• Nền Tảng Phật Giáo - Quyển VI

    PHÁP HẠNH BA-LA-MẬT

    (Tập 2)

  • Soạn giả: Hộ Pháp

 

 

CHƯƠNG  VIII

 

PHÁP HẠNH BA-LA-MẬT

(PĀRAMĪ)  Tập 2

 

Chương VIII Pháp hạnh Ba-la-mật, Quyển VI, Tập 1 của bộ Nền Tảng Phật Giáo đã trình bày pháp hạnh bố thí Ba-la-mật, pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật, pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật. Mỗi pháp hạnh Balamật có 3 bậc gồm có 9 tích Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama xong, tiếp theo quyển VI, Tập 2 sẽ trình bày pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật 3 bậc gồm có 3 tích Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama như sau:

 

4- Pháp Hạnh Trí Tuệ Ba-La-Mật có 3 bậc:

    (Paññāpāramī)

 

4.1 - Pháp Hạnh Trí Tuệ Ba-la-mật Bậc Hạ

       (Paññāpāramī)

 

Tích Mahosadhajātaka (Má-hô-xá-thá-cha-tá-ká)

 

Tích Mahosadhajātaka([1]) còn gọi là Umaṅgajātaka, trong tích này, Đức Bồ Tát tên Mahosadha, tiền kiếp của Đức Phật Gotama thực hành pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc hạ (Paññāpāramī).

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, Ngài thuyết về tích Mahosadhajātaka này đề cập đến pháp hạnh trí tuệ Ba-la-

mật của Ngài. Tích này được bắt nguồn như sau:

Một hôm, chư tỳ khưu đang hội họp tại giảng đường, tán dương ca tụng trí tuệ siêu việt của Đức Thế Tôn rằng: Đức Thế Tôn có trí tuệ sâu sắc, trí tuệ vi tế, trí tuệ nhanh nhẹn, trí tuệ sắc bén, trí tuệ thấu suốt, trí tuệ khống chế luận thuyết của người khác v.v… làm cho người khác bỏ tà kiến theo chánh kiến, chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo-Thánh Quả, và Niết Bàn trở thành bậc Thánh nhân.

- Này chư pháp hữu! Đức Thế Tôn của chúng ta là Bậc đại trí tuệ.

- Này chư pháp hữu! Đức Thế Tôn là bậc có trí tuệ vĩ đại, trí tuệ sâu sắc, trí tuệ siêu việt,….

Trong khi chư tỳ khưu đang đàm đạo thì Đức Thế Tôn ngự đến ngồi trên pháp toà bèn hỏi rằng:

- Này chư tỳ khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy?

Chư tỳ khưu bạch với Đức Thế Tôn về chuyện đang đàm đạo như vậy, Đức Thế Tôn dạy rằng:

- Này chư tỳ khưu! Không phải chỉ bây giờ Như Lai là bậc Chánh Đẳng Giác có trí tuệ như vậy, mà trong thời quá khứ, những tiền kiếp của Như Lai còn là Đức Bồ Tát, đang thực hành bồi bổ các pháp hạnh Ba-la-mật cho được đầy đủ, để chứng đắc thành bậc Chánh Đẳng Giác, những kiếp Đức Bồ Tát ấy cũng có nhiều trí tuệ như vậy.

Sau khi truyền dạy như vậy, Đức Thế Tôn làm thinh.

 Khi ấy, chư tỳ khưu kính thỉnh Đức Thế Tôn thuyết về Đức Bồ Tát tiền kiếp của Ngài thực hành pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật.

 

Tích Mahosadhajātaka

 

Đức Thế Tôn thuyết về tích Mahosadhajātaka, trong tích này, Đức Bồ Tát Mahosadha, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, thực hành pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc hạ được tóm lược như sau:

 

Trong thời quá khứ, Đức Vua Vedeha ngự tại kinh thành Mithilā, trị vì đất nước Videha. Đức Vua có 4 vị quân sư là Senaka, Pukkasa, Kāminda, và Devinda. Bốn vị quân sư này hằng ngày lo phụng sự Đức Vua Vedeha.

 

Đức Bồ Tát Mahosadha Tái Sinh Làm Người

Tiền kiếp Đức Bồ Tát Mahosadha chuyển kiếp (cuti: chết) từ cõi trời Tam thập Tam thiên, rồi thiện nghiệp cho quả tái sinh (paṭisandhi) đầu thai vào lòng bà phu nhân Sumanā của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka vào canh chót đêm ấy.

 

Đức Vua Vedeha Nằm Mộng

Cũng ngay vào canh chót đêm ấy, Đức Vua Vedeha nằm mộng thấy rằng: “Bốn góc thành cung điện có 4 đống lửa lớn cháy sáng, ở giữa cung điện, một ngọn lửa nhỏ, ban đầu như con đom đóm, rồi phát ra ánh sáng lan rộng, to lớn bao trùm cả 4 đống lửa ở 4 góc thành, ánh sáng ấy toả lên cao đến tận cõi trời sắc giới Phạm thiên tột đỉnh Akaniṭṭhā, toả khắp thế giới chúng sinh, dù một hột cải nhỏ rơi xuống mặt đất cũng có thể nhìn thấy rõ được.

Tất cả chúng sinh cõi người, chư thiên các cõi trời dục giới, phạm thiên các cõi trời sắc giới đều đến lễ bái cúng dường ngọn lửa ấy bằng những phẩm vật quý giá.

Đặc biệt mọi chúng sinh đến gần đống lửa ấy đều không có cảm giác nóng chút nào, trái lại tất cả đều cảm thấy mát mẻ vô cùng hoan hỷ”.

Đức Vua Vedeha tỉnh giấc nhớ rõ lại giấc mộng như vậy, không biết sự việc gì sẽ xảy ra, chờ cho đến sáng  để hỏi các vị quân sư.

Sáng hôm ấy, khi 4 vị quân sư vào chầu, họ tâu hỏi Đức Vua Vedeha rằng:

- Tâu Bệ hạ, đêm qua Bệ hạ ngủ có ngon giấc không?

Đức Vua truyền rằng:

- Thưa chư vị quân sư, đêm qua Trẫm nằm ngủ không ngon giấc, bởi vì Trẫm nằm mộng thấy đống lửa sáng, Trẫm xin thuật lại giấc mộng cho chư vị nghe….

- Thưa chư vị quân sư, giấc mộng như vậy, có sự việc gì sẽ xảy ra với Trẫm không?

Nghe Đức Vua tường thuật lại giấc mộng như vậy, quân sư Senaka tâu rằng:

- Tâu Bệ hạ, kính xin Bệ hạ hoan hỷ, đó là giấc mộng lành, những điều tốt lành sẽ phát sinh đến với Bệ hạ.

- Thưa quân sư, những điều tốt lành sẽ phát sinh như thế nào, xin quân sư tâu cho Trẫm rõ.

- Tâu Bệ hạ, nếu căn cứ theo bộ sách xưa đoán mộng thì ngọn lửa đó là ánh sáng trí tuệ. Như vậy, ngoài 4 vị quân sư thiện trí ra, Bệ hạ sẽ có thêm một bậc đại thiện trí thứ năm. Bậc đại thiện trí thứ 5 này có trí tuệ siêu việt, khống chế 4 vị quân sư thiện trí chúng thần, như đống lửa ở giữa cung điện có ánh sáng cao tột đỉnh và lan toả khắp mọi nơi, không có một ai trong cõi người, trong 6 cõi trời dục giới, trong 15 cõi trời sắc giới sánh được với bậc đại thiện trí thứ 5 này.

Nghe vị quân sư Senaka tâu như vậy, Đức Vua Vedeha truyền hỏi rằng:

- Thưa quân sư, hiện nay bậc đại thiện trí ấy ở đâu?

Vị quân sư Senaka tâu rằng:

- Tâu Bệ hạ, theo bộ sách xưa về đoán mộng, trong giấc mộng lành này, hạ thần suy đoán rằng: “Bậc đại thiện trí ấy đã tái sinh đầu thai làm người hoặc mới sinh ra đời trong đất nước của Bệ hạ”.

Nghe vị quân sư Senaka tâu như vậy, Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ ghi nhớ lời suy đoán của vị quân sư Senaka bắt đầu từ hôm ấy.

Đất nước Videharaṭṭha có 4 vùng ở 4 cửa kinh thành Mithilā là:

1- Dakkhiṇayavamajjhaka: Xóm nhà vùng lúa mạch phía nam cửa kinh thành Mithilā.

2- Pacchimayavamajjhaka: Xóm nhà vùng lúa mạch phía tây cửa kinh thành Mithilā.

3- Uttarayavamajjhaka: Xóm nhà vùng lúa mạch phía bắc cửa kinh thành Mithilā.

4- Pācīnayavamajjhaka: Xóm nhà vùng lúa mạch phía đông cửa kinh thành Mithilā.

Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama chuyển kiếp (cuṭi: chết) từ cõi trời Tam thập tam thiên, rồi thiện nghiệp cho quả tái sinh (paṭisandhi) đầu thai vào lòng bà Sumanādevī, phu nhân của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka tại xóm nhà vùng lúa mạch phía đông của kinh thành Mithilā. Cùng lúc ấy, 1.000 thiên nam là bạn của Đức Bồ Tát cũng đồng thời chuyển kiếp (cuṭi), rồi thiện nghiệp cho quả tái sinh (paṭisandhi) đầu thai vào lòng 1.000 bà phu nhân của các phú hộ lớn nhỏ trong vùng ông phú hộ Sirivaḍḍhaka sinh sống.

Khi bà Sumanādevī mang thai tròn đúng 10 tháng, ngay khi Đức Bồ Tát sinh ra đời, Đức Vua trời Sakka từ cõi trời Tam thập tam thiên hiện xuống cõi người, không một ai thấy được, đặt thỏi thiên dược trong tay Đức Bồ Tát, để Đức Bồ Tát dùng làm phương thuốc chữa bệnh cho chúng sinh khỏi các thứ bệnh như phương thuốc thần dược, sẽ làm cho danh thơm tiếng tốt của Đức Bồ Tát được nhiều người biết đến.

Bà Sumanādevī sinh Đức Bồ Tát ra một cách dễ dàng, không hề đau đớn chút nào. Nhìn thấy có một vật trong tay Đức Bồ Tát, bà Sumanādevī liền hỏi rằng:

- Tāta kim te laddhaṃ?

- Này con yêu quý, con đang cầm vật gì vậy?

Khi ấy, Đức Bồ Tát liền thưa với mẹ rằng:

- Osadhaṃ amma!

- Kính thưa mẫu thân, con cầm thỏi thiên dược.

Rồi trao thỏi thiên dược ấy cho mẹ, thưa rằng:

- Amma! Idaṃ osadhaṃ yena kenaci ābādhena ābādhikānaṃ detha.

- Kính thưa mẫu thân, xin mẫu thân ban cho bệnh nhân một chút thiên dược này chữa bất cứ thứ bệnh gì cũng khỏi..

Nghe đứa con vừa mới sinh nói chuyện được, bà Sumanādevī cảm thấy vô cùng hoan hỷ, cho người báo tin cho ông phú hộ Sirivaḍḍhaka biết chuyện như vậy.

Ông phú hộ vốn đã mắc bệnh nhức đầu suốt 7 năm qua mà chưa có thứ thuốc nào chữa trị cho khỏi được. Nay nghe phu nhân báo cho biết, “Đứa con trai vừa mới sinh ra đời, có cầm theo một thỏi thiên dược và nói chuyện với mẹ được”.

Ông vô cùng hoan hỷ đến thăm, nhìn thấy đứa con trai,

ông phú hộ nghĩ: Đứa con trai này là bậc đại phước và thỏi thuốc này chắc chắn là thiên dược”.

Thật vậy, ông phú hộ đem thỏi thuốc mài trên tấm đá rồi thoa trên đầu. Thật phi thường thay! Bệnh nhức đầu của ông phú hộ biến mất ngay tức thì như giọt nước rơi trên lá sen. Ông phú hộ vô cùng hoan hỷ thốt lên rằng:

 - Món thiên dược hay tuyệt vời!

Từ đó, tin lành món thiên dược này được lan truyền khắp mọi nơi gần xa, những bệnh nhân, dù mắc chứng bệnh gì, chỉ cần thoa nước thuốc thiên dược một lần là chứng bệnh kia khỏi hẳn không bao giờ tái phát lại nữa. Cho nên, mọi bệnh nhân đều tán dương ca tụng món thiên dược của Đức Bồ Tát là hay tuyệt vời, chữa trị bệnh của họ đều khỏi hẳn.

 

Lễ Đặt Tên

 

Ngày lễ đặt tên cho Đức Bồ Tát, ông phú hộ Sirivaḍḍhaka nghĩ: Đứa con trai của ta là bậc đại phước. Khi sinh ra, con của ta cầm thỏi thiên dược (osadha), vậy, ta nên đặt tên con ta là “Osadha” thay vì lấy tên theo dòng họ”. Vì vậy, tên của Đức Bồ Tát là Mahosadhakumāra (má-hô-xá-thá-cú-ma-rá): Công tử Osadha cao thượng.

Ông phú hộ Sirivaḍḍhaka nghĩ tiếp: “Mahosadha-kumāra: Công tử Osadha cao thượng, con của ta là bậc đại phước không thể sinh ra một mình, chắc chắn có nhiều bạn thân cùng sinh ra với con của ta. Vậy, ta nên cho gia nhân đi hỏi thăm trong vùng này có đứa trẻ nào sinh cùng ngày với con ta không?”

Ông được biết trong vùng ấy có 1.000 đứa trẻ, con của những gia đình phú hộ lớn nhỏ, sinh cùng đêm với Đức Bồ Tát Mahosadha. Ông ban 1.000 bộ đồ trang sức quý giá và 1.000 bà vú nuôi cho 1.000 đứa trẻ ấy.

Khi 1.000 đứa trẻ đi, đứng, chạy chơi được, đều được đem đến làm bạn với Đức Bồ Tát Mahosadhakumāra.

Khi lên 7 tuổi, thân hình của Đức Bồ Tát Mahosadha có các tướng tốt của bậc đại nhân, nước da như màu vàng ròng nổi bật trong đám trẻ.

Một hôm, Đức Bồ Tát Mahosadha cùng với 1.000 bạn trẻ đang vui chơi ở giữa sân thì trời sấm sét, mây kéo đến đen nghịt, chuyển mưa, Ngài có sức mạnh phi thường, chạy nhanh vào trú mưa trong căn nhà lớn, còn 1.000 bạn trẻ lũ lượt chạy theo, bị té, đạp lên nhau, bị thương nhẹ.

Nhìn thấy các bạn trẻ bị thương như vậy, Đức Bồ Tát Mahosadha nghĩ: “Ta nên xây dựng một dãy nhà lớn có đầy đủ tiện nghi, có sân chơi thì chúng ta không phải bị khổ vì nắng, mưa,… như thế này”.

Sau khi nghĩ xong, Đức Bồ Tát Mahosadha kêu gọi các bạn trẻ, mỗi bạn đóng góp 1 đồng Kahāpana, gồm có được 1.000 đồng Kahāpana, phần còn lại Ngài bao chót. Cho người gọi thợ đến, Ngài nhờ họ xây dựng một toà nhà đầy đủ tiền nghi cho mọi người, theo đồ án thiết kế của Ngài.

Xây Dựng Toà Nhà Rộng Lớn

 

Những người thợ xây xem qua bản đồ án thiết kế xây dựng, không một ai có khả năng xây dựng toà nhà như vậy. Do đó, Đức Bồ Tát Mahosadha phải đứng ra điều hành công việc xây dựng, điều khiển các nhóm thợ làm theo kiểu mẫu của Ngài.

Toà nhà rộng lớn gồm các phòng lớn như sau:

* Phòng nghỉ dành cho các Sa-môn, Bà-la-môn khách.

* Phòng nghỉ dành cho các khách lữ hành từ xa đến.

* Phòng nghỉ dành cho các lái buôn khách.

* Phòng kho cất giữ hàng hoá của các nhà lái buôn.

* Phòng nghỉ dành cho những người đàn bà sinh con,

* Một hội trường lớn, làm giảng đường thuyết pháp.

* Một toà án để phán xét công minh những vụ tranh chấp.

* Một trại lớn để làm phước bố thí, cúng dường đến chư Sa-môn, Bà-la-môn, những khách lữ hành, những người nghèo khổ, v.v…

* Một sân chơi rộng lớn có mái che nắng, mưa to, gió lớn, v.v …

Theo sự hướng dẫn của Đức Bồ Tát Mahosadha, những người thợ thi công xây dựng toà nhà rộng lớn, theo đồ án thiết kế của Ngài, trải qua một thời gian không lâu đã được hoàn thành.

Một toà nhà rất tiện nghi cho mọi người. Đức Bồ Tát Mahosadha gọi các hoạ sĩ nổi tiếng đến vẽ những bức tranh đẹp treo trong các phòng lớn, để cho khách đến xem giải trí, giúp cho tinh thần được thoải mái.

Bên ngoài toà nhà rộng lớn, Đức Bồ Tát Mahosadha cho thợ đào hồ nước rộng lớn, trong hồ cho trồng các loại hoa sen, hoa súng đủ màu xinh đẹp, để cho mọi người khách đến tắm mát, xem hoa. Cho thợ làm một khu vườn rộng lớn có trồng các loại hoa đẹp, các loài cây ăn quả, đặc biệt các loại cây lớn để về sau trở thành những cây cổ thụ có bóng mát cho những người khách, các loài chim, các loài thú rừng đến nương nhờ.

Cảnh vật xung quanh rất xinh đẹp và toà nhà rộng lớn nguy nga tráng lệ này đã được hoàn thiện giống như cảnh trên cõi trời dục giới, do trí tuệ siêu việt của Đức Bồ Tát Mahosadha, mới lên 7 tuổi.

Nơi này trở thành danh lam thắng cảnh, nên mọi người gần xa đến tham quan để giải trí, những người khách lữ hành đến nghỉ chân, v.v…

Đức Bồ Tát Mahosadha lập ra trại làm phước bố thí đến những người khách lữ hành gần xa đến, đặc biệt làm phước bố thí cúng dường đến chư Sa-môn, Bà-la-môn thực hành pháp hạnh cao thượng.

Những người khách đến rất đông, Đức Bồ Tát Mahosadha cho người mời vào giảng đường lớn, Ngài thuyết pháp giảng dạy mọi người hiểu biết về thiện nghiệp, ác nghiệp, chánh kiến, tà kiến. Ngài khuyên dạy mọi người nên tránh xa mọi ác nghiệp, nên cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện nghiệp tuỳ theo khả năng của mình; khuyên dạy mọi người nên từ bỏ mọi tà kiến, thấy sai chấp lầm, nên có trí tuệ hiểu biết đúng theo chánh kiến…. Như vậy, kiếp sống hiện tại hưởng được mọi sự an lạc và những kiếp vị lai cũng hưởng được mọi sự an lạc hơn nữa.

Ngoài ra, Đức Bồ Tát Mahosadha còn đóng vai quan toà phán xét những vụ tranh chấp, những vụ tranh cãi nhau, một cách rất công minh, mà 2 bên đều khâm phục chấp thuận, không bên nào phiền hà điều gì cả, họ biết cải tà theo chánh, cải ác làm thiện.

Đức Vua Vedeha

 

Một hôm, Đức Vua Vedeha ngự tại kinh thành Mithilā, nhớ lại lời của vị quân sư Senaka đoán mộng năm trước rằng: Bậc thiện trí thứ năm sẽ xuất hiện, có trí tuệ siêu việt, khống chế 4 vị quân sư… đến nay đã trải qua 7 năm rồi. Vậy, bậc thiện trí thứ năm ấy ở nơi nào?”

Đức Vua Vedeha truyền bảo 4 vị quan cận thần rằng:

- Này các khanh! Mỗi khanh dẫn đầu một đoàn lính đi ra mỗi cửa kinh thành, đến mỗi xóm nhà vùng lúa mạch mỗi hướng, để tìm bậc đại thiện trí thứ năm hiện ở nơi nào? Rồi sai sứ giả trở về trình tâu cho Trẫm rõ.

Ba vị quan đến tìm 3 xóm nhà vùng lúa mạch phía nam, phía tây và phía bắc không nghe dân chúng trong 3 vùng ấy cho biết tin gì đặc biệt cả.

Riêng vị quan đến xóm nhà vùng lúa mạch phía đông (Pācīnavayamajjhaka) kinh thành Mithilā, dừng chân tham quan toà nhà rộng lớn, nguy nga tráng lệ, ngồi nghỉ trong phòng khách xinh đẹp, có trang trí những bức tranh đẹp tuyệt vời, nhìn xem không biết chán, tinh thần cảm thấy thoải mái. Vị quan ấy nghĩ: Người vẽ đồ án thiết kế xây dựng toà nhà này chắc chắn phải là người có trí tuệ siêu việt”, rồi hỏi những người trông coi toà nhà ấy rằng:

- Này quý vị! Toà nhà này thật là to lớn, đồ sộ, nguy nga tráng lệ chưa từng thấy. Vậy, ai là người vẽ đồ án thiết kế xây dựng toà nhà này. Xin quý vị cho tôi biết được không?

Những người có phận sự trong toà nhà ấy thưa rằng:

 - Kính thưa đại nhân, toà nhà này và toàn cảnh vật xung quanh toà nhà được thiết kế và thi công xây dựng do công tử Mahosadha paṇḍita (Ma-hô-xa-tha-păn-đi-ta) của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka tại vùng này.

- Này quý vị! Công tử Mahosadha paṇḍita năm nay bao nhiêu tuổi rồi?

- Kính thưa đại nhân, công tử Mahosadha paṇḍita năm nay tròn đúng 7 tuổi.

Nghe những người ấy thưa như vậy, vị quan nhẩm tính kể từ năm mà Đức Vua Vedeha nằm mộng, trùng với tuổi của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, nên ông tin chắc bậc đại thiện trí thứ năm có trí tuệ siêu việt, đích thực chính là công tử Mahosadha paṇḍita này, chắc chắn không phải một ai khác nữa! Vị quan ra lệnh cho sứ giả trở về tâu trình lên Đức Vua Vedeha rằng:

- Tâu Bệ hạ, chúng thần đã phát hiện công tử Mahosadha paṇḍita của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka tại xóm nhà vùng lúa mạch phía đông cửa kinh thành Mithilā (Pācīnavayamajjhaka). Công tử Mahosadha paṇḍita năm nay tròn đúng 7 tuổi (đúng với thời gian mà Bệ hạ nằm mộng), có trí tuệ siêu việt, đã thiết kế và thi công xây dựng một toà nhà rộng lớn, đồ sộ, nguy nga, tráng lệ, chưa từng thấy (như trong cõi trời dục giới), và cảnh vật xung quanh toà nhà ấy thật là một kỳ quan, như hồ nước rộng lớn, có nhiều loài hoa sen, hoa súng đủ màu sắc; vườn hoa có đủ các loài hoa thơm, cỏ lạ; vườn cây ăn quả nhiều loại đặc biệt, có các loại cây lớn về sau sẽ trở thành cổ thụ, có khu giải trí, vui chơi, v.v…

- Tâu Bệ hạ, Bệ hạ truyền lệnh kẻ hạ thần mời bậc đại thiện trí Mahosadha paṇḍita về cung điện chầu Bệ hạ được hay chưa?

Nghe sứ giả tâu chuyện về Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita như vậy, Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ truyền mời vị quân sư Senaka đến chầu.

Đức Vua truyền thuật lại chuyện về Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita như vậy, rồi truyền hỏi vị quân sư Senaka rằng:

- Thưa quân sư, Trẫm nên chuẩn tấu cho mời công tử Mahosadha paṇḍita vào cung điện diện kiến Trẫm được chưa?

Vị quân sư Senaka vốn là người có tính hay ganh tỵ, không muốn ai hơn mình, cho nên, khi nghe Đức Vua truyền hỏi về việc mời Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita như vậy, vị quân sư Senaka khuyên can rằng:

- Tâu Bệ hạ, người xây dựng một toà nhà và quang cảnh như vậy, chưa có thể gọi là bậc đại thiện trí. Một công trình kiến trúc như vậy, vẫn còn là việc nhỏ, xin Bệ hạ chưa nên truyền mời công tử Mahosadha paṇḍita vào cung sớm.

Nghe lời khuyên can của vị quân sư Senaka, Đức Vua nghĩ: Chắc chắn còn có những sự việc trọng đại khác”, nên Đức Vua làm thinh, rồi truyền bảo sứ giả rằng:

 - Này các khanh! Các khanh nên ở lại nơi ấy tiếp tục theo dõi, xem xét những tài đức của công tử Mahosadha paṇḍita rồi tâu trình cho Trẫm rõ.

Vâng lệnh Đức Vua, các quan tiếp tục theo dõi, xem xét những tài đức của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita.



[1] Bộ Chú giải Jātakaṭṭhakathā, phần Mahānipāta, Tích Mahosadhajātaka hoặc gọi tích Umaṅgajātaka   .


Chuyện Miếng Thịt

Một hôm, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đang chơi ngoài sân cùng với nhóm bạn trẻ, nhìn thấy con diều tha miếng thịt bay trên hư không. Một nhóm bạn trẻ chạy đuổi theo, buộc nó phải thả bỏ miếng thịt, mải nhìn con diều nên chúng nó bị vấp té, bị thương mà không đạt được mong muốn. Nhìn thấy vậy, Đức Bồ Tát liền nói với nhóm bạn trẻ ấy rằng:

- Ta sẽ buộc con diều thả bỏ lại miếng thịt cho xem!

Nhóm bạn trẻ nói rằng:

- Xin mời bạn thử tài!

Nhìn theo bóng con diều trên mặt đất, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita chạy thật nhanh, đuổi kịp bóng nó, rồi vỗ tay la lớn. Con diều hoảng sợ, thả bỏ rơi miếng thịt, Ngài nhảy lên bắt miếng thịt từ trên hư không, không để rơi xuống mặt đất.

Nhìn thấy tài trí phi thường như vậy, mọi người reo hò, ca tụng Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita.

Biết chuyện như vậy, vị quan ra lệnh sứ giả trở về tâu trình lên Đức Vua rằng:

- Tâu Bệ hạ, con diều tha miếng thịt, bay trên hư không, công tử Mahosadha paṇḍita nhìn bóng của nó trên mặt đất, rồi chạy đuổi theo kịp, vỗ tay la lớn. Con diều hoảng sợ, thả bỏ rơi miếng thịt. Công tử nhảy lên bắt miếng thịt rơi từ trên hư không, không để rơi xuống đất như vậy. Hạ thần kính xin tâu trình lên Bệ hạ rõ.

Nghe sứ giả tâu trình tài trí phi thường của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita như vậy, Đức Vua truyền hỏi vị quân sư Senaka rằng:

- Thưa quân sư, Trẫm nên truyền mời công tử Mahosadha vào cung điện, diện kiến Trẫm được chưa?

Quân sư Senaka nghĩ: “Nếu công tử Mahosadha paṇḍita là bậc đại thiện trí có trí tuệ siêu việt, có mưu sâu, kế hay vào cung điện thì 4 vị quân sư chúng ta chắc chắn sẽ trở thành vô dụng”.

Bởi vì tính ganh tỵ ấy nên quân sư Senaka tâu lời khuyên can rằng:

 - Tâu Bệ hạ, việc làm như vậy, chưa có thể gọi là bậc đại thiện trí. Chuyện như vậy, ai cũng làm được.

Tâu Bệ hạ! Đó vẫn còn là việc nhỏ, xin Bệ hạ chưa nên truyền mời công tử Mahosadha paṇḍita vào cung.

Nghe lời khuyên can của vị quân sư Senaka như vậy, Đức Vua làm thinh, rồi truyền bảo người lính trở lại bảo sứ giả ấy rằng:

- Này các khanh! Các khanh nên ở lại nơi ấy tiếp tục theo dõi, xem xét những tài trí của công tử Mahosadha paṇḍita rồi tâu trình cho Trẫm rõ.

 

Chuyện Con Bò

 

Một người dân trong xóm nhà vùng lúa mạch phía đông đi sang làng bên, mua được một con bò đem về để cày bừa. Một buổi sáng, dắt nó ra đồng cho ăn cỏ, người ấy nằm ngủ dưới cội cây. Khi ấy, một kẻ trộm dắt con bò đi nơi khác. Khi tỉnh dậy, không nhìn thấy con bò, người dân ấy chạy theo dấu chân nó, nhìn thấy kẻ trộm dắt con bò của mình đi đằng trước, người ấy gọi lớn rằng:

- Này người kia, ngươi dắt bò của ta đi đâu?

Kẻ trộm trả lời rằng:

- Ông nói gì vậy, tôi dắt bò của tôi về nhà!

Hai người cãi nhau về con bò, trên đường đi ngang qua cửa toà nhà của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita.

Nghe thấy vậy, Đức Bồ Tát cho gọi họ vào hỏi lý do cãi nhau. Nhìn qua hai người, mặc dù Ngài biết người nào là kẻ trộm và người nào là chủ của con bò ấy, nhưng Ngài vẫn hỏi hai người cãi nhau về chuyện gì. Người chủ bò thưa rằng:

- Kính thưa Ngài Mahosadha paṇḍita, tôi mua con bò ở làng bên kia, sáng nay dắt nó ra đồng cho ăn cỏ, tôi đang nằm ngủ dưới cội cây, thì kẻ trộm này dắt con bò của tôi đi chỗ khác. Khi tỉnh dậy, không thấy con bò, tôi chạy đuổi theo dấu chân nó nên kịp bắt gặp y.

Tên trộm thưa rằng:

- Kính thưa Ngài, con bò này là của tôi, người kia vu cáo tôi dắt trộm con bò của y.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita bảo rằng:

- Ta sẽ phán xét một cách công minh. Vậy hai người chịu nghe ta phán xét hay không?

Hai người đều đồng ý nghe Đức Bồ Tát phán xét.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita hỏi mỗi người rằng:

- Con bò của người ăn thứ gì? uống thứ nước gì?

Kẻ trộm trả lời rằng:

- Kính thưa Ngài, con bò của tôi ăn cháo, uống nước bột.

Người chủ bò trả lời rằng:

- Kính thưa Ngài Mahosadha paṇḍita, con bò của tôi chỉ ăn cỏ, uống nước sông mà thôi.

Khi nghe hai người trả lời như vậy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita bảo thuộc hạ thân tín lấy lá thuốc, giã nhỏ trộn vào nước, rồi vắt lấy nước cho con bò uống. Sau khi con bò uống xong, nó mửa ra chỉ có cỏ mà thôi. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đưa cho mọi người xem, rồi nói với kẻ trộm rằng:

- Ngươi là kẻ trộm đúng vậy không?

Với chứng cớ rõ ràng, kẻ trộm buộc phải nhận tội. liền bị nhóm thuộc hạ của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita hành phạt. Ngài giảng dạy kẻ trộm rằng:

- Này ngươi! ngươi đã thấy quả khổ của ác nghiệp trộm cắp của người khác, không chỉ khổ trong kiếp hiện tại này mà còn khổ những kiếp vị lai nữa.

Sau khi ngươi chết, nếu ác nghiệp ấy có cơ hội sẽ cho quả tái sinh trong 4 cõi ác giới: địa ngục, Atula, ngạ quỷ, súc sinh, chịu quả khổ của ác nghiệp trộm cắp ấy. Vậy, từ nay về sau, ngươi chớ nên tạo ác nghiệp trộm cắp nữa.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita hướng dẫn người ấy thọ trì ngũ giới và giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch suốt đời.

Các quan ra lệnh cho người lính trở về tâu trình lên Đức Vua Vedeha, về Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita phán xét về chuyện con bò một cách công minh hợp pháp như vậy.

Đức Vua Vedeha muốn truyền mời Ngài vào cung điện, nhưng vị quân sư Senaka cũng khuyên can như các lần trước.

 

Chuyện Xâu Chuỗi Hột

 

Một cô gái nghèo cởi xâu chuỗi hột kết bằng chỉ đủ màu rất xinh đẹp để trên tấm áo, cô xuống tắm dưới hồ nước của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita. Một cô gái đi ngang qua hồ, nhìn thấy xâu chuỗi xinh đẹp, phát sinh tâm tham muốn, cúi xuống cầm xâu chuỗi lên khen rằng:

- Xâu chuỗi đẹp quá! Xin phép cô cho tôi đeo thử.

Cô gái nghèo nói rằng:

- Này bạn gái! Bạn thử đeo vào cổ xem.

Sau khi đeo vào cổ xong, cô gái ấy bỏ đi luôn, không trả lại xâu chuỗi. Nhìn thấy cô gái kia bỏ đi, cô gái nghèo vội vã lên bờ, chạy đuổi theo, nắm áo cô gái kia nói rằng:

- Này bạn! Bạn đeo thử xâu chuỗi của tôi, sao không trả lại cho tôi?

Cô gái trộm cắp trả lời rằng:

- Này cô! Tôi không lấy xâu chuỗi của cô, xâu chuỗi này là của tôi.

Hai cô gái đang cãi lộn với nhau về xâu chuỗi. Khi ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đang chơi với các bạn ở ngoài sân chơi, thì có người thưa với Ngài về 2 cô gái kia. Ngài cho người gọi họ đến hỏi rằng:

- Hai cô cãi nhau về chuyện gì?

- Kính thưa Ngài, chúng tôi cãi nhau về xâu chuỗi.

Nhìn hai cô gái, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita biết cô nào là kẻ trộm, cô nào là chủ của xâu chuỗi, nhưng Ngài bảo rằng:

- Ta sẽ phán xét một cách công minh. Vậy, hai người chịu nghe ta phán xét hay không?

Hai cô đều đồng ý. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita hỏi mỗi người rằng:

- Này cô! Cô nhuộm xâu chuỗi này bằng thứ nước thơm gì?

Cô gái trộm cắp trả lời rằng:

- Kính thưa Ngài, tôi nhuộm xâu chuỗi này bằng các nước hoa thơm.

Cô gái nghèo trả lời rằng:

- Kính thưa Ngài Mahosadha paṇḍita, tôi nghèo nên không có đủ các thứ nước hoa thơm để nhuộm, tôi chỉ có nhuộm một thứ nước hoa Piyaṅgu mà thôi.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita bảo thuộc hạ thân tín đem cái thau đầy nước, bỏ xâu chuỗi vào ngâm trong nước, rồi chọn người biết nhận ra mùi thơm ngửi, người ấy ngửi mùi thơm toả ra từ trong nước thì chỉ ngửi thấy mùi thơm của hoa Piyaṅgu mà thôi, không có mùi thơm nào khác nữa.

Ngài chỉ về cô gái kia và phán cô là người trộm cắp xâu chuỗi, còn xác nhận cô gái nghèo là chủ của xâu chuỗi ấy.

Các quan ra lệnh cho sứ giả về tâu trình lên Đức Vua Vedeha, về cách Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita phán xét chuyện xâu chuỗi một cách công minh như vậy.

Đức Vua Vedeha muốn truyền mời Ngài vào cung điện, nhưng vị quân sư Senaka vẫn khuyên can như các lần trước.

 

Cuộn Chỉ Vải

 

Một người đàn bà giữ đám bông vải, lượm nhặt bông vải gom lại, kéo thành sợi nhỏ, lấy hột timbaru làm lõi bên trong để quấn thành cuộn chỉ vải, cất vào trong túi đem về nhà.

Trên đường về đi ngang qua hồ nước của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, bà muốn tắm, nên để cuộn chỉ vải trên tấm áo, rồi xuống hồ tắm.

Khi ấy, một người đàn bà khác nhìn thấy cuộn chỉ vải ấy, phát sinh tâm tham muốn, nhặt cuộn chỉ vải lên và khen rằng: Cuộn chỉ vải tốt đẹp quá! rồi lấy cuốn chỉ ấy đem đi. Nhìn thấy bà kia lấy cuộn chỉ vải đi, bà chủ cuốn chỉ đang tắm dưới hồ, vội vã lên bờ, mặc áo, chạy đuổi theo, nắm áo bà kia nói rằng:

- Này bà kia! Sao bà dám lấy cuộn chỉ vải của tôi đi vậy?

Bà trộm cuốn chỉ vải trả lời rằng:

- Này bà chị nói gì vậy! Cuốn chỉ vải của bà chị đâu, đây là cuốn chỉ vải của tôi.

Nghe hai người đànbà cãi nhau về cuộn chỉ vải, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita bèn cho người gọi họ vào. Nhìn thấy họ, Ngài biết rõ bà nào là kẻ trộm, bà nào là chủ của cuộn chỉ vải, nhưng Ngài vẫn hỏi rằng:

- Ta sẽ phán xét một cách công minh. Vậy hai người chịu nghe ta phán xét hay không?

Hai bà đều đồng ý. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita chỉ tay về bà cầm cuộn chỉ vải mà hỏi rằng:

- Này bà! Khi quấn cuộn chỉ vải này, bà bỏ vật gì làm lõi bên trong?

- Kính thưa Ngài, tôi bỏ trái bông vải (kappāsa-phalaṭṭhi) làm lõi bên trong.

Tiếp theo Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita chỉ tay về bà hai tay không mà hỏi rằng:

- Này bà! Khi bà quấn cuộn chỉ vải kia, bà bỏ vật gì làm lõi bên trong?

- Kính thưa Ngài Mahosadha paṇḍita, tôi bỏ hột timbaru làm lõi bên trong.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita gọi người thuộc hạ thân tín tháo cuộn chỉ vải ra thì thấy hột timbaru bên trong. Vì vậy, Ngài chỉ bà đang cầm cuộn chỉ vải truyền rằng:

- Này bà! Bà là kẻ trộm cắp cuộn chỉ vải của bà kia phải không?

Bà ta liền nhận tội trộm cắp, Đức Bồ Tát khuyên dạy bà ta không nên tạo ác nghiệp trộm cắp nữa mà nên giữ gìn giới cho trong sạch và hành thiện pháp.

Các quan ra lệnh sứ giả trở về tâu trình lên Đức Vua Vedeha về cách Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita phán xét chuyện cuộn chỉ vải một cách công minh như vậy.

Đức Vua Vedeha muốn truyền mời Ngài vào cung điện, nhưng vị quân sư Senaka vẫn khuyên can như các lần trước.

 

Chuyện Đứa Con

 

Một người mẹ ẵm đứa con đi ngang hồ nước của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, bà ẵm đứa con xuống hồ tắm sạch sẽ rồi đặt ngồi trên tấm áo của mình, sau đó bà xuống hồ rửa mặt.

Khi ấy, một nữ Dạ-xoa muốn ăn thịt đứa bé, nên hoá ra làm một người đàn bà đứng hỏi người mẹ đứa bé rằng:

- Này bạn! Đứa bé này là con của bạn phải không? Nó rất xinh đẹp và dễ thương quá! Bạn cho phép tôi ẵm nó một chút được không?

Người mẹ của đứa bé thành thật trả lời rằng:

- Vâng, đứa bé là con của tôi, bạn muốn ẵm một chút cũng được.

Được cho phép, bà Dạ-xoa ẵm đứa bé đi khỏi nơi đó. Nhìn thấy bà kia ẵm đứa con mình đi, bà mẹ đứa bé vội vàng lên bờ, mặc áo, chạy đuổi theo kịp, níu áo lôi lại, nói rằng:

- Bà ẵm đứa con của tôi đi đâu?

Dạ-xoa bảo rằng:

- Con của bà ở đâu? Đây là con của tôi.

Hai người đàn bà cãi lộn, tranh giành đứa bé đến trước cửa toà nhà của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita. Nghe tiếng hai bà cãi lộn, tranh giành đứa bé, Đức Bồ Tát cho người gọi họ vào.

Nhìn thấy họ, Ngài biết bà đang ẵm đứa bé là nữ Dạ-xoa vì đôi mắt của bà màu đỏ, không nháy, không có bóng, và bà kia là mẹ của đứa bé. Tuy biết rõ như vậy, nhưng Ngài vẫn hỏi họ rằng:

- Ta sẽ phán xét một cách công minh. Vậy hai người chịu nghe ta phán xét hay không?

Hai bà đều đồng ý. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita gạch một đường trên nền nhà, bảo mỗi bà ngồi một bên đường vạch sẵn ấy, rồi sai đặt đứa bé nằm giữa đường ranh, đầu đứa bé thuộc bên phần ranh của nữ Dạ-xoa và hai chân đứa bé thuộc bên phần ranh của người mẹ. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita bảo rằng:

- Mỗi bà hãy lôi đứa bé về bên ranh của mình.

Khi hai bà lôi đứa bé thì nó bị đau nên khóc thét lên, người mẹ cảm thấy đau lòng nên buông hai chân đứa con ra, đứng khóc than thảm thiết.

Khi ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita hỏi ý kiến mọi người rằng:

- Này quý bà con! Khi nghe tiếng khóc của đứa bé thì tâm của người mẹ cảm thấy đau lòng hay tâm của người không phải là mẹ cảm thấy đau lòng?

Mọi người đều trả lời rằng:

- Khi nghe tiếng khóc của đứa bé thì tâm của người mẹ cảm thấy đau lòng vì thương con, còn tâm của người không phải là mẹ thì không cảm thấy đau lòng, tâm vẫn thản nhiên được.

- Này quý bà con! Nếu như vậy thì trong hai người đàn bà này, bà nào là người mẹ thật sự của đứa bé này?

Mọi người thưa rằng:

- Kính thưa Ngài Mahosadha paṇḍita, trong hai người đàn bà này, bà đứng khóc than thảm thiết kia chính là người mẹ thật sự của đứa bé này, còn bà đang ẵm đứa bé chắc chắn không phải là mẹ của đứa bé này.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita khẳng định rằng:

- Đúng vậy, bà đang ẵm đứa bé không phải là người mẹ, bà vốn là nữ Dạ-xoa muốn bắt đứa bé để ăn thịt.

- Kính thưa Ngài Mahosadha paṇḍita, có cách nào biết được bà ấy là nữ Dạ-xoa?

Ngài dạy rằng:

- Tôi đã biết rõ bà ấy là nữ Dạ-xoa, không có nghi ngờ gì cả, bởi vì, bà ấy có đôi mắt màu đỏ, không nháy mắt, có hình mà không có bóng. Vả lại, bà ấy không có tâm bi, thương xót đứa bé, bà muốn ăn thịt nó.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita hỏi bà ấy rằng:

- Này bà kia, bà là loài chúng sinh gì?

- Thưa Ngài Mahosadha paṇḍita, tôi là nữ Dạ- xoa.

- Này nữ Dạ-xoa, người bắt đứa bé để làm gì?

- Thưa Ngài Mahosadha paṇḍita, tôi bắt đứa bé này để ăn thịt.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita khuyên dạy nữ Dạ-xoa rằng:

- Này nữ Dạ-xoa! Ngươi hãy mau trả đứa bé lại cho mẹ của nó. Kiếp trước ngươi đã tạo ác nghiệp nên kiếp này ngươi làm kiếp nữ Dạ-xoa, nếu kiếp hiện tại này, ngươi tạo ác nghiệp nữa, sau khi ngươi chết, ác nghiệp có cơ hội sẽ cho quả tái sinh trong 4 cõi ác giới: địa ngục, Atula, ngạ quỷ, súc sinh, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy nữa.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita hướng dẫn nữ Dạ- xoa thọ trì ngũ giới, rồi khuyên dạy nữ Dạ-xoa hãy cố gắng giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch suốt đời.

Người mẹ của đứa bé tán dương ca tụng ân đức trí tuệ siêu việt của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, rồi ẵm đứa con về nhà, đồng thời mọi người cũng tán dương ca tụng trí tuệ của Ngài.

Các quan ra lệnh sứ giả trở về tâu trình lên Đức Vua Vedeha về cách Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita phán xét chuyện đứa con một cách công minh như vậy.

Đức Vua Vedeha muốn truyền mời Ngài vào cung điện, nhưng vị quân sư Senaka vẫn khuyên can như các lần trước.


Chuyện Người Lùn Tên Gotakāḷa

 

Một người đàn ông lùn và đen tên là Gotakāḷa làm việc suốt 7 năm bên nhà cha mẹ của cô gái tên là Dīghatālā, sau đó mới cưới cô gái ấy về làm vợ. Một hôm, Gotakāḷa gọi người vợ bảo rằng:

- Này Dīghatālā! Em hãy làm bánh, đồ ăn đi đường. Vợ chồng chúng ta sẽ đi thăm viếng cha mẹ của anh.

Vâng lời chồng làm đồ ăn đi đường xong, tuy người vợ không muốn đi, nhưng phải đi theo chồng. Ông Gotakāḷa mang vật thực đồ dùng cùng với vợ lên đường đi đến con sông cạn, nước chảy, nhưng cả hai vợ chồng đều là người có tính sợ nước sâu, nên không dám lội qua sông, đứng chờ có người lội qua thì đi theo sau.

Khi ấy, một người đàn ông bất lương, dáng cao tên là Dīghapiṭṭhi đến sau, hai vợ chồng thấy ông ta mới hỏi rằng:

- Này anh! Con sông này sâu hay cạn?

Tên Dīghapiṭṭhi xem xét biết hai vợ chồng này có tính sợ nước sâu nên trả lời rằng:

- Con sông này sâu lắm, lại có nhiều cá sấu ăn thịt người nữa!

- Vậy anh sẽ qua sông bằng cách nào?

- Tôi đã thường qua lại con sông này, quen với các con cá sấu này, nên chúng không hại tôi được.

Hai vợ chồng đề nghị rằng:

- Này anh! Nhờ anh đưa vợ chồng tôi sang bên kia sông, chúng tôi sẽ đền ơn anh.

Nghe nói vậy, ông Dīghapiṭṭhi nhận lời ngay. Hai vợ chồng đem đồ ăn đồ uống mời ông ta ăn uống no đủ xong, ông hỏi rằng:

- Này anh chị! Tôi sẽ đưa người nào sang trước?

Ông Gotakāḷa bảo rằng:

- Tôi nhờ anh đưa vợ tôi sang bên kia sông trước, rồi anh trở lại đưa tôi sau.

Ông Dīghapiṭṭhi ngồi xuống để cô Dīghatālā leo lên ngồi trên vai của mình và đem các đồ ăn uống, đồ dùng theo nữa, vì ông ta có mưu đồ xấu xa. Ông ta lội xuống sông một quãng rồi co hai chân lại, để đi giống như chỗ nước sâu.

Ông Gotakāḷa nhìn thấy như vậy, nên nghĩ: “Con sông sâu thật! Người cao như anh ấy mà còn vậy, đối với ta chắc bị chết chìm dưới con sông này mất”. Ra giữa dòng sông, ông Dīghapiṭṭhi giở trò tán tỉnh cô Dīghatālā rằng:

- Này cô em xinh đẹp đáng yêu! Em sẽ có được những đồ trang sức quý giá, có tớ gái phục vụ, em sẽ được sống an lạc hạnh phúc bên anh. Em xinh đẹp như thế này mà có người chồng vừa lùn vừa đen, không xứng đáng với em chút nào, chắc chắn em không được an lạc hạnh phúc. Xin em hãy ưng thuận theo anh.

Cô Dīghatālā vốn không thương yêu ông Gotakāḷa, nay nghe lời tán tỉnh ngọt ngào của ông Dīghapiṭṭhi, nên làm cho cô xiêu lòng, chịu theo tên lừa đảo Dīghapiṭṭhi, bỏ người chồng cũ Gotakāḷa, cô nói rằng:

- Nếu anh thương yêu em, không bỏ em thì em sẽ đi theo anh.

Ông Dīghapiṭṭhi nói dối rằng:

- Anh xin hứa với em, anh sẽ sống chung thuỷ với em suốt đời.

Khi qua đến bờ bên kia, ông Dīghapiṭṭhi và cô Dīgha-tālā biểu lộ cử chỉ âu yếm với nhau, rồi dẫn nhau đi.

Nhìn thấy vợ mình với tên lừa đảo kia âu yếm nhau, rồi dắt nhau đi, ông Gotakāḷa nổi cơn ghen tức, mắng nhiếc rằng:

- Này tên lừa đảo! Mày dắt vợ ta đi đâu?

Ban đầu ông Gotakāḷa còn sợ nước sâu, nhưng vì tức giận quá không còn biết sợ chết nữa, nên ông đánh liều chạy nhào xuống sông, biết nước cạn, không có nguy hiểm gì, ông băng qua sông, lên bờ, chạy đuổi theo kịp tên lừa đảo Dīghapiṭṭhi, mắng rằng:

- Này tên lừa đảo! Mày dắt vợ ta đi đâu?

Tên lưu manh Dīghapiṭṭhi mắng rằng:

- Này tên lùn da đen kia! Ai là vợ của mày?

Tên lưu manh Dīghapiṭṭhi xô ông Gotakāḷa ngã xuống đất, rồi nắm tay cô Dīghatālā dắt đi.

Ông Gotakāḷa chạy theo gọi rằng:

- Hãy để vợ của ta lại! Ta đã làm việc suốt 7 năm nhà cha mẹ vợ, mới cưới được người vợ ấy. Tại sao mày dắt vợ ta đi?

Khi ấy, nghe tiếng la hét bên ngoài cổng toà nhà, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita cho người gọi họ vào trong toà nhà, đến phòng phán xét. Nhìn thấy ba người, Ngài biết rõ hành vi, tâm tính của mỗi người, nhưng Ngài vẫn hỏi rằng:

- Chuyện gì mà các người la hét om sòm vậy?

Mỗi người thưa trình cho Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nghe xong, Ngài truyền bảo rằng:

- Ta sẽ phán xét một cách công minh. Vậy, các người chịu nghe ta phán xét hay không?

Họ đều đồng ý nghe Ngài phán xét. Trong phòng phán xét có đông người tham dự, Đức Bồ Tát Mahosadha Paṇḍita xét hỏi từng người một.

Trước hết, Ngài xét hỏi ông Dīghapiṭṭhi, còn cho hai người kia ra bên ngoài phòng, mỗi người đều ngồi cách xa nhau.

ĐBT: Ngươi tên gì?

Ông Dī: Thưa Ngài, tôi tên Dīghapiṭṭhi.

ĐBT: Cha mẹ của ngươi tên gì?

Ông Dī: … (Khai tên thật của cha mẹ của mình).

ĐBT:          Vợ của ngươi tên gì?

Ông Dī: … (Mới gặp nhau, chưa biết nên khai tên giả).

ĐBT:          Cha mẹ vợ của ngươi tên gì?

Ông Dī: … (Vì chưa biết nên khai tên giả).

 

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita bảo y đi ra ngoài  phòng, tiếp theo gọi ông Gotakāḷa vào xét hỏi.

ĐBT:          Ngươi tên gì?

Ông Go: Thưa Ngài, con tên Gotakāḷa.

ĐBT:          Cha mẹ của ngươi tên gì?

Ông Go: … (Khai tên thật của cha mẹ của mình).

ĐBT:          Vợ của ngươi tên gì?

Ông Go: Vợ của con tên là Dīghatālā.

ĐBT:          Cha mẹ vợ của ngươi tên gì?

Ông Go: … (Khai tên thật cha mẹ vợ của mình).

 

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita bảo ông đi ra ngoài phòng, tiếp theo gọi cô Dīghatālā vào xét hỏi.

ĐBT:  Ngươi tên gì?

Cô Dī: Thưa Ngài, tôi tên Dīghatālā.

ĐBT:  Cha mẹ của ngươi tên gì?

Cô Dī: … (Khai tên thật của cha mẹ của mình).

ĐBT:  Chồng của ngươi tên gì?

Cô Dī: … (Vì chưa biết tên, nên khai tên giả).

ĐBT:  Cha mẹ chồng của ngươi tên gì?

Cô Dī: … (Vì chưa biết tên nên khai tên giả).

 

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita cho truyền gọi lại ông Dīghapiṭṭhi và ông Gotakāḷa vào, cả ba người đều ở trong phòng xét xử. Ngài hỏi mọi người tham dự trong phòng xét xử rằng:

- Này quý vị! Như vậy, lời khai của cô Dīghatālā đúng theo lời khai của ông Dīghapiṭṭhi hay đúng theo lời khai của ông Gotakāḷa?

Mọi người đều trả lời rằng:

- Thưa Ngài Mahosadha paṇḍita, lời khai của cô Dīghatālā là đúng theo lời khai của ông Gotakāḷa.

Khi ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita bảo rằng:

- Như vậy, Ông Gotakāḷa là chồng của cô Dīghatālā, còn ông Dīghapiṭṭhi là người lừa đảo, muốn chiếm vợ của ông Gotakāḷa.

Ông Gotakāḷa được người vợ trở lại, tán dương, ca tụng trí tuệ Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, đồng thời mọi người cũng tán dương, ca tụng trí tuệ siêu việt của Ngài, vì đã phán xét một cách công minh, hợp pháp. Ngài khuyên dạy ông Dīghapiṭṭhi từ nay về sau chớ nên làm điều bất thiện, tội lỗi nữa.

Các quan ra lệnh cho sứ giả trở về tâu trình lên Đức Vua Vedeha, về cách Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita phán xét chuyện ông Gotakāḷa một cách công minh như vậy.

Đức Vua Vedeha muốn truyền mời Ngài vào cung điện, nhưng vị quân sư Senaka vẫn khuyên can như các lần trước.

 

Chuyện Chiếc Xe

Một người đánh chiếc xe ra khỏi nhà, lo công việc. Khi ấy, Đức Vua Sakka cõi Tam thập tam thiên nghĩ: “Ta sẽ làm cho nhiều người biết đến trí tuệ siêu việt của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, tiền kiếp của Đức Phật trong thời vị lai”. Nghĩ xong, Đức Vua trời Sakka biến hoá ra thành một người đàn ông đi theo sau chiếc xe. Người chủ xe hỏi:

- Này người kia! Ngươi đi theo sau xe của tôi để làm gì?

- Thưa ông chủ, tôi đi theo sau để giúp ông.

- Cám ơn ông, tốt lắm!

Dừng chiếc xe lại bên bờ hồ của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, người chủ bước xuống xe, đi đến hồ rửa mặt, thì người đàn ông ấy bước lên xe, rồi đánh chiếc xe đi. Nhìn thấy người đàn ông kia đánh chiếc xe của mình đi, người chủ xe vội vã chạy đuổi theo, kêu la lớn rằng:

- Hãy dừng chiếc xe lại! Ngươi đánh chiếc xe của ta đi đâu?

Người đàn ông ngồi trên xe trả lời rằng:

- Chiếc xe này là của tôi, còn xe của ông là chiếc nào?

Đứng trước cổng toà nhà của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, hai người cãi lộn nhau về chiếc xe, người nào cũng nói là chiếc xe đó là của mình.

Nghe 2 người cãi lộn nhau, Đức Bồ Tát cho người mời họ vào. Nhìn thấy hai người đàn ông, Ngài biết rõ một người là Đức Vua trời Sakka, bởi vì ông có vẻ ung dung tự tại, có đôi mắt không nháy, và một người là chủ xe. Mặc dù biết rõ như vậy, nhưng Ngài vẫn hỏi cho biết nguyên nhân nào họ lại cãi lộn nhau. Hai người trình bày nguyên nhân cãi lộn nhau, Ngài hỏi rằng:

 - Ta sẽ phán xét một cách công minh. Vậy 2 người chịu nghe ta phán xét hay không?

Hai người đều đồng ý. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita truyền bảo rằng:

- Tôi sẽ cho người đánh chiếc xe chạy, rồi 2 người nắm phía sau xe chạy theo, người chủ xe sẽ không buông bỏ chiếc xe của mình.

Đức Bồ Tát Mahosadha gọi người thân tín của mình đánh chiếc xe chạy, 2 người nắm phía sau xe chạy theo.

Người chủ xe chạy theo được một đoạn đường, cảm thấy mệt nhừ đành phải buông bỏ chiếc xe rồi đứng lại, còn người đàn ông kia vẫn nắm phía sau xe chạy theo, Ngài bảo chiếc xe chạy trở lại rồi tuyên bố cho mọi người biết rằng:

- Trong 2 người đàn ông này, người chạy theo phía sau chiếc xe một quãng đường ngắn, cảm thấy mệt nhừ đành phải buông bỏ chiếc xe rồi đứng lại. Còn người đàn ông kia dù chạy theo phía sau chiếc xe suốt quãng đường dài mà vẫn không thấy mệt, không có một giọt mồ hôi, hơi thở ra, hơi thở vào vẫn như thường, đặc biệt đôi mắt không nháy. Vậy, người đàn ông kia chính là Đức Vua trời Sakka.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita bèn tâu rằng:

- Tâu Ngài, Ngài là Đức Vua trời Sakka phải không?

Người đàn ông kia trả lời rằng:

- Thưa Ngài Mahosadha paṇḍita, phải, tôi là Đức Vua trời Sakka. Rồi hoá trở lại hình tướng của mình.

- Tâu Đức Vua trời Sakka, Ngài ngự xuống đây với mục đích gì?

- Thưa Ngài Mahosadha paṇḍita, Trẫm ngự xuống đây để tán dương, ca tụng trí tuệ siêu việt của Ngài.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu rằng:

- Tâu Đức Vua trời, nếu như vậy, thì xin Ngài không nên làm như vậy nữa.

Khi ấy, Đức Vua trời Sakka dùng oai lực của mình hiện lên đứng trên hư không, tán dương, ca tụng trí tuệ siêu việt của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita rằng:

- Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita có trí tuệ siêu việt! Ngài đã phán xét rất công minh và hợp pháp.

Đức Vua trời Sakka xin phép ngự trở về cõi trời Tam thập Tam thiên của mình.

Các quan tự mình trở về chầu Đức Vua Vedeha, tâu rằng:

- Tâu Bệ hạ, sau khi bậc đại thiện trí Mahosadha paṇḍita phán xét chuyện chiếc xe như vậy, Đức Vua trời Sakka đã tán dương, ca tụng trí tuệ siêu việt của Ngài. Sao Bệ hạ còn chần chờ gì nữa, mà chưa truyền mời bậc đại thiện trí Mahosadha paṇḍita có trí tuệ siêu việt vào cung điện diện kiến Bệ hạ.

Nghe các quan tâu như vậy, Đức Vua Vedeha truyền hỏi vị quân sư Senaka rằng:

- Thưa quân sư, Trẫm nên truyền mời bậc đại thiện trí Mahosadha paṇḍita vào cung điện diện kiến Trẫm được chưa?

Vị quân sư Senaka vốn có tính ganh tỵ nên tâu rằng:

- Tâu Bệ hạ, một người phán xét chuyện chiếc xe như vậy, chưa có thể gọi là bậc đại thiện trí. Xin Bệ hạ chờ đợi để thử tài trí của Mahosadha paṇḍita để biết có thật là bậc đại thiện trí hay không?

Nghe quân sư Senaka tâu như vậy, Đức Vua Vedeha làm thinh.

 

Thử Tài Trí Của Đức Bồ Tát Mahosadha Paṇḍita

 

* Câu Hỏi Về Đoạn Gỗ Ngắn

 

Một hôm, muốn thử tài trí của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, Đức Vua Vedeha truyền các quan lấy một đoạn gỗ (Khadiradaṇḍa) ngắn khoảng một gang, đem cho thợ mộc bào thân tròn 2 đầu bằng nhau, gửi đến dân chúng xóm nhà vùng lúa mạch phía đông kinh thành Mithilā với lệnh truyền rằng:

- Hãy cho biết đúng đoạn gỗ Khadiradaṇḍa này “đầu nào là gốc, đầu nào là ngọn”. Nếu không ai biết đúng thì sẽ bị phạt 1.000 Kahāpana.

Dân chúng trong vùng hội họp lại, bàn luận, nhưng không một người nào biết được đoạn gỗ này, đầu nào là gốc, đầu nào là ngọn. Họ thưa với ông phú hộ Sirivaḍḍhaka rằng:

- Thưa ông phú hộ, dân chúng trong vùng của chúng ta, không người nào biết được đầu gốc, đầu ngọn của đoạn gỗ này. Vậy, nhờ ông hỏi thử xem công tử Mahosadha paṇḍita có biết hay không?

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đang chơi với các bạn trẻ ở ngoài sân, ông phú hộ cho người gọi Ngài vào, ông phú hộ bảo rằng:

- Này Mahosadha paṇḍita, con yêu quý! Đức Vua Vedeha gửi đến dân chúng vùng chúng ta một đoạn gỗ thân tròn với lệnh truyền rằng: “Hãy cho biết đúng đoạn gỗ này, đầu nào là gốc, đầu nào là ngọn”. Mọi người trong vùng không người nào biết được. Vậy, con có khả năng biết được hay không?

Nghe phụ thân trình bày như vậy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nghĩ: Đức Vua Vedeha không phải muốn biết đoạn gỗ này, đầu nào là gốc, đầu nào là ngọn, mà thật sự, Đức Vua Vedeha gửi đoạn gỗ này chỉ để thử tài trí của ta mà thôi”. Nghĩ xong, Ngài thưa rằng:

- Kính thưa phụ thân, xin phụ thân cho người đem đoạn gỗ ấy đến đây, chắc chắn con sẽ giải đáp đúng câu hỏi này được.

Ông phú hộ Sirivaḍḍhaka cho người đem đoạn gỗ ấy đến trao cho Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita. Ngài đưa tay nhận đoạn gỗ ấy liền biết ngay đầu nào là gốc, đầu nào là ngọn. Tuy biết đúng như vậy, nhưng để chứng minh cho mọi người thấy rõ, biết rõ, nên bảo gia nhân khiêng đến một chậu lớn đầy nước. Ngài lấy sợi dây cột ngay ở giữa đoạn gỗ ấy, cầm đầu dây, thả đoạn gỗ ấy vào trong chậu nước đầy, đầu gốc chìm chúc xuống vì nặng và đầu ngọn nổi lên vì nhẹ. Ngài hỏi dân chúng rằng:

- Này quý vị! Thông thường khúc gỗ có đầu gốc nặng hay đầu ngọn nặng?

Dân chúng đều trả lời rằng:

- Thưa Ngài Mahosadha paṇḍita, thông thường khúc gỗ có đầu gốc nặng.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita bảo rằng:

- Này quý vị! Như vậy, đầu nặng của đoạn gỗ này là đầu gốc, còn đầu nhẹ kia là đầu ngọn. Xin quý vị đánh dấu xong đem đến trình lên Đức Vua Vedeha.

Dân chúng đem đoạn gỗ ấy đến chầu Đức Vua Vedeha, tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, đoạn gỗ này, đầu này là gốc, đầu này là ngọn.

 

Đức Vua Vedeha truyền bảo rằng:

- Đúng sự thật. Vậy, ai là người biết đúng như vậy, biết bằng cách nào?

Dân chúng tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, công tử Mahosadha paṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, là người biết đúng như vậy, biết bằng cách cột sợi dây ở giữa đoạn gỗ này rồi thả vào trong ảng nước đầy, đầu gốc nặng chìm xuống, và đầu ngọn nhẹ nổi lên.

Nghe dân chúng tâu như vậy, Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương rằng:

- Công tử Mahosadha paṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, có trí tuệ thật là siêu việt!

Đức Vua Vedeha truyền hỏi quân sư Senaka rằng:

- Thưa quân sư, Trẫm truyền mời công tử Mahosadha paṇḍita vào cung yết kiến Trẫm được chưa?

Quân sư Senaka tâu rằng:

- Tâu Bệ hạ, xin Bệ hạ chờ đợi để thử tài trí của Mahosadha paṇḍita bằng cách khác nữa.

 

Câu Hỏi Về 2 Cái Sọ Người

Một hôm, muốn thử tài trí của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, Đức Vua Vedeha truyền các quan đem 2 cái sọ người đến trao dân chúng xóm nhà vùng lúa mạch phía đông kinh thành Mithilā với lệnh truyền rằng:

- Trong 2 cái sọ người này, cái sọ nào là sọ người đàn bà, cái sọ nào là sọ người đàn ông. Nếu không có người nào biết đúng thì sẽ bị phạt 1.000 Kahāpana.

Dân chúng xóm nhà vùng lúa mạch phía đông không một ai biết rõ cả, nên họ đem 2 cái sọ người đến hỏi Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita.

Nhìn thấy 2 cái sọ người, Ngài biết rõ ngay cái sọ nào là sọ người đàn ông, cái sọ nào là sọ người đàn bà, bởi vì xương sọ của người đàn ông có tính chất đặc biệt, khác với xương sọ của người đàn bà. Ngài chỉ sọ của người đàn ông và sọ của người đàn bà, bảo dân chúng đánh dấu, ghi nhớ rõ sọ người đàn ông, sọ người đàn bà, rồi đem đến chầu Đức Vua Vedeha, tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, cái sọ này là sọ người đàn ông, cái sọ này là sọ người đàn bà,

Đức Vua Vedeha truyền bảo rằng:

- Đúng sự thật. Vậy, ai là người biết đúng như vậy?

- Muôn tâu Đại Vương, công tử Mahosadha paṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, là người biết đúng như vậy.

Nghe dân chúng tâu như vậy, Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương rằng:

- Công tử Mahosadha paṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, có trí tuệ thật là siêu việt!

Đức Vua Vedeha muốn truyền mời Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita vào cung điện, nhưng vị quân sư Senaka xin Đức Vua chờ đợi, để thử tài trí của Ngài bằng cách khác nữa.




[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024