• Nền Tảng Phật Giáo - Quyển V

    PHƯỚC THIỆN

  • Soạn giả: Hộ Pháp

 

Khi ấy, chư tỳ khưu có ý kiến rằng: “Ngài Đại Đức Ānanda mà Đức Thế Tôn cùng chư vị đồng phạm hạnh thiện trí đều tán dương ca tụng tài đức Ngài. Chắc chắn, Ngài Đại Đức Ānanda có khả năng khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề tóm tắt của bài pháp ấy.

Vậy, chúng ta cùng nhau nên tìm đến Ngài Đại Đức Ānanda.

Chư tỳ khưu đến đảnh lễ Ngài Đại Đức Ānanda, rồi bạch với Ngài rằng:

- Kính bạch Ngài Đại Đức, Đức Thế Tôn thuyết dạy bài pháp rằng: 

Nāhaṃ bhikkhave, gamanena lokassa antaṃ ñāteyyaṃ daṭṭheyyaṃ pattheyyan’ti vadāmi, na ca bhikkhave appatvā lokassa antaṃ dukkhassa antakiriyaṃ vadāmi. …”

“- Này chư tỳ khưu! Như Lai không thuyết dạy rằng: “Tận cùng pháp hành thế giới (saṅkhāraloka) mà chúng sinh biết, thấy, đạt đến bằng sự đi.

- Này chư tỳ khưu! Chưa đạt đến tận cùng của pháp hành thế giới (saṅkhāraloka), Như Lai không thuyết dạy các con thực hành phạm hạnh để đạt đến tận cùng sự khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.”

Sau khi truyền dạy như vậy, Đức Thế Tôn đứng dậy, rời khỏi chỗ ngồi, ngự vào cốc gandhakuṭi.  

- Kính bạch Ngài Đại Đức, chúng tôi kính thỉnh Ngài khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề tóm tắt của bài kệ ấy.

Nghe chư tỳ khưu bạch như vậy, Ngài Đại Đức Ānanda thưa rằng:

- Thưa quý vị! Ví như người đi tìm lõi cây, tìm gặp cây lớn có lõi, người ấy bỏ qua thân cây và rễ, mà tìm lõi cây ở nơi cành cây và lá, như thế nào.

Quý vị cũng như thế ấy, khi có Đức Thế Tôn hiện diện thì quý vị không kính thỉnh Ngài khai triển giảng giải, mà lại đến hỏi tôi.

Chư Tỳ khưu tha thiết khẩn khoản, Ngài Đại Đức Ānanda hoan hỷ khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề tóm tắt của bài pháp ấy.

Sau khi nghe Ngài Đại Đức Ānanda khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề tóm tắt của bài pháp ấy xong, chư Tỳ khưu đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi kính bạch Đức Thế Tôn rằng:   

- Kính bạch Đức Thế Tôn, vị Đại Đức Ānanda  khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của các đầu đề tóm tắt của bài pháp cho các con nghe với lời lẽ như vậy, với chữ như vậy, với câu như vậy. 

Đức Thế Tôn truyền dạy rằng: 

“Paṇḍito bhikkhave!  Ānando, mahāpañño bhikkhave, Ānando, maṃ cepi tumhe bhikkhave, etamatthaṃ paṭipuccheyyātha, ahampi taṃ evamevaṃ byākareyyaṃ. Yathā taṃ  Ānandena byākataṃ, eso cevetassa attho, evañca naṃ dhāreyyātha.”([1])

“- Này chư tỳ khưu!  Ānanda là bậc thiện trí.

 - Này chư tỳ khưu!  Ānanda là bậc đại trí tuệ.

 - Này chư tỳ khưu!  Nếu các con bạch hỏi, thỉnh cầu Như Lai khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của đầu đề tóm tắt của bài pháp ấy, thì Như Lai cũng khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của đầu đề tóm tắt của bài pháp ấy giống như Ānanda vậy.

 Như Ānanda khai triển rõ ý nghĩa sâu sắc của vấn đề ấy, đó là ý nghĩa của vấn đề ấy. Các con nên ghi nhớ rõ như vậy.”

Đức Thế Tôn truyền dạy như vậy, chư tỳ khưu vô cùng hoan hỷ nghe theo lời dạy của Đức Thế Tôn.

  

Vấn Đáp Chánh Pháp 

 

Cuộc vấn đáp chánh pháp giữa cận sự nam Visakha bậc Thánh Bất Lai với Ngài Đại Đức tỳ khưu ni Dhammadinnābậc Thánh A-ra-hán ([2]) trong bài kinh Cūḷavedallasutta ([3]) được tóm lược phần chính như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha. Khi ấy, cận sự nam Visakha đến đảnh lễ Ngài Đại Đức tỳ khưu ni Dhammadinnā, rồi ngồi một nơi hợp lẽ.

Cận sự nam Visakha hỏi Ngài Đại Đức tỳ khưu ni    Dhammadinnā những câu hỏi sâu sắc về các pháp, thì Ngài Đại Đức tỳ khưu ni đều giải đáp rõ ràng làm cho ông vô cùng hoan hỷ theo lời giải đáp của Ngài Đại Đức tỳ khưu ni.

Khi ấy, Ngài Đại Đức tỳ khưu ni Dhammadinnā động viên khuyến khích cận sự nam Visakha rằng:

- Này cận sự nam Visakha! Ông nên đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi bạch hỏi lại Ngài những câu hỏi ấy. Khi Đức Thế Tôn truyền dạy như thế nào, thì ông nên ghi nhớ như thế ấy.

Cận sự nam Visakha đảnh lễ Ngài Đại Đức tỳ khưu ni Dhammadinnā, xin phép đi đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Cận sự nam Visakha kính bạch lại Đức Thế Tôn toàn cuộc vấn đáp giữa ông với Ngài Đại Đức tỳ khưu ni Dhammadinnā từ đầu đến cuối.

Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

“- Paṇḍitā Visakha, Dhammadinnā bhikkhunī, mahā-paññā Visaka, Dhammadinnā bhikkhunī. Maṃ cepi tvaṃ Visakha, etamatthaṃ puccheyyāsi, ahampi taṃ evamevaṃ byākareyyaṃ, yathā taṃ Dhammadinnāya  bhikkhuniyā byākataṃ, eso cevetassa attho, evañca naṃ dhārehi.”

“-Này Visakha! Dhammadinnā bhikkhunī là bậc thiện trí.

    - Này Visakha! Dhammadinnā bhikkhunī là bậc đại trí tuệ.

- Này Visakha! nếu con bạch hỏi Như Lai những câu hỏi ấy thì Như Lai cũng giải đáp giống như tỳ khưu ni Dhammadinnā vậy.

 Tỳ khưu ni Dhammadinnā giải đáp vấn đề ấy, đó là ý nghĩa của vấn đề. Con nên ghi nhớ như vậy.”

Đức Thế Tôn truyền dạy như vậy, cận sự nam Visakha vô cùng hoan hỷ nghe theo lời dạy của Đức Thế Tôn.

Phước thiện thuyết pháp là thuyết những pháp mà Đức Phật đã thuyết dạy, những luật mà Đức Phật đã chế định. rồi ban hành.

* Như Ngài Đại Đức Soṇakuṭikaṇṇa tụng đọc tạng Kinh, phần aṭṭhakavagga từng chữ từng câu đúng đắn rõ ràng với giọng rất hay.

Khi Ngài Đại Đức Soṇa tụng xong, Đức Thế Tôn hoan hỷ nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay!Lành thay!

Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

“Suggahito te bhikkhu, dhammo, mayā desitakāle ca ajja ca ekasadisāva desanā, kiñci ūnaṃ vā adhikaṃ vā natthi.”  (Aṅg. Soṇakutikannattheravatthhu)

- Này tỳ khưu! Chánh pháp mà con đã học, ghi nhớ đúng đắn, Như Lai đã thuyết dạy trong thời gian trước đây và ngày nay giống như một, không thiếu không dư.

* Bậc Thánh Thanh văn, hoặc cận sự nam, cận sự nữ, hoặc chư thiên,… có khả năng thuyết giảng những pháp nào, những pháp ấy chỉ khi nào được Đức Phật xác nhận thì những pháp ấy được xem là chánh pháp đáng ghi nhớ mà thôi.

Những bài kinh trên được trích dẫn làm ví dụ, nên tìm đọc đầy đủ trong các bộ kinh như sau:

 

*Kinh Mahākaccānabhaddekarattasutta trong Trung bộ kinh, phần Uparipaṇnāsapāḷi.

* Kinh Lokantagamanasutta trong Đồng loại bộ kinh, phần Saḷāyatanavaggasaṃyuttapāḷi.

* Kinh Cūḷavedallasutta trong Trung bộ kinh, phần Mūlapaṇṇāsapāḷi.

(Xong phần Phước thiện thuyết pháp)



[1] Saṃ. Saḷāyatanavaggasaṃyuttapāḷi, Kinh Lokantagamanasutta     

[2] (Trước khi trở thành Đại Đức Tỳ khưu ni, bà Dhammadinnā vốn là phu nhân của cận sự nam Visakha).

[3] M. Mūlapaṇṇāsapāḷi, Kinh Cūḷavedallasutta






[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024