Jan 1, 2016.

Thầy ơi,

Nhanh quá Thầy nhỉ, mới ngày nào con nói với Thầy là con đã ở đây được một tuần, và bây giờ là một tháng rồi.

Trong cuộc đời mỗi người có rất nhiều chuyến đi vì những mục đích khác nhau. Còn con, con chọn cho mình những chuyến đi mà trên đó có những giá trị đặc biệt để nuôi lớn hạnh phúc và chí nguyện phụng sự cho cuộc đời.

Có lẽ con là một đứa trẻ cá biệt. Đến Lào mọi người bảo nơi đây buồn quá, mà con thấy trong lành đến kì lạ, lần đầu tiên được nhìn thấy khung cảnh một đoàn dài nhà sư đi khất thực trên đường phố Viên Chăn mà chao ôi, đẹp quá, cứ đứng nhìn theo mãi mà nước mắt chảy lúc nào không hay!

Đến Huế ở thấm những ngày mưa mà về mọi người hỏi mấy chỗ lăng tẩm, cung đình thế nào, có đẹp không? Con đâu có biết vì con không có đi tham quan, nhưng mà con có thể say sưa kể về những ngôi chùa mà bước chân con “đã về”, như hòa mình vào với vũ trụ bao la, suy tư về thói sống vội vàng khi rảo bước trong khuôn viên Huyền Không 1, Huyền Không Sơn Thượng, Thiền Lâm, Từ Đàm, Từ Hiếu, Từ Lâm, Pháp Luân – con đã và đang có những cuộc hành trình đẹp đẽ nguyên vẹn và trong sáng như vậy.

Càng đi càng ngộ, càng cảm càng thụ. Pháp là việc sống cuộc đời mình như thế nào, chứ không phải ở trên giấy. Pháp trở nên rối rắm và là cái gì đó xa lắm khi người ta cứ bám chấp vào sách vở, ngôn từ, và đọc lại như một con vẹt. Theo cách hiểu của con thì Pháp là tất cả những gì xảy đến trong cuộc đời dù tốt dù xấu, dù lên dù xuống, dù cao dù thấp, và từ đó mình có sự đối diện thật sâu sắc để không gây ác cho tự thân và đem phúc lợi tới cho mọi người. Pháp là một món quà đặc biệt dành cho tất cả, đó là nguồn mạch để phát triển trí tuệ, của sự vận hành lặng lẽ mà thâm sâu. Đâu phải là cái gì cao siêu, ngay khi ngồi chờ ở sân bay, ngồi trên xe bus cũng có thể chia sẻ những trải nghiệm, những thực tập đi ra khỏi khổ đau của mình cho những người họ đang bế tắc, đang cần được giúp đỡ về tinh thần, và khi đó cũng chính là đang thực hành pháp rồi.

Tu là chơi với mình trong sâu lắng, học trong cái chơi, thấy biết trong cái chơi. Đa phần mọi người sống mà không thấy ra được cái thực, cho rằng phải làm việc lớn, phải cố để đạt được cái gì, mà không biết chú ý vào những điều đang diễn ra trong hiện tại. Trong dòng chảy ngược xuôi này, mấy ai thấy ra được mỗi khi quét sân thì mỗi nhát chổi giống như là đang quét đi quét lại những bụi bẩn, những tham sân si, ngã mạn trong tâm mình. Mấy ai thấy ra được điều giản dị mà phi thường trong việc cọ nhà vệ sinh hay chỉ nhìn lướt qua bề ngoài thấy dơ dáy rồi tránh xa. Mấy ai thấy được trong bát cơm của mình, trong tách trà mình uống mỗi ngày là cả vũ trụ. Con người cứ sống lướt, sống vội vàng để rồi bất mãn tại sao có những việc cứ phải làm đi làm lại hoài dù đã biết trước kết quả, mà không chịu từng bước chiêm quan sự sống. Lá quét xong tí nữa lại rụng thôi, quét làm gì cho lắm. Nhà vệ sinh cọ tí có người đi vào lại dơ thôi, cọ làm gì cho lắm. Thì rằng ai cũng thấy đói thì phải ăn, nhưng mà ăn xong lại đói, lại phải ăn, rồi lại đói, vậy thì ăn làm gì cho lắm!

Chân lý lúc nào cũng hiện tồn, hiện tồn trong tất cả mọi thứ, trong đi đứng nằm ngồi, nấu cơm, rửa bát, quét nhà, cọ bồn cầu, trồng rau, ngắm hoa, trong sinh hoạt gia đình, anh chị em, nghĩa Thầy trò, và ngay cả ngồi yên ngắm nhìn sự hít thở thì chân lý cũng đang vận hành tuôn chảy… cái như thực luôn ở đây và bây giờ chứ không phải ở đâu cả mà đi tìm. Đường đi dù ngắn, nhưng đi lâu ắt sẽ thành đường mòn, một con đường của riêng mình, con đường của thấy, của biết, của trí tuệ. Mà thấy biết cũng đâu phức tạp mà có những người tưởng là khi thấy phải thấy ra cái gì cao siêu, phi thường; thấy biết bằng nghĩa với không kết luận, đang là thế nào thì là thế ấy, không như thế này cũng chẳng là thế khác.

Con người luôn đi tìm cầu hướng ra bên ngoài quá nhiều đến nỗi không biết thực sự mình muốn gì, luôn ghen tỵ với những gì người khác có, nhưng đến khi mình có cái giống người ta chắc gì mình đã hài lòng, tại sao cứ phải trở thành một ai khác thì mới hạnh phúc ?

Con không nói con chưa bao giờ biết ghen tỵ với một ai khác, nhưng con nhận ra được một điều rằng ngay chính trong bản thân mình đã có đủ hết mọi thứ rồi thì còn phải ghen tỵ với ai, nếu một người không thể sống với chính mình thì chắc chắn là có hai con người cùng trong một cơ thể rồi. Chỉ cần ngồi lại nhận diện được thân và tâm có mặt ngay tại đây và bây giờ thì lúc đó sự sống trở nên thật mầu nhiệm. Tuy nhiên đa phần mọi người đều không thích sống trong thực tại vì thực tại chẳng có gì cho họ mơ mộng, cho họ tưởng tượng cả.

Thầy à, mỗi lần Thầy nói một món gì đó “ngon đặc biệt” thì con lại cười. Con cười vì lúc đó Thầy đang nhắc lại cho con nghe một điều rất đơn giản thôi, nhưng sâu sắc, đó là “trên đời này cái gì cũng đặc biệt cả”. Vâng ạ, trong cuộc sống này cái gì đến với mình đều có ý nghĩa nhất định của nó, không có cái gì là vô nghĩa hết, quan trọng là có biết cách sử dụng những chất liệu tưởng như bỏ đi để làm đẹp cho cuộc sống này hay không mà thôi.

Ở ngoài xã hội, mỗi cá nhân, đặc biệt là những người trẻ tuổi như con luôn được ưu tiên đào tạo để trở thành một cá nhân xuất sắc, luôn hướng đến những điều tích cực và tránh những điều tiêu cực. Nhưng ở trong môi trường đạo thì lại khác, con được học để nhìn ra được sự tương tức giữa khổ đau và hạnh phúc, khổ đau được nhìn nhận là một điều kiện để hạnh phúc, có khổ đau mới khiến con nhìn mọi thứ trở nên sâu sắc hơn.

Thấy ra vô minh chính là tuệ giác. Không nhận ra tuệ giác chính là vô minh. Có những trường hợp con không làm gì sai cả mà lại bị người khác nói những điều khó nghe, những lúc như vậy con im lặng. Con đã thấy ra một điều vô cùng kỳ diệu là khi mình thư giãn mỉm cười, trái tim trở nên lắng dịu và những phản ứng bạo lực ngay trong lúc đó bị ngăn lại, không có cơ hội để bùng nổ ra nữa. Có những người con giận đến mức không thể nói chuyện được, nhưng khi biết tu một chút thì con cảm thông với người đó hơn là ghét và biết ơn người đó thật nhiều. Con thấy rằng, mỗi người mình gặp trên đời giống như những vị khách hàng ngày mình gặp lên chùa đây, có thể đi lướt qua nhau, có thể đứng nói đôi ba câu rồi đường ai nấy đi, không có ai ở lại mãi bên đời mình đâu. Vậy thì, giữ trong lòng những ghen tỵ, những phiền não, giận hờn, trách móc làm gì.

Không thấy được khổ, đó chính là khổ. Mỗi một người khi đứng trước tượng Phật là trong đầu có một mong cầu, hy vọng nào đó, không ai giống ai, vậy là vấn đề đi tìm bình an sung sướng thật là một nhu cầu lớn. Hầu hết đều nghĩ rằng hạnh phúc là đạt được điều gì đó, nhưng hạnh phúc thật sự là không mong muốn gì cả. Tu mà còn muốn cái này, muốn điều khiển cái kia thì tu gì, đó chỉ là mánh khóe của tâm, còn muốn tức là đã để cho cái tâm bất thiện lấn át, đã thua cuộc ngay bước đầu nó khởi lên rồi, phải không ạ?

Con là một đứa trẻ vô cùng may mắn và hạnh phúc. Ở chùa nhưng con không có mong cầu gì cả, hiện tại quá đủ hạnh phúc rồi. Tất cả những thăng trầm ở đời đều là điều tốt cả nếu biết giá trị đích thực của chúng. Những tình huống lên xuống, dở hay gì thì cũng rất tốt, họ đều là Thầy dạy cho ta nhiều bài học quý báu. Con từng đọc ở đâu đó 1 câu đại ý là: “Hãy coi khổ đau và hạnh phúc có giá trị ngang nhau”. Tuy nhiên, con coi khổ đau có giá trị nhỉnh hơn một chút. Những nỗi khổ niềm đau đến với mình giúp mình hiểu bản thân một cách sâu sắc đã đành rồi, mà khi mình hiểu được bản chất thật sự của những khổ đau phiền não sai lệch trong mình thì khi đó mình cũng mới có thể hiểu được khổ đau phiền não không đúng đường của người khác. Cuộc sống thật sự rất hay.

Con không có suy nghĩ là sẽ phải học thật nhiều, biết thật nhiều kiến thức liên quan đến Phật giáo, chắc một phần cũng do bản tính lười. Con cảm thấy rằng mình cứ sống đúng với trình độ phát triển tâm linh của mình, không sống thấp hơn, nhưng cũng không cố cao hơn để làm gì cả, coi chừng tham muốn biết nhiều rồi sẽ bị ngột. Chân lý không nằm trong ngôn từ, chân lý có mặt ngay trong cuộc đời. Con muốn tu – tức là trải nghiệm những bài học ngay trong cuộc sống này. Chỉ khi đối diện với cuộc đời, con mới học được điều gì đó thật sâu sắc. Con hài lòng với mình hiện tại, giống như một bông hoa nhỏ lúc nào cũng mỉm cười dù nắng, dù gió, dù mưa, dù giông tố thì vẫn vững vàng với vẻ đẹp của người biết đứng một mình.

Con,

Uyên Nguyên

(Con cảm ơn Thầy luôn luôn lắng nghe. Con thấy mình giống như em út, một em tập sự nhỏ tuổi, một sự tươi trẻ nơi cửa Phật, ở đây con có một đời sống tâm linh thật đẹp đẽ, bất kể là điều gì: bình minh, nắng chiều, nụ hoa, ngọn cỏ, bóng dáng các sư đi lại khoan thai nơi chánh điện… tất cả đều nhiệm mầu, sâu sắc). 

 


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024