• Nền Tảng Phật Giáo - Quyển VI

    PHÁP HẠNH BA-LA-MẬT

    (Tập 1)

  • Soạn giả: Hộ Pháp


CHƯƠNG  VIII

 

PHÁP HẠNH BA-LA-MẬT

 

(PĀRAMĪ) Tập 1

 

Chương VII Phước Thiện đã được trình bày xong trong quyển V của bộ Nền Tảng Phật Giáo, tiếp theo chương VIII này sẽ được trình bày về Pháp hạnh Ba-la-mật trong quyển VI, Tập 1, Tập 2, Tập 3.

 

Quyển VI, Tập 1, có 2 phần:

 

- Phần 1 giảng giải về Pháp hạnh Ba-la-mật.

 

- Phần 2 sẽ trình bày pháp hạnh bố thí Ba-la-mật, pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật, pháp hạnh xuất gia Ba-la-một. Mỗi pháp hạnh Balamật có 3 bậc gồm có 9 tích Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama như sau:

 

PHẦN  I

 

Pháp hạnh Ba-la-mật âm từ danh từ Pāḷi:  Pāramī

 

Pāramī: Pháp hạnh Ba-la-mật nghĩa là gì?

 

Danh từ pāramī có nhiều nghĩa.

 

Trong bộ  Jinālaṅkāraṭīkā định nghĩa rằng:

 

“Pāramiyo’ti pāraṃ Nibbānaṃ ayanti gacchanti etāhī’ti. Nibbānasādhako hi dānacetanādayo dhammā pāramī’ti  vuccanti.”

 

(Pāramī: Ba-la-mật là những pháp dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn. Thật vậy, tác ý trong pháp hạnh bố thí Ba-la-mật, pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật, pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật, v.v… dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn, gọi là pāramī: pháp hạnh Ba-la-mật.)

 

Pāramī: Pháp hạnh Ba-la-mật có 10 pháp:

 

1- Dānapāramī: Pháp hạnh bố thí Ba-la-mật,

2- Sīlapāramī: Pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật,

3- Nekkhammapāramī: Pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật,

4- Paññāpāramī: Pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật,

5- Vīriyapāramī: Pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật,

6- Khantipāramī: Pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật,

7- Saccapāramī: Pháp hạnh chân thật Ba-la-mật,

8- Adhiṭṭhānapāramī: Pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật

9- Mettāpāramī: Pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật,

10- Upekkhāpāramī: Pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật.

 

Thế nào gọi là pháp hạnh Ba-la-mật ?

 

Trong bộ Chú giải Pāḷi Cariyāpiṭakaṭṭhakathā giải thích rằng:

 

“Taṇhāmānadiṭṭhīhi anupahatā karaṇūpāyakosalla-  pariggahitā dānādayo guṇā pāramiyo.” ([1])

 

(Các pháp hạnh bố thí Ba-la-mật, pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật, pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật, v.v… không bị nương nhờ bởi tham ái, ngã mạn, tà kiến, đồng thời hợp với tâm bi và trí tuệ có cứu cánh Niết Bàn cao thượng, gọi là pháp hạnh Ba-la-mật.) 

 

Phần giải thích 

 

* Nếu người bố thí, giữ giới, xuất gia, v.v… bị nương nhờ bởi tham ái (taṇhā), cầu mong sẽ trở thành người giàu sang phú quý, có chức trọng quyền cao, trở thành ngôi vị Đức Vua Chuyển Luân Thánh Vương, ngôi vị Đức Vua trời Sakka, v.v… thì sự bố thí, giữ giới, xuất gia, v.v. … ấy không trở thành pháp hạnh Ba-la-mật, mà chỉ là dục giới đại thiện nghiệp mà thôi, cho quả an lạc trong cõi dục giới, không dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

 

* Nếu người bố thí, giữ giới, xuất gia, v.v…. bị nương nhờ bởi ngã mạn (māna), tự cho mình là người bố thí, giữ giới, xuất gia, v.v… hơn người, hoặc bằng người, hoặc kém hơn người thì sự bố thí, giữ giới, xuất gia, v.v. ấy không trở thành pháp hạnh Ba-la-mật, mà chỉ là dục giới đại thiện nghiệp mà thôi, cho quả an lạc trong cõi dục giới, không dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

 

* Nếu người bố thí, giữ giới, xuất gia, v.v…. bị nương nhờ bởi tà kiến (diṭṭhi), thấy sai chấp lầm cho là ta bố thí, giữ giới, xuất gia, v.v… thì sự bố thí, giữ giới, xuất gia, v.v. … ấy không trở thành pháp hạnh Ba-la-mật, mà chỉ là dục giới đại thiện nghiệp mà thôi, cho quả an lạc trong cõi dục giới, không dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

 

Nếu người bố thí, giữ giới, xuất gia, v.v….với dục giới đại thiện tâm bị nương nhờ bởi tham ái (taṇhā), ngã mạn (māna), tà kiến (diṭṭhi) thì không trở thành pháp hạnh Ba-la-mật, mà gọi là vaṭṭanissitakusala:thiện  nghiệp nương theo tử sinh luân hồi.

 

Chư Đức Bồ Tát thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật như: pháp hạnh bố thí Ba-la-mật, pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật, pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật, v.v… không bị nương nhờ bởi tham ái (taṇhā), ngã mạn (māna), tà kiến (diṭṭhi), với đại thiện tâm hoàn toàn trong sạch thanh tịnh không bị ô nhiễm bởi mọi phiền não, đồng thời hợp với tâm bi (karuṇā) trí tuệ có cứu cánh Niết Bàn cao thượng (upāyakosallañāṇa) nên gọi là pháp hạnh Ba-la-mật, gọi là vivaṭṭanissitakusala: thiện  nghiệp

nương theo thoát khỏi tử sinh luân hồi.

 

Ví dụ như Đức Bồ Tát đạo sĩ Akitti là tiền kiếp của Đức Phật Gotama, thực hành pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bố thí với tác ý thiện tâm phát nguyện rằng:     

 

“Tena dānena na lābhasakkārasilokaṃ na cakka-vattisampattiṃ na Sakkasampattiṃ na brahma-sampattiṃ na sāvakabodhiṃ na paccekabodhiṃ patthemi, api ca idaṃ me dānaṃ Sabbaññutañaṇassa paccayo hotu.” ([2])

 

(Do pháp hạnh bố thí Ba-la-mật này, bần đạo không cầu mong được nhiều tài sản, phẩm vật lễ bái cúng dường, sự tán dương ca tụng, cũng không mong cầu ngôi vị Đức Vua Chuyển Luân Thánh Vương, cũng không mong cầu ngôi vị Đức Vua trời Sakka, cũng không mong cầu ngôi vị Đức Phạm thiên, cũng không mong cầu ngôi vị Thánh Thanh Văn Giác, cũng không mong cầu ngôi vị Đức Phật Độc Giác, mà sự thật, pháp hạnh bố thí Ba-la-mật này của bần đạo chỉ mong làm duyên lành để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong thời vị lai mà thôi.)

 

Mahākaruṇā: Tâm đại bi: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có tâm đại bi thương xót chúng sinh đang đắm chìm trong biển khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, nên Ngài phát nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, để cứu vớt chúng sinh thoát khỏi biển khổ tử sinh luân hồi.

 

Upāyakosallañāṇa: Trí tuệ có cứu cánh Niết Bàn cao thượng: Chư Đức Bồ Tát đều có chung mục đích cứu cánh Niết Bàn cao thượng, song mỗi Đức Bồ Tát có cách thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật khác nhau, để cuối cùng đạt đến mục đích cứu cánh Niết Bàn như sau: 

 

   * Đối với Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác (Sammā-sambodhisatta) có cách thực hành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật: 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung, 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc thượng, rồi không thầy chỉ dạy, tự mình chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trên toàn thời giới chúng sinh, gọi là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị.

 

Đức Phật Chánh Đẳng Giác thuyết pháp tế độ chúng sinh cũng chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế y theo Ngài, chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai, bậc Thánh A-ra-hán. Mỗi chúng sinh trở thành Thánh nhân bậc nào đều tùy theo các pháp hạnh Ba-la-mật của mỗi chúng sinh ấy.

 

* Đối với Đức Bồ Tát Độc Giác (Paccekabodhisatta) có cách thực hành đầy đủ trọn vẹn 20 pháp hạnh Ba-la-mật: 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung, rồi cũng không thầy chỉ dạy, tự mình chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán gọi là Đức Phật Độc Giác, bởi vì Ngài không có khả năng thuyết pháp tế độ chúng sinh cùng chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế y theo Ngài được. Đức Phật Độc Giác có thể có nhiều Vị trong cùng thời đại.

 

 * Đối với Vị Bồ Tát Thanh Văn Giác (Sāvaka-bodhisatta) có cách thực hành đầy đủ trọn vẹn 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ, rồi cần phải lắng nghe chánh pháp của Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thực hành theo lời giáo huấn của Ngài, thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo- Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

 

Tiếp theo, chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo- Nhất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhất Lai.  

 

Tiếp theo, chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Bất Lai Thánh Đạo- Bất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Bất Lai.  

 

Tiếp theo, chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc  A-ra-hán Thánh Đạo- A-ra-hán Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng nhất.

 

Chư vị Thanh văn Bồ Tát trở thành Thánh nhân bậc thấp, bậc cao nào hoàn toàn tùy thuộc vào pháp hạnh Ba-la-mật đã tích lũy của vị ấy.

 

 10 Pháp Hạnh Ba-La-Mật Theo Tuần Tự

 

1- Dānapāramī: Pháp hạnh bố thí Ba-la-mật,

2- Sīlapāramī: Pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật,

3- Nekkhammapāramī:Pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật,

4- Paññāpāramī: Pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật,

5- Vīriyapāramī: Pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật,

6- Khantipāramī: Pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật,

7- Saccapāramī: Pháp hạnh chân thật Ba-la-mật,

8- Adhiṭṭhānapāramī: Pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật,

 

9- Mettāpāramī: Pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật,

10- Upekkhāpāramī: Pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật,

 

10 pháp hạnh Ba-la-mật được bắt đầu từ pháp hạnh bố thí Ba-la-mật theo tuần tự cho đến pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật không những được trình bày tuần tự theo cách thuyết pháp (desanānaya), mà còn trình bày tuần tự theo cách thực hành (paṭipattinaya), nghĩa là pháp hạnh Ba-la-mật trước làm nền tảng hỗ trợ cho pháp hạnh Ba-la-mật sau được thuận lợi.

 

Thật ra, nếu mỗi khi chư Đức Bồ Tát có cơ hội tốt thực

hành pháp hạnh Ba-la-mật nào thì thực hành pháp hạnh Ba-la-mật ấy, chứ không bỏ lỡ cơ hội tốt ấy.

 

Giải Thích 10 Pháp Hạnh Ba-La-Mật 

 

1- Pháp hạnh bố thí Ba-la-mật (Dānapāramī): Chư Đức Bồ Tát có tác ý tâm sở (cetanācesika) đồng sinh với đại thiện tâm sẵn sàng đem của cải tài sản, ngọc ngà châu báu, ngai vàng, vợ con, những bộ phận trong thân thể, thậm chí hy sinh sinh mạng của mình đem bố thí đến người khác, chúng sinh khác, và sự hiểu biết của mình dạy dỗ người khác, để thực hành pháp hạnh bố thí Ba-la-mật cho được thành tựu.

 

Pháp hạnh bố thí Ba-la-mật này làm nền tảng hỗ trợ không chỉ pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật được thuận lợi, mà còn hỗ trợ các pháp hạnh Ba-la-mật khác cũng được thuận lợi nữa.

 

Cho nên, pháp hạnh bố thí Ba-la-mật được trình bày trước các pháp hạnh Ba-la-mật khác.

 

2- Pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật (sīlapāramī): Chư Đức Bồ Tát có pháp hạnh bố thí Ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ thực hành pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật được thuận lợi.

 

Pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật đó là tác ý tâm sở (cetanācesika) đồng sinh với đại thiện tâm giữ gìn thân tránh xa thân hành ác, để thành tựu thân hành thiện; giữ gìn khẩu tránh xa khẩu hành ác, để thành tựu khẩu hành thiện; giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi hành ác, để thân và khẩu được trong sạch thanh tịnh.

 

Cho nên, pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật được trình bày sau pháp hạnh bố thí Ba-la-mật.

 

3- Pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật (Nekkhamma-pāramī): Chư Đức Bồ Tát có pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ thực hành pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật được thuận lợi.

 

Pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật đó là 4 đại thiện tâm hợp với trí tuệ (mahākusalañāṇasampayuttacitta) thấy rõ, biết rõ tội lỗi của ngũ dục: sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, xúc dục; nhàm chán ngũ dục. Cho nên, chư Đức Bồ Tát từ bỏ nhà, đi xuất gia.

 

Trong thời kỳ Đức Phật xuất hiện trên thế gian, hoặc Phật giáo còn đang lưu truyền trên thế gian, chư Đức Bồ Tát xuất gia trở thành tỳ khưu trong giáo pháp của Đức Phật, thực hành phạm hạnh cao thượng.

 

Trong thời kỳ không có Đức Phật xuất hiện trên thế gian, chư Đức Bồ Tát xuất gia trở thành đạo sĩ thực hành pháp hành thiền định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc giới, các bậc thiền vô sắc giới, chứng đắc ngũ thông: Thần túc thông, nhãn thông, nhĩ thông, túc mạng thông, tha tâm thông.

 

Trong thời kỳ này, chư Đức Bồ Tát Độc Giác kiếp chót xuất gia, không thầy chỉ dạy, tự mình thực hành pháp hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán gọi là Đức Phật Độc Giác.

 

Cho nên, pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật được trình bày sau pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật. 

 

4- Pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật (Paññāpāramī): Chư Đức Bồ Tát có pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ thực hành pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật đó là trí tuệ tâm sở (paññindriyacetsika) đồng sinh với 4 đại thiện tâm hợp với trí tuệ, hiểu rõ nghiệp là của riêng mình (kammas-sakatāñāṇa), thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp, thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp, thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã (vipassanāñāṇa), ….

 

Cho nên, pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật được trình bày sau pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật. 

 

5- Pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật (Vīriyapāramī): Chư Đức Bồ Tát có pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ thực hành pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật được thuận lợi.

 

Pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật đó là tinh tấn tâm sở (vīriyacetsika) đồng sinh với đại thiện tâm tinh tấn không ngừng trong 4 pháp tinh tấn:

 

- Tinh tấn ngăn ác pháp chưa sinh, không cho phát sinh,

- Tinh tấn diệt ác pháp đã phát sinh,

- Tinh tấn làm cho thiện pháp chưa sinh, được phát sinh,

- Tinh tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã phát sinh.

 

 Cho nên, pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật được trình bày sau pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật. 

 

6- Pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật (Khantipāramī): Chư Đức Bồ Tát có pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ thực hành pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật được thuận lợi.

 

Pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật đó là vô sân tâm sở (adosacetsika) đồng sinh với đại thiện tâm nhẫn nại chịu đựng mọi nghịch cảnh, tâm sân không phát sinh trong các đối tượng xấu ấy, chỉ có đại thiện tâm phát sinh để đạt đến mục đích cao cả mà thôi. 

 

 Cho nên, pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật được trình bày sau pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật.  

 

7- Pháp hạnh chân thật Ba-la-mật (Saccapāramī): Chư Đức Bồ Tát có pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ thực hành pháp hạnh chân thật Ba-la-mật được thuận lợi.

 

Pháp hạnh chân thật Ba-la-mật đó là tác ý tâm sở (cetanācetsika) hoặc tiết chế tâm sở (viraticetasika) hoặc trí tuệ tâm sở (paññindriyacetasika) đồng sinh với đại thiện tâm hợp với trí tuệ, với lời nói chân thật (saccavācā) phát sinh từ đại thiện tâm ấy, nói như thế nào, làm như thế ấy; làm như thế nào, nói như thế ấy. Đức Bồ Tát không bao giờ nói dối, nói sai sự thật, dám hy sinh sinh mạng để giữ gìn sự thật mà thôi.

 

 Cho nên, pháp hạnh chân thật Ba-la-mật được trình bày sau pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật.  

8- Pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật (Adhiṭṭhāna-pāramī): Chư Đức Bồ Tát có pháp hạnh chân thật Ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ thực hành pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật được thuận lợi.

 

Pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật đó là đại thiện tâm hợp với trí tuệ phát nguyện bằng ý nghĩ trong tâm hoặc phát nguyện bằng lời nói chân thật. 

 

Pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật có năng lực rất phi thường. Cho nên, pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật được trình bày sau pháp hạnh chân thật Ba-la-mật.  

 

9- Pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật (Mettāpāramī): Chư Đức Bồ Tát có pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ thực hành pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật được thuận lợi.

 

Pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật đó là vô sân tâm sở (adosacetasika) đồng sinh với đại thiện tâm có đối tượng tất cả chúng sinh. Đức Bồ Tát thực hành pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật đối với tất cả chúng sinh vô lượng rằng: 

 

“Sabbe sattā averā hontu, abyāpajjā hontu, anīghā hontu, sukhī attānaṃ pariharantu.”

(Cầu mong tất cả chúng sinh không oan trái lẫn nhau, không có khổ tâm, không có khổ thân, xin giữ gìn thân tâm thường được an lạc.)

 

Cho nên, pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật được trình bày sau pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật.  

 

10- Pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật (Upekkhāpāramī): Chư Đức Bồ Tát có pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ thực hành pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật được thuận lợi.

 

Pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật đó là trung dung tâm sở (tattaramajjhattatācetasika) đồng sinh với đại thiện tâm có đối tượng tất cả chúng sinh. Đức Bồ Tát thực hành pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật đối với chúng sinh đối xử tốt, lễ bái cúng dường đến Ngài hoặc đối với chúng sinh đối xử xấu, quấy phá làm khổ Ngài. Đức Bồ Tát đều có thiện tâm trung dung đối với tất cả chúng sinh ấy, nghĩa là, không phát sinh tâm thương yêu đối với chúng sinh đối xử tốt với Ngài, cũng không phát sinh tâm ghét chúng sinh đối xử xấu với Ngài.

 

“Sabbe sattā kammassakā”

 

(Tất cả mọi chúng sinh đều có nghiệp là riêng của họ).

 

Cho nên, pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật được trình bày sau pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật.  

 

4 Đặc Tính Chung Của 10 Pháp Hạnh Ba-La-Mật

 

10 pháp hạnh Ba-la-mật đều có tâm đại bi (mahā-karuṇā) và trí tuệ có cứu cánh cao cả (upāyakosalla-ñāṇa) là trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác hoặc Đức Phật Độc Giác, hoặc vị Thánh Thanh Văn Giác, nên 10 pháp hạnh Ba-la-mật có 4 đặc tính chung như sau:

 


4 Đặc Tính Chung

 

1- Trạng thái (Lakkhaṇa): 10 pháp hạnh Ba-la-mật có trạng thái tế độ chúng sinh.

 

2- Phận sự (Rasa): 10 pháp hạnh Ba-la-mật có phận sự đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài đến tất cả chúng sinh. Hoặc có phận sự quyết tâm tinh tấn không ngừng thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật mà không hề thoái chí nản lòng trước mọi sự khó khăn.  

 

3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Chư Đức Bồ Tát biết rõ sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài đối với tất cả chúng sinh, đó là kết quả hiện hữu của 10 pháp hạnh Ba-la-mật. Hoặc Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Đức Bồ Tát Độc Giác trở thành Đức Phật Độc Giác, vị Bồ Tát Thanh Văn Giác trở thành vị Thánh Thanh Văn Giác, đó là kết quả hiện hữu của các pháp hạnh Ba-la-mật.

 

4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Tâm đại bi (mahākaruṇā) và trí tuệ có cứu cánh cao cả (upāya-kosallañāṇa) là nguyên nhân gần phát sinh 10 pháp hạnh Ba-la-mật.

 

Đó là 4 đặc tính chung của 10 pháp hạnh Ba-la-mật.

 

4 Đặc Tính Riêng Của Mỗi Pháp Hạnh Ba-La-Mật

 

Mỗi pháp hạnh Ba-la-mật có chi pháp khác nhau, có đối tượng khác nhau, nên mỗi pháp hạnh Ba-la-mật có 4 đặc tính riêng khác nhau như sau:

 

1- Pháp hạnh bố thí Ba-la-mật có 4 đặc tính:

 

1.1- Trạng thái (Lakkhaṇa): Pháp hạnh bố thí Ba-la-mật có trạng thái đem của cải tài sản, sự hiểu biết, v.v… bố thí, phân phát đến người khác, chúng sinh khác.

 

1.2- Phận sự (Rasa): Pháp hạnh bố thí Ba-la-mật có phận sự diệt tâm keo kiệt, bủn xỉn trong của cải tài sản, sự hiểu biết của mình.

 

1.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức Bồ Tát trở thành người giàu sang phú quý, có nhiều của cải tài sản, v.v. … mà không dính mắc trong của cải tài sản ấy, trở thành bậc đa văn túc trí, học nhiều hiểu rộng, mà không phát sinh tâm ngã mạn, v.v… Đó là kết quả hiện hữu của pháp hạnh bố thí Ba-la-mật.  

 

1.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Của cải tài sản, sự hiểu biết, đem ra bố thí, phân phát đến người khác, là nguyên nhân gần phát sinh pháp hạnh bố thí Ba-la-mật.

 

2- Pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật có 4 đặc tính:

 

2.1- Trạng thái (Lakkhaṇa): Pháp hạnh giữ giới Ba-la-

mật có trạng thái tránh xa mọi thân hành ác, mọi khẩu hành

ác; thành tựu mọi thân hành thiện, mọi khẩu hành thiện.

 

2.2- Phận sự (Rasa): Pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật có phận sự ngăn sự phá giới là ngăn 3 thân nghiệp hành ác, 4 khẩu nghiệp nói ác.

 

2.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức Bồ Tát có mọi thân thiện nghiệp, mọi khẩu thiện nghiệp trong sạch thanh tịnh. Đó là kết quả hiện hữu của pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật.  

 

2.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, là nguyên nhân gần phát sinh pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật.

 

3- Pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật có 4 đặc tính:

 

3.1- Trạng thái (Lakkhaṇa): Pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật có trạng thái tránh xa các đối tượng ngũ dục: sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, xúc dục.

 

3.2- Phận sự (Rasa): Pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật có phận sự làm cho thấy rõ, biết rõ tội lỗi của ngũ dục.

                 

3.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức Bồ Tát từ bỏ được các đối tượng ngũ dục. Đó là kết quả hiện hữu của pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật.  

3.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Trí tuệ nhàm chán ngũ dục, là nguyên nhân gần phát sinh pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật.

 

4- Pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật có 4 đặc tính:

 

4.1- Trạng thái (Lakkhaṇa): Pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật có trạng thái thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp; thấy rõ, biết rõ trạng thái riêng của mỗi pháp; thấy rõ, biết rõ trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, …

 

4.2- Phận sự (Rasa): Pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật có phận sự diệt tâm si mê tối tăm, ví như ánh sáng diệt bóng tối.

 

4.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức Bồ Tát có trí tuệ thiền tuệ sáng suốt chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán. Đó là kết quả hiện hữu của pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật.  

 

4.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Định tâm trong các đối tượng danh pháp, sắc pháp, là nguyên nhân gần phát sinh pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật.

 

5- Pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật có 4 đặc tính:

 

5.1- Trạng thái (Lakkhaṇa): Pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật có trạng thái cố gắng tinh tấn không ngừng.  

 

5.2- Phận sự (Rasa): Pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật có phận sự tinh tấn diệt các ác pháp, và tinh tấn làm tăng trưởng các thiện pháp.

 

5.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức Bồ Tát có sự tinh tấn không ngừng trong mọi thiện pháp, không hề thoái chí nản lòng trước mọi sự khó khăn. Đó là kết quả hiện hữu của pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật.  

 

5.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Trí tuệ suy xét mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, nên phát sinh động tâm (saṃvega), mong giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, là nguyên nhân gần phát sinh pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật.

 

6- Pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật có 4 đặc tính:

 

6.1- Trạng thái (Lakkhaṇa): Pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật có trạng thái nhẫn nại chịu đựng mọi nghịch cảnh một cách tự nhiên.  

 

6.2- Phận sự (Rasa): Pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật

có phận sự đè nén, chế ngự tâm tham không phát sinh trong đối tượng tốt; đè nén, chế ngự tâm sân không phát sinh trong đối tượng xấu.

 

6.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức Bồ Tát có trí tuệ tự chủ hoàn toàn, không bị ảnh hưởng bởi các đối tượng dù xấu, dù tốt, đại thiện tâm vẫn phát sinh an nhiên tự tại. Đó là kết quả hiện hữu của pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật.  

 

6.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Trí tuệ thấy rõ, biết rõ sự thật chân lý, là nguyên nhân gần phát sinh pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật.

 

7- Pháp hạnh chân thật Ba-la-mật có 4 đặc tính:

 

7.1- Trạng thái (Lakkhaṇa): Pháp hạnh chân thật Ba-la-mật có trạng thái nói lời chân thật, không nói lời giả dối.

 

7.2- Phận sự (Rasa): Pháp hạnh chân thật Ba-la-mật có phận sự làm rõ sự thật chân lý.

 

7.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức Bồ Tát là bậc luôn luôn có đại thiện tâm hoan hỷ trong sự thật chân lý. Đó là kết quả hiện hữu của pháp hạnh chân thật Ba-la-mật.  

 

7.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Thân, khẩu, ý trong sạch là nguyên nhân gần phát sinh pháp hạnh chân thật Ba-la-mật.

 

8- Pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật có 4 đặc tính:

 

8.1- Trạng thái (Lakkhaṇa): Pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật có trạng thái quyết tâm vững chắc, không lay chuyển nói lời phát nguyện trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, hoặc trở thành Đức Phật Độc Giác, hoặc trở

thành bậc Thánh Thanh Văn Giác.

 

8.2- Phận sự (Rasa): Pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật có phận sự diệt mọi phiền não gây trở ngại thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật.

 

8.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức Bồ Tát quyết tâm, không thoái chí nản lòng, tinh tấn không ngừng thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật cho sớm được đầy đủ trọn vẹn.  Đó là kết quả hiện hữu của pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật.  

 

8.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Các pháp hạnh Ba-la-mật là nguyên nhân gần để phát sinh pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật.

9- Pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật có 4 đặc tính:

 

9.1- Trạng thái (Lakkhaṇa): Pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật có trạng thái cầu mong sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài đến tất cả chúng sinh.

 

9.2- Phận sự (Rasa): Pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật có phận sự diệt tâm oan trái đối với tất cả chúng sinh. Hoặc rải tâm từ cầu mong tất cả chúng sinh có thân tâm thường được an lạc. 

 

9.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức Bồ Tát có thân tâm thường được an lạc mát mẻ. Đó là kết quả hiện hữu của pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật.  

 

9.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Đối tượng chúng

sinh đáng yêu là nguyên nhân gần phát sinh pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật.

 

10- Pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật có 4 đặc tính:

 

10.1- Trạng thái (Lakkhaṇa): Pháp hạnh tâm xả Ba-

la-mật có trạng thái tâm trung dung, không thương, không ghét đối với tất cả chúng sinh.   

 

10.2- Phận sự (Rasa): Pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật có phận sự không thiên vị vì thương, vì ghét, giữ gìn tâm trung dung công bằng đối với tất cả chúng sinh, như bàn cân đúng đắn.

 

10.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức Bồ Tát có đại thiện tâm vắng lặng, không thương, không ghét đối với tất cả chúng sinh. Đó là kết quả hiện hữu của pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật.  

 

10.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Trí tuệ hiểu biết mỗi chúng sinh có nghiệp là của riêng họ là nguyên nhân gần phát sinh pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật.

 

Để biết phân biệt rõ sự khác biệt của mỗi pháp hạnh Ba-la-mật, bậc thiện trí căn cứ vào 4 đặc tính cơ bản của mỗi pháp hạnh Ba-la-mật.

 

Pháp hạnh Ba-la-mật là pháp hành của chư Đức Bồ Tát. Mỗi Đức Bồ Tát có nguyện vọng khác nhau, nên  thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật cũng khác nhau.

Để đạt đến nguyện vọng cao cả của mình, mỗi Đức Bồ Tát cần phải thực hành đầy đủ các pháp hạnh Ba-la-mật tương xứng với nguyện vọng cao cả của mình.

 

Bodhisatta: Đức Bồ Tát 

 

Đức Bồ Tát là bậc thế nào?

 

Đức Bồ Tát phiên âm từ chữ Pāḷi: Bodhisatta

 

Trong bộ Chú giải Pāḷi Mahavaggaṭṭhakakthā định nghĩa rằng:

“Bodhisatto’ti paṇḍitasatto bujjhanakasatto. Bodhi-saṅkhātesu vā catūsu maggesu satto āsatto laggamānaso’ti bodhisatto.” ([1])

 

Ý nghĩa:

(Đức Bồ Tát là chúng sinh thiện trí, chúng sinh mong giác ngộ chân lý tứ Thánh đế, hoặc Đức Bồ Tát là chúng sinh có ý nguyện tha thiết cầu mong chứng đắc bốn Thánh Đạo. Như vậy, gọi là Đức Bồ Tát.

 

Trong bộ chú giải Cariyāpiṭakaṭṭhakathā định nghĩa:

 

Dānasīlādiguṇavisesayogena sattuttamatāya paramā mahāsattā bodhisattā.” ([2])

 

Chư Đức Bồ Tát là bậc Đại chúng sinh cao thượng trong chúng sinh, có đại thiện tâm hợp với các đức tính đặc biệt trong các pháp hạnh bố thí Ba-la-mật, pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật, v.v…

Chư Đức Bồ Tát có ý nguyện tha thiết khác nhau như muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, hoặc muốn trở thành Đức Phật Độc Giác, hoặc muốn trở thành bậc Thánh Thanh Văn Giác, nhưng tựu trung tất cả chư Đức Bồ Tát đều mong đạt đến cứu cánh Niết Bàn giống nhau, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Đức Bồ Tát có 3 hạng:

 

1- Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác (Sammāsambodhisatta),

2- Đức Bồ Tát Độc Giác (Paccekabodhisatta),

3- Vị Bồ Tát Thanh văn giác (Sāvakabodhisatta).

 

 Phần giải thích

 

 1- Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác (Sammāsambodhisatta)

 

Đức Bồ Tát nào có ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Đức Bồ Tát ấy gọi là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác.

 

Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải thực hành đầy đủ 30 pháp hạnh Ba-la-mật: 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung và 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc thượng.

 

Khi đã thực hành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật xong, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy chắc chắn sinh làm người nam trong thời kỳ không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, không có thầy chỉ dạy, tự mình thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não, mọi tham ái không con dư sót; đặc biệt diệt được mọi tiền khiên tật xấu (vāsanā) đã tích luỹ từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên, gọi là Đức Phật Chánh Đẳng Giác độc nhất vô nhị trong muôn ngàn cõi thế giới chúng sinh.

 

Đức Phật Chánh Đẳng Giác có khả năng đặc biệt chế định ra ngôn ngữ để thuyết pháp, chỉ dạy tế độ chúng sinh có duyên lành cũng chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế y theo Ngài, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn diệt đoạn tuyệt phiền não, trở thành bậc Thánh nhân bậc cao hoặc bậc thấp tuỳ theo năng lực của các pháp hạnh Ba-la-mật của mỗi chúng sinh ấy.

 

Phân Hạng Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác:

 

1- Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt (Paññādhika).

2- Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt (Saddhādhika).

3- Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt (Vīriyādhika).

 

1- Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt là như thế nào?

 

Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt (Paññādhika) là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ nhiều năng lực, còn đức tin và tinh tấn trung bình trong khi thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật. Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy cần phải thực hành đầy đủ 30 pháp hạnh Ba-la-mật trải qua ba thời kỳ.

 

- Thời kỳ đầu: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt phát nguyện ở trong tâm có ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác, để tế độ cứu vớt chúng sinh thoát khỏi biến khổ luân hồi.

Sau đó, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 7 A-tăng-kỳ kiếp trái đất.

 

- Thời kỳ giữa: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt phát nguyện bằng lời nói để cho chúng sinh biết ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác của Ngài.

 

Sau đó, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy tiếp tục thực hành, bồi bổ các pháp hạnh Ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 9 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.

 

Qua hai thời kỳ trên, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt ấy vẫn còn là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác bất định (Aniyatabodhisatta) nghĩa là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy có thể thay đổi ý nguyện không muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác mà chỉ muốn trở thành một Đức Phật Độc Giác hoặc bậc Thánh Thanh Văn giác mà thôi.

 

Nếu trường hợp Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt ấy vẫn giữ nguyên ý nguyện xưa, rồi tiếp tục thực hành, tích luỹ các pháp hạnh Ba-la-mật thì sẽ dẫn đến thời kỳ cuối.

 

- Thời kỳ cuối: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt ấy, khi hội đủ 8 pháp, để được Đức Phật Chánh Đẳng Giác đầu tiên thọ ký xác định thời gian còn lại là 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt ấy sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong thời vị lai.

 

Khi ấy, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt mới trở thành Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cố định (Niyatabodhisatta).

 

Từ đó, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy cố gắng tinh tấn tiếp tục thực hành, bồi bổ, tích luỹ cho được đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật trong thời gian còn lại ấy.

 

Trong khoảng thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, mỗi khi có Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian, thì Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy đều phải đến hầu Đức Phật Chánh Đẳng Giác ấy và được Ngài thọ ký xác định thời gian còn lại sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác của Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy.

 

Khi Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt đã thực hành và tích luỹ đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật xong.

 

Kiếp chót Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt ấy, chắc chắn sẽ tái sinh làm người nam trong thời kỳ không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, không có thầy chỉ dạy, tự chính mình thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế đầu tiên, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, đặc biệt diệt được các tiền khiên tật xấu (vāsanā) đã tích luỹ nhiều kiếp trong quá khứ, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên, gọi là Đức Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha), độc nhất vô nhị trong muôn ngàn cõi thế giới chúng sinh.

 

2- Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt như thế nào?

 

Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt (Saddhādhika) là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có đức tin nhiều năng lực còn trí tuệ và tinh tấn trung bình trong khi thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật.

 

Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt ấy cũng cần phải thực hành đầy đủ 30 pháp hạnh Ba-la-mật với thời gian gấp đôi Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt.

 

 


- Thời kỳ đầu: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt phát nguyện ở trong tâm có ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác, để tế độ cứu vớt chúng sinh thoát khỏi biển khổ luân hồi.

Sau đó, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 14 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.

- Thời kỳ giữa: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt phát nguyện bằng lời nói để cho chúng sinh biết ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác của Ngài.

Sau đó, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy tiếp tục thực hành, bồi bổ các pháp hạnh Ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 18 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.

- Thời kỳ cuối: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt khi hội đủ 8 pháp, để được Đức Phật Chánh Đẳng Giác đầu tiên thọ ký, xác định thời gian còn lại là 8 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt ấy sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong thời vị lai.

Khi ấy, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt ấy mới trở thành Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cố định (Nigatabodhisatta).

Từ đó, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy cố gẳng tinh tấn tiếp tục thực hành, bồi bổ tích luỹ cho được đầy đủ 30 pháp hạnh Ba-la-mật…

(Các phần còn lại hoàn toàn giống như Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt.)

 

3- Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt là như thế nào?

 

Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt (Vīriyādhika) là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn nhiều năng lực còn trí tuệ và đức tin trung bình trong khi thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật.

 

Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt ấy cần phải thực hành đầy đủ 30 pháp hạnh Ba-la-mật với thời gian gấp đôi Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt và gấp bốn lần Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt.

 

Thời gian trải qua ba thời kỳ thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật của Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt như sau:

 

- Thời kỳ đầu: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt phát nguyện ở trong tâm có ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác, để tế độ cứu vớt chúng sinh thoát khỏi biển khổ luân hồi.

Sau đó, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật trong thời gian suốt 28 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.

 

- Thời kỳ giữa: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt phát nguyện bằng lời nói để cho chúng sinh ấy biết ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác của Ngài.

 

Sau đó, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy tiếp tục thực hành, bồi bổ các pháp hạnh Ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 36 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.

 

- Thời kỳ cuối: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt khi hội đủ 8 pháp, để được Đức Phật Chánh Đẳng Giác đầu tiên thọ ký xác định thời gian còn lại là 16 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt ấy sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong thời vị lai.

 

Khi ấy, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt mới trở thành Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cố định (Niyatabodhisatta).

 

Từ đó, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn siêu việt tiếp tục thực hành, bồi bổ, tích luỹ cho đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật.

 

Đến kiếp chót Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy chắc chắn sẽ tái sinh làm người nam trong thời kỳ không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, không có thầy chỉ dạy, tự chính mình thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế đầu tiên, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, đặc biệt diệt được các tiền khiên tật xấu (vāsanā) đã tích luỹ nhiều kiếp trong quá khứ, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên, gọi là Đức Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha), độc nhất vô nhị trong muôn ngàn cõi thế giới chúng sinh.

 

(Các phần còn lại hoàn toàn giống như Đức Bồ Tát có trí tuệ siêu việt).

 

Đức Phật Gotama Trong Thời Đại Của Chúng Ta

 

Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác tiền kiếp của Đức Phật Gotama Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt (Paññādhika).

 

- Thời kỳ đầu: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt tiền kiếp của Đức Phật Gotama phát nguyện ở trong tâm có ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác, để tế độ cứu vớt chúng sinh giải thoát khỏi biển khổ luân hồi.

 

Sau đó, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt ấy thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 7 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.

Trong khoảng thời gian 7 a-tăng-kỳ kiếp trái đất ấy, có 125.000 Đức Phật Chánh Đẳng Giác tuần tự mỗi vị đã xuất hiện trên thế gian.

 

- Thời kỳ giữa: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt tiền kiếp của Đức Phật Gotama, phát nguyện ra bẳng lời nói, để cho chúng sinh biết ý nguyện của Ngài muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

 

Sau đó, Ngài tiếp tục bồi bổ, thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật trong khoảng thời gian suốt 9 a-tăng-kỳ kiếp trái đất.

Trong khoảng thời gian 9 a-tăng-kỳ kiếp trái đất ấy, có 342.000 Đức Phật Chánh Đẳng Giác tuần tự mỗi vị đã xuất hiện trên thế gian.

- Thời kỳ cuối: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt là đạo sĩ Sumedha, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, hội đủ 8 pháp là:

 

   Manussattaṃ liṅgasampatti, hetu satthāradassanaṃ.

Pabbajjā guṇasampatti, adhikāro ca chandatā.

Aṭṭhadhammasamodhāno, abhinīhāro samijjhati.”([1])

 

Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải hội đầy đủ 8 pháp mới được Đức Phật thọ ký xác định thời gian thành tựu nguyện vọng trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong thời vị lai.

 

Tám pháp này là:

 

1- Manussatta: Loài người thật,

2- Liṅgasampatti: Người nam thật,

3- Hetu: Đầy đủ pháp hạnh Ba-la-mật có khả năng

    trở thành bậc Thánh A-ra-hán ngay kiếp hiện tại. 

 

4- Satthāradassana: Đến hầu đảnh lễ Đức Phật, 

5- Pabbajjā: Bậc xuất gia đạo sĩ có chánh kiến,

6- Guṇasampatti: Đầy đủ 8 bậc thiền sắc giới và vô

    sắc giới, 5 phép thần thông thế gian.

 

7- Adhikāra: Cúng dường sinh mạng đến Đức Phật

    Dīpaṅkara.

 

8- Chandatā: Nguyện vọng tha thiết muốn trở thành

    Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong thời vị lai.

 

Đức Bồ Tát đạo sĩ Sumedha có hội đủ 8 pháp ấy, nên được Đức Phật Dīpaṅkara đầu tiên thọ ký, xác định thời gian còn lại là 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, Đức Bồ Tát đạo sĩ Sumedha, tiền kiếp của Đức Phật Gotama sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, có danh hiệu là Đức Phật Gotama.

 

Từ đó, Đức Bồ Tát đạo sĩ Sumedha trở thành Đức Bồ Tát cố định (Niyatabodhisatta).

 

Đức Bồ Tát Được Thọ Ký

 

Sau khi Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama được Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký đầu tiên. Từ đó, trong khoảng thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất ấy, tuần tự có 24 Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama đến hầu mỗi Đức Phật, và được Ngài thọ ký theo tuần tự như sau:

Đức Phật Chánh Đẳng Giác đầu tiên là Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký, tiếp theo là Đức Phật Koṇdañña, Đức Phật Maṅgala, Đức Phật Sumana, Đức Phật Revata, Đức Phật Sobhita, Đức Phật Anomadassī, Đức Phật Paduma, Đức Phật Nārada, Đức Phật Padumuttara, Đức Phật Sumedha, Đức Phật Sujāta, Đức Phật Piyadassī, Đức Phật Atthadassī, Đức Phật Dhammadassī, Đức Phật Siddhattha, Đức Phật Tissa, Đức Phật Phussa, Đức Phật Vipassī, Đức Phật Sikhī, Đức Phật Vessabhū, Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Koṇāgamana và Đức Phật Kassapa là Đức Phật thứ 24 cuối cùng xuất hiện trên thế gian thọ ký, xác định thời gian rằng:

 

“Trong thời vị lai, trong kiếp trái đất Bhaddakappa này, vị tỳ khưu Jotipāla này sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu là Đức Phật Gotama…”

 

 

Đức Bồ Tát Kiếp Đầu Tiên Và

Kiếp Chót Của Đức Phật Gotama

 

* Đức Bồ Tát Kiếp Đầu Tiên Của Đức Phật Gotama

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự trên tảng đá quý cùng với số đông tỳ khưu tại ven rừng có nhiều hoa thơm gần hồ Anotatta. Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết dạy về thiện nghiệp bố thí là pháp hạnh bố thí Ba-la-mật mà tiền kiếp đầu tiên của Ngài đã thực hành rằng:

- Này chư tỳ khưu! Các con nên lắng nghe thiện nghiệp bố thí là pháp hạnh bố thí Ba-la-mật đầu tiên mà Như Lai đã thực hành trong kiếp quá khứ như sau:

Tiền kiếp Như Lai thấy một vị tỳ khưu hành pháp hạnh đầu đà sống trong rừng, nên phát sinh đức tin trong sạch, dâng cúng dường “một tấm vải cũ” đến vị tỳ khưu ấy. Ngay khi ấy, tiền kiếp Như Lai phát sinh tâm đại bi, có ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong thời vị lai, để tế độ chúng sinh thoát khỏi biển khổ tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.

Đó là Đức Bồ Tát kiếp đầu tiên của Như Lai có ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, chính nhờ thiện nghiệp bố thí cúng dường tấm vải cũ là pháp hạnh bố thí Ba-la-mật đầu tiên ấy, dẫn đến kiếp chót hiện tại là Đức Bồ Tát Siddhattha của Như Lai đã trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu là Đức Phật Gotama. ([2])

 

 

Quả Báu Của Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác Cố Định

 

Sau khi Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sumedha, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, đã được Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký xác định thời gian vị lai còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, sẽ trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu là Đức Phật Gotama.

 

Từ đó, Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sumedha trở thành Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cố định (Niyatabodhisatta) tiếp tục tử sinh luân hồi, mỗi kiếp Đức Bồ Tát thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật suốt khoảng thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, bồi bổ, tích luỹ cho được đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, có danh hiệu là Đức Phật Gotama.

 

Suốt khoảng thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất ấy, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cố định mỗi kiếp tử sanh luân hồi chắc chắn không còn tái sanh làm chúng sinh trong các cõi sau đây:

- Không sinh làm người dân thiểu số trong rừng.

- Không sinh làm người nữ, người ái nam ái nữ.

- Không sinh làm con của người tôi tớ.

- Không sinh làm người đui mù, câm điếc từ lúc tái sanh.

- Không sinh làm người có bệnh nan y.

- Không sinh làm thiên Ma Vương.

- Không sinh làm phạm thiên trong cõi Vô tưởng thiên.

- Không sinh làm phạm thiên trong cõi Tịnh cư thiên.

- Không sinh làm phạm thiên thiên trong cõi Vô sắc giới.

- Không sinh làm chúng sinh trong thế giới khác.  

   - Không sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục tối tăm 

     Lokantarikanaraka.

   - Không sinh vào trong cõi đại địa ngục Avīci.

- Không sinh làm loài ngạ quỷ Khuppīpāsikapeta (ngạ   quỷ chịu cảnh đói khát), hoặc loài ngạ quỷ Nijjhāmataṇhikapeta (ngạ quỷ bị thiêu đốt), hoặc loài ngạ quỷ Kālakañcikapeta (ngạ quỷ tên loài Atula).

- Không sinh làm loài súc sinh có thân hình nhỏ hơn con chim sẻ.

- Không sinh làm loài súc sinh có thân hình to lớn hơn con voi.

- Không bao giờ tạo 5 trọng ác nghiệp (giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, làm bầm máu bàn chân Đức Phật, chia rẽ chư tỳ khưu Tăng).

- Không bao giờ có tà kiến cố định (niyatamicchā-diṭṭhi).

- Không trở thành bậc Thánh Nhân trong khoảng thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất ấy([3])

 

Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cố định, tiền kiếp của Đức Phật Gotama tiếp tục tử sinh luân hồi trải qua vô số kiếp, để thực hành, bồi bổ các pháp hạnh Ba-la-mật, tích lũy cho được đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật trong suốt thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa.

 

Như vậy, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt, tiền kiếp của Đức Phật Gotama thực hành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, trải qua khoảng thời gian mau nhất là 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất bằng một nửa khoảng thời gian của Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có đức tin siêu việt và bằng một phần tư khoảng thời gian của Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có tinh tấn

siêu việt.

 

Đức Bồ Tát Kiếp Chót Của Đức Phật Gotama

 

Đến kiếp áp chót tiền kiếp của Đức Phật Gotama là  Đức Vua Bồ Tát Vessantara thực hành pháp hạnh bố thí Ba-la-mật như bố thí con voi báu, bố thí của cải, bố thí hoàng tử Jāli và công chúa Kaṇhā, bố thí Chánh cung Hoàng hậu Maddīdevī.

 

Sau khi Đức Vua Bồ Tát Vessantara băng hà, thiện nghiệp cho quả tái sinh làm vị thiên nam tên là Setaketu trên cõi trời Tusita (Đâu suất đà thiên) hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy.

 

Khi chư thiên, chư phạm thiên đến thỉnh Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu xuống tái sinh làm người, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu nhận lời thỉnh cầu của chư thiên, chư phạm thiên.

 

Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu sau khi chuyển kiếp (chết) từ cõi trời Tusita ấy, dục giới thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp chót vào lòng bà Chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī của Đức vua Suddhodana vào đúng canh chót đêm rằm tháng 6 âm lịch.

 

Đến khi tròn đủ 10 tháng, vào ngày rằm tháng 4 âm lịch, Đức Bồ Tát kiếp chót của Đức Phật Gotama đản sinh khỏi lòng bà Chánh cung hoàng hậu Mahāmayā-devī tại khu vườn Lumbinī. Đức Bồ Tát được đặt tên là Thái tử SIDDHATTHA.

 

Khi Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha trưởng thành:

- Năm 16 tuổi, Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha lên ngôi vua và kết hôn với công chúa Yasodharā, ngự tại kinh thành Kapilavatthu 13 năm.

- Năm 29 tuổi, Đức Vua Bồ Tát Siddhattha từ bỏ ngai vàng đi xuất gia, vào đêm rằm tháng 6 âm lịch, khi Chánh cung Hoàng hậu Yasodharā sinh hạ hoàng tử Rāhula.

 - Năm 35 tuổi, Đức Bồ Tát Siddhattha, không có thầy chỉ dạy, tự chính mình thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế đầu tiên, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, đặc biệt diệt được các tiền khiên tật xấu (vāsanā) đã tích luỹ nhiều kiếp trong quá khứ, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên, có trí tuệ siêu việt thông suốt hoàn toàn tất cả các pháp không còn dư sót (Sabbaññutañāṇa), gọi là Đức Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha), có danh hiệu là Đức Phật GOTAMA độc nhất vô nhị trong muôn ngàn cõi thế giới chúng sinh, vào canh chót đêm rằm tháng 4 âm lịch tại cội đại Bồ Đề trong khu rừng Uruvelā (nay gọi là Bodh Gaya, Bihar, nước Ấn Độ).

 

Đức Phật Gotama thuyết pháp tế độ chúng sinh suốt 45 năm.

- Năm 80 tuổi, Đức Phật Gotama tịch diệt Niết Bàn tại khu rừng Kusinārā (nước Ấn Độ), vào canh chót đêm rằm tháng 4 âm lịch, chấm dứt tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.



[1] Jātakaṭṭhakathā, Dūrenidāna  Sumedhakathā

[2] Bộ Apadāna, Buddhāpādāna, Pubbakammapiloti.

[3] Bộ Chú giải Jātakaṭṭhakathā, Buddhavaṃsaṭṭhakathā.




[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024