thuộc về thân hay sắc.
2) Pháp trong niệm pháp gồm: 5 triền cái, 5 uẩn, 12 xứ, 7 Giác Chi, 4 Diệu Đế.
3) Trở về trọn vẹn trong sáng với những hoạt động, tư thế hay trạng thái của thân gọi là niệm thân; với những cảm giác, cảm xúc gọi là niệm thọ; với hoạt động, phàn ứng, trạng thái tâm gọi là niệm tâm; với sự diễn biến hay sinh diệt của 5 triền cái, 5 uẩn v.v... gọi là niệm pháp. Nếu con lặng nghe theo nghĩa trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân thọ tâm pháp thì đúng, còn nếu lặng nghe để tìm kiếm hay đạt được điều gì thì không đúng với ý nghĩa của quán chiếu trong thiền Vipassanā.
Ngày gửi: 07-01-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con đọc kinh Tăng Chi trong phẩm Thiên Định có nói về một pháp là thân hành niệm. Kính Thầy chỉ dạy cho con biết thực hành thân hành niệm là như thế nào? Con có nghe về Tứ Niệm Xứ, vậy thân hành niệm và niệm thân trong Tứ Niệm Xứ cách thực hành giống và khác như thế nào ạ? Con cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Niệm thân trong kinh Thân Hành Niệm và niệm thân trong kinh Tứ Niệm Xứ tuy đối tượng hầu như giống nhau nhưng hướng thực hành lại khác. Trong bài kinh Thân Hành Niệm thì niệm thân được xem là đề mục thiền định để đắc các bậc thiền sắc giới, nhưng trong kinh Tứ Niệm Xứ niệm thân lại là đề mục thiền tuệ để thấy ra bản chất thật của thân.
Trong thiền định hành giả sử dụng hai chi thiền tầm và tứ trên các đối tượng thân với mục đích định tâm, còn trong thiền tuệ thì hành giả sử dụng chánh niệm và tỉnh giác trên các đối tượng thân ấy với mục đích thấy ra thực tánh chân đế của các sắc pháp. Con cần thấy rõ sự khác biệt giữa pháp hành thiền định và thiền tuệ thì mới biết cách xử lý các đối tượng thân ấy khác nhau thế nào.
Ngày gửi: 06-01-2013
Câu hỏi:
Thưa Thầy!
Trong Kinh Nikāya có nói: "Con đường độc đạo của bốn niệm xứ". Mong Thầy hoan hỷ, giảng rộng nghĩa cho con hiểu.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tứ Niệm xứ là con đường độc đạo vì nó chỉ đưa về tự tánh Niết-bàn chứ không đi đến bất kỳ đâu khác ở bên ngoài.
Ngày gửi: 21-08-2012
Câu hỏi:
Thưa thầy, hành thiền minh sát là trở về với thân, thọ, tâm, pháp. Vậy pháp và tâm ở đây có điểm gì cần phân biệt không (như giống và khác nhau).
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đối tượng tâm là chỉ nói trạng thái tâm đơn thuần thôi, còn đối tượng pháp là nói sự tương giao vận hành trong nhân duyên sinh diệt của pháp (bao gồm luôn cả thân, thọ và tâm). Chẳng hạn như trong 5 triền cái, 5 uẩn, 12 xứ, 7 giác chi, 4 Sự Thật rốt ráo.
Ví dụ: Niệm tâm là thấy trạng thái tâm nào đang có mặt thôi, còn niệm pháp như niệm 5 uẩn chẳng hạn là thấy sự tương giao vận hành từ thân đến thọ, từ thọ đến tâm (dưới hình thức Sắc --> Thọ --> Tưởng --> Hành --> Thức) với pháp gì đang sinh diệt và quan hệ nhân quả với nhau như thế nào.
Ngày gửi: 24-07-2012
Câu hỏi:
Con xin thành kính đảnh lễ thầy! <p>
Dạ thưa thầy, thầy cho con xin hỏi việc sau: mấy hôm trước con và một số người làm cỏ chung với nhau, sau khi xong việc, mọi người đổ cỏ vào gốc cây. Lúc không có mọi người ở đó, con đi ngang qua, nhìn thấy đống cỏ đó, con liền nhớ tới họ với tâm hoan hỉ hơn là trọn vẹn với cái đang là tức là nhìn thấy cỏ như nó đang là, lúc đó con chợt nghĩ, à thì ra cái này là tưởng đây, vậy thầy cho con hỏi con suy nghĩ như vậy có đúng không và cái suy nghĩ "đây là tưởng" nó là cái gì vậy? Con xin thành kính tri ân thầy!<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi con thấy một sự kiện (đống cỏ) và hồi tưởng đến những người làm cỏ với tâm hoan hỷ thì trong đó có những hoạt động như sau:
1) Mắt tiếp xúc với sắc (đống cỏ).
2) Cảm thọ hỷ.
3) Tưởng nhận ra đống cỏ.
4) Nhớ lại những người làm cỏ với phản ứng tâm hoan hỷ.
5) Thu nhận những diễn biến trên vào bộ nhớ (nên bây giờ mới kể lại với thầy được).
Năm giai đoạn thu thập kinh nghiệm trên được gọi là ngũ uẩn (theo thứ tự sắc --> thọ --> tưởng --> hành --> thức).
Nếu con đắm chìm trong 5 khâu này thì đó là hoạt động của cái ta ảo tưởng. Nếu con thấy khâu 1 với chánh niệm tỉnh giác thì gọi là niệm thân. Nếu con thấy khâu 2 với chánh niệm tỉnh giác thì gọi là niệm thọ, nếu con thấy khâu 3, 4 và 5 với chánh niệm tỉnh giác gọi là niệm tâm. Nếu con thấy toàn bộ diễn biến của cả 5 khâu với chánh niệm tỉnh giác thì gọi là niệm pháp. Vậy nếu không bị tưởng cuốn mất vào hoạt động của bản ngã mà tánh biết vẫn chánh niệm tỉnh giác thì cũng đâu có sao. Tánh biết thật kỳ diệu dù con đang thế nào tánh biết vẫn có thể thấy biết hết, do đó thường quay về tánh biết thì không bị đắm chìm trong hành trình ngũ uẩn của bản ngã vậy.
Ngày gửi: 24-04-2012
Câu hỏi:
Con thưa thầy, xin thầy phân biệt giúp con giữa tâm và pháp có những đồng nhất và khác biệt nhau như thế nào trong: thân, thọ, tâm, pháp. Xin thầy cho con ví dụ, con cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tâm niệm xứ bao gồm những trạng thái tâm như: Tham, không tham, sân, không sân, si, không si, thu rút, phân tán, quảng đại, không quảng đại, hữu hạn, vô thượng, có định, không định, giải thoát, không giải thoát. Pháp niệm xứ gồm có: 5 triền cái, 5 uẩn, 12 xứ, 7 giác chi, 4 Thánh đế. Khi nói đến tâm là chỉ nói đến trạng thái tâm đang hiện hữu, còn khi nói đến pháp là nhấn mạnh đến những thái độ nội tâm do tương quan (căn - trần - thức) mà có sự sinh khởi, đoạn diệt, còn sinh lại, hay không còn sinh lại của các phiền não che lấp pháp chân đế (sự thật rốt ráo).
Điều này khi thực chứng qua thể nghiệm tiến trình tâm trên thực tế con mới trực nhận ra được, còn chỉ hiểu trên lý trí kiến thức thôi thì khó có thể thấy được đâu là tâm đâu là pháp.
Ngày gửi: 04-04-2012
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy!<p>
Con đọc Kinh Tứ niệm xứ, Đức Phật dạy 4 lãnh vực quán niệm là thân, thọ, tâm, pháp nhưng có điều này con suy nghĩ rất nhiều mà không hiểu. Vừa may có một bác Phật tử cao tuổi cũng có thắc mắc giống con. Bác khuyên con viết thư hỏi Thầy nên con xin Thầy chỉ dạy cho con rõ ràng vấn đề này:<p>
Trong kinh có ghi: “……Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên nội thân, ngoại thân……… Như vậy, vị ấy sống quán thọ trên các nội thọ; hay sống quán thọ trên các ngoại thọ; hay sống quán thọ trên các nội thọ, ngoại thọ……… Như vậy vị ấy sống quán tâm trên nội tâm; hay sống quán tâm trên ngoại tâm; hay sống quán tâm trên nội tâm, ngoại tâm…… Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp….”<p>
Nội thân, ngoại thân, nội thọ, nội tâm thì con có thể hiểu được chút ít, còn ngoại thọ, ngoại tâm, ngoại pháp thì con không hiểu nghĩa là như thế nào và phải ứng dụng ra sao?<p>
Kính bạch Thầy! Mong Thầy giảng cho con hiểu!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Quán thân, thọ, tâm, pháp dù trong (chính mình) hay ngoài (người khác) gì cũng không phải để thấy hình tướng, thành phần hay cấu trúc của bốn xứ mà thấy ra bản chất vô thường, khổ, vô ngã và nhờ đó mới không còn tà kiến, tham ái và chấp thủ nữa. Vậy con quan sát cách nào mà thấy ra thực tánh của bốn xứ này là được.