• Tiểu ký sự Sri Lanka (Ngày 1)
  • Tác giả: Minh Quang

 

Sri Lanka - 2014

Ngày 01: đến thiền viện Sudarsana

 


Đến sân bay Colombo lúc 8h15. Làm thủ tục hải quan tương đối nhanh dù máy bay đầy nhóc, chắc cũng hơn 400 người. Đúng là đất nước Phật pháp có khác. Các vị hải quan thân thiện nhưng vẫn giữ được sự nghiêm túc!

Mình đem theo 250 cái kính cũ để cho những người nghèo bên này. Cũng giống Thuỵ Sĩ, hải quan để mình tự giác khai báo. Mình thật thà ghé lại một anh hải quan khai, anh ta lấy dao rạch thùng ra. Sau khi nhìn mớ kính, anh ra gọi sếp lại.Vị sếp đeo mắt kính, sau khi nghe trình bày rồi nói với mình là, "tôi cũng là người nghèo đeo kính đây, anh cho tôi được không?" Thấy mình thật thà trả lời là nếu anh hạnh phúc khi dùng những kính này thì cứ lấy bao nhiêu tùy ý, anh ta cười, vỗ vai kêu đi đi, anh ta chỉ đùa thôi!

Đợi lấy hành lý xong xuôi, ra khỏi sân bay cũng 9h.

Sư Walpola đã đứng đợi mình từ hơn nữa tiếng. Nhìn những hải quan, nhân viên quỳ xuống đảnh lễ Sư, mình phục sát đất!

Cảm giác đầu tiên khi nhìn cảnh vật xung quanh là mình đang ở Sài Gòn! Không phải tại sân bay TSN mà là một công viên nhỏ nào đó, đơn giản và hiền hoà. Cũng thảm cỏ xanh nhỏ, với hàng cây điệp vàng giản dị của miền nhiệt đới. Bên ngoài sân bay nhỏ hẹp, giản dị, không có cái vẻ phô trương của một sân bay quốc tế.

Chùa cách sân bay chừng 5km.

Ngồi trên xe về chùa, lại có cảm tưởng như đang trên con đường nhựa nhỏ hẹp ở miền Tây, xứ dừa. Cũng dừa bạt ngàn, cũng vườn đu đủ, xoài, chuối, ... tạo nên màu xanh đặc trưng thân quen. Cũng hàng quán, tiệm vá sửa xe, bảng quảng cáo,.... cứ tưởng mình vừa quẹo khỏi ngã ba Thủ Đức để đi xuống vườn cò. Vừa đến đất Phật thì chánh niệm đã chạy đâu mất tiêu rồi!

Chạy chừng 5', xe quẹo vào một ngỏ hẻm nhỏ. Khoảng hơn 1km là đến chùa. Ai đã từng đến thiền viện Phước Sơn thì sẽ thấy rất đỗi giống nhau, gần gũi! Tuy nhiên, ở đây thiếu tiếng Việt nhưng dư tiếng chim hót (vì đâu có ai ăn thịt tụi nó)!

 

 

Thiền viện Sudarsana

Tự mình nói thầm, "welcome to Sudarsana meditation centre", dù mắt đang quan sát tìm 7 điểm khác nhau với VN! Cái ngã sở nó rất trung thành, gì gì thì nó cũng quay về so sánh với "tôi", "của tôi", so sánh chỗ này, chỗ kia. Mặc kệ nó, ngó cho đã rồi tính sau!

Sư dẫn mình đi tham quan 1 vòng thiền viện. Thấy hai vị Ni đang quét sân, mình xá lễ rồi theo Sư đi tiếp. Sự bày trí vô cùng đơn giản theo truyền thống Nguyên Thuỷ. Trong chánh điện chỉ có một tượng Đức Bổn Sư tọa thiền đơn giản. Hai bên là hai cái ngà voi nhỏ. Xứ này nhiều voi nên ngà voi tượng trưng cho sự tôn kính chứ không có ý nghĩa phô trương, mình nghĩ như vậy.

 

 

Thiền viện với khung cảnh đơn sơ, giản dị

Một cảnh lạ mắt nữa là trên sân thượng, nhìn ra cánh đồng kế bên, một con kỳ  đà to cỡ con chó bergier đang vô tư nằm phơi nắng. Mình hỏi thì Sư trả lời là đâu có ai bắt, ăn thịt đâu mà nó sợ. Món khoái khẩu của nó là rắn nên bây giờ ở đây hiếm khi còn gặp rắn lắm. Ở VN thì tên kỳ đà này chắc đã lên chảo hay nằm trong hủ rượu ngâm mấy đời rồi! Sư nói thêm là ở đây, người ta không ăn thịt động vật hoang. Trên cây cao, sóc rất nhiều, đếm sơ sơ cũng gần cả chục con.

 

 

Chú kỳ đà khổng lồ dưới cánh đồng sát bên thiền viện

Sư dẫn đến từng phòng, giải thích cặn kẽ, mình mới thấy hạnh nguyện phục vụ của ngài. Ở Sri Lanka, tràn ngập Thánh tích nhưng ngài chỉ muốn lui về một nơi thanh vắng, nghèo nàn để tự lập một thiền viện khiêm tốn nhằm chia sẻ pháp hành với tất cả những người hữu duyên. Thật đáng để ta suy ngẫm!

Các phòng ốc đều tươm tất, sạch sẽ, tiện nghi. Sư vừa mới kết thúc một khoá thiền với khoảng 70 thiền sinh vào cuối tuần trước. Ngài nói với mình, "bây giờ Sư có 10 ngày rảnh rỗi với con"!

  

    

Phòng 3 giường ngủ với nhà tắm bên trong, đơn giản và đầy đủ.

Đi thăm 1 vòng xong, vào ăn sáng. Trên máy bay, mình không dùng suất ăn sáng vì no quá, bây giờ mới thấy đói. Đã lâu lắm rồi, mình mới được ăn lại một trái chuối già chín bói, hái từ vườn của chùa, thật tuyệt vời! Sư không ăn vì đã dùng từ 7h sáng.

  

 

Bữa ăn sáng giản dị và đầy đủ


Dùng bữa xong, hai Thầy trò đàm đạo. Sư lắng nghe trình pháp và giảng giải kỹ càng những thắc mắc của mình.

Thời gian trôi qua nhanh chóng. Đến lúc Sư độ ngọ, mình xin phép không dùng bữa vì mới ăn sáng xong.

Về phòng cất đồ xong xuôi, sau đó gọi facetime về cho 2 mẹ con. Ba Khía đang uống sữa chuẩn bị đi học. Cô nàng mếu máo nói nhớ tía, ái biệt ly khổ!

Nói chuyện cùng với Sư 1 lát, hẹn đến 15h Sư dẫn ra chiêm bái bảo tháp Xá-lợi của Đức Phật cùng cây Đại Bồ Đề ở thắng tích Kelaniya.

Về phòng tắm rửa xong thì mới thấy thấm mệt. Mở cửa sổ phòng, trong không khí tĩnh lặng, chỉ có tiếng chim, gió hiu hiu, xào xạc tiếng lá chuối khô bên ngoài cửa sổ, mình không làm một giấc thì mới là điều lạ!

Cẩn thận để chuông báo thức, nếu không thì không biết chừng nào mới thức dậy!

14h30, chuông reo. Coi vậy mà cũng ngủ được một giấc sâu 40', đã quá chừng! Rửa mặt xong thấy tỉnh hẳn ra.

Đúng 15h lên xe. Nói là gần chứ cũng chạy khoảng 30', trong đó phần lớn là đường cao tốc. Nhà nước Sri Lanka mới vừa làm xong 2 đường cao tốc, do Trung Quốc đầu tư. Sư nói các gói thầu trọng yếu đều do các chú Tàu đầu tư, như nhiệt điện, đường cao tốc, sân bay, cầu cảng,... Đã có khoảng  hơn 150000 dân TQ đến thường trú ở Sri Lanka. Đó là tính 2 mặt của vạn pháp, Sư nói.

Dọc đường đi, cảnh vật là một sự pha trộn hài hoà giữa vùng đất ven biển tựa Bà Rịa - Vũng Tàu và xứ dừa Bến Tre. Dân cư thưa thớt, nghèo nàn nhưng rất yên bình, sạch sẽ.

Khi vào thành phố, cảnh trí không khác gì những con đường nhỏ hẹp, quanh co ở khu Tân Bình, hay ở khu gần chợ Thủ Đức. Chỉ có điều là mật độ lưu thông thưa thớt giống như những ngày mùng 1, mùng 2 Tết!

  

 

 Trên đường đi

Đến nơi, vì là xe của chùa nên có thể chạy thẳng vào sát bên trong. Từ trên xe, bắt buộc bước xuống bằng chân không. Một sự bắt buộc quá dễ chịu đối với mình!

  


Thắng tích Kelaniya Maha Vihara:

Đại tự viện Kelaniya, tại đây là nơi ghi ghi dấu lần thứ ba và là lần cuối Đức Phật đến Sri Lanka.

Theo truyền thuyết, Đức Phật đến đây cùng 500 vị Thánh Tăng Arahant vào rằm tháng 4 của hạ thứ tám sau khi thành tựu Đạo quả. Ngài đến đây giảng pháp nhân việc tranh giành ngôi báu giữa hai hoàng thân.

 

 

Kelaniya Raja Maha Vihara (hình lấy từ internet)

 

Đại tự tọa lạc gần bờ sông Kelaniya, trên một khu đồi trống. Tại đây có một bảo tháp Stupa lớn tên là Kelaniya Raja Maha Vihara, đường kính chừng 50m, bên trong lưu giữ Xá-lợi Phật.

Kế bên là tự viện, bên trong có một cổ tượng Phật nằm dài chừng 10m rất đẹp, và vô số tranh cổ vẽ trên tường và trần, mô tả những tích sự trong kinh điển.

 

 

Cây bồ đề hơn 2000 năm

Bên hông kia của tự viện là cây Đại Bồ Đề trên 2000 tuổi. Là một trong 64 cây con đầu tiên của cây Đại Bồ Đề ở Anuradhapura, được Thánh Ni Sanghamitta chiết từ cây Bồ Đề tại Bod Gaya, mang sang Sri Lanka thời Đức vua Ashoka, khoảng hơn 200 năm sau khi Đức Phật nhập diệt.

Mình đi nhiễu ba vòng quanh cây. Một cảm giác thanh bình, hoan hỷ khó tả lẫn với niềm tri ân sâu sắc đến Đức Phật và Giáp Pháp mà Ngài đã chỉ dạy, cùng với chư Thánh Tăng Ni đã dày công lưu truyền trong suốt bao nhiêu thời gian qua!

 

 

Tranh trên tường và trần của tự viện ghi tích 3 lần Đức Phật đến Sri Lanka

 

Đi vòng quanh, Sư giải thích cặn kẽ các dấu tích. Đáng tiếc là vốn tiếng Anh của mình quá nghèo nàn và trí nhớ kém nên có rất nhiều chi tiết bị bỏ sót.

Nơi đây cũng lưu giữ bệ đá, theo truyền thuyết là sau khi giảng pháp và hoà giải xong tranh chấp, Đức Phật đã tắm và thay y ở trên bệ đá đó.

  

 

Bệ đá nơi Đức Phật thay y

 

Ngày nay, Sư nói đa số giáo chúng đến đây để cầu nguyện, dâng hoa, dâng dầu để cầu xin hết bệnh, có con, giàu có, bình an,... chứ ít người đến vì cốt lõi của Giáo pháp!

Đây là 1 trong những chốn linh thiêng bậc nhất của Sri Lanka hiện nay. Vào ngày rằm mỗi tháng, nhất là rằm tháng Giêng, tháng Tư và tháng Sáu, Phật tử tụ hội về đây khoảng 1-2 trăm ngàn người để dâng cúng cầu nguyện. Sư nói là, "con đến đúng vào 1 ngày trước rằm, nếu không, vào ngày mai khó mà có chỗ đặt chân chứ đừng nói chi đến việc chụp hình!"

Mình có duyên may được đảnh lễ vị trụ trì, ngài Sangharakkhitha Maha Thero. Ngài hiện là trưởng viện Pali của trường đại học Phật giáo Sri Lanka.

Trên đường về, Sư hỏi mình nghĩ gì khi đi nhiễu quanh cây bồ đề? Mình trả lời rằng thật lòng không nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ là tưởng nhớ đến Đức Phật, đến Tứ Diệu Đế thôi.

Sư giảng rằng nhìn cây bồ đề, quán tưởng đến hơi thở, là một vòng vận hành trọn vẹn, hài hòa của tự nhiên, chứ không phân biệt ta-cây, để thấy rằng sự vận hành của tứ đại đều khắp. Không còn sự thủ chấp, phân biệt, khái niệm trong đó nữa. Mình vâng lĩnh lời dạy này.

  

 

Tượng Bồ Tát tu khổ hạnh ép xác

 

Trở về chùa thì trời đã tối. Dùng bữa xong thì mình ra nghe các Sư đọc kinh khoảng 1 tiếng.

Một bữa tối thanh bình, trăng tròn sáng và yên lắng, văng vẳng tiếng chó sủa. Mình thiền hành 1 chút rồi vào nói chuyện với Sư. Sư đề nghị sáng hôm sau dẫn mình đi thăm Kandy, chùa Xá Lợi Răng của Đức Phật nhưng mình xin phép Sư được ở lại thiền viện cả ngày để tận hưởng không khí yên bình nơi đây.

Sau đó Sư đi nghỉ, mình ngồi ghi chép lại những điều nghe thấy và cảm nhận của ngày đầu tiên đến đây. Được một chút thì đã thấy buồn ngủ.

Ngày đầu tiên trôi qua như thế!

  


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024