• Ký sự: trở lại đảo Phật - Sri Lanka (Ngày 06)
  • Tác giả: Minh Quang



 

Ký sự: trở lại đảo Phật - Sri Lanka

Ngày 06: tham quan các thắng tích (2/2)

 

5h sáng thức dậy, ngồi viết một chút đến 6h, trời đã sáng bừng. Ra ngoài ban công ngắm nhìn các chùm xoài xanh thật hấp dẫn, thấy bà ngoại bé Lam đã đang ngồi dưới ghế đá ngắm cảnh.

Tắm rửa xong, mình kêu 2 mẹ con thức dậy. Bé Lam muốn nướng thêm tí nữa nên mẹ Huyền dậy trước. Đến 6h30 mình kêu bé dậy, rửa mặt thay đồ xong, thu xếp ba lô xuống cất thẳng lên xe. Sau đó vào phòng ăn, hai Sư và mọi người đã có mặt.

Buổi ăn sáng vui vẻ vì ai cũng ngủ ngon sau 1 ngày mệt mỏi, nhất là Chandra, anh tài xế, người lao động vất vả trong ngày. Các món ăn vẫn như lần trước, mỗi người có thêm 1 ly đu đủ xay. Mình kêu thêm ly nước trái thơm xay cho bé Lam vì cô nàng không thích mùi đu đủ. Thế là mẹ Huyền được 2 ly đu đủ xay. Mọi người chọn những món khác, còn mình thì vẫn trung thành với món cơm vắt và cá ngừ kho lạt, tuyệt vời. Gần như mình chỉ ăn món này, và chiếm cả dĩa cá ngừ vì không ai đụng vào trong buổi ăn sáng. Đút bé Lam vài miếng cá ngừ, không quá cay nên bé cũng chịu ăn. Qua Sri Lanka, bé Lam tự nhiên thích ăn thơm và chuối, nhất là thơm (do không ăn đu đủ). Một mình cô nàng ăn hết miếng cơm vắt, mấy miếng thơm to, rồi uống hết ly nước trái thơm xay nữa. Mình cảnh báo rằng chút nữa phải đi bộ nhiều để lên tới thạch động nên bé phải ăn nhiều mới có đủ sức. Thế là Lam ăn thêm 1 trái chuối sứ nữa.

Khi ra trả tiền phòng, tổng cộng là 36'000 rps (220 euros) cho 2 phòng, ăn tối, ăn sáng 4 người và tiền phòng có máy lạnh cho Chandra nhưng đi với Sư nên được giảm 50%, còn 18'000 rps.

Xe trực chỉ hướng Dambulla, từ đây đến đó chắc khoảng 2 tiếng. Mình ngã lưng ra ngủ. Mấy ngày ngồi xe, bít bùng với máy lạnh thật nặng đầu, may là xe lớn, thoáng đãng. Mọi người cũng tranh thủ chợp mắt, chỉ có hai vị Sư ngồi nói chuyện với nhau. Mở mắt ra thì thấy tảng núi đá lớn ở xa xa, biết là sắp đến nơi rồi.

Gần 10h, trời nắng hừng hực. Mọi người xuống xe đi vệ sinh, chỉ có Thala (con gái của hai bác người Lào), mình và bé Lam đứng ở ngoài sân đợi. Mình muốn đến mua vé trước nhưng Thala bảo đợi Sư. Nó đã đến đây 2 lần rồi mà không nhớ hướng nào để vào, mua vé ở đâu. Khi Sư ra thì mình vào phòng vé, 1500rps/người (gần 10 euros), người bản xứ thì miễn phí!!! Đã đi đến đây rồi, nhưng mỗi lần trả số tiền này, mình vẫn cảm thấy hơi không bằng lòng. Ở những di tích khác, chỉ từ 250 - 750 rps, là khoảng chi phí dễ được chấp nhận với người ngoại quốc. Nhưng cuộc sống là vậy, công bằng chỉ có ở nơi buông xả, thấy ra và không chạy theo cái khó chịu trên mà thôi:-)


 

Khỉ mẹ ôm con ngồi ngay bên đường đi

 

Bắt đầu tiến tới các bậc thang nơi đầu con dốc, một bầy khỉ đã ngồi sẵn đó. Trời nắng gắt nên đi hết các bậc thang không có bóng râm, bé Lam lè lưỡi và đòi nước uống. Mình đem 1 chai cho bé, 1 chai cho hai Sư. Bác gái người Lào mua hai bó hoa sen, chừng hơn 1 chục bông hết 200 rps, chia cho mỗi người 1-2 cái để cúng dường Phật.

 

 

 

Mấy người bán hàng rong chạy tới mời mọc, họ nói đủ thứ tiếng, Anh, Pháp, Tàu. Mọi người từ chối và tiếp tục đi lên. Đứng nghỉ 1 lần rồi đi, cuối cùng cũng lên đến nơi. Vanida (cháu của hai bác người Lào) bị đứt dép, vừa đúng đến chỗ giữ giày dép. Mọi người chụp chung 1 tấm hình rồi đi vào bên trong.

 

 

Trước cửa vào thạch động

 

Bé Lam đi theo Vanida và Thala, coi sơ 1 vòng rồi ra ngoài đứng chơi. Huyền và bà ngoại bé cùng với hai Sư chiêm bái lâu hơn. Nhất là ở tượng Phật Niết Bàn đầu tiên, một tuyệt tác phẩm! Huyền thấy các tượng được tạc quá sống động nên có cảm giác các vị đang đứng, ngồi xung quanh quan sát mình! Nếu có thời gian, cả nhà mình có thể ở thêm 1 vài tiếng nữa nhưng biết là ngoài kia mọi người đang chờ nên cũng không quá nấn ná ở mỗi nơi.

 

 


Ra ngoài, hôm nay có gió nên không nóng nực, đứng dưới bóng râm rất thoải mái. Phóng tầm mắt xuống xung quanh, cây cối xanh tươi, yên bình. Lần đi này, dù không có nhiều thời gian để nhìn, ngắm, suy tư như lần khám phá đầu tiên, mình vẫn cảm thấy nhiều điều mới mẻ nơi cảnh vật cũ, hay nói đúng hơn là mọi sự đều mới trong tâm không thờ ơ, không mong đợi. Thầm nghĩ nếu ngồi đây đến chiều, ăn lót dạ qua loa chút gì đó rồi nhìn ngắm xung quanh trời mây, nắng gió, người, vật qua lại thì thật thú vị. Lúc ở nhà, mình định ghé ngủ nơi đây 1 đêm để sáng sớm hôm sau lên núi ngắm trời mọc. Nhưng khi đến đây chương trình thay đổi thì thôi để 1 dịp khác vậy, nếu có.

 



Mọi người đi ra về, đến chỗ lấy giày. Mình nói nhanh với Huyền rồi cầm đôi giày của mình đến đưa cho Vanida mang. Mới đầu cô ấy từ chối, bảo thích đi chân không. Mình đã biết cái nóng trên đá granit giữa trưa ra sao rồi nên bảo cô ấy mang giày vào, thân đã bị đủ vấn đề rồi, đừng hành hạ nó thêm nữa.

Đi vài chục mét, đám khỉ ngồi trên hàng cây sứ quan sát mọi người. Mình hỏi bé Lam muốn cho chúng ít kẹo mang theo không, bé chịu. Vừa mới lấy ra đưa bé cầm trên tay, hai con khỉ phóng nhanh từ trên cành cây chạy đến giựt lấy cục kẹo. Bé Lam hoảng quá ôm chầm tía, không chịu cho nữa. May mà không bị cào vào tay! Vậy thôi, chúng khỏi được ăn nữa. Cả nhóm đi xuống.

Trên đường đi xuống, bà ngoại bé Lam mua một số postcard chụp hình các tượng Phật trên núi để tặng người quen ở bên nhà. Trưa nắng, đi chân trần dưới nền đá nóng rát, mình không cảm thấy khó chịu, chỉ cảm phục, trân trọng sự cam chịu, nhẫn nại của bao người phải lao động mưu sinh dưới cái nắng nóng này. Còn vài bậc thang cuối, mình kín đáo lấy hai cục kẹo đưa cho bé Lam thảy cho khỉ ăn. Cô nàng quăng nhanh ra xa, thế là 2 tên khỉ chạy nhanh lại lấy rồi cắn mở bao giấy 1 cách điệu nghệ, ăn ngon lành. Đi xuống dưới, như lần trước, không ghé vào trong bảo tàng mà đi thẳng ra xe, Chandra đã mở máy chờ sẵn. Bây giờ trực chỉ đến Matale, chùa Aluvihara.

 

 


Xe chạy chừng 20' thì Chandra tấp vào bên đường, ngay trước mặt là nồi bắp luộc nước muối, được đốt bằng cây khô và các quày dừa treo gần đó. Mọi người thích thú bước xuống. Bà lão bán hàng đến đảnh lễ hai Sư. Xung quanh sạch sẽ, các trái bắp được dựng đứng hàng dài dựa vào một cành cây to. Mua tổng cộng 7 trái dừa (2 cô gái trẻ không uống) và 18 trái bắp luộc. Bà lão và người con trai chỉ biết nói giá tiền của mỗi trái bắp, trái dừa thôi chứ không biết tổng cộng là bao nhiêu. Khuôn mặt hai người ngớ ra một cách dễ thương trước một việc ngoài sức của họ. Hai Sư phải tính dùm, 30x7+10x18 = 390 rps (hơn 2 euros), mình đưa 500 rps biếu bà luôn. Bà quỳ xuống đảnh lễ hai Sư trước khi mọi người lên xe.


 

 

Trên xe, bé Lam cũng cạp hết 1 trái, xong rồi lăn ra ngủ. Mình cũng ăn 1 trái thôi (khẩu phần 2 trái/người) rồi ngủ 1 chút chừng 15'. Thức dậy ngắm cảnh, dọc đương cây cối xanh tươi, rậm, trù phú hơn dưới thiền viện. Sư nói ở đây người Hồi giáo nhiều nên cũng ít chùa, ít Tăng Ni.

Xa xa nhìn thấy tượng Phật trên lưng chừng núi, biết là sắp đến chùa, mình kêu bé Lam dậy. Trong chuyến đi, mỗi lần bị kêu dậy, bé Lam rất ngoan, không cằn nhằn mà nhanh chóng mở mắt rồi ngồi bật dậy như người lớn, không phiền tía mẹ chút nào.

Xe đậu dưới tán cây nên không quá nóng khi bước ra ngoài. Ba bà lão bưng các dĩa hoa bằng lá chạy đến. Là các loại hoa đơn giản mọc đầy xung quanh, mỗi đĩa giá 20 rps. Mình chủ động mua giúp sự mưu sinh thiện lành này. Tổng cộng 220 rps nhưng trong túi của họ không có đến 80 rps để thối tiền. Một bà lão xin chạy đi đổi, mình lấy thêm 1 dĩa hoa nữa rồi nói họ giữ hết số tiền còn lại. Bé Lam chọn dĩa có một cành hoa trang đỏ ở giữa, không đụng hàng với mọi người.

 


Viếng Aluvihara - nơi kinh tạng được viết lần đầu trên lá bối

 

Vào đến tượng Phật Niết Bàn, bé xếp hoa trên bàn đá, xong rồi cùng quỳ đọc kinh ân đức Tam Bảo với tía. Sang đến hang thứ nhì, cô nàng vừa bước vào xong vội chạy ra. Ở đây có các tranh trên vách và trần mô tả 4 cõi khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và atula nên bé Lam sợ là phải rồi. Hai tía con đứng ngoài sân, nơi ngày xưa Chư Tăng kết tập kinh điển lần thứ ba.

 


 

Hỏi con có sợ nhiều không khi thấy các cảnh khổ hồi nãy, bé Lam trả lời là không sợ nhiều nhưng không thích. Mình giải thích cho con tại sao Đức Phật dạy bốn câu kinh mà mỗi ngày bé vẫn thường đọc (không làm mọi điều ác, thành tựu các hạnh lành, thường thanh lọc tâm ý, là lời Chư Phật dạy). Nghe - thấy - hiểu đi chung với nhau thì sự nhập tâm sẽ vững mạnh hơn, xem như phần trách nhiệm, bổn phận của người làm cha mẹ, gia tài văn tuệ, tư tuệ đã được trao truyền. Chỉ còn lại sự tu tuệ, tự trải nghiệm trên chính hoàn cảnh sống của bé về sướng khổ, được mất, khen chê, vinh nhục, để trọn hiểu ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống mà thôi.


 

 

Đợi mọi người ra, cả nhóm băng qua khe đá hẹp, đến nơi ngài Phật Âm trú ngụ khi xưa. Sau đó leo trên tảng đá cao mà các bậc thang được đẽo thẳng vào đá granit. Cảnh vật xung quanh xanh tươi, nhờ bà ngoại chụp chung ba người 1 tấm hình. Nền đá nóng nên bé Lam chạy xung quanh stupa rồi tìm nhanh chỗ râm để đứng. Khi đi xuống, mình nắm tay bé Lam, bé nói ở đây dễ hơn đường lên tảng đá ở Mihintale.

Tới cội cây bồ đề, mọi người đang đứng ngắm thì cành lá kêu mạnh như đang rơi xuống. Thì ra một đám 4-5 con khỉ nhảy từ tàu dừa sang, tìm bứt trái bồ đề ăn ngấu nghiến, chúng leo trèo, chuyền cành thật ồn ào.

Sư dẫn mọi người vào Tăng xá, mình không vào mà đi ra lại ngõ khe đá hẹp, ngồi trên bậc tam cấp ngắm nhìn sân chùa trong ánh nắng trưa, không một bóng người.

Chợt động tâm nghĩ đến công đức vô lượng của chư Tăng đã kết tập và viết lại kinh điển trên lá bối. Đồng thời cũng nghĩ đến mặt kia của sự việc này mà thấu hiểu hơn tại sao có nhóm lớn chư Tăng không đồng ý ghi chép lại. Lợi-hại, hay-dở không biết đâu mà lường, tưởng vậy, nghĩ vậy, cho là vậy mà không phải như vậy. Pháp là vậy đó...


 

Sân chùa Aluvihara

 

Khung cảnh xung quanh chùa

 

Ngồi 1 chút thì mọi người đi ra, mình đi theo xuống xe. Mọi người quyết định không đến Kandy mà về Colombo ghé siêu thị Phật giáo, nơi bán đầy đủ tranh, sách, tượng Phật. Đường đi đèo dốc quanh co, hiểm trở, lại sửa đường liên tục nên tội nghiệp Chandra phải căng thẳng lái xe.

Xuống đến đồng bằng, đang chạy nhanh thì phải thắng gấp, cả mấy xe dừng ở phía trước. Tưởng là có tai nạn hay sửa đường, thì ra là một con kỳ đà to bằng con cá sấu lớn đang nhởn nhơ bò qua đường. Nó thè rụt cái lưỡi như lưỡi rắn, chậm chạp bò qua, vừa bò vừa ngó lên như không có chuyện gì. Sư nói đường sá bên này dành cho tất cả mọi chúng sinh chứ không riêng gì cho người. Hiếm khi cán phải chúng lắm.

Đến 16h30 thì về ngang chùa. Xe chạy ra Colombo, đi hết đường cao tốc, vào cửa ngõ thành phố là bắt đầy kẹt xe. Lần đầu tiên mình vào Colombo, lần đến Sri Lanka trước, mình không có nhu cầu vào đấy. Hôm nay cũng vậy, sẵn dịp có nhu cầu của gia đình bác người Lào thì mình đi luôn cho biết.

 

Hình ảnh rất giống đoạn ngõ tư Thủ Đức về cầu Sài Gòn, xe nối đuôi nhau đủ loại. Không biết bao giờ mới vào đến trung tâm. Từ từ nhích vào, đường sá như ở SG, mình cảm tưởng như đi ngang qua cầu Điện Biên Phủ, Đa Kao, Võ Thị Sáu, ... Cũng hàng quán, bảng hiệu, xe cộ, ... Chỉ là rất ít xe gắn máy, đa phần là xe hơi, xe tải và xe tuk tuk.

 

 

Thỉnh thoảng nơi góc ngã tư là một tượng Phật toạ thiền. Xa xa là những chung cư cao cấp, khách sạn deluxe xen lẫn với dãy nhà cửa bình dân nhấp nhô. Điều ấn tượng đầu tiên của mình là cây cối rất nhiều, ngay trong nội đô. Ấn tượng kế đến là chim chóc rất nhiều, nơi mỗi tán cây, chim bay lượn xung quanh nhởn nhơ. Và sau cùng, kiến trúc mang đậm nét thuộc địa cũ của Anh nơi vùng nhiệt đới, nhà nào cũng trồng cây xanh trong vườn (ngoại trừ những chung cư mới xây sau này).

Đến siêu thị khoảng 18h, gần 1 tiếng rưỡi để đi quãng đường 10km trong thành phố. Siêu thị sách thật lớn, đầy đủ tất cả các sách Nguyên Thuỷ, tam tạng kinh điển, sách dạy ngôn ngữ Pali mọi trình độ, sách Phật giáo cho trẻ từ 2-3t đến 10-15t. Ngoài ra, các loại tượng Phật, tranh ảnh, y casa, và vô số các vật nhỏ, đồ lưu niệm. Tầng trệt là sách tiếng Cinghalais, tầng trên là sách tiếng Anh, Pháp, Đức.

 


Trong siêu thị sách Phật giáo

 

Bé Lam vừa nhìn thấy khung ảnh Stupa Ruwanwelisaya ở Anuradhapura liền ồ lên, chạy đến cầm lấy và xin mua đem về, nói là con muốn treo trong phòng của con. Món đồ đầu tiên đã được chọn! Mình đi vòng quanh xem, giá cả không rẻ hơn ở nơi khác bao nhiêu, chừng 50-100 rps cho loại tượng Phật mình thỉnh mua lần trước ở Kandy. Chỉ là nơi đây có đầy đủ tất cả, khỏi phải đi đâu hết. Bà ngoại bé Lam mua 1 tượng Phật nhỏ màu trắng để tặng cho người quen ở VN, mình mua một quyển kinh tụng mỏng song ngữ Pali - English cho thiếu nhi, chỉ vậy thôi. Mấy người kia mua nhiều, cả Sư Anurudha cũng mua một chồng kinh sách tiếng Đức vì Sư đang hoằng pháp ở vùng TS Đức (sau 2 năm biết Sư, bây giờ thấy Sư giao tiếp bằng tiếng Đức dễ dàng rồi).


 

Ba thế hệ chập chững trên đường Đạo ...

 

Lên xe, Sư bảo Chandra chạy 1 vòng bãi biển Colombo, trung tâm thành phố với khách sạn 5 sao nằm sát bên bờ biển. Sư nói giá ở đây tối thiểu 4-500 usd/1 đêm, như bất cứ những nơi 5 sao nào khác. Sư hỏi mình có thích không, mình trả lời là con không có nhu cầu và điều kiện để ở những chỗ như vậy.

Xe chạy 1 chút thì ra tới xa lộ. Rời xa lộ, gần tới sân bay thì đột nhiên rẽ phải. Chạy thêm vài trăm mét thì tới chợ, xe dừng trước hàng trái cây để cô người Lào mua đem về Pháp. Nghe Sư nói đã chuẩn bị 6kg cóc xanh, mấy trái đu đủ, chuối,... Sư xuống mua thêm 1 bịch to cóc xanh nữa, 2 nải chuối đỏ. Mình mua cho bé Lam 5 trái khế, 1 trái thơm để ăn tối. Trên xe về chùa, bé Lam ăn hết 4 trái khế.


 

 

Đến chùa đã 21h, mẹ Dilshan đã chuẩn bị đồ ăn tối cho mọi người. Thấy bà có vẻ bớt mệt hơn hôm qua. Ăn tối có cơm, thịt gà xào cà ri và trái cây. Mọi người ăn nhanh để còn xếp va li. Chandra lái xe cả ngày mệt đừ, vậy mà nhất định không ăn chung, lại còn lo gọt đu đủ nữa và chờ mọi người ăn xong rồi mới ăn với mấy người trong chùa.

Mình ăn xong, lên phòng tắm rửa, cho bé Lam ngủ rồi đi xuống dưới, nói chuyện với Sư khoảng 10'. Lên đến phòng, viết được vài dòng là lăn ra ngủ liền. Một ngày thật dài đã trôi qua.

(Còn tiếp)


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024